Màu Nền | |
Màu Chữ | |
Font Chữ | |
Cỡ Chữ | |
Style Combo | |
*Chương này có nội dung ảnh, nếu bạn không thấy nội dung chương, vui lòng bật chế độ hiện hình ảnh của trình duyệt để đọc.
Dịch: Trâu Lười
A Kiều ở trong nhà bác nên thường xuyên nấu cơm, nhưng đều là Kim thị nói gì cô làm cái đó, A Kiều chưa từng được nấu theo khẩu vị của mình.
Hôm nay cả nhà bác đều ra ngoài, chắc tầm chiều tối mới về. Đối với A Kiều mà nói, hôm nay là một ngày rất thoải mái.
Rảnh rỗi không có gì làm thì đọc sách, thêu thùa. Nhưng bỗng nhiên buổi trưa A Kiều thèm ăn ngó sen hấp gạo nếp đường.
Cô xuống bếp ngâm gạo nếp trước 1 tiếng, sau đó rửa sạch ngó sen, cắt một đầu rồi rửa thêm một lần nước nữa. Cuối cùng cô nhồi gạo nếp vào mấy cái lỗ bên trong ngó sen. Có thể làm chuyện mình thích nên tâm tình của A Kiều rất vui vẻ. Thỉnh thoảng cô lại ngâm nga hát một bài dân ca Giang Nam, sau khi hát xong, A Kiều bê nồi hấp ngó sen sang một bên để chuẩn bị nấu nước đường đỏ và mật ong.
Sau khi chuẩn bị đầy đủ, A Kiều bắt đầu nhóm lửa nấu ngó sen, trong nồi hấp bắt đầu bay ra vị ngọt của đường đỏ và mật ong. Bỗng nhiên ngoài sân truyền đến tiếng gõ cửa.
Có người đến tìm bác trai sao?
Cô cho thêm mấy cây củi để giữ lửa rồi vỗ bụi trên người, sau đó chạy ra cổng. Hai tấm ván gỗ ở giữa cửa cổng có một khe hẹp nhỏ, nhìn qua khe hẹp, A Kiều thấy một người tóc bạc trắng tầm 60 tuổi, trong tay bà cầm một cái bát sứ to.
A Kiều còn đang đoán thân thận của đối phương, bà lão đứng bên ngoài đã nhìn qua khe cửa cười với cô: “Là A Kiều đúng không? Bà là bà nội của quan gia Triệu ở sát vách, vừa nãy nha hoàn bảo trong nhà hết gạo, bây giờ là giữa trưa không kịp đi mua nên bà đành mặt dày sang vay A Kiều một bát gạo. Cháu yên tâm, nấu cơm xong bà sẽ bảo người đi mua về trả cháu ngay.”
Bà lão vừa mở miệng nói, A Kiều liền nhận ra giọng nói của bà. Dù sao ngày nào bà Triệu cũng mắng Thúy Nương vài câu nên cô nghe nhiều cũng quen.
Quan gia Triệu có ơn với cô, trong lòng A Kiều rất cảm kích nên cô cũng kính trọng bà nội của hắn.
A Kiều nhanh nhẹn mở cửa mời bà Triệu vào, cô không tự nhiên nói: “Một bát gạo mà thôi, bà cứ lấy về ăn đi, không cần trả lại đâu ạ.”
“Vậy sao được chứ, gạo nhà ai cũng không phải tự nhiên có, bà vay thì nhất định phải trả.”
Ngoài miệng bà Triệu nói mấy câu, còn đôi mắt nhỏ sáng ngời lại nhìn chằm chằm gương mặt A Kiều giống như đang chọn lựa đồ vật gì đó.
Bà tới đúng lúc A Kiều đang nhóm lửa nấu cơm, gương mặt nhỏ nhắn ngồi trước bếp lửa phiếm hồng giống như thiếu nữ xinh đẹp uống rượu đỏ mặt, tăng thêm mấy phần quyến rũ. Gương mặt của A Kiều giống như tiên nữ, làn da trắng nõn mềm mại không có một cái mụn hay vết sẹo nào. Đôi mắt hạnh trong veo sáng rỡ như biết nói chuyện, môi anh đào đỏ tươi giống như muốn mời người ta cắn nó.
A Kiều ở trong lầu Hoa Nguyệt luôn mặc váy vóc tơ lụa mà tú bài sai người làm riêng cho cô, đến khi trở về nhà họ Chu thì trượt dốc không phanh, trên người chỉ có thể mặc váy vải đã cũ. Người bình thường dựa vào trang phục để đẹp, nhưng đã là mỹ nhân thì mặc cái gì cũng đẹp. Nhìn dáng người kia đi, thân hình mảnh khảnh như cành liễu, chỉ cần đứng một chỗ cũng thấy duyên dáng thướt tha, còn vòng eo thì nhỏ nhắn tôn lên bộ ngực sữa căng tròn.
Lần này bà Triệu mượn cớ đến vay gạo để nhìn A Kiều nên bà phải nhìn cẩn thận rồi.
A Kiều tốt bụng cho bà vay gạo nhưng mà bà lão vừa vào cửa liền nhìn chằm chằm cô. Ánh mắt đó không khác gì mấy người phụ nữ tò mò hiếu kỳ đến dò xét cô, họ đều muốn xem cô gái từ kỹ viện ra như thế nào thôi.
A Kiều không thích ánh mắt dò xét như này.
Cô cúi đầu cầm bát của bà Triệu: “Bà chờ ở đây một chút, cháu vào phòng bếp lấy gạo cho bà ạ.”
“Được, bà già này cảm ơn cháu.” Bà Triệu đáp ứng sảng khoái, A Kiều vừa quay người đi, bà lập tức đi theo sau cô rồi nhìn chằm chằm bóng lưng đó. Vòng eo A Kiều nhỏ nhắn, lúc bước đi lộ ra cái mông căng tròn đầy đặn, bà Triệu vừa nhìn liền thở dài tiếc hận, đây là hạt giống sinh đẻ tốt đó, nhưng đáng tiếc lại bị tú bà lầu Hoa Nguyệt bắt uống thuốc không sinh được con nữa.
Trong lúc bà suy nghĩ, A Kiều đã đi vào trong bếp.
Bà Triệu đứng trước cửa phòng bếp hít mũi ngửi ngửi, bà nhìn cái nồi đang đóng nắp kín cười hỏi: “Thơm quá, A Kiều nấu món gì trong nồi vậy?”
A Kiều quay ra cửa bếp nhìn, cô múc một bát gạo rồi nói: “Trong nhà còn một đoạn ngó sen, nếu không ăn nhanh sẽ hỏng nên cháu làm ngó sen hấp gạo nếp đường.”
Bà Triệu cười tủm tỉm khen: “Cháu còn biết làm ngó sen hấp gạo nếp đường à, A Kiều thật giỏi.”
Trong lòng bà lại nghĩ, mặc dù A Kiều bị người mợ bắt nạt cực kỳ đáng thương nhưng thật ra nó cũng là một người gian xảo. Thừa dịp cả nhà bác trai không ở đây liền làm đồ ăn ngon như này. Ngó sen là đồ bình thường nhưng gạo nếp, mật ong và đường đỏ đều là đồ đắt tiền, nhà bình thường phải chờ đến ngày lễ tết hoặc trong nhà mở tiệc đãi khách mới ăn. Nhưng A Kiều thật là gian xảo, cô sợ bà nói ra ngoài nên cố ý bảo ngó sen phải ăn nhanh không hỏng.
Mượn cớ vay gạo, bà Triệu đã thăm dò được mấy phần tính cách của A Kiều.
Đẹp thì đẹp đấy, có thể kéo tâm tư của cháu trai từ bên mấy người đàn ông kia quay về, nhưng phương diện khác phải nhìn kỹ hơn. A Kiều này vừa gian xảo vừa lãng phí, nó còn phá của hơn Thúy Nương nhiều.
…
“Lão thái thái, bà nhìn thấy chị A Kiều rồi chứ, thế nào ạ, có phải đẹp như tiên nữ không?”
Bà Triệu vừa về đến nhà, Thúy Nương liền đuổi theo nghe ngóng tình hình.
Bà Triệu ầm ừ, bà đưa bát gạo cho cô: “Mày làm như mày nhìn thấy tiên nữ rồi vậy.”
Thúy Nương không nhịn được bĩu môi: “Xem bà nói kìa, chẳng lẽ bà gặp ai đẹp hơn chị A Kiều rồi sao?” Thúy Nương cảm thấy chị A Kiều đẹp như tiên nữ vậy.
Bà Triệu nghe thấy lời Thúy Nương nói thì sắc mặt đột nhiên chìm xuống.
Bà nghĩ đến con dâu cả Liễu thị và cháu gái Hương Vân.
Liễu thị cũng là con nhà nghèo, bà chưa từng vào lầu Hoa Nguyệt nên làn da đen hơn A Kiều, dáng vẻ cũng không bằng A Kiều nhưng bà cũng là cô gái xinh đẹp nhất ở mấy thôn xung quanh. Sau khi lớn lên, một đống đàn ông xếp hàng tranh nhau muốn cưới Liễu thị, cuối cùng nhờ con trai cả có bản lĩnh, không biết dùng cách gì mà dỗ được Liễu thị cam tâm tình nguyện gả cho thằng bé.
Năm đó thiên tai ập xuống, nhà nào cũng không chịu đựng nổi. Lúc đấy lão viên ngoại tới tìm bà Triệu nói chuyện cưới Liễu thị làm vợ, ông nói chỉ cần bà Triệu thúc đẩy được chuyện này thì ông sẽ cho bà một danh sách sính lễ phong phú.
Bà Triệu đến hỏi ý của Liễu thị, Liễu thị không muốn gả nhưng bà sợ con trai và con gái phải chịu khổ. Vì Yến Bình và Hương Vân, cuối cùng bà gật đầu chấp nhận. Thật ra bà Triệu không ép buộc gì con dâu nhưng người trong thôn ghen tỵ đống sính lễ mà viên ngoại cho bà nên họ mồm năm miệng mười vu oan nói bà ép con dâu gả cho ông già. Lúc đó cháu trai còn nhỏ nên vừa nghe thế liền tin, từ đó thằng bé không bao giờ cười với bà nữa.
Còn có cháu gái Hương Vân, con bé cũng thừa hưởng nét đẹp của mẹ nên từ nhỏ đã là một cô bé xinh xắn, nếu lớn lên chưa chắc thua A Kiều. Đáng tiếc Hương Vân còn khổ hơn A Kiều, con bé bị đôi vợ chồng con thứ hai lòng dạ hiểm ác bán đi nơi khác, bao nhiêu năm trôi qua cũng không có tin tức gì.
Thúy Nương gợi lên chuyện đau lòng, bà Triệu ngẩn người đi vào trong phòng, cơm trưa cũng không ăn.
Nghỉ ngơi hết buổi trưa, bà Triệu lại khôi phục tinh thần.
Đời này bà chịu khổ rơi nước mắt nhiều rồi, đến già còn nghĩ lại chuyện xưa thì sống thế nào đây?
Bà Triệu bảo Thúy Nương sang nhà sát vách trả gạo. Thật ra bà Triệu không muốn trả bởi vì năm đó Kim thị suýt nữa làm bà tức chết, bà lấy một bát gạo của Kim thị thì tính là gì chứ. Nhưng bà Triệu lo lắng Kim thị sẽ đi chửi A Kiều vì bát gạo này, vậy thì bà làm liên lụy người tốt rồi.
Không nói những cái khác, A Kiều thoải mái cho bà vay gạo đã nói rõ con bé này vẫn tốt, cùng lắm thì hơi láu cá mà thôi.
…
Hôm sau chính là ngày 15 tháng 8, nha môn được nghỉ nên Triệu Yến Bình có thể nghỉ ngơi hai ngày ở nhà.
Bà Triệu giữ kín chuyện chờ đến chạng vạng tối, bà bảo Thúy Nương bê bàn ăn ra sân sau. Trên bàn có cháo và bánh trung thu, bà Triệu gọi cháu trai, hai bà cháu vừa ăn cơm vừa ngắm trăng.
Người nho nhã có rất nhiều cách để ngắm trăng, bà Triệu không biết mấy chữ, bảo bà ngắm bà chỉ biết trăng rằm vừa tròn vừa sáng, còn cái khác thì bà chịu.
Bà Triệu quay sang nhìn cháu trai.
Triệu Yến Bình không ăn bánh trung thu, trước mặt hắn có một bình rượu, hắn bình tĩnh rót rượu uống một mình, trên mặt làm gì có tý không khí vui mừng nào chứ?
“Cháu nhớ mẹ hay nhớ em gái cháu?” Đột nhiên bà Triệu hỏi.
Cái tay đang rót rượu của Triệu Yến Bình dừng lại, hắn nhìn thoáng qua bà Triệu.
Từ lúc con dâu cả tái giá, cháu gái “mất tích”, bà Triệu sợ gợi lên nỗi đau và oán hận của cháu trai nên chưa bao giờ nhắc đến chuyện này. Tối nay là lần đầu tiên bà chủ động nói đến sau nhiều năm qua đi.
Bà Triệu lấy bình rượu trong tay cháu trai rồi tự rót cho mình một chén, bà buồn bực uống hết một chén.
Triệu Yến Bình nhíu mày, thấy bà Triệu còn muốn uống, hắn vội lấy lại bình rượu rồi nói: “Rượu này rất nặng, bà uống ít thôi.”
Bà Triệu lại lấy một cái bánh trung thu cắn một miếng, trong lòng bà có rất nhiều điều muốn nói nhưng bà cảm thấy cháu trai không tin nên bà đành phải nuốt bánh trung thu ngọt ngào kèm theo chuyện xưa xuống bụng.
Ăn bánh trung thu xong, bà Triệu uống thêm bát cháo rồi lau mồm nói với cháu trai: “Cháu không muốn lấy vợ, cũng không chịu nói lý do cho bà biết. Bà nội lớn tuổi, không quản được cháu nữa, nhưng cháu cũng từng tuổi này rồi, cháu thì vui vẻ nhưng bên ngoài lại đồn ầm lên, có người còn nói thân thể cháu có chỗ không nói được!”
Triệu Yến Bình thờ ơ, hắn bình tĩnh khuyên bà nội: “Thân thể của cháu rất tốt, những cái kia chỉ là tin đồn mà thôi, bà đừng để ý.”
Bà Triệu trừng mắt: “Bà có thể không để ý sao? Bà vất vả nuôi cháu lớn, người bên ngoài nói cháu nửa câu cũng không được, bà mà nghe sẽ cảm thấy lòng mình còn khó chịu hơn cả việc họ mắng bà!”
Triệu Yến Bình đoán bà nội đang nghĩ cách thúc giục hắn lấy vợ nên im lặng không nói gì.
Bà Triệu lườm nguýt hắn, bà đè thấp giọng nói: “Hai ngày trước bà ra ngoài thấy cháu gái A Kiều của Chu tú tài, cô gái nhỏ rất xinh nha. Bà nội càng nghĩ càng thấy cô bé bị mợ hành hạ quá đáng thương, đúng lúc cháu lại không muốn lấy vợ, không bẳng để bà đón A Kiều về làm thiếp cho cháu đi. Chúng ta vừa có thể giúp con bé vừa có thể giải thích lời đồn về cháu, cháu xem được không?”
Triệu Yến Bình nhíu mày nói: “Không phải bà nói Chu tú tài muốn tìm một người chồng cho cô ấy sao?”
Bà Triệu cười nhạo: “Chu tú tài nghĩ hay lắm, cháu gái ông ta từng làm kỹ nữ, còn không sinh đẻ được, ngoại trừ làm thiếp thì còn làm gì được chứ. Mấy nhà ít người thì muốn nạp thiếp để thiếp thất sinh con, chỉ có mấy ông già nhiều tiền háo sắc mới coi trọng con bé thôi. Nhưng hết lần này đến lần khác con bé lại không muốn gả cho mấy người đó.”
Nếu nói như vậy thì con đường phía trước của cô ấy thật sự ảm đạm, thể nào đêm đó cô lại có ý định tự tử.
Triệu Yến Bình im lặng.
Bà Triệu thấy có hy vọng thì nói tiếp: “Mặc dù nhà chúng ta nghèo nhưng chỉ cần con bé chăm sóc tốt cho cháu thì bà cam đoan không đánh, không mắng con bé. Cháu thì không cần phải nói rồi, mặt lạnh tim nóng, chắc chắn không để con bé chịu khổ đúng không? Cho nên con bé có thể vào nhà chúng ta chính là đi hưởng phúc, hai bà cháu mình cứu con bé thoát khỏi bể khổ cũng coi như làm một việc công đức, có lẽ công đức này có thể phù hộ cho em gái cháu gặp được người tốt.”
Triệu Yến Bình không vui khi nghe bà nội lấy em gái ra làm lý do thuyết phục hắn, hắn lạnh lùng nói: “Bà muốn nạp thì nạp, đừng kéo Hương Vân vào.”
Hắn nói xong liền đứng dậy đi về phòng phía đông.
Bà Triệu nhìn bóng lưng cháu trai nhanh chóng rời đi, trong lòng bà vừa cảm thấy được như ý vừa cảm thấy đau khổ. Thằng nhóc không có lương tâm, bà làm như vậy là vì ai? Còn không phải vì nó sao!”