Màu Nền | |
Màu Chữ | |
Font Chữ | |
Cỡ Chữ | |
Style Combo | |
Dưới đây là chú thích về bệnh của Dư Lạc theo chẩn đoán của bác sĩ, bao gồm hai phần: Rối loạn thích ứng và Trầm cảm. Lúc đầu mình đọc sót cả nửa bài nên tưởng ngắn, dịch dở mới biết bấm thiếu trang. Cuối cùng vẫn quyết tâm (nghiến răng) dịch nốt sau quá trình chọn lọc. Lý do duy nhất là hi vọng Dư Lạc có thể được thấu hiểu phần nào, dù đôi khi cách Dư Lạc chọn để xử lý cảm xúc có thể không phải cách lành mạnh nhất. Nếu không đọc cả bài thì đọc đoạn này thôi nè: "Trầm cảm không phải buồn bã trong thời gian ngắn. Trầm cảm không phải một điểm yếu và bạn không thể tự dưng "đừng trầm cảm nữa" một cách đơn giản được. Căn bệnh này có thể cần điều trị dài hạn. Nhưng đừng nản lòng. Phần lớn người mắc bệnh trầm cảm cảm thấy khoẻ hơn với sự trợ giúp của thuốc, tâm lý trị liệu hoặc cả hai."
Lưu ý: Tài liệu được lấy từ Mayo Clinic, một bệnh viện rất uy tín tại Mỹ nên không phải lo về độ tin cậy của thông tin (chỉ lo về độ trớt quớt của bản dịch:(). Tuy nhiên, điều này đồng nghĩa với việc thông tin có thể không trùng khớp với phương pháp chẩn đoán và điều trị ở các nước khác như Trung Quốc hay Việt Nam. Do đó, tài liệu chỉ mang giá trị tham khảo.
Phần 1: Rối loạn thích ứng
Tổng quan
Rối loạn thích ứng là các chứng bệnh liên quan đến stress. Bạn bị stress ở mức độ lớn hơn dự kiến khi đối mặt với một sự kiện bất ngờ hoặc gây áp lực lớn. Ngoài ra, stress gây ra những vấn đề nghiêm trọng trong mối quan hệ, ở chỗ làm hoặc trường học.
Các vấn đề nơi làm việc, đi học xa, ốm đau, cái chết của người thân trong gia đình hay bất kì thay đổi nào trong cuộc sống cũng có thể gây stress. Thông thường, mọi người thích nghi với những thay đổi này trong vài tháng. Song, nếu bạn mắc chứng rối loạn thích ứng, bạn sẽ tiếp tục có những phản ứng về cảm xúc hoặc hành vi có thể dẫn đến lo âu hay trầm cảm. Tuy nhiên, bạn không cần phải cố gắng mạnh mẽ một mình. Quá trình điều trị có thể khá ngắn và nhiều khả năng sẽ giúp bạn quay lại trạng thái cân bằng.
Triệu chứng
Rối loạn thích ứng ảnh hưởng đến cách bạn cảm nhận và nghĩ về bản thân cũng như về thế giới. Ngoài ra, nó ảnh hưởng tới hành động và cách cư xử của bạn. Một số ví dụ bao gồm:
- Thấy buồn, tuyệt vọng hay không còn hứng thú với những sở thích lúc trước
- Khóc thường xuyên
- Lo lắng hay bồn chồn, lo âu, stress nặng
- Gặp vấn đề về giấc ngủ
- Không thấy ngon miệng
- Khó tập trung
- Cảm thấy quá sức
- Gặp khó khăn với các hoạt động thường ngày
- Tách biệt mình với người thân thiết
- Trốn tránh những chuyện quan trọng như đi làm hoặc trả tiền nhà, hoá đơn,...
- Có ý nghĩ hoặc hành vi tự tử
Triệu chứng bắt đầu trong vòng ba tháng kể từ sự việc gây stress và kéo dài tối đa 6 tháng sau khi sự việc đó kết thúc. Tuy nhiên, chứng rối loạn thích ứng mãn tính sẽ kéo dài hơn 6 tháng, đặc biệt là khi yếu tố gây stress, như thất nghiệp, vẫn tiếp diễn.
Nguyên nhân
Rối loạn thích ứng bắt nguồn từ những thay đổi lớn hay những yếu tố gây stress trong cuộc sống. Gien, trải nghiệm sống, và tính cách có thể tăng khả năng mắc bệnh.
Những yếu tố nguy cơ:
Những sự kiện gây áp lực - cả tích cực và tiêu cực - có thể tăng nguy cơ mắc bệnh. Ví dụ:
- Ly hôn hay các vấn đề hôn nhân
- Vấn đề trong mối quan hệ
- Thay đổi hoàn cảnh, ví dụ như nghỉ hưu, có con hoặc đi học xa
- Những tình huống khó khăn như mất việc, mất người thân hoặc gặp vấn đề tài chính
- Vấn đề ở trường học hoặc chỗ làm
- Những trải nghiệm đe doạ đến tính mạng như tấn công thân thể hay thảm hoạ thiên nhiên
- Yếu tố gây stress tiếp diễn như bị bệnh hay sống trong khu vực có tỉ lệ phạm tội cao
Trải nghiệm sống
Trải nghiệm sống có thể ảnh hưởng cách bạn xử lý stress. Ví dụ, nguy cơ mắc rối loạn thích ứng sẽ tăng nếu bạn:
- Bị stress nghiêm trọng khi còn bé
- Có những vấn đề khác về sức khoẻ tâm thần
- Cùng lúc gặp phải một số tình huống khó khăn
Điều trị
Nhiều người mắc rối loạn thích ứng nhận thấy việc điều trị rất có ích, và thường chỉ cần điều trị trong thời gian ngắn. Một số người khác, bao gồm những người mắc chứng rối loạn mãn tính hoặc có những yếu tố gây stress còn đang tiếp diễn, có thể hưởng lợi từ một liệu pháp điều trị dài hơn. Việc trị liệu bao gồm tâm lý trị liệu và thuốc hoặc cả hai.
Tâm lý trị liệu
Tâm lý trị liệu là phương pháp điều trị chính cho chứng rối loạn thích ứng, có thể được tiến hành dưới dạng trị liệu cá nhân, theo nhóm hoặc trị liệu gia đình. Quá trình trị liệu có thể:
- Đem lại sự ủng hộ về mặt tinh thần
- Giúp bạn quay lại cuộc sống thường nhật
- Giúp bạn hiểu tại sao sự kiện gây áp lực lại có ảnh hưởng lớn đến vậy với bản thân
- Giúp bạn học các kĩ năng kiểm soát và xử lý stress để đương đầu với những sự kiện gây áp lực
Thuốc
Các loại thuốc chống trầm cảm và chống lo âu có thể được bổ sung để giảm bớt các triệu chứng kể trên. Giống như việc trị liệu, có thể bạn chỉ cần dùng thuốc trong vài tháng, nhưng đừng ngưng thuốc mà không tham khảo trước với bác sĩ. Một số loại thuốc, ví dụ như những loại thuốc chống trầm cảm nhất định, có thể gây ra các hội chứng cai thuốc nếu ngừng đột ngột.
Lối sống và các liệu pháp tại gia
Dưới đây là một số phương pháp bạn có thể thực hiện để chăm sóc sức khoẻ tinh thần.
Mẹo cải thiện sức bật tinh thần
Sức bật tinh thần là khả năng thích ứng tốt với stress, khó khăn, sang chấn tâm lý hoặc bi kịch - nói chung là khả năng hồi phục sau khi trải qua một sự kiện khó khăn. Cách rèn luyện sức bật tinh thần sẽ khác nhau giữa người với người, nhưng bạn nên cân nhắc các cách dưới đây:
- Kết nối với những cá nhân mang lại sự trợ giúp lành mạnh về tinh thần, ví dụ như những người bạn và người thân tích cực
- Mỗi ngày, hãy làm những việc khiến bạn cảm thấy hưởng thụ, thấy mình có mục tiêu và cảm giác thành tựu
- Theo đuổi lối sống lành mạnh bao gồm ăn ngủ điều độ và tập thể dục thường xuyên
- Học hỏi cách cải thiện kĩ năng xử lý khó khăn từ kinh nghiệm quá khứ
- Lạc quan về tương lai và cố gắng hướng đến thái độ tích cực
- Đương đầu với sợ hãi và chấp nhận thử thách
- Lên kế hoạch để giải quyết vấn đề khi nó xảy ra, thay vì lảng tránh
- Tìm kiếm sự ủng hộ
Bạn có thể được lợi từ việc tâm sự với người thân và bạn bè quan tâm đến mình, nhận được sự sẻ chia từ một cộng đồng tín ngưỡng, hoặc tìm một nhóm hỗ trợ có liên quan đến tình huống của bạn.
Nói chuyện với trẻ về những sự việc gây áp lực
Nếu con bạn đang gặp vấn đề với việc thích nghi, hãy thử nhẹ nhàng khuyến khích trẻ nói về những trải nghiệm của nó. Nhiều bậc cha mẹ cho rằng nói về một biến động khó khăn như ly hôn sẽ làm trẻ thấy tệ hơn. Tuy nhiên, con bạn cần cơ hội được thể hiện sự đau buồn, cũng như cần nghe bạn hứa rằng nó sẽ mãi được bạn yêu thương và ủng hộ.
Nguồn: Adjustment Disorders - Mayo Clinic
2. Trầm cảm
Tổng quan
Trầm cảm là chứng rối loạn cảm xúc dẫn tới cảm giác buồn và mất hứng thú trong thời gian dài. Còn được gọi là rối loạn trầm cảm chính, bệnh này ảnh hưởng tới cách bạn cảm nhận, suy nghĩ và cư xử. Ngoài ra, nó gây ra nhiều vấn đề về thể chất và tinh thần. Bạn có thể gặp khó khăn với những hoạt động thường ngày, và đôi khi cảm giác cuộc đời không đáng sống nữa.
Trầm cảm không phải buồn bã trong thời gian ngắn. Trầm cảm không phải điểm yếu và bạn không thể "đừng trầm cảm nữa" một cách đơn giản được. Căn bệnh này có thể cần điều trị dài hạn. Nhưng đừng nản lòng. Phần lớn người mắc bệnh trầm cảm cảm thấy khoẻ hơn với sự trợ giúp của thuốc, tâm lý trị liệu hoặc cả hai.
Triệu chứng
Mặc dù trầm cảm có thể chỉ xảy ra một lần trong đời, nhưng thường thì mọi người phát bệnh nhiều lần. Khi bệnh phát tác, các triệu chứng xuất hiện thường xuyên, gần như hàng ngày và có thể bao gồm:
- Cảm giác buồn bã, muốn khóc, trống rỗng hay tuyệt vọng
- Những cơn giận dữ, bực bội hay khó chịu với cả những chuyện nhỏ nhặt
- Mất đi hứng thú với phần lớn hoặc tất cả hoạt động thường ngày như tình dục, sở thích hay thể thao
- Các vấn đề về giấc ngủ, bao gồm mất ngủ hoặc ngủ quá nhiều
- Cảm giác mệt mỏi và thiếu năng lượng, bởi vậy cả những việc nhỏ cũng cần nhiều sức lực
- Ăn không ngon miệng và giảm cân, hoặc thèm ăn và tăng cân
- Bồn chồn, lo âu
- Nói chậm, suy nghĩ hoặc cử động chậm chạp
- Cảm thấy mình vô dụng, cảm giác tội lỗi, tự trách, tập trung quá nhiều vào những thất bại trong quá khứ
- Thường xuyên suy nghĩ tới cái chết, có ý nghĩ hoặc hành vi tự tử
- Những vấn đề thể chất không giải thích được như đau lưng hay đau đầu
Với nhiều người mắc bệnh trầm cảm, các triệu chứng thường nghiêm trọng tới mức ảnh hưởng rõ rệt đến các hoạt động thường nhật như công việc, học hành, các hoạt động xã hội hay mối quan hệ với người khác. Một số người thường thấy khổ sở hay bất hạnh mà không rõ vì sao.
Yếu tố nguy cơ
Các yếu tố có thể gia tăng nguy cơ mắc hoặc kích phát bệnh trầm cảm bao gồm:
- Một số đặc điểm tính cách như tự ti, quá phụ thuộc, quá khắt khe với bản thân hoặc bi quan
- Các sự kiện gây áp lực hoặc sang chấn tâm lý như lạm dụng thân thể, lạm dụng tình dục, mất người thân, mối quan hệ trắc trở hay vấn đề tài chính
- Người thân có tiền sử trầm cảm, rối loạn lưỡng cực, nghiện rượu hoặc tự tử
- Người thuộc cộng đồng LGBT hoặc người liên giới tính sống trong môi trường không nhận được sự ủng hộ
- Có tiền sử các bệnh rối loạn tâm thần khác như rối loạn lo âu, rối loạn ăn uống hay rối loạn stress sau sang chấn (PTSD)
- Lạm dụng cồn hoặc thuốc (cần sa, thuốc lá, ma tuý,...)
- Bệnh nghiêm trọng hay bệnh nan y, bao gồm ung thư, đột quỵ, bệnh tim và những cơn đau mãn tính
- Một số loại thuốc nhất định, như một số thuốc cho người huyết áp cao hoặc thuốc ngủ (xin hãy tham khảo với bác sĩ trước khi ngưng thuốc)
Điều trị
Thuốc chống trầm cảm
[rất nhiều tên thuốc, xin phép không liệt kê]
Nguy cơ khi dừng thuốc đột ngột
Đừng ngưng dùng thuốc mà không tham khảo trước với bác sĩ. Thuốc chống trầm cảm không gây nghiện, nhưng đôi khi sự lệ thuộc về thể chất (khác với hội chứng nghiện) có thể xảy ra. Ngưng điều trị đột ngột hoặc bỏ lỡ liều lượng nhất định sẽ gây ra những triệu chứng tương tự với hội chứng cai thuốc. Dừng thuốc đột ngột còn có thể khiến bệnh trở nên nặng hơn. Hãy bàn với bác sĩ để giảm liều lượng từ từ và an toàn.
Tâm lý trị liệu
Tâm lý trị liệu là một thuật ngữ chung chỉ việc nói chuyện với chuyên gia tâm lý về tình trạng bệnh và những vấn đề liên quan. Có nhiều hình thức tâm lý trị liệu để điều trị bệnh trầm cảm hiệu quả, ví dụ như liệu pháp nhận thức hành vi và liệu pháp tiếp xúc cá nhân. Chuyên gia tâm lý của bạn có thể đề cử các liệu pháp khác. Tâm lý trị liệu giúp bạn:
- Thích nghi với khủng hoảng hoặc những thử thách khác
- Nhận diện niềm tin và hành vi tiêu cực và thay bằng những điều tích cực
- Khám phá các mối quan hệ và trải nghiệm, tạo dựng mối quan hệ tích cực với người khác
- Tìm ra những cách xử lý và giải quyết vấn đề tốt hơn
- Nhận diện các vấn đề dẫn tới bệnh trầm cảm và thay đổi những hành vi làm bệnh nặng thêm
- Lấy lại cảm giác hài lòng và khả năng kiểm soát trong cuộc sống, xoa dịu những triệu chứng trầm cảm như tuyệt vọng và giận dữ
- Học cách đặt mục tiêu thực tế
- Rèn luyện khả năng chịu đựng và chấp nhận nỗi đau bằng những hành vi lành mạnh hơn
[Tài liệu nhắc tới một số phương pháp điều trị khác như điều trị tại bệnh viện]
Lối sống và liệu pháp tại gia
Nhìn chung, trầm cảm không phải chứng bệnh bạn có thể tự chữa trị. Tuy nhiên, bên cạnh việc điều trị chuyên khoa, những bước chăm sóc bản thân sau đây có thể đem lại hiệu quả:
- Kiên trì với phương án điều trị của bạn: Đừng bỏ các buổi tâm lý trị liệu. Đừng bỏ việc dùng thuốc ngay cả khi bạn không được khoẻ. Nếu bạn ngừng, triệu chứng trầm cảm có thể tái phát, và triệu chứng tương tự như hội chứng cai thuốc sẽ xuất hiện. Xin hãy lưu ý là sẽ cần thời gian để bạn thấy khoẻ lên.
- Tìm hiểu về bệnh trầm cảm: Hiểu biết về bệnh sẽ thúc đẩy bạn kiên trì điều trị. Hãy khuyến khích người thân tìm hiểu để họ hiểu và hỗ trợ bạn.
- Chú ý tới những dấu hiệu cảnh báo: Thảo luận với bác sĩ để tìm ra nguyên nhân kích phát triệu chứng trầm cảm. Lên kế hoạch để bạn biết phải làm gì khi triệu chứng nặng thêm. Liên lạc với bác sĩ nếu bạn để ý thấy bất kì thay đổi nào với triệu chứng và cảm xúc của mình. Nhờ người thân hay bạn bè quan sát và trông chừng các dấu hiệu cảnh báo.
- Tránh uống rượu và dùng thuốc (cần sa, thuốc lá, ma tuý,...): Nhìn bề ngoài thì rượu và thuốc có vẻ làm dịu triệu chứng trầm cảm, nhưng về lâu về dài chúng thường khiến triệu chứng nặng hơn và bệnh khó chữa hơn. Hãy nói chuyện với bác sĩ nếu bạn cần hỗ trợ các vấn đề về sử dụng cồn và chất gây nghiện.
- Chăm sóc bản thân: Ăn uống lành mạnh, tập thể dục đều đặn và ngủ nhiều. Hãy thử đi bộ, chạy bộ, bơi, làm vườn hoặc những hoạt động khác mà bạn thấy hứng thú. Giấc ngủ ngon rất quan trọng với sức khoẻ thể chất và tinh thần. Nếu bạn gặp vấn đề về giấc ngủ, hãy nói chuyện với bác sĩ để tìm ra cách khắc phục.
Nguồn: Depression (major depressive disorder) - Mayo Clinic