Màu Nền | |
Màu Chữ | |
Font Chữ | |
Cỡ Chữ | |
Style Combo | |
Khi Hà Hương tới nhà hội, lúc đêm hôm vắng vẻ không người, kề má phấn, trỗi giọng kèn, chú Bảy chạnh niềm ngồi ngơ ngẩn, chú Bảy rưng rưng nước mắt, nhìn Hà Hương một chặp rồi nói rằng: “Tôi mà bỏ góp chợ góp búa, nhịn đói nhịn khát, băng bộ đi tìm chị Hai, nào phải tiếc của đời mà dời bước, chỉ thương tình sau trước ấp yêu. Nay may mà tôi gặp chị Hai, tôi mừng biết bao nhiêu, mừng là mừng vì tưởng ngọc ẩn Côn can chờ bạn cũ. Dè đâu tới đến đây chị Hai lại phụ, mới hay Châu dời Hiệp phố phụ tình, tôi gặp chị Hai, đây tôi cũng muốn làm bổ ít lâm chúc, làm cho thiệt phận người ở bạc với mình, nhưng mà tôi không đành, vì còn thương chút phận liễu bồ tươi tốt, chị Hai làm ra cớ đỗi ni, lỡ rồi, thôi, chị Hai về với tôi, dẫn ai chê quê dốt, cùng là cười dại dột ngu suy, miễn nên câu phu xướng phụ tùy, sá chi tiếng thị phi nhàn quản.”
Hà Hương rằng: “Thiếp chẳng phải tâm tình bãng lãng, chú Bảy chưa tường hãn căn nguyên, tôi với chú bảy nó mà chẳng nên vợ nên chồng; ấy mới thiệt phận vô duyên đối diện bất tương phùng là vậy đó; còn như chú Xã với tôi, chỉ thị hữu duyên năng tương ngộ, cách xa thiên lý lộ mà gần, ấy vậy chú Bảy nó, bất oán thiên hề mạt vưu nhân, cho hay cuộc ái ân tiền định.
Chú bảy có nghĩ tình chút đỉnh, bằng mà không thì tính bạc vàng, dầu của đáng mấy ngàn, sáng chú Xã mời làng tới trả.”
Chú bảy nói: “Ai đòi nợ mà chị Hai lo trả, tôi tìm đến đây cũng vì ức dạ lỡ duyên, có phải nào tính việc bạc tiền, mà chị phải phân phiền lẽ ấy. Nay tuy ra làm vậy, chị tính sao cho phải nhơn tình, dẫu có nghèo ăn muối ngủ đình, thì tôi cũng là đành thỏa dạ.”
Hà Hương nghe nói như vậy, làm bộ cười mơn rồi ôm chú Bảy hun mà rằng: “Chú Bảy nói nghe ra phải quá, mà biết làm sao bây giờ, thiếp sợ e chú Xã chú ghen, nầy thôi tính làm vầy, lâu lâu chú Bảy có nhớ tôi tới viếng một phen, tôi lén núp bóng đèn trò chuyện với, chịu không?”
Chú Bảy khoái ý cười, ôm riết Hà Hương vào lòng hun hít nựng nịu một hồi rồi … rồi …. Thoạt nghe tiếng Hà Hương nói: “É đừng, é đừng … “ chưa dứt liền nghe chú Bảy: “Đừng gì dạ!!!”
Một chặp cách chừng mười lăm phút đồng hồ, nghe tiếng Hà Hương hỏi chú Bảy: “Còn giận nữa hết?”
Chú bảy nói: “Hết”. Tuy miệng thì nói hết, mà cứ nhìn Hà Hương không nháy mắt, ngó mà lắc đầu, hình như tiếc của đời, ý chẳng muốn rời nửa bước.
Thoảng mãn tình dài đêm vắng, phút đâu trời đã bình minh, Hà Hương liền trở lại gia đình, chúc chú Bảy khương ninh hai chữ.
Hai đàng từ giã nhau, tội nghiệp chú Bảy tay thì chẳng nỡ rời, Hà Hương lại sợ miệng đời dèm xiểm. Khi Hà Hương bước chưng ra về, chú bảy kêu vói, dặn Hà Hương mua dùm một cặp dừa khô.
Hà Hương hỏi: “Một mình thiên lý trường đồ, mua chi thứ dừa khô quẩy nặng.”
Chú Bảy nói: “Mua về giành nấu Ca ri ngon quá đạ!!!”
Chú Bảy còn ở lại đó, chờ nhóm xin bãi nại, còn Hà Hương bức áo ra về, gặp chú Xã khoanh tay chờ bạn.
Vợ chồng gặp mặt nhau, chú Xã mừng, đem Hà Hương vào phòng hun hít nựng nịu một hồi rồi nói: “Chị Hai nó đi tắm đi, hồi ra đi lúc ban đêm, không có đi nắng, mà sao mình chị Hai nó có hơi khét nắng!”
Hà Hương gượng cười háy chú Xã rồi xây lưng trở mặt. Chú Xã mới hỏi qua tới việc chú Bảy tính ra thể nào, tính có êm cùng chăng?
Hà Hương liền đem hết đầu đuôi, tỏ bày cùng chú Xã, rồi nói: “Mọi việc tính yên, xin mình an tâm chớ ngại.” Chú Xã cười chúm chiếm mà rằng: “Tính một lần trót cả đêm, nếu chị Hai nó tính yên như vậy mười lần, ắt tôi tránh chẳng khỏi thất công mài nghệ!’
Hà Hương mắc cợ, véo bắp vế non chú Xã, chú Xã chắc lưỡi la ôi, rồi …
Thoảng mãn ngày qua tháng lại, vợ chồng ở với nhau đã bốn tháng dư; bữa kia chú Xã đi nhóm, Hà Hương ở nhà một mình, nằm gác tay lên trán, sực nhớ tới Nghĩa Hữu dường như mới tỉnh giấc say. Hà Hương nằm giọt lụy nhỏ ròng, nghĩ đến phận chồng mà cám cảnh.
Xét từ thuở phân tay nơi Lách, tưởng cùng nhau kim thạch chi tâm, dè đâu từ ấy nhẫn nay, mình an thửa phận mình, chẳng nghĩ tới tình tấm mẳng. Chưa biết vậy mà người có ôm dạ đợi ta cùng chăng, hay là người mỏi mắt trông, đi thẳng về nhà; như người mà đi thẳng về nhà chẳng nói chi, chớ như người mà đợi ta, biết lấy chi ngày tháng trải qua, xét lại hổ phận ta lắm bấy.
Nghĩ tới nỗi Hà Hương nằm ôm gối khóc thầm, khóc rồi mới tính quyết tình cho gặp gỡ. làm sao cho gặp bây chừ? Khó cha chả là khó.
Vả chăng chú Xã là tay bợm bãi, chẳng phải như chú Bảy mà mắc lừa, rất đỗi là Chà Và, mình bức tình nó còn biết đi thưa, luống lựa là chú Xã, có vừa gì mà làm vậy. Nếu chẳng làm như vậy thì phải làm sao cho đặng việc?
Hà Hương nằm lăn qua lộn lại, nghĩ tới xét lui, rồi mầng thầm mà rằng: “Phải, muốn vậy, phải làm như vầy, … như vầy …”.
Chiều, chú Xã đi nhóm về, Hà Hương lo việc cơm nước xong xuôi, tối lại vào phòng đàm đạo. Hà Hương nói: “Tôi tính một việc hành phương phản mại, xin mình hà hải nhậm ngôn, ăn no rồi ở không buồn quá; lại thêm chẳng phải của chồng ngồi không mà chuốc móng aty, vậy thì nhà sẵn sàng chuối, mít, cao, dừa, thuyền bạn cũng sẵn. Tôi tính chở tới Trà Vinh mà bán. Dẫu chẳng đặng lời nhiều thời lời ít, ít nhiều có của tư riêng, vậy mới vững mới bền, vậy của tiền chẳng thiếu.”
Chú Xã nghe Hà Hương lo việc buôn bán làm ăn, mừng cười, vuốt ve Hà Hương mà khen giồi, rồi cho y như ý. Hà Hương ơ lịnh, lo sửa sang mọi việc chớ chầy, nghĩ thầm: “Ta mà đi chuyến nầy, sắt sao cũng sum vầy cùng Nghĩa Hữu.”
Nói về Nghĩa Hữu, từ ngày phân tay nơi Chợ Lách, tách bộ tới Trà Vinh, vào khách sạn mướn phòng tạm ở chờ Hà thị.
Chờ càng ngày càng bặt, bạc càng bữa càng mòn, trong lưng chẳng có nhiều, ở mười lăm bữa tiền đà vắn túi. Ở ráng đợi Hà Hương lên năm ngày nữa, không có tiền trả chủ tiệm mắng nhiếc đuổi xua, xét cho phận Nghĩa Hữu chẳng phải xuất ư hàn vi, chịu lỳ vậy nghĩ âu rất tệ.
Nghĩ lại rầu, Nghĩa Hữu ngồi khoanh tay tính không ra kế. Xảy đâu có chú bếp đi tới, thấy Nghĩa Hữu mặt có sắc buồn, mới hỏi bởi duyên cớ nào, oan ức điều chi khá nói. Nghĩa Hữu liền đem sự tình bày tỏ ra hết cho chú Bếp nghe; chú bếp mới nói: “Sao không đi kiếm công chuyện làm ăn, để ngồi khoanh tay mà chịu.”
Nghĩa Hữu nói: “Xứ lạ tư bề người lạ, biết làm chi cho có mà ăn.”
Chú Bếp mới tiếp rằng: “Có một chỗ Căng-ton-nhe (lục lộ) mới khuyết. Sao không vào xin mà làm.”
Nghĩa Hữu nói: “Muốn lắm, song không người tiến dẫn, khó mà xin cho đặng.”
Chú Bếp nói: “Nếu muốn theo ta, ta giúp cho.”
Nói rồi sắp lưng ra đi, đem Nghĩa Hữu tới thầy Đội mà nói dùm, thầy Đội đành cho vào sở.
Kể từ đây Nghĩa Hữu làm lục lộ, một tháng sáu đồng bạc, vừa đủ cho cơm nước trầu cau, ít ngày làm quen với anh em, đem về cho ở đậu. Tuy làm công chuyện cực khổ như rứa, sớm đi tối về mà Nghĩa Hữu chẳng hề than, một nhớ Hà Hương dang díu.
Nghĩ Hữu nhớ Hà Hương cho đến đỗi nằm ngồi không an giấc, mơ màng bóng phất bên mình, mỗi khi Nghĩa Hữu đi ra, thấy gái lịch đứng mà nhìn, song chẳng phải tham sắc động tình, chỉ nhớ việc sơn minh thệ hải.
Tội nghiệp Nghĩa Hữu nghèo lắm, tiền lương vừa đủ cơm nước trầu cau thuốc giấy, bánh hàng thèm mấy cũng không tiền, có nhiều khi Nghĩa Hữu thèm ăn món chi mà không tiền mà mua, ngồi khoanh tay nghĩ lại chạnh phiền, phiền là phiền mối tơ duyên khéo gạt. Nghĩ nhà cửa mẹ cha rân rát, của tiền chất muôn ngàn, ruộng nương dài rộng mấy dặm đàng, không ở nhà mà hưởng, lại đem thân chịu cơ hàn quá ngặt. Thời cũng tưởng chỉ tơ buộc chặt, trăm năm cầm sắc sánh đôi, dè đâu nó gạt mình cho ra phận nổi trôi, rồi nó lại chẳng tưởng, thiệt là nhơn tình bạc tợ vôi rồi đấy.
Khi nào rảnh Nghĩa Hữu ngồi xét việc tóc tơ chẳng tròn mà sa nước mắt, song ngày giờ không có nên nghĩ chẳng đặng sâu xa, hễ về nhà ăn ba hột cơm, rồi kế một giờ đà lo bước chơn ra, đầu đội nón lá, chơn mang thảo hài, tay cầm chổi quơ qua quét lại!
Nghĩa Hữu xuất thân mấy tháng, quen biết cũng nhiều, lại thêm cứ Trà Vinh đàng Thổ biết bao nhiêu, lần lần biết tiếng Mên giỏi quánh.
Nói về Hà Hương, chở chuối, dừa vừa xong, bạn bè tựu đủ, Hà Hương ra từ giã cha chồng với chồng đặng có lui, chú Xã thì bằng lòng cho đi, ngặt ông Chủ thấy Hà Hương quốc sắc khuynh thành, lại thêm đeo vàng chuỗi đầy mình, ông Chủ sanh nghi, song chẳng phải nghi trộm cướp chi chi, chỉ có nghi Hà Hương bão ti quá biệt!
Bởi vậy ông Chủ mới nói: “Con vả chăng phận gái, ra mà đi một mình như vậy, cha sợ e phong võ bất kỳ, vậy thì thằng Xã mầy phải đi, theo vợ mầy cho có bạn.”
Chú Xã cố ý đi với Hà Hương hổm rày, song sợ ông Chủ quở trách nên chẳng dám nói ra, nay mà nghe có lịnh cha, khoái chí biết bao nhiêu mà kể. Chú Xã dạ dạ vân lời biểu trẻ đem đồ đạc xuống ghe, rồi hối bạn bè, nhẹ tách.
Khi nhe tới Trà Vinh, ghé bến cơm nước vừa xong, chú Xã mới tính đi kêu bạn hàng xuống mà sang, Hà Hương cản nói để cho nàng toan liệu. Việc buôn bán phải nhắm em mà xem chợ, phải cá tôm gì mà bán mớ kẻo ương, vợ chồng mới bước lên đường, rảo các phố phường cho biết.
Khi vợ chồng đi tới đàng kia, thấy dân làm đông đảo, lục lộ đứng mà nên đường. Hà Hương biểu chú Xã đứng coi chơi, một chặp dời chơn chẳng muộn. Đang đứng coi, Hà Hương chợt thấy một người đầu đội nón lá rách, mình mặc áo quần đen, chơn mang thảo hài, đứng coi tội kéo (roulean) hủ lô mà cáng. Hà Hương nhắm hình thù in Nghĩa Hữu, nhưng mà bởi cơ hàn nên lạ mắt nhìn. Hà Hương cứ việc làm thinh, chăm chỉ ngó hoài không nháy mắt.
Người đội nón lá rách ấy ngước mặt ngó mông, xảy thấy người đờn bà đứng dựa lề đàng với một người đờn ông coi dân làm, nhan sắc rất đẹp, liếc mắt ngó qua, coi giống hình Hà thị. Người đội nón lá càng trông càng đẹp, càng ngó càng thương, nếu như quả Hà Hương, với ai lại ngọc đường kim mã. Coi đã không mỏi dạ, ngó lại chạnh đau lòng, muốn lại gần coi thử phải cùng không, đặng tỏ nỗi tình trông từ ấy. Bụng thì tính vậy, mà chơn còn hãy ngại đường, khốn thay, mắt đượm nhuần không tỏ chút tình thương, ruột quạnh thắt ai tường cho đó.
Hà Hương lại thấy người ấy liếc ngó, làm bộ như không rõ tình hình, hai đàng trộm ngó lén nhìn, vậy mới quả kẻ có tình rình ý.
Nhìn nhau như vậy đã lâu, song hai đàng chưa ai biết ai cho chắc. Chú Xã giục Hà Hương đi, Hà Hương cứ kie1m thế dối chồng, đặng ở đó đứng trông cho tạn. Chú Xã giận lắm, nhằng mà không rõ thấu ý chi, trong bụng thật hồ nghi, song chẳng biết lẽ gì mà nói.
Đến chừng Hà Hương nhìn quả là Nghĩa Hữu, xem hãn cựu tình chung, đứng trơ trơ đôi mắt rưng rưng, đau dạ biết bao nhiêu kể xiết. Hà Hương nghĩ: “Nhìn đà quả quyết, biết sao rõ việc chung tình, nếu không dằng e nỗi sự tình, một mình giữa hai tình khôn hở miệng.”
Chú Xã thấy Hà Hương ủ mặt, lại thêm hai hàng nước mắt vội sa, chẳng hiểu ức chi lại chẳng tỏ ra, ôm dạ khóc thầm như vậy. Chú Xã mới hỏi: “Việc buôn bán lỗ lời chưa thấy, há chẳng lo, chát quấy vào lòng, sao không đi đứng đó ngó mông, lại có tỏ lòng bi lụy?”
Hà Hương rằng: “kể từ thuở ông tơ xe chỉ, chưa phân trần chung thỉ cùng chàng; từ khi tin phụ mẫu chi ban, tình cốt nhục hai phang rời rã. Tới đến đây, chợt nhìn thấy gần bên một gã, hình thù xem chẳng lạ chi đây, chắc là em tôi lưu lạc tới chốn nầy, lẽ khi trời đất khiến sum vầy em chị. Nếu quả tha hương thiên lý, gặp đặng em oan bỉ biết bao, chạnh nỗi niềm dạ thiếp quặng đau, chưa biết làm sao tỏ đặng.”
Chú Xã nói: “Tưởng chi mà cay đắng, cuộc tao phùng may mắn xiết chi, vậy thì khuyên nàng ngớt giọt sầu bi, để tôi đến gần hỏi tàng tri áo lý.”
“Đừng, mình đừng đi, mình sao rõ đặng niềm em chị, mà lãnh mạng thi hành, thà để tôi giáp mặt cho đành, kẻo mà ức tình lắm bấy.”
Trong lúc chú Xã với Hà Hương bàn luận cùng nhau, Nghĩa Hữu nhìn quả quyết, song chẳng biết thế nào trao lời cho đặng. Bởi vậy đau lòng rơi lụy, chạnh niềm tủi phận cơ hàn, đến chừng chú Xã với Hà Hương bước đến gần, Nghĩa Hữu hổ ngươi gục mặt.
Hà Hương liền vỗ vai Nghĩa Hữu mà kêu rằng: “Ừ nầy em, chị đây bớ em.”
Nghĩa Hữu ngước mặt lên, thấy Hà Hương nháy mắt, sáng ý biết tình trong, bèn la lớn lên và ôm Hà Hương mà khóc hòa: “Ủa nầy chị, bấy lâu cách biệt, nay may gặp lại giữa đàng, toại thay cá nước hiệp nhứt tràng, phỉ bấy cửu hạn phùng cam võ.”
Chú Xã thấy hai người ôm nhau mà khóc, đứng ngó sững rồi lầm bầm rằng: “Phải dè vậy chẳng thèm đi với nó làm gì, đờn bà thiệt rất hẹp suy, mình đứng đây mà nó chẳng vì, gặp việc muốn làm chi tự ý!”
Khi Nghĩa Hữu với Hà Hương ôm nhau mà khóc, chú Xã bộ bối rối hết sức, lỏ mắt ngó Nghĩa Hữu tỏ ý bất bình, còn cả một đám dân làm, cùng người lại kẻ qua, thấy khoc biệt ly, ai ai cũng động lòng mà rơi lụy. Thầy đội lục lộ nghe sự như vậy cũng bỏ việc chạy tới, thấy Hà Hương thớ thớ mặt hoa, trong bụng ao ước khen thầm, rồi nói với Nghĩa Hữu rằng: “Không mấy khi chị em gặp nhau, cho phép mi nghỉ việc về nhà đàm đạo cùng chị mi, đặng mà bỏ khúc biệt ly, phỉ tình cốt nhục. Tối có rảnh, đem chị mi tới nhà chơi cho biết; thiếm mi mắc đi Trà Cú, còn một mình ta ở nhà, không sao đâu mà ngại!”
Nghĩa Hữu mừng, cảm tạ, dạ dạ dời chơn, chú Xã giận, háy nguýt bỏ đi, không thèm đứng đó.
Ba người đề huề đem nhau xuống ghe, tội nghiệp hoa cũ gặp ong xưa, trơ mắt nhìn nhau, bị chú Xã ràng rịt một bên, nên có miệng mà không ngỏ nói; một nhìn nhau mà khóc than giọt lụy không ngừng. Nghĩa Hữu muốn hỏi ngọn ngành, mà bị Hà Hương nháy mắt lắc đầu, ra dấu biểu một hai bưng kín.
Hà Hương ngồi suy ra một kế, liền kêu chú Xã mà nói rằng: “Tưởng dạo phố kiếm bạn hàng bán sĩ, may lại gặp em tôi, xin mình cho phép tôi đàm đạo cho phỉ tình, mình chịu khó đi kiếm người mua, bán hết rồi về để lâu không đặng, e nỗi không lời mà thấy lỗ mình đi.”
Chú Xã nghe Hà Hương nói mấy lời, nổi giận đáp rằng: “Không đi đâu hết mà biểu vô ích, chọc gan tôi, tôi kêu họ tới tôi cho hết, rồi về gh không bây giờ; thà đổ hết mà ăn than, hơn ăn vàng mà … mà …”
Nghĩa Hữu nghe chú Xả tỏ ý bất bình như vậy, bèn kiếm lời ngon tiếng ngọt, làm cho chú Xã tin thật chị em, Nghĩa Hữu mới hỏi qua việc vợ chồng gặp gỡ đã bao lâu rồi tới đó.
Chuyện vãn tỏ tình, chú Xã thấy vậy thương mới bớt nỗi bất bình sấm dậy. Đoạn hối bạn bè đi chợ mua rượu thịt xuống ghe, chú Xã với Hà Hương, mời ép Hữu chén thù chén tạc. Chú Xã cũng bị Hà Hương ép uống, uống hết rồi tàng tịch dễ mà. Hữu thấy chú Xã đã ly bì, ôm lén Hà Hương kề má.
Hữu mới nói: “Tưởng đà khó bề sum hiệp, nay may lại gặp nhau đây, vậy thì làm sao hiệp mặt giao tay, chẳng lẽ để như thấy mặt trời, thấy đó mà khó trao lời cha chả.”
Hà Hương liền kêu chú Xã, biểu dậy mà lên nhà Nghĩa Hữu với nàng, bởi chú Xã quá chén mê mang, nằm thiêm thiếp không nghe chi cả, Hà Hương đem mền ra đắp cho chú Xã, rồi kêu bạn mà dặn rằng: “Chừng anh Xã có thức giấc hỏi ta, bây nói ta đi với Nghĩa Hữu lên thăm nhà cho biết nghé.”
Nói rồi bước lên bờ, đi với Nghĩa Hữu; Hữu mới đem thẳng Hà Hương vào khách soạn, thuê phòng, xả bức rèm châu, đôi bạn giao đầu đàm đạo. Nghĩa Hữu mà gặp Hà Hương đây, nào khác cá kia gặp nước, mặt thích tình lội lặn đua bơi, cuộc mây mưa thường thấy trong đời, chẳng lựa phải nhiều lời phân giải.
Nói về mấy chú Chệc làm công nơi khách soạn, khi thấy Hà Hương bước vào, mặt hoa mày liễu, má phấn môi son, đứng mà ngó trân trân, ngó đà không nháy mắt. Đến chừng đôi lứa nhập phòng khách soạn, Chệc giành nhau châu đầu vào vách rình coi, hại thay đứng coi chẳng mỏi lòng, coi cho đến đỗi chủ tiệm kêu hoài không chịu xuống.
Nghĩa Hữu với Hà Hương nương gối chung phòng, tình cũ nét quen, dan díu biết bao mà kể. Hữu mới nói: “Vợ chồng từ phân tay nhau nơi Chợ Lách từ ấy chí những nay, cực khổ không cùng, quần áo tả tơi, ăn buổi mơi, không buổi tối. lần lưng không có luối, mò túi cũng vắng hoe, đợi mình, mãng xuân rồi tới cuối hè, chủ tiệm chẳng nghe xua đuổi. Cam phận ly hương đành rủi, rủi bao nhiêu thêm tủi bấy nhiêu, tôi cũng muốn trở về cha mẹ tôi cho rồi, nhưng nhớ Vĩ Sanh thọ tử chốn Lam Kiều, nên thà nhắm mắt đánh liều đợi bậu.
Lươn lấm đầu còn chi mà sợ xấu, lại thêm lạc cảnh người ai thấu đục trong, chẳng lẽ ngồi khoanh tay mà chịu đói lòng, lăn lộn cho xong với thế. Mình cũng tỏ phận tôi chở dễ nào không, trong mình không một nghệ, biết làm chi cho dễ có tiền, gặp cơn nghèo túng rồi phải quyền, dầu cực khổ chẳng phiền tấc dạ.
Khi thì đi cáng đá, khi thì cầm vá bợ ky? Khi thì quét đường đi, khi thì đi xe rác. Tuy vậy mà cũng nguyền cùng bạn sống thì gởi nạc, dẫu cho rằng có thác gởi xương, vậy mới rằng tròn chữ tào khương, vậy mới phải cang thường chi đạo.
Nay hết hồi phân áo, khie1n gương bể lại lành, cuộc may nầy lừa đảo tại thiên thành, đến xứ lạ yến anh vầy hiệp. Làm sao đặng chàng chàng thiếp thiếp, bỏ những khi ly biệt hai phang, làm sao cho cá nước hiệp nhứt tràng, bỏ những lúc lỡ loàng duyên nợ.”
Hà Hương nghe Hữu kể sự linh đinh chìm nổi, cay đắng trăm bề, sa nước mắt mà đáp rằng: “Xét phận thiếp càng thêm mắc cỡ, phận ngũ hồ lỡ dỡ không rồi, khiến cho anh hùng cam phận nổi trôi, vì giữ trọn lứa đôi cùng thiếp; mới tan rồi lại hiệp, mới hiệp lại thấy tan, bây giờ đây phụng đã gặp loan, làm sao đặng keo san đừng rã.
Ngặt một nỗi nợ nần chú Xã, biết tính sao mà trả cho yên, xin mình thương tưởng đến chớ phiền, để mặc thiếp mượn duyên mà đổi nợ. Mình bưng kín miệng bình chớ hở, giả chị em một huở đặt bày, cho hay rằng máu ghen ai cũng châu mày, cắn răng chịu mới hay cho chớ. Tới lui giả mặt ngoài niềm nở, đặng thừa cơ day trở mới xong, nếu mà mình chẳng giục lửa lòng, e cá chậu chim lồng khó thoát.”
Nói rồi vợ chồng ôm nhau, nhìn nhau mà rơi lụy, chẳng biết sao mà tỏ hết tình thương, Hà Hương thì sợ lật đật giục ra về, Nghĩa Hữu lại chẳng đành cho bức áo. Vợ chồng trì kéo nhau lỡ ở lỡ về, trót mấy giờ mới xuống.
Khi Hà Hương với Nghĩa Hữu đem nhau xuống ghe; chú Xã tỉnh say, giựt mình chỗi dậy, ngó trước sau vắng bóng, kêu bạn mà hỏi rằng: “Vậy chớ mợ bây đi đâu không thấy mặt?”
Bạn đáp rằng: “Mợ đi với chú kia lên nhà thăm cho biết.”
Chú Xã nghe nói máu ghen bừng dậy, quăng đồ ném đạc rầm rầm lật đât tuốt đi tìm, không kịp bịt khăn bận áo!
Chú Xã lên khỏi bến, xăm xăm đi thẳng giận dỗi lầm bầm, chẳng thèm ngó người qua kẻ lại. Ai nấy thấy vậy cũng đều ngó, ngỡ là chú Xã loạn tâm, đến chừng gặp Nghĩa Hữu với Hà Hương, giận hét ó, mới hay rằng máu ghen xui giục.
Hà Hương thấy bộ chú Xã giận dỗi như vậy, kiếm lời ngọt lịu đỡ nưng, rủi gặp lúc lúc giận cùng, chú Xã chẳng thèm đếm xĩa. Hà Hương thì nói nhỏ, chú Xã hét om sòm, kẻ qua đều đứng lại dòm, người lại biết lom cười nhạo.
Nghĩa Hữu nói: “Tôi chẳng phải là người vô đạo, xin anh nín tôi nói cho anh nghe, nghĩa chị em một máu dễ nào, xin anh đừng nghị việc tầm phào, chát quấy chẳng nghĩ sau xét trước.”
Hà Hương làm bộ sa nước mắt, tỏ dấu ức tình nói rằng: “Phen nầy tôi quyết liều mình, nơi chín suối cho đành thửa phận.”
Chú Xã nghe Nghĩa Hữu nói có hơi giận, lại thấy Hà Hương khóc và than mấy tiếng liều mình, chú Xã liền đổi giận làm vui, xin Nghĩa Hữu mựa đừng vội giận.
Đoạn rồi cả ba đem nhau xuống ghe, ngồi lại đàm đạo, Nghĩa Hữu rất khiêm nhường, chú Xã thấy vậy mới thương, tin thật tìm em nghĩa chị, Hà Hương mới nói: “Chị em tôi cách nhau đã mấy năm dư, nay nhờ ơn trên hội hiệp nhứt tràng, xin mình hãy rộng lòng thương tưởng đến. Tôi nghĩ như em tôi mà ở lại đây, làm công cực khổ, một tháng chẳng mấy đồng, thế không đủ mà xây xài, lại thêm tư bề lạ biết ai mà nhờ cậy; mình mướn người cũng vậy, chi bằng đem nó theo đỡ lấy tay chơn, tình chị em với nhau nó không hay tính thiệt so hơn, chớ như mướn người ta, còn hết họ chẳng cơn nào hết,”
Chú Xã nói: “Lòng nàng đà tính quyết, dễ đâu ta lại từ nan, vậy thì chú tư nó mau khá sửa sang, theo dõi xuống thoàn buôn bán. Dường ấy cùng nhau bậu bạn, dầu lâm cơn bịnh oạn có nhau, chị em chẳng phải người nào, mà trả thấp đòi cao nhiều tiếng, tôi cũng là người danh tiếng, có lẽ nào chịu miệng thế gian, dễ nào tôi đặng giàu sang, mà lại để cho chú nó gian nan nghèo khó. Hễ tôi có thì chú nó có, tôi không thì chú nó không, dầu ăn hột muối cũng vui lòng, hơn no ấm chị đông em bắc.”
Nghĩa Hữu nghe nói như vậy, có bụng mừng bèn dạ dạ vưng lời, từ giã về đặng sửa sang hành lý. Nghĩa Hữu lên khỏi ghe rồi chú Xã với Hà Hương chung gối chuyện trò, Hà Hương ôm chú Xã hun hít nựng nịu và nói rằng: “Mình nghĩ phận tôi mà thương đến em tôi như vậy, ơn thiệt sánh tày hà hảo, dẫu mình cho tôi ăn vàng mà mình nói những lời chẳng phải cũng chẳng ngon, mình mà được như vậy, biển dầu cạn non dầu mòn, ơn ấy thiếp cũng còn ghi dạ.”
Chú Xã khoái ý, chúm chím cười và đáp rằng: “Ơn chi cho thái quá, mà mình toan lo trả lo đền, ấy là nghĩa anh em, bên bợ bên chồng cũng vậy. Miễn mình biết giữ cho tròn ngãi, ở sao cho phải nợ cuyên, đừng học đòi tham ván bán thuyền, mà chẳng biết kim tiền cô hậu.”
Hà Hương rằng: “Lo cho mình thay áo, đừng ngại thiếp đổi xiêm, mình mà ở phải với tôi, khổ bao nhiêu thiếp chẳng tỵ hiềm, dẫu khó đói thiếp cũng giữ trọn niềm chồng vợ.”
Thương quá không kể gì mắc cỡ, bạn bè nguyên thiên, mà chú Xã dám sấn tay mở cửa động đào, Hà Hương cản lại mà nói rằng: “Đừng, đừng, hàng bông chẳng dễ nào, làm bậy mắc hơi thúi hết; lại thêm bè bạn ngồi sau bếp, ghe lắc lia chi cho khỏi nó hay, mình khéo thì thôi, vội chi liễu ép hoa nài, để rồi khuya mặc thích chí tình dài đêm vắn!”
Nói về Nghĩa Hữu khi sửa sang hành lý xong, từ giã lối xóm rồi đi thẳng xuống thoàn; đạon chú Xã với Hà Hương lo bán hết hàng bông, rồi lui ghe kịp nước.
Mãn luận bàn chuyện trước, chưa trót ngày thoàn đã tới nhà, ông chủ nghe lật đật bước ra, mừng hai trẻ đàng xa về tới. Chú Xã với Hà Hương đem Nghĩa Hữu lên nhà, ra mắt ông chủ; Nghĩa Hữu ngồi liếc mắt xem trong ngoài, thấy gia thế của chú Xã lớn như vậy, chạnh nhớ nhà cửa cha mẹ mình mà tủi thầm, xét phận oan du, ruột càng quặn thắt.
Ở ăn quen thuộc, vào ra đã mấy mươi ngày, hại thay, ngày coi sóc việc ngoài, đêm riêng phòng lạnh lẽo; nằm không ngủ trông tình Hà thị, năm canh thở vắn than dài, tức vì vợ mình xưa, nay chung gối với ai, thấy đó mà khó tỏ bày cha chả!
Hà Hương thì thương Nghĩa Hữu lụy rơi lả chã, muốn lén tới phòng mà sợ chú Xã hay, bởi vậy cho nên đêm nào cũng trót năm canh không ngủ thức hoài, đau đớn ấy biết ai mà tỏ.
Bữa nọ rằm tháng mười một, ông Chủ với chú Xã mắc nhóm lệ, còn một mình Hà Hương ở nhà với tôi tớ, Hà Hương muốn lén đem Nghĩa Hữu vào phòng mà đàm đạo, cực nỗi tớ nhà nhiều lắm, làm vậy e lậu sự khó lòng, mãn còn đang nghĩ nghị xa gần, thấy Nghĩa Hữu bước vào cửa trướng.
Hà Hương sợ oản, mặt đã biến sắc chàm, lật đật ngồi dậy đưa tay khoát Nghĩa Hữu ra ngoài. Hữu chẳng kể, xốc tới choàng tay qua cổ; Nghĩa Hữu ôm Hà Hương hun mà đôi hàng lụy nhỏ, Hà Hương run bây bẩy, kề tai nói nhỏ cùng chàng: “Xin chớ vội để mặc tôi mưu kế liệu toan, sao cũng đặng phụng loan sánh cặp, khá thìn lòng e ấp, đừng tính gấp lụy mình, cho hay rằng chi nặng bằng tình, song phải dằng chí mà giữ gìn cho nhẹm, nghé.
Ra ngoài đi; ý kia kìa bầy trẻ, ra đi, nó mà thấy đặng đày chắc sao cũng kẻ tiếng vào, để tôi giả sai mình, ra vườn chặt chuối bẻ cau, tôi theo ra đó, tới hóc vắng mặt giao trò chuyện.”
Nói về Nghĩa Hữu bước ra khỏi phòng, đi rảo ra phía ngoài sửa sang kiểng vật. Hà Hương liền ra phía sau, làm bộ hỏi Nghĩa Hữu đâu, hối tớ kiếm kêu vào, sai đi bẻ cau chặt chuối.
Hữu dạ dạ vưng lời, xách dao ra đi; Hà Hương lại kêu mà dặn rằng: “Em xuống bẻ mấy cây cau dưới ranh, ối thôi, bộ em chưa biết chỗ nào, để chị đi theo chỉ cho … Coi nhà đó bay!”
Hà Hương tuốt theo sau Nghĩa Hữu, tới chỗ hóc vắng, hai đàng ngồi núp bóng cây mà chuyện vãn tỏ tình, Nghĩa Hữu nói: “Mình phải lo tính làm sao, chớ để vậy hoài sao đặng. Đêm thì dài mà tình chẳng vắn, năm canh trằn trọc vào ra, thét đây còn xương bọc da, khối tình ấy ai mà rõ thấu. Thà mà nghèo không gạo nấu, giàu làm chi giai ngẫu bất minh, xin mình tua xét lấy công tình, nếu để vậy ba sinh khó hẳn.”
Hà Hương rằng: ‘Chàng chớ ngại lòng đây lơ lẳng, thiếp mô dám ham giàu sang mà phụ bạn cháo rau, tục đời ví đầy tới còn phải xét công lao, huống lựa là đạo chồng vợ lẽ nào không tưởng ngãi. Nhưng mà chữ dục tốc e khi sanh hại, việc chi làm chậm rãi hay hơn, để rồi đây tôi sẽ ngừa cơn, đặng hiệp tơ dươn một mối. Chàng chớ khá não lòng thương vội, mà sanh điều rắm rối khóa mằn, cho hay rằng tơ ở Xích Thằng, nhưng mà mình cũng phải xe sàn mới chặt.”
Nói rồi Hà Hương lật đật từ giã Nghĩa Hữu trở vào, sợ chú Xã về thình lình, gặp đặng e chẳng dễ. Nghĩa Hữu vói nắm chéo áo Hà Hương kéo lại, ôm Hà Hương vào lòng hun hít một hồi, rồi nhìn mặt Hà Hương, đôi mắt rưng rưng, nữa muốn cầm nữa muốn buông, không đành lìa bạn.
Hà Hương cũng xây mặt nhìn Nghĩa Hữu, đôi giọt lụy tràn trề, hại thay, vì chữ tình mà lỡ ở lỡ về, vậy mới rõ phu thê như y phụ. (1)
Hai đàng còn đang bận bịu nhau, bỗng nghe tiếng chú Xã hú kêu, Hà Hương lật đật chạy lại gần, tay còn đương dụi mắt. Hà Hương nói: “Mãn ngước mặt coi bẻ cau, kiến hôi rớt nhằm con mắt.”
Chú Xã nghe nói lật đật xổ đầu tóc ra, chà con mắt cho Hà Hương. Hà Hương đắc kỳ kề miệng cười rồi hun chú Xã, ôi chú Xã khoái biết bao nhiêu mà kể!
Kế Nghĩa Hữu bước tới, cũng làm bộ dụi con mắt và nói: “Bị ba con kiến hôi, leo đã mệt bẻ không đặng buồng cau nào hết!”
Chú Xã cười và nói giỡn rằng: “Hệ gì, bấy lâu vắn leo, bây giờ trèo cho biết mệt!” Tuy lời chú Xã tình cờ nói chơi, mà Nghĩa Hữu với Hà Hương có sắc thẹn, lại nghi cho chú Xã rình thấy cuộc tư tình, Hà Hương nghĩ lại giựt mình, hồi hộp không an thửa dạ. Đoạn rồi cả ba kéo nhau vào nhà, cơm nước xong xuôi, nghỉ ngơi như cũ.
Đêm nọ vợ chồng vào phòng, Hà Hương hỏ thẻ cùng chú Xã rằng: “Lóng nầy gần Tết, sẵn có em tôi đây, tôi muốn chở một ghe dừa đi bán, kiếm chút đỉnh lời, cho nó sắm áo quần bận Tết. Tôi vẫn biết lòng mình ở tốt, nhưng mà nó là em ruột của tôi, nếu mình lấy của nhà mà cho, sợ e có chỗ chẳng thương, chi bằng mình có của nó có công, cũng như mình giúp vốn cho nó, lời nó lấy vốn đem về cho mình đủ.”
Chú Xã nói bán buôn gì làm rộn, lời bao nhiêu mà chèo chống mỏi hơi, sắm ăn mặc cho nó mấy ngàn, mình phải lo xa vậy. Để tôi viết giấy ra ngoài tiệm Di Xương mà lấy, đôi ba vóc áo năm bảy vóc quần, đem về may cho nó bận cũng xong, buôn bán làm chi phải lo lắng cực lòng lắm bấy.”
Hà Hương rằng: “Nếu mình luận vậy, của nhà, tôi mô dám lấy mà cho, thà tôi để nó đi ra, có thân nó phải siêng lo, nó cũng đặng ấm no ngày tháng. Thôi để tôi đuổi nó đi cho rồi, đó là tại nơi mình không muốn cho chị em tôi chung cùng với nhau, mình mới cản đãng như vậy!”
Hà Hương và nói và khóc thút thít, chú Xã động lòng, bèn ôm Hà Hương lấy khăn lau nước mắt và cười mà rằng: ‘Thôi nín đi chừng nào muốn đi thì đi, đừng khóc lóc đau lòng tôi lắm!”
Sáng ngày, Hà Hương lo tom góp cau, dừa, chuối, mít, chưa bao lâu thấy đã dẫy đầy, Hà Hương mới nói với chú Xã, bấy nhiêu đây nhắm chở cũng vừa, xin mình cho phép tôi sáng mai tôi ra bến. Chá Xã nói: “Bạn thuyền chưa có mà vội lui ghe, để sai người đi mướn thuê thuyền, vài bữa nữa sẽ lui chẳng muộn mà.”
Hà Hương nói: “Mướn bạn chi cho rộn, thằng Lóc với em tôi chèo chống cũng xong, đi biển giả gì mà phải phòng, việc đàng sá mình đừng mong cản trở.”
Nói rồi sai tớ nhà với Nghĩa Hữu đi lấy ghe, đem về lo chuyên chở. Chở rồi, tối lại Hà Hương sửa soạn đồ đạc bỏ vào trắp vàng vòng lấy hết đeo tay, chú Xã nói: “Đi bươn bán đem theo chi nhiều, xứ lạ đàng xa chẳng dễ. “
Hà Hương rằng: “Mình thiệt là rất tệ, bày những điều cho thế biếm bao, mình cũng tiếng sang giàu, vợ lẽ nào rách rưới. Thà nghèo khó mang chài mang lưới, chẳng quản gì miệng lưỡi thế gian, có thì đeo, để làm gì, thiếp nhổn nha thiên hạ khen chàng, chàng mà sang cà có phải là tiếng ngoan về thiếp chăng?”
Chú Xã nghe nói hữu lý, cười, rồi vợ chồng gối chăn, đặng sáng có đưa nàng đi buôn bán.
Sáng ngày, chú Xã ra đưa vợ, ông Chủ cũng xuống mà đưa dâu, ghe lui khỏi bến một đỗi xa, Nghĩa Hữu chung phóc vô mui, biểu thằng Lóc ra sau cầm lái. Nghĩa Hữu khoái, ngó Hà Hương cười chúm chím, Hà Hương mừng trừng mắt liếc láo liên, lúc ban sơ còn cố hơi kiêng, riết lại liền liền như Sam cặp.
Lóc thấy vậy nổi đóa, tay chì chèo miệng lại lầm bầm, Lóc nói: “Ra chèo giùm với tôi chớ, ghe thì nặng chèo không đi, bỏ mình tôi biết bao giờ cho tới.”
Hà Hương nói: ‘Mi cứ việc chừng nào hay chừng nấy, đừng đèo bồng mà chịu đòn hoan, ai hối hả chi mi mà mi phải phàn nàn, mong kiếm chuyện nói thoàn nặng nhẹ.”
Hà Hương liền nói nhỏ với Nghĩa Hữu: “Để chuyến nầy tới Trà Vinh tôi kiếm thế hại nó cho rồi, đặng vợ chồng mình đem nhau đi tuốt.”
Nói rồi vợ chồng ôm nhau ngủ mòm, thằng Lóc thấy ức gan, song chẳng biết lời chi mà nói đặng. Lầm bầm nói một mình rằng: “Để bán hết rồi về, nói lại cho cậu Xã cẩu nghe, kẻo cẩu tin rằng em vợ không dè chồng nhỏ.”
Khi ghe đi tới Trà Vinh, gặp nhằm lúc cau, dừa đắc chợ, bởi vậy cho nên ghe mới cặm sào thấy người xuống hỏi mua, giá cả xong Hà Hương chịu sang hết cả ghe, buôn bán bạc tiền hiện hữu.
Hà Hương muốn đem Nghĩa Hữu bỏ ghe đi tuốt, nhưng mà e thằng Lóc còn, sau lậu cơ mưu. Bởi vậy cho nên Hà Hương âm kế độc trong lòng, quyết hại Lóc cho dứt đàng hậu oạn.
Hà Hương mới nói: “Bây giờ tính mua hàng về bán, nhưng mà bạc tiền không có bao nhiêu, chẳng lẽ đem ghe không về, miệng thì nói tay thì cổi chiếc vàng: “Lóc mầy đêm lên tiệm cầm cho tao ba chục.”
Lóc vưng lời lãng của, bịt khăn bận áo ra đi, Hà Hương độc kế nào dè, không phòng bị lầm tay phụ nữ. Lóc lên tới tiệm cần đồ gặp lúc Chệc đang ăn cháo trưa, Lóc ngồi mà đợi, cầm đặng rồi sẽ xuống. Chẳng dè Lóc mới đi một đỗi Hà Hương chạy tuốt lên làng, khai mất chiếc vàng, đề quyết bạn của nàng ăn cắp.
Khai báo xong xuôi, Hà Hương xin làng cho giấy đem dặn tiệm cầm đồ, làng cho y như lời, Hà Hương xách giấy đi lập tức. Xuống tới tiệm cầm đồ Hà Hương bước vào, gặp Lóc còn đương ngồi khoanh tay chờ đợi, Hà Hương nắm Lóc, la làng xóm om sòm. Chệc trong tiệm nghe la túa ra hỏi lại rồi bắt Lóc đem lên nhà việc.
Xét ra đã quả tang chánh án, tuy vậy mà Lóc la oan dậm đất kêu trời, Lóc lạy Hà Hương mà rằng: “Mợ nỡ nào hại tôi tội nghiệp mợ ôi, tôi có miệng mà không đối đáp.”
Hà Hương không thèm nói chi cả, cứ việc xin làng lấy khai báo giải quan, vô quan Biện lý hỏi đôi điều; rồi dạy đem Lóc giam cầm ngục thất.
Hà Hương về bây giờ thong thỏa, không còn nghi ngại gần xa, vợ chồng mới đề huề, xuống tàu đi qua Mỹ (bỏ ghe).
Qua tới Mỹ Tho vợ chồng vào tiệm ngủ “Quán lai cư” ngụ đỡ một đêm, khuya chừng lối 5 giờ, vợ chồng mới ra đi xe lửa; lên tới Saigon ban đầu vợ chồng cũng náu nương nơi khách soạn, sau mới mua đồ dọn phố ở riêng, cuộc đời, trong tay mà sẵn đồng tiền, muốn đổi trắng thay đen nào có khó.
Nói về chú Xã, ngồi nhà trông, càng ngày càng bặt, chẳng rõ bởi cớ nào, sợ e đàng sá bất kỳ, thân bồ liễu nổi trôi theo dòng bích. Xảy đâu có trát xuống làng đòi chủ ghe lên mà nhìn lấy ghe mình, vì thả nổi trôi quan nhìn số biết là ghe làng ấy.
Chú Xã đặng trát, đọc vừa rồi ngồi thất thanh, không biết lời chi mà tỏ. Ghe này vẫn là ghe mình mướn, nhơn sao trôi nổi không người, thế bị cường nhơn cướp đánh giữa đàng, lấy của giết người rồi đấy. Chú Xã lật đật về thưa lại cùng cha, rổi sửa sang hành lý.
Tới nơi chú Xã vô quan nhìn ghe, hỏi lại thì quan cũng không rõ điều chi cả; chú Xã tạ ơn lui ra, tính thuê người đem ghe về trả. Chú Xã đi thất thơ thất nghiệp, dường như chim lẻ bạn chích chiu, miệng không ăn mà bụng lại no, ngày chẳng ngủ mà đêm lại thức. Khóc đã máu theo nước mắt, mãn nhớ tình mà giọt lụy không ngưng, tưởng cùng nhau một cửa sum vầy, hay đâu nỗi hai phang rời rã.
Nhằm tiết tháng ba, Lóc bị kêu án ba tháng, nay đã mãn, quan tha về, Lóc lạy ta lui ra; đi tới chợ xảy gặp chú Xã đang ngồi dựa gốc cây, Lóc mới kêu: “Cậu Xã, cậu Xã, cậu đi đâu mà ngồi đó vậy cậu?”
Chú Xã nghe kêu, ngước mặt lên, thấy Lóc, nửa mừng nửa sợ, chay a lại nắm tay Lóc mà hỏi: ‘Mợ mầy đâu, Lóc?”
Lóc rằng: “Thôi đi cậu, tôi ở tù mới ra đây cậu, tôi tính về nói chuyện lại cho cậu nghe chơi, còn mợ cháu gì nữa mà hỏi.”
“Sao vậy, nói cho cậu nghe thử coi, mợ mầy đâu Lóc?”
“Hoài đi thôi, ai biết đâu mà hỏi. Để tôi nói cho cậu nghe, tử thuở bến nọ ghe lui vừa khỏi, (Sao nữa, nói cho mau). Cậu thiệt nóng quá, trăng thanh bóng dọi be thuyền. Phải, bữa lui ghe trời có trăng; rồi làm sao? Ngỡ thiệt tình chị chị em em, dè đâu …”
“Dè đâu làm sao? Nói cho mau.”
“Dè đâu mợ lấy nem làm chả!”
“Mầy nói cài gì vậy Lóc? Chị chị em em, sao lại lấy nem làm chả hử.”
‘Cậu thiệt dày lỗ tai quá. Lui khỏi bến, ghe kia liền thả, bỏ một mình tôi chèo gần chết. Nghĩa Hữu chun vô mui ăn ngả nằm ngồi, hai đàng chung gối đã rồi … Tỉnh cậu, tỉnh. Chẳng thèm nghĩ tới cậu, thiệt lòng bạc như vôi nào khác.”
“Nói vậy mợ mầy …”
“Phải, rồi rồi. Hai người thật vợ chồng thuở trác, nên mợ mới đem Nghĩa Hữu về nói gạt rằng em, vắng cậu thì bỏ trướng xủ rèm, có mặt cậu thì em em chị chị. Bởi cậu không có ý, mới mắc kẻ hữu tình, giả đi buông đem của theo mình, dắt nhau bỏ Trà Vinh lánh mặt. Vậy mà mợ còn phao cho tôi ở tù ba tháng mới ác cho chớ!
Hai người muốn vọng Nam tẩu Bắc, sợ để tôi lại đây, ngày sau cũng ắt lậu ngôn, bởi vậy cho nên mợ mới tính mưu khôn, lập kế lấp chôn tôi vào ngục. Mợ đưa cho tôi một chiếc neo, biểu tới tiệm xin cầm ba chục, đặng lấy tiền mua lụa mua hàng, dè đâu, tôi mới đi, mợ tuốt lên làng, làm cớ mất vàng mới bậy. lại đề quyết cho tôi rằng lấy, bởi vậy cho nên, khi làng bắt tôi, chiếc vàng còn thấy nơi tay, giải tới quan không rõ lẽ gian ngay, cứ theo miệng mợ khai mà đoán.
Làm án tôi ba tháng, oan ức mà thán oán với ai, tôi mắt trông mợ trở ra ngoài, nhảy phóc lên máy bay đi mất. Cậu dầu có lộn gan ói mật, không than trời trách đất đặng đâu, tôi nghĩ tôi thương ông ở nhà nương gậy lè lụm cụm đi cưới dâu, tưởng dâu ngọt ai dè dâu chua lét!
Để tôi về tôi mét, cho ông xét thử coi, tại cậu hết thảy, cậu làm lanh tôi chịu phận thiệt thòi, chậu úp không soi là vậy đó.”
Chú Xã nghe phân rõ, mồ hôi nhỏ ướt dầm, nước quá trôn mới biết mình lầm, giận con bạn lưỡng tâm mưu phản. Ước phải gặp nàng cho tạng, đặng mà hỏi tiếng phụ chi nên bảng lẳng, gánh chung tình nỡ đoạn chẳng thương, mặt chưa tường sở trú hà phương, khó mà dõi bước lần đường tầm kiếm.
“Thôi thôi, cậu cháu mình vào tiệm cơm canh ba miếng đỡ lòng, số phận mình chẳng chịu long đong, dầu có cượng sao xong mà cượng!”
Nói về Nghĩa Hữu với Hà Hương, khi tới Saigon đình nơi khách soạn, rồi mua đồ dọn phố ở tại đường Espagne, ăn no rồi ở không, chiều chiều thả xe mui hóng mát. Nhà thường chật khách, yến anh ngoài cửa xôn xao, hết đờn địch sang qua bạc cờ, bị đếm dỗ dành đánh đổ. Chưa bao lâu, bạc tiền đà sạch tuốt, phải cầm vàng bán giấy mà ăn, tọa thực như sơn băng, biết bao nhiêu cho đủ.
Lần lần đặng bốn tháng, trong mình Hà Hương không còn một phân vàng, lưng không còn xu nhỏ, biết lấy chi đắp đổi cho qua; cơn túng phải quyền, Hà Hương phải đem hoa rao bán.
Từ ngày Hà Hương tới ở đó đến nay, nhiều người thấy phải lòng, ước ao biết mấy mà bởi lúc có tiền, khó mà nói với Hà Hương cho đặng; nay Hà Hương trổ tài tiếp khách, sang hèn nghe rậm rật đua chen, hết người nọ tới người kia trót đêm cười không dứt.
Tuy vậy mà Hà Hương cũng giấu Nghĩa Hữu, không cho hở môi chồng hay, mỗi khi có vậy thì Hà Hương tới nhà mai; đôi lát rồi trở lại.
__
Chú thích:
1. Phu phụ như y phục, huynh đệ như thủ túc; Nhiều người luận rằng: “Anh em cốt nhục đồng bào, vợ chồng như áo mặc vào cổi ra.” Cốt nhục đồng bào thật khó mà phân chia cho đặng, còn như y phục, bận đã vừa ý đẹp mắt, dầu có rách cũng nhiếp vá mà bận, chừng nào rách nát dùng không đặng nữa mới bỏ, chớ như còn lành, thật chưa từng thấy ai cổi bỏ mà.