Màu Nền | |
Màu Chữ | |
Font Chữ | |
Cỡ Chữ | |
Style Combo | |
Lúc bấy giờ cuộc bảo hộ Trung Bắc hai kì đã bắt đầu thiết lập và chỉnh đốn được mấy năm.
Trong triều, vua Đồng Khánh vừa mới thăng hà, sau ba năm ở ngôi cửu ngũ. Các cụ triều thần bàn tính và được chính phú Bảo hộ đồng ý, tìm rước đức ông Bửu Lân, con vua Dục Đức về nối ngôi.
Ấy là vua Thành Thái. Cụ Kim Giang Nguyễn Trọng Hợp làm phụ chính đại thần.
Ngoài Bắc ta, dân tâm bắt đầu được hưởng yên vui, nhờ cuộc Bảo hộ lần lần đem lại cho họ cái cảnh an cư lạc nghiệp sau bao nhiêu năm điên đảo, lưu li vì nạn giặc khách và binh hỏa, cơ hoang. Tuy là tỉnh này, huyện khác còn lác đác những chòm nhóm cần vương, nhưng không thể ngăn trở gì được công việc kiến thiết, Bảo hộ một mặt tiếp tục dẹp yên Văn thân, một mặt cứ việc ra tay mở mang, sắp đặt, ban bố học thuật mới và bất đầu xây dựng các cơ sở văn minh tân thời cho dân.
Năm ấy vừa trúng năm Mão, có khoa thi hương.
Thuở trước, xứ Bắc có hai trường thi là trường Hà và trường Nam, nhưng giờ đã dồn chung lại một trường thi ở tỉnh Nam Định vì trường Hà Nội bãi rồi.
Sĩ tử các nơi ôm lều vác chiếu tụ tập về tỉnh Nam, ai nấy đều có cái cảm giác gần bước vào một thế giới nào lạ. Các phố phường buôn bán đông đúc vui vẻ, có nhiều tòa nhà kiểu mới dựng lên nguy nga, tốt đẹp; đường sá đã mở rộng và rải đá: cho tới bến sông, chợ búa đâu đó đều đã cải quan và mọi việc sửa đổi mở mang vẫn đang rầm rộ tiến hành thêm to, thêm đẹp hơn nữa. Những thầy khóa ở vùng đông nam, còn nhớ mười mấy năm về trước mình cũng về thi cử ở chỗ này chỉ thấy một vài phố phường có nhà ngói kiểu xưa, còn thì toàn nhà tranh phố lá ẩm thấp; nói gì đường đi chật hẹp bùn lầy và bốn phía còn đặc những ao tù đất trũng
Chung quanh vẫn nước non nhà,
Nhìn xem phong cảnh nay đà khác xưa.
Hồi xứ Bắc ta hán học chưa tàn, khoa cử còn thịnh, mỗi khi đến khoa thi trường Nam tức là một dịp tô thêm cảnh tượng phồn hoa náo nhiệt cho tỉnh thành này, một dịp phát tài cho các quán rượu hàng cơm, cho chị em hàng Thao, cho những dân cư ở mấy phường Năng Tĩnh, Mỹ Trọng có nhà để chứa trọ sĩ tử và nấu cơm cho họ ăn. Những mối lợi ấy, thành Nam có thể hưởng thụ trong một tháng rưỡi, hai tháng.
Nhất là hai làng Mỹ Trọng, Năng Tĩnh thường ngày vắng vẻ buồn tênh, nhưng đến khoa thi thì quang cánh tấp nập đông vui bằng mấy đám hội. Vì được địa lợi gần với trường thi, cho nên sĩ tử trọ đông hơn các phường xóm khác. Các bực phụ lão nói chuyện có lắm chủ nhà ở đấy cứ thổi cơm chứa trọ xong một khoa thi có thể về làng mua nhiêu, tậu ruộng là sự thường.
Giừa phố Năng Tĩnh có hàng cơm bác Khán Tèo, tuy cửa hàng chỉ có một gian nhà ngói thấp nhỏ, nhưng đi vào bên trong, cách một cái sân rộng độ năm sáu thước ta, còn chiếc nhà gỗ ba gian hai chái, cao ráo sạch sẽ. Phía sau lại có ao riêng để giặt giũ tắm rửa. Được mọi sự tiện lợi như thế, cho nên khoa thi năm ấy, một nhà bác chứa trọ được ba chục thầy khóa. Bác khéo thu vén xếp đặt, kê bảy tám bộ phản gỗ giường tre liền nhau ở ba gian giữa để các thầy vừa làm nơi ăn chốn nằm, quanh trong khu vực ấy. Bên chái tây, nhà bác dùng để chứa gạo củi nước mắm một phần, còn một phần thì chất đầy sắp lớp những yên, những chõng, những lều, những chiếu của ba chục ông khách trọ. Có ông lại khiêng cả hai tủ sách cổ văn, bắc sử đi theo để nghiền ngẫm nữa.
Còn nguyên cái chái bên đông thì bác cho một cậu ấm tử, ấm tôn nào đó thuê 15 quan tiền một tháng, ở riêng một mình. Hình như cậu là con một cụ quan ở miền bắc, tuổi trẻ nhà giàu ra dáng phong lưu công tử cho nên cậu ở trọ đi thi một cách đường bệ khác hẳn người thường. Cậu đem theo hai gia nhân và hòm xiểng đầy đủ các thứ vật dụng thực phẩm, cả điếu tráp và ấm chén trà tàu, hỏa lò nấu nước cũng không quên. Thầy trò thuê nguyên cái chái đông của nhà bác Khán Tèo, ở biệt tịch một mình và tự nấu ăn lấy. Trừ ra khi cần mua sắm thức gì mà gia nhân cậu không biết thì phải phiền đến bác Khán.
Một nhà có bấy nhiêu người khách trọ hằng ngày phải chợ búa, nấu nướng, cơm nước, hầu hạ thử lượng xem công việc bận rộn đến thế nào, tất là trong nhà phải đông người nhà, đầy tớ mới phục dịch nổi. Còn thêm cửa hàng cơm bên ngoài, có những khách bất thường tới ăn năm bảy xu cũng phải tiếp rước nữa là gì? Thế mà chừng ấy công việc phục dịch, nhà bác Khán chỉ quanh quẩn có hai vợ chồng, một đứa con gái mười sáu, mười bảy tuổi, một u già, thêm một con cháu gái đã lớn, nói rằng gọi mình bằng chú thím họ, mới ở nhà quê ra phải đội thúng đi chợ mua cái ăn rồi về chui vào bếp giúp hai vợ chồng bác để thổi cơm và làm đồ ăn, buổi sáng cũng như buổi chiều; đứa con gái bác thì ngồi đuổi ruồi coi hàng bán cơm bên ngoài, thỉnh thoảng có thầy quyền vào đùa bỡn chọc ghẹo, nó lính quýnh không biết làm sao thì nó réo gọi "U hỡi! u ơi!", còn vú già đã chất nặng hơn sáu chục tuổi trên đầu, mắt lòa, tai nghễnh ngãng, mỗi bước chậm như con sên, thì đóng vai bưng cơm rót nước và cho các thầy khóa sai vặt.
Các ngài thấy đó chắc hẳn dư biết: người sướng thân khỏe xác nhất là cô ả con ruột; kẻ đầu tắt mặt tối nhất là con bé cháu ở nhà quê mới ra.
Có lẽ so sánh chẳng sai bao nhiêu, nếu các ngài nhớ đến vợ chồng Thénardier, chủ quán cơm ở Montfermeuil trong truyện "Những kẻ khốn nạn". Vậy thì Cosette tức là con bé cháu ở nhà quê mới ra, chỉ khác lớn tuổi hơn, còn sự được nghe mắng chửi và ngồi đâu khóc thầm thì cũng thế.
Anh chồng còn khá, đến mụ vợ thì mồm loa, mép giải, ăn có nói không, hơi một tí là sưng sỉa nhiếc móc con bé cháu tàn tệ.
Lạ gì lúc có khoa thi, tự nhiên chợ búa đồ ăn phải đắt đỏ hơn ngày thường. Ngay bác Khán còn biết lợi dụng thời cơ, thổi cơm hàng và cho ở trọ tính tiền đắt gấp đôi nữa là những người bán hàng ngoài chợ. Mỗi buổi sáng, trước khi con bé cháu đội thúng đi chợ mua cái ăn, mụ Khán dặn dò phái mua những thức gì và giá bao nhiêu. Luôn luôn mụ đánh giá mỗi thứ vào mực rẻ nhất, đến ngày thường mua cũng chẳng được, nói gì nhừng ngày đặc biệt như dạo này. Con bé cháu phải chịu mua đắt mới có đồ ăn, tức là trái ý của bà thím. Sáng nào, các thầy Khóa thấy bóng cô bé cháu đi chợ về thì một lát sau tất được nghe tiếng hạch lạc gắt gỏng của bà chủ nhà trọ, hoặc ở phía cửa hàng, hoặc ở trong bếp:
Con đĩ! Chắc mày lại ăn bớt của bà, mớ cá thế này mà năm tiền ư?
Hay là:
Mày ra chợ ngồi nói chuyện với giai, rồi thì bạ cái gì mua cái nấy, vơ cào vơ cấu, chẳng mặc cả gì hết. Đồ hư! Đồ tồi!
Chốc nữa vào trong bếp, mụ lại tế lên cho một hồi nữa, bất cứ vì một nguyên nhân gì. Mặc dầu con bé cháu làm việc túi bụi, chẳng hở tay lúc nào, mặc dầu mụ thấy nó giúp đỡ mình nhiều việc, nó nhanh nhẹn giỏi giang nhưng mụ cũng cứ mắng chửi. Con cá đánh vảy lâu, miếng đậu rán kĩ, cũng đủ là một vấn đề cho mụ quai mỏ ra. Với hạng đàn bà nổ miệng lắm điều, mắng chửi người ta hình như là một chứng bịnh, có lẽ cũng có vi trùng như con trùng lao bắt phải ho vậy.
Người ta để ý nghe mỗi lần người thím hành hạ mắng nhiếc là mỗi lần con bé cháu khóc lóc. Hai mắt nàng lúc nào cũng vận tia máu lên đỏ như gấc, phần vì khói bếp hun gần suốt ngày, phần vì sớm chiều hai ba bận khóc. Nàng tủi thân. Tưởng mình nương nhờ chú thím được yên ổn, sung sướng; ai ngờ đã nai lưng cật sức như làm tôi tớ không công, mà cũng bị đối đãi tàn nhẫn. Đến con ranh con, con gái chú mình cũng lên mặt coi mình chẳng ra gì. Thím chỉ biểt kể miếng cơm cho ăn, nên muốn dằn vặt lại cho bõ, chớ không kể công việc mình đền lại đáng gấp đôi. Nàng càng ngẫm nghĩ càng ấm ức mà không biết nói sao, thành ra chỉ có nước khóc cho hả bớt hơi tức.
Rõ ràng cái thân con Cosette lớn tuổi ở dưới bàn tay sắt của mụ quán Thénardier.
Những lời chua ngoa của mụ chủ nhà và tiếng khóc thầm của con bé cháu, đã làm động tâm cậu Ấm, người khách trọ ở chái đông.
Phải nói cho rõ, cậu chỉ động tâm vì tiếng khóc của con bé cháu nhà chủ, mà nhất là động tâm vì chính mình con bé cháu thì đúng hơn.
Chắc cậu sẵn tiền, ham chơi. Vào kì đệ nhất, mấy bài kinh nghĩa cậu làm có ra hồn gì không chẳng biết, chỉ thấy suốt ngày cậu chè chén, tối lại đi gõ trống hàng Thao. Mùi đời hưởng mãi một thứ có lẽ cũng chán, ỷ cậu muốn được thay đổi hoa đồng cỏ nội chơi, sẵn trong nhà trọ, thấy cảnh ngộ nàng khổ sở, cậư thương. Cậu thường nói với hai tên tùy bộc:
Con bé trông kháu tệ!
Có lần, hai tên tùy bộc đi vắng, nàng đun hộ ấm nước sôi và xách lên chái đông, cậu vồn vã cám ơn và hỏi nho nhỏ đù nghe:
-Cô em là cháu của ông bà chủ đây?
-Thưa vâng ạ.
-Cô gọi ông bà chủ nhà bằng gì cơ?
-Thưa, là chú thím tôi.
-Cô nay xuân xanh chừng mười tám, mười chín thôi chứ gì?
-Ô, cậu trông lầm đấy, em ngót ba mươi rồi, có con đã nhớn. . .
Nàng tự biết mình nói láo, nên chỉ nói rồi nhoẻn miệng cười, làm cho cậu Ấmđa tình càng thêm chết mệt. Cậu thở dài, làm bộ thương hoa tiếc ngọc:
Ai cũng thấy cô làm việc giỏi giang, thế mà bà thím tàn nhẫn, mắng chửi suốt ngày, tôi nghe cũng phải. . . sốt ruột đau lòng.
Nàng vừa cười tới đó bỗng sầm nét mặt lại, không nói gì, nước mắt chạy quanh, vội vàng bò đi ra.
Ngoài ra tấm lòng ao ước thèm muốn, cậu Ẩmcòn tính hiếu kì muốn dò biết tung tích và tâm sự nàng trước khi định thả mồi bắt cá.
Cậu dặn bảo mưu mô miệng lưỡi cho hai tên tùy bộc để chúng lân la dò hỏi u già và cả bác Khán gái. Việc gì dụng tâm mà chẳng có kết quả.
Thì ra nàng là con gái của một người dòng dõi. Tử tế, buôn bán ở vùng Kim Sơn. Bố đẻ nàng với bác Khán Tèo là anh em chú bác họ nhưng mười mấy năm nay, mỗi người đi lưu lạc sinh nhai một phương chỉ có người khác đi lại đem tin tức thế thôi chứ hai anh em không gặp nhau. Một buổi sáng kia bác Khán thấy một người gái quê xách khăn gói đến chào vợ chồng bác là chú thím và xưng là con ông nọ ông kia. Thế là chú cháu nhìn nhận nhau, rồi nàng ở lại từ hôm đó đến nay. Chú gạn hỏi cháu mới biết nguyên do là cháu chê chồng mới bỏ nhà đi hay là không chịu lấy người mà ông bố định gả.
Hẳn các ngài đoán biết người cháu gái của bác Khán chẳng phải ai lạ: chính là Trần Thị Lan, cô hàng rượu không chịu lấy ông chánh Kim Sơn.
Phải, chính là nàng.
Đêm hôm đó nàng thao thức suy nghĩ đến cùng đường hết kế, biết không còn cách gì đánh đổ được cái đầu óc tham giàu, sợ thế của cha mình. Chỉ còn một nước gọn nhất, là bỏ nhà đi trốn mặc kệ gia sự ra sao thì ra, mặc kệ tương lai đến đâu thì đến.
Quá nửa đêm nàng lén chỗi dậy, đánh cắp của cha được một quan tiền kẽm gói ghém vội mấy chiếc áo xống làm một cuộn, quơ lấy cái nón rồi rón rén mở cửa ra đi. Cuối tháng giêng, trời mưa phùn và tối đen như mực mà nàng thấy trước mắt mình như có hào quang nhấp nhánh dẫn đường. Nàng đã đặt bước chân thứ nhất trên con đường giang hồ lưu lạc.
Tảng sáng, vợ bác Phó mới biết và gọi chồng dậy: "Thầy nó ơi! Cái Lan đi mất rồi!", bác Phó choàng dậy kinh hoảng hồn vía, sau khi xem xét sự thực rồi bác vò đầu giậm cẳng:
-Giời ơi là giời! Cái Lan nó giết tao phen này. Rồi bảo tao ăn nói làm sao với người ta. Thật là nó đắp mo, trát cứt vào mặt thằng bố nó, nó báo hiếu cho bố nó thế đấy, giời đất ơi!
Trong lúc hai vợ chồng bác, mỗi người một ngã, lùng vào các nhà quen ở đầu làng cuối xóm rồi tốc lên đến chợ Kim Sơn tìm tòi dò hỏi những chị em bạn hàng xem ai có biết cái Lan đi đâu thì lúc ấy cái Lan đang nằm trong một chiếc đò dọc xuôi Nam.
Tiếng đồn cái Lan bỏ nhà đi theo giai, ngay trong hôm đó, vang dậy cả vùng.
Bác Phó thân hành đem đồ lễ trả lại tận nhà ông chánh Kim Sơn, thiếu nước sụp xuống lạy ông mà ông chưa thèm nhận cho:
Anh nhận lễ đám này lại mưu mô gá con cho đám khác, để tôi vào trình quan cho gông cổ anh lại xem. . .
Con cắn cỏ lạy ông, quả thật con gái con nó hư, bỏ nhà trốn mất, xin ông làm phúc đánh chữ đại xá đi cho.
Tội nghiệp! Những hôm bác Phó van lạy người ta ở đây và mang tai mang tiếng xấu hổ thì con gái bác đang bị vất vả mắng chửi ở tỉnh Nam mà bác không ngờ.