Saved Font
  1. mTruyen.net
  2. Tiểu Thuyết Tâm Lý Xã Hội: Mầm Xanh
  3. Chương 1-2
Trước /53 Sau

Tiểu Thuyết Tâm Lý Xã Hội: Mầm Xanh

Chương 1-2

Màu Nền
Màu Chữ
Font Chữ
Cỡ Chữ
Style Combo

1.

"Hãng hàng không VN Air.S xin thông báo, chuyến bay mang số hiệu VCS-093H8, khởi hành từ đảo Côn Sơn(*) đến thành phố Nguyễn Tất Thành(**), vào lúc 14:00 giờ Đông Dương sắp hạ cánh tại sân bay TSN(***) trong vòng năm phút nữa..."

Toàn bộ đèn viền đều đồng loạt được bật sáng lên. Tôi ngồi thẳng lưng dậy, trong khi các chị tiếp viên đang nhắc nhở tất cả hành khách tại khoang thương gia gấp bàn xếp, đóng cửa sổ.

"Xin nhắc lại,

Hãng hàng không VN Air.S xin thông báo, chuyến bay mang số hiệu VCS-093H8,

khởi hành từ đảo Côn Sơn đến thành phố Nguyễn Tất Thành, vào lúc 14:00 giờ Đông Dương sắp hạ cánh tại sân bay TSN trong vòng năm phút nữa..."

Kéo lớp nhựa che kín, nhưng tôi đã nhìn thấy toàn quang cảnh từ trên cao. Sài Gòn đã nằm bên dưới, nhộn nhịp và ồn ào đón nắng và trời xanh. Có âm thanh kéo dài làm tai tôi bị ù đi. Máy bay đang hạ cánh. Tôi cảm nhận được sự va chạm lên mặt đất dồn dập, gập ghềnh. Bởi vì là lần đầu tiên, tôi đã vô cùng hào hứng, hồi hộp và giờ thì hơi thấp thỏm. Chiếc máy bay dường như vẫn chạy một quãng dài rồi mới dừng hẳn. Như cách nó đã từ từ lấy đà rồi vút cao...

Hôm nay là ngày đầu tiên, lần đầu tiên, tôi đi máy bay và rời khỏi Côn Đảo, nơi mình sinh ra, lớn lên. Tính tới nay thì chưa lần nào từng rời khỏi hòn đảo hoang dã giữa biển khơi đó bao giờ. Lần đầu tiên này, tôi từ nơi sóng nước mênh mông đến phố thị để đi học đại học. Nè, tôi là sinh viên năm nhất đó. Là Phạm Duy Phương, sinh viên năm nhất của trường Đại học Lạc Hồng đó!

Lúc này, tuy hơi chóng mặt nhưng rất hưng phấn, tôi hồ hởi vui mừng vô cùng. Sự mới mẻ luôn khiến mình thèm khát. Tôi thích sự tự do và thay đổi, thoát ra những chật hẹp, gò bó hằng ngày... Chuyển đến Sài Gòn là chuyến đi mà tôi luôn mong chờ kể từ khi rất lâu. Có lẽ là bốn năm trước, có lẽ là lâu hơn,... Như thế nào cũng được, tôi vẫn ưa thích và mục đích luôn là như vậy. Từ bao giờ, tôi đã mê phố thị Sài Gòn. Có điều hơi nóng, mồ hôi đã bắt đầu tiết ra lớp áo hoodie. Mà tôi đã không biết khoang thương gia luôn được ưu tiên đến thế. Những chị tiếp viên giúp đỡ lấy hành lý trên nóc và hướng dẫn mình xuống máy bay đầu tiên. Tuy tôi có thể tự lấy túi của mình nhưng các chị rất nhiệt tình. Và mình thích sự nhiệt tình đó. Luôn nở nụ cười tươi tắn và lúc nào cũng niềm nở với khách hàng, các chị làm tôi thấy hứng khởi ghê. Sự hiếu khách này của Sài Gòn giờ tôi mới được tường tận. Nó thật tuyệt vời. Và các chị vẫn vẫy tay lại cho dù tôi đã bước lên xe di chuyển vào khuôn viên sân bay. Tới bây giờ, mọi thủ tục đều khá nhanh, đơn giản. Tôi được hướng dẫn tận tình... Từ khi nhận tấm vé viền đỏ, mọi chuyện đều trở nên hoàn hảo bất ngờ. Thú thật, tôi cũng có hơi bất ngờ. Hôm qua, tất nhiên là trước khi thật sự trải nghiệm, tôi đã từng nghe về việc những thủ tục sẽ lâu la, kỳ kèo thế nào. Rồi những phàn nàn về thái độ nhân viên hay chất lượng món ăn,... Ba bảo tôi không cần phải lo những chuyện nhặt nhẵng đó, nhưng mình vẫn không an tâm. Sau một hồi phân vân, cuối cùng thì tôi đã để chị hai đặt vé. Quyết định của chị hai thật hoàn hảo, không có chỗ để chê. Tôi cảm thấy cả ngày được sự chú ý toàn diện và đắm mình trong những nụ cười hồ hởi. Đồ ăn rất ngon. Chỗ ngồi cũng vô cùng tiện nghi nữa. Sao người ta lại phàn nàn nhỉ? Chắc họ không biết cách lựa chọn chuẩn xác như chị hai. Hoàn toàn tin tưởng vào chị, chắc chắn vô cùng. Hoàn thành thủ tục nhập cảnh, lấy hành lý trong phút chốc. Các anh an ninh hỏi xem tôi có cần gì không. Họ túc trực ở khắp nơi, liên lạc với nhau qua bộ đàm. Cảm giác được phục vụ chuyên nghiệp siêu xịn, đánh giá năm sao, tôi không thể không hài lòng. Hành lý của tôi chỉ có 2 vali bốn mươi kí, tôi có thể tự lo được... Đơn giản quá chừng. Thậm chí có thể xách được mỗi bên một cái... Cần gì xe đẩy. Vậy mà các anh vẫn rất nhiệt tình. Có người còn đến sát bên tôi, hỏi nhỏ có cần gọi xe không. Anh ta đi theo ra đến tận cổng đón.

"Không, không cần đâu..." Tôi cúi cong lưng. Sự tận tình này vừa thích thú mà ngại ngùng. "Chị em sẽ đến đón."

Bấy giờ, chúng tôi đã đi ra cửa, khỏi khuôn viên trong nhà của sân bay. Vắng hơn tôi tưởng,... tôi tưởng Tân Sơn thì chỗ nào cũng đông? Nãy thấy nhiều người xếp hàng chờ làm thủ tục lắm. Người ta còn tranh nhau lấy hành lý. Nhưng tôi thì đi theo anh và chỗ này thoáng quá chừng.

"Ồ vậy à? Em biết chị em sẽ đứng ở đâu chứ? Cột thứ mấy? Đi xe gì?"

Tự dưng bị hỏi dồn dập, tôi không kịp trả lời. Chị hai đi xe gì nhỉ,... Bất ngờ, tiếng chuông điện thoại đột nhiên vang lên. Ngay lập tức, tôi liền bốc máy. Đầu bên kia là giọng chị hai.

"Xuống máy bay chưa—"

"Em xuống rồi! Em đi ra ngoài cổng đón luôn rồi! Mà chị đứng đâu thế? Có cái anh này ảnh hỏi nè..." Tôi đáp lại mừng rỡ, quay đầu tứ phía để xem có thể thấy chị không.

"Anh nào?"

"Anh an ninh nào ấy!" Tôi thực sự cũng không rõ tên. Chúng tôi đứng lại giữa cả khuôn viên đón rộng lớn, vắng vẻ. Bên đường chỉ lác đác vài chiếc xe hơi bóng loáng. Đứng bên cạnh, anh an ninh im lặng.

"Đưa máy cho ổng đi."

Không hiểu vì sao nhưng tôi vẫn làm. "Chị em muốn nói chuyện với anh."

Như đã chờ từ rất lâu, anh ta liền cầm lấy điện thoại của tôi đưa lên tai ngay. Tôi không rõ chị hai nói gì. Nhưng, anh rất cẩn thận trả lời chi tiết. Còn xưng cả tên... Anh tên Bình. Tôi đứng yên đợi. Và rồi, anh Bình gật gật đầu.

"Cột số 19A đúng không em? Được, được. Em cứ đỗ lại. Bọn anh đến ngay. Không sao đâu." Ánh mắt anh nhìn lên tôi. "Đi theo anh nhé."

Tay trao trả lại chiếc điện thoại cho tôi, miệng nói nhanh. Rồi, vẫn thái độ vội vàng đó, anh áp miệng vào bộ đàm trên vai, nói liến thoắng.

"Cột 19A, chiếc F150 màu đen, biển số 51-T1XXX, tài xế lái là phụ nữ..."

Thật chuyên nghiệp. Cứ như thế, tôi bước vội theo anh. Luôn nhìn lại xem tôi có theo kịp không...chu đáo ghê. Khuôn viên vắng nên chúng tôi không gặp rắc rối gì để đến được chỗ chị hai trong phút chốc. Rất nhanh, tôi đã nhìn thấy chị đứng bên chiếc xe bán tải đen. Mái tóc đen ngắn, được buộc về phía sau. Khuôn mặt không biểu cảm, đôi mắt lãnh đạm, nước da trắng... Chị mặc một chiếc áo chemise xanh bình thường, tay dài, quần dài và chỉ như thế với chiếc áo khoác đen. Ngầu thế.

"Chị hai!" Tôi cật lực vẫy tay với chị nhưng chị chả đáp lại. Chỉ chậm rãi chuyển thế đứng từ dựa lên cửa xe thành thẳng dậy. Chị bước vài bước nhỏ về phía chúng tôi.

Có một số anh an ninh đứng gần đó. Và khi chúng tôi đến trước mặt chị, anh Bình có hơi cúi đầu một xíu. Chắc là anh vội vã nên bị quá trớn... Bình nói mà khuôn miệng vẫn cười.

" Em đợi có lâu không?"

"Chị đợi em đó hả?" Tôi hồ hởi chung với anh nhưng đổi lại chúng tôi, chị hai rất lãnh đạm mà trả lời.

"Không lâu đâu anh."

Chị bước vòng qua tôi và phần nắp cốp xe bán tải phía đuôi đột nhiên tự động mở ra. Từ lúc nào không hay biết, một anh an ninh khác tiến đến, không nói không rằng mà nhấc hai chiếc va ly đặt lên ngay ngắn, nhẹ nhàng, chỉn chu. Tuy nhiên chị hai không hề để ý, trong khi tôi còn hơi bất ngờ loay hoay. Dù sao thì cái nắp cũng trở lại đóng chặt sau đó rất nhanh.

"A! Cảm ơn mấy anh nhé!" Tôi cười nói.

Anh Bình đứng thẳng lưng, nụ cười thế mà vẫn không tắt.

"Đâu có gì. Hai chị em còn cần gì nữa không? Hay là anh tìm người đưa các em về?"

"Không cần đâu anh." Chị hai thản nhiên trả lời. Tôi cũng gật gật đồng tình. Sự tận tâm này thật hiếm có. Chị hai nhìn sang tôi:

"Lên xe đi. Đợi tao."

Vừa hết câu, cánh cửa bên hông xe bật nghe một cái tách. Tôi dạ rang, rồi nhanh chân bước lên bậc thềm tự động thò ra, leo lên xe ngay. Cửa hít lại êm ru. Quả là thoải mái. Cứ tưởng nó sẽ hầm nhưng trong xe thậm chí còn rất mát mẻ, có thể so được với trên máy bay. Từ xa, khi chạy đến, tôi đã thấy nó ngầu lắm. Hình dáng xe bán tải cứng cáp, an toàn, Toàn bộ nội thất đều được làm từ da, ngồi cực kỳ thoải mái. Tôi không bị chật phần chân, sớm yên vị dễ dàng. Chỉ còn chị hai vẫn chưa lên xe. Tôi kéo kính xuống vì không hiểu sao mình chả nghe thấy gì. Lúc đó, anh Bình đang bắt tay với chị hai.

"Vậy là đêm nay đúng không em? Ừ nhỉ, cũng thường là vậy. Anh cũng chỉ hỏi lại cho chắc chắn. Bọn anh nhất định sẽ chu đáo mà."

"Vâng ạ." Chị hai nói rồi rụt tay về, sau liền bước nhanh lên xe.

Ngay khi chị ngồi lên, tôi liền hỏi:

"Ủa chị hai quen ảnh hả?"

Đôi lông mày của chị có hơi cong lên. Tay đặt điện thoại lên giá đỡ, chỉnh lại cái gì đó bên cạnh... rồi mới lái rời đi.

"Không." Chị trả lời cụt lủn.

Chiếc xe lăn bánh êm ả, rời khỏi khu viên đón khách của sân bay. Từ giờ, chúng tôi sẽ chuẩn bị sa vào đường phố Sài Gòn tấp nập. Nhờ ô cửa kính đen nên nắng không chiếu vào khiến tôi loá mắt được. Đến mê mẩn mọi thứ trên xe mất.

"Chứ ảnh hỏi gì á?" Tôi chồm qua, nhìn chằm chằm vào chị. Đã bốn năm không gặp mà chẳng thấy chị thay đổi gì.

"Hỏi khi nào ba mẹ mày bay."

Ra là vậy. Cũng hợp lý. Ba đi đến đâu thì chẳng có người trông ngóng? Tôi ngả người lên ghế, nhưng rất nhanh lại ngồi thẳng lại:

"Chị hai, chị hai." Tôi hồ hởi gọi chị. Giờ đây, xe máy đã tràn ngập khắp nơi. Ai đấy đều bịt mặt bịt mũi kín mít. Phố phường đông đúc vậy mà ngồi trong xe không cảm giác ồn ào gì cả. Hơi kỳ lạ nhưng mọi thứ rất trơn tru.

Chị hắng giọng, ý chỉ đang nghe.

"Bốn năm mình không gặp nhau rồi nhỉ?"

Tôi vừa nói vừa quay đầu tứ hướng để có thể nhìn khắp mọi chi tiết trên đường hiện tại. Những ngôi nhà san sát nhau, có hơi chật hẹp và xô bồ, nhưng rất náo nhiệt nhở... Quá trời tòa cao tầng luôn, đâm lên bầu trời xanh bao la. Tôi thấy Sài Gòn khác biệt hoàn toàn với Côn Sơn. Nơi ấy rất vắng người. Không khí thì luôn lãnh đạm và tràn ngập cây xanh. Trên lề đường, Sài Gòn cũng có cây nhưng ít xanh hơn. Còn lại, là tầng tầng lớp lớp mọi sự bận rộn xếp chồng, từ từng con người đến quán xá đông đúc...

"Bốn năm rồi á chị! Chị không biết em mong ngày này đến bao nhiêu đâu." Tôi quay về với chị hai. "Chị thấy em có khác gì không?"

Liếc mắt, chị không lời ngay lập tức. Tôi khác nhiều lắm chớ. Tôi đã cao hơn rất nhiều. Tôi còn nghĩ chị sẽ không nhận ra mình. Dù cứ tầm tuần tôi và mẹ lại gửi chị một tấm hình, nói chuyện với nhau qua video call và điện thoại... Chị thì không khác gì hết. Vẫn khuôn mặt ít biểu cảm cùng cặp kính dày. À, chị gầy gò hơn tôi tưởng. Hai bàn tay cũng rất nhỏ bé.

"To xác nhưng vẫn như đứa trẻ thôi."

Tôi cười tươi với lời nhận xét của chị. Chị hai rất thành thật, thẳng tính. Coi vậy mà chẳng có ác ý gì cả. Tôi luôn tin tưởng chị.

"Năm nay em vào đại học đó mà ai cũng xem em như con nít hết vậy." Dẫu vậy tôi vẫn thích trả treo đùa bỡn. " Em còn cao hơn chị nữa mà. Hơn cả mấy anh an ninh hồi nãy nữa cơ."

Chị hai lẳng lặng gật đầu: "Thì tao nói mày to xác."

"Tại em giống mẹ á. Mẹ mình cũng cao và đẹp mà, nên em cũng phải cao chớ. Em còn chăm tập thể dục với uống sữa nữa."

Tôi cười hì hì, ngóng trông sự ngưỡng mộ của chị hai. Đang tập trung lái xe nên chị không nhìn tôi nữa, chẳng như tôi đang đổ dồn ánh mắt về chị. Lúc này, chị hai đặt vững tay lên vô lăng, đôi mắt sau tròng kính nheo nhỏ lại. Hơi chói chăng? Tôi đưa tay che hướng nắng mặt trời rọi xuống. Tôi cao lớn như vậy để có thể bảo vệ chị mà.

"Chị hai có hay tập thể dục không? Mà em thấy chị hơi ốm ấy... chị có ăn đủ không á? Chị có đói không? Nãy em ăn trên máy bay rồi nhưng nếu chị đói thì mình đi ăn đi."

Chị hai chỉ lắc đầu. Ở điểm này thì chị giống y chang ba. Khi lái xe, ba cũng tập trung như vậy. Chỉ khác là có quát bảo tôi ngồi yên đi, im lặng và dừng làm phiền ông nữa. Hừ. Mà xe chị hai đẹp thiệt. Giờ mới thấy là cũng không thua gì xe của ba hết.

"Ủa mà xe này chị tự mua hả? Xịn ghê ý! Không thua gì xe của ba hết trơn."

"Không." Nhờ đèn đỏ nên chị mới rảnh trả lời. Chúng tôi đang chạy vào khu trung tâm rồi nhỉ? Càng lúc càng nhiều toà nhà cao tầng hơn. "Ba mày mua đó."

"Ồ ghê vậy? Mà ba mua xe không có tâm lý gì hết."

"Hửm?" Chị nhướng mày.

"Tại á bán tải kiểu này to quá chừng. Thường em thấy con gái không ai chạy bán tải hết á... Mà nội thất xe này xịn sò ghẻ."

"Ba mày độ thêm đấy." Chị nói.

"Ủa độ cái gì á?" Tôi há hốc mồm.

"Chống ồn, hàng ghế thì là nguyên bản nhưng độ loa, độ thêm màn hình 12.3 inch, camera 360, cốp tự động.... có độ đèn nữa."

"Ò."

Ghê! Ba xem ra cũng chu đáo phết. Tính ra thì ba cũng chưa từng ngại chi tiền... Câu cửa miệng mà ba hay nói với bọn tôi là: "Tao không có tình thương, chỉ có tiền thôi.".

Xịn thật đấy!

Sự hào hứng cứ kéo khoé miệng tôi lên mang tai. Không thể ngồi yên được nữa. Khi nào mới về tới nhà thế? Tôi không thể đợi được lâu hơn nữa đâu! Tôi muốn chạy nhảy lắm rồi.

Đèn đã chuyển xanh.

"Chị hai! Chị hai!"

Tôi rộn ràng định tiếp tục trò chuyện nhưng đột nhiên điện thoại của chị hai lại có cuộc gọi đến. Không thèm ngó xem ai, chị thản nhiên bấm nút nhận. Tôi thấy dòng tên ghi người gọi đến là "Tú".

"Alo, chị Hà ơi. Chị đang ở đâu thế?"

Tiếng Tú vang lên trong điện thoại, có hơi lo lắng và gấp gáp. Ngược lại, chị hai vẫn rất bình lặng.

"Có chuyện gì?"

"Giờ chị tiện ghé trại không ạ? Em cần gấp ấy... tại bên em mới tìm được một bé cún, mà trông nó bị thương khá nặng. Chị giúp giùm em với."

Hình như chị hai vừa cau mày khó chịu.

"Không gọi được cho anh Tâm à?"

"Em có gọi rồi mà anh Tâm không bắt máy. Đi mà chị." Dường như câu chuyện mà Tú đang kể rất nguy kịch. Cậu ta năn nỉ. "Chị đang ở đâu á? Chị qua giúp em với.". Truyện Đô Thị

"Nay đón em trai chị từ sân bay, còn chưa về nhà nữa,... Đang chở nó." Chị hai xiết hơi ở răng. "Không biết có qua kịp không?"

"Nhưng mà..."

"Chị hai, mình đi đi. Em đi theo với!"

Tôi hồ hởi lên tiếng. Ngay lập tức, chị liếc mắt nhìn tôi, bộ mặt lộ rõ vẻ ngạc nhiên. Sao chị lại từ chối chứ? Tôi không ngại đâu. Có vẻ như là Tú cần mình lắm á.

"Mày không cần về nhà cất đồ hay nghỉ ngơi à?" Chị hỏi.

"Không, em đâu thấy mệt đâu. Mà chuyện này quan trọng hơn đúng không? Chị chở em đi theo đi, em cũng muốn xem á. Em thích động vật lắm!"

Tôi nghĩ là Tú bên đầu dây kia đang mừng rỡ, dù cậu ta không nói gì.

"Nha, nha, chị hai?"

Lại lần nữa, chị xiết hơi, rồi mới nói lại với Tú ở đầu dây bên kia:

"Vậy cỡ hai mươi phút nữa chị đến. Tụi em để con cún lên đệm êm, tránh không cho ngồi dậy hay di chuyển nhiều nhé."

"Vâng ạ. Cảm ơn chị!"

Tú reo lên rồi cúp máy. Vui ghê, tôi sẽ được xem chị hai làm việc rồi. Chị liếc mắt nhìn gương chiếu hậu, trong khi xoay vòng vô lăng để đổi hướng. Màn hình trên xe chuyển sang chế độ bản đồ theo hiệu lệnh giọng nói của chị. Tôi chớp chớp mắt nhìn màn hình... "Trạm cứu hộ chó mèo Sài Thành" à?

"Chị hai làm việc ở đây hả?" Tôi buột miệng hỏi.

"Không." Chị giữ khuôn mặt nhìn thẳng về phía trước, chân đạp ga để chạy nhanh hơn. "Chỗ này nó hay nhờ giúp thôi."

"Hể? Hay vậy. Kiểu đến khám cho mấy con chó mèo á hả?" Tôi hồ hởi, nhìn chị gật đầu.

Cái mím môi của chị hai có nghĩa là gì chứ?

Chị hai mím môi lại với nhau, không trả lời gì, mắt thì vẫn nhìn thẳng về phía trước.

Suốt quãng đường đến trại, tôi và chị liên tục nói chuyện với nhau. Hầu hết là tôi bắt đầu trước, bởi vì bản chất mình không thể ngồi yên được quá lâu. Tôi rất thích hoạt động chân tay và chạy nhảy nên khi bị ngồi khoá chặt một chỗ thì rất bức bối. Sẽ phải cần cái gì đó để tiêu khiển,... sẽ phải chồm qua chồm lại, nghịch đủ thứ thuận tay. Liến thoắng suốt cả buổi, tôi càng nôn nóng đến nơi hơn. Muốn xem tất cả mọi thứ, xem người ta có cái gì ở đó. Động vật, đặc biệt là chó mèo thì tôi vô cùng yêu thích chúng. Chúng là bạn của con người, vô cùng trung thành và chúng đáng yêu nữa. Gia đình tôi cũng có nuôi một bé chó golden, Vàng, cực kỳ thông minh và năng động. Nhưng mà giờ khi chuyển đến Sài Gòn rồi thì Vàng đã cũng sang nhà ông nội. Tôi đưa nó qua nhà ông vào trưa nay, sau đó ra hẳn cảng. A, nói một hồi thì cuối cùng, chúng tôi cũng đã đến. Lúc bấy giờ, chị hai dừng xe, ngay đối diện cổng của một căn nhà có đặt biển tên "Trạm Cứu Hộ Chó Mèo Sài Thành". Chữ trắng nền đỏ, căn nhà tuy có hơi nhỏ bé lẫn lụp xụp, nằm trong hẻm, phía sau một bức tường cũng màu trắng cao lớn. Lúc này, có hai người đang đợi sẵn. Một cậu thanh niên, mái tóc cắt ngắn, trông rất hiền lành, trầm tính và một chị gái khác, khuôn mặt khá tròn. Tôi chắc mẩm cậu thanh niên trẻ chính là Tú, vì khi chị hai đỗ xe lại và bước xuống, mắt cậu ta liền sáng bừng lên.

"Chị Hà!" Tú đặc biệt hồ hởi, nhanh nhẹn hai chân chạy đến trước mặt chị ngay.

"Tụi em tìm thấy nó khi nào thế?" Chị hai hỏi khi đi vào trong. Không ai để ý đến việc tôi cũng xuống xe ở phía sau.

"Mới thôi chị. Ngay khi tìm thấy là tụi em gọi anh Tâm mà anh không bắt máy." Cô gái còn lại bên cạnh nói.

Những bước chân cùng nhau, ba người họ đi san sát nhau vào trong ngôi nhà nhỏ, nhỏ hơn cả vẻ ngoài. Điểm tốt là chỗ này khá sạch sẽ. Tông chủ đạo là màu nâu sữa. Tuy nhỏ mà thoáng mát, nhưng có vẻ khá chật. Chẳng có gì đặc biệt ngoài hai chiếc xe máy đều có rổ phía trước và một cái có thùng to phía sau. Hai bên tường đều là những chiếc cũi rỉ sét, trống không, chả có con vật nào trong đấy cả. Hình như đây chỉ mới là phần sân trước. Lúc này, Tú mở cửa và thế là đột nhiên bầy chó, đủ mọi loại, khoảng bốn năm con ùa ra. Đám chó len qua chân mọi người, chạy đến chỗ tôi đang đứng một mình. Thích thế. Tôi ngồi thụp xuống để vuốt ve mấy đứa nhỏ. Bọn chúng đều thân thiện và đáng yêu ghê.

Gâu! Đột nhiên một con đen, khá to lớn nhìn về phía tôi rồi sủa lớn mấy tiếng. Nó thấy tôi lạ, không quen ấy mà.

"A, Mực, đừng sủa con." Tú chạy lại vuốt đầu Mực để nó yên tâm. Tôi cười tươi rói. Bốn mắt chúng tôi chạm nhau.

Cô gái bên cạnh nhìn tôi ngạc nhiên, nhưng liền chợt nhớ ra.

"Chị Hà, đây là em trai của chị ạ?" Rồi cổ cười với tôi. "Chào em, chị là Diệp."

Chị hai xoay nghiêng người, mắt nhìn tôi ngồi giữa bầy chó, bậc thềm ở giữa chân.

"Ừa, nó mới đáp xuống sân bay vừa nãy." Chị trả lời cho Diệp rồi gọi tên tôi. "Phương."

"Dạ chị?" Tôi cười hân hoan, tay vẫn vuốt lông mấy con chó dưới chân mình.

"Ở ngoài này chơi với Tú nhé. Đừng đi theo tao." Rồi chị quay sang Diệp, lẳng lặng tiếp tục bước vào sâu bên trong.

"Ể, chờ đã chị hai!"

Tôi bế vội một bé cún có màu trắng trong tay, đuổi theo chị. Tú và bầy chó cũng chạy theo. Tôi muốn xem chị sẽ làm gì. Sao tôi có thể chờ được chứ?

Khuôn viên tiếp theo là một khoảng sân trống, được bao tường tứ hướng như một cái giếng trời. Trong sân còn nhiều chó và mèo hơn nữa. Chúng ngồi hay đứng ở khắp sân, với đủ mọi loại, lứa đầy đàn. Tôi đã lầm, chỗ này rất rộng rãi, thoáng mát, gió ùa phà phà. Những con vật một khi đã nhìn thấy bọn tôi thì như lũ trẻ con, ngay tức khắc liền trở nên tăng động. Chúng kêu réo ồn ào liên hồi, và ẩn trong sự hỗn độn đó, chị hai đã đi vào trong căn phòng đầu tiên ở bên trái sân. Diệp kéo tay tôi, như muốn giữ lại bên ngoài. Chị Diệp có khuôn mặt tròn vô cùng thân thiện với hai bím tóc bên má. Chị chỉ cho tôi chỗ mà cái cầu thang trong góc phải dẫn lên.

"Ở đó là tụi chị nuôi mèo á. Sân thì thường sẽ để dành nuôi chó hơn, tại tụi nó cần không gian rộng mà." Có mấy con mèo ngồi vắt vẻo trên cầu thang. "Sao, em thấy sao?"

Tú cũng hai mắt nhìn chằm chằm tôi, dù cậu ta đang giữ cho mấy con chó không quá kích động khi thấy người lạ. Tôi không sợ, mà ngược lại chuyện này còn vui gấp mười lần.

"Hay quá á chị. Mới ban đầu em còn nghĩ trại mình nhỏ, ra là khoảng sân sau rất to ha." Tôi thả con chó trong tay xuống, miệng vẫn chưa tắt nụ cười.

Chị Diệp cũng cùng tít mắt, hồ hởi nói tiếp: "Ừa á. Mà trại hoạt động được hai năm rồi đó. Năm nay là năm thứ ba."

"Hể? Hay vậy ta." Tôi không thể không ngồi thụp xuống để vuốt ve từng con một. Lông của chúng mịn ghê, lại còn đáng yêu nữa... "Mà ba cái phòng còn lại là gì á chị?"

Bấy giờ, chị Diệp nhìn về hướng bên trái. Được bao bọc bởi bốn bức tường, một bên có vòi nước, chuồng, bàn ghế và những chiếc thau nhôm được sắp xếp ngay ngắn trên sân, tuy khá hỗn tạp... còn một bên trái là ba căn phòng đóng kín cửa.

"Phía trong góc là nhà vệ sinh, còn bên cạnh ấy là kho thức ăn cũng như đồ dùng cần thiết." Tay chị chỉ đến căn phòng cuối cùng. "Còn cái này chị em hay gọi là "Phòng Nôi"."

"Sao lại gọi là "Phòng Nôi" vậy chị?" Tôi hỏi.

"Đó là phòng mà tụi chị sẽ để mấy bé bị thương hoặc bệnh hoặc mới tìm thấy mà chưa qua kiểm tra y tế của chị Hà và anh Tâm ở đó. Tụi chị đặt mấy bé vào mấy cái nôi như em bé á, nhiều nôi lắm. Nên gọi là phòng nôi."

"Hay thế? Em cũng muốn xem!" Tôi hồ hởi, định đứng dậy nhưng chị Diệp đã xua tay.

Chị ngăn tôi lại: "Có thể một lát nữa nhé. Giờ chị Hà đang khám cho bé mới nè. Hình như nó bị gãy chân."

"Gãy chân sao? " Tôi ngạc nhiên.

"Tú là người tìm thấy ẻm(*) á." Diệp nhìn sang Tú, từ nãy đến giờ vẫn lặng im, không nói một tiếng nào. Tới nay, cậu ta ngẩng mặt lên, tuy tay vẫn ôm một con chó trước hai chân.

Tú nói, giọng rất nhẹ nhàng:" Tớ tìm thấy nó ở trước ngã tư hẻm nhỏ ở gần đây. Nó nằm im ru à...." Đột nhiên cậu ấy hơi khựng lại, nhưng rồi liền nói tiếp. "Ban đầu cứ tưởng là thôi rồi ấy."

"Chị nghĩ là người ta đụng trúng nó rồi bỏ chạy." Chị Diệp nhận xét theo.

Gì ai mà ác vậy? Để tôi mà biết được thì không xong đâu!- Tôi buột miệng nói thành lời.

Lúc này, Diệp khúc khích cười, còn Tú thì hai mắt nhìn tôi trừng trừng. Kiểu như cậu ta ngạc nhiên... Nhưng sao lại ngạc nhiên chứ? Tôi là tôi rất ghét cái bọn bạo lực, thích ngược đãi kẻ yếu hơn!

(*) ẻm: là từ trong văn nói ở miền Nam, có nghĩa là em ấy.Tương tự, ta có các từ: ổng, bả, chỉ, ảnh,... lần lượt có nghĩa là ông ấy, bà ấy, chị ấy, anh ấy.

"Tại em rất mê động vật ấy!" Tôi nói to. "Cái này nãy em nói rồi á, là em thích chơi và săn sóc cho những con vật nhỏ hơn mình... Mà em cũng rất ghét bọn xấu, cái bọn làm mà không dám nhận. Tàn nhẫn, vô tâm. Ai lại đi ngược đãi hay bỏ mặc một con vật đáng yêu như thế này chứ?"

"Đúng!" Tú lên tiếng theo tôi. "Ai mà làm thế được chứ? Những kẻ như vậy là những kẻ không có trái tim! Cậu biết không, tớ gặp trường hợp như vậy nhiều rồi á!"

Cứ thế, hai đứa chúng tôi gật gật đầu với nhau.

"Thật không thể tin được trong thời đại ngày nay lại có những kẻ thiếu đạo đức như vậy... Có nhiều con ở đây chúng tớ chuộc về từ quán ăn hay lò mổ nữa cơ."

"Chuộc về sao?" Tôi kinh ngạc hỏi Tú.

"Chuộc về đó!" Giọng Tú bắt đầu gay gắt hơn. "Còn nhiều trường hợp độc ác hơn thế nữa cơ, như là bỏ trong thùng rác hay là vứt ngoài công viên... Lúc chuộc thì còn thách giá cao nữa!"

Đột ngột, Tú nhận ra là mình đã hơi bức xúc quá nên bất ngờ im bặt. Không sao, tôi hiểu. Lúc này, tôi nhìn Tú bằng cặp mắt tươi sáng, nở một nụ cười để an ủi khuôn mặt bàng hoàng kia.

"Đúng là cái bọn xấu xa nhỉ." Tôi nói. "Nên mới có cần những người như cậu để bảo vệ bọn nhỏ."

Tú trân trân nhìn tôi. Con cún bên dưới chân liếm bàn tay run run của cậu ấy.

"Việc mọi người làm thật đáng ngưỡng mộ ấy! Tớ rất ủng hộ những hành động vừa nghĩa hiệp vừa gan dạ như thế này." Giọng tôi vang khắp sân. "Nè, cứ khi nào cậu cần cậu cứ gọi tớ với chị hai nhé! Bọn tớ bảo đảm sẽ luôn giúp cậu hết mình."

Tú vẫn đang trưng trưng nhìn tôi. Sau đó, cậu ấy gật đầu cái rụp, giấu mặt sau tay áo hoodie màu vàng. Ở bên cạnh, chị Diệp tươi cười với cả hai đứa, tay thì vỗ vỗ lên vai tôi.

"Hai đứa em hợp nhau ghê." Chị Diệp nghiêng đầu, từ từ ngồi xuống bên cạnh tôi. "Em bao nhiêu tuổi á, Phương?"

"Em năm nay mười tám." Tôi trả lời ngay. "Chị biết không, em là kể từ giờ chuyển đến Sài Gòn học đại học á. Giờ em sẽ sống chung với chị hai, lúc nào cũng ở bên cạnh chị ấy!"

"Em đỗ vào đại học nào?" Chị Diệp hỏi.

"Em học đại học Lạc Hồng(*) ấy chị, khoa Quan hệ công chúng!"

Chị Diệp ồ lên một tiếng to. "Vậy là cùng trường với Tú rồi!"

"Thế á? Tú học ngành gì đấy?" Tôi hỏi dồn dập.

"Khoa mỹ thuật và thiết kế." Tú trả lời vỏn vẹn.

(*) Lạc Hồng: được lấy phỏng theo trường đại học Văn Lang, một trường đại học tư có tiếng ở Thành phố Hồ Chí Minh

Chị Diệp ngồi hẳn xuống nền đất, để một bé mèo tam thể lên đùi. Tôi cũng theo đang bịn rịn với con Mực. Nó bây giờ thân thiện và ngoan hơn, còn đưa mông cho tôi vuốt ve.

"Tú học giỏi lắm á. Còn nhận được học bổng của trường đó."

"Giỏi thế ạ?" Tôi rộ lên. Có vẻ như chuyện này càng khiến Tú ngượng ngùng nên cậu ta không nói gì cả, cũng không nhìn thẳng vào tôi. Nhưng tại sao phải tránh né? Cậu ấy thật đáng ngưỡng mộ mà.

"Học bổng toàn phần của khoa đấy." Nếu không có chị Diệp thì tôi sẽ chẳng biết gì về sự tài giỏi của Tú cả. "Nên Tú mới có thể an tâm vừa học vừa tiếp tục chăm lo cho trại. Em biết không, trại này là do Tú dùng sức của mình một tay dựng nên đó."

Tôi há hốc cả mồm. Đằng sau sự thầm lặng, kín tiếng là một con người tài năng mà lại khiêm tốn đến vậy. Đáng kinh ngạc và ngưỡng mộ quá chừng.

"Chà, cậu giỏi thật á! Tớ không thể ngờ... Này, cậu giỏi mà còn tốt bụng nữa! Người như cậu thật đáng để tuyên dương và được nhiều người biết đến đó!"

Tôi không thể không khen ngợi về những việc Tú làm. Ngược lại, cậu ta càng khiêm tốn, im lặng thì cái đấy càng kích thích tôi muốn tán dương. Tú không nói gì cả. Thay vào đó, cậu chỉ bụm miệng cười. Một nụ cười nhẹ nhàng để đáp lại bao lời tưng bừng của tôi... Tú híp mắt và đỏ mặt khi cười. Giờ thì cậu ta y hệt quả cà chua đã chín.

Thật là một trải nghiệm vui và hứng khởi. Mỗi lần như thế này lòng tôi tưng bừng như mở hội, rồi cứ không thể ngừng tươi cười. Cuộc sống thì phải trải nghiệm thật nhiều để biết, để nhận nhiều thứ, để kết bạn và chia sẻ những niềm hân hoan.

"Tú này! Tớ có một ước muốn mà chuyện đấy có thể giúp được cậu đấy!"

"Nói nghe xem?" Tú chớp mắt nhìn tôi.

"Mục tiêu của tớ khi lên đại học là kết bạn với một trăm ngươi. Tớ sẽ kể cho mọi người nghe về cậu nè, về những việc làm của cậu... rồi tất cả sẽ cùng chung tay giúp cậu!"

Chị Diệp và Tú mỉm cười tươi rói. Chậm rãi, ngón út của chị vòng qua ngón út của tôi rồi đôi môi nở ra hoa màu anh đào. Nắng chiều vàng ươm rơi xuống sân rộn rã.

"Hứa rồi đó nha!" Chị Diệp ngoéo tay với tôi.

Tôi cười toe toét. "Em không nuốt lời đâu!"

Đâu đâu có tiếng gà gáy to.

"Chị Diệp, thế chị Diệp đang làm cái gì á? Chị bao nhiêu tuổi vậy ạ?"

Lúc này, Diệp chỉ xoa đầu tôi, nhẹ nhàng nói. "Chị chỉ ở đây chăm sóc mấy bé thôi."

Đôi mắt chị ánh lên cái gì đó không rõ tên.

Đột nhiên cánh cửa căn phòng đầu tiên bên trái bật mở, chị hai đã bước ra ngoài. Câu đầu tiên nói với chúng tôi là: "Làm cái gì mà ngoài này ồn thế.".. Mừng rỡ như nhặt được tiền, tôi ngay lập tức chạy đến.

"Chị hai, chị hai! Sao rồi? Con cún thế nào rồi? Chắc nó đau lắm hả? Sao em vào xem được không?"

Bấy giờ, chị hai cau mày nhìn tôi, không nói gì. Vì có lớp khẩu trang nên tôi không đoán được chị nghĩ gì. Chị hai còn hơi lùi lại né tránh mình. Dẫu vậy, vẫn hiền lành quay sang Tú.

"Chị đã xức thuốc, cố định và băng bó cho nó rồi. Ngoài ra chị cũng đã cho nó uống thêm vài vitamin, kiểm tra răng hàm của nó... ngoài gãy chân thì cũng không còn gì khác nghiêm trọng. Kiểu bàn chân có vết rộp thì bôi thuốc, đừng để đi lại nhiều mấy ngày là ổn thôi." Giọng chị chậm rãi sau lớp khẩu trang.

Khuôn mặt Tú nghe đến đấy nở rộ như một đoá hoa. Cậu ấy liền cảm ơn chị.

"Oa." Tôi trầm trồ. "Vậy em vào xem được chứ chị hai?"

Lần nữa, chị hai lại nhìn tôi. Tôi không hiểu cái nhìn đó nghĩa là gì. Bộ hổng được sao?

Cuối cùng thì chị gật đầu. "Vào nhưng đừng vuốt ve gì đấy." Rồi cởi bao tay và vứt vào thùng rác. Từ đó mới tháo khẩu trang ra.

"Sao vậy chị?" Tôi ngạc nhiên.

"Có dấu hiệu viêm da, bên dưới lớp lông có nhiều mẩn ngứa... để lát chị liên lạc với anh Tâm để ảnh khám kỹ hơn. Tạm thời đừng vội tắm rửa gì, nếu có thì chấm nước lạnh lên thôi."

Chị hai nói với Tú và Diệp nhưng đổi lại, tôi cũng gật đầu, răm rắp nghe theo. Sau đó, cả bốn chúng tôi đều bước vào trong phòng nôi. Căn phòng này sáng bừng như thể là một phòng bệnh thật sự. Toàn bộ tường đều là màu trắng, đồ vật đa số đều là nhôm và sắt. Những chiếc nôi đủ hình dáng được xếp ngay ngắn bao quanh phòng. Tôi đến bên cạnh Tú, đứng trước chiếc nôi của bé vừa đến. Chúng tôi nhìn nó qua một lớp mùng. Con cún màu nâu bé xíu, đã được chị hai cẩn thận băng bó cho, đang ngủ ngon như em bé.

Chúng tôi không ai nói câu nào cả. Căn phòng này vô cùng yên tĩnh. Tôi quay sang chị hai, ở phía sau.

Chị đứng tựa vào cửa nhìn bọn tôi.

"Nhỏ quá... chắc chỉ mới tầm mấy tháng tuổi thôi nhỉ." Tôi thốt lên. Thật là một thiên thần vừa bé bỏng vừa đáng yêu. Ai lại nỡ làm hại chúng chứ?

Diệp xót xa. "Có mấy bé cũng lớn tuổi mà không lớn được nên nhỏ thế này á. Kiểu tụi nó bị suy dinh dưỡng."

Chúng tôi lại không ai nói gì. Tôi nghe thấy tiếng thở dài của chị hai. Hình như chị lưỡng lự điều gì đó...

"Cái này thì không tệ đến thế." Chị nói, tay vòng quanh trước ngực. "Khi nãy chị kiểm tra thấy mấy cái răng sữa đang mọc, nên có dùng gel giảm đau cho nó vì để lát nó ngủ vậy thì tốt hơn... Nhưng tụi em đừng dùng nhé. Lạm dụng không tốt đâu. Nó sẽ bị tê hàm từ đó không ăn được thức ăn đâu."

"Lỡ nó đau quá thì sao chị?" Diệp hỏi.

Chị hai hừm một lúc rồi nói:

"Các em có thể sử dụng bông hoặc gạc mềm sạch thấm nước mát và massage nhẹ nhàng quanh vùng nướu. Cũng đừng nên cho ăn hạt cứng. Nên để thức ăn trộn với nước, mềm và nát ra."

Chúng tôi im lặng nghe kỹ từng câu chữ của chị hai.

"Trong thức ăn đừng nên có tỏi, hành hay lá hẹ, sẽ ảnh hưởng đến hệ tiêu hoá đấy. Bình thường một ít thì chị không nhắc nhưng mấy bé này thì phải kỹ một chút..."

"Dạ chị." Chị Diệp gật gật đầu.

Vậy là không có gì đáng lo ngại hết! Tôi mỉm cười tươi mừng rỡ nhưng quay sang Tú thì lại trái ngược hoàn toàn.

"À không... tại nước mắt nó cứ rơi ạ."

Che mặt mình lại bằng ống tay áo, Tú sụt sùi. Dường như, Diệp với chị hai rất quen với tình huống này. Ngay lập tức, Diệp ôm lấy cậu ấy, để Tú kiềm chế cảm xúc đang bộc lộ ra.

Trong khi đó, chị hai chỉ nhìn và nói một câu: "Một lát nữa chị sẽ gọi anh Tâm ngay."

Tú bẽn lén đáp, "Dạ chị."

Cứ thế, chị hai gật đầu rồi bước ra khỏi phòng. Tôi an ủi Tú mấy câu rồi cả bọn cũng bước ra ngoài căn nhà. Sẽ không có gì lo ngại hết. Mọi chuyện rồi sẽ ổn thôi! Mình có nhau ở đây! Không có gì phải sợ cả!

Cuối cùng, Tú và Diệp mỉm cười chào chúng tôi khi cửa xe đã đóng kín. Khi chiếc xe lăn bánh rời đi khỏi lối nhỏ, cũng là lúc đương tầm chiều muộn. Tôi chồm qua nhìn chị hai, lại đang tập trung lái xe.

"Chị ơi, hôm nay em rất là vui luôn ấy! Ngày hôm nay là ngày tuyệt vời nhất đầu năm!"

Chị hai không trả lời tôi gì, nhưng tôi biết sự hân hoan của mình đã được truyền đi.

Ở Sài Gòn có một căn nhà nhỏ lụp xụp màu cà phê và chộn rộn tiếng cười. Nơi đó luôn yên bình, vui vẻ, là nơi tràn ngập đầy tình yêu thương nhất thế gian. Trời thì xanh, mây thì trắng, hy vọng nắng sẽ luôn rải vàng khắp sân.

Quảng cáo
Trước /53 Sau
Theo Dõi Bình Luận
[Dịch]Dưỡng Thiếu Chủ Đấu Tra Nam

Copyright © 2022 - MTruyện.net