Màu Nền | |
Màu Chữ | |
Font Chữ | |
Cỡ Chữ | |
Style Combo | |
Đây là lần đầu tiên Kinh Xán tham gia kỳ thi tháng ở trường trung học số bảy. Khác lớp 12/21, chủ nhiệm lớp 12/8 – Tô Diên là một người đàn ông trẻ tuổi đeo kính, thoạt trông cùng lắm mới chỉ ba mươi, lịch sự nho nhã, tốc độ nói không nhanh không chậm, khiến người nghe rất thoải mái. Tô Diên dạy môn Địa lý, nghe Chu Triết nói anh ta tốt nghiệp trường nổi tiếng, nhà trường trả lương rất cao để mời anh ta về dạy. Tối chủ nhật, mười phút trước giờ tan học, Tô Diên nói lần thi này vẫn giống trước, bảo các bạn ngồi hai dãy ngoài bên phải kê bàn sang phòng nghỉ, các bạn khác thì quay ngược bàn về phía trước, thùng sách dưới chân và sách còn lại trên bàn cùng mang qua phòng nghỉ hết, phải nhớ viết tên vào cho đỡ mất.
Các bạn trong lớp đều đã quen với việc này, Tô Diên chưa kịp nói hết câu mọi người đã bắt đầu hành động. Để bảo vệ mắt cho mọi người, mỗi tháng lớp sẽ đổi chỗ ngồi một lần, không đổi bạn cùng bạn, tất cả mọi người đều dịch sang trái hai dãy. Ban đầu Kinh Xán ngồi phía ngoài cùng bên phải sát cửa sổ, sau hai lần đổi bàn, giờ cậu không ngồi chỗ cần kê bàn ra ngoài nữa.
Các bạn ngồi hai dãy ngoài bên phải khá thảm, vừa phải chuyển bàn vừa phải bê ghế, các bạn nam trong lớp đều giúp các bạn nữ, Kinh Xán nhìn họ, thầm nghĩ cảnh tượng ăn ý giúp nhau thế này rất ấm áp. Nhưng không lâu sau cậu nhận ra một vấn đề – dường như bạn nữ nào cũng có bạn nam giúp đỡ, chỉ riêng bạn nữ tóc ngắn ngồi hàng thứ năm vẫn đang chậm chạp dọn đồ, xung quanh không có ai chuyển đồ giúp cậu ấy.
Kinh Xán có hai cách để nhớ tên các bạn trong lớp, một là người chủ động bắt chuyện với cậu, ví dụ như Ôn Tương Doanh và bạn cùng bạn Chu Triết. Cách còn lại là nhớ tên lúc các thầy cô gọi lên trả lời. Lúc này Kinh Xán mới phát hiện, cậu ở trong lớp lâu vậy rồi vẫn không quen bạn nữ này, cũng không biết cô tên gì. Cậu nhìn ngó xung quanh, chần chừ một lát rồi hỏi Chu Triết.
“Bạn nữ kia tên gì thế?”.
Thật ra ở hướng cậu chỉ có ba người, nhưng Chu Triết gần như không hề thắc mắc cậu muốn hỏi ai mà đáp ngay: “Lưu Á”.
Dường như lớp nào cũng phải có một, hai người bị cô lập như vậy, dù là cấp ba, cấp hai hay tiểu học. Có thể vì họ lúc nào cũng gằm mặt khi đi đường, cúi đầu khi nhìn người khác, cũng có thể vì họ không có vẻ ngoài đẹp đẽ trong mắt người khác, hoặc là vì tính cách cô độc, không nói chuyện với mọi người, lý do để họ bị cô lập chưa chắc đã giống nhau, nhưng khi những người này đứng giữa một tập thể được cho là bình thường, thì bạn vẫn có thể nhận ra họ ngay qua dáng hình và biểu cảm.
Có lẽ trước đây họ không như vậy, nhưng dần dần đã trở thành như vậy.
Mà trong một tập thể bình thường, thật ra không phải ai cũng ghét họ, muốn trêu chọc họ, phần đông mọi người trong tập thể đó đều giữ thái độ trung lập, vốn có thể không trở thành kẻ hành hình gây tổn thương cho người khác. Nhưng tiếc là khi đã hình thành bè phái, những người trung lập ấy sẽ nghĩ nếu mình không đứng cùng đám đông, mình sẽ thành người bị cô lập. Vậy nên họ đều đứng vào bè phái “an toàn”, tự an ủi mình rằng “mình chưa từng bắt nạt cậu ấy”, bàng quan đứng nhìn bạo lực học đường, hoặc bạo lực lạnh xảy ra.
Kinh Xán chưa từng chủ động nói chuyện với người lạ, đây là nguyên tắc mà cậu vẫn giữ vững nhiều năm qua. Nhưng giữa đám đông nhộn nhịp, dáng vẻ Lưu Á khom lưng, cúi đầu thật sự rất không ăn nhập. Trong một bức tranh đẹp, không nên tồn tại hình ảnh gai mắt như vậy. Kinh Xán quay người, đi về phía chiếc bàn không ai lại gần đó. Nhưng trước khi cậu tới nơi đã có một đôi tay chống lên bàn.
Cũng sẽ có một số rất ít những người như vậy, họ rực rỡ, lương thiện, chưa từng sợ bị cô lập. Đương nhiên, sự lương thiện này cũng sẽ bị người khác hiểu rằng, họ có tư cách để lương thiện.
Ôn Tương Doanh lườm cậu con trai bên cạnh: “Mắt kém hay tay bị tật thế?”.
Hai cậu con trai bị cô lườm mới cười tí tởn đứng dậy: “Tôi sai rồi, tôi sai rồi, cậu đừng làm, để bọn tôi”.
Ý là, chúng tôi giúp cậu, không phải giúp Lưu Á.
Lúc này Kinh Xán đã tới chỗ Ôn Tương Doanh, Ôn Tương Doanh thấy cậu bèn phất tay với hai người kia: “Các cậu cứ ngồi đấy đi”.
Hai người kia nhìn Kinh Xán, rồi lại nhìn Ôn Tương Doanh đang khó chịu ra mặt, cuối cùng vẫn ngại ngùng ngồi về chỗ.
Không biết có bao nhiêu người trong lớp đang nhìn về phía này. Kinh Xán không biết họ đang nghĩ gì, mà cũng không quan tâm, nhưng khi cậu và Ôn Tương Doanh cùng bê bàn ra khỏi lớp, cậu vẫn nhìn thấy những ánh mắt khiến người ta không thoải mái chút nào.
Cậu nhấc chiếc ghế Lưu Á bê qua phòng nghỉ lên úp xuống bàn giúp cô, sau đó phủi tay, cực kỳ bình tĩnh.
“Kinh Xán!”.
Kinh Xán nghe tiếng gọi, cậu mừng rỡ quay phắt đầu lại. Hình như Hạ Bình Ý thu dọn xong lâu rồi, anh đứng ở đầu cầu thang xoay chiếc chìa khóa, hỏi cậu có về không.
“Về chứ!”, Kinh Xán chỉ vào lớp: “Tôi lấy cặp sách đã”.
Cậu chạy vọt vào trong lớp, bỏ chuyện vừa xảy ra ra phía sau. Hạ Bình Ý tựa lên lan can trước cửa lớp cậu, tư thế đứng không biết ý tứ gì hết, lẳng lặng nhìn những người vừa quan sát Kinh Xán. Mấy người này túm tụm trước cửa lớp 12/8, họ cũng nhận ra Hạ Bình Ý đang nhìn mình, dù họ không biết tại sao cậu bạn này lại nhìn họ như thế, nhưng tóm lại cứ nhìn lại là được. Hạ Bình Ý gác một tay sau đầu, thong thả gật gù sang hai bên, ánh mắt ngày càng uể oải, nhưng vẫn chăm chăm nhìn mấy người kia.
Trên đường về, Hạ Bình Ý hỏi Kinh Xán: “Mấy người trong lớp cậu bắt nạt cậu à?”.
“Đâu có,” Kinh Xán đáp. Chỉ là không giao tiếp với nhau thôi.
“Trước lúc tan học có chuyện gì xảy ra thế?”.
Kinh Xán kể lại ngắn gọn chuyện kê bàn giúp Lưu Á cho Hạ Bình Ý nghe, cuối cùng cậu còn kết luận: “Tôi thấy Ôn Tương Doanh rất tốt”.
Nghe cậu kể xong Hạ Bình Ý còn nghĩ, liệu mấy tên con trai kia có chống đối Kinh Xán vì tối nay cậu giúp Lưu Á không. Nhưng nghe câu cuối cùng của Kinh Xán, Hạ Bình Ý – người tự cho rằng mình có mối quan hệ hữu nghị vững chắc và chân thành với Kinh Xán – bỗng thấy không vui.
Anh nghiêng đầu, giả vờ lơ đãng hỏi: “Tại sao thế?”.
“Cậu ấy giúp Lưu Á mà”.
Suy nghĩ của Hạ Bình Ý chạy xa cùng gió lạnh: “Thế tôi không tốt à?”.
Kinh Xán ngồi phía sau ngẩn người, một tay cậu túm áo bên hông Hạ Bình Ý, sau đó cậu thò đầu sang một bên, ngẩng lên nhìn cằm Hạ Bình Ý.
“Tôi có bảo cậu không tốt đâu?”.
Nhìn gương mặt thò ra dưới cánh tay mình, Hạ Bình Ý tiếp tục hỏi một câu ngớ ngẩn: “Vậy tôi với Ôn Tương Doanh, ai tốt hơn?”.
Hồi lâu sau Kinh Xán vẫn không đáp lại, Hạ Bình Ý mới trằn trọc mất ngủ vì chăm sóc cậu trước đó không lâu thấy vậy bèn tức giận.
“Cậu còn phải nghĩ nữa?”. Hạ Bình Ý thật sự không hiểu nổi, chọn giữa anh với Ôn Tương Doanh mà Kinh Xán còn phải nghĩ nhiều vậy à?
“Không… Không phải!”, Hạ Bình Ý làm đầu óc Kinh Xán rối tung lên, cậu vô cùng khó hiểu: “Tôi đang nghĩ… Tại sao cậu phải so với Ôn Tương Doanh thế?”.
Trong thế giới của cậu, cậu gắn mác cho hai người hoàn toàn khác nhau mà. Kinh Xán ấm ức thầm bổ sung, cả vị trí trong tim cũng khác nữa.
Vừa rồi không biết thứ gì che mắt anh, lúc này Hạ Bình Ý cũng thấy mình điên khùng quá đỗi, có phải trẻ con chơi trò gia đình đâu, sao lại hỏi câu đó được chứ. Nhưng đến nước này rồi, nếu thừa nhận mình trẻ con rồi để cuộc trò chuyện này kết thúc giữa chừng như vậy, hình như mình lại càng giống kẻ thiểu năng hơn. Vậy nên đã làm thì làm cho tới, anh ép Kinh Xán phải cho mình đáp án.
“Tất nhiên là cậu tốt hơn rồi,” Kinh Xán đành phải nói thật.
Trong thế giới của tôi, đương nhiên là cậu tốt nhất.
“Thế còn được”.
Hạ Bình Ý ngân nga một bài hát, chiếc xe điện đánh võng trên đường làm Kinh Xán sợ tới mức túm chặt áo Hạ Bình Ý.
Kỳ thi tháng không giống thi chính thức, chỉ gói gọn trong một ngày. Bảy giờ sáng bắt đầu thi Ngữ văn, thi hai tiếng rưỡi, chín giờ bốn mươi lăm bắt đầu làm đề Toán học, chiều thi các môn khoa học tự nhiên và khoa học xã hội, đến tối các học sinh sẽ ăn cơm sớm, sáu rưỡi bắt đầu thi tiếng Anh. Sau một ngày thi, cảm giác duy nhất của Kinh Xán là đau tay. Đến tối, cậu vừa xuống cầu thang vừa kêu ca với Hạ Bình Ý, nói bài thi của khối xã hội phải viết nhiều lắm, như thể không viết kín giấy thi là không được điểm vậy.
Hạ Bình Ý nhìn bàn tay cậu vừa chìa sang, hai đốt đầu ngón giữa bị bút cọ đỏ bừng, ánh đèn mờ tối trong cầu thang chiếu xuống trông càng thêm rõ ràng. Anh rất tự nhiên nắm ngón tay kia, bao bọc trong lòng bàn tay, nhẹ nhàng xoa vài lần: “Vậy cậu qua khối tự nhiên đi, khối tự nhiên tính toán là chính, không cần viết nhiều vậy đâu”.
So với ngón tay Kinh Xán thì tay Hạ Bình Ý thô ráp hơn đôi chút. Hạ Bình Ý nắm tay mình, ngón tay Kinh Xán có thể phác họa lại từng đường vân trên lòng bàn tay anh. Kinh Xán bỗng nhớ lại trước đây mình từng nghe người khác nói về ba đường chỉ tay cơ bản, ma xui quỷ khiến, cậu khẽ dịch ngón tay, đầu ngón tay trượt lên đường chỉ tay gần ngón tay cậu nhất.
“Thôi”. Rút tay về, Kinh Xán đỏ mặt kéo quai cặp.
Kỳ thi tháng kết thúc rồi, lái xe kart có còn xa không?
Kinh Xán ngại hỏi Hạ Bình Ý nên chỉ âm thầm mong chờ, chờ mong thôi. Nhưng trông ngóng một lát, cậu vô tình chú ý đến thời khóa biểu chủ nhật bên sườn bảng đen, phát hiện ra vấn đề. Là một tỉnh có quy mô học sinh khổng lồ, học sinh cấp ba ở đây sống cuộc sống không khác gì người tu khổ hạnh. Từ lớp mười đến lớp mười hai, năm học nào cũng học như “hành”, một tháng chỉ có một kỳ nghỉ một ngày rưỡi, còn các tuần khác chỉ có một tiết chiều chủ nhật là được nghỉ.
Mà kỳ nghỉ lần trước là vào hai tuần trước.
Kinh Xán thở dài, vậy không phải còn tận hai tuần nữa à…
Tới lúc đó Hạ Bình Ý sẽ không quên luôn đấy chứ?
Giáo viên trên bục phát bài thi, Kinh Xán thì vẽ một chiếc xe đua lên giấy trắng.
Nhận bài thi Toán, thấy điểm số nằm trong dự kiến của cậu, Kinh Xán bèn dẹp bài thi, vẽ xe đua tiếp. Lúc tập trung cậu thường không chú ý đến xung quanh lắm, bởi vậy cũng không nhìn thấy Chu Triết vẫn luôn cúi đầu, đỏ mặt nhìn điểm số đáng thương trên bài thi.
Lúc giảng đề, giáo viên cầm một bản thống kê số học sinh làm sai của từng câu, câu nào ít người sai thì chỉ nói đơn giản một câu, hoặc nói luôn là “một vài bạn sai thì hỏi các bạn xung quanh”, câu nào sai nhiều mới nghiêm túc giảng lối suy luận và chỗ dễ sai.
Khi giở đến trang đề cuối cùng, bỗng có một cục giấy nhỏ bay từ bên trái vào tầm mắt Kinh Xán. Cậu nhìn sang bên cạnh, thấy Chu Triết đang mím chặt môi, cúi đầu, không nhìn về phía cậu. Kinh Xán suy nghĩ, cầm cục giấy lên che lại bằng tay áo, lặng lẽ mở ra.
Trên đó có một dòng chữ, là chữ của Chu Triết.
“Tôi hỏi cậu đề toán được không?”.