Màu Nền | |
Màu Chữ | |
Font Chữ | |
Cỡ Chữ | |
Style Combo | |
50.
Nhiều lúc, ta ước thời gian chịu sự sai khiến của ta. Thuận theo lời ta bảo, đứng yên hay trở ngược lại, hay trôi nhanh hơn... Để cứu vớt trái tim hấp hối ra khỏi đau đớn. Khoảnh khắc sáng sớm chớm mùa lạnh lẽo ở Sài Gòn, tôi thấy gió thổi đến từng cơn vội vã. Trong một thời khắc ngắn ngủi, cả thành phố đột nhiên bỗng bị rúng động bởi sự buốt giá. Và đó không hề trùng hợp, nhất là khi biết rằng... hôm nay là ngày em rời đi.
Hà sẽ hoàn toàn rời khỏi bệnh viện vào ngày hôm nay. Tôi thấy xe em nằm im lìm lúc đỗ vào sân vắng. Và giây phút ấy, như bị bước hụt chân. Dù biết Hà sẽ rời đi từ trước, nhưng bây giờ, tôi mới thật sự thấm thía cảm giác đó đang tới gần. Càng dần dà gần hơn, mỗi bước chân bước đến căn phòng thí nghiệm, vốn là nơi mỗi ngày được gặp em. Tôi đã tưởng bản thân nằm mơ. Và rồi nhận ra, từ trước tới nay, đang bị mắc kẹt trong một cơn mơ khác. Giấc mơ nhẹ nhàng màu trắng như mây xốp trên trời xanh lơ buổi sớm mai. Rằng, việc gặp em mỗi ngày là một giấc mơ trùng điệp, liên tục lặp lại. Nhưng, bây giờ, tôi tỉnh giấc và ước mình nằm mơ. Tôi ước cái cảnh đang nhìn thấy trước mắt không phải là hiện thực. Chậm hơn một vài ngày nữa, một vài giờ nữa, hay một vài chục phút nữa... Không phải bây giờ. Tôi mở cửa ra, tim liền thắt nghẹn. Hà đang ở đó. Dáng người thanh mảnh của em đứng bên chiếc bàn quen thuộc nhưng giờ thì trống trơn. Chỉ có mỗi giỏ phong lan và dòng chữ tạm biệt đơn côi.
"Chào anh."
Hà cất tiếng khi cả hai đụng mặt nhau. Bấy giờ, tôi đã quá nghẹn ngào để nói bất kỳ điều gì. Thậm chí, còn không nghĩ mình sẽ thở nổi. Cảm giác trống rỗng trong tôi đang bào mòn mọi lý trí sẵn có. Tôi chỉ biết chân mình đang bước vào phòng, mắt nhìn em, và tim đang hẫng nhịp vì sợ từng giây đang trôi qua.
"Khiêm nói rằng hôm qua mọi người có để lại một giỏ phong lan cho em." Hà giải thích lý do mình ở đây. Bởi lẽ, đồ đạc của em đã được dọn đi hết từ hôm qua. "Nên em đến lấy nó đi."
Ở đối diện, tôi bước gần tới Hà và giỏ phong lan trắng. Rất dễ hiểu tại sao mọi người lại chọn giỏ hoa này tặng em. Dẫu sao thì nó cũng mang ý nghĩa chúc mừng điều gì đó tươi mới... Tôi bâng quơ nhìn các bông hoa trắng muốt đang ôm sát lấy nhau, trên cành nâu trĩu nặng xuống, điểm chút lá xanh nhạt màu. Lúc này, tay Hà cũng nhẹ nhàng vân vê một cánh hoa ngẫu nhiên. Em có vẻ thích nó. Thật ra, ít ai biết, loài hoa em yêu thích nhất chính là phong lan trắng.
"Mọi người chọn được giỏ tốt đấy."
Cuối cùng, tôi cũng cố bật ra tiếng được. Hầu hết những nhụy đã nở rộ, mang trên mình một màu trắng tinh khiết tuyệt đẹp. Đặc biệt, chúng tụ làm ba đài chính và các cánh hoa xòe ra rộng, kín đáo, khít vào với nhau. Tạo thành từng tầng lớp mỏng manh, thanh mảnh,... Và tôi ghi nhớ kỹ gương mặt em, "Sẽ mất công để chăm sóc chúng lắm đấy."
Hà gật đầu, đáp lời tôi, "Em biết."
Là một người yêu hoa, tôi biết em sẽ chăm sóc chúng rất kỹ. Nhất là khi em còn đặc biệt quay lại vì chúng. Cũng may, để cho tôi cơ hội cuối cùng.
"Nếu nhìn kỹ thì chúng cứ như những cánh bướm vậy..." Đó là lý do tại sao người ta đặt cái tên hồ điệp mỹ miều đến vậy. "Trắng tinh khôi, ngây thơ... và xinh đẹp."
Tôi nói nhưng mắt nhìn em. Trước mặt đây, nước da trên gương mặt hướng cùng với ánh nắng sớm rọi đến. Trắng tinh một màu trắng tiểu thư. Và, trái tim tôi đập thật rõ ràng khi ánh mắt em ngược lại nhìn đến mình. Khi xưa, ta tưởng những cái liếc mắt và chạm ánh nhìn đó chỉ là thoáng qua, mang chút sắc xuân lấp lánh chớm nở non nớt. Rốt cuộc, thế mà làm cả một đoạn chuyện đời chết đi sống lại bỏ ngỏ.
"Không phải anh cũng có gì cho em sao?" Hà cúi mặt xuống, mắt lại nhìn những bông hoa trên cành. Và giọng em thầm thì đánh trống lảng đi. "Cái mà Quỳnh đưa anh?"
Bấy giờ, tôi đang để cây bút đó trên ngực áo nhưng không muốn dứt ra. Nó như trở thành xung điện truyền qua tim, giữ cho nhịp đập được tồn tại và đều đặn. Nếu dứt ra, tôi biết mình sẽ chết dần đi. Và sẽ cứ mãi lưu luyến lấy nó, như khát vọng được ở trong ánh mắt kia.
"Đúng rồi." Tôi trêu chọc em. "Nhưng anh muốn giữ nó."
"Tại sao?" Hà bất giác liếc nhìn tôi.
"Vì... nó làm anh gợi nhớ tới em."
Bỗng nhiên, tới đây, em khẽ mỉm cười. Rất dịu dàng, nhưng để lại trong tôi một điểm nhấn mạnh mẽ. Như Hà đang cho mình một lý do để tiếp tục thao thức về em. Từ đầu đến giờ, mọi thứ trải qua nhẹ nhàng vô cùng. Có lẽ, tôi ngửi được mùi hương lan ngọt ngào. Giờ thì, cả cơ thể lẫn đầu óc mình đã bị vẻ đẹp trong sáng ấy cuốn lấy. Nhất là khi, đột nhiên, Hà nắm lấy tay tôi. Y như lần trước, em đặt ngón cái lên những ngón tay và xoa nhẹ chúng. Sau đó, rất nhanh, cũng như nụ cười của em, cử chỉ thiên thần ấy liền biến mất. Đôi bàn tay trắng muốt, mềm mại đó đã rụt lại. Chỉ ánh mắt long lanh còn ở với tôi, cái nhìn chắc nịch đó.
"Vậy thì cứ giữ nó đi."
Tim tôi mừng tới mức rúng động. Đột nhiên, cả người rùng mình lên.
"Em cảm ơn vì những gì trước đây anh đã làm cho em." Hà nói những lời từ biệt cuối. "Anh nên biết rằng... cho dù sau này có như thế nào đi nữa, em cũng không bao giờ có thể..."
Lúc này, tự dưng Hà lại ngập ngừng. Trong khi, tôi chờ đợi em hoàn tất câu nói của mình. Tuy nhiên, nó sẽ còn mãi dang dở. Bởi lẽ, tôi đang nhìn em cầm giỏ hoa lên tay. Và cứ thế, ngắm đôi mắt của em càng thêm long lanh hơn.
"Đừng buồn." Tôi biết sau này sẽ ghét bản thân mình vì chỉ nói được câu đó.
Tới lúc này, Hà đã đi ra phía cửa nhưng tôi chẳng nói câu nào để giữ được em lại. Thật lòng, mình cũng không có tư cách gì để làm điều đó... Chỉ là cảm giác quá tiếc nuối. Và nhung nhớ quá nhiều. Nhớ một tình yêu tuổi trẻ bồng bột, nông nổi của lứa tuổi con non dại, vậy mà, mãi không dứt nổi. Thậm chí, ngỡ như mình có thể đơn giản mỉm cười để em đi. Nhưng không, ruột gan tôi bồn chồn kinh khủng. Càng thêm nếu như một khắc lỡ nghĩ về việc sẽ mãi mãi không được gặp em. Thế là, tôi bèn không dám nghĩ nữa. Đầu óc trống rỗng. Chỉ có thể bật ra những thứ vô nghĩa.
"Hôm nay là ngày khởi đầu của em. Nếu em cần nước mắt, anh sẽ buồn thay em."
Một câu nói đùa dở ẹc, vậy mà em bật cười. Tiếp đó, Hà nhẹ nhàng trêu ngược lại tôi. Sau đấy, tình yêu nhìn bóng lưng người yêu rời đi. Cuối cùng, một mình tôi đứng giữa căn phòng trống, không tiếng động. Nhưng, bị ký ức kéo vào cõi trùng lặp. Bên tai cứ thế truyền lại văng vẳng nỗi thổn thức day dứt khó nguôi ngoai. Tôi sẽ nhớ, nhớ rất nhiều về em. Tạm biệt em.
"Anh buồn? Sao anh lại buồn?"
"Em làm anh đau lòng."
"Em làm gì anh đau lòng?"
Em để một người ở lại chờ em.
Lu luôn háo hức mỗi khi nhìn thấy Hà mang gì đó về nhà. Kể cả là bất cứ thứ gì. Kể cả khi vật đó, rốt cuộc cũng bị thiêu trụi. Hoặc, chỉ đơn giản là một vật trang trí trong phòng. Bữa nay, con bé trở về nhà, với giỏ hoa lan trắng muốt trên tay. Căn nhà bấy giờ hiu quạnh, nơi nào cũng tắt đèn tối om. Chỉ khi được chủ nhân kéo rèm ra, thì ánh nắng mới được phép soi rọi vào, bừng sáng lên một góc phòng đã từng u ám. Hà đối xử với hoa giống như đối xử với từng bệnh nhân mình đã từng chăm sóc. Hơn nữa, lại thêm nhiều chút để tâm. Trên khuôn mặt lạnh lùng, chưa hề biến sắc đó là cặp mắt vô cùng tập trung. Và những ngón tay trắng, thanh mảnh từ tốn, cẩn thận chuyển cả chùm hoa vào nơi ở mới là một cái chậu đất, có những lỗ thoát nước, đã chuẩn bị sẵn từ lâu.
Cuối cùng, sau khi công đoạn chuyển dời và chuẩn bị kết thúc, Hà đặt chậu hoa gần cánh cửa hướng ra vườn ở phòng khách, nơi ánh sáng phù hợp có thể soi rọi đến. Không hẳn là nơi ngập tràn nắng, bởi lẽ lan hồ điệp chỉ chịu được 30% ánh sáng. Mỗi loại cây sẽ chịu được một lượng ánh nắng thích hợp. Và có những thứ, ưa nằm trong bóng râm, né tránh và bí mật. Cùng lúc đó, bây giờ cũng chưa phải là lúc thích hợp để tưới nước. Tuy nhiên, Hà vẫn nhẹ nhàng phun lên lá một vài giọt sương nhỏ bé. Dù sao thì thứ bên dưới có chịu được nước hay không nữa cũng không quan trọng. Mà không được thì càng tốt. Lúc kết thúc, Hà đặt bừa chiếc bình phun sương lên mặt bàn. Và trong thoáng chốc, dường như tôi thấy, con bé mỉm cười đắc ý. Ít ai biết, mà cũng không ai từng để ý và nhận ra, những cây trồng trong nhà, đều là do tận tay Hà mang về, săn sóc và nuôi dưỡng. Chúng nảy mầm, khoẻ mạnh lớn phổng phao. Đã từ lâu, con bé vùi những hạt giống sâu trong đất. Chọn vị trí để nhận ánh sáng, tưới nước, bón phân, đủ mọi loại phương pháp nuôi trồng... Sự tận tình đó. Mỗi lần như thế, Hà gieo một hạt giống. Và có lẽ, dù chỉ trong một phút chốc, con bé đã cầu nguyện rằng nó sẽ nảy mầm. Có thể đẹp đẽ, mạnh mẽ. Hoặc xấu xa. Hoặc bất kỳ thứ gì. Bởi, đôi khi, Hà cũng chôn vùi sâu bên dưới lớp đất màu mỡ đó, một thứ hoàn toàn khác biệt, sai quấy với thiên nhiên.
Tiếp theo, như tôi đã nói, Hà đã nhẩm kế hoạch đó ngay từ ban đầu. Và tôi nhìn thấy điều đó trong mắt con bé, lúc nó đi vào phòng của thằng Phương. Sẽ dễ dàng tìm thấy? Ừ, cũng không mất thời gian lâu lắm. Một khi đã biết rõ tập tính của con mồi, thì mọi chuyện đều trở nên vô cùng nhanh chóng, với kẻ đi săn. Điều cần thiết còn lại chỉ là thời cơ. Và Hà không quá khó khăn để không đạt được điều đó. Đương nhiên là ở bên dưới gối nằm. Thằng nhóc có thể nghĩ, chỗ nguy hiểm nhất là chỗ an toàn nhất. Nhưng, Hà thì lại chẳng cần suy đoán gì cả. Chúng ta có hàng đống thời gian. Tiện thay, chốn an toàn nhất, những con mồi đều giống nhau.
Như tôi nói, Lu luôn hiếu kỳ về những gì mà cô chủ có thể làm. Nhất là khi, đã ngửi thấy mùi lạ từ người khách đến viếng thăm hôm trước. Đó là mùi của một thứ màu đỏ ối, tanh tưởi và mằn mặn. Không thể nhầm lẫn vào đâu, với loài chó. Và nay, Lu càng hiếu kỳ hơn khi lâu lắm rồi, mới nhìn thấy Hà lôi cái lò đốt rác ra. Cái lò ấy, chính xác hơn là một cái thùng phuy to tướng, có gắn bánh xe bên dưới, chuyên dụng để đốt rác. Trước đây, con bé thường dùng vật này để đốt những cành cây chết quá khổ, hoặc quần áo không dùng tới, hoặc đơn giản hơn chỉ là những tài liệu giấy, sách báo đã cũ. Những thứ không cần thiết tồn tại trên thế giới này nữa. Những thứ ô uế, đáng bị loại bỏ. Những thứ gây hại cho môi trường. Những thứ,... mà con bé muốn xóa sạch đi. Sau khi chuẩn bị xong, Hà lấy ra một chiếc bật lửa, rồi châm lửa đốt góc của tờ giấy đầu tiên. Rồi lại quẳng vào chiếc thùng chứa những chiếc lá vàng nhặt từ sân vườn. Cháy rực. Cứ như thế, khi ngọn lửa đã phừng lên, đủ mạnh mẽ, thì cả tập hồ sơ đều được quẳng vào trong, cùng một lúc. Khí từ đám cháy bốc lên mặt con bé nóng rần, hừng hực. Và rồi, từng tờ giấy trắng mực đen dần co lại, bởi lửa, biến thành những mảng bùi nhùi xám. Một đống bụi bẩn đục màu. Tàn tro ấy sau đó sẽ được mang chôn trong đất. Rác rưởi, hay kể cả là kết thúc thì cũng có sự hữu hiệu riêng của nó. Bắt đầu, được sinh ra, tồn tại, tới lúc bị vứt bỏ, thiêu cháy, đốt trụi. Lụi tàn. Con người tưởng những miếng xám tro đó đã là kết thúc. Không phải. Hà dự định cất những tro tàn đó trong đất, dự trữ thành phân bón nuôi cây. Những cái cây sẽ hấp thụ nguồn dinh dưỡng tự nhiên ấy. Nuôi mình, mọc cành, trổ lá, nở hoa. Khi đó, mới thật sự là kết thúc. Bởi lẽ, kết thúc luôn đi cùng với khởi đầu. Một vòng lặp khép kín.
Bấy giờ, lửa đã đốt gần xong mọi thứ. Dần dà sẽ không ai tìm thấy gì nữa ngoài tro tàn bên trong chiếc thùng phuy và cũng giống như dự định, là nó sẽ trở thành bất kỳ thứ gì đã từng là chính nó. Vô hình mà vẫn hiện hữu. Con bé đóng chiếc nắp thùng lại, để lửa cháy không bén ra ngoài. Đoạn, Hà định ngồi xuống băng ghế. Đã có cuốn sách bên cạnh, nằm sẵn chờ đợi được mở ra. Chú chó nhà vẫy đuôi, quấn quýt bên chủ. Và bỗng nhiên, giữa không trung vắng lặng, tiếng chuông reo lên. Theo bản năng, Hà ngẩng đầu về phía cửa. Liệu con bé có chạy trốn? Tìm cách né tránh? Như cô gái, trong cuốn sách, ngay lập tức trèo lên chiếc cano, bơi vào đồng lầy để thoát khỏi cuộc truy đuổi từ những bóng áo xanh?
Ngược lại, tôi thấy Hà bước chậm rãi về phía cánh cổng lớn. Lu ở phía sau cũng chạy ngay theo. Chúng đều nhìn thấy qua những khe cửa, có người lạ. Tuy nhiên, con bé bình thản mở cổng. Đứng đó, yên lặng, đối mặt với những bóng áo xanh. Mấy tên công an đứng đầy trước cổng nhà. Còn có chiếc xe áp giải đậu bên lề đường. Vừa gặp mặt, Hà đã cảm nhận thấy... Bọn họ nhìn mình bằng ánh mắt của sự truy vấn, soi mói ngày xưa. Một khung cảnh khá quen thuộc.
"Cô Nguyễn Hải Hà. Lệnh bắt giữ khẩn cấp."
Hà giữ khuôn mặt bình thản lúc người công an đọc lệnh áp giải. "Ngay bây giờ, mời cô lên phường làm việc với chúng tôi."
"Đi học về là đi học về, em vào nhà, em chào ba mẹ..."
"Nè con ơi."
Ơ, gì đấy? Vừa đi học về, đang định dắt xe vào nhà thì lại nghe tiếng cô hàng xóm kế nhà gọi. Đầu không nghĩ gì, tôi liền chạy ngay sang. Hai mắt mở to tròn nhìn mấy cô ngồi chồm hổm, chụm lại với nhau trước sạp bán tạp hóa. Bấy giờ, đã làm tầm gần chiều rồi. Nắng đổ vàng. Mà chị hai chắc cũng sắp về rồi nhỉ?
"Dạ cô?"
Thấy tôi bước đến, cô Bình, người mặc bộ đồ bộ xanh nước biển có thêu hoa nhỏ, tự nhiên liếc mắt lên. Chà, kẻ chân mày hôm nay hơi bén nha cô. Rồi cổ xì một tiếng. Kế bên cạnh, là cô Mỹ, thân hình hơi mũm mĩm, lại trề cặp môi dày. Ủa là sao? Tôi thắc mắc ngó sang cô Hồng, lúc này lại trề môi.
"Nhà có chuyện gì hả con?" Cô Hồng hỏi mà giọng buồn não ruột.
Chuyện gì chứ? Tôi không hiểu, bèn lanh miệng đáp: "Đâu? Đâu có chuyện gì đâu cô?"
Rồi đột nhiên, cả ba cô đều trề môi. Cô Mỹ còn vỗ đùi một cái, xong vô tư buông ra một câu:
"Thôi thôi mày ơi. Đừng có bốc phét."
Ơ? Là sao? Tôi ngây người ra. Mà cô đã đứng dậy, xong trỏ tay vào bốn hướng mặt các nhà trên đường. Giọng ồ ồ nhưng lại cố gắng réo lớn lên:
"Trời ơi. Mày định giấu cái gì? Ai cũng biết cả rồi. Nãy nhá, tao thấy, bà Bình cũng thấy, cả cái xóm này đều thấy, công an nó chạy xe đến rước chị mày bưng lên phường." Xong còn chống nạnh mắng. "Đã làm chuyện gì rồi đúng không?"
Không chỉ ở đó, cô Hồng lại lần nữa, buồn bã mà nhẹ giọng như nài nỉ tôi:
"Thật, Phương à. Thôi, có làm gì thì thú thật đi. Không giấu được nữa..."
Tới đây, người tôi mồ hôi đã đổ đầm đìa. Làm gì là làm gì? Chị hai tôi bị gì chứ? Hoảng tới mức chóng mặt luôn. Tay chân lúng túng. Cứng đơ hết người. Nhưng, cô Bình lại còn bồi thêm:
"Con chị mày. Có phải đã lỡ làm chết bệnh nhân không? Giỏi lắm. Giờ người nhà người ta báo công an chớ gì?"
"Cái gì?" Tôi hét tướng lên. Thế nào thì giờ cũng chịu gì nổi nữa? "Cô đừng có mà bịa chuyện. Chị con giỏi lắm! Làm gì có chuyện đó!"
"Chứ làm sao mà bị bế lên phường?" Cô Mỹ sồn sồn lên, nóng nảy quát.
"Con mới về sao biết!" Tôi ức quá mà hét đại. Nhưng không biết thật.
Chị hai đã làm cái quái gì chứ. Máu lúc này nóng lên tới não rồi. Ùng ục luôn. Bấy giờ, cô Mỹ cứ nhìn tôi bằng ánh mắt long sòng sọc, mà cứ bày ra cái tướng đứng chống nạnh. Tất nhiên, mình cũng chả chịu thua. Tôi nhất định không để ai nói oan cho chị hai, liền gồng mình lên, sẵn sàng cãi tay đôi. Đoạn, lúc cả tôi và cô Mỹ cứ chăm chăm nhìn nhau, thì cô Hồng lại lên tiếng. Giọng nhẹ nhàng, nhưng lại giống vừa can ngăn, lại giống vừa trút thêm dầu vào lửa.
"Thôi Phương. Con vào nhà, gọi hỏi lên viện xem, có chuyện gì xảy ra." Xong còn nắm lấy tay tôi xoa xoa. "Biết là làm gì cũng phải cẩn thận, làm bác sĩ, mạng người quan trọng càng phải cẩn thận hơn."
Nghe hết câu, tôi vừa hổ thẹn vừa giận dữ mà liền giật tay lại. Má! Bực mình thế nhỉ!
"Nè! Mấy cô không biết gì đừng có nói! Chị Hà của con là người thông minh nhất! Còn là học sinh danh dự của Trường! Làm gì có chuyện nhảm nhí như vậy chứ!"
Giờ thì cả ba cô đều nhìn tôi như thể mình mới vừa hất đổ cả sạp tạp hóa của cô Hồng vậy. Ờ! Muốn lắm ấy! Kinh thiên động địa chưa! Ăn nói xà lơ nữa con hất thiệt đó!
"Nói có xíu làm mình làm mẩy thấy ghê vậy." Cô Bình cũng đứng bật dậy. "Có giỏi thì mày lên phường mà coi thử xem. Đẹp cái mặt cả nhà lắm."
"Sao mà chết được không biết nữa à!" Tôi tức quá hét câu cuối cho đã cái nư.
Nhưng, sau khi hét thì thật, có khi... Má, chả biết chị hai đã làm gì nữa! Tôi thấy máu nóng rần rần, dồn lên tới tận đỉnh đầu. Thế là, liền bỏ chạy ngay vào trong nhà, mặc ai còn đứng đó chưng hửng hay la bài hải phía sau mình. Mà, nhà lúc này thì đúng là chị hai đã về. Xe hơi nằm yên trong sân. Nhưng khi tôi cất tiếng gọi thì chả ai trả lời. Tôi đi vào nhà cũng không thấy ai ngoài con Lu. Lu vẫy đuôi mừng chủ. Mày thì biết cái gì chứ? Tôi lật đật bước lên phòng, miệng vẫn gọi í ới. Chị hai ơi?
Nhưng, cả căn phòng tối. Trống huơ trống quắc.
Ủa chị hai đâu? Má, hổng lẽ,... bả bị bắt lên phường thiệt?
Trời. Hổng lẽ... Má! Không thể nào! Sao mà chết được!
Ngay lập tức, tôi lại liền chạy lật đật xuống dưới nhà. Nhưng, đúng là không có ai cả. Má! Sao mà đỡ nổi! Vậy là đúng rồi? Vậy là chị bị bắt lên phường rồi hả? Giờ sao? Tôi nóng mặt, đầu bất giác quay tứ hướng, nhìn khắp nơi. Rồi, bỗng, tôi bàng hoàng nhận ra. Ở trên mặt bàn đặt điện thoại nhà có kẹp một tờ giấy. Tôi bước vội tới. Khoảng cách gần nhưng hồi hộp lại thấy như chạy. Liền nhanh tay nhặt lấy tờ giấy lên. Trên mặt giấy chẳng ghi gì ngoài ba từ: "Gọi cho ba." Thấy thế, tôi liền cuống cuồng, rút điện thoại gọi ba ngay.
"Ba ơi!"
"Cái gì đấy, thằng này!"
Vừa nghe thấy tiếng bắt máy, tôi liền hét lên. Rồi hai ba con quát vào mặt nhau.
"Ba ơi! Chị hai đâu?"
"Làm sao tao biết! Tự nhiên hỏi tao câu đó!" Ba đay nghiến mắng mỏ tôi.
Vậy là ba không biết? Tới nước này, tôi không còn đủ bình tĩnh được nữa. Miệng cứ quát lên như tát nước vào bất kỳ ai: "Ba không biết à! Nhưng chị hai nhắn con là gọi cho ba!"
"Cái quái gì?" Trái ngược, ba lại đủ bình tĩnh để hỏi lại kỹ càng.
"Con nghe nói! Chị hai bị công an đưa lên phường rồi! Mới đi xong chiều hôm nay... mà chị viết giấy nhắn lại là gọi cho ba. Nên giờ con gọi cho ba đây nè!"
Trong chốc lát, ba tôi im bặt. Cứ thế, ông lẳng lặng chẳng nói gì, chỉ có tiếng mỗi mình vang oang oang giữa nhà.
"Mấy cô hàng xóm nói chính mắt nhìn thấy là công an đến áp giải chị lên phường. Còn có xe áp giải tới. Ba ơi? Bây giờ làm sao đây?"
Tới đây, giọng ba tôi lại đột nhiên trầm xuống. Ông nói rất bình tĩnh, nhưng tôi cảm thấy càng nguy hiểm hơn:
"Mày nói là con Hà bị đưa lên phường, xong còn viết giấy để lại kêu mày gọi tao?"
"Dạ!" Tôi hoảng quá, dạ bừa luôn.
Nhưng, sau đó, sau một hồi tự dưng im lặng, ba mới lên tiếng lần nữa. Mà, trong khoảng không như đông cứng đó, tôi nghe thấy tiếng xê dịch của ghế trên sàn, rồi lộc cộc như ai đó bước xuống các bậc thang. Ba định làm gì chứ?
"Bây giờ,..."
Lúc này tôi nghe thấy ai đó xì xầm với ba gì đó, chẳng rõ. "Mày ở nhà. Không được đi đâu hết."
"Là sao?" Tôi tiếc nuối kêu lên. "Nhưng mà... còn chị hai?"
"Nhiêu đó được rồi." Có tiếng cửa xe hơi đóng lại. "Ở yên trong nhà. Chuyện này để tao lo."
Và rồi, sau đó là tiếng tút tút. Ba đã vội tắt máy. Trong khi mình đứng chưng hửng không hiểu gì? Có tiếng cửa xe hơi... tôi bần thần nhớ lại. Ba định đi đâu? Đầu nhảy số nhanh. Chắc chắn là ba lên phường rồi! Nhưng mà bây giờ mình nên làm gì đây? Thế là, tôi ngay lập tức chạy ra phía cửa. Chân xỏ giày mà vì vội nên lọng cọng vụng về. Lại xỏ lộn nữa! Tôi cứ vậy mà gấp gáp chân trước chân sau đi như té khỏi cửa. Rồi phóng ào lên xe, chạy ùa ra khỏi nhà.
Hà ngồi một mình trong căn phòng sơn tường vàng. Bấy giờ, chẳng có gì ngoài bốn bức tường và bộ bàn ghế gỗ. Và, ánh nắng le lói, chiếu từ trên khe cửa sổ hẹp rọi xuống. Ngược lại, nó ở bên dưới ngửa mặt lên. Thân xác ở đây. Ánh nhìn đờ đẫn, ơ hờ, ngờ nghệch sau cặp kính. Nó thả hồn mình đi đâu? Tuy nhiên, không gian bốn bề im lặng. Như bị ngưng đọng lại ở khoảnh khắc lưng chừng, chẳng hoàn thiện. Mà, Hà thì, xuyên suốt cả quãng chân không vô định đó, vẫn ngồi rất yên.
Có lẽ, con bé đang bồi hồi lại cái cảm giác ngày xưa đã cũ. Rằng, nó nhớ về cái trải nghiệm lần đầu tiên bị mắc kẹt ở chốn này. Mấy ngày mấy đêm. Không ai đến thăm non. Cũng chả có nổi một giọt nước. Và lúc ấy, Hà nhớ như in, mỗi lần bản thân nhắm mắt lại, để ngủ gật một chút thì liền bị tiếng còi inh ỏi réo lên phá bĩnh. Thế là, đứa trẻ mười lăm tuổi năm đó liền phải choàng tỉnh. Nếu không, âm thanh tra tấn đó sẽ vĩnh viễn không bao giờ dừng lại. Điếc hết hai tai. Dù có cố gắng bịt lại nhưng vẫn có cảm giác đau đớn. Xuyên thủng màng nhĩ. Xoáy vào trong cùng tận tầng lý trí cuối cùng. Như cơn lốc càn quét và khiến mọi thứ bể vụn vỡ ra thành từng mảnh. Hành hạ đau đớn không lối thoát.
Chưa từng có ai khác trải qua cùng tình huống đó để hiểu rằng, à, hóa ra đó là lý do tại sao Hà lại sợ hãi tiếng ồn như vậy. Cho dù, dẫu đó chỉ là tiếng chú chó cưng sủa, con bé cũng ghét đến đắng cay. Cái trải nghiệm quá khứ ngày xưa ấy, khi cơn lốc đã từng ghé đến vùng đất riêng tư nhất, đã không để lại chỉ một đống hoang tàn. Mà nó thay đổi tất cả. Nó đã khiến con người vốn dĩ sống ở đó phải biến đổi bản thân.
Thành một thứ gì đó, khác thường nhưng già dặn hơn.
Bất chợt, không gian đã có sự thay đổi. Bởi Thống bước vào phòng giam, với tập tài liệu trong tay. Tuy nhiên, Hà vẫn không cựa quậy. Đến cả ánh mắt cũng chẳng hề thay đổi, vẫn trầm ngầm nhìn vào một khoảng vô định phía trước mặt. Cứ như thế, cho đến khi Thống ngồi xuống chiếc ghế đối diện. Người đàn ông ngồi che khuất tầm nhìn đi. Và rồi, ông ta lật tập tài liệu ra. Nhưng Hà không thấy gì trước mắt cả. Mọi thứ đều bị cố tình làm cho nhòe đi, thành những hình ảnh mơ hồ, trống rỗng.
"Chúng ta bắt đầu nhé." Thống cất tiếng, bắt đầu buổi thẩm vấn.
Lúc này, cơ thể của kẻ trước mặt ông liền chậm rãi ngồi thẳng lưng dậy. Từ phía trước, Thống thấy người đó nhìn tới mặt mình. Biểu cảm đối diện bình thản. Tay đặt lên bàn, giữ nguyên.
"Hải Hà. Hãy trình bày cho bác biết vào đêm ngày thứ bảy tuần vừa rồi, khoảng từ mười hai giờ tới hai giờ sáng, cháu đã ở đâu?"
Hà không trả lời ngay. Ngược lại, con bé hoàn toàn im lặng trong một quãng rất lâu, sau đấy mới lên tiếng nhưng lại nhỏ giọng, giống như là thì thầm:
"Cháu ở nhà của mình..."
"Vậy sao?"
Kẻ nào cũng đều có thể đọc được sự mất tự tin trong câu trả lời đó. Thêm nữa, cùng lúc ấy, những ngón tay đặt trên bàn của con bé cũng đồng thời co lại. Như là biểu hiện của sự sợ sệt. Che giấu.
"Là học sinh cũ của trường, lẽ tất nhiên chắc cháu cũng biết là buổi lễ kỷ niệm thành lập trường được bốn mươi năm sẽ được tổ chức vào ngày hôm đó nhỉ?"
Hà mím môi, vội vàng gật đầu. Đôi bàn tay lúc này đã nắm chặt lại. Trong mắt Thống, hình ảnh đó chỉ là con bé đang cố gắng gượng để gồng mình lên. Ngồi thẳng, đầu hướng về phía trước nhưng, chốc lát, ông có thể thấy được sự run rẩy. Rằng, theo như kinh nghiệm đã nhiều năm hành nghề của mình, Thống biết cơn bão lốc bấy giờ đã nổi lên.
"Vậy tại sao cháu không đến tham dự, chung vui cùng bạn bè nhỉ? Cũng là một dịp tốt để tụ tập, gặp lại bạn bè cũ cơ mà..."
"Cháu..." Hà nuốt một ngụm nước bọt trước rồi mới trả lời. "Cháu không thích tụ tập nơi đông người."
Những lời nói ấp a ấp úng. Tất cả đều biết, con bé đang cố gắng kìm giữ những cảm xúc trong lòng tới mức tự phát ra cơn lẩy bẩy như bị sốt run cả người. Mỗi đầu ngón tay đều trở nên bứt rứt, ngứa ngáy. Hà cào cấu chính mình bằng móng tay của chính mình. Và nó, lại lần nữa gắng gượng giữ bình tĩnh. Cố tỏ ra là bản thân không hề đang cảm thấy bị lung lay.
"Đúng vậy nhỉ? Đã từng tiếp xúc với nhau nên chú cũng biết cháu là người hướng nội, không thích những nơi quá ồn ào, phô trương hay phức tạp..."
Hà nhẫn nhịn cúi đầu như đồng ý. Nhưng Thống không dừng lại ở đó.
"Nên chắc chắn, một đêm tiệc tùng như thế không thích hợp với cháu. Cháu sẽ chọn ở nhà mình. Vậy nên, nếu bọn chú kiểm tra định vị trên xe và điện thoại của cháu ghi lại... Hà à, nó ắt sẽ hiện là ở địa chỉ nhà cháu, đúng chứ?"
Con bé hít một hơi nhưng không cảm thấy lòng mình nhẹ nhõm gì cả. Mà càng lúc, càng lộ vẻ nặng nhọc. Và rồi, nó bất giác ngước đầu lên. Thống thấy đôi mắt kia đã đỏ hoe.
"Chú nói cho cháu biết, đã có người nhìn thấy xe của cháu, và chính cháu ở đối điện trước cổng trường Lê Lợi tối ngày hôm ấy. Đấy là lời khai mới nhất mà bên phía công an vừa thu thập được từ nhân chứng có mặt tại hiện trường."
Thống cứ cố tình nói thật chậm rãi để găm những vết dằm vào trong tâm can kia thật sâu. Để lốc xoáy càn quét mạnh và kỹ hơn, khiến dù có là thành trì gì thì cũng bể nát tan tành.
"Hà à, cháu tự biết những gì mình đã nói và làm nhỉ? Rằng tội gian dối trước cơ quan điều tra, trước nay là nghiêm trọng thế nào."
Người đàn ông nhìn đứa trẻ đang nghẹn ngào ngồi đối diện với mình. Mặt nó đỏ bừng. Hai khóe mắt sưng lên. Môi bất giác mở ra như một con cá mắc cạn, cố lấy hơi nhưng vô vọng. Con bé, có lẽ đã biết, hối hận. Liệu có quá muộn màng?
"Nên, vì tình nghĩa quen biết, chú cho cháu một cơ hội nữa." Thống nhấn mạnh từng chữ. "Nói thật. Đêm hôm đó, cháu đã ở đâu?"
Tới đây thì cặp mắt đẫm nước của Hà đã không kìm được mà nhỏ lệ. Những cái móng tay cũng đã bấu lên da thịt tới mức đỏ ửng. Và rồi, con bé gượng người, hít một hơi.
"Cháu xin lỗi..." Hà vừa nói vừa khóc. Hàng nước mắt chảy dài bên đôi gò má đỏ bừng lên.
Và, giọng con bé run run: "Là cháu đã nói dối. Cháu..." Nó cúi mặt. "Cháu thật sự chạy xe đến trước cổng trường."
"Chạy xe đến trước cổng trường?" Thống hỏi lại lần nữa.
"Dạ vâng..." Hà sụt sịt mũi. "Cháu có đến. Và đỗ xe trước cổng trường..." Nhưng rồi, con bé cố gắng nói lớn giọng lên. "Nhưng không có vào trong."
Ngay lập tức, Thống liền lấy làm lạ. Người đàn ông mặc bộ cảnh phục cau mày, nhăn trán. Nó nói vậy là ý gì? Liền kỹ càng hỏi lại thêm lần nữa:
"Cháu không bước vào trong trường sao?"
"Cháu nghĩ sẽ không một ai tin cháu..." Hà yếu ớt nói. Con bé cố gắng nén những cơn nấc nghẹn để phát âm cho rành rọt. "Nên không dám kể với ai nhưng thật sự, là ngày hôm đó... cháu đã bị những kẻ đó gọi đến trường... và cháu có đến đó thật. Vậy mà lại không dám vào."
"Những kẻ đó là ai?" Thống tò mò hỏi.
Bấy giờ, cả cơ thể thanh mảnh, yếu đuối kia đột nhiên rùng mình. Giống như có một dòng sóng điện đánh xuống người nó, rồi chạy dọc lên khắp mọi ngóc ngách của các dây thần kinh. Lần này, Hà hoàn toàn sụp đổ. Tiếng khóc nấc lên to rõ hơn. Nó không còn giữ được dáng ngồi thẳng lưng nữa, mà hoàn toàn gập người xuống. Cong lưng như con rùa mất mai, cố gắng ôm mình trốn tránh thế giới bên ngoài. Và rồi, hai tay nó úp lên mặt nó. Cứ thế, dù che mất cặp mắt đẫm nước nhưng không giấu được hai hàng lệ cứ ồ ạt liên tục rơi xuống. Hà khóc nhiều tới mức bản thân phải cắn răng lên môi, để lấy lại bình tĩnh rồi nói:
"Đó là..." Nó thở gắt. Bấy giờ, người đàn ông cũng phập phồng căng thẳng theo. "Những người đã bắt nạt cháu vào năm cấp hai."
Tất nhiên, Thống nhớ sự kiện gần mười năm đó chứ. Cái lúc lộ ra đứa trẻ thiên tài bị bắt nạt và tẩy chay bởi những bạn học cùng. Rằng, khi ấy, ông đã chứng kiến con bé đơn độc thế nào. Chịu những oan ức, dày vò và miệt thị thế nào... Về thân phận mồ côi của chính mình. Thống đã từng nghe Bảo kể lại rằng Hà bị chúng bạn bắt nạt vì bản thân không được ai thừa nhận. Rằng điều đó bắt nguồn từ sự ghẻ lạnh của ông Nam, người bố trên danh nghĩa của con bé. Người đàn ông đã không chấp nhận đứa trẻ mà vợ mình mang về và hết mực yêu thương. Thời điểm ấy, những đứa trẻ bắt nạt những kẻ yếu hơn mình. Chúng lựa chọn Hà là con mồi hoàn hảo, vì con bé không thể vẫy vùng và nhờ cậy được ai. Cứ như thế, cơn ác mộng tàn bạo đó đã để lại thật nhiều vết trầy xước trong linh hồn đứa trẻ đã từng non nớt. Nhưng vĩnh viễn không thể chữa lành.
"Bọn họ, không biết làm thế nào đã vào được trong trường và tất nhiên biết được cháu từng học ở Lê Lợi, nên muốn gọi cháu đến..." Hà hít sâu, kể hết một hơi rành mạch. "Cháu biết cháu đến rất có thể sẽ trở thành trò mua vui cho chúng..."
Bấy giờ, hai hàng lệ trắng, tinh khiết chảy trên gò má con bé đã vơi bớt dần. Người nó cũng chơm chớm không run lên nữa. Thoáng chốc, Thống nhìn ra được, Hà đang rất cố gắng nhặt nhạnh lại từng miếng lý trí của bản thân, để ghép lại. Để tự cứu lấy đứa trẻ mắc kẹt trong quá khứ.
"Nhưng... tất nhiên... cháu cũng muốn đến, tự tin, để cho chúng biết, mình không còn là đứa trẻ yếu đuối ngày xưa nữa..."
Nỗi bi thương được cẩn thận gom góp lại, như cảnh một người có khuôn mặt buồn rười rượi đang quỳ mọp trên mặt đất, dùng tay không bóc lấy từng mảnh miểng chai vỡ toang. Nhọn bén cắt vào da. Thay cho dòng máu chảy đỏ trong tâm thức ấy là những giọt nước mắt, tiếng khóc nhỏ, sụt sùi, cứ kéo dài mãi. Nhưng Hà của bây giờ đã là thiên tài được mọi người công nhận. Con bé đã là một nghiên cứu sinh đáng nể phục, cựu học sinh danh dự của trường đại học Y Dược nhất nhì thành phố, là quán quân của một giải đấu cấp quốc gia...
"Cháu muốn chứng minh điều đó. Cháu muốn lắm." Hà nói giọng gấp gáp. Nhưng rồi, cuối cùng nó buông xuôi. Đôi mắt đen lại lần nữa ướt sũng nước. Khi chúng chớp nhẹ một cái, lệ lại đổ tràn cả ra. "Nhưng không thể."
"Ngược lại, cháu chỉ có thể dừng xe trước cổng trường. Có bước ra, hai chân run bần bật. Đứng cứng ngắc nhìn qua bên kia là ngôi trường náo nhiệt một lúc... rồi lại quay vào trong xe."
Tới lúc này, Thống thật sự khó xử. Ông tự hỏi mình nên phản ứng như thế nào? Bởi lẽ, người đàn ông tất nhiên tin vào nỗi đau khổ đã giày vò Hà như thế này, từ rất lâu. Đây không phải dối trá, Thống khẳng định và dùng tay mình nắm lấy con bé, bóp nhẹ một cái lên vai an ủi. Sau đó, người đàn ông nhỏ nhẹ nói:
"Hiện tại, các chú đã cho chuyên gia kiểm tra định vị trên điện thoại của cháu. Nếu đúng là chỉ vậy thôi thì không sao cả. Nhất định nó sẽ ghi nhận cháu ở vị trí chính xác là bên kia đường."
Chốc lát, Hà dường như trở nên ổn hơn. Sau đó, con bé bặm môi rồi bẽn lẽn lên tiếng:
"Thật ra, có một người, có thể làm chứng cho cháu..." Nó bỗng như chợt nhớ ra. "À không, làm chứng cho... cảm xúc lúc ấy của cháu..."
"Làm chứng cho cảm xúc lúc ấy của cháu?" Thống khó hiểu hỏi ngược lại.
Hà gật đầu trong nước mắt. Bất giác đưa hai tay lên vội vã chùi quẹt hết đi. Rồi Hà lấy hơi nói:
"Đêm hôm đó, cháu đã vừa khóc vừa gọi cho Ân. Là người yêu cũ của mình."
Thống nhớ cậu con trai đó. Huỳnh Võ Thiên Ân- là cậu quý tử đã tông chết đứa con của nhà người ta. Bọn chúng, Hà và Ân, thật sự có mối quan hệ tình ái với nhau.
"Chúng cháu đã chia tay, khi cãi nhau về việc anh ấy dùng rượu và thuốc dù đã hứa với cháu là không bao giờ động tới nữa."
Những lời nói này của Hà rất chắc chắn. Tới lúc này thì, con bé đã hoàn toàn không chịu nổi mà bộc lộ ra hết những tổn thương mà bản thân đã chịu đựng cùng đè nén rất lâu. Hà kể lể hết cho Thống nghe:
"Cháu tự biết là bản thân đã có bảo vệ cho hành động của anh ấy... Nhưng, đó cũng là vì cháu quá yêu Ân."
Cùng lúc này, Thống cũng vô tình nhớ lại, vụ án đã từng xảy ra bốn năm trước, cũng ở ngôi trường Lê Lợi. Khi đó, ông vẫn còn người đồng chí bên cạnh, đã từng vào ra sinh tử. Những lúc buồn, họ từng kể lể những chuyện dù không liên quan gì cho nhau nghe. Trời phú thật cho người đàn ông có một trí nhớ rất tốt. Thống tất nhiên còn ghi nhớ rõ những lời tâm sự Phong đã kể cho mình nghe. Rằng con gái ông thích một cậu bạn trai cùng lớp, tên Ân. Nhưng, cậu bạn đó đã có người yêu, là Hà, cô bé ngồi trước mình giờ phút này đây.
"Cháu đã vừa khóc vừa cầu xin Ân quay lại với mình..." Hà đau khổ nói mà như gào lên. Những giọt nước mắt lúc này không phải là vì sợ hãi nữa mà uất ức. Con bé như đào hết cả tâm can lên mà nói ra. "Cháu... không thể sống thiếu anh ấy..."
Thống bàng hoàng nhìn đứa trẻ vì tình mà đau đớn tột cùng trước mặt. Si tình, đúng thật là quá si tình.
"Nhưng Ân không đồng ý. Ngoài ra, anh ấy nói rằng... sẽ chỉ đồng ý khi nếu cháu đến nhà và cầu xin được ngủ với mình một đêm thì sẽ suy nghĩ lại."
Vùng vẫy nãy giờ, Hà đã kiệt quệ hết sức lực. Tới nay chỉ còn là tiếng thầm thì gắng gượng:
"Nhưng... cuối cùng thì, cháu cũng không thể đến. Cháu không có gan để đến. Để quỳ và cầu xin. Cháu không có gan để làm gì cả."
Thống băng qua bàn, chồm tới với hai tay đỡ lấy cơ thể đang run lên. Thống vỗ nhẹ lên vai đứa trẻ. Và phút giây ấy, khi được ôm vào lòng, đầu con bé liền gục lên vai ông. Hà khóc đến cạn nước mắt.
"Cháu thật quá hèn nhát và yếu đuối,... phải không?"
Bấy giờ, người đàn ông hiền từ an ủi con bé. Ông ta bảo không phải thế thật đâu. Tôi- con chim đang đậu trên cành cũng nói không phải thế thật đâu.
Nhưng, sẽ chẳng ai nghe thấy tiếng hót ấy.