Saved Font
  1. mTruyen.net
  2. [Việt Nam] Chúa Tàu Kim Quy
  3. Quyển 2 - Ơn đền oán trả-Chương 7 : VII
Trước /18 Sau

[Việt Nam] Chúa Tàu Kim Quy

Quyển 2 - Ơn đền oán trả-Chương 7 : VII

Màu Nền
Màu Chữ
Font Chữ
Cỡ Chữ
Style Combo

Kiện cáo xong rồi thì nhà Kỉnh Chi cất cũng đã rồi. Chiều Chúa tàu Kim Qui lên bờ đi chơi ngang thấy cha con Kỉnh Chi đứng trước cửa, áo quần nhổn nha, còn Thu Thủy thì ngồi trong ngó ra, coi bộ hân hoan lắm. Chúa tàu ghé lại bước vô. Kỉnh Chi lật đật chào hỏi lăng xăng, còn Thu Thủy thấy Chúa tàu thì mừng, nhưng mà nhớ lời Chúa tàu dặn, nên lật đật bỏ đi ra nhà sau, không dám hỏi han chi hết.

Chúa tàu với Kỉnh Chi nói chuyện với nhau thì thằng Phục đứng ngó Chúa tàu trân trân. Chừng Chúa tàu từ giã ra về, thì nó nói với Kỉnh Chi rằng: “Ông Chúa tàu này mặt coi giống An Nam quá, mà nói tiếng nghe cũng như An Nam, con nghi ổng là An Nam đó cha”. Kỉnh Chi cười mà nói với con rằng: “Không phải An Nam đâu con! Ổng qua An Nam buôn bán lâu năm nên nói tiếng An Nam giỏi như vậy đa. Nếu ổng là An Nam sao lại giả dạng người khách làm gì?”.

Chúa tàu trở xuống tàu, đêm ấy vui vẻ trong lòng vô cùng, nên ngủ không đặng, nằm nghĩ thầm rằng ơn mình đã đền xong, oán mình đã trả đặng mà sự oan ức của mình, mình gỡ cũng gần ra mối; bây giờ còn một chút buồn là mẹ cha với em không còn sống đặng chung hưởng phú quí với mình đó mà thôi. Chúa tàu nghĩ tới đó mới tính hễ Triều đình hủy án cho mình rồi thì mình chường mặt, bày thiệt họ thiệt tên, rồi về Tân Châu mua đá làm mả cho cha mẹ, đặng mồ phần cho ấm cúng.

Chúa tàu lại tính dầu Triều đình có hủy án cho mình thì mau nào cũng bốn năm tháng chiếu vô mới tới, không lẽ mình đậu tàu tại đây mà chờ hoài, nghĩ như vậy nên sáng ngày dắt Trần Mừng lên từ giã các quan, rồi xuống tàu kéo neo mà đi. Chúa tàu ngồi một chiếc, Trần Mừng ngồi một chiếc, tính dắt nhau đi Rạch Giá, Hà Tiên, rồi qua Xiêm mà buôn bán. Qua tới Xiêm, Chúa tàu mua hàng chở đầy hai chiếc tàu, rồi trở về Rạch Giá bán hết phân nửa, còn phân nửa chở về An Giang.

Từ ngày Chúa tàu ở An Giang ra đi cho đến ngày trở về kể đã hơn bốn tháng. Tàu vừa tới thì Chúa tàu với Trần Mừng liền lên viếng quan Tổng đốc và đem trà lụa lên mà làm lễ tạ ơn, quan Tổng đốc cũng không chịu nhậm lễ, song Chúa tàu nài nỉ quá nên túng thế ngài phải nhậm. Chuyện vãn một hồi rồi Chúa tàu mới hỏi thăm coi quan Tổng đốc dưng sớ xin hủy án cho Lê Thủ Nghĩa vậy mà Triều đình đã phê hay chưa. Quan Tổng đốc nghe hỏi lật đật lấy chiếu mà đưa cho Chúa tàu xem và nói rằng Triều đình đã hủy án cho Lê Thủ Nghĩa rồi, còn vụ Trần Tấn Thân cũng đã phê y như án và đã có cấp bằng Tri huyện Tân Hòa trên Định Tường xuống thế cho Tri phủ Tân Thành.

Chúa tàu nghe nói không thèm đọc chiếu, liền cúi lạy quan Tổng đốc mà thưa rằng: “Bẩm cụ lớn, bấy nay con gian dối cúi xin cụ lớn tha lỗi cho con. Con đây là Lê Thủ Nghĩa, chớ không phải Chúa tàu nào hết. Gần mười lăm năm nay con chịu hàm oan, kêu trời không thấu, nay nhờ cụ lớn công bình chánh trực nên sự oan ức của con mới minh oan ra được, vậy ơn cụ lớn con xem như trời như biển, dầu ngàn ngày con cũng chẳng dám quên”.

Quan Tổng đốc ngồi chưng hửng không hiểu chuyện gì mà dị kỳ như vậy, Trần Mừng cũng chưng hửng không dè Chúa tàu là An Nam. Quan Tổng đốc chưa kịp hỏi, thì quan Án, quan Bố ở ngoài cửa lại bước vô. Chúa tàu day ra xá hai quan lớn. Quan Tổng đốc chỉ Chúa tàu mà nói rằng: “Hai quan lớn nầy, té ra Lê Thủ Nghĩa là Chúa tàu nầy đây, mà thuở nay mình có dè đâu!”. Quan Án, quan Bố cũng đứng khựng, nhìn nhau không hiểu chi hết.

Chúa tàu Kim Qui mới kể hết đầu đuôi mọi việc cho các quan nghe, tỏ vì sao bị đày, vô khám, may gặp Mạc Tiển ra làm sao, ở tù mấy năm rồi mới trốn, ra hòn Kim Qui lấy được vàng bạc bao nhiêu, vì sao phải giả dạng Chúa tàu. Các quan nghe ai cũng lắc đầu. Chúa tàu tỏ dứt lời, quan Bố liền nói: “Ông giả Chúa tàu thiệt giống người khách quá. Tôi chẳng có nghi chút nào hết”. Quan Án liền tiếp rằng: “Bạc vàng mà ông bà Mạc Tiển tom góp mà chứa ngoài hòn Kim Qui đó là vàng bạc của An Nam. Thôi bạc vàng ấy trở về cho người An Nam, vậy cũng phải”.

Còn quan Tổng đốc thì ngài lắc đầu mà cười hoài không nói chi hết. Chúa tàu xin phép đặng từ rày đổi y phục lại theo An Nam và xin đổi tên Lê Thủ Nghĩa, chớ không dám giả dạng nữa. Các quan cho phép liền và hỏi Lê Thủ Nghĩa bây giờ tính trở về Tân Châu hay là đi mua bán nữa. Thủ Nghĩa thưa rằng việc ấy mình chưa chắc, xin để ít ngày đặng liệu. Chuyện vãn một hồi rồi Thủ Nghĩa mới từ giã xuồng tàu.

Ra khỏi dinh, Thủ Nghĩa biểu Trần Mừng đi xuống tàu, còn mình thì đi lại nhà Kỉnh Chi. Bước vô nhà thấy hàng hóa dẫy đầy, có một tên bạn đương dọn dẹp, chớ không thấy Kỉnh Chi mà cũng không thấy Thu Thủy. Thủ Nghĩa hỏi tên bạn coi đó có phải là nhà Kỉnh Chi hay không, tên bạn vẫn biết mặt Chúa tàu Kim Qui, nên nghe hỏi lật đật đứng dậy thưa phải. Thủ Nghĩa kéo ghế mà ngồi rồi hỏi vậy chớ chủ nhà đi đâu. Tên bạn thưa rằng ông chủ nhà đi khỏi, còn bà chủ nhà thì ở dưới nhà sau. Thủ Nghĩa bèn dạy vào mời bà chủ ra nói chuyện.

Thu Thủy đương ngồi may áo cho thằng Phục, thình lình nghe bạn nói Chúa tàu Kim Qui dạy mời ra nói chuyện, không hay Chúa tàu đi mấy tháng nay mà trở lại hồi nào và cũng không biết có chuyện chi nên lật đật buông kim chạy ra, thấy Chúa tàu tuy bề ngoài chào hỏi lơ là như người không quen, song bề trong mừng rỡ lắm. Thủ Nghĩa liếc mắt một cái, Thu Thủy hội ý bèn dạy tên bạn ra nhà sau mà bửa củi.

Thủ Nghĩa đợi tên bạn đi rồi mới cười mà nói rằng: “Nay tôi đã hết hoạn nạn rồi nên lật đật lại đây cho cô hay đặng cô mừng. Bấy lâu nay tôi làm Chúa tàu Kim Qui, ấy là tôi giả dạng đặng lánh nạn, chớ tôi đây thiệt tên họ là Lê Thủ Nghĩa, vốn là anh vợ của chồng cô”. Thu Thủy nghe nói đứng như thường, chẳng chút nào động dung, bởi vì bấy lâu nay tuy kêu Chúa tàu thì kêu, chớ Thu Thủy nghe chồng thuật chuyện cũ thì đã có lòng nghi Chúa tàu là anh vợ Kỉnh Chi rồi. Thủ Nghĩa hỏi Kỉnh Chi đi đâu, thì Thu Thủy nói cha con dắt nhau về Tân Châu coi làm mồ mả cho cha mẹ hai bên và cho vợ. Thủ Nghĩa nghe nói rất khen thầm, rồi dặn Thu Thủy chừng Kỉnh Chi về đừng nói chuyện chi hết, để mình mời hai vợ chồng và con xuống tàu rồi mình sẽ tỏ thiệt đặng coi bộ Kỉnh Chi mừng là thế nào.

Thủ Nghĩa dặn dò xong rồi mới cáo từ mà xuống tàu, ra đến cửa lại day lại mượn Thu Thủy mua giùm một vóc khăn đen và may giùm áo quần An Nam đặng có thay đổi y phục.

Mấy ông đề lại, thơ lại nghe nói Chúa tàu Kim Qui thiệt tên là Lê Thủ Nghĩa ai cũng cho là một sự kỳ nên giụm năm giụm ba mà nghị luận với nhau, rồi khi về nhà còn thuật chuyện cho bà con trong nhà và anh em lối xóm nữa. Người nầy nói chuyền với người nọ, đến chiều cả chợ An Giang, từ già chí trẻ, ai cũng đều hay việc Thủ Nghĩa là Chúa tàu hết thảy.

Sáng bữa sau, cha con Kỉnh Chi ở bên Tân Châu đi về, ghe vừa tới bến dòm thấy hai chiếc tàu đậu thình lình không biết tàu của ai và lại hồi nào. Chừng bước lên bờ gặp một đứa nhỏ liền hỏi thăm coi tàu của ai, thì nó liền nói tàu đó là tàu của Chúa tàu Kim Qui mà Chúa tàu Kim Qui thiệt tên là Lê Thủ Nghĩa, vốn người An Nam, xưa nay mắc nạn nên đổi tên đổi họ mà giả dạng người khách. Kỉnh Chi nghe nói trong lòng hồi hộp, chơn đi lính quýnh, muốn chạy riết về nhà hỏi vợ coi có nghe chuyện như vậy không. Chạy ít bước, rồi vùng đứng lại muốn đi thẳng xuống tàu mà hỏi, dục dặc một hồi đi tới đi lui hai ba bận, rồi mới nhứt định về nhà mà hỏi lại cho chắc.

Kỉnh Chi vừa bước vô nhà liền kêu vợ mà hỏi: “Mình ơi, họ nói ông Chúa tàu đó là Lê Thủ Nghĩa, mình có nghe như vậy hay không?”. Thu Thủy chạy ra thấy chồng hào hễn thì tức cười mà đáp rằng: “Em có nghe việc chi đâu”.

Kỉnh Chi dụ dự một hồi rồi biểu thằng Phục ở nhà, để mình chạy xuống tàu mà hỏi mới chắc. Kỉnh Chi ra đi, Thu Thủy bèn kêu đứng lại mà nói rằng: “Phải, em có nghe như vậy thiệt, Chúa tàu Kim Qui là Lê Thủ Nghĩa đa. Mà thủng thẳng rồi sẽ đi chớ đi đâu mà gấp lắm vậy”. Kỉnh Chi nghe vợ nói mấy lời mừng rỡ hết sức, vụt chạy riết không thèm nói chi hết. Thu Thủy thấy vậy bèn dặn bạn coi nhà rồi dắt thằng Phục đi theo.

Ra tới mé sông, Thu Thủy thấy chồng còn đương xăng văng xéo véo, kiếm ghe mượn đưa ra tàu. Thủ Nghĩa ở dưới tàu dòm thấy, liền sai bạn bơi tam bản vô rước. Tam bản vô đến mé Kỉnh Chi bước xuống, Thu Thủy cũng dắt thằng Phục đi theo. Kỉnh Chi day lại nói với vợ rằng:

- Mình về coi nhà, theo xuống tàu làm chi?

- Để em xuống thăm Chúa tàu.

- Tôi quen chớ mình có quen sao mà thăm?

- Em quen lắm chớ! Mình quen với Lê Thủ Nghĩa, còn em quen với Chúa tàu Kim Qui.

- Nói cái gì lạ vậy? Mình quen hồi nào?

- Hồi nào để xuống tàu rồi biết. Nếu em không quen với Chúa tàu thì đâu có kết duyên với mình.

Kỉnh Chi càng nghe càng rộn trí, không hiểu vì sao mà Chúa tàu lại xưng là Lê Thủ Nghĩa, vì sao mà vợ mình lại quen với Chúa tàu. Hai vợ chồng đương cãi lẫy với nhau, tam bản đã cập một bên tàu rồi. Kỉnh Chi nhảy lên thì Thủ Nghĩa đã đứng sẵn mà chờ, liền chạy lại nắm tay, Kỉnh Chi đứng ngó trân trân một hồi rồi ôm Thủ Nghĩa mà khóc. Thủ Nghĩa thấy vậy động lòng nên khóc òa theo.

Thu Thủy dắt thằng Phục lên tàu, Thủ Nghĩa chạy lại nắm tay thằng Phục mà nói rằng: “Cậu đây, cháu biết hôn?”. Kỉnh Chi thấy vậy càng khóc hơn nữa. Thằng Phục thấy cha khóc cũng khóc mướt theo.

Thủ Nghĩa dắt hết vào phòng rồi biểu Kỉnh Chi tỏ hết đầu đuôi mọi nỗi cho mình nghe. Những lời Kỉnh Chi nói thì cũng y như lời của họ thuật cho Thủ Nghĩa nghe mấy năm nay đó vậy. Kỉnh Chi thuật hết rồi Thủ Nghĩa mới thuật chuyện của mình lại cho Kỉnh Chi nghe, thuật đến hồi lập mưu mà gả Thu Thủy đặng đền ơn, thì Kỉnh Chi có hơi mắc cỡ và chừng ấy mới hiểu thấu lời của vợ nói hồi còn ở dưới chiếc tam bản.

Thủ Nghĩa biểu Thu Thủy dạy bạn dọn cơm rồi kêu Trần Mừng qua đặng ăn uống vui mừng ngày hội hiệp. Cơm nước xong rồi, mới dắt nhau qua hết lên nhà Kỉnh Chi. Đi dọc đường, Trần Mừng, Thu Thủy và thằng Phục đi trước, còn Kỉnh Chi với Thủ Nghĩa lục thục đi sau, Kỉnh Chi mới lén nói nhỏ với Thủ Nghĩa rằng:

- Chẳng giấu chi anh, khi anh ở tù, em thấy cha mẹ đau càng ngày càng nặng, em lên ở mà nuôi dưỡng, thì cô ba cổ đã có nghén ba bốn tháng rồi. Anh ở tù không đầy sáu tháng kế cổ đẻ.

- Nếu vậy thằng Phục nó là con của Trần Tấn Thân hay sao?

- Chớ anh không thấy gương mặt nó đó hay sao?

Thủ Nghĩa biến sắc đứng lại suy nghĩ một hồi rồi thở dài và hỏi Kỉnh Chi rằng:

- Mà thuở nay thằng Phục nó có biết nó là con Trần Tấn Thân hay không?

- Không.

- Thiệt chắc hôn?

- Sao lại không chắc, nó tưởng em là cha ruột, không có chút nào nghi ngại chi hết.

- Nếu vậy mà dượng thương nó, dượng nuôi dưỡng nó, lại cho nó học hành thì cái ơn của dượng càng lớn hơn nữa, tôi biết làm sao đền ơn cho đặng.

- Có ơn chi đâu.

- Thôi, việc lỡ như vậy xin dượng nó cũng thương luôn cho nó xuôi, chớ đừng lậu ra nó buồn tội nghiệp.

Hai người nói chuyện mới tới đó, thì đã tới nhà. Kỉnh Chi vui vẻ vô cùng, mà Thủ Nghĩa cũng vui, bởi vậy cho nên hai anh em trò chuyện với nhau cho đến tối Chúa tàu mới xuống tàu mà ngủ.

Quảng cáo
Trước /18 Sau
Theo Dõi Bình Luận
Ngã Thị A Đẩu, Ngã Bất Dụng Nhân Phù

Copyright © 2022 - MTruyện.net