Màu Nền | |
Màu Chữ | |
Font Chữ | |
Cỡ Chữ | |
Style Combo | |
Nghĩ đến nhơn tình mà tức cười. Cưới vợ cho con thì mong kiếm chỗ ít con mà nhiều ruộng. Gả con lấy chồng thì tính làm sao cho chàng rể khỏi ăn của mình. Cưới hay là gả, bên nào cũng suy xét cái lợi mà thôi, chớ không dọ dẫm coi đôi trẻ có giống tánh tình, có hiệp ý tứ, có xứng tư cách, có đồng kiến thức hay không. Vì vậy nên thấy nhiều cặp vợ chồng ăn ở với nhau chưa bao lâu thì đã rời rã, mà dầu có vì lợi mà phải ráng thuận hòa với nhau đi nữa thì trọn đời cũng không có một giờ nào là giờ vui vẻ.
Thượng Tứ cưới cô Ba Mạnh hơn một năm rồi, mà vợ chồng chưa được hưởng hạnh phước một giây phút nào hết là tại như vậy đó. Đã biết vợ chồng Thượng Tứ phân rẽ là tại Ông Hội đồng Thưởng cưng con, không chịu rời con, nên mới gây họa. Nhưng mà cái quấy của ông đó là cái quấy mình thấy trước mắt, còn nhiều cái quấy khác ngấm ngầm mình không thấy, song những cái quấy ấy nó ẩn ở trong mà giúp cuộc phân ly. Thử nghĩ mà coi, nếu vợ chồng Thượng Tứ hiệp ý đồng tâm sâu tình nặng nghĩa, thì cha mẹ dầu có nghiêm khắc cho mấy đi nữa, cũng khó mà làm cho rã rời được.
Thượng Tứ hồi nãy nghe vợ nói mấy lời đoạn nghĩa thì cậu tức giận nên cậu ứa nước mắt. Mà chừng lên xe đi về, cậu nghĩ lại thái độ của cha vợ và cái tình của vợ đối với cậu, thì cậu bắt tức cười, cậu không giận, mà cũng không buồn nữa. Cậu về ngang nhà thầy Ban biện Chí, cậu ghé mà thuật chuyện của cậu cho anh nghe, rồi cậu nói tóm rằng: “Tôi biết rồi, tại tôi dại, tôi ưng con nhà giàu nên bây giờ việc vợ chồng của tôi mới vỡ lỡ như vậy đó. Nếu tôi cưới chỗ thấp hơn tôi, thì cha mẹ đâu có khi, vợ đâu có bạc. Mà thôi, thà là nói dứt như vậy một lần cho khỏi nhọc lòng tôi nữa. Tôi cám ơn vợ tôi lắm, nhờ mấy lời vô tình vô nghĩa của nó mà nãy giờ trong trí tôi nhẹ nhàng không biết chừng nào”.
Thầy Ban biện thở ra mà nói rằng:
- Em ở đủ lễ nghĩa, tại bác Hội đồng gắt quá, bây giờ qua biết làm sao. Sao hồi nãy em không làm gắt bác lại, sao em không đòi bắt con ?
- Không được. Theo luật, vợ chồng xa nhau mà con còn nhỏ, thì phải để cho mẹ nó nuôi đến 12 tuổi rồi cha mới được phép bắt. Ví như mẹ nó có làm điều tồi bại, không xứng đáng làm mẹ, thì mình mới bắt được. Mà muốn bắt thì phải kiện đến Tòa, có án Tòa cho rồi mới được bắt. Thôi, để cho mẹ nó nuôi cũng được, còn đỏ lấm lói tôi bắt về bên nây rồi ai nuôi nó.
- Nhà cửa minh mông mà vợ con thì lôi thôi, khó cho em quá.
- Không hại chi đâu. Anh đừng lo. Gặp cảnh nào tôi theo cảnh nấy, có sao đâu mà sợ.
- Em kiếm vợ khác về ở hay sao ?
- Không. Cưới vợ nữa làm gì, đặng cho nó làm cực lòng tôi nữa hay sao ? Bây giờ cưới ai ? Cưới con nhà giàu thì nó trọng bạc tiền, chớ không có tình nghĩa chi hết. Cưới con nhà nghèo, thì sợ nó vì bạc tiền mà ưng chớ không chắc nó thương mình. Còn cưới người thạo đời, thì họ đẩy đưa môi miếng, chớ họ cũng không có tình nghĩa gì. Huống chi tôi đã nói với anh rằng bếp lửa tình của tôi đã tắt rồi, tôi không thương ai, không muốn ai nữa, thì có thế nào mà tính việc vợ chồng cho được. Nếu có người như con ông Giáo Chuột trên Mỹ Tho, hay là như con ông Phán Hương trên Gia Định thì hoặc may… Mà người như vậy dễ gì kiếm được !
Thượng Tứ từ anh ra về, việc vợ con xào xáo như vậy, mà coi bộ cậu không buồn cho lắm.
Lúc ấy vào cuối tháng tám, lúa ngoài đồng đám nào cấy sớm thì đã đứng cái[1] rồi, đám nào cấy muộn thì còn đương nở bụi. Kẻ nông phu không có công việc làm, nên vác cần câu ra ruộng câu rê[2], đầu đội nón lá, vai mang giỏ tre, dầm mưa phơi nắng tối ngày, mà bắt cá đổi gạo vợ con ăn không đủ bữa. Đàn bà thì vo quần, bưng thúng, lội đi nhổ năn, hoặc hái rau chóc, đặng sáng đem lên chớ bán năm bảy đồng xu; trẻ nhỏ thì ráng bội vô vườn cắt cỏ đem về cho trâu ăn, vì lúa cấy giáp đồng, thả trâu không được. Người nào có trồng bầu mướp chút đỉnh thì cắt đem đi bán, người nào có nuôi vịt gà ít con thì cũng không thể để dành.
Con nhà nghèo đến tháng nầy thì nhà nào cũng khốn đốn. Mà năm nay lúa lên giá tới 1đ80 một giạ, bởi vậy con nhà nghèo càng khốn đốn nhiều hơn các năm khác, có nhiều người làm hết sức mà không đủ gạo vợ con ăn cho no.
Thượng Tứ không cần dùng tiền, mà hôm tháng giêng cậu nghe lời thầy Ban biện, cậu bán lúa hết bộn, chỉ còn để trong lẫm chừng vài ngàn giạ mà thôi, cậu nói để dành chơi, chừng nào giá được 2 đồng một giạ rồi cậu sẽ bán.
Bữa nay cậu đi bên vợ về, rồi cậu đi coi lúa, cậu đi dạo vườn, cử chỉ như ngày thường, không có đổi một chút nào hết. Tuy Hương hộ Huy với ông Ba Nở đã thôi ngủ giữ giùm nhà cho cậu lâu rồi, song chiều bữa ấy Hương hộ cũng lên chơi. Chú bước vô nhà, vừa thấy cậu thì nói rằng:
- Nghe nói hồi sớm mơi cậu đi rước mợ Tư với em nhỏ, nên mới đi thăm ruộng về, tôi lật đật chạy lên, trước thăm mợ Tư, sau coi em nhỏ được bao lớn.
- Ủa ! Sao vậy ? Chừng nào mợ Tư mới về bên nây ?
- Không về nữa. Ông gia tôi không cho vợ con tôi về bên nây, mà ổng lại cấm tuyệt, không cho tôi qua bển nữa.
- Cái gì kỳ vậy ? Mợ Tư cũng bằng lòng như vậy hay sao ?
- Vợ tôi bằng lòng lắm. Nó lại biểu tôi cưới vợ khác nữa chớ. Chú biết tại sao vậy không ?
- Thưa không.
- Tại vợ chồng tôi cưới nhau mà không có tình với nhau, nên mới có chuyện như vậy. Cha mẹ vợ tôi cứ bắt tội tôi chơi bời quá mà rứt tôi ra. Vợ tôi không thương tôi, nên nó nghe lời cha mẹ mà nạng luôn tôi nữa.
- Xưa rày tôi ở ngày ở đêm trong nhà, tôi có thấy cậu chơi bời gì đâu.
- Người ta nói tôi dắt mèo về nhà, tôi cưới vợ bé rồi nữa chớ.
- Đâu có.
- Thôi, không hại gì. Họ nói sao cũng được. Họ cho tôi là đứa chơi bời xài phá, để tôi chơi bời xài phá cho họ coi. Sáng mai chú kêu giùm hết thảy tá điền tá thổ của tôi tựu lại đây cho tôi nói chuyện một chút.
- Cậu muốn chừng nào họ tựu ?
- Chiều mai.
- Thưa, được.
Chiều bữa sau, lối 4 giờ, tá điền tá thổ tựu đủ, người nào đi khỏi thì có hoặc cha, hoặc mẹ, hoặc vợ, hoặc con đi thế. Thượng Tứ thấy phần nhiều tay chai mặt nám, quần áo tả tơi, người đứng có róm ngoài cửa dường như hổ phận nghèo hèn, kẻ đứng lỏn lẻn dựa cột bộ coi có sắc lo sợ.
Thượng Tứ hỏi từng người coi ai còn lúa mà ăn hay không. Có Hương hộ Huy với hai người tá điền nữa nói mỗi người còn được ba chục giạ. Còn bao nhiêu thì nói trong nhà không còn lúa thóc chi hết. Thượng Tứ châu mày, hỏi mấy người hết lúa rằng: “Mấy người hết lúa rồi làm sao mà ăn ?”
Thằng Kim xẻn lẻn thưa rằng:
- Thưa cậu, hễ hết lúa rồi thì quơ tạm đầu nầy đầu kia mà ăn đỡ, chờ tới mùa sẽ hay, chớ biết làm sao.
- Ai nấy đều hết lúa, thì có ai còn đâu mà vay ?
- Thưa, anh em tôi hết, chớ có nhiều người họ còn.
- Họ cho mượn hay cho vay ?
- Thưa, họ giúp trong lúc ngặt nầy thì tới mùa gặt phải trả lúa lời cho họ.
- Họ ăn lời bao nhiêu ?
- Thưa, như hỏi 10 giạ thì tới ngày phải trả 14 hoặc 15 giạ.
- Vay như vậy thì mắc quá.
- Thưa, mắc rẻ gì cũng phải chịu, chớ nếu chê mắc rồi có lúa đâu mà ăn. Hỏi như vậy mà phải năn nỉ hết sức mới được, chớ phải dễ hay sao.
Thượng Tứ lắc đầu nói rằng: “Tôi còn lúa vài ngàn giạ. Để tôi cho bà con mượn mà ăn, đừng có đi vay hỏi người ta làm chi. Người nào cần dùng mấy giạ nói cho tôi biên, rồi sáng mai lên đây tôi biểu bầy trẻ[3] nó đong cho. Mượn bao nhiêu thì đến ngày trả bấy nhiêu, tôi không ăn lời. Luôn dịp nầy, tôi nói cho bà con hay rằng từ rày sắp lên tôi không thâu tiền thổ trạch của mấy nhà trong đất tôi nữa. Đã biết xưa nay bà con mỗi năm phải đóng tiền ấy mỗi nhà đôi ba đồng. Tôi thấy bà con nghèo lắm, nên tôi cho tiền ấy để may áo cho con bận, tôi không thâu nữa. Còn mấy người làm ruộng của tôi, tôi hứa từ rày sắp lên tôi bớt số lúa ruộng cho một phần mười, nghĩa là số lúa tá mỗi trăm giạ tôi bớt cho 10 giạ. Tôi bây giờ có một mình, ăn xài không hết bao nhiêu, nên tôi giúp cho bà con chút đỉnh đặng bớt nghèo”.
Ai nấy nghe nói đều chưng hửng, trong lòng kính phục lắm, song quê mùa nên không biết nói tiếng chi mà tạ ơn. Hương hộ Huy quen nhiều nên bước lại gần nói rằng: “Cậu Tư nhỏ tuổi, mà cậu có lòng thương con nhà nghèo như vầy, thì tôi chắc ông Trời sẽ cho cậu giàu có nhiều hơn nữa. Bây giờ cậu giúp cho anh em chúng tôi một phần, ngày sau ông Trời sẽ giúp lại cho cậu mười phần”.
Thượng Tứ cười rồi bỏ đi lấy giấy viết mà biên sổ mấy người xin mượn lúa. Người hỏi 10 giạ, người mượn 20 giạ, biên hết rồi cộng lại thì hết thảy mượn có 600 giạ mà thôi. Thượng Tứ cậy Hương hộ Huy sáng bữa sau lên coi đong lúa giùm cho tá điền tá thổ đem về mà ăn. Cậu lại dặn hết thảy ai có cần dùng tiền bạc, hoặc 5 đồng, hoặc 10 đồng thì đến hỏi cậu, cậu sẽ cho mượn, vì cậu định để sẵn 500 đồng bạc đặng giúp cho bà con lối xóm trong cơn túng thiếu.
Tá điền tá thổ ra về, ai cũng mừng rỡ, ai cũng khen cậu Tư Thượng Tứ giàu có mà nhơn, lúa cao giá mà không bán, lại để cho con nhà nghèo mượn mà ăn, thuở nay có nhà giàu nào làm được như vậy.
Thiên hạ đồn rùm, thấu tới tay thầy Ban biện Chí. Thầy lên hỏi em rằng: “Em làm cái gì vậy ? Em điên hay sao ? Em cho tá điền tá thổ mượn lúa, thì phải bắt họ làm giấy, phải tính số lời như người ta, chớ nên nói miệng tày rồi làm sao mà đòi được ? Em làm lếu quá. Mà cho mượn tiền, mượn lúa chẳng nói làm chi, sao khi không chẳng ai xin xỏ gì hết, mà em lại sụt lúa ruộng ? Em làm như vậy qua sợ em phải mạt”.
Thượng Tứ châu mày đáp rằng: “Sao mà mạt ? Tôi ở phải với người ta, có lý nào người ta lại giựt tôi. Mà dầu bạc tiền lúa thóc tôi cho mượn đó họ không trả đi nữa, lại hết bao nhiêu sao, bất quá chừng một ngàn đồng bạc chớ bao nhiêu. Còn tôi sụt lúa ruộng cũng không hại gì. Số lúa ruộng 7 ngàn giạ, tôi cho họ một phần mười, thì bất quá mỗi năm bớt số huê lợi của tôi 700 giạ chớ bao nhiêu. Có phải tôi điên đâu, thiên hạ không biết thương con nhà nghèo, họ điên chớ. Anh nghĩ lại mà coi, tôi có vợ con cũng như không có, tôi khổ khắc người ta đặng chất chứa tiền bạc để dành cho nhiều mà làm việc gì ? Tôi giúp đỡ cho con nhà nghèo không tốt hơn là đi xài bậy xài bạ hay sao ? Anh tốn 5 ngàn đồng bạc mà làm Ban biện đó có ích gì ? Còn năm ngoái tôi đi chơi mấy tháng cũng tốn bốn năm ngàn đó có ích lắm sao ? Tôi ham chơi, người ta cũng chê tôi làm bậy. Tôi xài phá, người ta cũng chê tôi làm bậy. Bây giờ tôi không đi chơi nữa, tôi không xài phá nữa, tôi giúp đỡ con nhà nghèo, anh cũng chê tôi làm bậy nữa, thế thì tôi biết ăn ở cách nào mới được khen làm phải ? Thôi, quấy hay phải tôi tôi không cần, miễn là vui lòng tôi thì thôi. Xin anh đừng lo, tôi chưa mạt đâu. Mà ví dầu tôi vì con nhà nghèo mà phải mạt đi nữa, thì có lẽ họ cũng nuôi tôi lại được, không sao đâu mà sợ”.
Thầy Ban biện trề môi nói rằng: “Qua thấy em làm trái đời, qua nói cho em nghe. Em đã lớn rồi, em nghe hay không nghe tự ý em, qua cản việc của em làm sao được”.
Thượng Tứ đáp rằng: “Phải, em làm trái đời thiệt. Mà em coi đời nầy cách ăn ở của thiên hạ trái mắt em lắm, nên em không thèm làm theo ai hết. Cái phải của họ là cái trái của em, thì tự nhiên cái phải của em là cái trái của họ, có lạ gì đâu”.
Thầy Ban biện không phục lý thuyết của em, song thầy cũng không có lời chi mà cãi được nên thầy từ mà về.
Cách ít ngày, con Mang hay tin má nó đau, nên nó xin phép Thượng Tứ về ít bữa đặng săn sóc má nó. Đã biết con Mang về thì không ai lo cơm nước cho Thượng Tứ, nhưng mà cậu nghĩ mẹ nó đau, không lẽ cậu cầm nó ở lại được, bởi vậy cậu cho nó về rồi cậu mượn con Quế, là con gái Hương hộ Huy, lên ở đi chợ nấu cơm giùm.
Tuy con Quế là con nhà nghèo, áo quần lam lũ, không biết điểm trang, chỉ đeo có một đôi búp mù u đồng mà thôi, chớ không có nữ trang chi khác, song mặt mày sáng rỡ, đi đứng dịu dàng, miệng cười hữu duyên, mắt ngó hữu đức. Đã vậy mà nó là con gái mới lớn lên, trong lòng chất chứa mối cảm tình, trong trí tưởng tượng điều viễn vọng, nên cái lòng với cái trí ấy hiệp lại mà làm lộ ra nơi mặt nó một cái vẻ thiên nhiên đẹp đẽ phi thường, cái vẻ ấy hay làm cho mê mẩn lờ đờ cho bọn tu mi nam tử.
Bữa nọ, Thượng Tứ nghỉ trưa một lát rồi cậu thức dậy leo lên võng nằm đưa tòn ten. Trước sân trời nắng chang chang như đốt lửa, ngoài vườn cây cỏ im lìm như ngủ trưa, duy có con cu xanh đứng gáy trên ngọn tre, với con thằn lằn chắt lưỡi trong kẹt cửa. Thằng Ngộ thì mắc làm cỏ sau vườn. Thằng Lạc thì lén chạy về thăm nhà. Con Quế đương ngồi chơi dưới nhà bếp, nó thấy Thượng Tứ thức dậy, bèn lật đật lấy bình trà mà chế nước cho cậu uống.
Thượng Tứ thấy con nọ lên xuống qua lại gần cái võng cậu nằm, cậu mới liếc mắt ngó nó.
Cậu coi kỹ lưỡng, cậu mới thấy dung nhan của nó. Cậu nghĩ thầm, nếu con nhỏ nầy mà sanh trong nhà giàu có sang trọng, thì nhan sắc đó, tuổi tác nầy, chắc người ta giành giựt mà cưới đã lâu rồi; vì nó là con nhà nghèo nên mới chịu thiệt thòi, không ai thèm ngó tới. Tình đời thiệt là khốn nạn ! Có tiền dầu ngu xuẩn, dầu xấu xa, người ta cũng yêu chuộng; không tiền dầu khôn ngoan, dầu đẹp đẽ, người ta cũng không màng !
Cậu đương buồn về thế tình, bỗng con Quế ở dưới nhà bếp bước lên nữa. Chừng nó đi gần tới chỗ cậu nằm, cậu bèn kêu mà hỏi rằng: “Quế, năm nay em được mấy tuổi ?”.
Con Quế giựt mình nên đứng xựng lại ngó cậu, rồi đáp nhỏ nhỏ rằng:
- Thưa, năm nay em 18 tuổi.
- Sao em chưa lấy chồng ?
Con gái tới tuổi lấy chồng, hễ nghe ai hỏi tới việc ấy thì thường hay mắc cở. Con Quế nghe Thượng Tứ hỏi như vậy, nó không đỏ mặt tía tai như gái khác, mà nó lại lộ sắc buồn thảm, cúi mặt xuống đất, đứng lặng thinh một chút rồi mới đáp rằng: “Thưa, cha mẹ em cũng định gả em rồi”.
Thượng Tứ ngồi dậy, ngó ngay nó mà hỏi rằng:
- Cha mẹ em đã định gả rồi, mà sao em nói với qua coi bộ em buồn dữ vậy ?
- Thưa, em có buồn chi đâu.
- Em giấu qua làm chi. Qua dòm sắc mặt, qua nghe tiếng nói, thì qua đã biết bụng em rồi, em chối sao được ? Tại sao hỏi tới lấy chồng mà em lại buồn ? Em không ưa chỗ đó mà cha mẹ em gả ép phải hôn ?
- Thưa, không phải. Chồng đã đi hỏi em từ hồi năm ngoái.
- Dữ hôn ! Nói từ năm ngoái đến nay mà sao chưa cưới ?
- Thưa, chưa cưới.
- Vậy chớ đợi chừng nào nữa ?
- Em không biết.
- Em ưng chỗ đó hay không ?
- Thưa, cha mẹ em định lẽ nào cũng được, em đâu dám cãi.
- Gả cho ai ở đâu ?
- Thưa, gả cho con bà Tám Hưng ở trên xóm trên.
- Tên thằng gì ?
- Thưa, tên Sang.
- Tại sao cha mẹ chịu gả, em cũng không cãi, mà để lâu như vậy, không cưới phứt cho rồi ?
- Thưa, hồi đi nói thì má em đòi một đôi vàng. Bên chồng cũng chịu, tính tháng ba năm nay cưới. Chẳng dè bước qua tháng giêng bà già chồng em đau một trận dữ qua, chạy thuốc tốn hao hết tiền. Chồng em sắm đôi vàng không nổi, nên ông mai xin với cha mẹ em định lại để thủng thẳng rồi sẽ tính.
- Té ra tại đôi vàng đó mà cưới không được ! Vậy mà em thương thằng Sang hay không ?
Con Quế cười mà không trả lời, lại coi bộ nó mắc cở.
Thượng Tứ hiểu ý nó rồi, nên cậu không hỏi nữa. Cậu cho nó xuống nhà bếp, rồi cậu nằm gát tay lên trán mà suy nghĩ. Đồng tiền khốn nạn lắm thay ! Vì nó mà nhiều khi vợ chồng hết thương nhau ! Vì nó mà nhiều khi vợ chồng thương nhau song sum hiệp không được ! Vì nó mà nhiều khi người tốt phải trở ra xấu ! Vì nó mà nhiều khi việc nên lại hóa ra hư ! Con Quế tuy chồng chưa cưới, song coi bộ nó cũng thương chồng rồi. Tại chồng không tiền mà cưới nổi, nên nó bứt rứt trong lòng đến nỗi lộ sắc buồn ra ngoài mặt. Nếu thằng Sang để hoài, không cưới được, lòng người dời đổi không chừng, rủi có chỗ nào khác có tiền họ đến nói, vợ chồng Hương hộ Huy hồi chỗ trước mà gả chỗ sau, thì cái tình của con Quế mới trở ra làm sao ? Lấy chồng mà không thương chồng ! Có đôi bạn mà lại tư tưởng đến người khác ! Cái kiếp con người dường ấy. Cái cuộc gia đình như vầy, thì vui sướng chỗ nào ? Huống chi con Quế là gái xuân xanh, lại là con nhà nghèo nữa, thiếu gì cơ hội làm cho nó dễ ô danh xủ tiết. Nếu nó gặp một cơ hội như vậy thì tội cho nó biết chừng nào !
Thượng Tứ nằm suy nghĩ một hồi rồi cậu đi rửa mặt, thay đồ, lên xe đi chợ Mỹ Tho. Cậu ghé tiệm bán đồ nữ trang cậu lựa mua một đôi vàng một lượng chạm thiệt khéo. Cậu bỏ túi đem về, không nói cho trong nhà đứa nào biết hết.
Đến tối, con Quế dọn dẹp dưới nhà bếp xong rồi nó về, cậu mới sai thằng Ngộ lên nhà bà Tám Hương mà kêu thằng Sang xuống cho cậu biểu.
Thằng Sang nghe kêu, không biết có chuyện gì nên lật đật xuống liền. Cậu hỏi thăm thì thiệt quả nó đi nói con gái Hương hộ Huy, định hôm tháng ba rồi nó cưới, nhưng vì bởi bà già nó đau thình lình, nó chạy thuốc hết tiền hết lúa, nó không thế lo đám cưới nổi, nên phải cậy mai nói đình lại, đợi chừng nào nó làm có tiền rồi sẽ hay. Cậu hỏi làm đám cưới phải tốn bao nhiêu. Nó nói bà già vợ nó đòi một đôi vàng, bởi vậy phải có một trăm rưỡi đồng bâc mới dám làm đám cưới.
Thượng Tứ liền đi mở tủ lấy đôi vàng với một trăm đồng bạc mà đưa cho thằng Sang và nói rằng: “Đây, tôi cho chú mượn vàng bạc đây mà cưới vợ. Chừng nào chú làm ăn khá rồi chú trả lại cho tôi”.
Thằng Sang chưng hửng, đứng ngó Thượng Tứ mà không dám lấy vàng bạc và cũng không biết nói chi hết, Thượng Tứ cười và biểu rằng:
- Chú cứ việc lấy đi. Chú chưa muốn cưới vợ hay sao, nên tôi cho mượn mà chú lại dục dặc?
- Thưa cậu, tôi muốn lắm chớ… Ngặt vì cậu làm phước giúp vàng bạc cho tôi đây, biết chừng nào tôi trả lại cho nổi.
- Chừng nào cũng được. Nếu chú trả không nổi thì thôi, cũng không sao.
- Cha chả, cậu thương tôi như vầy thì tôi cám ơn cậu quá !
Thượng Tứ cười. Thằng Sang xin gởi vàng bạc lại đó, đặng nó về thưa lại cho mẹ nó hay, rồi xuống nói với bên vợ nó chọn ngày, chừng nào cần dùng thì nó sẽ lấy.
__
Chú thích:
1. Hết nở, hết đâm chồi
2. Cách câu cá lóc ở nơi không có chướng ngại
3. Người giúp việc