Màu Nền | |
Màu Chữ | |
Font Chữ | |
Cỡ Chữ | |
Style Combo | |
*Chương này có nội dung ảnh, nếu bạn không thấy nội dung chương, vui lòng bật chế độ hiện hình ảnh của trình duyệt để đọc.
Những bức thư do các bạn nhỏ gửi đều không dài.
Nhiếp Chấn Hoành ngồi trên chiếc ghế ngay trước mặt Lâm Tri, tựa vào lưng ghế, đọc cho cậu nghe từng câu chuyện của các bé bằng chất giọng trầm thấp ôn hòa. Còn Lâm Tri thì nằm nghiêng trên bảng vẽ, gối cánh tay, dỏng tai im lặng nghe người đàn ông đọc từng lá thư.
Hai người cứ một người đọc, một người nghe như thế.
Cho đến khi hoàng hôn ngoài kia buông xuống, màn đêm kéo rèm, Nhiếp Chấn Hoành đã đọc xong vài chục bức thư được sắp đầy mấy trang giấy.
Anh nâng chén trà lên uống miếng nước cho nhuận hầu, dời mắt khỏi trang sách, chợt phát hiện Lâm Tri đang nằm trên bảng vẽ nghe anh đọc sách đã khép đôi hàng mi, thở đều đều, như thể đang chìm trong mộng đẹp.
Nhiếp Chấn Hoành không khỏi bật cười.
Anh đang kể chuyện trước khi đi ngủ đấy à? Còn làm người ta thiếp đi luôn này.
Ở tiệm tạp hóa kế bên, Trương Thúy Phương đã bắt đầu bưng thức ăn ra ngoài, gọi con trai và chồng xuống ăn tối. Nhiếp Chấn Hoành nhìn con cá gần như không còn giãy giụa treo trên vách tường, cũng đứng dậy bắt đầu dọn dẹp.
Dịch dụng cụ, nhấc thùng gỗ, xếp những đôi giày đã sửa xong chỉnh tề trên giá, ra sân sau khóa cánh cửa nhỏ lại.
Làm xong hết thảy, Nhiếp Chấn Hoành mới nhẹ nhàng lay Lâm Tri dậy, “Dậy ăn đã. Ăn tối xong thì ngủ tiếp.”
“… Vâng.”
Lâm Tri mở mắt ra, ngáp một cái.
Cậu nhấc tay lên định dụi đôi mắt cập kèm, nào ngờ lại phát hiện mình dụi ra toàn mảnh vụn màu hồng, rơi lả tả theo động tác tay.
—— Đó là lớp màu còn chưa khô trên bảng vẽ. Ban nãy cậu nằm đè lên đó, nên chúng dây vào tay và má cậu.
“Đừng dụi nữa.”
Nhiếp Chấn Hoành cũng thấy thế, vội vàng chặn cổ tay Lâm Tri lại, “Cẩn thận rơi vào mắt.”
Anh rút vài tờ giấy ra từ bàn để dụng cụ, đi đến bồn rửa tay dấp nước vào, ấn lên mặt Lâm Tri mà lau. Màu acrylic khô rồi thì rất khó lau, Nhiếp Chấn Hoành lau mãi mà mới chỉ hết lớp ngoài.
(Màu Acrylic được tạo nên từ những sắc tố có nguồn gốc khoáng và hữu cơ, đây là loại màu gốc nước, được ứng dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực, có thể sử dụng để vẽ lên tường, lên giày, laptop hay vẽ các loại áo thun, vẽ lên ly thủy tinh và rất nhiều ứng dụng khác. Phần này có thể là sai lệch kiến thức của tác giả, vì màu acrylic rất khó tẩy trên chất liệu vải, nhưng nếu dính lên da và đã khô thì nó cô lại như keo, lau nhẹ bằng khăn ướt là sẽ bong ra.)
Cậu thanh niên ngồi trên ghế có vẻ hoàn toàn tin tưởng anh, cậu ngửa đầu, không hề phản kháng, để mặc cho anh muốn làm gì thì làm.
Hình như dạo này ăn uống tốt, nên cậu nhóc béo lên rồi. Hai bên má vốn gầy gò hốc hác đã có thêm ít thịt, gương mặt dưới ánh đèn vừa thanh tú lại vừa ngoan ngoãn.
Tựa một cái bát bằng sứ trắng, nhưng có thêm hoa đào của mùa Xuân.
Ánh mắt Nhiếp Chấn Hoành hấp tấp dịch khỏi khuôn mặt Lâm Tri, đưa về hướng bảng vẽ bên cạnh.
Anh hóa thoáng rung động bị đè xuống rồi lại trồi lên ban nãy thành câu đùa, ấn lên má cậu thanh niên, “Nửa quả đào dính cả lên mặt em rồi này.”
Bức tranh dang dở đang được kẹp trên bảng vẽ.
Đó là một sọt tre đựng đầy những quả đào mật.
Lâm Tri luôn nghĩ gì vẽ đó. Dạo này trời càng lúc càng nóng, Nhiếp Chấn Hoành đã mua khá nhiều trái cây từ sạp nhà Lão Chu, để trong cửa hàng, tới chiều phơi nắng thì thi thoảng ăn một quả, giải nhiệt cho hai người.
Vì thế, ngày nào Lâm Tri cũng được ăn rất nhiều màu sắc sặc sỡ.
Màu vàng quả quýt, màu tím thanh mai, màu trắng của vải. Mấy nay người ta đang bày đào mật, cậu lại được gặm mấy quả đào hồng hồng giòn tan.
Thơm thơm, ngòn ngọt.
Bức tranh trên giấy vẽ, chính là cảnh tượng bình thường mà Lâm Tri nhìn thấy khi cậu tiện thể qua bên kia đường mua đồ sau bữa trưa hôm qua cùng Nhiếp Chấn Hoành.
Những quả đào tươi mới hái xuống từ trên cây được bày thành từng ô xen kẽ trước sạp hoa quả, nhiều quả còn chất đầy trong giỏ tre bên cạnh. Chúng cực kỳ giống những đứa bé béo tròn mũm mĩm, chen chúc, dẩu mông lên thành cả đống trăng trắng mềm mềm, theo cùng màu hồng đậm nhạt khác nhau.
Giữa ngày Hè oi bức, chỉ ngắm thôi đã thấy vị ngọt ngào mát lạnh ùa tới trước mặt.
“Sao càng lau lại càng nhoét ra thế này…”
Lau mãi lau mãi, cuối cùng lớp màu vẽ hồng như nhuộm thắm làn da Lâm Tri, hây hây như má hồng của người con gái. Nhiếp Chấn Hoành lau mấy lần, dứt khoát quẳng giấy đi, “Lát về dấp nước ấm lên.”
Anh bổ sung thêm trong lòng, không dám lau thêm nữa.
“Đi thôi, đóng cửa nào.”
Gọi Lâm Tri đứng dậy ra ngoài xong, Nhiếp Chấn Hoành tắt đèn trong tiệm. Anh đi tới cạnh cửa, nhấc cánh tay lên, giữ tay nắm cửa cuốn cũ xì kéo mạnh một cái. Tiếng lách cách vang rền, tiệm sửa giày được khóa lại.
“Về làm bữa canh cá đơn giản thôi.”
Lấy đồ ăn xong, Nhiếp Chấn Hoành khập khiễng bước xuống thềm, từ tốn đưa cậu tùy tùng theo sau về khu nhà. Lâm Tri chậm chạp bước sau anh một bước, ngoan ngoãn đáp “Vâng”.
Đèn đêm lướt qua hai người, vùng sáng loang loáng rớt vào đáy mắt Lâm Tri, tựa như ánh sao trồi lên từ mặt hồ.
*
Hồi nhỏ, Nhiếp Chấn Hoành cực ghét ăn cá.
Mẹ anh tính tình tùy tiện, bếp núc cũng vụng thối vụng tha, lần nào nấu cá cũng tanh lòm, vậy nên trong lòng cậu nhóc Nhiếp Chấn Hoành, cá là một món rất kinh.
Về sau chị gái anh yêu một đầu bếp. Ban đầu hai cụ nhà anh chỉ trời thề thốt nhất định không đồng ý cho hai đứa lấy nhau. Sau này anh đầu bếp nọ đến nhà anh nấu mấy bữa, là hoàn toàn chinh phục được ông bà Nhiếp.
Hiện giờ, đầu bếp ấy đã thành anh rể của anh, còn có đứa thứ hai với chị gái anh rồi. Ông bà Nhiếp đã chuyển qua ở nhà con gái để bế cháu giúp, nên mới bớt lải nhải rầy la bên tai Nhiếp Chấn Hoành.
Hồi chân Nhiếp Chấn Hoành mới bị thương, anh sống cực kỳ tiêu cực mất một khoảng thời gian khá dài.
Sau khi xuất viện, chị anh đón anh về nhà ở tạm một thời gian để tiện chăm sóc, nhưng Nhiếp Chấn Hoành sống y hệt cái xác không hồn, hầu như ngày nào cũng chết dí trên giường. Gia đình đã khuyên nhủ, cũng an ủi rất nhiều rồi, nhưng bản thân Nhiếp Chấn Hoành không nghĩ thông được, thì người khác có muốn giúp cách mấy cũng khó lòng giúp được anh.
Anh rể Vương Hạo tuy không có bằng cấp cao, chỉ làm nghề đầu bếp, nhưng có cách nhìn đời rất thông suốt. Vương Hạo không nói gì nhiều nhặn với Nhiếp Chấn Hoành, nhưng mỗi lần nấu ăn, anh ấy đều gọi Nhiếp Chấn Hoành ra khỏi phòng, giúp anh ấy nhặt rau, hoặc lấy hộ lọ gia vị.
Dạo đó, Nhiếp Chấn Hoành còn ngồi xe lăn.
Lúc ấy anh mới ngã từ voi xuống chó, tâm trạng ủ dột, không muốn ra ngoài cũng chẳng muốn chuyện trò. May mà anh rể không nói mấy thứ đạo lý cuộc đời to lớn với anh, mà chỉ đẩy anh vào bếp, rồi chuyên tâm nấu ăn ở quầy bếp của mình.
Dù sao cũng là đầu bếp, nên kỹ thuật dùng dao của Vương Hạo rất thiện nghệ. Ớt xanh, khoai tây, tảng thịt, củ cải… Bất kể thứ đồ ăn gì lên thớt của anh ấy, thì chỉ sau một chuỗi xoèn xoẹt cành cạch, là đã trở thành từng miếng hoặc sợi chỉnh tề đều tăm tắp.
Nhiếp Chấn Hoành quan sát lâu dần, lòng cũng từ từ lắng lại. Nhất là lúc nhìn anh rể nhấc muôi nhẹ nhàng và vững vàng, một đĩa đồ ăn đẹp thơm ngon lành ra khỏi nồi chỉ trong chớp mắt, cảm giác ngột ngạt không thể cởi bỏ trong lòng anh lập tức thuyên giảm đi rất nhiều trước mùi thơm của cơm gạo thức ăn.
“Trời đất bao la, ăn là quan trọng nhất.”
Anh rể múc thức ăn, bảo anh mang ra bàn cơm, thuận miệng nói vậy.
Trong gia đình họ Nhiếp, kể từ ông Nhiếp trở đi, việc nội trợ về cơ bản đều do đàn ông làm. Đến đời anh rể Vương Hạo, anh ấy cũng kế thừa truyền thống tốt đẹp này, không để chị Nhiếp phải xuống bếp bao giờ.
Việc rửa rau nấu cơm đều được cánh mày râu thầu hết. Tới giờ cơm lên bàn, có thịt có rau có canh, ăn vào trong bụng, ấm áp thoải mái, có tư có vị.
Trong khoảnh khắc ấy, Nhiếp Chấn Hoành bỗng nhiên phát hiện, hình như chẳng có gì quan trọng bằng việc có cái ăn.
Trên cõi đời này, người ta đến tay không, mà đi cũng tay trắng. Nếu thật sự có điều gì phải trải qua trong hành trình tại thế giới này, thì chỉ có thể là mấy hương vị chua ngọt, đắng cay.
Anh đã được hưởng ngọt ngào sướng vui rồi, giờ cũng nuốt hết cực khổ đắng cay vào bụng.
Một khi đã vậy, sao không bình tâm lại mà sống thản nhiên, nếm thêm những món mình thích?
Về sau, Nhiếp Chấn Hoành học được tay nghề nấu nướng từ anh rể.
Anh cũng phát hiện thật ra có cách làm cá không tanh tẹo nào. Chỉ với mấy gia vị trong nhà, là ta có thể dễ dàng làm ra một bát canh cá thơm nức ngon lành.
“Xèo xèo ——”
Con cá trích được phủ một lớp bột khô trượt vào chảo gang đã thoa dầu. Tiếng nước và dầu chạm vào nhau nghe như một nốt nhạc lanh lảnh, nhảy lên trong gian bếp nho nhỏ.
Nhiếp Chấn Hoành cầm xẻng thức ăn, chờ vàng mặt nọ thì nhanh tay giở mặt kia, khiến thịt cá được bao vây trong lớp dầu cực nóng, cho đến khi cả con cá đã săn lại dưới đáy chảo, vây đựng đứng lên.
Lò xo báo nước sôi của chiếc ấm gia dụng nhảy lên đúng lúc này. Nhiếp Chấn Hoành nhấc ấm lên đổ nước vào chảo, để nước bao phủ cá.
Gừng thái lát sẵn đã nằm trên thớt, anh cầm mấy lát thả vào chảo, rồi chỉnh lửa đến mức lớn nhất. Chỉ trong chớp mắt, nước canh trong suốt bắt đầu sôi trào và chuyển qua màu trắng.
“Rồi đấy, anh xào thêm đĩa rau, lát nữa là ăn được thôi.”
Bấy giờ Nhiếp Chấn Hoành mới có thì giờ để nói chuyện với Lâm Tri.
Anh ra hiệu cho cậu thanh niên mang mớ rau muống đã rửa sạch để ráo trong bồn ra bàn cơm ở phòng khách ngoài kia, ngồi xuống hướng dẫn cậu cùng nhặt rau.
Ở Tây Nam người ta gọi rau muống là rau dây, vì nó sinh trưởng trên mặt đất như dây mây, mọc thành từng cụm, nên mới có cái tên địa phương như thế.
Cách lặt rau thông thường là ngắt một dây dài tầm 30-40cm thành những đoạn ngắn, để cả cọng, xào trên lửa lớn với tỏi xắt lát và ớt khô. Chưa tới hai ba phút sau, một nồi rau dây thơm ngào ngạt, giòn mềm, nồng hương tỏi đã có thể bắc ra khỏi nồi.
Không chỉ có vị tươi mới mềm mại của lá rau, mà còn hòa quyện thêm hương ớt cay nồng, phối hợp với những lát tỏi giòn giòn hơi ngả vàng. Cắn một miếng, cọng rau xanh mướt giòn tan sần sật trong miệng. So với món mặn, thì ăn rau xào không cũng có cái hay rất riêng.
Hai người đều rửa sạch tay, Nhiếp Chấn Hoành cầm một cái chậu không qua để bỏ rau đã nhặt vào, rồi bắt đầu thuần thục ngắt từng cọng rau.
Lâm Tri ngồi cạnh quan sát thật nghiêm túc vài lần, sau đấy mới lấy mấy cọng rau qua đặt trước mặt mình.
Răng rắc.
Răng rắc.
Trong một thoáng, căn phòng chỉ có âm thanh nền từ bản tin đang phát trên TV, và tiếng răng rắc của cọng rau bị bẻ gãy.
Nhiếp Chấn Hoành chợt có cảm giác hơi quen thuộc.
Trong trí nhớ của anh, hồi nhỏ, mỗi lần tan học về nhà, bố anh cũng hay ôm một rổ rau thế này, mặc quần đùi, vừa xem TV vừa nhặt rau. Mẹ anh đeo kính, ngồi cạnh đấy khâu vá đan móc. Thi thoảng, món canh trong nồi lại sôi ùng ục, tỏa ra hương thơm ngon lành.
Khắp căn nhà tràn ngập hương vị gia đình.