Saved Font
  1. mTruyen.net
  2. [Việt Nam] Nam Triều Công Nghiệp Diễn Chí
  3. Chương 25 : Đông Triều tử dựng chùa Vinh Hòa, Đương quận công xin đánh Nam trấn.
Trước /32 Sau

[Việt Nam] Nam Triều Công Nghiệp Diễn Chí

Chương 25 : Đông Triều tử dựng chùa Vinh Hòa, Đương quận công xin đánh Nam trấn.

Màu Nền
Màu Chữ
Font Chữ
Cỡ Chữ
Style Combo

Nằm Bính Ngọ, niên hiệu Cảnh Trị thứ tư (1666), tháng hai, Hiền vương Nguyễn Phúc Tần nhân lúc rỗi rãi lên xe loan đi chơi cửa hiển Tư Dung để thưởng ngoạn cảnh non xanh biển biếc. Vương tận mắt được thấy dân tục miền đây thuần hậu tất đẹp, trong lòng lấy làm vui. Bỗng vương nhìn thấy trên bãi cát Trường Sa (1) vốn là nơi có di tích bến biển từ xưa, đột nổi lên một ngọn núi hình dáng tựa như con rùa nằm ngóc đầu nhìn lên, đầu ngoảnh về hướng đông nam, đuôi quẫy về phía tây bắc, gọi là núi Cổ Rùa, trên núi cây cối tươi tốt um tùm, nhiều hoa kỳ cỏ lạ. Hiền vương thấy nơi cảnh đẹp lấy làm yêu thích, bèn lên núi dạo xem, thấy trên đỉnh núi có di tích một ngôi tháp cổ linh thiêng, dân địa phương xưa nay vẫn phụng thờ. Vương chạnh lòng từ bi định dựng ở đây một ngòi chùa để cầu Phật cứu vớt chúng sinh, khuyên người ta bỏ ác theo thiện.

Vương bèn sai thủ bạ Đông Triều tử làm hội chủ trông nom việc dời tháp xây chùa.

Thủ bạ Đông Triều vâng mệnh chọn ngày lành tháng tốt đến làm lễ dâng hương khấn cáo, rồi sai quân dời tháp để lẫy chỗ đắp nền dựng chùa. Quân lính theo lệnh xúm vào cậy đá để dỡ tháp. Bỗng ai nấy đều gục đầu hoa mắt ngã ăn trên chân tháp, tay chân tê cóng không cử động được. Thủ bạ Đông Triều thấy vậy biết xảy sự chằng lành; bèn mặc áo đội mũ nhà sư, cổ đeo tràng hạt, tay cầm trượng kim cương đi đến quỳ trước tháp khấn rằng:

- Đệ tử vâng mệnh của đức Như Lai và tuân lệnh của quốc chủ, trộm nghĩ núi non sông biển đâu cũng là cõi đất của nhà vương, thần linh kính tòn há nên xâm chiếm? Nến phải tháp thiêng thì nên tỉnh ngộ. Nay quốc chủ ta phát nguyện từ tâm để rộng mở phật pháp giác ngộ, cầu kết quả Bồ Đề, dựng tháp thiêng đài Phật. Nay xin dời tháp cũ, trước là để cho dân được chầu gần điện Phật, tiện tập phép nghe kinh, sau là để trông thấy Như Lai cầu được siêu thăng tịnh độ. Xin nguyện thần linh cúi xét cho lời khấn cầu của đệ tử, hãy ứng nghiệm quẻ bói âm dương để chứng cho tấm lòng thành mong mỏi. Đông Triều khấn xong cầm hai đồng tiền cúi đầu tung lên rồi sụp lạy, dạ ran một tiếng, bảo mọi người là thần linh đã ứng, cho một âm một dương.

Rồi Đông Triều chỉ trời đất mà nói:

- Xin làm theo lời quẻ dạy. Nói xong Đông Triều bước vào cửa tháp, trước hết bưng dời đồ thờ rồi bắt tay cạy gạch dỡ đá. Quân sĩ thấy vậy cũng vào làm theo. Dời hết gạch đá ở tháp cũ ra gò núi phía sau xây lại để thờ phụng. Sau đó thủ bạ Đông Triều cho hưng công xây chùa. Quân lính và dân chúng đổ đất, dời tường, đắp nền. Chùa mới dựng lên lầu điện nguy nga, chuông trống ngân vang, ngọc vàng sáng lạn, ngoài cổng treo biển đề tên chùa ba chữ "Vinh Hòa tự" (chùa Vinh Hòa). Từ đó Phật pháp tôn nghiêm, Bồ Đề vững gốc, chỉ trong vòng một năm xây xong toàn bộ khu chùa, đúng là một nơi cực lạc trong rừng thiền.

Người đời sau có thơ vịnh như sau:

Lồng lộng tôn nghiêm bóng Phật đài.

Theo làn gió Tuệ quét trần ai.

Bồ đề cây ấy vốn không có,

Gương sáng không đài há thấy đài? (2)

Lương Đế, Đàm tăng nào vượt quá, (3)

Đường Tông (4) Huyền lão hà thua tài.

Mới hay đức lớn quỷ thần phục.

Lại thấy thiền môn tỏa ánh ngời.

Tháng ba, ngày mười bảy, giờ Thân, vùng Cựu doanh từ chợ Phương Lang đến quán Hồ Xá động đất, nhà cửa đồ đạc nghiêng đổ, dân chúng chạy ra các cánh đồng người ngồi ở nhà thấy chao đảo như thuyền đi trên sóng, sau chốc lát mới trở lại hình thường. Đến ngày mười tháng tư, núi ở huyện Cam Lộ sụt lở một góc sâu hơn ba thước, dài hơn mười trượng, ở vùng sông Thạch Hãn mưa đỏ như máu, nước có mùi tanh, sau ba ngày nước sông mói trong như cũ. . . Thượng tuần tháng bảy, tiết chế Thuận Nghĩa - trấn thủ Cựu Doanh bị ốm nặng, chạy chữa thuốc men không khỏi; cầu cúng cũng không thiêng. Đến ngày chín tháng tám, Thuận Nghĩa biết bệnh nặng không sống nổi bèn gọi thuộc tướng và các con vào bên giường rồi nói:

- Ta đội ơn được thánh thượng quý trọng tin dùng đã lâu, làm quan đã đến tột bực của đại thần, được hưởng phú qưý hơn người nhiều lắm. Chỉ giận nỗi chưa diệt trừ được họ Trịnh giúp chúa Nguyễn thu phục cơ đồ thống nhất để thỏa nguyện của kẻ bề tôi. Các ngươi hãy về triều bẩm lên thánh thượng biết để dưới suối vàng ta khỏi mắc tội phụ ơn bậc thánh vương.

Thuận Nghĩa nói xong thở dài mấy tiếng rồi mất, thọ sáu mươi lăm tuổi. . .

Các tướng bộ thuộc ở Cựu Doanh bèn viết khải sai người đưa về vương đình. Hiền vương nghe tin đau buồn rơi lệ, than rằng:

- Làm kẻ bề tôi như ông Thuận giúp chúa hết lòng. Ông Ở Nghệ An hơn năm, sáu năm gối kích nằm đao, gội mưa chịu rét khổ thân mệt trí, chỉ mong giúp ta thu phục Trung đô, dựng quy mô nhất thống; lập công trí trị, hưởng hương làng xóm, rạng rỡ cho thân thích tổ tiên. Không ngờ nửa đường đứt gánh. Ấy thật là trời không muốn giúp ta hoàn thành sự nghiệp lớn.

Hiền vương nói xong lại đau buồn thương khóc hồi lâu. Các tướng có mặt tại triều ai nấy đều thương tiếc bùi ngùi rơi lệ, nói riêng với nhau rằng:

- Thánh thượng yêu quý bề tôi, thân như cha con, ân đức như thế, thật đáng sánh với Hán Quang Vũ, Đường Thái Tông. Bọn ta dẫu phải thân nát xương tan cũng không đáng tiếc.

Rồi đó Hiền vương sai người mang chiếu thư ra Cựu Doanh truy tặng cho Thuận Nghĩa là Hiệp mưu tá lý công thần Trung quân đô đốc phủ Chưởng phủ sự Đại đô đốc, tước Thuận quận công, ban tiền bạc vóc lụa để lo việc tang, cho làm lễ an táng theo nghi thức tước công để biểu dương đạo nghĩa của bậc công thần. Lại cho triệu các con của Thuận Nghĩa về vương đình triều cận để đền đáp. Một mặt, Hiền vương truyền lệnh cho tham tướng Vân Long đến làm trấn thủ Cựu Doanh, cai cơ Tài Lễ làm tham tướng trấn thủ thủy doanh Quảng Bình.

Hai tướng vâng mệnh đem quân đi nhận chức để vỗ yên binh dân. Năm Đinh Mùi, niên hiệu Cảnh Trị thứ năm (1667), Hiền vương sai quan giám thí đề điệu tổ chức khoa thi Hội. Hạng chính đồ trúng cách được lấy đỗ năm người, hạng hoa văn trúng cách được lấy đỗ bốn người. Tất cả đều được cất nhắc bổ dụng. Đến tháng tư, thủ bạ Đông Triều tử vâng lệnh làm hội chủ đã hoàn tất việc trùng tu chùa Vinh Hòa. Hiền vương ngự giá đến chùa mở đàn siêu độ đón chư Phật giáng lâm.

Ngày mồng một tháng sáu có nhật thực, mặt trời bị che khuất bảy phầm mười kéo dài từ giờ Tỵ đến giờ Mùi mới hết. Đến ngày mười sáu lại có nguyệt thực, mặt trăng bị che khuất ánh sáng nửa vảng nửa đỏ, từ giờ Tý đến giờ Dần mới tròn như cũ. Tháng mười sâu cắn lúa lan tràn, dân chúng lo buồn. Hiền vương sai quan lập đàn cầu đảo, nạn sâu hại liền hết, mùa màng vẫn được bội thu, dân tình lại vui mừng như trước.

Năm Mậu Thân, niên hiệu Cảnh Trị thứ sáu (1668), tháng tư, Hiền vương theo lệ vua Lê Thánh Tông chống thần kiếm đốc suất đào kênh Thủy Liên làm cho việc đi lại dễ dàng, đường nước chảy không bị ứ tắc (5). Nhân đó vương cho đo đạc địa hình ghi rõ những chỗ nước nông nước sâu, đến thượng tuần tháng mười, vương ngự giá đốc suất ba quân và dân chúng ba huyện khơi đào lại kênh cũ, nước sâu được đến hai, ba thước. Mới được một năm chỗ ngã ba kênh cát bồi lại dồn tắc, thuyền bè khó đi. Từ đó, năm nào cũng điều dân đi vét kênh, thành lệ thường niên như thế. Năm ấy trời đại hạn, lúa má khô héo, dân gian đói kém, kho lẫm rỗng không. Vương triệu các quan văn võ vào triều nghị bàn rồi cho lập đàn cầu đảo trời đất linh thần, chỉ trong một tuần quả nhiên có mưa, mùa màng cứu vãn được một vài phần. Nhân đó ký lục Xuân Đài bẩm rằng:

- Thần nghe nói dân giàu thì kho đầy đụn chặt, kho đụn đầy chặt thì binh thế hùng cường. Nay thôn dân các nơi phần nhiều làm ruộng lậu không nộp thuế. Xin chúa thượng cho thánh chỉ sai người đi đo đạc những ruộng đất hiện đang cầy cấy làm công điền để tiện thu quan thuế dùng vào việc nước, ổn định binh lương. Đó gọi là phép dùng sức dân để bảo vệ quân sĩ.

Vương nghe bẩm xong, cho là phải.

Năm Kỷ Dậu, niên hiệu Cảnh Trị thứ bảy (1669), vương sai các quan ở văn han đến các huyện xã thuộc hai xứ Thuận Hóa, Quảng Nam đo đạc, ruộng đất hiện đang cày cấy, định ra hạng nhất, hạng nhì, cùng tư điền và đất mạ, đặt mức thu thóc thuế các hạng phân biệt khác nhau. Như các hạng công điền thì giao bản xã chia đều cho dân cầy cấy, thu thóc, nộp thuế, không được thiên vị để khỏi sinh chuyện tranh chấp. Từ đó dân chúng không còn tình trạng cãi vã lẫn nhau, ai nấy đều theo bổn phận mà cầy cấy.

Năm Canh Tuất, niên hiệu Cảnh Trị thứ tám (1670), thượng tuần tháng hai, bỗng thấy hai ngôi sao rất to sáng như nhau, cùng song song di chuyển trên bầu trời, hơn một tháng mới tách ra xa nhau. Tháng tư có trận mưa nước mặn ở hai huyện iền, đến năm sáu ngày nước sông mới ngọt lại như cũ. Trung tuần tháng sáu núi Hương Chiến bỗng nhiên sụt lở mất một góc dài đến sáu, bảy trượng, rộng hơn bảy thước. Hiền vương sai người đến làm lễ cầu đảo. Ngày mười bảy tháng ấy có nguyệt thực, mặt trăng bị che toàn phần tỏa màu xanh và đen, từ giờ Tuất đến giờ Tý mới tròn như cũ. Hạ tuần tháng bảy ở vùng đô thành xảy ra hỏa hoạn, cháy đến bảy trăm nhà dân, của cải gia súc thiệt hại nhiều vô kể.

Vương biết ý trời, bèn giữ mình, sửa đức để cầu cho dân chúng tai qua nạn khỏi. Đến ngày Canh Thân mười sáu tháng chín, vào giờ Dậu, ở vùng trời biên giới phía tây nam bỗng có một luồng khí lạ bốc lên như dải lụa rộng đến ba, bốn thước, đầu nhọn, tỏa ánh sáng rực rỡ nửa vàng nửa đỏ, hàng ngày cứ vào chập tối thì nhìn thấy, đến lúc mặt trời mọc mới thu thành một đám nhỏ rồi đứng yên, đến thượng tuần tháng mười hai mới mất.

Danh sĩ Nam Hà thời bấy giờ xôn xao bàn tán tìm lời giải thích, không biết lành dữ thế nào. Có kẻ cao kiến nói nhỏ với nhau: "Luồng khí ấy khởi từ tháng Thân, kết ở phương Thân mà hai đầu đều nhọn, sợ có động chạm đến gót chân của vương thượng, cứ theo phép xem thiên tượng là như vậy" . Tuy thế nhưng không ai dám nói với Hiền vương. Người đời sau có thơ vịnh việc ấy như sau:

Thiên đạo ngời ngời ứng nghiệm thay,

Vận hành suy thịnh há vơi đầy.

Thời Nghiêu rối loạn mười vầng nhật,

Ngũ đại tung hoành lũ sói cầy.

Thiên cổ việc đời suy đó biết,

Nay sau giác ngộ hiểu tiên tri.

Mới hay vận số âm dương nghiệm,

Tám chữ (6) xưa rằng chẳng phải sai.

Năm Tân Hợi, niên hiệu Cảnh Trị thứ chín (1671), tháng tư, Bắc triều cho người đến địa giới bờ sông Đại Linh (7) gọi to bảo lính tuần của quân Nam:

- Có sắc mệnh của hoàng đế truyền cho chúa Nam.

Đã nhiều năm xứ Nam bỏ khuyết cống lễ thiên triều, muốn chiếm riêng xứ Nam. Trên lừa dối hoàng đế, dưới khinh mạn triều đình, có lý nào như thế?

Lính tuần bên quân Nam đáp:

- Chúng tôi chỉ là hạng tiểu tổt, đâu biết việc quốc gia đại sự, không dám nhận lệnh của các ông. Nói đoạn bọn chúng phi báo cho trấn thủ Triều Tín biết. Triều Tín bèn sai người vào triều bẩm với Hiền vương. Vương cho gọi các viên đại thần vào triều thương nghị. Có người bàn cứ sai người ra tiếp nhận sắc mệnh, cũng có người bàn nên lờ đi không nhận. Mọi người xôn xao bàn tán nhưng chưa ngã ngũ ra sao. Bấy giờ Hiền vương nói quả quyết:

Đấy là lời lẽ xảo trá của Tây Định, không phải sắc mệnh của vua Lê. Thế thì việc gì ta phải đón nhận.

Nói đoạn vương bèn sai người truyền lệnh cho trấn thủ Triều Tín biết như thế. Triều Tín vâng lệnh chọn người giỏi biện bác ra bờ bắc sông Đại Linh đối đáp với sứ Đàng Ngoài, hỏỉ bọn họ vào có việc gì. Sứ giả đáp:

- Hoàng đế sai chúng tôi vào hỏi chúa Đàng Trong vì cớ gì tiếm đoạt binh dân, tô thuế hai xứ Quảng Nam, Thuận Hóa, đã nhiều năm không đem lễ vật ra triền cống thượng quốc. Vậy Nam chúa của các người phải mau mau sai quan đem trước sân triều thì mới khỏi trọng tội. Nếu chống lệnh, khi đại quân đến có hối cũng không kịp.

Sai nhân của Triều Tín đáp rằng:

- Việc lớn của quốc gia triều đinh, bọn chúng tôi là quân nhân làm sao biết được! Nếu quả có sắc mệnh của thiên tử thì các ông nên đích thân đem vào vương đình của Nam triều, cớ sao lại khinh suất giao sắc mệnh của hoàng đế chừng rằng các ông là hạng người cuồng, không phải sứ giả nào cả. Huống chi cái sắc ấy hẳn không phải mệnh chỉ của thánh thượng, chỉ là lời xảo trá của biên tướng bọn các ông thôi. Cùng một hạng ngốc nghếch như nhau cả chứ chẳng phải sứ của triều đình. Lễ cống vàng hạc thượng quốc đã chẳng coi là quý thì sao còn vào đây sách nhiễu Nam chúa của bọn ta phải cống nộp kim ngân? Hơn nữa Nam chúa coi vàng bạc như phân đất; chỉ quý dùng hiền tài trọng người mưu lược. Hoặc những vật thiết dụng cho việc quân, thì chúa ta có thuyền rồng voi chiến, uy thế nghiêng trời, nếu chúa Trịnh và triều thần các ngươi muốn có thì Nam chúa bọn ta tất sẽ mang ra biếu để các ngươi khỏi trông mong.

Sứ giả Đàng Ngoài nghe nói cả giận, đáp:

- Chúa tôi các ngươi khinh mạn thiên tử quá lắm! Rồi hai bên cãi vã nhau một trận, chẳng ai chịu ai. Sứ Đàng Ngoài đành quay lại địa giới phía Bắc rồi về Thăng Long bẩm lại với Tây Định vương. Tây Định nghe xong tức giận gọi triều thần đến bàn bạc, phát quân đánh Đàng Trong cho hả giận.

Bấy giờ đình thần là bọn quận Đương, quận Hằng, quận Đĩnh, quận Tráng cùng các tướng đều xin chúa Tây Định cho đem đại binh đi Nam chinh, phá thành bắt tướng hiến nạp trước vương đình, để bọn Đàng Trong hết khua môi múa mép, coi triều đình như chỗ không người, nếu không đạt được như thế, thề không đem quân trở về. Tây Định vương nghe nói cả mừng, dự tính dốc quân cả nước, chọn tướng tài đi đánh Đàng Trong.

Lại bộ thượng thư là tả đô đốc Thông quận công can rằng:

- Xin chúa thượng hãy bớt cơn giận dữ lôi đình để tính kỹ xem sao. Phàm dấy binh động chúng tất trước hết phải biết vận trời, sau xét địa hình, hiểu lý số, biết âm dương, xem lòng người nặng nhẹ thế nào, hiểu rõ chỗ mạnh yếu của địch, của ta, xét thời thế có thuận hay không rồi mới nên xuất quân đi đánh. Binh pháp nói: "Biết người biết ta, trăm trận trăm thắng; biết mình không biết người trăm trận trăm thua" . Nay Nam trấn quân tinh, lương đủ, lũy cao, hào sâu, voi chiến đầy đồng chật núi, thuyền chiến kín biển tướng sĩ trên dưới hòa mục. Quân ta tuy đông, nhưng tựa như bầy quạ mới nhóm, lâu nay không tập luyện, hiệu lệnh không nghiêm.

Lại thêm khắp bốn trấn giặc giã như ong còn chưa dẹp trừ. Nếu chúa thượng nhất thời giận dữ dốc hết quân đi Nam chinh thì giặc giã bốn phương sẽ thừa cơ nổi dậy đánh chiếm Trung đô. Như thế là trong nhà anh em bất hòa, đối với người ngoài chịu nhục. Người xưa từng nói: "Chưa bắt được giặc đã nướng mất quân", thì hối sao kịp? Nếu chúa thượng muốn cất quân đi đánh Đàng Trong, chi bằng trước hết hãy sai người đi vỗ về, an ủi bốn trấn, đem vàng bạc sang cả các nước Ô Lan (8), Hoa Lang (9), Nhật Bản cầu thân với họ để nhờ nước Ô Lan giúp cho phép dạy quân tập bắn, nhà nước Nhật Bản dạy cho tài múa kiếm phi đao, nước Hoa Lang dạy cho phép thủy công đánh gấp. Như thế thì trong nước tướng sĩ anh hùng, ba quân thủy hộ tinh nhuệ, tích lương chứa cỏ, chọn tướng tập binh. Bấy giờ hãy xuất quân đi đánh.

Kẻ ngu thần có lời bàn nông cạn như thế, cúi mong vương thượng cân nhắc soi xét. Tây Định vương nghe Thông quận công can ngăn, ngẫm nghĩ cho là phải, bèn bãi việc Nam chinh. Rồi vương thân hành đi thăm viếng khắp bốn trấn ban thưởng các quan, an ủi dân chúng. Lại chọn các triều quan có tài ăn nói, am hiểu tiếng nói các nước, đem vàng bạc báu vật sang các nước Ô Lan, Hoa Lang, Nhật Bản làm lễ vật hòa thân, xin họ cho người sang tập luyện binh pháp cho quân ta. Một mặt lại truyền cho các nơi trong nước vận chuyển lương thảo, đắp đường vét kênh để tiện việc tiến quân.

Chuyện chia làm hai mối, kể tiếp:

Lại nói tháng bảy năm ấy, Hiền vương Nguyễn Phúc Tần đột nhiên sinh chứng đau ống chân, thuốc men chạy chữa không khỏi. Từ đó vương đi lại khó khăn, không ngồi voi cưỡi ngựa được như trước, vì thế vương không vui. Vương truyền lệnh cho các tướng luyện tập quân cơ để mưu đồ khôi phục. Đến lúc ấy triều thần mới nghiệm biết điềm khí lạ năm trước ứng vào việc Hiền vương bị đau chân. Ấy là thiên cơ huyền diệu vậy. Đến tháng tám, khắp nơi trẻ hăn trâu tụ tập từng đoàn, chia đôi bên tập đánh trận giả; đẽo gỗ làm kiếm, kích, dán giấy làm cờ, vắt đất làm đạn, mồm kêu giả tiếng súng, kết củi khô làm thuyền để đánh thủy chiến.

Thường là suốt ngày suốt đêm reo hò đánh trận giả như thế. Đấy tuy là trò chơi của lũ trẻ nhưng xem ra cũng là do lòng trời xui nên như thế!

Người thời bấy giờ có thơ vịnh như sau:

Bĩ thái theo nhau vật đổi dời,

Tính ra như thế cũng do trời.

Nước nhà tướng sĩ còn yên gối,

Đồng ruộng nhi đồng đã đấu roi.

Ai bảo Triệu giàu mây trắng cuộn,

Đừng rằng Yên loạn tuyết đen hôi.

Hãy đem tài trí phù thánh chúa.

Giữ vững non sông mãi vạn đời.

Chú thích :

(1) Trường Sa: chỉ những cồn cát trắng chạy dài ven biển Quảng Bình (tỉnh Bình trị Thiển); từ Cửa Tùng đến của Nhật Lệ là Đại Trường Sa; Từ Cửa Việt đến Cửa Tư Dung là Tiểu Trường Sa.

(2) Hai câu 3 và 4 dùng ý của thiền sư Tụê Năng (thế kỷ thứ VIII) tổ thế hệ thứ hai dòng Thiền Đông Độ): "Bồ đề bản vô thụ, minh kính diệc phi đài", nghĩa là: Bồ đề vốn không có cây ấy, gương sáng cũng không có đài.

(3) Lương đế: chỉ Lương Vũ Đế. Đàm tăng: chỉ nhà sư Đàm Thiên.

(4) Đường Tông: tức Đường Thái Tông.

(5) Kênh Thuỷ Liên: từ xã Thủy Liên đến xã Hồ Xá, khởi đào từ đời Hồ Hán Thương, Đến đời Lê, khi Lê Thánh Tông đi đánh Chiêm Thành thấy kênh bị bồi lấp đã cho đào vét lại.

(6) Tám chữ (Bát tự): thuật xem tướng căn cứ vào năm, tháng, ngày, giờ sinh để đoán định họa, phúc, thọ, mẹnh, gọi tắt là tám chữ.

(7)] Đại Linh giang: tức sông Gianh ở Quảng Bình.

(8) Ô Lan: theo Hoàng Xuân Hãn là miền Batavia trên đảo Java (Inđônêxia) thuộc địa của Hòa Lan.

(9) Hoa Lang: tức nước Hòa Lan/Hà Lan.

Quảng cáo
Trước /32 Sau
Theo Dõi Bình Luận
Tẩu Thác Lộ (Tập 1

Copyright © 2022 - MTruyện.net