Màu Nền | |
Màu Chữ | |
Font Chữ | |
Cỡ Chữ | |
Style Combo | |
(1) Lục tục: Nối tiếp một cách tự nhiên, không phải sắp xếp trước.
(2) Nhảy lò cò: Nhảy bằng một chân từng quãng ngắn một, chân kia co lên.
(3) Mé: Phần ở phía ngoài cùng, ở mép của bề mặt một vật, một khu vực.
(4) Bê bết: Bị dây dính nhiều và chỗ nào cũng có.
(5) Lời nói từ tận tim gan: Những lời nói, ý nghĩ sâu kín.
(6) Thảng thốt: Hoảng hốt do tinh thần bị chấn động mạnh.
(7) Khóc thút thít: Tiếng khóc nhỏ, rời rạc.
__________________________________________________ ______________
“Ò ó o o…”
“Ò ó o o…”
Khi những tia sáng mặt trời đầu tiên bắt đầu ló dạng, từng tiếng gà gáy vang vọng báo hiệu một ngày mới đã bắt đầu.
Những cơn gió lả lướt mọi nơi, luồn qua những bụi hoa đầu ngõ, mang đến vẻ tươi mới và cả làn khí lạnh của buổi ban mai.
Tất cả cư dân trong vùng bắt đầu lục tục(1) thức giấc và bắt tay vào công việc của mình. Ngay cả những đứa trẻ cũng không ngoại lệ, chúng cũng phải rời đi chiếc giường ấm áp để bắt đầu phụ giúp gia đình.
Dần dần, những ánh nắng rạng rỡ cũng chiếu sáng cả vùng thôn quê này, lan tỏa từng chuỗi quang điểm tươi đẹp khắp mặt đất bằng phẳng.
Trên con đường phía đông ngôi làng nhỏ, bên dòng suối xanh mát, dưới ánh nắng ban mai dịu dàng, một đứa bé gái cột tóc đuôi ngựa, khuôn mặt trái xoan bầu bĩnh, quần áo mộc mạc vừa nhảy lò cò(2), vừa cất giọng hát trong trẻo đầy yêu đời.
“Trời xanh xanh, nước xanh xanh, đám mây cũng xanh xanh… La la la… Trời xanh xanh, nước xanh xanh, Tiểu Đóa cũng xanh xanh… Là lá la…”
“Đóa Đóa ngoan, Đóa Đóa hiền, Đóa Đóa dễ thương, Đóa Đóa thật thà, Đóa Đóa luôn vâng lời… La la la…”
“Trời xanh xanh, nước xanh xanh, Tiểu Đóa rong chơi và hát vang… La la la…”
“Là lá la… Tiểu Đóa thương mẹ nhất… La la la…”
“Đóa Đóa, chạy từ từ thôi con.”
Ở phía sau, một người phụ nữ có phần xinh đẹp, thân hình thon thả, khuôn mặt bảy phần giống đứa bé gái thốt lên. Khuôn mặt phụ nữ không có vẻ bầu bĩnh như bé gái, thay vào đó là gương mặt góc cạnh đã trải qua sự đời. Khuôn mặt người phụ nữ hoàn toàn không có vẻ tươi vui và yêu đời, thay vào đó là sự mệt mỏi và nét tang thương.
Nhìn bé gái, người ta chỉ cảm thấy đáng yêu và dễ mến. Còn nhìn người phụ nữ, gã đàn ông nào cũng khó cưỡng lại ý muốn tiến tới dang rộng vòng tay mà an ủi, vỗ về, bảo vệ.
“La la la… Tiểu Đóa luôn vâng lời… La la la… Tiểu Đóa sẽ chạy chậm lại… La la lá…”
“Tiểu Đóa chạy… Tiểu Đóa hát… La la la…”
Đứa bé vẫn tiếp tục đi tới, vẫn tiếp tục cất tiếng hát yêu đời. Người phụ nữ mỉm cười hạnh phúc bước theo sau.
Đột nhiên đứa bé khựng người lại, im lặng nhìn về mé(2) trái bên bờ suối đối diện. Sau đó hoảng sợ kêu lên:
“Mẹ, đằng kia có một đại thúc bị ngất kìa.”
Nghe đứa bé hốt hoảng, người phụ nữ giật mình nhìn sang.
Đằng đó, một người thiếu niên bê bết(3) máu, nằm bất động.
Thật lâu sau, nhìn người thiếu niên vẫn chưa có dấu hiệu tỉnh lại, người phụ nữ chạy thẳng tới chỗ đứa bé đang đứng. Nàng nhanh chóng bế đứa bé lên và bỏ chạy thẳng về phía ngôi làng.
“Mẹ, sao chúng ta không cứu đại thúc. Mẹ… Nhanh quay lại.” – Đứa bé nghi hoặc nói.
“Đừng nhiều chuyện, chúng ta về thôi.” – Người phụ nữ cốc đầu đứa bé và nặng giọng.
“Ui cha.”
Bị cốc đầu, đứa bé đau đớn nhăn nhó. Rồi nó không cam lòng nói:
“Mẹ. Cứ bỏ mặc đại thúc như thế thì đại thúc bị dã thú ăn mất.”
“Đóa Đóa ngoan. Đại thúc ấy đã chết rồi.” – Người mẹ lo lắng đáp, âm thanh có chút sợ hãi. Đồng thời nàng không ngừng chạy thẳng về ngôi làng.
Chốc lát sau, họ về đến. Người phụ nữ buông đứa bé xuống, thở dốc không ngừng.
Cách một bức tường rào đơn sơ, ở ngôi nhà bên cạnh, một vị lão nhân đã hơn lục tuần đang nhấm nháp thưởng thức chén trà trước cửa nhà, đang thoải mái hưởng thụ ánh nắng ban mai, có phần ngạc nhiên quay sang nhìn. Hắn buông chén trà đang nhấm nháp, đặt xuống bàn, và cất giọng hỏi:
“Ơ, Tiểu Liên và Tiểu Đóa đã về? Sao hôm nay lại về sớm thế? Không tiếp tục đi chơi sao?”
Rồi lão nhân nhìn thấy người phụ nữ đang tựa vào tường nhà thở dốc, hắn kinh ngạc hỏi:
“Tiểu Liên, có phải có chuyện gì xảy ra hay không?”
“Không. Không có chuyện gì đâu Cương thúc, chỉ là Tiểu Đóa hơi mệt nên cháu đưa nó về sớm.” – Phùng Liên thấp thỏm trả lời.
Gương mặt thoáng trở nên âm trầm, như nghĩ tới việc gì tệ hại, vị lão nhân hướng về người phụ nữ, bước thẳng đến bức tường rào, nghiêm khắc nói:
“Tiểu Liên, cháu đã gọi ta là Cương thúc thì cũng không thể xem ta là người ngoài. Có chuyện gì cháu cứ nói ra, thúc thúc ta đây có dốc cái mạng già này cũng sẽ đòi lại công bằng cho cháu, cháu không cần phải giấu giếm mà nhận tủi nhục một mình.”
Người phụ nữ hoảng hốt bác bỏ:
“Không… Không phải đâu Cương thúc. Thật sự là không có chuyện gì đâu.”
Nhìn vẻ hoảng hốt của người phụ nữ, vị Cương thúc bỗng chấn động, hắn cảm thấy sự việc có lẽ đã rất nghiêm trọng. Trong lòng trở nên nặng nề, hắn nhìn thẳng vào mắt người phụ nữ, giọng nói của hắn trở nên chua xót:
“Tiểu Liên, cháu không cần phải giấu, chúng ta đều đã biết cả rồi.”
“Không… Không phải như thúc nghĩ đâu.” - Người phụ nữ gấp gáp phủ nhận.
Dáng vẻ của Phùng Liên càng làm cho Ngũ Cương hoài nghi. U ám nghĩ tới việc đã xảy ra, lửa giận trong lòng hắn bộc phát. Nhưng với một kẻ già đời, hắn mỉm cười đầy vẻ cứng ngắc:
“Thật sự?”
“Thật sự.” – Người phụ nữ gật đầu xác nhận, thoáng chốc gương mặt nàng giãn ra, không còn vẻ miễn cưỡng như vừa rồi.
Lần này thì Ngũ Cương hoàn toàn khẳng định cái suy nghĩ của mình, chỉ thấy hắn đau lòng nói ra:
“Tiểu Liên, cháu việc gì phải khổ như vậy. Trưởng làng cũng đã nói rồi, nếu bọn chúng còn dám làm những chuyện xấu xa, đốn mạt, bỉ ổi với cháu thì cả cái làng này sẽ không tha cho chúng. Với cái lũ bất nhân ấy, chúng ta cần phải trừng trị, chúng nó dám làm thế với cháu mà cháu vẫn còn nhẫn nhịn và bao che hay sao? Cháu còn muốn chịu thêm tủi nhục đến khi nào? Cháu không nghĩ cho mình thì cũng phải nghĩ cho Tiểu Đóa?”
Dừng lại một chút, vị lão nhân đã qua lục tuần này trở nên run rẩy, vành mắt có chút ướt át, hắn đau đớn gầm thét:
“Còn A Lam thì sao? A Lam đến nay vẫn chưa có tung tích, nhưng nếu nó trở về mà biết cháu gặp những chuyện bại hoại như thế này thì cháu sẽ ăn nói như thế nào? Chúng ta những lão già này cũng biết ăn nói như thế nào? A a, nó chắc chắn chỉ vào mặt chúng ta mà phỉ nhổ. Nó vì bảo vệ quốc gia, vì bảo vệ mảnh đất yên bình này mà không màng khó khăn, gian khổ tham gia tòng quân. Nó vì bảo vệ quốc gia, vì bảo vệ cả cái làng này, vì bảo vệ những lão già sắp chết như chúng ta mà không màng nguy hiểm, không màng sống chết chém giết với quân thù.”
Nói đến đây cả người vị lão nhân run lên kịch liệt, hắn cất tiếng cười thảm:
“Ha ha… A Lam nó còn quá trẻ, nó vừa cưới được một người vợ xinh đẹp, nó chỉ vừa kết hôn, nó vẫn còn những ước mơ phía trước, thậm chí nó còn chưa kịp nhìn thấy đứa con nó chào đời… nhưng vì cái làng này nó ngậm ngùi bước đi. Ngày nó chào tạm biệt chúng ta, nhìn thấy cái nụ cười hiền lành nó vẫn treo trên khóe môi mỗi ngày, nhìn nó dứt khoát bước đi mà không có lấy một lần ngoảnh mặt nhìn lại là lòng ta đau như dao cắt. Tuy nó giấu kín nhưng chúng ta có thể nào không hiểu được? Chúng ta có thể nào không biết trong lòng nó là cỡ nào đau đớn, là cỡ nào sầu thảm.”
Càng nhớ tới, cảm xúc càng mãnh liệt, vị lão nhân nghẹn ngào khóc không thành tiếng.
“A ha ha ha… A Lam nó là anh hùng, còn chúng ta là sỉ nhục. Nó vì chúng ta mà trả giá thật nhiều, còn chúng ta đây? Chúng ta ngay cả gia đình của nó cũng không thể bảo vệ. Vợ nó bị chà đạp một quãng thời gian dài mà chúng ta còn không hay biết. Giờ đây, sau khi đã biết, nhưng vợ con nó lại tiếp tục bị ức hiếp, chúng ta có thể nào tha thứ cho mình? Ngươi nói đi Tiểu Liên. Trong lòng chúng ta liệu có thể yên ổn, chúng ta đám người già liệu có thể an lành mà sống tiếp?”
Càng nói vị lão nhân càng cao giọng, đến cuối cùng, nỗi phẫn nộ nhưng làn sóng cuộn trào đánh đổ tất cả ràng buộc, hắn thét to với giọng khàn khàn của tuổi già:
“Trớ trêu thay, chúng ta là sỉ nhục. Hổ thẹn thay, chúng ta là những kẻ vô ơn. Đau đớn thay, chúng ta là những người bất nghĩa. Nhục nhã thay, chúng ta là những kẻ nên chết nghìn lần vạn lần."
Nói đến đó, như mất hết sức lực, hắn ngồi bệt xuống đất, bi thương lắc đầu.
“Ha ha ha… Xót xa thay cái thế sự này. A Lam nó không nên đi. A Lam nó càng không nên vì đám người già khốn khiếp chúng ta mà trả giá như thế. Không đáng, thật không đáng mà.”
“A Lam. Thúc thúc có lỗi với ngươi.”
Nói xong, nước mắt không kiềm hãm được tuôn rơi, hắn gào khóc như một đứa trẻ.
Khi nghe vị lão nhân thét lớn, những người vẫn còn ở trong ngôi làng, trừ những người phải làm việc bên ngoài đều nghe thấy, họ kéo nhau chạy tới. Đến khi nghe hắn nói ra những lời từ tận tim gan(5), rồi thấy hắn gào khóc. Mọi người như cũng đã hiểu ra điều gì, trái tim cũng thật sâu rung động, nhiều người cũng bắt đầu rơi lệ, cũng có người quay mặt đi nơi khác che giấu khuôn mặt đầy nước mắt của mình.
Phùng Liên thảng thốt(6), chính nàng cũng không biết mọi người đã dành tình cảm cho chồng nàng, cho cái gia đình nhỏ bé của nàng nhiều như vậy. Nàng và Tiểu Đóa cũng không tự chủ được khóc thút thít(6).
Một lát sau, trong đám đông, vị trưởng làng da dẻ nhăn nheo, đầu tóc bạc đã rụng mất một phần lớn, vốn đang chống gậy, hắn bỗng nhiên đứng thẳng sống lưng. Với gương mặt đỏ bừng đầy giận dữ, hắn giơ thẳng cây gậy lên, lớn tiếng gào thét làm mọi người sực tỉnh:
“Đi. Chúng ta không thể làm ngơ. Hôm nay ta phải giết chúng. Hôm nay dù bỏ đi cái mạng già này ta cũng phải lấy mạng chó của cái lũ chó má kia. Có chết chúng ta cũng phải cho A Lam một cái công đạo.”
Lời nói của hắn như bệnh dịch nhanh chóng thấm sâu vào trái tim mỗi người xung quanh. Bọn họ lập tức hưởng ứng.
“Chết tiệt. Hôm nay nhất định phải giết chúng.”
“Giết chúng. Phải giết chúng.”
“Nhanh đi cầm gậy, nhanh đi tìm chúng.”
“Giết. Giết lũ bại hoại.”
Dòng người như cơn lũ ầm ầm dậy sóng. Kẻ vác gậy, kẻ cầm cuốc, kẻ nắm xẻng, kẻ tiện tay cầm viên đá, kẻ hung hãn cầm dao… Sau khi tản ra tìm vũ khí, họ bắt đầu tập kết tại trước cổng thôn để chuẩn bị cho một cuộc đồ sát.