Màu Nền | |
Màu Chữ | |
Font Chữ | |
Cỡ Chữ | |
Style Combo | |
Chương 17
Tôi nghĩ chuyện dựng vợ gả chồng là chuyện bình thường của một đời người, huống hồ bây giờ Huy đã hơn 30 tuổi, bố anh ta thấy con trai mãi không chịu lấy vợ nên sốt ruột sắp đặt chuyện cưới xin cũng là lẽ dĩ nhiên.
Chỉ là từ khi nghe được cuộc nói chuyện ấy, trong lòng tôi không hiểu sao lại xuất hiện rất nhiều cảm giác rất kỳ lạ, giống như lo sợ mất đi một thứ gì đó mà tôi nghĩ mãi cũng không hiểu là thứ gì.
Khi tôi đi làm, chị Thanh thấy tôi cứ ngẩn ngơ cả buổi mới hỏi thăm.
Sau cùng, tôi đắn đo mãi, không biết phải tâm sự với ai nên rút cuộc đành nói ra với chị ấy cho nhẹ lòng.
Tôi bảo:
- Hôm trước em nói với chị là dạo này em với Bí Ngô đang ở nhà bác cả của nó đấy, chị có nhớ không?
- Ừ, nhớ.
Sao thế? Có chuyện gì à?
- Giờ bác cả của Bí Ngô sắp lấy vợ, mà con bé thì quấn bác cả lắm, em sợ đến khi đấy nó sẽ hụt hẫng chị ạ.
Vì ở nhà nội, chỉ có bác cả của Bí Ngô mới bảo vệ nó thôi.
Chị Thanh có lẽ cũng biết ở trong nhà giàu rất khó sống nên không hỏi tôi sâu thêm về việc tại sao bác cả lại phải bảo vệ Bí Ngô.
Chị ấy nói:
- Thế thì cũng khó đấy, vì có gia đình riêng, rồi có con cái nữa, tất nhiên là sẽ không thương con của mày nhất nữa rồi.
- Vâng, em cũng nghĩ thế.
Nếu như ở một gia đình bình thường thì không sao, nhưng ở bên nhà nội của Bí Ngô phức tạp lắm chị ạ.
Nói chung từ khi mẹ con em đến đó, bác cả của Bí Ngô giúp đỡ cũng nhiều, với cả anh ấy cũng thương con bé nữa, thế nên....!
- Này…
- Dạ.
- Có phải mày thích bác cả của con Bí Ngô rồi không?
Tôi sửng sốt quay lại nhìn chị Thanh, không ngờ chị ấy lại hỏi một câu như thế.
Thích Huy là điều tôi chưa bao giờ dám nghĩ tới, cũng vĩnh viễn sẽ không nghĩ tới, nhưng bây giờ nghe xong, đột nhiên tôi lại tự vấn chính mình rằng: Nếu chỉ vì sợ Bí Ngô không quen, tại sao tôi lại cảm thấy khó chấp nhận như thế, giống như là sợ chính mình không quen vậy.
Tôi vội vã lắc đầu lia lịa:
- Không ạ.
Đó là anh trai của bố Bí Ngô, em không dám nghĩ linh tinh đâu.
- Nếu không thì cũng có tý động lòng rồi đấy.
Chị thấy mày là người mạnh mẽ, trước giờ mày chẳng nói với chị còn gì, mày có cần ai che chở đâu.
Giờ tự nhiên lại lo được lo mất thế, chứng tỏ mày bắt đầu dựa dẫm vào người ta rồi đấy.
Thậm chí chính mày cũng không nhận ra đâu.
- Em cũng không biết nữa, chắc vì lâu nay sống cuộc sống khác, ở môi trường khác nên thế chị ạ.
Chị Thanh nhìn tôi thở dài:
- Thôi, chị khuyên mày nên sống cho mình đi.
Nếu gia đình họ đối xử quá đáng với hai mẹ con thì dọn đi nơi khác mà sống.
Sau rồi tìm một người nào đó thật sự có thể yêu thương và che chở cho hai mẹ con.
Chứ cứ như thế này rồi một ngày nào đó mày cũng xiêu lòng đấy, phụ nữ mà, ai đối xử tốt với mình thì sẽ rung động thôi.
Mà bác cả của con mày thì lại là người mà mày không thể ở bên cạnh được.
Có lẽ người chín chắn như chị Thanh luôn hiểu rõ vấn đề hơn tôi, cho nên mới khuyên tôi những lời thẳng thắn và thiết thực như thế.
Nhưng đáng tiếc là hoàn cảnh bây giờ rất khó nói, thế nên tôi bảo:
- Vâng.
Nhưng mà bây giờ em vẫn chưa đưa con bé đi được chị ạ.
Em cũng muốn lắm, nhưng bên nội giữ cháu, không cho đi.
- Thế thì tạm thời mày phải giữ khoảng cách với ông bác cả kia thôi.
Để lâu là khổ đấy.
Đời mày đã lỡ dở một lần rồi, chị mong mày hạnh phúc, đừng gặp trắc trở gì nữa.
- Vâng, em biết mà.
Em cảm ơn chị.
- Cảm ơn cảm mẹ gì, có gì thì cứ tâm sự với chị.
Tính chị thì mày biết rồi, chị không nhiều chuyện đâu, cái gì khuyên được thì chị khuyên.
Đôi khi người trong cuộc không tỉnh táo như người ngoài cuộc mà.
- Vâng.
Nhờ có những lời của chị Thanh mà tôi đã tỉnh ngộ, nhận ra sau một thời gian được Huy che chở, tôi dần dần đã nảy sinh tâm lý ỷ lại vào anh ta.
Mà dựa dẫm vào một người đàn ông là bác cả của con mình như vậy, tôi thực sự cảm thấy rất khó chịu và phiền lòng.
Trước đây, tôi đã từng coi thường Phương không có liêm sỉ, nhưng chính tôi bây giờ cũng bắt đầu dao động, điều này chẳng khác nào tự tát vào mặt mình.
Thế nên để không tiếp tục đi theo vết xe đổ của cô ta, tôi đành chọn cách hạn chế tiếp xúc với Huy càng nhiều càng tốt.
Bình thường khi anh ta ở nhà, không có việc gì thì tôi sẽ ở lì trong phòng, trả sách xong cũng không mượn lại nữa, việc Lạc Thành gần đây kinh doanh các sản phẩm mới ra thế nào, tôi cũng không hỏi.
Tuy nhiên, đã sống cùng nhà thì không thể không có va chạm, hơn nữa, chúng tôi còn có một mối quan tâm chung là Bí Ngô, cho nên muốn tránh cũng không được.
Hôm ấy, con bé được cô giáo phát cho hai quả xoài nên hào hứng mang về nhà, chia cho tôi một quả, quả còn lại nó bảo để dành cho bác cả.
Sở dĩ Bí Ngô đòi chia như vậy là vì từ khi hai mẹ con tôi đến đây, trong nhà chưa bao giờ có xoài, con bé nghĩ bác cả chưa bao giờ được ăn loại quả này nên lúc cô giáo cho lựa chọn giữa các loại quả, nó không nghĩ ngợi đã ôm ngay hai quả xoài to tướng về.
Tôi bận nên tạm thời chưa ăn, chỉ để quả xoài trên bàn rồi cặm cụi làm bài tập.
Dạo gần đây tôi sắp thi hết học kỳ, cũng sắp chuyển qua giai đoạn thực tập nên bài tập nhóm và các bài thuyết trình nhiều như quân nguyên, học ngày học đêm mà vẫn không sao hết được.
Học đến hơn 9h tối, tôi mới định đi xuống nhà gọi Bí Ngô lên phòng ngủ.
Nhưng khi xuống đến chỗ ngoặt cầu thang thì lại nghe thấy tiếng con bé đang nói với bác cả:
- Bác cả, ăn xoài đi.
Xoài này Bí Ngô xin cô giáo mang về cho bác cả.
- Không ăn, con ăn đi.
- Con với mẹ Chi ăn rồi.
Bác cả ăn đi, Bí Ngô để dành cho bác mà.
- Nào, ngoan, trèo xuống.
Chị Oanh đã gọt xoài thành từng miếng nhỏ rồi bỏ ra đĩa, Bí Ngô muốn tự tay đút cho bác cả ăn nên cầm cái dĩa trèo lên lòng anh ta, bàn tay nhỏ xíu cố với cao, đưa miếng xoài lên miệng Huy:
- Bác cả há miệng ra.
Con đút cho bác cả ăn xoài.
- Bí Ngô.
- A.
Con bé nhất định không chịu xuống mà cứ đòi anh ta phải ăn, cuối cùng Huy đành chiều Bí Ngô, há miệng ăn hết miếng xoài đó.
Xong xuôi, anh ta tiếp tục ôm ipad xử lý công việc, bởi vì tập trung nên không để ý đến Bí Ngô nữa, con tôi thì cứ loay hoay lấy hết miếng xoài này đến miếng xoài khác đút cho anh ta.
Huy cũng theo phản xạ, vừa gõ loạn xạ xuống ipad vừa há miệng ăn.
Tôi ngại đụng mặt anh ta, mà cũng không muốn làm phiền hai bác cháu nên chỉ nhìn đến đây rồi lặng lẽ quay về phòng.
Mải mê với bài tập phân tích giá trị thời gian của tiền đến tận gần một giờ sáng, đói bụng quá nên tôi xuống nhà lần nữa định tìm cái gì ăn.
Ai ngờ khi xuống đến phòng khách thì có một bóng người đang loay hoay ở đó khiến tôi giật bắn mình.
- Ai thế?
Tôi vừa hỏi vừa với tay bật đèn, lúc không gian sáng rõ mới thấy người đang đứng trước tủ thuốc là Huy, dường như anh ta đang tìm thứ gì đó nên nửa đêm mới loay hoay ở dưới này.
Anh ta trả lời tôi nhưng không quay đầu lại, chỉ bảo:
- Có việc gì thế?
- À… tự nhiên thấy có người nên tôi giật mình.
Anh tìm gì mà sao không bật đèn?
- Tìm mấy vỉ thuốc.
- Có cần tôi tìm giúp không?
- Không cần, mặc kệ tôi.
Thấy thái độ anh ta hơi khác lạ, tôi cũng hơi nghi ngờ, nhưng Huy đã nói thế nên tôi cũng chẳng hỏi nữa, chỉ bảo "Vâng" một tiếng rồi đi ngang qua.
Có điều, lúc lướt qua nhau, tầm mắt tôi lại vô tình trông thấy gương mặt anh ta nổi lên chi chít những vết mẩn đỏ, ngay cả cổ và cánh tay cũng vậy.
Tôi sửng sốt định lên tiếng hỏi, nhưng nghĩ đến việc mình không nên quá gần gũi với anh ta nên tôi lại đành mím môi đi thẳng vào bếp.
Có điều, lý trí rồi mãi không thể chiến thắng được lương tâm, thấy anh ta bị thế tôi không đành lòng, rút cuộc đã đi rồi vẫn quay lại hỏi:
- Anh làm sao thế? Sao tự nhiên lại bị nổi mẩn nhiều thế?
- Ăn xoài.
Huy thờ ơ đáp đúng hai chữ, sau đó lại tiếp tục lục lọi tủ thuốc, bộ dạng rất khó chịu.
Anh ta thiếu kiên nhẫn đến mức lục tung cả tủ thuốc lên mà vẫn không thể lấy được loại thuốc nào ưng ý, cuối cùng, tôi đành bước lại gần bảo anh ta:
- Anh tìm thuốc dị ứng chứ gì? Để tôi lấy cho.
Lúc này, muốn không cần tôi giúp cũng không được.
Anh ta đành miễn cưỡng đứng gọn sang một góc, nhường chỗ để tôi lấy thuốc.
Tủ thuốc này to gần bằng một chiếc tủ rượu, bên trong đựng rất nhiều loại thuốc tây lẫn thuốc bổ, nếu như không biết vị trí xếp từng loại thì rất khó tìm ra đâu ra thuốc chống dị ứng.
Cũng may là mấy lần tôi cũng theo chị Oanh dọn tủ thuốc này, với cả Bí Ngô cũng từng bị dị ứng lạc nên tôi biết loại này.
Tôi lấy ra một vỉ thuốc màu vàng đưa cho anh ta:
- Đây, anh uống hai viên.
Huy cầm lấy vỉ thuốc từ tay tôi, không liếc tôi một cái nhưng vẫn nói:
- Cảm ơn.
Lúc này, nhìn gần tôi mới thấy những vùng da thịt lộ ra ngoài quần áo anh ta đều đỏ ửng lên, nốt đỏ nổi chi chít.
Khi ngón tay anh ta chạm vào tay tôi, cơ hồ tôi cũng cảm nhận được độ nóng phát ra từ da thịt anh ta.
Tôi từng nghe có người bị dị ứng tôm, dị ứng phấn hoa, dị ứng đậu tương, nhưng dị ứng xoài như anh ta thì chưa bao giờ nghe thấy.
Chẳng trách lúc tối Huy kiên quyết từ chối Bí Ngô đút xoài cho mình, sau đó con bé ép quá nên anh ta mới phải ăn.
Kết quả ra thế này cũng là do con tôi gây ra nhỉ?
Tự thấy mình cũng nên có trách nhiệm với chuyện này, thế nên sau khi Huy mang vỉ thuốc lên phòng, tôi mới loay hoay nấu một nồi cháo nóng cho anh ta.
Cũng may là lúc tối chị Oanh đã nấu sơ một nồi áp suất cháo để sáng mai Bí Ngô ăn rồi, giờ tôi nấu thêm 15 phút nữa, bỏ gia vị vào là xong.
Tôi múc ra một tô, lấy thêm một viên hạ sốt rồi mang lên phòng anh ta, gõ cửa mấy lần vẫn không có ai trả lời.
Khi ấy tưởng Huy ngủ rồi nên tôi định mang xuống, thế nhưng nghĩ đi nghĩ lại, sợ anh ta sốt cao quá rồi xảy ra vấn đề gì nên tôi đành hạ quyết tâm tự mở cửa đi vào.
Lúc tôi vào đến nơi thì đúng là anh ta sốt thật, sốt rất cao, mặt mũi đỏ ửng, nằm mê man trên giường không biết gì.
Khi ấy tôi lo quá nên vội vàng đặt tô cháo xuống rồi chạy vào phòng tắm, giặt một chiếc khăn ấm đắp lên trán anh ta.
Khi có người động vào, Huy mới khẽ nhíu mày.
Anh ta mệt mỏi mở mắt ra nhìn tôi:
- Sao lại ở đây?
- Anh bị sốt cao lắm.
Hay là đi bệnh viện nhé?
- Không đi.
- Dị ứng mà sốt nặng thế này dễ chết lắm đấy.
- Không đi.
Nói xong, hình như anh ta mệt quá nên lại nhắm mắt, cũng không đuổi tôi đi mà chỉ im lặng nằm đó.
Tất nhiên là tôi không thể bỏ anh ta trong lúc sốt cao thế này được, lỡ anh ta xảy ra chuyện gì thì cũng có một phần lỗi do mẹ con tôi, thế nên tôi cứ ngồi lì ở đó canh anh ta, không dám động vào người Huy, nhưng cứ 20 phút lại đi giặt một lượt khăn mới rồi đắp cho anh ta.
Ròng rã suốt mấy tiếng như vậy, đến hơn bốn giờ sáng thì anh ta mới hạ sốt.
Khi Huy mở mắt ra lần nữa, thấy tôi, ánh mắt anh ta sượt qua vẻ ngạc nhiên:
- Mấy giờ rồi, sao cô vẫn còn ở đây?
- Hơn bốn giờ.
Tôi thấy anh sốt cao, sợ có chuyện gì nên ngồi canh.
Nghe tôi nói đến đây, Huy hơi liếc ra phía cửa, thấy cửa chính vẫn mở và tôi thì ngồi cách xa anh ta gần một mét, gương mặt anh ta chợt ẩn hiện một vẻ sâu thẳm và trầm tư.
- Về phòng ngủ đi, tôi không sao.
- Anh muốn ăn cháo không? Ăn ít cháo cho toát mồ hôi ra nhé?
- Không cần.
Tôi đỡ rồi.
Ngủ thêm một giấc nữa là khỏi.
Thấy anh ta nói vậy, tôi cũng không lắm lời nữa, đứng dậy định lấy khăn trên trán anh ta xuống thì đột nhiên Huy lại nắm lấy tay tôi.
Lòng bàn tay anh ta rất nóng, từng khớp tay mạnh mẽ truyền độ ấm qua da thịt tôi, bất giác khiến trái tim tôi cũng đột nhiên nóng theo.
Tôi sửng sốt cúi xuống nhìn anh ta, mà cùng lúc này Huy cũng nhận ra mình hơi thất thố nên lập tức buông tay tôi ta.
Anh ta nói:
- Để tôi tự làm được rồi.
Mất mấy giây tôi mới có thể bình tĩnh lại được, tôi vội vàng đứng lùi xa khỏi giường, ấp úng đáp:
- À… à… vâng.
Tôi biết rồi.
Tôi về phòng đây.
Nói xong, cũng không chờ anh ta trả lời đã vội vã xoay người đi thẳng.
Khi về phòng, trèo lên giường nằm rồi nhưng tôi vẫn thao thức không sao ngủ nổi, chỗ cổ tay ban nãy Huy nắm vẫn còn vương lại chút cảm giác tê tê âm ấm, lòng cũng có rất nhiều cảm xúc rất lạ lẫm mà không biết diễn tả là tại sao.
Tôi nghĩ ngợi một lúc, sau cùng lại phát hiện ra mình càng ngày càng xao động nhiều hơn nên cảm thấy vô cùng xấu hổ, giống như đã đi một con đường sai, muốn quay đầu lại nhưng bước chân không nghe lời vậy.
Tôi muốn thoát ra khỏi cảm giác ấy nhưng không có cách nào cả, chỉ có thể bất lực trốn tránh anh ta nhiều hơn.
Có điều, có những chuyện không phải muốn là sẽ thực hiện được, ví dụ như cuộc sống của tôi hiện tại có liên quan đến anh ta, hay cả ngành nghề tôi học cũng có rất nhiều thứ dây dưa đến Huy vậy.
Hôm đó, tôi vừa mới lên lớp thì thấy mọi người đang nhao nhao điền mẫu đơn xin thực tập, bình thường chuyện thực tập thế này chẳng có mấy người hào hứng, thế mà lần này ai cũng hồ hởi viết đơn làm tôi hơi ngạc nhiên.
Thằng nhóc Đạt thấy tôi ló mặt đến thì vội vàng kéo tay tôi ngồi vào bàn, cười toe cười toét bảo:
- Chị Chi, viết đơn xin đi thực tập nhanh lên.
Có một số công ty nhận thực tập rồi đấy.
- Hả? Lần này có những công ty nào mà chị thấy mọi người háo hức thế?
- Còn công ty nào nữa, hơn nửa lớp đang xin vào Lạc Thành đấy.
Sau lần thuyết giảng kia, nghe nói Lạc Thành đồng ý với trường là nhận 15 suất vào thực tập đấy.
Chị không biết đâu, bao nhiêu lâu nay Lạc Thành có nhận thực tập đâu, thế mà lần này nhận.
Cơ hội nghìn năm có một nên ai cũng ham.
- À… thế hả? Họ chỉ nhận 15 suất thì không đến lượt chị đâu.
Mấy đứa đăng ký đi.
- Ơ hay, thủ khoa như chị mà còn không nhận thì nhận ai nữa.
Chị cứ thử đăng ký đi, biết đâu lại được nhận.
Em nói chị nghe, sinh viên bọn mình mà có cơ hội được thực tập ở tập đoàn lớn như thế thì học hỏi được nhiều lắm đấy.
Không phải lúc nào cũng có suất đâu.
Chị đăng ký đi, em đăng ký cho chị.
- Không mà, chị không đăng ký đâu.
- Chị phải đăng ký, để em viết luôn cho.
Chị cứ ngồi yên để em xử lý.
Tôi còn chưa kịp từ chối thì Đạt đã viết đơn đăng ký hộ tôi, xong còn ký thay rồi nộp luôn, định rút lại nhưng giảng viên thu xong rồi nên không thể xin hủy nữa, cuối cùng đành phải chấp nhận nộp đơn xin thực tập ở Lạc Thành.
Nhưng tôi nghĩ nộp thì nộp vậy thôi chứ Lạc Thành chắc hẳn không bao giờ thèm để mắt đến người như tôi.
Ai ngờ chỉ hai hôm sau đã thấy luật sư Vinh gọi điện thoại đến, giọng anh ta tươi rói:
- Chà, giờ mới biết lý lịch của mẹ Bí Ngô khủng thế đấy nhé.
- Ơ, sao tự nhiên anh lại biết lý lịch của em?
- Còn gì nữa, anh vừa đi qua phòng nhân sự, thấy đơn đăng ký thực tập tên Tạ Diệp Chi nên đứng lại nhìn.
Xem ngày tháng năm sinh với trường học thì thấy đúng luôn.
Sao lâu nay em không nói với anh em là bảng điểm của em khủng thế đấy? Toàn bộ học kỳ tổng kết loại giỏi luôn.
- À… có gì đâu.
Em gặp may nên mới có bảng điểm thế thôi.
- Xùy, học hành giỏi thế mà không thực tập ở công ty anh thì quá phí phạm.
Mà anh nghĩ rồi, em không cần thực tập làm gì cho mất công, nói với anh cả nhà em một tiếng đi, anh ấy xếp cho vị trí ngon ở phòng kinh doanh.
Nhắc đến Huy tôi vẫn cảm thấy ngại, không muốn phiền tới anh ta nên tôi bảo:
- Thôi, em đi thực tập để có thêm kinh nghiệm ấy mà.
Thực tập ở đâu cũng được.
Nhưng sau này có làm việc thì em cũng chỉ làm ở công ty nhỏ thôi, như thế mới vừa sức của em.
Tập đoàn lớn như Lạc Thành thì em chịu, không theo được.
- Nhân tài ở đây thì nhiều, nhưng đều trẻ cả.
Chủ yếu em có bác cả nhà em hướng dẫn, lo gì.
Nãy anh hỏi trưởng phòng nhân sự rồi, ông ấy bảo hồ sơ em được nhận thực tập.
Chờ đến thực tập ở Lạc Thành rồi gặp anh nhé.
Em còn chưa khao anh vụ xe mới đâu.
- Anh muốn em khao gì nào? Chiều nay em chỉ học 3 tiết thôi, hai tiết cuối được nghỉ nên rảnh rang.
Bởi vì trường luôn ưu tiên thực tập ở Lạc Thành, cho nên sau khi phòng nhân sự bên ấy tiếp nhận, tôi không được đổi sang thực tập ở công ty khác nữa.
Khi nhận được thông báo chính thức về việc này, tôi cứ đắn đo mãi.
Tôi không biết Huy có biết chuyện tôi sắp đến Lạc Thành thực tập hay không, nhưng chắc chắn tới đó sẽ phải đụng mặt anh ta, mà Huy có muốn cho tôi đến công ty của gia đình làm việc không, tôi cũng không chắc chắn.
Tôi suy nghĩ rất lâu, sau cùng đành quyết định nói việc này cho Huy biết trước.
Hôm ấy, theo lịch cuối tuần anh ta sẽ dành nửa buổi để chở tôi và Bí Ngô đến thăm Tuấn.
Trên đường đi, tôi mới mở miệng nói chuyện:
- Hôm trước làm đơn xin thực tập, mấy đứa nhóc cùng nhóm tôi nộp đơn làm Lạc Thành, tiện làm cho tôi luôn.
Nói đến đây, tôi cố ý liếc về phía anh ta, thấy Huy vẫn tập trung lái xe, vẻ mặt không có biểu hiện gì, tôi mới tiếp tục:
- Tôi cứ tưởng không được nhận nên không nói với anh.
Nhưng hai hôm trước tự nhiên lại thấy trường thông báo tôi được nhận đến Lạc Thành thực tập.
- Ừ.
- Anh có ý kiến gì không?
Anh ta dường như không mấy bận tâm đến vấn đề này, chỉ lạnh nhạt đáp:
- Tôi đã nói Lạc Thành là Lạc Thành, tôi là tôi.
Cô được nhận thực tập không liên quan đến tôi.
Làm việc tốt là được.
- À… vâng.
Tôi sợ lỡ có sai sót gì lại ảnh hưởng đến công việc của anh.
Anh yên tâm, đến Lạc Thành thực tập tôi sẽ cố gắng.
Huy gật đầu, định nói thêm gì đó nhưng đúng lúc này điện thoại của anh ta lại đổ chuông.
Không hiểu đầu dây bên kia thông báo tin gì mà anh ta đang lái xe lập tức tấp vào lề đường, sắc mặt Huy lộ rõ vẻ bất ngờ, anh ta nói:
- Tỉnh từ lúc nào?.
Chương 18
Nguồn không có chương này, mong độc giả thông cảm!