Saved Font
  1. mTruyen.net
  2. [Việt Nam] Đảo Hoang
  3. Chương 2 : 2
Trước /16 Sau

[Việt Nam] Đảo Hoang

Chương 2 : 2

Màu Nền
Màu Chữ
Font Chữ
Cỡ Chữ
Style Combo

Bi... ly... bi... ly... Bùng... bi... Những cây muỗm lùn đội đầu một mâm hoa như đơm xôi đương vào giữa cuộc tiến hương tiến hoa. Hoa cau, hoa móng rồng tỏa thơm dìu dịu khắp. Kinh đô rung động náo nức trong tiếng chiêng, tiếng cồng, tiếng trống thúc giục. Những cuộc thổi cơm thi, những đám vật của các cõi về đua tài. Ngày nào cũng từ sớm đến chiều, có hôm mê mải đốt đình liệu sáng rực để thổi cơm và đánh vật thi tuyển cả đêm. Từ bến sông Cái lên, các phường liên tiếp dựng những cột trụ, những cây tre cao treo đèn phất giấy lệnh. ở mỗi góc đường, ở giữa chợ chất những đống củi cao như gò, những cây đình liệu cháy suốt đêm chưa hết. Tưởng như trời kinh đô lơ lửng hàng nghìn hàng vạn ông trăng tròn cho người chơi thâu đêm. Rồi mới sáng sớm bãi cỏ rộng dưới chân thành đã đông ghế người. Cả đất nước cơm nắm cơm đùm kéo nhau về hội xem các cõi tranh tài. Hôm nay, toán cơm thi cõi ất bộ Hoài Hoan đọ tài với toán cơm thi Bãi Lở. Toán cõi ất nổi tiếng mười lăm bộ, giữ giải cơm thi đã nhiều năm. Đến nỗi có những người hàng năm đánh cược ăn giải, ai kiên gan đoán cõi ất được, năm nào hết hội cũng được giắt về nhà mình hàng đàn trâu, đàn ngựa. Nhiều toán các cõi cố gắng ganh nhau, toán này đè được toán khác thật quyết liệt, nhưng chưa ai vượt toán cõi ất. Năm nay toán cõi ất vào thi trận sau cùng với Bãi Lở.

Không ai ngờ sự xuất hiện chói lọi của Bãi Lở. Chỉ vì Bãi Lở mới về hội lần đầu, thế mà Bãi Lở đã lần lần đánh ngã được hết các cõi rồi ra đọ tài với cõi ất. Lệ thường, đội thắng năm trước ăn một điều lợi là được ra bãi sửa soạn trước. Người trùm toán cơm thi cõi ất là cháu gái quan lạc tướng đất Hoài Hoan. ả có tiếng tai ác, người ta nói cô ả này nhiều mánh khóe xảo quyệt đã khiến toán cõi ất giữ được giải lâu, chứ cũng không phải vì cõi ất tài giỏi đặc biệt gì. Có điều là những mưu chước mờ ám và ma mãnh của toán cõi ất, ai cũng đồn dăng dăng, mà không biết thế nào đối phó hoặc kêu lên nhà vua được. Nhiều toán đã cất công rình

- có khi công phu rình trước hàng tháng, xem toán cõi ất chiếm bãi trước như thế nào. Nhưng cũng không thấy gì. Mà chỉ ấm ức, bởi vì khi vào cuộc, thường thường địch thủ của toán cõi ất, nếu không bị tai nạn thì cũng gặp lúng túng. Chết uất đi được mà đành than:

“Bao giờ toán cõi ất mất quyền ra bãi trước thì may mới đến lượt cõi ta giật giải".

Làm sao biết được năm nay toán cơm thi cõi ất đem mánh khóe gì hại toán Bãi Lở. Cái bãi thổi cơm thi rộng, từ giếng nước đến chỗ đặt đá đánh bùi nhùi, đến chỗ đặt ba ông đầu rau, nơi nọ xa nơi kia, phải chạy nhanh hàng mấy trăm bước. Chỉ một cái lạt gàu tụt, chiếc gáo mo cau xộc xệch hay hòn đá chậm ra lửa, hay bùi nhùi chưa nỏ, bắt lửa kém, hay chỗ đám cỏ kê nồi còn ẩm chút sương mưa đêm qua, cũng đủ thua cuộc. Nhưng không ai biết đấy là cái sơ ý của toán thổi cơm thi hay họ đã bị kẻ đua tài ganh ghét ngầm hại. Thật ra, toán cõi ất đã có ý coi thường đứt đuôi dân Bãi Lở rồi. Bởi vậy, họ chỉ làm có một cái ác vặt. Nửa đêm trước, cho người bới lũm mấy quãng đất giữa lối đi lấy nước rồi lại trải cỏ lên như thường. Chẳng cần vấp ngã, chỉ hụt vài bước chân, đến sau người ta một nháy mắt, mọi việc chậm hơn người một thoáng, cũng đủ thua trông thấy. Tùng... bi... ly... Người xem đã xúm đen xúm đỏ quanh bãi đợi từ gà gáy. Thoạt đầu, bên nam vào thi có hai người. Bãi Lở là một chàng trẻ tuổi và bé Mon. Hôm nay thì bốn đợt liên tiếp. Anh trai cao lớn lực lưỡng. Bé Mon loắt choắt, nhưng cũng gọn gàng khố bao trong chiếc thắt lưng điều bỏ giọt, như người lớn... Trông thật lạ. Bởi vì trên bãi cơm thi này, chưa bao giờ có cậu bé mười tuổi ra chạy giúp người lớn như thế. Người đứng xem quanh bãi vừa cười vừa chép miệng:

“Hết người hay sao mà phải cho trẻ thò lò mũi ra thế kia! Cánh Bãi Lở phen này đến trôi ra sông Cái về Bãi Lở mất thôi". Người Bãi Lở, các lão bà, các chị ngồi xúm đằng cuối bãi. Họ đốt từng đống trầm, từng bó hương đen, lại mổ gà xem bói tỏi gà, chân gà và kể vè những bài kể công An Tiêm với sự tích đánh trâu nước lập nên Bãi Lở. Bùng... bi... ly... Mon bước sát theo anh lớn. Trước tiên, nghe trống thúc nhịp một, hai bên hai người cùng ra hai giếng. Mỗi giếng cách nhau trăm bước. Không nhìn nhau, không ai bảo ai mà hai cái gàu mo cau thả đều, kéo đều từ mặt giếng lên. Tiếng reo như sóng quanh bãi. Rồi anh lớn, tay cầm niêu nước giếng, vai đeo túi gạo. Mon bưng lon nước để vo gạo, lại kẹp thêm dưới tay cái rá nhỏ. Anh trai bước nhanh. Mon chạy theo về phía những ống giang. Anh trai nhặt một ống. Mon cúi lấy hòn cuội. Tay cắp thêm mấy thứ mà không cần đặt niêu, anh với đỡ cái rá ở tay Mon. Mon bưng lon nước. Hai người vừa đi như chạy vừa vo gạo, kịp đến chỗ bắc bếp thì gạo cũng đã vo xong. Bên toán cõi ất cũng làm thế. Chỗ thổi cơm hai toán cũng cách nhau hàng trăm sải chân. Họ đến đều nhau như in bước. Vừa dứt ba tiếng cồng, anh trai Bãi Lở đã bắc xong bếp rồi quay ra, cầm mảnh đá sắc cạo lòng ống giang cho thành lùm lùm từng đống bùi nhùi rồi đem ủ kịp giữa hai hòn cuội, rắc mồi tro lên, đập một cái. Đá tóe lửa, bắt bùng vào đám bùi nhùi. Thế là cả ống giang chứa lửa làm nòm cùng chui tọt vào bếp. Lúc ấy, gạo vo đã ráo nước. Lệ thổi cơm thi thổi khéo không được đảo, không ghế, không vần, phải giữ đượm lửa để lúc nước sôi tra gạo thế nào thì cả niêu cơm đến lúc chín đều vẫn nguyên thế. Hôm ấy trời khô quang, nhưng làn gió bấc tai ác mùa lạnh còn sót lại, chốc chốc bỗng lướt qua mặt cỏ. Lệ thổi cơm thi không được che gió. Anh trai phải cúi nhanh xuống, tay nhấc thanh giang, vừa chặn chiếc que cơi giữ than khỏi vạc, vừa chuyển thanh giang chia đều lửa dưới trôn niêu khi có gió tạt. Dứt hai hồi cồng, cơm vừa chín. Mà chưa chín thì cũng phải dừng lại đấy. Hai bên cùng đặt niêu cơm vào cái rế nhỏ, bưng chạy lại chỗ dựng đài có các quan chấm giải ngồi. Anh trai Bãi Lở ung dung đi, không nhanh, không chậm. Mon nghiêm trang ngẩng mặt, khuỳnh tay, lon ton bước theo.

Tiếng trống thúc giục người đua tài vẫn giọt nhịp một xuống. Bọn cõi ất cũng bước đi, nhưng đã mấy lần giương trố mắt, hồi hộp. Hai đứa Bãi Lở mấy lần bước đúng chỗ hũm cỏ. Nhưng, ô hay, sao chúng nó dường như chẳng lần nào bị hẫng, mặt chúng nó vẫn tươi tỉnh như kia! Bi... ly... bi... ly... Chấm hồi chiêng, cả hai niêu cơm đã được bày lên hai chiếc mâm bồng phủ vuông lụa điều. Mỗi bên có một người đứng cạnh mâm bồng để canh cho niêu cơm khỏi lẫn. Bé Mon đứng lại. Trong khi hai bên lao vào đợt thổi cơm thi nữa thì các quan chấm giải đến nếm cơm, xướng danh cho cả bãi biết cơm ai thổi khéo, được cuộc. Lại một cuộc thi mới tiếp luôn. Mỗi bên một người chạy thoắt đến, nhảy xuống chiếc thuyền thúng cắm ở lạch nước cạnh bãi. Bấy giờ anh trai Bãi Lở ấy lại bước ra, đọ tài khéo lần nữa. Mọi thứ để thổi cơm đã để sẵn trong khoang thuyền bé: ba hòn đá kê niêu, ống giang, đá cuội đánh lửa, gạo, lon nước vo. Tất cả lủng củng dưới chân. Không khéo thì chỉ lúng túng giẫm lỉnh kỉnh cũng vỡ cả. Từ trong lạch, người trai Bãi Lở thò tay xuống nước làm bê chèo, bơi mải miết ra đầm nước. Người cõi ất cũng đương ngồi trong một cái thúng như thế, bơi sóng đôi ra. Giữa đầm nước có một gò cỏ. Hai bên đã đặt niêu thổi cơm trên bờ gò. Tới nơi chỉ việc bắc bếp, bởi vì mọi việc lo thổi nấu đã phải làm ngay trong khi bơi thuyền, cả vo gạo, cả đánh đá lửa. Vừa làm thế mà hai tay lại phải thò xuống nước thay bê chèo.

Cái thúng con con chỉ rình xoay ngang, quay tít. Mà thuyền của bên cõi ất lại đương chen ra ve vé lướt vượt qua bên trái, cố ý đánh sóng cho thuyền này ụp hay ít nhất thì cũng tròng trành, chẳng đánh lửa hay vo gạo được. Người trai Bãi Lở không thèm đòn trả miếng hiểm ấy mà cũng không chút luống cuống. Mấy tháng đã ròng rã luyện thổi cơm nhiều lần trên dòng sông Cái nước lên cuồn cuộn. Bây giờ chỉ như làm lại, đã quen, lại được nước đầm phẳng lặng, dễ hơn. Bước xuống thuyền, anh ném phăng cái áo và thắt lưng lên bờ. Anh cởi trần, khố điều đóng gọn, không vướng mảy may. Anh cắm cúi chèo. Chiếc thúng nhấc cong mũi, vượt bật lên trước thuyền cõi ất. Hai bàn tay lia lịa cắt nước. Bàn tay gạt nước gạt thật nhanh, thật gọn, bàn tay chỉ ướt một phía, còn lòng tay vẫn ráo khô, nhấc lên vẫn đánh đá vào bùi nhùi lửa ngay. Rồi một tay chèo, một tay vo gạo, vừa đến bờ gò. Cái thúng áp mạn, các thứ đánh mồi lửa, vo gạo đã xong. Theo lệ, người chỉ được ở dưới thuyền, thổi cơm với lên bờ. Anh ném ba hòn đá vào kê niêu. Niêu cơm vừa đặt, mớ bùi nhùi và thanh giang bỏ ra, lập tức trong bếp đã rừng rực lửa. Thế rồi, bếp thì trên bờ, người ngồi trong lòng chảo thuyền với lên thổi lửa. Cái thúng nhẹ như lá tre, chốc lại tròng trành quay ngang, lại phải chèo khít vào, rồi tay ướt ấy lại cầm mồi lửa. Có lúc thuyền tuột ra, nhưng sợ tay ướt, không dám thò tay bơi, cứ cố nhoài lưng bíu bờ, phải uốn lấy đà mới khỏi ngã sấp xuống nước.

Tiếng chiêng tiếng cồng nổi bốn phía, rối cả ruột. Các quan chấm giải đặt án thư ngồi coi thổi cơm thi ngay giữa gò. Còn bao nhiêu bùi nhùi, quấn vội lên đốt niêu như đốt rơm. Lửa vừa vạc, coi như cơm cũng vừa chín. Anh chàng Bãi Lở nhún chân nhảy nhẹ lên bờ, mời các quan ra chứng kiến. Lúc ấy, người thổi cơm toán cõi ất mới đương quềnh quàng quấn bùi nhùi đốt niêu cơm. Chợt cơn gió chúi đến, đẩy thuyền ra. Người thổi cơm cong lưng luýnh quýnh nghiêng vào. Chẳng may, với xa quá, cả người rơi tõm xuống nước, mất giải. Quanh đầm, quanh bãi ầm vang tiếng reo hò chen trong tiếng hô báo tin toán Bãi Lở đoạt giải nhất thổi cơm bên nam. Mọi người lại chạy dồn quanh bãi. Bắt đầu cuộc thi thổi cơm bên nữ. Không ai còn để mắt đến cái người cõi ất vừa ngã xuống nước bị thua cuộc, đương lóp ngóp đẩy chiếc thuyền bơ vơ ra giữa đầm. Toán nữ Bãi Lở ra quân. Nàng Hoa và bé Gái. Bé Gái, váy áo tròn xoe, hệt mẹ, như cái bóng mẹ, bước sau mẹ con cón, bé xinh tí tẹo. Nhưng từ lúc nãy, thấy Mon nhanh nhẹn, xốc vác giúp bên nam được, không ai dám coi thường trẻ con Bãi Lở nữa. Bên cõi ất thì ả cháu gái quan lạc tướng bộ Hoài Hoan ra đối địch. Khốn thay, từ lúc không may xảy cái anh ngã lộn cổ xuống nước thì thế thua hình như đã hằn rõ trên nét mặt ngơ ngác của những người toán cõi ất. Nhưng mà chưa biết thế nào. Trận đấu nữ này thật rắc rối. Mỗi người phải địu trên lưng một đứa trẻ lạ chưa đầy tuổi tôi mà không quen hơi. Bên cạnh để một chiếc rổ sảo, trong có hơn chục con ếch to. Đàn ếch nhốn nháo nhảy nhô nhốp tròng trành cái rổ. Chỉ nhỡ cái rổ trành quá, nghiêng đi, ếch sẽ chồm ra hết. Mà lệ cấm người phụ không được làm hộ. Ai thổi cơm thì người ấy phải vừa chăm bếp, vừa dỗ đứa trẻ trên lưng, vừa giữ cho cái rổ sảo đựng ếch không có mẹt đậy khỏi nghiêng. Tiếng cồng dài hai hồi báo hiệu cơm phải chín tới. Lại không đợi đưa cơm vào trình, các quan chấm giải nghe hiệu cồng thứ hai còn đương ngân ngư đã tiến vào xét cả hai bên. Quan chủ khảo đến bếp Nàng Hoa. Nhấc cái rổ, lũ ếch giở chứng, bỗng nhiên ngoan ngoãn kia vẫn ngồi chồm chỗm, trô trố nhô lên đủ mười bốn cái đầu đen trũi, bóng nhẫy. Bé con địu trên lưng thì đương giụi mắt muốn ngủ. Nàng Hoa hơi cúi, chân đứng chéo nhún gối tựa đưa võng ru em bé. Tưởng được võng đưa, em bé thiu thiu vào giấc ngủ. Cơm ai chín mà trẻ không khóc, ếch không nhảy ra mất con nào thì quan chủ khảo cho nổi trống lên. Tiếng trống chấm giải trước nhất tưng bừng vang đi từ bếp Bãi Lở. Lập tức, khắp bãi người xem lại rền tiếng reo hòa vào như sấm. Cháu gái quan lạc tướng bộ Hoài Hoan ở bếp đằng kia nghiêng tai nghe. Tiếng trống mới nổi đằng bếp ấy, ả đã quỵ xuống, ngất đi. Đổ cả niêu cơm. Đứa bé bị vập đầu, khóc ré trong địu trên lưng. Thế là đàn ếch nhảy tứ tung. Quanh bãi còn đương nhốn nháo, đám này còn hò reo, đám kia còn lao xao khen tài kỳ lạ của Nàng Hoa thì trận thổi cơm thi sau cùng đã lại mở ra giữa hai hồi cồng hiệu. Bây giờ hàng loạt trống đồng mới lên tiếng cùng một lúc trong cuộc thổi cơm thi quan trọng sau cùng. Cạnh án thư chủ khảo, hai dãy trống đồng bắc gióng song song. Những chiếc dùi trống gỗ mít dài bằng cái đòn ống, đầu đập giập mềm xơ như bông, đầu bọc da báo da hổ cứ nhấp nhô đều đặn, uy nghi đâm xuống mặt trống.

Những hồi trống đồng trang nghiêm nổi lên, bắt đầu cuộc đấu khó khăn nhất. Cái hơi trống đầm đầm, rền lạ lùng báo cho mọi người biết cuộc sau cùng của giải thổi cơm thi. Người xem nhộn nhạo hẳn. Chiêng và cồng theo nhau đổ hồi dồn dập, không thong thả nhịp một như lúc nãy. Thinh không lúc nào cũng ầm vang. Cõi ất và Bãi Lở, mỗi bên bước ra đủ một cỗ mười cô gái. Sắp hàng ngang, mười cô mày ngài mắt phượng long lanh, dáng dấp khoan thai, váy xắn quai cồng, tóc búi ngược. Mỗi cô, sau thắt lưng buộc một chiếc cần trúc dài vút lên đầu, có sợi dây đay thòng lọng xuống kéo miếng phên dài làm bàn bếp treo trước mặt. Cái niêu đặt trên tấm phên. Người thổi cơm cầm đũa cả, lại cầm thanh giang cháy hơ trôn niêu. Mười cô gái ấy vừa đi vừa vo gạo, đánh bùi nhùi, bắc đầu rau, nhóm bếp thổi cơm trên cái phên tre. Lúc bước hụt, cái phên đảo đi, giựt lên ngang mặt. Lúc ấy phải khéo uốn người sao cho khỏi đổ. Rồi lại rảo chân lên kịp đều hàng. Cả mười cô cùng đi về phía cuối bãi, xa tít. Người quanh bãi hồi hộp đến mê người, đợi xem lát nữa toán nào từ đằng kia đi trở lại mà giật giải. Không biết mười cô gái nào qua rừng, lên gò, xuống ngòi, rồi trở lại đến được trước án thư quan giám khảo vừa lúc dứt hồi cồng, lúc ấy niêu cơm trên mảnh phên cũng vừa chín tới. Toán nào giựt giải đây? Lòng mong ngóng của mọi người đã đổ sự tin cậy vào toán Bãi Lở, có thể vượt nốt lèo này nữa thì...

Tiếng cồng, tiếng chiêng dồn dập giữa tiếng trống đồng vẫn đương trầm hùng nổi lên. Người ở Bãi Lở tụ một góc bãi, vẫn đốt trầm và xem bói chân gà cùng hát kể sự tích đất nước. Trời xuân giêng hai bỗng thơm trong trẻo một mùi hoa cau vừa nứt bẹ. Mọi người hồi hộp nghển nhìn phía rừng thưa. Toán nào về trước? Kia kìa đoàn người đương nhô ra khỏi rừng, cả mười cô bước thẳng hàng ngang suốt như kẻ chiếc đòn ống. Váy áo nâu non tươi và khăn vuông điều - màu nâu màu điều chân chỉ quen thuộc trên các cánh đồng, các bến nước. Thoạt trông ai cũng nhận ra ngay đấy là mười cô gái Bãi Lở. Mười cô gái Bãi Lở hớn hở bước về tới đâu, người xem ở đấy cồn lên như sóng dồn theo. Không ai còn ngõi đến mười cô gái cõi ất lủi thủi đi sau. Người ta chen lấn lấp cả đi, dù mười cô cõi ất chỉ đi cách một quãng. Mười cô Bãi Lở về nhất. Như đoàn quân hùng dũng, nhanh như cánh cắt, ngay giữa nơi trận mạc xung sát mà vẫn đưa được cơm chín ngon lành ra chiến trường cho ba quân. Cả vùng Phong Châu sôi nổi mừng Bãi Lở. Lúc ấy, ả cháu gái quan lạc tướng bộ Hoài Hoan vừa hồi tỉnh, mặt hãy còn xanh lét, lại lăn ra, ngất đi lần nữa. Liền hôm sau, đến kỳ tranh giải vật. Bùng... bi... bi... bùng...

Quảng cáo
Trước /16 Sau
Theo Dõi Bình Luận
Bình Đạm Là Điều Hạnh Phúc Nhất

Copyright © 2022 - MTruyện.net