Saved Font
  1. mTruyen.net
  2. [Việt Nam] Đảo Hoang
  3. Quyển 4 - Phần bốn-Chương 3 : 3
Trước /16 Sau

[Việt Nam] Đảo Hoang

Quyển 4 - Phần bốn-Chương 3 : 3

Màu Nền
Màu Chữ
Font Chữ
Cỡ Chữ
Style Combo

Lại có đến mấy năm nữa qua. Mặt đất phương trời cứ thăm thẳm. Phải đợi mỗi năm, đến mùa dưa, mới lại tấp nập đôi chút. Suốt ven một bên sườn đảo bây giờ đã thành những bãi dưa đỏ. Đến mùa dưa, vợ chồng con cái lại lăn lộn ngày đêm trên các bãi. Mỗi năm một ở bãi lâu hơn, bởi mỗi năm dưa lại mọc thêm, lại hái, lại xếp, lại đem dưa thả xuống biển. Mỗi mùa mỗi quả dưa xuống biển là tiếng gọi ra chân trời: có chúng tôi ở ngoài này. Ma Li thạo cắt dưa ngay rồi. Cả đến Gấu em bây giờ cũng giỏi hái dưa và biết chịu khó thả xuống biển những quả dưa. Gấu em cắt nhanh hơn tất cả. Một bên chân trước Gấu em kéo về phía mình cái dây có quả dưa nặng trĩu, một chân giơ vuốt cứa. Thế là quả dưa chềnh ềnh lăn ra vệ cỏ. Cứa độ nửa buổi, được một đống dưa, Gấu em dừng lại, ngồi ăn một quả. Rồi, thong thả, Gấu em lẳng lặng vần từng quả dưa ra thả xuống nước. Sóng đánh mấy lần lăn lên lăn xuống, rồi chẳng mấy lúc, gió đã thổi đẩy quả dưa nhấp nhô ra xa. Mê mải suốt mùa dưa, ở luôn bãi, cắt dưa ăn rồi hái dưa thả xuống biển. Đêm đến, tìm một tảng đá, đốt lửa lên, ngủ lại trên bãi. Hôm sau, lại ăn dưa, lại hái dưa, lại thả dưa xuống biển. Trên mặt biển, từng đàn chim đuổi theo những quả dưa, bay tụ thành nhiều đám, trông xa đến tận chân trời vẫn thấy bóng chim nhấp nhô bay lên bay xuống. Những quả dưa được thả xuống từ đảo hoang, theo gió nồm, dưa lênh đênh trôi theo luồng nước hàng tháng trên biển rồi vào đến đất. Người các vùng cửa sông, cứ đến mùa gió nồm, thỉnh thoảng lại vớt được dưa. Từ xưa đến nay, chưa ai trông thấy quả dưa to đến vậy. Lúc bổ ăn, ngọt thơm. Đương cơn nóng bức được miếng dưa thấy mát khỏe hẳn lên, khác hẳn các thứ dưa hồng, dưa gang, dưa bở thường có. Các cụ già sực nhớ ra:

- Ngày trước có người vào cửa sông nói rằng ở ngoài bể có giống dưa vỏ xanh ruột đỏ, hạt đen như răng nhuộm, được ăn một miếng thì khỏi bệnh sốt ác và hết khát cả ngày. Mới chỉ nghe nói mà không được biết, có lẽ nó là quả dưa đỏ này đây.

Từ đấy, cứ đến mùa gió, người các cõi lại đua nhau lội ra những vùng lầy ngoài cửa sông để đón dưa, tìm nhặt dưa. Sông Cái nhả ra lớp lớp phù sa đỏ mênh mang. Những quả dưa xanh đen trôi vào đến làn nước đỏ xuộm. Các loại cá và chim biển ra khoét ăn mất đã nhiều, thế mà mỗi năm càng nhiều dưa giạt vào. Bây giờ, cả đến người các vùng ở sâu trong dọc sông, nghe đồn đến mùa gió có dưa trôi cũng kéo ra vớt. Tiếng đồn: ra biển thấy được quả dưa to quá phải dìu vào những dìu cá ông voi rồi hai người làm rọ xỏ đòn ống mới khiêng nổi quả dưa to về, đến khi khoét dưa ăn hết ruột, còn cái vỏ ngoài, con lợn nái thấy chỗ mát chui vào trong ấy nằm ngủ giữa trưa nắng. Người ta kể chuyện quả dưa to kỳ lạ đến như thế. Khắp các cõi trong mười lăm bộ nước Văn Lang đã nghe vang lừng tiếng ngoài cửa sông Cái vớt được giống dưa lạ. Chẳng bao lâu, ở Phong Châu cũng nghe biết. Một năm, quan quân các cõi ven biển, từ bộ Ninh Hải đến bộ Dương Tuyền, bộ Cửu Chân, bộ Hoài Hoan được lệnh cho nhà chài ai vớt được dưa lạ thì đem vào tiến vua. Tháng bảy năm ấy có một thuyền đầy dưa đỏ của người kẻ bể vớt được, ngược sông Cái lên Phong Châu. Quan quân ra bến khuân dưa vào thành. Đương mùa tháng bảy, trong vườn vua nuôi nhiều ngỗng. Những con ngỗng cao lênh khênh trắng bạch rỉa lông bên ao cũng chỉ đứng đến ngang lưng những quả dưa vừa được khiêng qua. Nhà vua và các quan xúm quanh những quả dưa lạ, to bằng cái thúng, vỏ xanh đen biếc. Rồi, quả dưa được bổ ra, chia cho mọi người trong cung. Mới chỉ đúng một miếng, ai cũng nức nở khen dưa ngọt quá. Một mưu sĩ tâu rằng:

- Xin để ý mà xem, cái cuống quả dưa nào cũng có vết cắt phẳng. Con dao cắt dưa sắc lắm nên mới được một nhát ngọt như vậy. Dưa trôi vào nhiều thế thì tất dưa này phải có người hái, phải có người thả xuống bể, quyết không phải tình cờ dưa ở bãi ngập nước đứt dây trôi đến bờ cõi ta. Năm nào cũng thấy dưa về, mỗi năm một nhiều, thật là điềm lạ.

Nhưng điềm lạ thế nào thì cũng rõ được một điều: bên cõi có dưa lạ ấy phải đông vui giàu có thì mới sinh được giống dưa quí thế, to thế, người cõi ấy phải được thảnh thơi lắm mới nên được hội hè có phong tục thả dưa hằng năm thế! ở ngoài khơi xa có còn cõi đất nào phong lưu thử đi dò hỏi xem. Nhà vua có ý như vậy. Trong triều bấy giờ còn mấy người tường câu chuyện ngày trước có nhà ông An Tiêm phải tội bị đày ra ngoài đảo. Các quan ở Văn Lang và ngoài các bộ ngày ấy, có người chết đã lâu, có người già yếu đã về dưỡng lão ngoài cõi. Câu chuyện thật như thế nào cứ bùng nhùng như gà mắc tóc, không mấy ai rõ đầu đuôi. Thành thử chuyện trước An Tiêm bị oan cũng chỉ mang máng thế. Nhưng rồi câu chuyện mơ hồ trong mọi người cứ nên hình dần, mỗi khi đến cuối mùa gió nồm, có những quả dưa lạ trôi về. Chuyện bàn tán trong thành ngoài cõi, mỗi nơi một câu góp lại, lan tràn trong những lời nghi hoặc của nhiều người. Những lời bàn tán:

- Có phải trời cho những quả dưa này trôi báo hiệu có gió mùa về. Quả dưa trôi cũng như con rùa biết xem mưa nắng được đấy.

- Của cải ở đâu bỗng dưng giạt đến là điềm trời cho bờ cõi ta yên vui.

- Nghe nói các đời vua thường đem đày người qua cửa sông bỏ cho chết đói ở ngoài bể khơi, có phải thế không? Hay người đi đày ngày xưa giờ còn sống, đã làm được nhiều của cải hơn ta, đem thả của cải về cho ta biết.

- Có như thế không, ai biết được! Nhưng các cụ lại kể rằng ngày trước, những người phải đi đày, và cả những toán quan quân giải người đi đày hình như cũng chưa ai đã lần nào đi đến nơi về đến chốn, chỉ thấy đi mà không thấy về. Có lần mới ra qua cửa sông, sóng thần đã nổi như rồng, như cá sấu của trời ngông nghênh không ai trị được, không ai thoát khỏi nanh vuốt sóng gió, thế là chết cả. Mỗi khi mùa gió nổi, có những quả dưa giạt về, lại sôi nổi lời đồn đại:

- Có ai còn nhớ những người bị đày ra bể?

- Hình như có cả nhà ông An Tiêm.

- ông An Tiêm là ai?

- ông An Tiêm ngày trước làm quan cõi Bãi Lở.

- ông An Tiêm đương trị dân ở Bãi Lở, một năm đem người về hội ở Phong Châu, người Bãi Lở giật được giải đấu vật, cả giải cỗ, giải cơm thi, tiếng đồn xưa nay chưa cõi nào được tài thế, không biết làm sao mà rồi lại phải tội, nhà vua đày cả nhà ra bể. Chỉ còn nhớ có vậy thôi. Những đồn thổi dai dẳng mãi trong dân gian, rồi một hôm đến tai vua. Nhà vua ra hỏi các quan việc An Tiêm ngày trước bị đày như thế nào. Người mưu sĩ nọ tâu rằng:

- Tôi nghe ngày ấy cả đến đoàn thuyền áp tải cũng không thấy còn về. Tôi cũng chỉ biết có thế. Trước An Tiêm trị dân lâu năm ở Bãi Lở. Các vùng từ ven sông Cái cho vào đến chân núi Tản Viên, ngày nay còn có vè kể công đức, chắc người ở đấy có thể biết. Hay là thử cho người đi xem ai còn biết hơn không?

Vua Hùng nghe phải. Bèn cho người về Bãi Lở. ít lâu sau, một hôm quân quan xuôi thuyền từ Bãi Lở về, đưa theo hai cụ già. Một cụ nước da bánh mật, râu như cước, thật đẹp lão. Đôi lông mày đã bạc trắng, nhưng con mắt vẫn anh ánh tinh tường và hai chân bước cứ vững phăng phăng. Hỏi ra, cụ đã ngoài trăm tuổi. Chỉ còn nhớ tuổi ước thế chứ cũng không biết thật mình được trăm bao nhiêu tuổi trời. ạng cụ cùng đi cũng đã ngoài bảy mươi. Nhưng sánh với cụ trên trăm tuổi thì tuổi tác và dáng dấp ông này còn kể là trẻ vậy. Hai cụ già Bãi Lở vào hầu vua Hùng. Nhà vua hỏi:

- ở ngoài cõi biết chuyện An Tiêm ngày xưa thế nào?

- Vì chúng tôi biết, nên mới về đây.

- Vậy nói đi.

- Nhà vua có tha tội chết mới dám nói.

- Chuyện cũ ngày trước bỏ qua đã lâu, các người cứ nói tự nhiên. ạng già ngoài trăm tuổi ấy mới nói rằng:

- Bấy giờ tôi hơn bảy mươi mà ông lão này mới còn ngoài bốn mươi. Được tin chủ tướng tôi và vợ con phải tội đi đày, dân Bãi Lở tôi đưa nhau về kêu oan.

Nhà vua sợ náo động, nửa đêm bắt đoàn thuyền chở tù rời bến, chúng tôi không hay biết gì cả. Dân cho tôi và ông này ngồi một cái thúng đuổi theo. Giữa tuần trăng thì kịp thuyền chủ tướng tôi. Chúng tôi áp cái thúng vào mạn thuyền to rồi được một người lính giúp cho lên thuyền. Chúng tôi dâng chủ tướng cái nón và đôi giày cỏ. Trong nón và trong giày có giấu con dao và cái sừng trâu cọ lửa để chủ tướng tôi phòng cơn hiểm nghèo. Rồi chúng tôi trở về, đem theo cả người lính chèo thuyền sợ quan làm tội phải trốn. Người lính ấy trốn rồi mà vẫn chưa hết cơn lo, đến nửa đường thì lên cơn động kinh, ngã xuống sông chết. Về sau, nhiều lần chúng tôi có người về kinh đô dò la xem tin tức chủ tướng tôi ra sao, được biết đoàn thuyền quân quan đưa người đi đày chuyến ấy gặp phải sóng thần cũng không còn ai sống sót về được. Chúng tôi chưa tin, lại cho người ra hỏi tận cửa sông. Người ngoài cửa sông cũng kể chuyến thuyền ấy đã chết bão cả ngoài khơi. Từ đấy bặt tin. Chốc đấy mà đã ra mấy chục năm trời, nhưng người Bãi Lở chúng tôi không bao giờ quên được công đức to lớn của chủ tướng tôi. Nhà vua sai bổ quả dưa cho hai ông già Bãi Lở ăn. Rồi lại hỏi:

- Có thấy giống dưa này ở đâu bao giờ chưa?

- Chưa thấy bao giờ.

- Mỗi năm, cứ đến mùa gió nồm thổi, lại thấy từ ngoài bể có dưa này theo gió trôi vào. Quả nào cũng tròn đẹp, cuống được cắt ngay ngắn, như hằng năm có người ngoài ấy gửi gió đưa dưa về biếu. Chắc hẳn ngoài cõi còn người ở nên mới có người trồng dưa gửi dưa nhiều thế này. ạng già ngoài trăm tuổi ngước mặt lên, long lanh mắt, hất chòm râu bạc ra đằng sau vai, nói to:

- Có phải nhà vua nghĩ có thể chủ tướng tôi còn sống nên gọi chúng tôi về để hỏi tin không?

- Ta có nghĩ thế.

- Vậy xin nhà vua cho người Bãi Lở chúng tôi được ra bể tìm. Chúng tôi xin đi tìm chủ tướng tôi.

- Các người già rồi. Còn sức vượt bể không?

- Người đồng bãi chúng tôi, uống rượu rồi chết như đi ngủ, không biết thế nào là tuổi già. Vả chăng, chỉ còn có người già Bãi Lở như bọn tôi thì mới được tường mặt chủ tướng tôi.

- Nếu thế thì được. Nhà vua cho một cỗ mười thuyền sắm sửa ra biển. Lại hẹn cho hai ông già Bãi Lở nghe có gió bấc thổi xuống thì trở lại, khi ấy giong buồm về phương nam, thuyền gặp gió bấc sẽ đi như chạy trên sóng. Người ở Bãi Lở lại được một phen xôn xao. Ai cũng tranh nhau:

- Cho tôi đi tìm chủ tướng. Cả những người trai trẻ chưa hề biết mặt An Tiêm cũng đòi đi tìm. Bấy lâu, công đức An Tiêm đã được kể truyền miệng như cổ tích trong những cuộc chơi, tháng giêng tháng tám ở lò vật, ở những buổi đi săn và không nhà nào không thuộc. Có nhiều xóm lập miếu thờ An Tiêm như thờ thần đất. Nhưng ông cụ trên trăm tuổi già nhất Bãi Lở kia đã phất ống tay áo lên, nói:

- Trời tạnh mưa thì trời lại nắng, cho nên hôm nay người Bãi Lở mới được đi tìm chủ tướng. Chúng tao ngày trước đã theo thuyền đưa chủ tướng ra tận cửa bể, bây giờ chúng tao lại ra bể đón chủ tướng. Chỉ hai chúng tao được đi thôi.

Làng trên chạ dưới hãy trông chờ. Đừng nói dại, đi sông nước lành ít dữ nhiều, nhưng lần này đi thì ngày ra cửa bể quyết không phải là ngày đưa ma chúng tao. Tinh tướng chủ ta to lắm. Ngày ra cửa bể lần này là ngày đại hồng phúc cho cõi ta, các người ạ. Mười chiếc thuyền chiến đi việc quan không phải nhiều, nhưng thuyền vượt cửa sông ra khơi, cái sống treo sợi tóc thì đấy là sự trọng đại. Người Phong Châu kéo ra xem trên đầu bến sông Cái, đông như ngày hội. Có lẽ còn đông gấp bao nhiêu lần ngày trước, cái khi cánh thuyền đày cả nhà An Tiêm đã nhổ neo lúc canh hai rồi một sáng ra, người Bãi Lở và người kinh đô tụ hội kéo tới tìm. Tiếng đồn vua sai quân quan giong thuyền ra bể tìm quan An Tiêm dậy khắp trong thành ngoài cõi. Thuận gió, hơn tuần trăng đã ra tới cửa sông. Bốn bề, những bờ đá phong rêu đỏ hắt, những bãi cây sậy xanh đặc, thẳng tắp ngang mặt nước đỏ đục từ cửa sông Cái tuôn ra. Rồi đoàn thuyền đi vào nơi mênh mông sóng ngất trời. Phải đến cuối tuần trăng, thuyền mới ra khỏi vùng nước phù sa đỏ bọc quanh bãi biển rồi đoàn thuyền bắt đầu lênh đênh vào màu xanh ngày đêm. Những con chim biển đương tíu tít lượn quanh cột buồm, bỗng hốt hoảng bay trở lại đất liền. Mới lúc nào, bây giờ đã mịt mù không thấy gì nữa. ở nơi rốn biển nào không biết, những cơn bão mùa nắng còn rớt lại, đôi khi cồn tới, kéo mặt biển lên cao hàng trượng rồi lại vật xuống. Những làn mây phần phật bay đưa đến những cơn gió xám đen. Những lúc hiểm nghèo ấy, đoàn thuyền chụm lại, giết gà xem điềm chân, đánh chiêng rền mặt nước, đốt ném từng khiêng trầm xuống biển, rồi tất cả ra nằm phủ phục trên bồng cầu trời cho tai qua nạn khỏi. Suốt cả đêm, những cơn gió đen ngùn ngụt qua, tiếng nước đổ ì ầm, nghe rợn lạnh đến tận gáy. Tuy nhiên, tai nạn đã tràn phía biển khác, ở trước mặt. Hôm sau, buổi sáng lại dịu dàng. Cơn khủng khiếp đêm qua biến mất. Đoàn thuyền rụt rè trương những tấm buồm cói vỉ lên, chưa tin hẳn đã tốt trời ngay như thế. Một lát, làn gió phất phơ đưa thuyền đi trong mưa lấm tấm như bụi bay và lại nghe những tiếng giã gạo đầm ấm, quen thuộc, yên vui từ cửa khoang sau thuyền vang xuống mặt nước. Trong khi ấy. Ngoài đảo hoang lại bắt đầu những ngày hiu hắt rét mướt mưa dầm. Trên bãi dưa chỉ còn dây và lá khô hôm nào mới vàng xuộm cả một vùng, giờ đã khô sạm. Chim biển hết cái ăn, đã thưa về. Có khi bay qua cũng chỉ đảo cánh lượn một vòng. Lũ khướu sợ lạnh sớm nhất, đã bỏ vùng rừng thưa bờ biển lành vào tránh rét trong những bụi cây chân núi. Những con chim bé nhỏ đi tìm nơi nương tựa trong khe đá, gốc cây cho tới khi nào có gió nồm mới lại phởn phơ ra bay lượn với những ngày ấm áp bờ biển. Mọi loài đều chuyển động khi sắp sửa mùa lạnh tới. Ven rừng, những con trăn to những cây gỗ nhấp nhánh, gió may đã đánh se làn mỡ trên da, cũng thôi ra phơi mình hóng mồi trong bóng nắng. Thế là từng đàn trăn lại đã đến độ rời những thung lũng ẩm ướt, những bãi phẳng thoáng đãng, ở đấy suốt ngày đêm mùa nắng, trăn đã ra đuổi mồi, bây giờ cả đàn đi tìm chỗ ẩn náu trên hốc đá cao. Chúng nó quăng mình đi rào rào qua rừng như tiếng con lũ đột nhiên réo giữa mùa kiệt. Mấy hôm trở trời, sương mù dâng lên vùi kín đảo, tới khi mặt trời lên cao mới lại thấy chỏm núi xanh xa nhấp nhô ra.

Không phải chỉ có loài vật ở đảo mới biết tránh cái rét buốt mà cả nhà An Tiêm cũng phải lo. Sắp tới, mưa rét và sương mù có khi dầm dề, rừng và biển gào thét mù mịt chặp vào nhau. Mọi công việc lặng lẽ âm thầm mùa lạnh. Cả nhà đi vác đá về đắp thêm tường, như khi nhà còn ở bên bãi sậy. Cái nhà bây giờ cũng khác trước. Mùa đông năm ngoái có cơn rét khác thường, đắp cả áo, vỏ sui mà vẫn buốt thót lưng, suốt tháng chỉ quanh quẩn quanh lửa. An Tiêm nói:

“Người già thì sợ rét, các cụ nói chẳng sai. Năm nay ta phải nghĩ cách cho ấm hơn mới được". Ma Li bày cách, An Tiêm bắt chước làm thêm một gian nhà có nền sâu dưới mặt đất. Rét đến, ở lòng đất ấm hơn trên mặt. Đốt lửa sưởi trong lòng đất giữa nhà ấm đượm bốn phía, cả nhà vào ngồi quây quần trong hầm. Gian nhà hầm vừa được miết xong, bốn bên nhẵn bóng. Thức ăn dự phòng gác la liệt trên đầu, từng miếng thịt hươu, thịt nai xả dài bằng sải tay treo lủng lẳng so le từ gác bếp xuống, có những miếng mới đã ám khói đen kịt. Thường năm nào cũng chén thịt sấy cả mùa lạnh, khi có nắng ấm mới lại xách lao đi rừng. Vừa rồi, tìm được một rừng báng. Cây báng thẳng đuỗn, cao hơn cây cọ, nõn lắm nước hơn cọ. Thân báng cũng xốp, đẽo ra, bột báng ăn thay củ mài, củ nâu được và ủ lại cho lên men, làm rượu uống còn thơm nữa. Từ năm ấy, mùa rét được ấm bụng. Đã làm được mấy mẻ, còn cất nữa. Cả mấy chiếc bong bóng nai đực và lợn rừng gác trên bếp cũng được lấy xuống đem đựng, thành những bìu rượu. Rét cắt ruột, có cái sưởi, uống vào trong bụng cũng đỡ lạnh. Tất cả chờ đợi cái giá buốt đến. Từ tháng bảy, tháng tám mọi việc đã đầy đủ thế. Mỗi ngày bố con An Tiêm mê mải ra công đánh hươu lấy thịt để dành, đến chiều mới thấp thoáng từ bóng núi tối sẫm bước ra. Đã nghiệm mỗi lần về muộn thế, sao cũng được con giống. Quả như rằng, nhìn kỹ thấy bố con bước đi lặc lè, một con nai nằm vắt cong lưng giữa cái đòn ống.

Gấu em cung cúc theo sau, người nó đen sẫm, lẫn hẳn vào bóng tối. Đằng cuối biển, mặt trời đỏ hỏn như cái bánh xe lăn từ từ xuống ngấn nước rồi chìm vào khói sóng. Nàng Hoa và Gái nấu thịt xong, giong đuốc ra suối gọi, ba bố con An Tiêm đã xả hết con nai, xách từng miếng thịt đem về. Mon cầm theo miếng gan đỏ thẫm để nướng chén ngay. Chập tối đã chớm lạnh. Cả nhà xuống ngồi quây ở cái nền nhà lòng đất, trong nhà mới êm đềm làm sao! An Tiêm với Mon và Ma Li bày cái bát mắt vầu, cái bát đàn loe miệng múc uống rượu báng. Đằng sau, Gấu em tựa lưng vào bờ đất nhẵn, đưa bàn chân lên liếm hờ như con mèo rửa mặt khan. Lúc rỗi, khi trời lạnh, gấu cứ liếm tay thế, mải miết và cặm cụi như mẹ ngồi khâu. Gái ngồi bên, chất thêm củi vào đống sưởi. Ngọn lửa đùng đùng rừng rực. Trên tấm giát tre, Gái và mẹ tước lá dứa dại làm vải. Những chiếc lá dứa ngâm dưới suối đã rữa ra, còn một đệp xơ trắng, mang xuống suối rũ rồi chuốt thành từng sợi tơ mảnh, cuộn ống vào những hòn cuội đẽo dài ngoẵng, chất một đống, đã được mấy chục ống to tơ dứa. Bên ánh lửa bếp, Nàng Hoa và Gái căng ngang sợi dây trên đầu hai gạc tre. Mỗi người cầm đôi kim xương cá, làm những con thoi lách thoăn thoắt đưa qua sợi ngang. Năm trước đã dệt được mấy tấm vải bằng sải tay. Thế là có vải dứa. Bao giờ xong được chục sải thì xé ra may mặc cho cả nhà. Công việc tuốt sợi dệt tơ dứa tối nào cũng làm bên lửa như thế. Tiếng củi nổ, tiếng lửa ngùn ngụt reo. Từ ngoài, Gái vác đệp xơ dứa mới vào quấn ống đá cuội. Gái nói to:

- Ngoài rừng sáng trăng, mẹ ạ. Nàng Hoa hỏi:

- Trời lạnh thì trăng sáng hơn, tháng này tháng mấy rồi, mình ơi?

- Phải xem nút buộc mới nhớ được. Không ai nhớ tháng mấy. Từ khi tìm gặp lại được Mon, cái vui trong nhà tràn đầy không biết thế nào, nhưng cũng sau khi ấy, cuộc sống ở đây lại tựa hồ phẳng lặng tưởng cứ thế không bao giờ còn khác.

Rồi đột nhiên, người đắm thuyền giạt đến. œớc mong đất quê lại lóe lên, nhưng hy vọng đã triền miên theo mọi công việc phẳng lặng ngày lại ngày. Nhớ thì vẫn nhớ biết bao, nhưng không ai muốn khơi gợi đến nữa. Nếu không có lúc đem cái nút đánh dấu năm tháng, có lẽ không còn biết đời người dài ngắn thế nào. Không biết vì sao An Tiêm cứ nghĩ ngợi bồn chồn. An Tiêm nhìn Mon. Ngày ra đây, nó mới hơn mười tuổi. Bây giờ, hai vai nó lực lưỡng như hai cái bành tai đá, râu quai nón rậm kín cả cái cằm bạnh. Tóc Nàng Hoa đã bạc, rụng thưa cả đỉnh đầu, con cái Gái đã nên cô gái lớn khôn.

Nghĩ thế, An Tiêm cảm thấy thật nặng nề và thoáng buồn. Nhưng An Tiêm không bao giờ nghĩ vẩn vơ. An Tiêm không muốn vợ con nhìn được nét mặt tư lự của mình. An Tiêm đứng dậy, bước ra ngoài. An Tiêm trèo lên đứng bờ tường đá. Bấy giờ đêm xuống đã lâu, trời rừng mát dịu, không một làn gió nhỏ. Thinh không, mặt trăng sáng xanh, ánh sáng loãng dần ra. Sương in lên nền sáng trăng, tỏa trắng mờ cả bốn phía chân trời. An Tiêm bỗng bắt một cái rùng mình, thật lạ. Thoảng trong làn sương nghe đâu có một tiếng rền rền. Vừa thoạt nghe đã rợn. Tiếng mơ hồ như một vuốt chân sắc cứa vào người, chói lên. Không phải tiếng sấm, không phải tiếng cá lợn đùa, tiếng đuôi cá ông voi đập trên mặt nước, tiếng những chiếc càng tôm rồng bơi xô xát vào nhau. Không, đây nghe trong mơ hồ một tiếng quen đến lạ lùng. Tiếng đưa từ biển vào, rền quen đến nỗi chưa rõ tiếng gì mà cái tiếng đã bắt thẳng vào trí nhớ, dội lại, sống lại cả bao nhiêu những cảnh, những niềm, những tiếng xa xôi ngày xưa mà An Tiêm chưa kịp nhớ rõ, nhưng thật đã thấm cảm. Tiếng mơ màng qua làn sương mỏng, lúc đầu thoang thoảng ngỡ đâu cơn chớp bể mưa nguồn. Nhưng mùa nắng hết đã lâu, không còn mưa nguồn và sấm lạnh mưa rào nữa. Cái tiếng cứ mơ mơ, mỏng tanh, phơ phất theo làn gió xa, khi bên ngày khi bên đêm, khi canh khuya, khi rạng sáng, rồi một lúc, bỗng nổi dồn từng cơn ập ình, tiếng ập ình đổ òa ra thành tiếng rền vọng đi. An Tiêm nhảy vụt từ đầu tường xuống, chạy thẳng vào nhà. Chân An Tiêm chệnh choạng, tay vịn vào cột, tưởng không bước nổi. Trong ánh lửa bếp, Mon ngẩng lên, thấy mặt bố phừng đỏ trong làn râu tóc bung ra trắng xóa và mắt long lanh, khác hẳn vẻ điềm tĩnh của bố mọi khi. Lấy làm lạ, Mon đứng dậy, trèo lên mặt đất, đến trước An Tiêm. An Tiêm nói như quát:

- Cả nhà ơi! Tiếng trống! Nàng Hoa hốt hoảng đứng lên. Gái cũng theo mẹ.

- Cái gì thế?

- Tiếng trống! Tiếng trống! Mình ơi! Cả nhà cùng kêu:

- Trống đâu? Trống ở đâu?

Trong im lặng mênh mông, xa xa ngoài mặt biển đương nổi lên tiếng trống rền rền. Nghe đã rõ hẳn tiếng trống đồng. Tiếng trống đồng! Tiếng trống đồng! Tiếng trống đồng uy nghiêm lan trong bóng đêm mặt nước đương gợi lên trong mỗi người, gọi dậy trong mỗi người... Những dải đất xanh rờn. Một con sông nước đỏ, hai rìa bờ cát tõe tựa như con giải, lúc nào cũng lồng lộn đòi đổi dòng. Nhưng trên hai bờ con sông dữ, quanh năm một cảnh làm ăn thảnh thơi và chiều đến, đêm đến, đêm trăng sáng mỏng mảnh như lụa đã nghè, đã chuội. Những chiếc trống đồng đặt một loạt trên những đôi gióng tre bắc qua bến. Tiếng trống vang xuống mặt nước, lan xa. Tiếng trống hội cơm mới. Tiếng trống các làng vật. Đâu đâu cũng nô nức, mê mải thi đấu khi nhàn hạ, đợi làm mùa có hội mải chơi thâu đêm. Đêm trăng sáng, những tiếng bi ly... những chiếc dùi trống gỗ mít, gỗ chò chỉ cứng mà mịn, bọc da báo, da hổ đấm xuống mặt đồng, cứ rung lên ngân lên mãi. Rồi mùa gặt hái lại tới. Làng làng ra vít từng bông thóc, bó tròn từng lượm thóc chồng đống. Trong tiếng trống nhịp ba giục giã, lại người uống rượu, người vào sới vật mừng cơm mới. Các lão bà cũng bê hũ rượu nếp cẩm ra. Những keo vật suốt mùa mát trời cho đến áp Tết, rền vang tiếng trống trên bờ sông Cái, đương là lúc này đây, đương lúc này đây. Bây giờ, trên bến nước quê nhà, trời trong, thanh vắng. Bây giờ có còn gì không, hay nước lũ cuốn hết Bãi Lở rồi. Trên thế gian này có còn đất Bãi Lở không. Tiếng trống từ xa lắm rền đến.

Tiếng trống này từ trong chiêm bao rền đến... Mọi người bàng hoàng theo tiếng trống gióng mơ màng giữa làn sương, tiếng trống lắc lư bay từ đầu con nước xuống cuối con nước khiến cho Mon cũng ngứa chân tay, muốn sắp bước vào sới. Gái quay sang hỏi mẹ ngày trước có phải đến khi hội làng, hội vua, người ta mặc xống váy màu điều màu lục rực rỡ như con cào cào đi trảy hội và cũng nghe tiếng trống như thế, phải không, lâu ngày con quên rồi. Mẹ im lặng. Bố im lặng. Ngày còn trẻ, An Tiêm nhớ lại khi từ Ninh Hải về mới đặt chân đến Phong Châu... Mỗi người một ý nghĩ, những ý nghĩ bề bộn hình ảnh ngày trước đến xóa đi, không biết mình đương lưu lạc ở nơi hoang vắng. Nhưng tiếng trống bỗng im bặt. Ai cũng chới với như đương đi, chợt hẫng tay vịn trên cầu noi. Bóng trăng chỉ còn thu lại đỉnh đầu, bốn phía khoảng không đã mù mịt hẳn. Có 339 340 gió, cơn gió nhẹ đưa tiếng trống về phía khác. Hay chỉ là mê thấy tiếng trống. Cũng không tin được ở tai mình, An Tiêm khẽ hỏi Nàng Hoa:

- Mình ơi, phải tiếng trống đấy không? Phải mình cũng nghe tiếng trống ư?

- Có, mình ạ.

- Hay tôi chiêm bao?

- Không phải mình chiêm bao đâu.

- Tiếng trống lại im bặt rồi, có phải không mình? Lúc ấy, Mon nhớ lại khi bố đi tìm Mon, bố đứng bè ngoài khơi, Mon ở trong bờ. Mon nói to:

- Đốt lửa lên, đốt lửa lên. Cho ở ngoài bể mà có người thì trông thấy, bố ạ. Có thế mà giờ An Tiêm mới nhớ ra. Năm trước, Mon đã đốt lửa cho bố nhìn thấy, ngày trông khói, đêm trông ánh lửa, Mon đã làm thế. Cái bè vầu của An Tiêm đương phân vân giữa trời nước, thì trông thấy khói trong bờ. Và cái đận vợ chồng đi theo đường nước lũ phá từ trong rừng ra bờ biển, đêm nào cũng đốt lửa, những mong Mon ở đâu, trông thấy mà đến. ánh lửa! Chỉ có ánh lửa! ánh lửa nuôi người và nói được tiếng gọi nhau của người ra biển khơi... Thế là ngay lúc ấy, cả nhà dỡ luôn những đống củi quanh bờ đá, khuân ra bãi cát. Đầu tiên, đốt một đống lấy cái soi sáng lối đi. Rồi mọi người cứ tấp nập ném thêm cây vào. Cả Gấu em cũng chịu khó. Hai chân trước cắp hai cây gỗ, Gấu em đi đứng người lên, kéo lê lộc cộc theo thêm hai cây gỗ, ra tận bãi lửa. Lửa bốc đỏ khé bờ biển. Trong ánh lửa, cả sương và cả khói cuồn cuộn, tuôn tràn, đưa đi. Ngọn lửa phần phật quăng lên thành gió, tiếng gió hy vọng, tiếng gió phấp phỏng, tiếng gió kêu: có chúng tôi, có người trong này đây. Từ lúc ấy, vợ chồng con cái An Tiêm và Ma Li không vào nhà, cứ ngồi cả quanh đống lửa. Không ai buồn ngủ, không ai cảm thấy sương lạnh xuống đã ẩm tóc và lạnh hai vai. Tất cả cứ chăm chắm nhìn lửa rồi lại ngước mắt, lại nghe ra phía biển. Bùng... By ly... By ly... By ly... y... y... Bùng... Tiếng trống nổi lên dữ dội đột ngột, râm ran kề bên. Như trống đã vào đến ven biển. Bỗng chốc lại bảng lảng tận đâu rồi bỗng chốc tự dưng lại ập tới.

Nhưng không, rõ ràng lần này không phải khoảng cách, không ngỡ chiêm bao nữa, tiếng trống nổi rền đến nỗi ai cũng đều nghe ra tiếng trống thật rồi. Tiếng trống trầm bổng như người đánh đu tiên trong hội trống, đu tiên và tiếng trống đương gióng lên giữa biển hay trên trời. Người ngồi trong ánh lửa bờ biển hóng tai lên nghe, tưởng có trăm nghìn cỗ xe trâu đổ từ trời cao xuống. Chưa trông thấy gì, nhưng mỗi lúc tiếng trống uy nghiêm gióng lên, âm vang đi, lại tưởng trăm nghìn vạn cỗ xe trâu sầm sập đổ xuống, không lúc nào ngớt. Cả nhà An Tiêm mừng đến nỗi nghe tiếng trống cứ ngẩn ngơ đứng nhìn ra, không biết ngồi xuống nữa. Cho đến sáng. Trời tang tảng, đã vang rõ hẳn những tiếng trống sôi lên khắp mặt biển. Tuy nhiên, bóng nước vẫn mù mịt, không trông thấy gì hết. Rồi mặt trời đỏ đục hoe lên đằng chân nước xa kia rồi. Sương lần lần mỏng rồi tan, như mọi buổi sáng. Những người thức suốt đêm căng mắt nhìn ra vẫn tỉnh như không và lòng mong mỏi cứ tưởng mỗi tiếng trống nện xuống lại rung tan nhanh làn sương. An Tiêm và Mon với Ma Li lấy tù và ra thổi. Khói bốc dày đặc trong tiếng ốc tù và u uất. Bóng những chiếc thuyền như lưng con cá ông voi đen sẫm đã phơi lừng lững trên mặt nước, lúc đầu còn nhấp nhô như hòn đảo mờ, sau càng nổi hình đoàn thuyền, cả tiếng trống lủa tủa rộn rịch, lẫn tiếng reo hò - bây giờ nghe được cả tiếng người reo hò. Mặt trời đã cao quá sải tay, làn sương chỉ còn bảng lảng qua. Mười cái thuyền đã tới gần bờ, nghe tiếng trống, tiếng người lẫn lộn xôn xao, nhưng cũng chưa rõ tiếng. Rồi, từ trên thuyền, những cái chão như những con trăn quăng mình được ném xuống. Hàng loạt người nhảy theo, có người sải tay bơi, có người hấp tấp nắm chão lội nước gò lưng cúi một dãy, kéo thuyền.

Những chiếc thuyền vào đã bềnh hẳn lên. Lại từng đám người líu tíu tranh nhau nhảy xuống, lội ào vào. Trông rõ thấy ở tay mỗi người vác một ngọn mác, nhiều người khoác vai chiếc nỏ chiến và ống tên, đương xô lên bờ. Có hai cụ già từ trong hàng quân lội ra, lên bãi trước. Đấy là hai cụ già Bãi Lở. Từ hôm đoàn thuyền ra qua cửa sông, đêm nào thuyền nào cũng gióng trống suốt đêm trong khói trầm. Tiếng trống cho quân quan đỡ nhớ nhà, tiếng trống đánh tiếng của sự sống. Cả những đêm động biển, thuyền như lao vào vực thẳm, người cứ giết gà xem điềm chân từng lúc, trống vẫn nổi giữa tiếng nước réo. Càng ra xa, tiếng trống càng dồn dập. Một hôm, mọi người nghển đầu trông ra, rồi tất cả các thuyền đều hò ran trên sóng: Thấy đảo rồi! Thấy đảo rồi! Hòn đảo nhô lên đằng mép nước, bé như cái chũm cau, đi đến trưa thì thấy hòn đảo to bằng cái chóp nón.

Các cụ già Bãi Lở vốn quen sông nước, các cụ bảo: chèo thuyền vòng quanh, ở đâu có người trong đảo cũng phải nghe tiếng trống mà ra. Thế rồi nửa đêm qua, hốt nhiên thấy có ánh lửa đằng xa trước mũi thuyền. Lúc đầu, ngỡ trăng lên, rồi lại ngỡ sao chổi, nhưng sau biết đấy là lửa, lửa to, lửa rừng rực như lửa cây đình liệu, thế là trống trong các thuyền và cả tiếng ốc tù và cứ rúc lên thâu canh. Nghe kỹ, trong bờ cũng vẳng ra tiếng tù và... tu... tu... Như người đi rừng tìm nhau. Hai cụ già Bãi Lở xem cả hai chân con gà trống vừa được mổ rồi bước ra, quì xuống sạp đầu mũi thuyền, vái lên trời, khấn:

- Có phải lửa kia khói kia, tiếng tù và kia báo chủ tướng ta còn sống. Trời xui khiến ta được gặp chủ tướng. Trời xui khiến cho ta lần này được gặp chủ tướng. Rồi đổ cả một thúng trầm đương cháy thơm xuống nước. Đến lúc những chão đã neo được thuyền vào, hai cụ cũng nhảy xuống, lên theo. Hàng trăm quân quan đã lên hết bờ. Tiếng tù và rúc ánh ả. Một bọn lom khom kéo thuyền, còn một bọn chạy lên phía đống lửa sáng sớm vẫn còn khói nghi ngút. Không trông thấy gì. Chỉ có một đám lửa trơ trọi lởm nhởm trên đống đá mốc xám. Nhưng, rồi đống đá mốc ấy rùng rùng đứng dậy. Hốt nhiên, cả bọn quan quân đương tiến, đứng phắt lại, hạ cánh nỏ trên vai xuống. Loạt tên lắp răm rắp xuống máng. ạng cụ Bãi Lở hơn trăm tuổi, xua tay, nói:

- Khoan! Khoan! Người đấy!

- Không phải, người rừng! Người rừng! Con gấu nữa!

- Con gấu to quá.

- Con gấu với người.

- Người rừng! Người rừng!

- Không được bắn!

- Ma! Ma!

- Khoan! Khoan! Không được bắn!

- Người rồi! Tiếng tù và người thổi! Người thổi tù và! Cả bọn quân quan lặng lẽ nhưng nghiêm, tay giương nỏ, bước lên. Bây giờ, đã trông rõ có ba người đàn ông mình xăm chàm vằn vèo và hai người đàn bà váy áo lá lướp tướp. Những mớ tóc dài xuống đến bắp chân và mặt những người đàn ông thì râu rậm rịt quấn lẫn cả tóc, chẳng khác mặt con gấu đương bò thủng thỉnh đằng sau. Hai ông già Bãi Lở chạy ra đầu hàng quân, hướng về phía trước quì sụp, rạp mặt xuống bãi cát. Cùng kêu to:

- Chủ tướng ôi! Chủ tướng ôi! Phải chủ tướng đấy không? An Tiêm tất tả bước đến, nâng hai ông già lên rồi quay lại, nước mắt đầm đìa, bảo Nàng Hoa:

- Mình ơi, các cụ Bãi Lở nhà ta đây...

- Chủ tướng ôi! Năm xưa, hai chúng tôi đưa chủ tướng ra cửa sông... Thế mà An Tiêm bấy lâu những tưởng đất Bãi Lở đã chìm trong cơn lũ rồi. Bây giờ, chỉ thoạt trông thấy hai ông lão, đã có thể biết ngay Bãi Lở vẫn hiên ngang trong cõi đời này. Cả nhà không ai cầm được nước mắt. An Tiêm nói:

- Các con ơi! Đây là cụ già Bãi Lở đã cho ta giày cỏ và nón, chiếc sừng trâu kéo lửa và con dao rựa. Những của báu đó bấy lâu giúp cho nhà mình chống chọi được muôn vàn khó khăn. Đến nay, cái sừng trâu đã mòn một nửa, vẫn còn, con dao vẫn còn cái sống dao và tấm lòng ta thì vẫn đinh ninh như ngày ra đi. Cái chết không thể đến được. Ta không muốn chết thì không thể chết được, có nhẽ thế... Viên quan coi đạo thuyền vòng tay bái An Tiêm, cung kính nói:

- Chúng tôi được nhà vua cho ra đón chủ tướng về.

Tiếng trống rền rền vang vang... Bùng... bi... bùng... Nơi hoang vắng xưa rày chưa bao giờ được nghe biết quang cảnh tưng bừng kỳ lạ, nhiều tiếng cười nói, tiếng chân chạy, tiếng trống, tiếng vần cối gỗ, cối đá, tiếng nồi, chõ xủng xoảng nhộn nhạo đến như thế, lạ thế. Từ trên thuyền khiêng xuống những chiếc chiêng đại, trống đại da đồng đỏ hau, vàng chóe, những chum rượu tăm còn nút kỹ lá chuối khô, từng khiêng thóc nếp, thóc tẻ vàng mượt và những dó cói đựng đầy đỗ xanh. Trong khi đó, hai ông lão theo An Tiêm vào nhà. Từ lúc lên bãi, mỗi bước đều khiến tất cả mọi người ở đất quê ra xiết bao kinh ngạc. Tưởng nơi hoang dã, thế mà không! Người ở đến đâu, ra cơ ngơi rõ người ở đến đấy. Những bãi dưa tàn lá úa. Những mỏm đá phơi cá, phơi nước biển lấy mặn ăn. Quanh nhà, những tấm lước dây móc đánh cá, ngả nghiêng những chiếc cần lưỡi câu vàng chóe. Nhà thật thoáng, nhà ở ngoài nội Phong Châu, chỉ khang trang đến thế. Phên cửa trúc đan trông ra, có mấy con rùa đương nằm sưởi nắng. ống vầu, bìu da hươu và bong bóng đựng nước, đựng rượu, xếp cao ngang góc cột. Những xâu thịt lòng thòng tỏa xuống khắp vách. Góc trong, một khung sợi móc dệt đương mắc. Nồi, trã, bát cả chồng, hàng trăm người ăn cũng có đủ. Hai ông già kêu lên:

- Quả như xưa nay chủ tướng đã nói rằng đâu có người thì đấy có tất cả. An Tiêm cười sảng khoái, hỏi hai ông già:

- Có khi nào các già nghĩ rồi một khi ta cho người Bãi Lở ra mở đất nơi này không?

Mon và Ma Li dẫn lính vào rừng. Một chốc, đã khiêng về bốn con nai to. Cối giã gạo và bếp cơm, chõ đồ xôi bắc la liệt ngay đầu suối Sáng. Tiệc hạ bốn con nai ở đây linh đình hơn cả tiệc vua mổ mười trâu đãi các cõi. Cho đến tối, trong nhà, trên bãi, người ăn uống vẫn ngả nghiêng. Cả quan lẫn lính mừng khôn xiết kể. Mừng lệnh vua ra đã được trọn vẹn, bây giờ chỉ còn tính đường về. Trống đồng nổi, tiếng rền không lúc nào dứt. Đến tận khuya, những đám vật vẫn liên miên quần thảo trên sới ngay giữa bãi cát. Trống thúc âm vang, An Tiêm lên sới vật. An Tiêm vật với ông đô già trạc tuổi bảy mươi. Cụ già nhất trên trăm tuổi thì khoan thai cầm trịch. Những người đương thui nai ở đầu suối cũng nghển cổ lại xem hai cái đầu bạc phơ phơ, đương xắn tay áo vào sới. Hai cụ đứng khuỳnh ngang chân. Rồi, cái dùi trống ở tay cụ cầm trịch thúc xuống mặt trống, đầu tiên còn thong thả. Hai tay đô từ từ hoa hai cánh tay rám nắng, đẹp như hai cánh phượng. Hai cụ uy nghi bước ra bái tổ, lên đài "quấn chỉ", ngón tay quấn chéo như hoa lan chín, rồi bá vai nhau xong, quay ra. Tiếng trống thúc vào trận đã say say. Thế là, gân chân và khoeo tay nổi cuộn như rắn quấn. Nhẹ như không, An Tiêm đảo nghiêng mình một cái, vai đương tỳ bỗng rút về một phía, ông cụ bảy mươi ở Bãi Lở kia đã ngửa mặt trên mặt cát. Tiếng reo nổi như sấm. Cụ già trên trăm tuổi nọ buông dùi trống, quì xuống nói:

- Chủ tướng ôi, không ngờ trải bao năm sương gió, chủ tướng vẫn khỏe như ông hổ, ông trăn, thật đại hồng phúc cho dân chúng tôi.

Những cuộc đấu vật rậm rịch đến tận tối xoay chung quanh hàng chục, hàng chục đống lửa được đốt lên, soi trên các mâm lót lá dong lá chuối bừa bộn từng tảng thịt, bên những ụ xôi, ụ cơm trắng, những bát đàn đất nung và những ống mắt tre, những ống mắt vầu làm chén đựng rượu đã được bày dàn ra. Không lúc nào dứt tiếng trống thúc hội vật. Đám vật của bọn trai trẻ càng sôi lên nữa. Sức Mon đương độ. Suốt chiều đến khuya, Mon và Ma Li lẳng ngã có đến hàng chục quân quan. Không người nào chịu được một cái khóa tay của Mon, thế là cả người bị hất ngửa tênh hênh bụng. Ai nấy trầm trồ sức khỏe hai cánh tay như trăn núc của tiểu chủ tướng. Ai đâu biết được cánh tay Mon ghê gớm đến thế bởi những cuộc vật đã bao năm với anh em gấu. Có một lúc, đương cuộc vật nô nức, Mon chợt nhớ đến Gấu em. Từ lúc nào, không trông thấy Gấu em. "Thằng này đi đâu rồi"

Mon nghĩ. Nhưng rồi, chưa kịp tìm gấu, tiếng trống đã lại giục giã và mùi hương trầm, hơi trầu cau nồng nàn bốc trên đầu, trên mặt mọi người, với tiếng hò reo đinh tai thúc người lên sới, Mon lại mải mê cuốn vào đám chơi. Tiếng hí, tiếng hò la, tiếng gieo mình xuống cát, tiếng trống, tiếng cồng đến canh khuya, cả đêm, trong ánh lửa rừng rực hòa ánh trăng lạnh trắng. Đôi khi, chợt im, đâu đấy lại vẳng tiếng khèn réo rắt luồn trong làn sương pha mỏng xuống giữa đêm. Cuộc chơi vui quá. Bao nhiêu mong mỏi, bây giờ được thấy, lại thấy người, lại được trở về đất quê. Những đêm ấy không biết có đêm. Nàng Hoa cầm miếng cơm xôi nếp đỗ xanh, đưa lên miệng, nước mắt trào xuống. Gái hỏi:

- Xôi ngon thế, sao mẹ khóc? Nàng Hoa cười mếu máo:

- Nửa đời người, bây giờ mới lại được trông thấy hạt cơm. Rồi hai mẹ con cùng ăn ngon lành. Tảng sáng, hai ông cụ Bãi Lở vào nói:

- Thưa chủ tướng, hôm nay rước người trở về, rước người cùng cả nhà về đất quê. Chúng tôi đã đem đủ mọi thức, chủ tướng cho thay xống áo rồi ta lên thuyền. An Tiêm đưa mắt nhìn khắp đảo, rồi nói:

- Con trai ta sẽ cạo hết râu sữa đi cho rõ trang thanh niên, để người trong cõi khỏi chỉ trỏ xem lạ mà thôi. Lính đưa dao cạo đến. An Tiêm lại nói:

- Còn thì hãy khoan cả mọi thứ. Chúng tôi không chàm mình, cứ để mình trần thế.

Chúng tôi không ai thay xống áo mới, ngày ra đi thế nào, ngày về vẫn thế. œớc vọng khi đi thế nào thì ngày về vẫn đinh ninh thế. Cả đến cái sừng trâu đánh lửa của hai già cho vẫn còn giữ, chúng tôi cũng biết giắt lưng đem về, tất cả. Bây giờ không phải mảnh sừng ấy đánh ra lửa mà mảnh sừng trâu thành một tình một nghĩa với chúng tôi không bao giờ phai nhạt. Nàng Hoa đỡ hai bọc mo cọ trên mái xuống. Xống áo, váy và thắt lưng, hai ba cái đúc vá làm một, đã bao năm cất đi, thế mà còn ra hình thù, mặc dầu các cửa tay và gấu đã xổ bợt như xơ mướp, mặc dầu đã mấy lần, Nàng Hoa và Gái đem vá víu, cố công phơi phóng, rồi lại cất đi, năm này qua năm khác. Xống áo cũng bạc nhạt như râu tóc, nhưng, bây lâu mọi người chỉ soi gương bằng mặt giếng, mặt suối, thì cái ăn mặc ấy cũng làm thường. Nhưng, thật lạ, hàng hàng quan quân, áo quần, thắt lưng, khăn mới rộn ràng, thế mà cả trăm người đều kính cẩn quay lại nhìn vợ chồng bố con An Tiêm rách rưới đương tề chỉnh trong hương trầm nghi ngút, một vẻ oai nghiêm, lẫm liệt, đáng kính, đáng phục. Những cái xống áo rách nát kia không ai để ý đến nữa. Viên quan coi đạo thuyền bước tới, vòng tay, bái:

- Thưa chủ tướng, thuyền đã sắp xong, xin đợi lệnh người. An Tiêm quay lại Ma Li:

- Bây giờ con cùng về với cả nhà? Ma Li cười:

- Thưa vâng. Lúc ấy, Mon hoảng hốt kêu:

- Thằng Gấu em đâu?

Cả nhà mới nhớ ra. Hình như từ bao giờ không thấy gấu. Thế là Mon với Ma Li và An Tiêm, cả Nàng Hoa và Gái rồi tất cả quan quân chia nhau đổ đi các ngả rừng. Tìm đến nửa buổi, tiếng ve núi kêu trưa đã ran ran. Các toán trở về đều nói không thấy. An Tiêm bảo với hai ông già và quan coi thuyền:

- Các người ôi! Anh em nhà gấu này đã ở với con trai tôi từ lúc gấu nó còn nhỏ, đã cùng trải hoạn nạn, cái sống cái chết đã nếm mùi cùng người, gấu nó cũng bằng hàng con cái tôi rồi, nay trở về, không nỡ bỏ gấu lại, thế nào cũng phải tìm cho được. Có khi vì nó chưa bao giờ quen người đông đến thế này, nó lại vốn không thích ăn thịt nên nó đi tìm quả trám, tìm khoái ong cũng nên. Các bác giúp tôi, cố tìm được nó cho tôi. Suốt ngày hôm ấy, cũng không thấy.

Rốn lại hôm nữa. Lại tìm khắp nơi. Cũng không thấy. Từ lúc có những chiếc thuyền lớn cập bờ, cả nhà đổ xô xuống. Gấu em thấy không còn mắt ai hay nhìn mắt mình như thường khi. Rồi, cả hàng rừng người đổ lên bờ cùng với những tang trống lớn, chạy đi, chạy lại, rối loạn mắt. Ma Li, Mon và Gái tíu tít trong đám mới đến. Những người mới đến cũng quấn lấy hai đứa, hết bọn này sang bọn khác, lúc đánh vật, lúc ăn uống. Gấu em tha thủi về nhà, bò xuống nằm ở cái gian thấp dưới lòng đất. Gấu em đặt mõm lên trên hai bàn chân trước duỗi thẳng, mắt hé mở, buồn bã và dửng dưng nhìn ra, có lúc hóng xem Mon hay Gái vào không. Nhưng chẳng thấy. Tiếng trống cứ rờn rợn, Gấu em sợ tiếng trống ấy. Tiếng rền rung cả hai mang tai. Mỗi lần tiếng trống bắt đầu nổi, Gấu em lại giật mình. Khi tiếng trống thúc, Gấu em bồn chồn. Gấu đứng lên, gấu lại nằm xuống. Gấu quay mõm trông vào tường đất. Phía nào cũng chỉ nghe tiếng ình ình. Trong bóng tối nhấp nhem, ánh lửa ngoài bãi, Gấu em lủi thủi bò vào rừng. Gấu em đến chỗ cái hang đá mà cả nhà hôm nọ chạy bão cạn, Gấu em chui vào hang, chui vào tận cùng hang. Gấu em lẩn thẩn bò lên ngách thượng, chỗ hai bên đá hẹp lại, chỉ đặt vừa cái mõm. Gấu em nằm im. Trong khi ấy, ba ngày đêm liền, mọi người đi tìm gấu khắp rừng mà không thấy. Thế rồi buổi sáng đoàn thuyền ra khơi. Những cánh buồm cói giong lên. Mon và Gái còn đứng mui bồng cố trông lại. Khi ta ở lâu, cả khi không biết chú ý nơi ấy nhưng đến lúc rời nó thì bỗng nhỡ, lại thương. Mon và Gái, chẳng những đương quyến luyến nơi mình đã lớn thành người, mà bấy giờ cả hai anh em đương cố nghĩ, cố hiểu vẫn không hiểu được - bây giờ Gấu em ở đâu. Gấu em đi đâu? Cái Gái òa khóc. Thuyền đã ra xa, càng xa, trông lại chỉ thấy bờ nước phẳng lặng, nước gần lẫn với rừng và thuyền càng ra xa thì những cánh rừng, những đỉnh núi xanh sẫm cứ nhạt dần, thụt thấp dần xuống ngang mặt nước.

Lúc ấy, ở bãi cát trong bờ, xuất hiện một chấm đen. Rồi trông rõ đấy là Gấu em. Gấu em kia, Gấu em đương đi ra. Gấu đứng trên bãi. Gấu em kia, Gấu em nhìn ra. Gấu em đứng thẳng, như những lúc trông ngóng. Như gọi, như vẫy. Mon và Gái và Ma Li khoa tay rối rít. Trên thuyền nào cũng có từng đám người đương ra ngoài mui, rồi thả từng ôm trầm nghi ngút khói thơm xuống nước. Hai ông già người Bãi Lở vừa xem bói chân gà xong, đương cùng bố mẹ Mon quì rạp xuống đầu khoang. Buồm đã ăn gió, bói đã được quẻ, không thể quay lại được, thuyền đi thẳng căng, lướt nhanh ra khơi, trong tiếng trống rền rã. Gấu em vẫn đứng ngóng ra. Đoàn thuyền đã xa hẳn. Gấu em luống cuống lội xuống nước. Gấu em ngẩng đầu lên. Những chiếc thuyền vẫn đi. Gấu em gầm đầu xuống mặt nước. Như thể Gấu em đương há mõm, sắp uống, muốn uống cạn nước biển Đông - ước sao uống được cạn nước bể Đông, bắt đoàn thuyền đương đem đi những người thân yêu của mình kia phải đứng lại đấy, cho mình ra theo.

Quảng cáo
Trước /16 Sau
Theo Dõi Bình Luận
Cấm Đình

Copyright © 2022 - MTruyện.net