Màu Nền | |
Màu Chữ | |
Font Chữ | |
Cỡ Chữ | |
Style Combo | |
Lúc tan cuộc chơi, Oánh Oánh nói với Hồ Bằng, gần đây Vân Tài vẫn đến chơi mạt chược với một nhóm người trong cơ quan chị.
Nghe nói vậy, Hồ Bằng không thể không hỏi được thua thế nào, điều này rất quan trọng. Oánh Oánh làm việc ở Cục kinh doanh thuốc lá, ở đấy không nói gì đến lương cao, mà tiền thưởng mỗi năm cũng hàng chục nghìn đồng. Vân Tài vợ anh là trùm thua, chơi mạt chược với bọn họ chẳng khác nào đem cả gia tài ra chơi.
Oánh Oánh không muốn nói với Hồ Bằng nhiều chuyện, bị anh hỏi nhiều mới nói ra, sợ nói thua mấy nghìn Hồ Bằng không tin, bảo Vân Tài không có nhiều tiền để thua đậm như vậy.
Oánh Oánh không nói gì thêm, chỉ dặn anh về đừng nói gì với vợ là do chị mau mồm mau miệng. Nhưng dụng ý của chị là tốt. Những người kia được tiền của Vân Tài còn cười chị là “Bí thư doanh nghiệp thua lỗ”, chị chỉ nghĩ Vân Tài không nên chơi bài với họ, Vân Tài không nhiều tiền bằng bọn họ, càng chơi càng thua đau.
Hồ Bằng cáu lắm, anh về nhà trước hết xem sổ sách đi chợ hàng ngày của vợ, không thấy chị ăn bớt tiền chợ. Anh lại đến ngân hàng để xem các khoản tiền gửi, cũng không thấy rút khoản nào ra chi dùng. Anh gọi điện đến xưởng bột giấy nơi Vân Tài làm việc, hỏi xem gần đây nhà máy có khoản bù lương hoặc tiền thưởng nào không, người được hỏi trả lời đều không có khoản nào.
Thật kì lạ, Vân Tài lấy tiền ở đâu để thua? Câu hỏi cứ giày vò Hồ Bằng. Nhất định phải làm rõ các khoản tiền bất minh của vợ, anh cho rằng ở đây có những quan hệ rất khó hiểu.
Chờ đến khuya Vân Tài chơi mạt chược về, Hồ Bằng hỏi ngày hôm nay thua bao nhiêu. Vân Tài ngớ ra, mặt hơi đỏ: “Hôm nay không gặp may, thua một ít, không nhiều, cũng chỉ hơn tám chục đồng”.
“Em đem bao nhiều tiền đi chơi mạt chược?”
“Trên người em chẳng có bao nhiêu, anh biết đấy”. Vân Tài nhìn chồng, không biết tại sao hôm nay anh lại thế.
“Em bảo anh biết gì? Mắt anh không phải là tia X quang, làm sao có thể nhìn thấu ví tiền của em. Em đem bao nhiêu tiền? Nói!”
“Anh cứ mở ra, tiền ở cả đấy”. Vân Tài ném mạnh ví tiền lên ghế.
Hồ Bằng vẫy vẫy tay, ra hiệu cho vợ đưa ví tiền cho anh. Vân Tài thấy Hồ Bằng định xem thật, chị do dự giây lát, nhìn sắc mặt chồng, biết không đưa không xong, chị đành phải đưa cho anh.
Quả thật trong ví chỉ có mấy chục đồng, nhưng lật tận đáy ví có mấy tờ một trăm. Hồ Bằng giả vờ không phát hiện ra, hỏi Vân Tài gần đây chơi mạt chược có may mắn không.
Vân Tài trả lời rất mơ hồ, chị nói có thắng có thua. Hồ Bằng lại hỏi thua nhiều hay thắng nhiều? Chị bảo thua nhiều hơn. Hồ Bằng thở dài, bảo Vân Tài không xem lời anh ra gì, anh nói vào tai này ra tai kia.
Vân Tài đi chơi mạt chược vì Hồ Bằng ít khi có nhà. Từ sau khi chơi chị đâm nghiện, chỉ cần ngồi vào bàn mạt chược là không còn biết anh về sớm hay về muộn, không còn cãi nhau thậm chí đánh nhau với anh về chuyện ấy nữa.
Là người quản lý tiền nong, Hồ Bằng cho Vân Tài năm trăm đồng để làm vốn chơi mạt chược, bảo với chị thua hết sẽ không cho nữa. Anh chỉ cho vợ chơi nhỏ thôi. Về mặt chơi bời, Hồ Bằng có nguyên tắc, cho rằng phải có lý trí. Anh có một qui tắc: chơi ba ván mạt chược phải thắng hai, có thể chơi hàng ngày; chơi hai ván thắng thua bằng nhau, có thể thỉnh thoảng mới chơi; chơi ván nào thua ván ấy, kiên quyết không chơi.
Hồ Bằng hỏi: “Gần đây em chơi bài bao nhiêu?”
“Năm - mười lăm”.
“Lớn năm - mười lăm hay nhỏ năm - mười lăm?”
“Chơi mấy ván lớn, lớn năm - mười lăm”.
“Tại sao lớn vậy? Năm - mười lăm làm sao tính sổ?”
“Điều này anh còn phải hỏi em?”
“Đánh lớn, được thua lớn, vậy em phải được to, nếu không, làm sao em thích chơi như vậy?”
Vân Tài không có cách nào trả lời Hồ Bằng, chi bằng ba mươi sáu chước, chước im lặng là thần tiên.
Hồ Bằng còn hơn cả thần tiên, anh ra tay khiến Vân Tài không thể im lặng. Anh chơi trò bạo lực gia đình, dùng cực hình bức cung. Vân Tài thấy chồng sắp ra tay, không chờ cái tát của anh, chị đã làm toáng lên.
Người bị kinh động chính là mẹ Hồ Bằng. Bà chạy vào đóng cửa, bảo cháu đang ngủ, đừng làm nó thức giấc.
Đêm hôm ấy Hồ Bằng không cho Vân Tài ngủ, bắt chị phải khai ra hai vấn đề: thứ nhất thua mất bao nhiêu tiền; thứ hai, lấy đâu ra tiền để thua?
Vấn đề thứ nhất Vân Tài ấp úng, bảo thua hơn một nghìn đồng. Hồ Bằng nhảy lên, hỏi tiếp vấn đề thứ hai: lấy đâu ra tiền? Vân Tài khó trả lời, Hồ Bằng tấn công hiểm độc vào nhân thân Vân Tài, có phải đi “bán” hay không? Vân Tài biện bạch: “Tiền lấy ở nhà máy, không độc ác như anh tưởng tượng”.
Lấy ở nhà máy như thế nào, Hồ Bằng buộc Vân Tài phải nói. Không còn cách nào khác, Vân Tài phải nói rõ, khiến Hồ Bằng giật mình kinh hãi.
Vân Tài là người phụ trách cân của nhà máy, mỗi lần nhập than chị thông đồng với người coi kho, nhập mười xe ghi mười hai xe. Chị nói, ban đầu không dám làm như thế, Triệu Ngọc Mai giám sát mã cân nói các ca khác cũng làm như vậy, than nhập về với khối lượng lớn, cấp trên cấp dưới có ai không xà xẻo? Mình không lấy cũng không ai tin. Người cung cấp than nhét tiền xuống ghế họ ngồi, ít là hai trăm, nhiều là năm trăm, một nghìn, tùy sự cống hiến của họ nhiều hay ít. Trước sau họ đã lấy được hơn ba chục nghìn đồng, Vân Tài chia đôi, chị lấy một nửa.
Anh hỏi lại Vân Tài đã thua bao nhiêu, chị bảo thua hơn chục nghìn.
Hồ Bằng không ngờ vợ mình làm chuyện táo bạo như vậy. Anh nói: “Em chuẩn bị vào tù. Đấy là tội trong ngoài cấu kết ăn cắp của nhà máy. Ăn cắp năm trăm đồng đã bị công an khởi tố, tội của em đủ để ngồi mấy năm tù rồi đó”.
Đúng là Vân Tài táo bạo nhưng không sợ Hồ Bằng dọa, vẫn chưa đuối lý, chị nói chỉ một việc cỏn con, trời sụp còn có trần cao, đất sụt còn có đáy, nhà máy bột giấy chẳng dám đụng đến chị.
Mẹ Hồ Bằng vẫn đứng ở cửa lắng nghe con trai và con dâu cãi nhau. Bà nghe thấy con dâu lấy tiền của nhà máy đi chơi mạt chược tức đến lộn ruột, muốn chạy vào nói vài câu. Hồ Bằng giận dữ từ trong phòng đi ra, bà hỏi con trai số tiền còn lại của Vân Tài để đâu, bảo anh lấy số tiền ấy về.
Hồ Bằng bực tức: “Hết rồi! Thua sạch rồi! Dùng rồi! Hết sạch rồi!”.
Mẹ Hồ Bằng tức tối, bà lấy cái ghế ngồi ở cửa phòng con trai, bắt đầu chửi, chửi con dâu gây tai họa, là đứa làm bại hoại gia đình, chửi Vân Tài là đồ đĩ cờ bạc, không phải là người tốt lành gì.
Hồ Bằng nghe chối tai, lòng những bức xúc, hầm hầm tung cửa bỏ đi.
Phải làm thế nào để thu xếp tai họa này của Vân Tài? Hồ Bằng dù có ba đầu sáu tay thì cũng không biết phải làm thế nào. Để xử lý vụ này chỉ một chút hiểu biết pháp luật cũng không đủ, cần phải có kinh nghiệm và quan hệ xã hội.
Hồ Bằng biết hôm nay Văn Hòa đang chơi mạt chược ở đâu đó, một mình Oánh Oánh ở nhà, anh gọi điện cho chị ta.
Oánh Oánh lấy làm lạ vì giờ này Hồ Bằng gọi điện cho mình, chị đã nằm xuống nhưng rồi phải ngồi dậy, lấy đệm kê người cho dễ chịu, định nói chuyện dài dài với Hồ Bằng.
Nghe thấy tiếng Hồ Bằng chị biết tâm trạng anh lúc này, anh bảo ở nhà có chuyện, truy hỏi chuyện Vân Tài đánh mạt chược nhưng lại moi ra được chuyện khác. Nghe Hồ Bằng nói đại khái, chị Hai bĩu môi, không biết nói gì. Một lúc sau chị ngắt lời Hồ Bằng, hỏi anh tại sao lại tin chị, nói chuyện này với chị.
Hồ Bằng nói: “Những người em tin tưởng rất ít”. Lòng chị Hai bỗng ấm lên, nhưng chị đưa câu chuyện sang hướng khác. Chị nói, Vân Tài vì tiền mà phạm sai lầm không thể bù đắp nổi. Chị khuyên Hồ Bằng nghĩ kĩ, xử lý việc này thật êm thấm, đừng để tổn thương Vân Tài. Hồ Bằng hỏi có cách nào, chị Hai ngập ngừng giây lát, Hồ Bằng nói anh cũng chưa biết phải thế nào, muốn nghe ý kiến người ngoài cuộc xem sao.
Oánh Oánh nói: “Chị có cách nào đâu! Chị muốn cậu chọn một trong hai giải pháp, thứ nhất giấu kín sự việc, bảo Vân Tài không được làm thế nữa, càng không thể để mọi người phát hiện; thứ hai, đem tiền đến trả cho nhà máy, tranh thủ chủ động, đừng để sự việc bại lộ rồi mới giải quyết, đánh mất sự chủ động”.
Hồ Bằng nghe Oánh Oánh nói cảm thấy chị dúng là người phụ nữ không bình thường, rất đáng khâm phục. Anh càng oán giận Vân Tài ngu xuẩn, vô tri. Anh bảo, anh biết cách xử lý vụ việc, chị nói vẫn chưa yên tâm, dặn anh đừng làm khó cho Vân Tài, chắc chắn lúc này Vân Tài cũng đang hối hận.
Oánh Oánh đặt máy xuống nhưng hồi lâu vẫn không ngủ nổi. Chị cũng hối hận, không biết mình nói với Hồ Bằng chuyện Vân Tài chơi mạt chược đúng hay sai. Từ ngày chơi mạt chược với Hồ Bằng, hình như mình rất quan tâm đến anh, chú ý tìm hiểu tình hình gia đình anh một cách không tự giác, phải chăng mình có cảm tình với người đàn ông này rồi? Không đâu! Mình không thích đàn ông ít tuổi hơn mình, đây chỉ là một người đàn ông ít tuổi đầy sức sống, khiến chị nhận ra chồng mình về mặt nào đó đã suy yếu. Anh làm cho chị nhận ra sức sống, khiến chị về phương diện nào đó đang được kích hoạt, nhưng vào lúc này chị lại không thừa nhận.
Cú điện thoại của Hồ Bằng làm cho Oánh Oánh nhận ra, giữa anh ta với vợ rất căng thẳng, anh vẫn có tình cảm với vợ. Qua điện thoại chị có thể đánh giá tình cảm anh đối với vợ, muốn khen anh vài câu, nhưng không sao nói nên lời. Chị Hai nghĩ, nếu mình gặp chuyện như vậy Văn Hòa sẽ đối với mình thế nào? Nếu Văn Hòa gặp chuyện tương tự thì mình sẽ như thế nào? Nghĩ đi nghĩ lại, chị nghĩ đến một câu nói làm chị nản lòng: “Vợ chồng không phải là chim cùng cánh rừng, hễ gặp nạn mỗi con bay một hướng”.
Chị đã từng hỏi Văn Hòa, giữa hai vợ chồng nếu một người gặp khó khăn, người kia có bỏ đi hay không? Câu trả lời của Văn Hòa chắc nịch: “Vì chúng ta là vợ chồng, là những người có liên quan về lợi ích, không ai bỏ được ai”.
Lúc ấy nghe câu trả lời của chồng chị chỉ cười, bây giờ nghĩ lại vẫn muốn cười. Văn Hòa muốn nói quan hệ vợ chồng về mặt lý tính, chị nghe mà nhức tai. Chị cho rằng Văn Hòa đem quan hệ vợ chồng biến thành con châu chấu trên sợi dây, biến thành quan hệ hợp tác đôi bên. Chị thường xuyên khuyên Văn Hòa. Có những việc không thể làm, chị cảm thấy anh ngày một táo bạo, không ngăn nổi, đã có lần chị dọa chồng, nếu anh để xảy ra chuyện gì thì chị sẽ li hôn. Văn Hòa không dám nhận câu nói của vợ.
***
Sau khi gọi điện thoại nói chuyện với Oánh Oánh, Hồ Bằng không về nhà. Một mình anh đi uống bia ở quán vỉa hè, uống cho nỗi lòng nguội lạnh.
Chuyện của Vân Tài khiến Hồ Bằng phải chạy đôn đáo khắp nơi để tìm hướng giải quyết. Anh tìm một bạn học đang làm luật sư, đáp án tìm được cũng không hay ho gì. Theo “Luật Công ty”, việc Vân Tài làm đã đủ để khởi tố. Anh bạn luật sư không biết mình thật sự quan tâm hay từ góc độ nghề nghiệp để bày tỏ thái độ rõ ràng, khuyên Hồ Bằng đưa Vân Tài ra đầu thú. “Ăn trái táo có cái hột”, sự việc sớm muộn gì cũng bị lộ, đầu thú có thể được giảm nhẹ, còn nếu tố giác, có biểu hiện lập công, vấn đề sẽ không lớn. Anh bạn luật sư còn chủ động nhận làm luật sư bảo vệ quyền lợi cho Vân Tài, chỉ lấy một nửa chi phí. Hồ Bằng không muốn đưa chuyện này ra ánh sáng, anh đang suy nghĩ xem có cách nào khác không.
Cái gọi là cách khác cũng chỉ là mượn người đến đội điều tra hình sự hỏi thăm tình hình. Người của đội điều tra hình sự bảo việc ấy không thuộc quyền mà do đội điều tra kinh tế phụ trách. Hồ Bằng lại hỏi thăm xem ai quen ông Đào Triệu Quốc, Đội trưởng đội điều tra các vụ án kinh tế.
Thành phố Tứ Phương nhỏ bé, Hồ Bằng tìm ra một đống họ hàng thân thuộc với ông Đào Triệu Quốc, nhưng ai cũng bảo không thể giúp gì được. Ông Quốc không cho phép người nhà, họ hàng thân thích nhúng tay vào các vụ án. Ông làm quyết liệt, họ hàng bà con cũng ít qua lại với ông.
Oánh Oánh gọi điện bảo với Hồ Bằng, việc này có thể giao cho đồn công an giải quyết, nếu giải quyết được ở đồn công an thì sự việc trở nên đơn giản hơn. Hồ Bằng cảm thấy có lý, anh liền nhờ ông Lưu, Trưởng công an quận.
Ông Lưu bảo, tốt nhất đưa đương sự đến, không liên lạc qua điện thoại, đến trình bày rõ sự việc. Cho dù việc lớn, nhưng đến công an coi như đã ra đầu thú, sau đấy xử lý cũng không còn bị động.
Hồ Bằng nghĩ đúng là lối thoát. Những việc như vậy có rất ít người có thể bàn bạc. Hữu Ngư quan hệ rất rộng, có thể nhờ vả, nhưng không dám tin ở anh ta, sợ sau đấy để lại cho anh ta một chuyện cười. Định tìm Xuyên Thanh, lại cảm thấy không có gì chắc chắn.
Buổi trưa, Hồ Bằng đem theo hai cây thuốc ngon, hai chai rượu ngon tìm đến nhà ông Lưu. Ông Lưu không về ăn cơm, vợ ông ta không hỏi tên Hồ Bằng, cứ thế cất đồ đi rồi mới nói, chồng về thể nào cũng trách chị.
Buổi chiều Hồ Bằng đưa Vân Tài ra công an. Anh vào phòng ông Lưu trước, khẽ nói trưa nay đã đến nhà. Ông Lưu nhận thuốc Hồ Bằng đưa mời, cố làm ra vẻ bực tức: “Anh đừng đến như thế”. Hồ Bằng cười: “Chút xíu không đáng gì, công chuyện xong xuôi tôi sẽ có lời cảm ơn”.
Ông Lưu miệng lẩm bẩm, chuyển sự việc sang Vân Tài, hỏi một vài câu. Ông ta bảo, rất may sự việc này nằm trong phạm vi xử lý của ông, nhà máy bột giấy không nằm trong địa hạt của ông, nhưng cái công ty cung cấp than vẫn trong địa hạt của ông, hai đầu bắt một cũng đủ.
Ông Lưu gọi một cảnh sát trẻ có tên là Tống đến, nói với cậu ta: “Cậu ngồi đây nghe người nhà anh Bằng phản ảnh chuyện xảy ra ở nhà máy bột giấy”.
Hồ Bằng giục vợ vào phòng viên cảnh sát kia. Vân Tài sợ không dám vào, Hồ Bằng kéo chị vào. Vào đến nơi, Hồ Bằng phát hiện, viên cảnh sát vẻ mặt hiền hòa vừa rồi lúc này trở nên nghiêm túc, bên cạnh còn có một nữ cảnh sát ngồi ghi chép. Tống bảo Hồ Bằng ra ngoài, lát nữa sẽ gọi anh vào.
Trong lúc Vân Tài và viên cảnh sát nói chuyện, Hồ Bằng dạo quanh mảnh sân của đồn, giống như kiến bò chảo nóng, chốc chốc lại có một viên cảnh sát chạy ra, cảnh giác hỏi anh có việc gì? Anh bảo ở Sở Tài nguyên đến có việc, những viên cảnh sát kia không hỏi gì nữa.
Bực một nỗi, Hồ Bằng gặp một tên đầu gấu đường phố, vì đánh nhau đang chờ cảnh sát xử lý, hắn hỏi anh có phải anh cũng “đáp” vào đây hay không? “Đáp” có nghĩa là bị bắt, hắn nói như vậy cho dễ nghe. Hồ Bằng không nói thật, chỉ cau mày, bảo anh đến tìm người. Tên đầu gấu đưa mời anh điếu thuốc, nhờ anh nhận anh em nói giúp hắn vài câu. Hồ Bằng làm ra vẻ có thể giúp, vờ gọi điện thoại, bỏ đi chỗ khác.
Vân Tài phản ảnh tình hình rất lâu, hơn một tiếng đồng hồ. Cậu Tống ra trước, sang phòng quận trưởng, hình như để báo cáo. Hồ Bằng đến bên cửa sổ, Vân Tài ngồi ngây như tượng gỗ ở kia, thấy Hồ Bằng đứng ngoài nhìn chị, chị quay mặt đi chỗ khác.
Tống từ phòng quận trưởng ra, gọi Hồ Bằng vào.
Ông Lưu không hút thuốc của Hồ Bằng mời, bảo hút nhiều khô cổ. Ông ta bảo đã tìm hiểu sự việc, hi vọng những điều Vân Tài nói là đúng. Rồi khuyên Hồ Bằng đưa Vân Tài đến nhà máy báo cáo rõ tình hình, xem thái độ của nhà máy thế nào.
Vân Tài rất căng thẳng khi nghe nói phải báo cáo sự việc với nhà máy, nói thế nào chị cũng không chịu đi. Hồ Bằng nói, cảnh sát bảo đến báo cáo với nhà máy là việc may mắn, chứng tỏ tình hình không quá nghiêm trọng, việc này không xử lý coi như cái nhọt bọc, sớm muộn gì rồi cũng viêm tấy, vỡ mủ.
Ra khỏi đồn cảnh sát hai chân Vân Tài mềm nhũn, vội đi tìm nhà vệ sinh, tiếp đó chị đi giải liên tục.
***
Năm ngoái, nhà máy bột giấy xin đất để mở rộng sản xuất phải qua Vân Tài nhờ Hồ Bằng tạo quan hệ với Sở Tài nguyên. Sự việc cũng đơn giản, không phức tạp mấy. Hồ Bằng mời mấy nhân viên trong sở chiêu đãi vài bữa, mọi việc thông suốt. Hồ Bằng coi như đã có cống hiến cho nhà máy bột giấy. Ông Trương Chấn Vũ, Giám đốc nhà máy rất cảm kích về sự giúp đỡ của Hồ Bằng, những lúc uống rượu với nhau nhất định phải uống thật say mới đã, quan hệ giữa hai người có thể gọi là anh em. Ông Giám đốc có lần nói, Vân Tài có gì khó khăn cứ tìm ông.
Hồ Bằng tìm ông Giám đốc, nói ấp a ấp úng. Ông Vũ có vẻ sốt ruột, nói: “Anh Bằng, có phải uống rượu đâu mà run rẩy như vậy? Có gì thì cứ nói thẳng ra”.
Chờ Hồ Bằng nói xong, thái độ của ông Vũ thay đổi, ông im lặng hồi lâu mới buông một câu: “Táo bạo… quá táo bạo!”.
Hồ Bằng rất thận trọng: “Đụng tai họa rồi, bây giờ chỉ còn nhờ anh, xem có thể nhẹ tay được không. Đồn công an nói, sự việc lớn hay nhỏ là nhờ anh”.
Hồ Bằng bịa ra ý kiến của công an, chứ ông Lưu không nói như vậy. Ông Giám đốc nhà máy tuy bực mình nhưng giọng nói vẫn ôn tồn: “Ông anh, cái quần này rách to quá rồi, anh bảo tôi phải vá thế nào đây?”
Hồ Bằng lựa lời nói mãi, anh rất ngượng nói ra ý định của mình. Ông Vũ đồng ý sẽ xử lý nội bộ, không giao cho Sở Công an, cho dù Sở Công an hỏi đến ông cũng sẽ đứng ra bảo vệ. Nghe ông Vũ nói vậy, Hồ Bằng nhẹ cả người.
Trước lúc ra về, ông Vũ còn vỗ vỗ vai Hồ Bằng: “Cậu phải giáo dục cô ấy, tại sao lại để xảy ra chuyện?”. Hồ Bằng thở dài, nói tất cả đều do mạt chược.
Thấy Hồ Bằng từ phòng Giám đốc ra, Vân Tài vội hỏi kết quả nói chuyện thế nào. Anh nói, ông Vũ chỉ thị xuống phòng Bảo vệ trình bày rõ sự việc.
Vân Tài không dám nói gì, ngoan ngoãn theo Hồ Bằng vào phòng Bảo vệ. Trong phòng, Thạch Tiểu Mãn đang nghe điện thoại của Giám đốc, ra hiệu cho Hồ Bằng và Vân Tài tạm chờ ở ngoài.
Thạch Tiểu Mãn đặt điện thoại xuống, sang phòng Tổng hợp lấy chìa khóa phòng họp nhỏ của nhà máy, bảo vào đấy nói chuyện. Phòng Bảo vệ sát vách phòng Thường trực, người ra vào luôn luôn, anh sợ ảnh hưởng đến chuyện của Vân Tài.
Giống như ở đồn công an, Tiểu Mãn hỏi chuyện Vân Tài và ghi chép đầy đủ, ghi những năm trang giấy. Ghi xong, anh ta bảo Vân Tài kí, cẩn thận hơn bảo chị điểm chỉ bằng son đỏ. Khác ở đồn công an là, Tiểu Mãn không bảo Hồ Bằng ra ngoài, lúc nói chuyện vẫn để anh ngồi bên cạnh, chỉ nhắc anh đừng nói chuyện. Trong lúc đó, Hồ Bằng liên tục mời thuốc Tiểu Mãn.
Tiểu Mãn bảo Vân Tài về, không được nói những sự việc có liên quan với bất cứ ai, những người kia gọi điện thoại đến cũng không nghe. Hồ Bằng rất phản cảm với lời lẽ của Tiểu Mãn, nhưng không dám để lộ ra nét mặt, đúng là cảm giác của kẻ thất thế.
Ra khỏi nhà máy Hồ Bằng trách Vân Tài nói ở đồn công an khác với nói ở nhà máy, có chỗ không khớp nhau. Cho đến lúc này có thể nói đã thanh thản. Vân Tài bảo đầu óc nát như cháo, chân mềm như bún.
Tiểu Mãn thích học đòi cách của cảnh sát để xử lý công việc của phòng Bảo vệ. Anh tìm trưởng phòng Cung tiêu thông báo tóm tắt sự việc. Trưởng phòng Cung tiêu ngồi ở phòng Bảo vệ, gọi Triệu Ngọc Mai nhân viên coi kho lên, bảo với Ngọc Mai là nhân viên cân hàng có vấn đề. Tiểu Mãn nhấn mạnh sự việc đã bị lộ, anh ta nói Ngọc Mai đọc qua biên bản đã được che bớt một nửa.
Ngọc Mai nổi tiếng đanh đá, chị không chấp nhận điều Tiểu Mãn nói. Hai tay chị khoanh trước ngực, ngồi nửa ngày chỉ nói một câu: “Tôi có vấn đề anh cứ gọi công an đến bắt”.
Trong tình huống này Tiểu Mãn thật khó xử, bảo nếu chị không khai rõ ràng đầy đủ thì phải đến Sở Công an, để công an xử lý. Ngọc Mai không chỉ miệng cứng rắn mà tay cũng không vừa, chị ta xông đến trước mặt Tiểu Mãn đòi xé biên bản. Tiểu Mãn không biết phải làm thế nào, anh ta như gà mẹ bảo vệ đàn con, đè hẳn người lên tờ biên bản. Phó trưởng phòng Long Trạch Tân thấy thế liền đứng lên giữ chặt Ngọc Mai, chị ta vùng vẫy, hét toáng lên, bảo anh ta là đồ lưu manh.
Bố chồng Ngọc Mai là Giám đốc bệnh viện Nhân dân đã về hưu. Chồng là Phó giám đốc Sở Công nghệ điện tử, được cử về làm Bí thư Đảng khu kinh tế địa phương tốt nhất, nghe nói sẽ lên Phó thị trưởng phụ trách công nghiệp, phải nói chị ta có chỗ dựa vững như núi. Tiểu Mãn tuy nói cứng với chị ta nhưng thực tế phải bó tay.
Hút xong điếu thuốc, Tiểu Mãn bình tĩnh lại, anh ra khỏi phòng làm việc bảo nhân viên dưới quyền đi gọi Hiểu Quyên, nhân viên phòng cân đong vật tư lên, sự việc liên quan đến cô. Tiểu Mãn muốn làm rõ từng người, đầu tiên tìm khâu yếu nhất.
Hiểu Quyên bước vào thấy không khí phòng Bảo vệ, bỗng ngớ ra. Tiểu Mãn nói với Ngọc Mai: “Chị có thể về được rồi”.
Ngọc Mai nhìn Hiểu Quyên, hầm hầm đi ra.
Tiểu Mãn vươn vai, bảo Phó trưởng phòng Trạch Tân hỏi chuyện Hiểu Quyên. Anh ta nói, dù sao thì việc đã rõ, mấy người kia đã khai báo đầy đủ, chỉ còn người cuối cùng anh ta giao cho Phó trưởng phòng, anh phải đến Sở Công an.
Không chờ Trạch Tân hỏi, Hiểu Quyên biết có chuyện gì rồi. Trên đường đến Phòng Bảo vệ cô đã đoán được tám chín phần, kẻ cắp lúc nào cũng lo lắng. Cô không như mấy người ở phòng cân đong, không có gia đình, tốt nghiệp đại học được phân công về nhà máy bột giấy, tùy theo thành tích học tập, cô được phân về bộ phận đúng nguyện vọng. Hiểu Quyên dốc ống, khai báo sự việc thật cụ thể, lúc nào, nơi nào, lấy bao nhiêu tiền, đã cấp bao nhiêu tờ phiếu khống, việc của mình, việc của người cô khai rõ. Có tất cả năm người dính đến chuyện này. Bốn người cân, một người giám sát.
Còn hai nhân viên coi cần cũng cần phải nói chuyện, họ đã hết giờ làm và đã về, buổi tối bị gọi đến phòng Bảo vệ, sợ hết hồn. Tiểu Mãn bảo họ đọc lời khai của Hiểu Quyên, chứng tỏ các quan hệ rắc rối biết chừng nào, họ biết không giấu nổi đành phải khai ra.
Ông Giám đốc gọi điện hỏi tình hình Ngọc Mai, Tiểu Mãn nói chị ta không thừa nhận. Ông Giám đốc nói, không có việc gì thì tốt, ông bảo Tiểu Mãn ra nhà hàng Dân Phương ăn tối, cứ kí hóa đơn.
Tiểu Mãn rất cảm động được Giám đốc quan tâm, liền nghĩ đến ý đồ của Giám đốc nhắc chuyện Ngọc Mai. Anh biết, ông Giám đốc và chồng của Ngọc Mai đều là ứng cử viên chức Phó thị trưởng phụ trách công nghiệp, nói một cách nghiêm khắc, họ là đối thủ cạnh tranh. Chuyện này xử lý ra sao, anh ta cảm thấy khó khăn.
Ngọc Mai đi từ sai lầm này đến sai lầm khác, chị gọi điện cho chồng ở quê, nói ông Vũ bắt đầu ra tay, định làm chuyện môi hở răng lạnh, sai Trưởng phòng Bảo vệ truy bức chị ta. Ông chồng cảm thấy không nên để vợ trở thành người bị hại trong cuộc đấu đá chính trị, anh nhẹ nhàng khuyên giải, nói không ốm đau không sợ ma gọi, cùng lắm sau này điều sang đơn vị khác.
Ông Lưu buổi tối về nhà, thấy đồ của Hồ Bằng đưa biếu, ông cau mày. Bà vợ ngồi bên lầm rầm hỏi người ấy có chuyện gì. Ông Lưu gọi điện cho ông Triệu, Trưởng phòng bảo vệ nội bộ của Sở Công an, nói có báo cáo khẩn về vụ án kinh tế ở nhà máy bột giấy.
***
Ông Triệu, Trưởng phòng Bảo vệ nội bộ mỗi lần xuống các nhà máy, xí nghiệp đều mặc thường phục, lần này xuống nhà máy bột giấy ông mặc cảnh phục. Ông vào phòng Bảo vệ tìm Tiểu Mãn, vừa gặp ông nói ngay, đến để tìm hiểu vụ án trong nhà máy.
Tiểu Mãn thấy kì lạ, tại sao ông Trưởng phòng Bảo vệ nội bộ lại biết sự việc của nhà máy nhanh như vậy? Ông Triệu cười, nói: “Anh cho rằng công an chúng tôi ăn hại thôi à?”
Tiểu Mãn nói, sự việc vẫn chưa thật rõ ràng, nên chưa báo cáo. Thật sự nhà máy có xảy ra chuyện đó, phòng Bảo vệ không thể tự động thông báo cho công an biết. Nhưng ông Triệu đến, Tiểu Mãn phải báo cáo tóm tắt với ông. Anh đau đầu nhất là trường hợp Ngọc Mai. Anh giải thích, nếu không vướng Ngọc Mai, sự việc đã sớm kết thúc và cũng sớm báo cáo với phòng Bảo vệ nội bộ.
Tiểu Mãn kiếm cớ để ông Triệu ở đấy, anh lên báo cáo với Giám đốc. Ông Giám đốc nghe tin Trưởng phòng Bảo vệ nội bộ đến tìm hiểu chuyện xảy ra ở bộ phận nhập nguyên liệu, ông im lặng giây lát rồi bảo Tiểu Mãn cứ phản anh thật và tích cực hợp tác với công an.
Làm Trưởng phòng Bảo vệ không dễ, hễ có chuyện gì cũng như bị trên đe dưới búa, kẹt giữa lãnh đạo nhà máy và cơ quan công an, bên nào cũng khó. Tiểu Mãn về đến văn phòng, ông Triệu bảo muốn gặp Ngọc Mai, ông muốn gõ thử vào khúc xương cứng này.
Ngọc Mai hai mắt sưng đỏ, vừa thấy đã biết đêm hôm qua chị không ngủ được. Thái độ của chị mềm mỏng hơn hôm qua, hơn nữa tỏ ra lúng túng không yên.
Ông Triệu cười với Ngọc Mai, nói bố chồng của chị là lãnh đạo cũ của ông, hai người cùng họ Triệu. Tiếp theo, ông nói đến sai lầm của chị, nói hiện tại công an trọng khẩu cung, không có gì sai, nhưng chỉ cần chứng cứ xác thực, khẩu cung cũng có thể định tội. “Thế nào gọi là chứng cứ xác thực? Tức là những người làm sai, người khác khai báo rõ ràng, tố giác chuyện đã làm, lời khai đều khớp, hình thành chuỗi chứng cứ, giống như tài liệu của phòng Bảo vệ của nhà máy chứng minh rõ sự việc. Không nên xem thường phòng Bảo vệ nhà máy. Phòng Bảo vệ nhà máy cùng xây dựng và đào tạo giống như công an chúng tôi. Trình độ của anh Mãn còn cao hơn Trưởng các đồn công an. Với lại, nếu không khai báo rõ tại nhà máy, giao cho công an xử lý, kết quả sẽ khác, đến lúc ấy đã trở thành vụ án, rất bất lợi cho người nhà của mình”.
Ngọc Mai sợ, bật khóc. Trước khi bộc bạch chị lại do dự, nhất định đòi gọi điện cho chồng. Chuông điện thoại vừa đổ vài tiếng thì phía kia đầu dây dập máy, chứng tỏ chồng chị đang họp hoặc có việc quan trọng.
Ngọc Mai không gọi điện nữa, chị lấy từ trong túi xách ra cuốn sổ gửi tiền tiết kiệm, bảo chị đã lấy năm chục nghìn, bây giờ trả lại cho nhà máy một trăm nghìn đồng. Ông Triệu bảo Ngọc Mai cất sổ tiết kiệm, nếu làm như vậy lên báo sẽ thành việc lớn. Vấn đề bây giờ là khai báo rành rõ, chưa đến lúc phải bồi thường. Ngọc Mai nghẹn ngào, gật đầu.
Ông Triệu để cho Tiểu Mãn và Ngọc Mai nói chuyện với nhau, ông lên gác tìm ông Dư, Bí thư Đảng ủy. Thấy ông Triệu, ông Dư bảo anh thư kí mở cửa phòng họp nhỏ, ông Triệu để cặp xuống, vào nhà vệ sinh.
Ông Dư và ông Triệu ngồi trong phòng họp nhỏ, ông hỏi ông Triệu sự việc này có thể để xử lý nội bộ được không. Ông Triệu nói, nếu nhà máy xử lý các trường hợp vi phạm pháp luật thì cơ quan Tư pháp làm gì. Ông còn hỏi ngược lại, có phải Giám đốc nhà máy định làm cho sự việc lớn thành bé, để rồi hóa giải việc bé? Ông Dư giải thích, vụ này liên quan đến nhiều người, đủ các vấn đề, không dễ xử lý. Ông Triệu nói, không có gì là khó, cứ giao cho công an mọi chuyện sẽ ổn.
Ông Dư đề nghị ông Triệu hoãn báo cáo vụ án này với lãnh đạo Sở. Ông Triệu không đồng ý với yêu cầu của ông Dư, ông nói vừa rồi vào nhà vệ sinh nhận được điện thoại của Giám đốc, ông đã báo cáo sơ qua.
Ông Triệu về rồi, ông Dư lập tức thông báo tình hình cho Giám đốc nhà máy, ông Giám đốc thở dài: “Có cách nào khác không? Chúng ta đã cố gắng, bây giờ chỉ có thể ai bị bệnh người đó uống thuốc. Có dịp nào anh gặp chồng chị Mai giải thích để anh ấy hiểu, anh nói tiện hơn tôi”. Ông Dư gật đầu.
Ông Đào, Phó giám đốc sở Công an thành phố nghe ông Triệu báo cáo, lập tức bố trí Đội trưởng đội trinh sát bắt tay điều tra. Đội trưởng đội trinh sát Đào Triệu Quốc đã biết việc này từ lâu, ông Phó giám đốc hỏi tại sao anh biết, ông ta bảo quần chúng phát hiện và cũng đã tiêm phòng cho lãnh đạo nhà máy để họ nói chuyện tình cảm với nhau. Ông Phó giám đốc cảm thấy khó hiểu: “Một vụ nhỏ trong nhà máy mà phức tạp vậy sao?”. Đào Triệu Quốc không trả lời, chỉ cười.
Ông Vũ, Giám đốc nhà máy gọi điện chửi cho ông Trần, Giám đốc Công ty vật tư Tứ Thông làm chuyện vớ vẩn, nói họ đừng hòng đòi nổi một đồng tiền nợ than của nhà máy bột giấy, ông thông báo cho tài vụ phong tỏa khoản tiền ấy. Buổi tối, ông mời bạn cũ là Xuyên Thanh ăn cơm. Từ ngày có tin được bổ sung lãnh đạo thành phố, Xuyên Thanh là tham mưu trong nhóm cố vấn, có chuyện gì cũng thông báo cho ông biết, nghe ý kiến của ông ta.
Uống xong mấy li rượu, Xuyên Thanh an ủi ông Vũ: “Không cần thiết phải buồn vì chuyện đó. Chuyện xấu có thể trở thành tốt, đó là phép biện chứng. Nhà máy xảy ra chuyện này, anh có thể bắt đầu bằng chuyện giáo dục ý thức luật pháp, viết một bài trong công tác phổ biến pháp luật của nhà máy, đã có cán bộ nhận thức được hành vi phạm pháp của mình, chủ động khai báo với phòng Bảo vệ, để tổ chức cấp trên đưa sự việc trình báo với công an, đó là thành tích tổng hợp về quản lý. Bất cứ hình thái xã hội nào cũng có người vi phạm pháp luật, một doanh nghiệp có thể không được không? Mặt khác, cũng chứng tỏ trình độ quản lý, buộc phần tử phạm pháp phải sợ, phổ biến pháp luật để kẻ phạm pháp biết phải đi đâu, làm gì, chủ động thú nhận.
Ông Vũ khen Xuyên Thanh đúng là xuất khẩu thành chương, ngòi bút thăng hoa. Ông uống một li rượu, bảo Xuyên Thanh không vội đưa chuyện này lên mặt báo, nếu cần ông sẽ liên hệ kịp thời. Dù sao thì Ngọc Mai cũng là củ khoai môn nóng. Ông phải có sách lược tuyệt đối cho sự việc này.
Xuyên Thanh phân tích, dù sao thì Ngọc Mai cũng đã cho chồng một đòn chí mạng.
Ông Vũ nói, ông không hi vọng sự việc của Ngọc Mai làm ảnh hưởng đến chồng, cần thiết chồng Ngọc Mai sẽ nói với ông Lữ, Giám đốc công an thành phố, để sự việc chìm xuồng. Xuyên Thanh nói ông Vũ rất độ lượng, nhưng đừng quá thật thà đối với sự việc này.
Hôm sau, chồng Ngọc Mai biết rõ sự thật, bữa trưa, bữa tối ông không ăn, ông hỏi vợ: “Nhà không thiếu tiền, em lấy nhiều tiền như thế để làm gì?”. Ngọc Mai trả lời: “Chơi mạt chược”.
Chồng Ngọc Mai không nói gì, anh đem hai bộ bài mạt chược ném vào thùng rác, giận dữ nói: “Từ nay em không được đụng đến mạt chược nữa!”.
Thứ sáu, Hồ Bằng gọi điện cho Oánh Oánh, hỏi chị đã hẹn ai đến chơi mạt chược chưa. Oánh Oánh khuyên anh đừng nên đánh nữa, để sau một thời gian, chờ cho sự việc Vân Tài giải quyết xong xuôi. Hồ Bằng bảo không chơi mạt chược ở nhà nhìn Vân Tài càng buồn phiền. Thời gian này Vân Tài ở nhà tỏ ra ngoan ngoãn, lo toan nội trợ, dọn dẹp vệ sinh, giống như một người mẹ hiền vợ đảm. Thấy vợ như thế, Hồ Bằng càng xoáy vào chỗ đau của vợ, anh nói nếu vợ không mắc sai lầm sẽ không bao giờ chăm chỉ như hôm nay.
Vân Tài nghe chồng nói vậy, chị không làm việc nhà nữa mà chỉ ngồi xem ti vi. Hồ Bằng không thể ngày nào cũng đánh mắng vợ, với lại, Vân Tài cũng đã cảnh cáo anh, nếu anh còn đánh vợ, chị sẽ tố cáo với Hội Phụ nữ và cơ quan của anh.
Lợn chết không sợ nước sôi. Hồ Bằng biết rõ điều ấy.