Màu Nền | |
Màu Chữ | |
Font Chữ | |
Cỡ Chữ | |
Style Combo | |
CÁC VỤ MẤT TÍCH TẬP THỂ BÍ ẨN TRONG LỊCH SỬ QUÂN SỰ THẾ GIỚI.
Một đội quân với hàng nghìn binh lính đột nhiên mất tích một cách bí ẩn. Đây được coi là hiện tượng bí ẩn nhất trong lịch sử quân sự thế giới. Họ biến đi trước mắt mọi người. Nhiều cuộc tìm kiếm bí mật và công khai được triển khai, nhưng đều thất bại.
Vụ mất tích tập thể kỳ lạ nhất là của một đội quân Anh xảy ra vào thời kỳ Chiến tranh Thế giới I. Ngày 28/8/1915, hơn 800 lính Anh được lệnh cơ động lên một ngọn núi cao thuộc vùng Garibaldi của Thổ Nhĩ Kỳ. Cùng đóng quân ở khu vực này còn có một lực lượng quân sự của New Zealand. Lúc này, vùng trời phía trên trận địa của đội quân này vẫn rất sáng và ít mây. Thế nhưng trên ngọn núi mà đội quân này phải hành quân lên lại có một lớp sương mù màu xám dày đặc.
Khi đội quân càng lúc càng lên cao thì cũng là lúc họ chìm dần vào trong màn sương mù. Và khi người lính cuối cùng khuất hẳn vào màn sương thì cũng là lúc một chuyện ly kỳ xảy ra. Toàn bộ đội quân hơn 800 người này đã mất tích không để lại dấu vết, người ta không thấy bất kỳ người lính nào bước ra khỏi đám sương mù đó.
Từng ngọn cây, bụi rậm trên đỉnh núi đều có thể nhìn rõ, nhưng một đội quân hơn 800 người đã mất tích hoàn toàn. Khi đó 22 người lính của New Zealand cũng đang tập cùng trận địa với đội quân này của Anh. Họ đã tận mắt chứng kiến cảnh tượng bí hiểm này bởi khi đó họ đang làm nhiệm vụ canh gác trên một ngọn đồi nhỏ khác cách đó khoảng 60m, nên nhất cử nhất động của đội quân này từ khi họ bắt đầu hành quân đến lúc bị mất tích hoàn toàn đều lọt vào vòng ngắm của đội quân New Zealand.
Sau vụ mất tích, 22 binh lính của New Zealand báo cáo vụ việc lên cấp trên. Khi biết được tin này, quân đội Anh đã tổ chức kế hoạch tìm kiếm bí mật và quy mô, nhưng không có kết quả.
Lúc đó, quân đội Anh vẫn cho rằng khả năng lớn nhất là toàn bộ đội quân đã bị lực lượng đặc nhiệm của Thổ Nhĩ Kỳ bắt làm tù binh. Do vậy, họ quyết định không tìm kiếm nữa mà đợi sau khi chiến tranh kết thúc sẽ yêu cầu chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ trao trả lại đội quân này. Tuy nhiên, phía Thổ Nhĩ Kỳ kiên quyết khẳng định rằng họ chưa từng nhìn thấy đội quân này của Anh. Vụ mất tích có thể coi là bí mật lớn nhất trong lịch sử quân sự Anh.
Nhưng đây không phải là trường hợp duy nhất. Cũng trong Thế chiến I, một đội quân của Pháp cũng gặp phải hiện tượng kỳ bí này. Khi đó hai trại lính của Pháp với quân số lên tới hàng mấy trăm người đang đóng quân trên ngọn đồi Malden, cũng đột nhiên mất tích một cách bí ẩn. Quân đội Pháp cũng đã cử một lực lượng lớn để tìm kiếm, nhưng rồi họ cũng phải trở về tay không.
Hơn 60 năm trước, quân đội Trung Quốc cũng từng gặp phải trường hợp kỳ lạ này. Trong cuộc chiến bảo vệ thành Nam Kinh trước quân đội Nhật vào đầu tháng 12/1937, Quốc Dân đảng đã huy động một lực lượng hùng hậu hơn 200.000 quân chốt giữ xung quanh thành Nam Kinh. Trong cuộc chiến, quân Trung Quốc đã thất bại nặng nề, đặc biệt là một sư đoàn của quân trợ chiến từ Tứ Xuyên.
Trong sư đoàn có một đội quân làm nhiệm vụ cảnh giới địch phía bên sườn, đề phòng quân Nhật bất ngờ ập đến chia cắt đội hình, nên trong suốt cuộc chiến, đội quân này không hề tham chiến. Khi chiến dịch phòng ngự thất bại, để bảo toàn lực lượng, đội quân hơn 2.000 người được lệnh rút về vùng núi Thanh Long (phía đông nam thành Nam Kinh). Nhưng khi lực lượng này tiến vào Thanh Long, thì không ai còn thấy một người lính nào trong đội quân nói trên nữa.
Sau này đã có người suy đoán rằng đội quân này đã tự chia nhỏ nhằm phá vỡ vòng vây của Nhật. Nhưng sau khi phân tích ưu thế và tương quan lực lượng của Nhật năm đó, giả thuyết này hoàn toàn không phù hợp. Ngày 1/12/1937, quân Nhật điều hai sư đoàn tinh nhuệ từ vịnh Hàng Châu đổ bộ men theo trục đường qua Gia Hưng, Hồ Châu, Quảng Đức, Vu Hồ bao vây lực lượng phòng ngự của Trung Quốc.
Chỉ trong 10 ngày, lực lượng của Nhật đã liên kết được với lực lượng quân Nhật tại Cú Dung, Trấn Giang, Vô Tích ở phía đông nam thành Nam Kinh, từ đó tạo thành thế bao vây Nam Kinh từ ba hướng. Lúc đó mọi người đều biết rằng trong lực lượng phòng ngự của Trung Quốc chỉ có tướng Trịnh Long Quang cùng đội quân số 93 do ông chỉ huy đã nhân cơ hội quân Nhật vẫn chưa hợp vây, may mắn chọc thủng được thế bao vây của Nhật, chạy thoát ra ngoài. Còn không có một đội quân nào có thể chọc thủng được thế bao vây của Nhật, nên không thể có chuyện đội quân hơn 2.000 người này đã phá vây thoát ra ngoài.
Năm 1939, khi tổng kết tình hình chiến sự, tổng bộ quân Quốc Dân Đảng đã phát hiện ra sự kiện kỳ lạ về đội quân này. Họ cho rằng đội quân này đã bị mất tích và ghi vào hồ sơ lưu trữ. Tổng bộ Quốc Dân đảng đã từng thành lập một tổ điều tra liên hợp nhằm làm rõ về vụ mất tích này, nhưng cuối cùng cũng không đi đến đâu.