Màu Nền | |
Màu Chữ | |
Font Chữ | |
Cỡ Chữ | |
Style Combo | |
Riêng phần nhà lý Nhuận, công việc gặt hái đã xong rồi. Thế là yên trí. Còn như vò lúa, phơi thóc thì làm lúc nào cũng nên. Vả đã có Dung coi sóc, Nhuận không phải lo gì. Chẳng bù với trước kia, mỗi khi ngày mùa đến, Nhuận túi bụi không lúc nào được nghỉ.
Sau bữa cơm trưa hôm ấy, Nhuận bảo Dung:
- Mình ở nhà nhé; tôi sang chơi bên bác Khóa Tụ đến chiều mới về.
- Hai ông lại đi săn hả?
- Có lẽ...
- Mình liệu về sớm sớm, ở nhà tôi đồ xôi sắn ngon lắm kia.
- Mình định dỡ sắn hôm nay à?
- Vâng, ta phơi kíp để ngộ trời đổ mưa...
Nhuận đi khỏi, Dung liền bảo đầy tớ sắp quang gánh, dao và cuốc. Nương sắn ở trên một quả đồi lớn giữa đồng. Hàng nghìn cây mọc cao vút, cành lá mới ngày nào xanh um như một cánh rừng nhỏ.
Bọn người nhà Dung ùa nhau làm việc. Dung cũng len lỏi trong đám cành lá ngổn ngang, đốc thúc cho công việc khỏi chậm trễ. Ồ ạt như thế mãi đến khi mặt trời khuất núi, nương sắn mới dỡ xong có một phần tư. Dung hối xếp củ vào thúng khuân về. Hơn mười gánh kĩu kịt đi nối nhau trên con đường đất ngoằn ngèo khúc rắn...
Dung đứng lại trên gò, lắng nghe bọn tá điền ầm ĩ và bâng khuâng ngắm cảnh đẹp chiều thu...
Quanh đằng chân mây, những dải núi trùng điệp nổi thành những gợn tím mờ trên nền vàng lạnh. Những đồi chè, nương sắn, những cổ thụ lẻ loi và khúc đường cái quan chạy mất hút về cõi xa đầy bí mật, hết thảy đều nhòa phai trong bụi sương lam. Không khí lặng như tờ. Khói nhà ai đốt rác tỏa lan trên mặt đồng không trơ gốc rạ...
Thời khắc dịu dàng đến nỗi các bông hoa dại cuối mùa cũng ra vẻ thẫn thờ tưởng nhớ... Và Dung, Dung thấy một nỗi buồn thoảng nhẹ trong tâm...
Từ bọn lực điền bỗng có ai cất tiếng hát...
Tiện đây đưa một miếng trầu,
Chẳng ăn, cầm lấy cho nhau bằng lòng...
Đáp lại câu gợi chuyện mộc mạc ấy, một giọng con gái cất lên...
Trầu này coi nặng như chì;
Ăn thì đã vậy, lấy gì trả ơn!...
Bên con trai cố gạn:
Gặp nhau, ăn một miếng trầu,
Gọi là nghĩa cũ về sau mà chào.
Miếng trầu đã nặng nhường bao,
Muốn cho Đông liễu Tây đào là hơn!...
Nhưng, bên nữ vẫn khăng khăng chối...
Thưa rằng, bác mẹ tôi răn
Làm thân con gái chớ ăn trầu người!
Và đắn đo:
Người ta lên núi thì vui;
Sao tôi lên núi những chui cùng trèo?
Gập ghềnh núi đã cheo leo,
Biết đâu quân tử mà gieo mình vào!...
Nỗi băn khoăn của cô nào đó khiến Dung nhớ lại những ngày dĩ vãng và bùi ngùi thương giấc mộng năm xưa. Hình ảnh Kính lại hiện ra trước mắt!... Dung thở dài, bất giác ngâm khe khẽ:
Ai làm cho khói lên trời?
Cho mưa xuống đất, cho người biệt li?
Ai làm cho Nam, Bắc phân kì,
Cho sa hàng lệ đầm đìa tấm thương!...
Đã ba năm nay, nghĩa là từ khi lấy chồng, Dung chưa lần nào cất tiếng hát. Bởi thế nên chợt nghe giọng mình đã gần như xa lạ, Dung đột ngột cảm thấy rõ rệt và chua chát sự đổi thay trong đời nàng. Dung tự hồ đã sang một thế giới khác, cách biệt hẳn những cái nàng đã biết và đã yêu. Những hy vọng êm đềm, những băn khoăn thú vị, những chờ mong hồi hộp của Dung giờ đâu mất cả. Còn trơ lại sự thực hàng ngày, nhạt nhẽo vì quá giống nhau...
Một tiếc hận não nùng tỉnh thức, sục sạo trong tâm hồn Dung. Nhìn dải đường cát trắng, Dung không sao ngăn được hai giọt nước thấm qua diềm mi...
Áo xông hương của chàng vắt mắc,
Đêm em nằm, em đắp lấy hơi...
Gửi khăn, gửi túi, gửi lời,
Gửi đôi tràng mạng cho người đường xa,
Vì mây cho núi nên xa
Mây bay mù mịt, núi nhòa xanh xanh...
Dung chưa dứt lời thì sau lưng nàng, trong ngỡn sắn già xào xạc, một giọng ngâm nga lanh lảnh đã tiếp theo:
Đưa nhau một quãng đường xa,
Gió mai quyên giục, trăng tà nhạn kinh.
Ai đi đường ấy cùng mình,
Mình đi để lại gánh tình ngổn ngang...
Dung giật mình quay lại, mặt đỏ bừng bừng...
- Quái con, làm người ta mất vía!...
Hạnh cười khanh khách:
- Em đây chứ ai đâu mà chị hoảng!
- Tôi quen miệng hát nhảm, Hạnh đừng cười nhé?
- Nỗi riêng của chị em đã hiểu rõ, chị còn giấu em làm gì!
Rồi Hạnh thân mật trách:
- Em không đáng chị tin hay sao?
Dung cảm động nhưng nói lảng:
- Thế nào, bác đỡ rồi chứ?
- Cảm ơn chị, thầy em đỡ nhiều rồi. Cũng bởi thế, em mới lại được đây, mang cho chị một tin mà em chắc hẳn chị đương chờ...
- Tin gì vậy?
- Tin anh Kính.
Dung nắm chặt lấy tay Hạnh, cảm động như hôm tiếp bức thư Kính nhờ chị xã Ngọ đưa cho...
- Em có một người bà con ở Măng Gai về. Người ấy đã gặp anh Kính và anh đã hỏi thăm rất nhiều về chị.
- Chẳng biết anh Kính giờ đã được mấy con rồi?
- Anh ấy chưa lấy vợ.
Dung thoáng có vẻ vui sướng ích kỷ, thiên hạ thiếu chi người nhưng Kính chưa lấy ai chắc là bởi chàng chưa quên Dung.
- Anh Kính làm ăn chẳng biết có khá không?
- Ô! Anh ấy phát tài lắm, chị ạ! Vốn liếng giờ kể có hàng nghìn, Dung mơ màng nhìn xa trước mặt...
Hạnh chờ một lát mới hỏi:
- Chị Dung, em hỏi thật chị câu này nhé?...
Dung ngoảnh trông Hạnh.
- Chị thỉnh thoảng có nhớ anh Kính không?
Dung thở dài.
- Có. Nhưng ích gì!...
Rồi cất giọng bùi ngùi, Dung tiếp:
Một duyên hai nợ ba tình,
Chiêm bao lẩn khuất bên mình năm canh.
Ngồi một mình lại nghĩ một mình,
Ngọn đèn mờ tỏ bóng hình thấp cao...
Trông ra nào thấy đâu nào!
Đám mây vơ vẩn, ngôi sao lờ đờ...
Nàng quay nhìn phía khác để giấu sự xúc động rồi gượng cất tiếng cười...
- Chết chửa! Nói nhăng mãi nhỡ người ngoài ai nghe thấy chẳng bõ họ cười cho!...
Đổi chuyện, Dung hỏi Hạnh;
- À thế nào, nghe nói con ông trưởng Toại...
Hạnh rãy nảy:
- Cái thằng chết tiệt ấy thì để cho nó lấy con Sung!...
- Thế sao bà cụ tổng Phay nói bên nhà trai đã nhờ bà...
Hạnh ngơ ngác:
- Thật à, chị?... thảo nào...
- Sao?
- Em thấy thầy em khác ý...
Hạnh chép miệng, mắt đăm đăm nhìn xa.
- Có lẽ thầy em đã nhận lời rồi cũng chưa biết chừng. Nếu vậy thì khổ em quá!...
Dung động lòng thương Hạnh. Đã trải cảnh ép duyên, Dung không muốn cho một người bạn gái vui vẻ như Hạnh cùng lâm vào bước đau lòng ấy.
Hạnh than vãn:
Thà rằng làm lẽ thứ mười
Còn hơn chính thất những người đầu ngu.
Dung âu yếm khẽ bẹo má Hạnh:
- Chỉ được cái nói khoác chứ bộ ấy đương chịu làm lẽ ngay chín lượt!
- Sao lại không:
Một đêm quân tử nằm kề
Còn hơn thằng nhắng vỗ về quanh năm.
Chị thử cứ cho em làm lẽ xem!...
Dung bật cười vì câu trân trố của Hạnh và lại nhớ đến câu nói của mấy anh trai làng hôm trước.
Nói lời thì giữ lấy lời
Đừng như con bướm đậu rồi lại bay!
Hạnh liến thoắng:
Bướm đậu rồi bướm lại bay,
Những lời em nói có ngày nào quên!
- Không quên thật nhé?
- Nhất định không. Nhưng em chỉ hãi chị ghen...
Ghen! Dung sẽ ghen thật ư? Một câu hỏi oái oăm vụt nảy ra trong óc Dung: "Nhưng ta có yêu chồng ta không đã?" Dung phải thú rằng, từ khi lấy Nhuận, ngoài cảm tình nhớ ơn, Dung chưa lần nào thấy tâm hồn rạo rực sôi nổi lên như mỗi khi Dung gần Kính. Dung ôn lại những ngày qua... Thoạt bước chân về nhà chồng, Dung ngao ngán và buồn rầu quá sức. Sau nhờ sự nâng niu êm ái của Nhuận và những lời trăng trối tha thiết của ông đồ nên Dung khuây dần, thói quen phủ lên cuộc sống của nàng như rêu xanh bám trên hòn đá. Sự chú trọng về công việc hàng ngày, về trăm nghìn cái lặt vặt trong nhà trong cửa làm cho Dung không kịp nghĩ gì nữa. Dung có cần gì không? Dung muốn gì? Chính Dung cũng chẳng biết. Không một ước ao, không một háo hức, không một đợi chờ nào cả! Đời Dung trở nên như một dòng nước đục phẳng lì...
Thấy Dung lặng im một cách rầu rĩ, Hạnh nhắc lại câu hỏi để đùa Dung:
- Thế nào, chị không ghen chứ?
- Chỉ sợ Hạnh không chịu làm lẽ Dung thực mà thôi. Nếu thực thì:
Kim vàng ai nỡ uốn câu
Người khôn ai nỡ nói nhau nặng lời.
Vẻ đứng đắn của Dung làm cho Hạnh ngạc nhiên, nghi ngại... Cô nói lảng:
- Nhưng mà chả chơi. Hai gái lấy một chồng nó vẫn thế khỉ nào ấy!
Hạnh cười khanh khách, vụt chạy vào nương sắn và hát thật to:
Gặp anh, em cũng muốn chào,
Sợ rằng chị cả giặt dao trong mình.
Đấy giắt dao, đây gươm kề nách,
Thuận nhân tình cắt vách sang chơi...
Giọng hát xa dần, lắng dần vào trong tĩnh mịch...
Một hơi gió thoảng qua...
Dung rùng mình thấy rõ cái cảm giác cô độc. Nàng rảo bước xuống đồi...
Bà cụ Bá đương ăn cơm thấy Dung vào, khẽ ngẩng đầu hỏi:
- Mùa sắn năm nay khá đấy chứ, con nhỉ?
- Thưa mẹ tốt lắm!
- Anh nó không ăn cơm nhà?
- Không ạ.
- Thế con rửa chân tay rồi ăn một thể với mẹ.
- Xin mẹ cứ xơi trước; con còn thong thả...
Dung tìm diêm châm đèn vì trong nhà đã tối. Đoạn, nàng mang ít sắn vào để thổi xôi chờ Nhuận...
Nhưng, lần ấy là lần thứ nhất từ khi về nhà chồng, Dung làm việc uể oải, thẫn thờ...