Saved Font
  1. mTruyen.net
  2. Tiểu Thuyết Tâm Lý Xã Hội: Mầm Xanh
  3. Chương 37
Trước /53 Sau

Tiểu Thuyết Tâm Lý Xã Hội: Mầm Xanh

Chương 37

Màu Nền
Màu Chữ
Font Chữ
Cỡ Chữ
Style Combo

37.

Con bé sẽ làm tất cả mọi thứ, vì mẹ mình.

Ngay cả việc trấn tĩnh bản thân, ngồi xuống ăn một bữa cơm với kẻ mình ghét thậm tệ. Hà sẽ làm tất cả mọi điều, để khiến cô Nhung hài lòng. Buổi tối nay, nó không ở nhà mình như thường lệ. Nằm trên chiếc giường có ga trải giường màu trắng, như mỗi ngày yên bình. Tĩnh lặng. Thay vào đó, trước mắt con bé giờ đây là người đàn ông mình sẽ không bao giờ gọi là cha.

Bấy giờ, có dáng người cao lớn nổi bật, còn mặc trên cơ thể bộ âu phục chỉn chu bước vào nhà. Tôi chớp mắt thấy lại cũng khuôn mặt có nét điển trai của lứa tuổi trung niên. Quen thuộc. Hai mắt đen nhưng sáng, khá đầy đặn... và vầng trán rộng. Hàng lông mày rậm, rất có khí thế. Từ đầu mũi xuống là đường pháp lệnh vô cùng rõ rệt. Cứ thể kéo đến hai bên khoé miệng rộng nhưng mỏng. Vừa đáng tin cậy, lại vừa vô cùng sắc sảo. Ngoài ra, so sánh với những con người giống đực khác, bờ vai của ông ta thật đáng chú ý. Rộng lớn, khá cứng cáp. Phải nói là thế... Đặc biệt hơn, là một cái đầu khổ to hơn người bình thường. Chưa ai thật sự nhận xét về điều đó như thế bao giờ. Vì cơ thể có phần phát triển hơn người khác nên cái đầu to lại trở nên vừa vặn. Cổ và cả bàn tay của ông ta cũng to nữa. Nên một cái tát hẳn vô cùng đau điếng.

Hà không nhớ cái cảm xúc tồi tệ khi bàn tay đó giáng lên mặt mình. Nhưng nó tận tâm in hằn nguyên nhân tại sao chuyện đó lại xảy ra. Như cách lũ quạ ghi nhớ lý do cái chết của đồng loại, sâu bên trong tâm trí. Sự dày vò của lý trí đó thật sự không gì sánh bằng. Cứ thế, giống như tại vì nốt mụn nhọt ở miệng, con bé im bặt bất cứ khi nào nếu nhìn thấy Tấn. Nó chỉ nói những gì cần nói. Những gì thờ ơ nhất để không bộc lộ ra cái suy nghĩ lồi lõm bên trong mình. Rằng bản thân đay nghiến sự căm ghét từng giây từng phút. Bản thân, cho dù là con cái nhưng nhất định không xưng hô đàng hoàng.

"Cô Nhung của mày vẫn chưa về à?" Tấn lên tiếng hỏi. Bước chân đi vội vào bên trong.

Đứa trẻ nhỏ thờ ơ lắc đầu, "Ở trong bếp." tay nhẹ nhàng đóng cửa lại.

Thế là, ông ta cứ thế bước vào và ngồi lên chiếc ghế bành ở phòng khách. Phong thái tự tin lẫn đĩnh đạc, thản nhiên chỉnh lại tay áo chemise bên dưới lớp âu phục đen. Đối điện, Hà cũng trở về vị trí cũ, phía trước là cái máy tính. Từ đó, con bé quay lại vẻ im lặng thường trực. Hai con mắt nhỏ cũng chỉ nhìn chằm chằm vào màn hình chớp tắt. Tuyệt đối không nhúc nhích bất kỳ chỗ nào. Cứ như vậy, cả gian phòng khách rộng lớn thế, đầy người thế mà trở nên tĩnh mịch. Chẳng ai nói với ai câu nào. Dù sao thì cả hai bọn họ đều hài lòng với bầu không khí dẫu có chút nặng nề nhưng lại thoải mái như thế. Bởi lẽ, bây giờ, bất kỳ ai cất tiếng đều cũng là gượng ép. Hoặc dối trá, không thể nói thật lòng. Thậm chí, Tấn chỉ mở miệng để nhấp miếng nước trà mà ông ta tự rót. Đã lạnh nguội từ lúc nào.

Ai cũng cứ ngỡ như bầu không khí im lặng đó sẽ kéo dài suốt, cho đến khi người phụ nữ cực kỳ quan trọng kia từ trong bếp bước ra. Mỗi lần xuất hiện, cô Nhung như cây cầu nối, bắc giữa Hà và người cha. Nhất là khi, còn một người cha nữa, mà không thể thừa nhận. Giống mà khác. Một người là bản thân không muốn gọi. Có chết cũng chối bỏ. Còn một người là bản thân không thể gọi. Có chết cũng không được phép. Cứ như vậy, người đàn ông đó đã xuất hiện, lại còn vừa lên tiếng vừa bước xuống những bậc thang:

"Đến rồi đấy à?"

Ông Tấn ngẩng đầu lên khi nghe thấy tiếng nói. Rồi đôi mắt cứ theo người chuyển động mà dần dần hạ xuống. Phần còn lại, ông Nam từng bước chậm rãi từ trên lầu đi ra phòng khách. Hai đôi mắt sâu sắc va chạm nhau. Cho đến khi người còn lại đứng trước mặt mình, Tấn thôi nhìn hắn ta. Hà không thấy nhưng tôi thấy. Ngay lập tức, những nếp nhăn khó chịu trên khuôn mặt Nam lộ rõ ra. Lúc này, đôi gò má vốn đã cao lại còn giật lên. Có lẽ, nghề nghiệp vận lên gương mặt, những đường nét khắc khe nếp nhăn in hằn trên sống mũi và khoé mắt của ông Nam lại rõ rệt hơn hẳn kẻ đối diện. Khi nhíu mày, nhất định sẽ tạo thêm nhiều nếp gấp nữa. Nhất là trên vầng trán cao và rộng. Cứ như thể hiện cho những bậc thang ông ta từng bước qua. Sự từng trải qua tuổi đời lớn hơn tất cả mọi ai trong căn phòng khiến Nam luôn ở trạng thái nghiêm nghị. Khuôn mặt ông ta không có điểm gì quá thu hút hay nổi bật, ngoài cặp gọng kính dày. Ông Nam có đôi mắt nhỏ, lại không có mí mắt nên người khác nhìn vào cũng có cảm giác hẹp hòi. Và ông ta càng giữ cái nhìn ích kỷ đó, nhất là khi Tấn ở đây.

"Hà. Chuyện học hành như thế nào rồi?"

Lắm lúc khi Nam nói, Hà chỉ muốn ông ta câm miệng lại. Vì nó sẽ chỉ không phải là một câu hỏi, mà là hàng trăm câu xài xể kéo theo khác. Vừa nhiều, vừa lớn tiếng. Vô cùng ồn ào. Khó chịu như tiếng ếch ộp kêu đêm hè. Giữa màn đêm đang tĩnh lặng, đột nhiên lại có một con cóc béo phục phịch. Vừa khó coi, vừa tự cao tự đại. Lúc nào cũng ở bên trong cái giếng nước của mình, to mồm dọa nạt những loài nhỏ bé khác sống cùng. Người đàn ông này mỗi lần như thế càng nói lại càng hăng. Đứa trẻ chỉ trả lời lại một câu tung hứng ơ hờ mà lại phải nghe trở về nhiều như vậy. Từ chuyện học hành đến cẩn thận trong công việc, rồi các mối quan hệ xã giao ở bệnh viện... Rất nhiều thứ đã nói mà Hà lại không muốn nghe. Sau cùng, khi thấy đối phương quá im lặng, ông Nam mới đánh tiếng hỏi một câu:

"Mắt thâm quầng rồi đấy."

Thật dư thừa. Chẳng phải đã luôn là thế sao? "Con nên chú ý đến việc nghỉ ngơi hơn."

Câu nói giả trá này khiến Hà vô cùng bực mình. Có cái gì đen tối nhem nhóm bên trong con bé. Như một chứng bệnh, khiến khuôn mặt nó bất giác nhăn nhó vì đau đớn. Nhất là cặp lông mày thanh mảnh chau lại. Ngay lập tức, ông Nam nhận ra điểm khó chịu đó. Tôi biết cứ như thế, người đàn ông đay nghiến sự căm ghét của mình lên đứa trẻ ngồi bên kia. Trong chốc lát, khoảnh khắc đấy, Hà biết bản thân chẳng thể tiếp tục trưng ra bộ mặt ơ hờ nữa. Ngược lại, ông Nam cũng sẽ không cho phép nó im lặng thêm.

"Sao? Ta nói gì sai sao? Hay con nghĩ rằng những chuyện ta vừa nói là nhàm chán, vô nghĩa? Ta biết có nhắc nhở như thế nào, con cũng sẽ làm ngơ. Xem như không nghe thấy gì cả. Nhưng ta phải nhắc nhở. Con biết vì sao không?"

Hà chưa vội trả lời ngay.

"Vì con là đứa trẻ mà chỉ có thể dựa vào vợ chồng ta chăm sóc. Tự mình biết điều đó. Rằng cha con đã nhẫn tâm ném con cho lũ sói xâu xé, ngay thuở mới chào đ..."

"Tôi tưởng ông là một trong số đó."

Đang đương nhấp chén trà, ông Tấn nhướng mắt lên.

Phút giây ấy, chỉ có kẻ mù mới không nhận ra sự căm ghét bùng nổ mà ông Nam đang hướng về đứa trẻ kia. Đầy ắp từ trong ánh mắt đến cái bàn tay gân guốc nổi lên, bấu lấy thành ghế. Bên dưới làn da sẫm màu qua sự từng trải, các đường dây thần kinh hiện rõ một cách nổi trội. Và chúng có ở cả trong tròng mắt của hắn. Đỏ ửng. Tuy nhiên, cho dù đối diện với sự dữ tợn đó, Hà lại chẳng bao giờ khiếp sợ. Ngược lại, nó mở to mắt, như trừng trừng. Muốn xem ông Nam định làm gì. Xem ông ta có thể làm gì. Và nếu như ông ta ra tay... Người đàn ông kia sẽ làm gì?

"Mấy đứa trẻ ngày nay không phải cứ nói là chúng sẽ ngoan ngoãn vâng lời."

Bấy giờ, Tấn đột ngột lên tiếng. Chất giọng trầm ấm của ông vậy mà như lưỡi dao chém đứt bầu không khí im lặng giày vò. Ngay lập tức, cặp mắt đỏ ngầu kia liền hướng sang ông ta, trong cái bộ dạng ngồi thản nhiên, chân gác chữ ngũ. Chậm rãi, người đàn ông đặt tách trà xuống chiếc bàn kính. Đồng thời lúc này, bỗng chốc có một lực hút xuất hiện. Liền rất nhanh chóng đảo chiều hướng của mọi ánh nhìn trong căn phòng. Và, càng khiến họ càng lúc càng rơi vào hố sâu.

"Có lẽ ông anh nên tìm một cách khác để hoặc tìm hiểu. Hoặc chăm sóc. Hoặc quản thúc con cái. Đi sâu vào hơn. Chi tiết hơn. Thân thiết với ruột thịt hơn là vọc vũng nước lã."

Tấn là đang mắng ông Nam phô trương như vậy nhưng lại là không đủ tinh tế. Một người nghiêm chỉnh, khắt khe vậy mà không đủ chi tiết. Thật mỉa mai. Lúc này, tuy Hà có thể giấu đi ý tứ đắc thắng trong mình thì người đàn ông kia lại không. Thay vào đó, với lưng dựa vào thành ghế, cằm ngửa cao và đôi mắt... Luôn luôn là đôi mắt nhìn từ trên xuống. Tự mãn và khinh thường. Ngay lập tức, thái độ đắc ý của Tấn liền khiến ông Nam ngứa mắt. Là chính vì thế ông ta luôn căm ghét người bạn thân của vợ mình. Ông ta thấy được sự khinh khi ở đó. Sự kiêu ngạo vì hắn ở trên mọi kẻ khác tầm thường. Với địa vị và quyền lực mà Tấn sở hữu trong tay... Ông ta cũng có! Có chứ. Nam có thua kém gì Tấn ở lĩnh vực nào? Ông ta cũng là một người cha. Thành đạt, có học thức, uyên bác. Có tuổi đời từng trải. Vậy tại sao... Vì cái cớ sự gì, lúc này đây lại bị kẻ còn nhỏ tuổi hơn mình chỉ bảo cách dạy dỗ con?

"Có lẽ ông bạn nói đúng. Lũ trẻ ngày nay tuy lớn nhanh nhưng là tập chạy trước khi tập đi. Nên dạy gì cũng không hiểu."

Nhưng, dù sao thì, dẫu cho cơn căm tức có muốn bùng cháy dữ dội đến mức nào, ông Nam cũng tự dặn mình biết kiềm nén. Nếu tự bộc phát, chính là tự đưa cho đối thủ thấy mình mất đi vẻ chừng mực. Tất nhiên, ai cũng hiểu, bản lĩnh của người đàn ông trưởng thành chính là trong những lúc mà người ta mất đi chừng mực lại bình tĩnh vô cùng.

"Mà chúng ta lại quá bận rộn. Không thể lúc nào cũng theo sát con cái được. Đã có thời gian cao nhất của tôi là sáu tháng công tác không thể về nhà. Còn ông đây, nghe nói là tận ba năm?"

Bất kể khi nào Tấn im lặng thì người đàn ông kia cũng tỏ ra vẻ đắc thắng. Tiếp theo đó, Nam lập tức lại nói liên tục khiến cả không gian lại cứ như thuộc về mình. "Và nói sâu xa hơn là mười lăm năm. Mười lăm năm dài ròng rã không biết con mình ở đâu. Vì danh lợi mà bỏ rơi gia đình máu mủ ruột thịt. Đúng là không dễ dàng gì."

Tôi đã nói là "cứ như" chứ không khẳng định. Vì Nam nhất quyết không bao giờ là người làm chủ cuộc đối thoại. Bất kể như thế nào, chỉ cần là có người đàn ông kia. Ông Tấn nói một tràng tiếp lời:

"Nên tôi rất vui mừng mỗi khi được trở về nhà với vợ con. Và nhất là, càng lúc, quãng thời gian mình rời xa họ càng ngắn dần đi. Ông anh thấy đó, tôi thậm chí bây giờ còn có thể mỗi ngày được gặp vợ sau giờ làm việc mệt mỏi. Ông anh cũng nên như vậy. Tôi tất nhiên hiểu nỗi khổ cực của người đàn ông lẫn đàn bà khi phải chờ đợi người mình yêu."

Cứ như vậy là thỏa mãn ý muốn có người đáp trả của Nam nhỉ? "Nên tôi đã theo lời nhờ vả của Nhung giúp ông anh sắp xếp công việc. Không phải đi xa rời lâu nữa. Thật thuận lợi biết bao."

Hết câu nói này người im bặt lại chính là ông Nam. Cả bầu không khí giờ thì thắt nghẹn lại. Như có cái gì mắc kẹt ở cuống họng, không thể bật ra tiếng. Đứa trẻ con cũng đã dừng nhìn vào màn hình máy tính chớp nhoáng. Nó trơ mắt nhìn người đàn ông kia biến thành một cái tượng đá. Và cả cơ thể Nam bỗng chốc tê liệt. Ai cũng thấy được sự khô cứng chẳng khác nào một khối thạch cao bị vấy nước bẩn. Cuối cùng, ông ta cũng nếm mùi bị sỉ nhục là như thế nào. Và bấy giờ, Hà hưởng thụ cái cảm giác hứng chí một cách âm thầm. Mà Tấn thì lại chẳng dừng ở đó thôi.

"Hình như ông anh còn chưa cảm ơn tôi nhỉ?" Tay lại nhấc tách trà lên, Tấn buông lời cười cợt. "Không cần đâu. Tôi không tính toán nhỏ nhen như thế. Chỉ là tôi thấy ông anh thật may mắn. May lắm. May mắn vô cùng."

"May mắn gì?"

Rốt cuộc, Nam không nhịn được mà bật miệng hỏi. Người đàn ông chính là không chịu được câu nói nửa đùa nửa thật của đối phương. Thấy vậy, cứ thế, Tấn vô cùng thản nhiên, uống nốt tách trà trong tay. Sau khi hạ xuống thì mới chậm rãi nói:

"May mắn là Nhung nhờ vả được người tốt. Như tôi đây." Miệng lưỡi sắc sảo nhấn nhá từng từ. "Không tính toán thiệt hơn với nhau mà giúp đỡ tận tình. Đổi lại là người khác..."

Tấn chỉ nói tới đó. Nhưng, bỗng nhiên, đứa con gái lại không nhịn được mà buột miệng bồi thêm một câu, "Xem chừng ra trên gối ngủ có tóc không phải của mình." Lúc nói, nó giả vờ như chỉ nói với bản thân. Cặp mắt nheo nhỏ không nhìn ai.

Vô thưởng vô phạt vậy mà gây ra sát thương.

Ông Nam trừng to mắt. Chưa bao giờ, tôi nhìn thấy con ếch nào xấu xí tới mức này. Cặp mắt lồi như muốn rớt ra ngoài khiến người khác vừa khinh bỉ vừa chán ghét. Mà cũng hơi giật mình nữa. Giờ thì những đường gân guốc càng nổi trội hơn. Lớp da sẫm màu nhầy nhụa ướt át cũng đã hóa đỏ. Nghẹn trăm lời ứ trong cổ họng, cái cục bướu của con ếch càng lúc càng to dần. Tôi tưởng nó sẽ vỡ tung. Thật sần sùi, thật xấu xí. Lũ ếch là hiện thân cho mọi điều khó coi nhất trên thế giới. Ganh ghét, tị nạnh, sân si... Và chúng không có cách nào giấu đi bản chất của mình. Thậm chí, bất kể những gì lũ ếch làm chính là thói hoạnh họe xấu tính. Mỗi lúc chúng gào thét ộp ộp vồn vã, mỗi lúc chúng huênh hoang, tự cao tự đại. Sau đó, khi bị con trâu đạp chết, ếch lại càng trông xấu xí. Chả còn ra hình thù gì. Chính nó tự rước những bới móc, giày xéo này lên mình. Lại càng đáng khinh thường hơn.

"Cũng không phải là may đâu. Người ta nói với phụ nữ xinh đẹp chính là may mắn. Mà vợ tôi thì lại không có phúc phần như cô Ly nhỉ."

Phẫn nộ đã khiến chừng mực của ông Nam biến thành tro. Vì hơn thua một câu nói vô thưởng vô phạt của Hà, ông ta đã mang người phụ nữ vào trận đối đầu của cánh mày râu. Ngay lập tức, Nam được cái mình muốn. Vì ông thấy Tấn trong phút chốc giật ngược đầu mình lại, mà hai mắt giờ thì cũng trừng lên. Những ngón tay nhịp trên đùi. Hơi thở phì phò. Và Tấn, giờ trong mắt Nam là pho tượng. Không thể bật ra tiếng khi điểm yếu bị đánh úp.

"Tôi ít khi gặp được cô Ly nhưng chắc chắn nhan sắc nếu kẻ nào không nghe qua thì chẳng khác nào không có tai. Làm sao phủ nhận được khi cô ấy thắng giải Hoa Hậu năm đó dễ dàng như thế, nhở? Biết bao người hâm mộ. Thèm muốn. Mình chia sẻ riêng một chút nào. Với vẻ đẹp đó của cô Ly, hẳn ông vì thế mà say mê như điếu đổ nhỉ?

Tuy nhiên, bỗng nhiên, trên khuôn mặt của pho tượng đang trầm ngâm lại vẻ lên một nét cười. Mà còn là một nét cười rất mãn nguyện. Rất đắc ý... Và rồi dường như, không ai lọt được vào trong đôi mắt của Tấn nữa. Ngoài hình bóng xinh đẹp luôn khơi gợi ông ta.

"Nhan sắc chỉ là khoảnh khắc. Còn lòng tốt... Lòng tốt thì lan tỏa khắp nơi."

Cặp mắt người đàn ông hạ thấp tầm nhìn một cách nhẹ nhàng. Và êm ái. Rất luyến lưu.

"Cái mà ta thấy ngay lập tức thì ngay lập tức cũng thay đổi. Nhanh chóng, phù du. Nhưng những gì ta không thấy, mà thấu cảm thì sẽ lưu và truyền mãi mãi. Cứ thế thành nỗi nhớ ghi ấn sâu sắc trong lòng. Không bao giờ rời bỏ mà ta cũng không bỏ rơi."

Lúc này, Hà trầm ngâm nhìn người cha. Đột nhiên, nghe những lời nói đó, con bé lại cảm thấy vui vẻ. Như bị sự dịu dàng dành cho tình yêu của ông mà bước vào một khu vườn xuân đầy ắp hoa trái. Để rồi khi câu nói tắt đi, nó lại quyến luyến muốn được hưởng thụ cơn gió dạt dào hương thơm và sự ấm áp đó lần nữa. Và như thế, Hà biết ông Tấn tâm đắc nhất điều gì trên cuộc đời. Cũng như, tận đáy lòng con bé cũng hiểu... Ông có thể làm những gì vì người phụ nữ mình yêu. Tại giây phút nhẹ nhàng tự dưng chen ngang giữa cơn giận bỏng thịt và sự ganh ghét cháy da, Tấn nở nụ cười hạnh phúc vô bờ bến. Nhờ đó, cuối cùng, người đàn ông trở lại vẻ thư giãn bình thản. Đôi chân cứng cáp lại bắc chữ ngũ, tạo thành dáng ngồi thoải mái. Cái đầu hơi nghiêng nghiêng, và tiếng thở dễ dàng, nhẹ nhõm hơn:

"Tôi chắc là tận trong tâm ông anh cũng cảm thấy những điều tôi vừa nói. Thật tình chúng ta đều dễ xiêu lòng vì lòng bao dung của người phụ nữ mình yêu. Và sự tốt bụng của họ... Hẳn là ở điểm này Nhung còn dư dả hơn vợ tôi nhỉ? Bởi lẽ, cô ấy đã dốc lòng nuôi dưỡng không chỉ một mà hàng trăm nghìn những đứa trẻ của người đàn ông khác. Còn vợ tôi, chỉ là của riêng tôi thôi."

Có lẽ, từ giờ trở về sau, không ai nên thách thức tình yêu của Tấn dành cho vợ mình thêm nữa.

Bây giờ, ông Nam đã bị câu nói nghe vừa trân quý, vừa thấu cảm... Quá đỗi dịu dàng nhưng lại một nhát mỏng manh thế xuyên sâu vào nỗi đau của bản thân. Lưỡi câu này thật kỳ lạ. Nhẹ nhàng và mềm mại như tờ giấy, lại khiến người ta dở dở ương ương. Muốn giận cũng không thể. Ngược lại vừa đau đớn vừa xấu hổ. Làm sao có thể phản bác được gì? Rất ấu trĩ. Thật tùy tiện và bủn xỉn. Thế là, lát cắt được đà như thế trở thành đau đớn nhất ở đầu ngón tay. Nỗi day dứt không thể oán giận, Nam đành lặng im. Không còn ai nói bất kỳ một điều gì nữa. Chẳng còn âm thanh nào ngoài lại tiếng gõ lạch cạch của Hà trên cái bàn phím kia. Không gian đặc quánh nhưng thoải mái, dễ chịu. Loài người cứ như vậy lần đầu tiên cảm nhận được sự ôn nhu của bình yên.

"Tôi nên vào chào hỏi Nhung nhỉ? Ông anh có thể tiếp tục ngồi đây với con bé." Tấn đứng lên. Giọng nói vẫn giữ phong thái trầm lắng, nhẹ nhàng. "Cũng như bao ngày thường khác mà ông đã không có ở đây."

Nam vẫn ngồi yên trên ghế khi người đàn ông kia đi qua cánh cửa, tiến vào trong bếp. Ông ta không hề nhúc nhích. Chỉ có cặp mắt mở to. Luôn là mở to như vậy, và rồi nó hạ xuống vì rơi vào im lặng. Vì con người sở hữu nó giờ phút này nên sống chậm lại. Để ngẫm nghĩ, để hiểu thấu lại những điều mà trước đây đối với mình là hoàn toàn lạ xa. Tuy nhiên, như bong bóng, phút chốc lại vỡ. Bởi lẽ, Hà nhìn thấy người đàn ông đứng dậy và rời đi. Những bước chân lại bước lên các bậc thang hướng lên cao. Rồi càng lúc càng trở nên xa vời vợi. Rốt cuộc, hóa ra trước giờ ông ta vẫn không thay đổi. Đứa trẻ nhìn theo bóng lưng lớn cứ rời bỏ đi. Cảm giác quen thuộc làm con bé thấy trống rỗng. Như đột ngột nhìn thấy ngọn nến vừa thắp lên lại vụt tắt. Tất cả hi vọng chìm vào màn đêm, mà nó đã không còn trông chờ gì nữa.

Chưa bao giờ là cho đến khi.

Tuấn bỏ bọn tôi lại cái chốn vắng vẻ, rồi chạy đi mất. Anh ta đi mà không nói một lời. Thật lạ lùng thay chỉ sau một cú điện thoại, Tuấn vội vã dúi vào tay tôi tập hồ sơ mà hôm qua bác Phong đã đưa cho rồi chạy biến luôn. Đến Chi cũng ngơ ngác. Bấy giờ, cả hai đứa chúng tôi ngồi đại gần một cái cây cổ thụ lớn. Tuy cành không nhiều nhưng lại um tùm lá, mà đã đến tháng chín nên lá vàng rơi. Như trút nước. Dưới bóng râm của sự tàn phai, cả hai đứa chỉ ngồi cạnh mà không nói gì với nhau. Chúng tôi đều nhìn về phía căn nhà của cô Xuân, nơi cánh cửa vẫn còn đang đóng kín. Mà đầu thì lúc này lại nhớ về lời dặn dò của anh Tuấn trước khi đi. Trong tay tôi giữ tập hồ sơ. Nửa hờ hững mà nửa chơi vơi, đặt nhẹ nhàng trên đùi. Tuy vậy, tôi thấy bản thân mình có một nỗi buồn man mác lạ lẫm. Ví như có cơn mưa vương vấn qua. Tuấn dặn chúng tôi ngồi đây canh chừng xem có ai tìm đến cô Xuân không. Tôi lấy làm lạ. Tại sao không đến gõ cửa ngay? Tuấn không cho phép tôi làm điều đó. Anh bảo tôi kiên nhẫn. Anh bảo tôi chịu đựng một chút. Chờ cô Xuân ló ra để lấy những món hàng kia.

Trong khi tôi ngồi suy nghĩ vẩn vơ thì bất giác nhận ra, Chi ở bên cạnh đang vẽ tranh. Lúc này, trên tờ giấy trắng đang hiện lên những khóm cúc vàng be bé. Cả nắng cũng vàng theo sắc của đóa hoa. Tuy nhiên, có gì đó đợm buồn trên trang giấy, mặc cho sự tươi tắn của màu vàng có rực rỡ thế nào. Và rồi, Chi vẽ những đường tí tách. Mưa theo đó rơi lớt ngớt trên tờ giấy trắng tinh. Đột nhiên tất cả trở nên xám xịt và buồn bã. Bức tranh trong cơn mưa bị lớp nước cuốn trôi hết cả bầu trời mây. Chi vẽ chiếc ô tròn màu trắng nhạt nhòa giữa mưa bụi và sương mù. Nét màu càng lúc càng trôi rồi nhòe đi. Cuối cùng, cơn mưa mịt mù và réo rắt đã xóa nhòa mọi sắc hoa vàng thắm. Nắng bị chôn vùi và người ta đã quên đi. Quên một mảnh đời hắt hiu.

Bỗng nhiên, Chi đột ngột lên tiếng:

"Ngày chị Vân mất, mưa rất to. To đến nỗi,... cuốn tập vẽ tớ mang theo bên mình cũng bị ướt. Và to đến nỗi, cả người chị sũng nước." Cứ thế, tôi đi lạc theo. "Tối hôm ấy, mẹ đưa tớ theo đến bệnh viện. Và... tớ được nhìn thấy, tận mắt cơ thể của chị. Nằm yên trên một chiếc bàn trắng. Mắt nhắm nghiền. Không cựa quậy dù mẹ vừa khóc vừa gọi tên."

Trang giấy trắng vừa vẽ ra giờ thì Chi nhàu nát nó. Buồn bã đã biến thành méo mó. Là nỗi u uất không bao giờ tháo gỡ.

"Lúc ấy, tớ cũng không hiểu lắm. Không hiểu tại sao cơ thể chị lại lạnh như vậy. Tại sao chị không mỉm cười với mình nữa. Tại sao chị lại ra đi?"

Chúng tôi nhìn vào mắt nhau và tôi thấy sương mù trắng xóa, "Phương không biết đâu, có rất nhiều câu hỏi cứ bao vây lấy tớ. Như có ai lấy cái thòng lọng thắt nghẹn cổ mình. Đau đớn, cô đơn... Là chị Vân đã cảm thấy như vậy. Lạnh lẽo, dày vò là những gì cuối cùng bọn họ đối xử với chị. Tại sao bọn họ lại độc ác như vậy? Tại sao cơ chứ? Tại sao họ và cô ta lại cứ phải đẩy chị đến cái chết?" Tôi muốn trả lời nhưng không thể, "Tại sao người với người lại có thể tàn nhẫn như vậy?"

Tại sao lại là chị Vân?

Chi có biết không chuyện mối tình tay ba giữa chị Vân, Hà và Ân? Và tôi tự hỏi, đến mức căng thẳng đổ mồ hôi, nếu mình nói ra, Chi sẽ cảm thấy thế nào? Liệu sự tuyệt vọng vốn đã ăn mòn vào sâu bên trong trái tim cô ấy có đau đớn thêm vì tìm ra được đáp án? Một đáp án khốn nạn không thể chấp nhận. Thế là, tôi cắn lên môi lúc im bặt. Để mặc cô bạn gái vò nát bức tranh chính mình vừa vẽ ra. Theo từng câu nói, tôi hình dung được cảnh trời mưa như trút nước. Và cơn mưa ấy đã xóa hết mọi dấu vết của hung thủ. Chỉ còn lại những lời kể không biết có nên tin, và một kẻ độc ác nhởn nhơ. Cứ nghĩ đến đoạn đó, lòng tôi lại bối rối như vò chỉ. Rồi, bỗng chốc, tôi ngớ người ra... Sau khi biết được chân tướng thật sự của việc này, mình sẽ làm gì tiếp theo? Nếu như tất cả những nghi vấn là thật... Rằng Hà! Chẳng lẽ tôi nên báo cảnh sát đưa chị vào tù? Anh Tuấn có lẽ sẽ làm vậy. Anh sẽ đưa chị đi. Anh và Chi sẽ muốn chị chịu trừng phạt cho tội lỗi mình đã trốn tránh. Và rồi đột nhiên, tôi nhận ra mình không muốn chị bị đưa đi. Tôi nhận ra, mình không còn nghĩ về chị Vân nữa, mà chỉ có người chị ngày hôm qua đã cứu mạng tôi.

"Tại sao bắt buộc... phải là chị của tôi?"

Những câu từ oán trách thảm thiết đó của Chi như nói thay lòng tôi. Vì tôi cũng đang tự hỏi, tại sao bắt buộc phải chị tôi mới chính là hung thủ? Tại sao tất cả mọi người đều buộc tội chị, mặc cho việc người cuối cùng Vân gặp chính là tên trai đểu đáng ghét kia? Nghĩ vậy, đột nhiên hai chân tôi đứng bật lên. Và tất cả những sợi dây lý luận trong đầu giờ thì liên kết với nhau. Ngay lập tức, tôi liền nắm lấy tay Chi. Rồi trong lúc cô bạn còn chưa hiểu gì đã bị kéo chạy đi. Bấy giờ, tôi dắt Chi rời khỏi khu đất hẻo lánh và căn nhà đóng kín cửa yên tĩnh. Toàn bộ khung cảnh tịch mịch như vậy mà hai bên tai tôi lại ù đi. Không hề nghe thấy Chi đang nói gì. Chúng tôi rời khỏi đó, và trở lại bãi đỗ xe ban đầu. Đến lúc đó, mới nhận ra, hai mắt Chi đã đỏ hoe. Cứ như vậy, tôi bần thần rụt tay lại. Cả cổ tay của Chi cũng đỏ sưng lên.

"Cậu làm sao vậy?" Chi hỏi nhưng tôi không cách nào trả lời được.

Cổ họng cứng ngắc. Toàn người cảm thấy rờn rợn, và rồi tôi cứ ngơ người ra. Mặt mình lạnh băng. Tôi sẽ cứ đứng ngây ra thế, nếu Chi không níu lấy gấu áo mà kéo nhẹ. Đằng sau cặp kính dày, hai mắt cô ấy đỏ hoen, đẫm nước. Vết hằn trên tay hẳn cũng rất đau.

"Xin lỗi... tớ chợt nhớ ra mình có chuyện phải làm." Tôi đành dối trá trấn an Chi. "Nên hôm nay tới đây thôi. Mình về nhà nào."

Có như thế, Chi cũng đành bằng lòng, "Ừ, cũng trễ rồi. Cậu đi về đi."

"Bộ cậu định ở lại sao?"

Tôi hỏi với tâm can áy náy. Mà phần nhiều lo sợ. Bởi lẽ, tôi kéo Chi đi là do không muốn sự thật bị lộ quá sớm. Cũng không muốn Chi biết được sự thật... nếu như sự thật chính là do Hà gây ra. Lúc này, Chi bẽn lẽn nhìn lại quãng đường bản thân vừa đi qua. Tức thì, tôi biết liền cô ấy muốn điều gì. "Nhưng bây giờ đã trễ lắm rồi. Hay là vậy đi, cuối tuần mình cùng quay trở lại, được chứ?"

"Càng dây dưa chẳng phải biết được sự thật càng trễ nải sao?" Chi hỏi.

Tôi dối lòng trả lời, "Tớ cũng muốn biết sớm. Nhưng... lại không đành lòng để cậu ở đó một mình. Nhất định mình sẽ quay trở lại một lần nữa. Cùng nhau thuyết phục cô Xuân."

Nếu so đo, cảm giác nôn nao, hối hả trong lòng mình cũng chẳng thua kém gì ở Chi. Tôi biết, cô ấy đã chờ đợi từ lâu. Sự thôi thúc trong lòng Chi lúc nào cũng như sóng thần, từ dưới mặt nước tĩnh lặng, luôn luôn chờ đợi để bùng lên. Và rồi sẽ phá hủy tất cả. Càn quét mọi nơi mà nó đi qua. Cơn thịnh nộ của Chi chính là như thế. Phát nổ trong nước mắt và oán hận. Dù cô ấy khiếp sợ chị Hà đến mức nào... Dù Chi chỉ là một cô gái nhỏ bé, nhút nhát, yếu đuối. Vì vậy, tôi nhất định phải đảm bảo được rằng... Nếu như để Chi biết được sự thật thì phải đã được mình kiểm chứng. Mặc dù bây giờ tôi không có cách nào thuyết phục cô Xuân nhưng tôi sẽ nghĩ ra sớm thôi. Cho đến lúc đó, không một ai được biết gì cả.

Chi ngại ngùng đồng ý, "...Vậy cũng được."

"Khi nào tớ quay trở lại thì sẽ bảo với cậu cùng đi. Nhé?"

Và rồi cô ấy gật đầu. Lúc bấy giờ, bên kia đường có một cửa hàng tiện lợi đang hoạt động. Hay quá! Ngay lập tức, một kế hoạch nảy ra trong đầu. Cứ thế, tôi thầm nở nụ cười, và hoá ra mọi thứ đều thuận lợi vô cùng. Chi ở bên cạnh, ngẩng đầu lên khi tôi nói với cô ấy đợi mình. Sau đó, hai chân chạy qua bên kia đường, trong khi Chi nhìn theo.Cửa hàng tiện lợi đó là kiểu dạng truyền thống, giống với tạp hoá hơn mà lại không có chỗ ngồi. Nhỏ, gọn và mở suốt hai mươi bốn giờ, dù là đêm khuya. Vậy tốt, tôi có thể một công đôi việc. Vừa được làm điều mình thích, vừa chờ xem cô Xuân có lảng vảng đâu đây không. Ủa, vậy là được hai việc mình thích chứ hả? Kiếm tiền lẫn trinh thám. Tuyệt cú mèo! Nghĩ là vậy, tôi liền ghi lại địa chỉ cửa hàng vào điện thoại. Sau đó, mua vội vàng hai chai nước ngọt rồi lại trở ra. Khi đó, Chi vẫn đứng yên một cách bẽn lẽn. Hai mắt cô ấy nhìn theo tay tôi khi được trao chai nước cho. Khi cầm lấy được, bỗng dưng đôi gò má kia bẽn lẽn ửng đỏ. Tựa như những quả hồng chín mọng,... đi kèm với những ngón tay bé nhỏ cứ đang khép hờ. Tôi thấy sau cặp kính của Chi lớp sương mù đã vơi bớt. Lúc này, chúng tôi đã cùng nhau muốn quay trở về nhà.

"Vậy... cậu định, tự về sao?" Tôi lưỡng lự hỏi Chi. Cô ấy thì không biểu hiện gì cả. Ngoài rụt rè gật đầu và mím môi. Gì? Muốn gì cứ nói. Sao phải lằng nhằng như vậy chứ? Nghĩ vậy, tôi bèn hỏi, "Hay tớ đưa cậu về nhà?"

Có như thế, mắt của Chi liền sáng rỡ. Nụ cười cũng lập tức rộ lên. Có gì đâu, tôi cũng rảnh rỗi... Tôi quá đủ rảnh rỗi! Nếu được vào làm, tôi nhất định sẽ ngày đêm ở đây túc trực chờ cô Xuân!

Dắt xe ra, đang đưa lại mũ bảo hiểm cho Chi thì bỗng nhiên, điện thoại trong túi quần reo lên. Theo thói quen, tôi lấy điện thoại ra kiểm tra tin nhắn. Là từ Thư. Chuyện gì ấy nhỉ... Bả nhắn cái gì mà, "Đừng ra khỏi cổng trường." Nghĩa là sao?

"Phương."

Tiếng gọi của Chi làm tôi giật bắn cả mình. "Cậu còn nói chuyện với Thư sao?"

Lúc đấy, ánh mắt người con gái đột nhiên bén như dao.

"Lâu rồi không gặp, Thư."

Thằng chó này, hôm nay lại tới đây?

"Ông Hiếu bảo mày tới hả?"

Tôi thản nhiên bước tới. Chân đi hướng về Lộc mà mắt thì lại nhìn điện thoại, tay gõ phím vội vàng. Vừa thấy Lộc liền biết là ông Hiếu sai nó đến để kiếm thằng nhóc con kia chớ gì?

"Anh Hiếu biết thằng nhóc con hôm bữa trước chắc chắn học trường này... còn tôi đến đây chỉ là muốn xem thử,..." Lộc nói chậm rãi. "Cái lá gan to thì to đến cỡ nào?"

"Mày định mổ bụng nó ra xem hả?" Tôi nhếch mép khinh bỉ.

Ngay lập tức, Lộc liền như được mở cờ. Giọng nói càng trơ trẽn hơn, "Được thế thì anh Hiếu chắc chắn sẽ cũng muốn xem."

*** con mẹ.

Từ đó tới nay, Lộc luôn là con chó dưới trướng ông Hiếu. Nói thô tục là vậy nhưng tên này luôn làm được việc, hơn nữa, lại rất thân nhau. Cùng là xuất thân từ khu ổ chuột, nhưng khuôn mặt Lộc lại sáng láng, trắng trẻo hơn. Hắn ta trông cũng khỏe mạnh, lại có dáng người không quá gầy gò, cơ cực và rõ ra là mấy thằng nghiện ngập, hút chích. Tuy nhiên, nhìn vào đôi mắt lờ đờ, thiếu sức sống kia... Như mấy con chó dại, tôi biết Lộc là kẻ bẩn tính. Không bao giờ đôi mắt Lộc ngừng láo liên, hết liếc xéo từ chỗ này đến chỗ khác. Thậm chí, hắn đôi khi còn vô cớ nở một nụ cười khẩy. Cứ thế, phát ra âm thanh ngắn và khẽ,... vừa lố bịch vừa xấu xa quá chừng. Từ bé, tôi thường gọi Lộc là Lộc chó. Mà hắn cũng vui vẻ để tôi gọi,... Bởi vì khuôn mặt hắn giống mặt chó sói. Hai bên gò má cao đầy, trán rộng, tai nhọn. Miệng to cười lộ ra hai cái răng nanh... Y hệt như mấy con chó!

Nhìn mặt Lộc, bỗng nhiên tôi cáu giận. Tính tình của hắn cũng bẩn thỉu như lũ chó vậy!

"Thư đang bảo vệ thằng nhóc đấy hửm?"

Cái đéo gì cơ, "Sao tao lại phải bảo vệ thằng nhóc đó?" Cả cặp lông mày tôi nhíu lên. Bấy giờ, chung quanh tôi và Lộc là rất nhiều người qua lại. Bởi lẽ lúc này là giờ tan trường. *** mẹ, hi vọng thằng nhóc đọc được cái tin nhắn... Giờ này mà bước ra là chết dở! ** má! Cái ánh mắt ướt át của Lộc vẫn không ngừng nhìn tôi!

Hắn cười nheo cả hai con mắt ti hí, "Tò mò thôi. Tôi cũng không nghĩ như vậy. Nhưng Thư lại không nói gì về thằng nhóc đó cho anh Hiếu biết. Liền đoán được là Thư và nó có mối liên quan."

"Chó hùa nhiều chuyện." Tôi đá đểu hắn.

Nhưng, Lộc vừa đứng dựa vào con xe máy, vừa thản nhiên đáp lời, "Là quan tâm Thư thôi."

Tôi đốp chát đáp lại ngay, "Đéo *** nào mướn luôn."

"Nhưng mà, vậy là tôi nói đúng nhỉ?" Đột nhiên hắn đứng thẳng dậy. Mắt hướng lên, nhìn chằm chằm vào tôi. "Chứ nếu là người lạ, Thư đâu cần phải bảo vệ nó tới thế. Sẽ không bảo nó chạy. Vì Thư mà tôi biết đâu có tử tế gì đâu."

Nó làm như nó hiểu rõ mình lắm ý. Giữ cục tức trong mình, tôi liếc ngược lại lại Lộc. *** mẹ, cái khoé miệng nó cười đúng ghê.

"Tao đéo cần tử tế. Tao không cần phải hành động tử tế cũng không cần người khác tử tế với tao."

Lộc và tôi nhìn trừng trừng vào nhau, "Nên liệu hồn đừng có tỏ cái vẻ thân thiết nữa. Tao thiến dái mày giờ."

Chốc chốc, hắn cười khẩy, "Chỉ cần người khác tin mình tử tế là được chứ gì." Và rồi câu nói sau như đâm một nhát vào người tôi:

"Nên kể từ sau vụ của con Châu,... Thư cũng hay tỏ ra vẻ tử tế để gạt thêm một đứa nữa chứ gì?"

Cái *** mẹ!

Ngay lập tức, tôi chửi thề ra ngoài miệng và liền sấn tới đạp thẳng vào hạ bộ của Lộc. Nhưng hắn lách người né, chỉ khiến cho chiếc xe máy đang dựng ngã xuống một cái rầm! Chó chết! Khốn kiếp! Tôi nghiến răng thù ghét hắn. Nhưng Lộc ở đối diện lại trơ trẽn chỉ cười. Đúng là thằng chó!

Sau đấy, Lộc dựng xe lên lại trong lúc miệng vẫn còn chưa đã chua ngoa, "Lâu không gặp, Thư vẫn nóng nảy thật đấy. Ghẹo xíu thôi mà."

"Một câu nữa tao cho mày về với đất mẹ luôn." Tôi đe doạ nói.

Ngay tức khắc, hắn lại mở mồm, "Dạo này còn quen với Bảo không?"

Bảo tới rồi! Đậu xe ngay trước tôi và Lộc. Còn chưa kịp cất lời...

Và tôi chớp được thời cơ để đá vào ngay hạ bộ hắn! Ngay lập tức, Lộc đau điếng, khuỵu gập người. Hai tay ôm lấy háng. Có thế chứ! Thật nhanh, tôi nhảy phóc lên yên xe sau lưng Bảo! Thế là, Bảo phóng chạy đi lun! Hả dạ. Thằng chó khốn nạn đó, tôi ngồi trên xe chạt xa đi mà nguyền rủa. Nhưng khi ngoái đầu lại, cảm giác thấy mặt Lộc lại có mỉm miệng cười.

Quảng cáo
Trước /53 Sau
Theo Dõi Bình Luận
Vấn Tiên

Copyright © 2022 - MTruyện.net