Saved Font
  1. mTruyen.net
  2. Ván Cờ Người
  3. Quyển 1 - Chương 5: Trợ thủ
Trước /29 Sau

Ván Cờ Người

Quyển 1 - Chương 5: Trợ thủ

Màu Nền
Màu Chữ
Font Chữ
Cỡ Chữ
Style Combo

Hồ Bằng điên tiết đến bệnh viện Nhân Dân, đến phòng y tá nhà mổ khoa ngoại ngó nghiêng, hi vọng có thể gặp được Chu Lâm. Từ hôm gặp Chu Lâm ở bàn mạt chược nhà Oánh Oánh, anh cứ muốn được gặp cô ta.

Chu Lâm không ở phòng y tá, một chị y tá lớn tuổi bảo cô ta vừa phụ mổ xong, không biết đi đâu. Hồ Bằng tiu nghỉu bỏ đi, nhưng lại gặp Chu Lâm ngay trước cửa khu khám bệnh. Chu Lâm trông thấy Hồ Bằng trước, cô gọi to “anh Bằng” làm anh giật mình.

Chu Lâm mặc áo blu trông khác hẳn khi chơi mạt chược. Không còn cái vẻ uể oải ngồi ở bàn mạt chược, có cái gọn gàng của một nữ công chức, trông càng hấp dẫn. Chu Lâm cháy bỏng nhìn Hồ Bằng, hồ hởi hỏi: “Anh đến tìm em đấy à?”

Hồ Bằng không nói nên lời, chỉ cười không mặn không nhạt. Thấy Hồ Bằng như vậy, Chu Lâm càng sỗ sàng hơn: “Anh đến đây định nhờ em cạo hay sao đấy?”. Muốn gì thì cũng phải giữ cái sự tôn trọng chính mình, Hồ Bằng cười: “Không, anh khỏe mạnh thế này, không thể rơi vào tay em được”.

Chu Lâm nói: “Biết đâu đấy, em đã thấy có nhiều anh khỏe mạnh vẫn phải lên bàn mổ”.

Hồ Bằng thiếu tự tin giải thích tại sao mình đến đây, anh bảo đến thăm một người bạn truyền máu. Chu Lâm nói với anh, phòng truyền máu đang sửa chữa, bây giờ việc truyền máu tạm thời để ở phía sau phòng cấp cứu, sợ anh không tìm thấy Chu Lâm kéo tay anh đi về phía sau phòng cấp cứu.

Đến phòng truyền máu, Hồ Bằng thấy trong phòng người đông, ồn ào, anh nhìn khắp lượt và trông thấy một người quen - Xuyên Thanh đang ngồi kia truyền dịch.

Hồ Bằng đi tới, hất cằm, nói với Chu Lâm đã tìm thấy bạn. Chu Lâm kéo tay Hồ Bằng hỏi, gần đây anh có chơi mạt chược với chị Hai nữa không. Hồ Bằng gật đầu, nói chung mấy người ấy vẫn chơi với nhau. Chu Lâm cười nói, mạt chược chơi như “trai gái có đôi, được thua không mỏi”, cô ta bảo nếu chơi mạt chược có thiếu chân nhớ gọi cô ta. Hồ Bằng gật đầu, nhưng Chu Lâm vẫn chưa yên tâm, nũng nịu bám cánh tay anh, bắt anh phải bày tỏ rõ ràng hơn. Được Hồ Bằng bảo đảm bằng miệng Chu Lâm mới chịu rời anh.

Xuyên Thanh thấy Hồ Bằng từ cửa bước vào, vội giơ một cánh tay không có dây truyền dịch lên.

Hồ Bằng tỏ ra quan tâm, hỏi: “Anh Thanh, sao thế?”. Xuyên Thanh nói: “Gần đây bận quá, người nhiệt, hơi mệt, viêm họng, truyền ít thuốc tiêu viêm”. Hồ Bằng cảm thấy ở cương vị Xuyên Thanh lẽ ra anh được truyền dịch ở phòng riêng, nằm xuống giường thoải mái, có người chăm sóc mới đúng. Xuyên Thanh nói, anh không muốn ồn ào, nếu muốn chỉ cần gọi điện cho viện trưởng mọi chuyện sẽ được giải quyết. Hồ Bằng nói, đang rỗi, có thể ở đây ngồi chơi với anh.

Trong con mắt Hồ Bằng, Xuyên Thanh với nhóm Hữu Ngư tương đối thân thiết. Xuyên Thanh không hút thuốc, nhưng vẫn thường cho Hồ Bằng trà. Đối với trà, Hồ Bằng hiểu biết ít nhiều. Có lần Xuyên Thanh cho Hồ Bằng hai lạng rưỡi xá lộ, cái thứ trà mộc Trúc vũ ướp hoa rất hiếm, thời giá mỗi cân ít nhất là năm nghìn đồng.

Xuyên Thanh nói anh muốn vào nhà vệ sinh, Hồ Bằng giúp anh giơ cao chai thuốc. Xuyên Thanh đi tiểu rất buốt, nghiến răng nghiến lợi chịu đau. Hồ Bằng thấy hiện tượng ấy, anh nghĩ Xuyên Thanh không viêm họng mà viêm đường tiết niệu, nhưng anh không nói ra.

Trở về chỗ ngồi Xuyên Thanh dễ chịu hơn nhiều, cười nói vui vẻ. Chuyện nọ sang chuyện kia, cuối cùng dẫn đến chuyện mạt chược.

“Người Trung Quốc thích chơi mạt chược, ngay cả nhà kinh tế cũng nghiên cứu mạt chược. Ông Lệ Dĩ Ninh có luận thuyết: người phương Tây làm ăn buôn bán giống như chơi bài, trước tiên phải tìm người hợp tác, sau đấy dốc toàn lực tấn công đối phương; người Nhật buôn bán làm ăn giống như chơi cờ vây, có thể tổn thất một vài góc, nhưng nhất định phải chiếm được đại cục. Người Trung Quốc làm ăn buôn bán phải chuyên tâm nhìn nhà người, chăm chú nhìn nhà dưới, đừng ai hòng ăn mảnh được của anh ta”.

Hồ Bằng phấn khởi tiếp lời Xuyên Thanh, nói quan hệ giữa người với người Trung Quốc giống như đánh mạt chược, quá nhiều cục diện phải xem người, nhìn người, vợ chồng với nhau cũng không ngoại lệ. Xuyên Thanh cười phá lên, hỏi Hồ Bằng có phải vì vợ quản quá chặt. Hồ Bằng bảo cũng không phải vậy, mà là đáng thương cho một số người suốt ngày bị vợ nhòm ngó, theo dõi. Những người này không còn được tự do, cho nên đi giày vò người khác, vậy là có quan bất nhân.

Hồ Bằng nói như vậy là vì gần đây ông Mâu quản chặt giờ giấc của anh, không phải mắt nhắm mắt mở như trước, khiến anh vốn được tự do nay đâm ra khó chịu. Ông Mâu nổi tiếng sợ vợ, ông ta làm như vậy là vì ở nhà bị ấm ức, nên lấy người khác ra trút giận. Hồ Bằng không biết, nghĩ rằng ông Mâu muốn tiến bộ, bị Giám đốc sờ gáy, bị sức ép, thật ra ông không có gì phải so đo với Hồ Bằng.

Xuyên Thanh nói, ví dụ của Hồ Bằng rất hay: “Vợ là cấp dưới của cậu, cậu là cấp trên của vợ, ha ha…”

Chu Lâm lại vào, xin số điện thoại của Hồ Bằng. Hồ Bằng đưa mắt nhìn Xuyên Thanh, không cho cô ta số điện của mình, ngược lại đòi số của cô ta. Chu Lâm lấy cuộn băng keo bằng vải từ trong túi áo blu ra, dùng bút bi viết số điện của mình lên đấy, xé một đoạn dán vào cổ tay Hồ Bằng. Cô vẫn chưa yên tâm, đòi Hồ Bằng hứa sẽ gọi cô chơi mạt chược.

Được Hồ Bằng hứa, Chu Lâm mới nhanh chóng bỏ đi, Xuyên Thanh nhìn cô ta, nói: “Nhà khác của cậu đấy à? Ha ha ha…”.

Hồ Bằng không giải thích, chỉ cười tủm tỉm, ghi số máy của Chu Lâm vào máy của mình.

Xuyên Thanh truyền xong dịch về đến nhà, anh vẫn sợ xảy ra chuyện rắc rối. Cát Hồng nói: “Chỗ ấy của em rất khó chịu, buốt lắm”.

Xuyên Thanh nói: “Em chơi mạt chược nhiều, không chơi mạt chược đâu có như vậy, ngồi nhiều không sinh bệnh mới là lạ”.

Cát Hồng không nói gì, cứ nghĩ tại mình, gần đây chơi mạt chược nhiều hơn. Còn có cách nào khác? Đang đỏ, ngày nào cũng chơi, không muốn dừng.

***

Văn Hòa làm nhiều chuyện linh tinh ở ngoài nhưng về nhà rất chu đáo với vợ. Việc lớn việc nhỏ trong gia đình đều để vợ làm chủ, ngoài ra, còn một biểu hiện đột xuất ấy là, cứ mỗi buổi tối nằm lên giường, anh đều kể cho vợ nghe những chuyện gặp trong ngày.

Những lúc hứng thú, Oánh Oánh nói với chồng đôi ba câu, thỉnh thoảng còn đưa ra ý kiến của mình về công việc của chồng. Văn Hòa làm theo ý vợ đến tám chín phần mười. Những lúc không hứng thú, chuyện của Văn Hòa như ru chị ngủ. Những lúc Văn Hòa về muộn, vợ đã ngủ, ngày hôm sau trong bữa ăn sáng hoặc bữa ăn trưa anh đều kể lại, không có ngoại lệ.

Chuyện của Văn Hòa nói với vợ hư hư thực thực, có lúc suốt ngày làm chuyện xấu, liệu về nhà có bịa chuyện không?

Hôm ấy Văn Hòa về rất muộn, bảo đi Hu Di ăn tôm hùm. Oánh Oánh bảo anh tắm rửa sạch sẽ, không được đưa mùi tanh lên giường. Văn Hòa lên giường nói chuyện trong ngày, bảo trên tỉnh có một trưởng ban chương trình truyền hình đến Hu Di ăn tôm hùm, dọc đường chết vì tai nạn giao thông. Hình như Oánh Oánh không hứng thú với chuyện ấy, chị ôm chồng, bảo anh ghé sát tai nói thầm. Văn Hòa nghĩ sắp có trò gì đây, anh điều động thằng nhỏ lên thì thấy chị đã ngủ.

Chờ đến nửa đêm vợ thức dậy, Văn Hòa vẫn trằn trọc, đoán biết tâm tư chồng, chị lạnh lùng nói: “Nào!”.

Văn Hòa tranh thủ thời gian, tay chân bận bịu, sợ vợ ngủ lại coi như việc không thành.

Xong việc, Văn Hòa hỏi vợ: “Thế nào?”. Đó là cách giữa hai người, anh muốn có cảm giác thành công và sợ vợ không thỏa mãn, không phấn khởi. Chị thường dùng những lời bình như: “tốt”, “được” hoặc “chẳng ra gì” để trả lời. Gặp những lúc “chẳng ra gì” anh thường thở dài tựa như làm việc sai trái. Oánh Oánh phấn khởi thì động viên anh, chị nói làm chuyện này không phải lúc nào cũng tốt.

Lần này lời bình của Oánh Oánh là “Chẳng ra gì, chán chết!”. Văn Hòa hùng tâm vạn trượng, hăng máu định cày lần nữa, Oánh Oánh nằm quay lưng về phía chồng, lại ngủ.

Oánh Oánh nói rất thật, hôm sau lúc đi làm chị nghĩ, vợ chồng quen rồi không còn ý nghĩa, càng ngày càng không có cảm giác. Tại sao Văn Hòa nói thầm vào tai lại không ngứa ngáy, gây cảm giác như Hồ Bằng? Xem ra người với người không giống nhau. Chị nghĩ, lần sau Văn Hòa nồng nhiệt với mình cứ nhắm mắt lại mà nghĩ đến Hồ Bằng, không biết như vậy có cảm giác gì không. Cách làm ấy trước kia cũng đã có, đó là một vai nam trong phim truyền hình.

Ngoài Văn Hòa ra, Oánh Oánh chưa biết người đàn ông nào khác, chưa biết chưa chịu thôi. Hồ Bằng đã dùng chân “phát điện báo” cho chị dưới gầm bàn, chị cảm thấy vui vui, có chút kích thích, từ trong lòng không thừa nhận đấy là gợi tình, càng không nghĩ đến chuyện khác và càng không nghĩ sâu hơn. Hồ Bằng ở trong bếp ôm chị, khiến chị như người nếm thử biết vị, bắt đầu xốn xang không yên.

Lúc hết giờ làm, Oánh Oánh mua vài cuốn tạp chí phụ nữ ở sạp báo, có thời trang, có chuyện hôn nhân, gia đình. Không biết tại sao, chị bắt đầu sợ buổi tối trống trải, hư không.

Oánh Oánh thuộc lớp người phụ nữ tư tưởng bị câu thúc bởi đạo đức, trong cuộc sống biết tiết chế. Trước đây, nghe nói ai đó có tình yêu ngoài hôn nhân, chị đều lắc đầu, phỉ nhổ xem khinh, cảm thấy không thể chấp nhận.

Thời gian chị và Văn Hòa yêu nhau kéo dài hơn ba năm, lúc ấy Văn Hòa đang ở bộ đội, những ngày nghỉ về thăm nhà hai người mới gặp nhau. Họ đi từng bước từ tình yêu đến hôn nhân, giống như đi qua một lộ trình. Sau ngày lấy nhau, chị mới thật sự cảm thấy hứng thú với sinh hoạt tình dục, đến lúc cảm thấy có hương vị thì mang bầu. Lúc sinh nở, chị cảm nhận được cái đau khổ lớn nhất của người phụ nữ. Văn Hòa cũng rất đau xót khi vợ đẻ khó, lúc ấy anh đang huấn luyện tân binh, không thể về. Oánh Oánh không thích, suýt nữa thì mất đứa bé, lúc con đầy năm Văn Hòa đưa về Dương Châu nhờ ông bà nuôi giúp.

Oánh Oánh cảm thấy cuộc đời người phụ nữ chẳng khác gì một viên than tổ ong, than cháy dần, cháy sáng, hóa nhiệt, sau đấy lụi dần, tắt lịm. Hồi xưa họ ở trong căn nhà hình ống, bếp than để ngay ở lối đi, Oánh Oánh nói: “Cháy hết rồi”. Văn Hòa biết phải thay viên than khác.

Người con gái xinh đẹp coi như người có vốn. Bây giờ người có vốn hay không có vốn đều muốn làm ăn lớn, để cơ thể, dung nhan và tuổi thanh xuân có giá. Oánh Oánh không có ý nghĩ ấy, chị đủ ăn đủ mặc, có công việc ổn định, cái muốn có sẽ có, không cần phải dấn thân. Đấy cũng là nguyên nhân để chị xem thường người khác. Chị cũng biết chồng có những việc lộn xộn ở ngoài, cảm thấy bây giờ đàn ông hư hỏng nhiều, đàn ông tốt cũng bị bọn con gái làm hỏng. Chị có ý nghĩ, chỉ cần không trông thấy Văn Hòa làm những việc xấu xa, coi như không có.

Có lúc chị lại nghĩ, phải chăng với Hồ Bằng có phần đi quá, nhưng lại cảm thấy mình cầm chắc từng phân từng thước, không để sự việc phát triển, mà chưa đến mức ấy thì có là gì? Coi như không có chuyện gì.

Có lúc chị lại nghĩ, trai gái cho dù đối với ai cũng chỉ như vậy, làm gì thì vẫn là giày vò tấm thân, cuối cùng rồi sẽ chán ghét. Chị chỉ thích hai thứ, đó là mạt chược và tắm, hai thứ này cũng đủ để tận hưởng lạc thú cuộc đời.

Mạt chược là thứ khiến chị mê mẩn, mười ba quân bài xếp lại, bốc bài, ra bài, cục diện biến hóa, cục diện thay đổi làm lòng chị nổi sóng, kết cục mong đợi hoặc bất ngờ làm chị hết lần này đến lần khác thể nghiệm được tâm trạng hưng phấn, thất vọng, tiếc nuối. Chị cũng để tâm đến được thua, không phải vì tiền, chị muốn kiểm soát cục diện và giành thắng lợi. Chị thích chơi bài với Hồ Bằng, bài của anh vững chắc, buồn vui không hiện lên nét mặt, dù thua bao nhiêu đi nữa thì cuối cùng vẫn thu lại được. Chơi bài cùng anh phải thắng, cho đến khi rời cuộc chơi mới biết. Văn Hòa thường nói, uống rượu để biết phẩm chất con người, Oánh Oánh cảm thấy chơi mạt chược cũng có thể biết.

Tắm là việc làm chị cảm thấy sảng khoái. Ngâm mình trong bồn nước nóng máu chảy nhanh hơn, cơ thể sung mãn. Trong buồng tắm có một tấm gương lớn, lúc xoa kem tắm soi gương Oánh Oánh cảm thấy yêu mình hơn, chị thích cơ thể mình, có lúc xoa vào chỗ nhạy cảm. Nước ấm vừa độ, nước xối lên người có sức mạnh gia tăng khoái cảm, khiến chị không thể kiềm chế nổi.

Buổi tối, Văn Hòa chưa về, Oánh Oánh tắm xong lên giường nằm xem ti vi. Trong phòng ngủ có một cái ti vi để đối diện với giường ngủ, nhiều hôm Văn Hòa về mới tắt ti vi. Trước đây Oánh Oánh ít khi đọc sách trên giường, thời gian cơ quan thi công chức chị phải đọc, gần đây đọc nhiều hơn.

Tạp chí “Đọc sách” chị mua trên đường về có bài viết về mạt chược, chị đọc cảm thấy rất hay, liền cầm máy điện thoại trên tủ đầu giường gọi cho Hồ Bằng.

Điện thoại đã kết nối, chị không nói ngay với anh về bài viết trên tạp chí “Đọc sách”, bỗng chị muốn biết anh đang ở đâu, làm gì. Hồ Bằng trả lời ở nhà xem ti vi, anh cũng hỏi chị đang ở đâu, làm gì. Oánh Oánh cười, nói hai người đang hỏi dò nhau.

Chị nói, vừa đọc bài viết “Tính vô hạn của mạt chược” của nhà văn Vương Cán, không ngờ trong mạt chược lại có nội dung và học vấn uyên thâm đến thế.

Hồ Bằng tinh thông học vấn mạt chược, ông Mâu làm anh hiểu được nhiều điều. Qua điện thoại, anh thao thao bất tuyệt với Oánh Oánh. Anh bảo mạt chược là quốc hồn quốc túy, là thứ văn hóa đại nhã đại tục; anh bảo mạt chược ngày xưa gọi là mã điêu, mã giác, mã tước, là trò chơi có tính cách.

Oánh Oánh cảm thấy Hồ Bằng hiểu biết nhiều, anh làm thư kí, chắc chắn phải đọc nhiều sách. Chị bảo lúc nào sẽ cho anh xem cuốn tạp chí này, thật sự có ý nghĩa.

***

Xuyên Thanh về nhà, nhà không có ánh đèn, không có tiếng động. Con gái đi học chưa về, anh nghĩ, Cát Hồng đang đi chơi mạt chược. Đang nghĩ như vậy thì trong buồng ngủ có tiếng động khe khẽ.

Anh bật đèn, thấy Cát Hồng đang ngồi tựa nghiêng trên sofa, chân ghếch lên giường, áo quần, giày dép vẫn nguyên chưa cởi. Xuyên Thanh muốn quan sát vẻ mặt Cát Hồng, chị quay mặt về phía khác, nước mắt vẫn còn trên má, trên sàn nhà là khăn giấy nhàu nát chứng minh Cát Hồng vừa khóc.

Xuyên Thanh biết sự việc do anh gây nên, bão tố tràn đến. Anh cố trấn tĩnh đến trước mặt Cát Hồng, cười hì hì, lật Cát Hồng đang nằm vặn người.

Cát Hồng giận dữ nhìn anh một lúc rồi cười nhạt, tỏ vẻ khinh thường. Chị vẫn không nói gì.

Cũng đã có tình huống như thế này, lúc Cát Hồng gây sự, vẻ mặt và lời lẽ của Xuyên Thanh tỏ ra tức giận, tức giận khiến cho Cát Hồng phải xuống thang, không dám ho he. Xuyên Thanh nghĩ lại chuyện cũ, làm ra vẻ lạnh lùng: “Nhà có người chết hay sao đấy?”.

Hình như không có tác dụng gì đối với Cát Hồng, trong lúc anh đang nghĩ có nên gia tăng cường độ, Cát Hồng cười nhạt một tiếng: “Thưa ông Tổng biên tập, ông bảo cho tôi biết, cái con đĩ ấy ở tiệm cắt tóc, ở nhà tắm hơi hay đứa đứng đường nào?”.

Xuyên Thanh định che giấu cái vẻ lúng túng của mình, nhưng vẫn không tự nhiên, anh vẫn cảm nhận được mình đang mất tự nhiên. Anh hỏi vợ: “Ý em làm sao?”. Cát Hồng nghiến răng nghiến lợi: “Để tôi gọi điện cho 110 tóm cổ nó, với lại, cả anh cũng không thoát”.

Xuyên Thanh không lấy chổi mà dùng chân vun đống khăn giấy trên sàn nhà vào một góc, tỏ thái độ không hiểu Cát Hồng đang nói gì.

Sắc mặt Cát Hồng thay đổi hẳn, chị nổi giận, muốn trút giận trong lòng.

Thấy sự thay đổi của vợ, Xuyên Thanh nói: “Anh không làm chuyện sai trái gì sất, em đừng có quen thói làm mình làm mẩy”.

Cát Hồng đứng bật dậy: “Thế nào, tôi thế nào? Tôi giết người đốt nhà à?”. Nói rồi chị xông thẳng đến Xuyên Thanh, rất nhanh nhẹn, anh né sang một bên, Cát Hồng chồm tới tiếp nhưng vẫn không tóm được anh.

Cát Hồng tức giận ném đồ đạc, trong phòng ngủ ít đồ đạc, mà cũng chỉ có gối, khăn bông, đèn trên đầu giường. Xuyên Thanh không can ngăn, thấy vợ đầu tóc rũ rượi nhảy chồm chồm, anh cười.

Cát Hồng ném các thứ, chị lại nhặt các thứ ở dưới đất lên ném tiếp. Xuyên Thanh không có phản ứng gì, mà cũng đã mệt, cảm thấy thật vô vị, chị không ném nữa.

Vào nhà vệ sinh một lúc, có thể Cát Hồng thấy đau khổ lắm, chị chửi bới om xòm: “Thanh, mày là đồ súc sinh, là đồ thối tha của Đảng tao…”

Xuyên Thanh ôm cái gối từ trong nhà đi ra, tỏ vẻ xem thường: “Đảng tao? Cô là cái Đảng gì?”.

Anh vào buồng con gái, cài cửa, ở ngoài Cát Hồng vẫn chồm chồm la lối ầm ĩ.

Một lúc sau, con gái đi học về. Nghe thấy con gái mở khóa cửa, Cát Hồng im bặt. Sợ con gái trông thấy cảnh lộn xộn trong nhà, chị vội thu dọn các thứ.

Con gái không mở được phòng của mình, sắc mặt mẹ không bình thường, không khí trong nhà không bình thường, nó hỏi: “Mẹ với bố có chuyện gì à?”

Thấy vẻ mặt con gái, Cát Hồng không thể không trả lời: “Bố mẹ có chuyện gì đâu? Bố uống rượu, say rượu thôi mà. Con đừng nghĩ ngợi lung tung”.

Cô con gái gật đầu: “Thế thì được, tốt nhất bố mẹ đừng có chuyện gì, như vậy sẽ ảnh hưởng đến học tập của con”.

Cô con gái đã ăn cơm tối ở trường, sau buổi tự học về nhà còn ăn thêm chút gì đó. Miệng đang nhai thức ăn nhưng vẫn nói: “Bố mẹ rồi sẽ có chuyện, một người uống rượu quá nhiều, một người mạt chược quá nhiều, một người thối nát, một người dung tục”.

Cát Hồng nghe con gái nói vậy, đôi mắt tròn xoe như hai đồng tiền.

***

Đêm hôm ấy Cát Hồng trằn trọc không sao ngủ nổi, cô con gái ngủ bên cạnh, chị phải cố nhịn để không phát ra những tiếng thở dài.

Sáng sớm con gái đi học, đến giờ đi làm mà Cát Hồng vẫn chưa đi, ngồi ở phòng khách nhìn chăm chú ra cửa, chờ Xuyên Thanh trốn tránh mãi vẫn chưa thấy xuất hiện.

Hình như sáng nay Xuyên Thanh không phải đi làm, mặc cho vợ đập cửa thình thình. Chị gọi điện thoại di động cho chồng, cái máy điện thoại di động của anh luôn để bên cạnh, mở suốt hai mươi bốn giờ. Cát Hồng liên tục gọi, Xuyên Thanh liên tục dập máy.

Chị không gọi nữa, một lúc sau chị dùng máy di động của mình gọi vào máy cố định của gia đình.

Chuông điện thoại trong phòng khách vang lên, trong phòng ngủ cũng nghe thấy. Tiếng Cát Hồng nhận điện khiến Xuyên Thanh hồi hộp, hình như ông Lư, Bí thư thành ủy gọi, Cát Hồng giải thích giúp anh: “Anh Lư à… hôm qua anh ấy phải làm thêm giờ để kịp bài vở, lúc này vẫn ngủ chưa dậy. Không sao, để em gọi anh ấy”.

Xuyên Thanh vội vã mở cửa chạy ra nghe điện, anh chưa đi đến thì Cát Hồng đã dập máy. Chị cau có: “Không phải nghe. Anh cứ tưởng cái chức Tổng biên tập của anh muốn làm gì thì làm à?”. Xuyên Thanh nói: “Tôi có làm gì việc gì đến cô? Cô bằng lòng rồi chứ?”.

Câu nói điểm đúng chỗ yếu của Cát Hồng. Cát Hồng định làm ầm lên, nhưng sợ ảnh hưởng đến con đường tiến thân của Xuyên Thanh, vợ chồng với nhau xấu chàng hổ ai.

Thấy Cát Hồng không nói gì, Xuyên Thanh hỏi: “Cô căn cứ vào đâu để gây sự với tôi? Cuối cùng có chuyện gì?”.

Câu nói xem ra Xuyên Thanh là kẻ vô tội, Cát Hồng đứng lặng lẽ, cầm cái túi xách, lấy từ trong đó ra một tập bệnh án và phiếu xét nghiệm đặt mạnh lên bàn: “Anh xem đi, anh đã lây bệnh bẩn bệnh thỉu cho tôi”.

Xuyên Thanh nhìn bệnh án và phiếu xét nghiệm, nghi ngờ hỏi: “Em bị bệnh tình dục hay bệnh lậu? Em cho rằng anh lây cho em, anh làm những chuyện bậy bạ ở đâu à?”. Nói xong, anh lắc đầu, không biết phải làm thế nào.

Cát Hồng nói: “Không phải anh lây cho tôi thì ai? Anh phải nói rõ đứa nào làm chuyện này, tôi không tha cho cái đồ hồ li tinh, cái con yêu tinh hại người”.

Xuyên Thanh thở dài: “Thôi được, tôi nói”.

Cát Hồng trố mắt chờ, Xuyên Thanh giận dữ: “Tôi không làm cái chuyện cô tưởng tượng. Tôi là một Đảng viên, làm thế nào để có thể phạm sai lầm đó được? Làm cái chuyện đó sẽ bị kỉ luật của Đảng, bị pháp luật trừng trị. Tôi với cô đã từng nói với nhau, tôi biết đấy là quan hệ tai hại, tôi sẽ không bao giờ làm cái chuyện xấu xa và tổn hại đến con đường tiến bộ của tôi”.

Cát Hồng cũng không vừa: “Không hẳn, bây giờ người phạm sai lầm nhiều lắm, người chưa phạm cũng muốn phạm, người phạm sai lầm bị phát hiện, bị kỉ luật rất ít, cho nên người đã làm chuyện sai lầm và người muốn làm chuyện sai lầm đều có tâm lý cầu may”.

Xuyên Thanh phát cáu: “Lùi một vạn bước để nói, cho dù tôi có làm chuyện ấy, phạm sai lầm ấy, cô làm ầm ĩ lên chỉ dẫn đến kết quả cho tôi một lúc vào hai tròng, tức là bị đuổi việc và vào tù. Đối với tôi không có gì hay ho, đối với cô, với con thì hay lắm à?”

Cát Hồng bị vặn hỏi, nhưng đầu óc chị không hồ đồ, chị hỏi lại Xuyên Thanh: “Vậy là anh thừa nhận chứ? Đe dọa tôi đừng truy bức anh, đối với việc này tôi không nghe không hỏi chứ gì?”.

“Không đúng! Tôi nói vậy vì lòng tôi trong sáng”. Xuyên Thanh giở ngón sở trường: “Cô bảo tôi truyền bệnh cho cô, nhưng tôi chưa từng bị cái bệnh bẩn thỉu ấy, không hề có triệu chứng. Với lại, gần đây cô chơi mạt chược quá nhiều, số lần tôi với cô quan hệ càng ít, cô bảo truyền cho cô hôm nào?”. Cát Hồng suy nghĩ rồi nói: “Lẽ nào tôi bị lây bệnh, không có cơ hội lây sang anh?”.

“Điều ấy không phải không có khả năng, bệnh này lây nhiễm cho nhau. Cô chơi mạt chược ở nhà nào đó, cô nào đó hoặc chồng cô ta có cái bệnh ấy, vi trùng dính vào những nơi họ tiếp xúc, cô làm sao biết được? Những là bồn cầu, giấy vệ sinh, tiếp xúc tay đều có thể lây nhiễm, trước khi vào nhà vệ sinh cô có rửa tay không? Cô có dùng bồn cầu và giấy vệ sinh của nhà người ta không? Không ai có thể đề phòng những trường hợp ấy, đề phòng cũng không nổi”. Cát Hồng thở dài, chị bắt đầu tin lời chồng, nói thật, chị đâu muốn những chuyện ấy có liên quan đến chồng? Nhưng nhớ lại lời bác sĩ, cảm thấy chị và Xuyên Thanh nên cùng đi kiểm tra. Xuyên Thanh bảo không đi, không nhiễm không sợ.

Cát Hồng thăm dò: “Anh cũng nghi ngờ mình đấy thôi?”.

Xuyên Thanh nói: “Tôi sẽ tự chứng minh, anh sẽ thử nước tiểu. Nhưng tôi không đến bệnh viện, cô đưa mẫu nước tiểu của tôi đi thử”.

Cát Hồng thấy đấy cũng là một cách, nếu chồng không có vấn đề gì, mình cũng đang điều trị, bác sĩ bảo sẽ chóng khỏi. Đúng là tin tốt lành. Nghĩ đến đây chị liền vào bếp chuẩn bị bữa sáng cho Xuyên Thanh.

Xuyên Thanh cầm cái li trà có nắp đậy mở ra cho Cát Hồng thấy, anh vào nhà vệ sinh đi tiểu, lát sau cầm cái li có dung dịch vàng đi xuống bếp. Cát Hồng cau mày: “Đưa ra xa, để vào nhà vệ sinh, thứ gì cũng đưa vào bếp”.

Cát Hồng vững tin, chị nở nụ cười, rán cho chồng quả trứng, hâm sữa rồi đặt lên bàn ăn: “Nếu chứng minh anh không bị bệnh, còn em, em phải tìm cho ra kẻ nào đã làm hại em, chắc chắn trong đám chơi mạt chược với em, bất kể hắn là ai”.

Quảng cáo
Trước /29 Sau
Theo Dõi Bình Luận
Nhật Ký Tái Hôn

Copyright © 2022 - MTruyện.net