Màu Nền | |
Màu Chữ | |
Font Chữ | |
Cỡ Chữ | |
Style Combo | |
Sau khi vua Chau Ponhea To và thái hậu Ngọc vạn đã lên đường trở về triều, bọn Đình Huy cũng chuẩn bị ra đi. Lê Xướng cười hỏi Đình Huy:
- Thái hậu hoàn tục rồi, anh cả hết buồn chưa?
Đình Huy nghiêm trang nói:
- Với thái hậu lúc này, ta chỉ coi như một người thân thôi. Thái hậu hoàn tục hay không thật sự đâu có tác dụng gì tới ta! Sở dĩ trước đây ta buồn đau chỉ vì nghĩ rằng bà ta bị bọn ác nhân đày đọa hành hạ hoặc bỏ xương chỗ nào không ai biết chứ đâu có ngờ bà tự tìm đường giải thoát như thế. Bây giờ ta chỉ còn thắc mắc không hiểu động lực nào đã khiến thái hậu lại chán cõi đời!
- Thế thì sao anh cả lại gởi túi gấm làm chi để cho thái hậu phải hoàn tục?
- Ta chỉ làm theo ý nguyện của số đông đại chúng thôi. Thật ra thì thái hậu cũng đang bỏ dang dở nhiều việc, thái hậu cần phải tiếp tục hoàn thành...
Nguyễn Bật hỏi:
- Anh cả có hẹn chậm lắm là vào mùa thu này sẽ đến bái kiến thái hậu à? Bái kiến để làm gì?
- Thăm viếng bình thường thôi. Từ khi sang Chân Lạp ta có gặp thái hậu mấy lần nhưng chưa lần nào có thì giờ để nói vài câu cho thỏa tình cố cựu. Hơn nữa, ta cũng muốn biết vì sao thái hậu lại chán đời mà đi tu như thế.
Phạm Cống cười cười nói:
- Hay lúc này rảnh rỗi mình đến kinh thành để anh cả viếng cố nhân luôn thể cũng được, cần gì phải đợi đến mùa thu?
- Chúng ta hiện có công việc phải làm gấp đấy bạn ơi!
Lê Xướng cười thoải mái:
- Việc gì nữa đây? Làm phù thủy, làm ma làm quỉ, làm giặc núi đủ cả rồi. Nghĩ lại mà tức cười, chắc bọn Xiêm, bọn Tàu, bọn Mã Lai... ấy ngạc nhiên không hiểu vì sao mà ma quỉ thần thánh gì ở Chân Lạp cũng đều xua đuổi chúng và giúp đỡ người việt hết như vậy! Đất đai đổ bao công sức ra khai khẩn rồi bỏ không cho người việt trồng trọt chúng cũng ức hộc máu đi chứ!
Đình Huy cũng cười, nói:
- Các sắc dân khác thì tạm yên rồi, nhưng hiện một vùng ở Mỗi Xuy có mấy con cọp mới xuất hiện hoành hành dữ dội, dân chúng sống gần đấy bị hại nhiều lắm. Anh em mình phải ra tay sớm ngày nào dân nhờ ngày ấy.
Phạm Cống nói:
- Vậy còn đợi gì nữa mà chúng ta chưa lên đường anh cả?
Mọi người đều nói:
- Ừ, hay ngày mai chúng ta lên đường!
Hai hôm sau bọn tráng sĩ có mặt ở vùng có mấy con cọp dữ mới xuất hiện.
Rải rác giữa một vùng đất màu mỡ mới khai khẩn, di dân đã dựng lên nhiều ngôi nhà lá để ở. Họ đang làm ăn vui vẻ bỗng một hôm nhà kia có một đứa trẻ lên mười bị mất tích. Ban đầu người ta nghi ngờ đứa trẻ đã bị kẻ nào đó bắt cóc. Mãi tới khi phát hiện nhiều dấu chân cọp trên mặt đất, người ta mới hiểu nguyên do. Rồi gia đình nạn nhân cũng tìm ra được cái đầu của đứa bé đem về chôn. Thế là dân chúng truyền miệng nhau, nhà nào cũng lo lắng đề phòng. Kế đến, một số chó, heo người ta nuôi gần đó cũng bị bắt mất. Chừng mười ngày sau lại thêm một cô gái bị mất tích nữa. Theo tin đồn, có hai con cọp vàng to gần bằng con trâu hay lảng vảng trong vùng vào lúc mặt trời sắp lặn. Dân sống gần đó sợ nhốn nháo lên, phải lần lượt bỏ nhà mà đi ở chỗ khác. Nhiều chỗ đất đai đã trồng trọt rồi người ta không dám đến săn sóc và thu hoạch...
Khi bọn Đình Huy tới đó, họ thăm hỏi dân chúng, dò tìm đường đi nước bước của những con ác thú để chờ dịp tiêu diệt chúng. Rốt cuộc, người ta biết được có hai lối cọp hay đi. Tin tưởng vào sức mình, năm người chia làm hai toán để phục kích cả hai lối. Phạm Cống, Phạm Quyền và Lê Xướng nằm ở một lối, còn một lối dành cho Đình Huy với Nguyễn Bật. Tối đó, sau khi đã trao đổi những tín hiệu để liên lạc kêu gọi giúp đỡ nhau khi cần, họ chia nhau đi rình chờ...
Khi Đình Huy và Nguyễn Bật vừa nằm vào vị trí đã lựa chọn sẵn chốc lát thì cả hai cảm thấy có một mùi lạ khắm thúi khó chịu thoảng đến. Đoán chừng con ác thú sắp đến, họ hồi hộp sờ lại kiếm, cây cung và mấy mũi tên độc. Lát sau, họ thấy một con cọp lớn lượn mình đi dưới ánh trăng mờ. Hai người ra tín hiệu cho nhau. Hai mũi tên đồng loạt phóng vút ra, con vật kêu lớn một tiếng và nhảy dựng lên rồi ngã xuống dãy dụa. Hai người sung sướng cầm kiếm nhảy ra. Nhưng họ giật mình dội lại vì một con cọp khác xuất hiện nhảy chồm về phía họ. Con cọp này hung dữ tấn công Đình Huy rất ác liệt. Đình Huy nhảy ngang lên một phiến đá để tránh cái đà phóng tới của cọp nhưng bất đồ phiến đá gập gềnh trợt xuống đã làm chàng mất thăng bằng té ngã ngay trước chân nó. Nguyễn Bật đã nhanh nhẹn lụi vào hông con cọp một lưỡi kiếm nhưng cọp cũng kịp thời vả mạnh một cái đầy hận thù vào gáy Đình Huy trước khi gục chết. Nguyễn Bật bồi thêm một nhát kiếm nữa vào họng con cọp cho chắc ăn rồi nhảy lại đỡ Đình Huy dậy. Nhưng xương cổ Đình Huy đã gẫy nát hết. Nguyễn Bật ôm bạn khóc rống lên:
- Trăm khó khăn nguy hiểm lâu nay anh đều vượt qua dễ dàng mà giờ đây sao anh lại đành chết lãng nhách thế này trời ơi!
Một chốc sau thì ba người bạn kia kéo đến. Bọn họ vật vã khóc lóc vang động cả một vùng...
Hôm sau, bốn chàng tráng sĩ lo việc chôn cất người quá cố. Hai con cọp hạ được thì họ chỉ lột lấy một bộ da để dùng còn tất cả đều biếu không cho di dân. vì sợ sói, heo có thể đào xác Đình Huy, mọi người bàn nhau lấy da con cọp làm quan tài cho chàng. Tới lúc này bọn tráng sĩ mới nghĩ đến lời nói đùa "da cọp bọc thây" của Lê Xướng có thể là một điềm miệng báo trước. Dân chúng cảm động nghĩa cử vì dân trừ hại mà hi sinh tính mạng của chàng tráng sĩ Đại việt, kéo nhau đến dự đám táng rất đông. Mộ của Đình Huy đã được phủ ngập bởi vô số hoa dại muôn màu.
Bọn tráng sĩ che lều ăn ngủ bên mộ Đình Huy bảy ngày liền. Sau đó, họ làm một tiệc rượu chia tay bạn để ra đi. Nguyễn Bật thay mặt cho bốn anh em khấn nguyện:
"Anh cả kính yêu của chúng em,
Trước khi tới Chân Lạp, anh em ta đều thề nguyền quyết chung sức hỗ trợ công nữ dọn quang con đường cho dân tộc ta tiến tới. Nay việc còn dang dở anh đã bỏ anh em mà đi như thế cũng ức lòng lắm. Chúng em xin hứa, sẽ tiếp tục theo đuổi sự nghiệp lớn lao ấy tới nơi tới chốn. Anh cứ yên lòng mà ở lại chốn này, xương thịt anh sẽ hòa cùng đất cát của sông núi, linh hồn anh sẽ hòa nhập với khí thiêng của sông núi. Hãy phù hộ cho chúng em sớm hoàn thành tâm nguyện. Chúng em xin dâng anh một bài thơ:
Cay đắng làm chi thế hở trời!
Anh đi đau xót lắm anh ơi!
Diệt Xiêm ra sức còn vang tiếng,
Khử bạo sa cơ luống nghẹn lời!
Nợ chúa sớm đền, đau phận mỏng,
Ơn nhà chưa trọn, lạnh thân côi
Ngàn sau sông núi oai hùng ấy,
Vẫn mãi ghi công nghiệp của người!" (N
- T)
Thế rồi bốn anh em đều rót rượu xuống mộ Đình Huy, bái lạy mà giã từ.
Lúc bấy giờ tình hình di dân sống trên đất Chân Lạp đã tương đối ổn định. Bọn tráng sĩ tuy quen thú giang hồ mạo hiểm nhưng xa quê lâu quá không sao khỏi nhớ nhà. Thế là họ bàn nhau về Thuận Hóa một chuyến, trước là báo cáo công tác thẳng với chúa Nguyễn, sau thăm nhà luôn thể.
°
Về tới Thuận Hóa, bốn tráng sĩ cùng vào bái yết chúa Thượng Nguyễn Phúc Lan. Lúc bấy giờ chúa mới đã dời thủ phủ về làng Kim Long bên bờ sông Kim Trà (địa điểm thứ năm 1636-1687). Nguyễn Bật thay mặt đội bảo hộ lưu dân Đại việt tâu trình với chúa tất cả mọi hoạt động của đội từ khi nhập cuộc cho đến giờ. Chúa Thượng khen ngợi những cố gắng phi thường của toàn đội và đặc biệt chúa rất cảm kích sự dũng cảm hi sinh của đội trưởng Trần Đình Huy. Sau đó chúa truyền dọn yến đặc biệt để đãi các tráng sĩ tại nhà riêng.
Khi người quản gia dâng trình quà phương xa của nhóm tráng sĩ, chúa Thượng vô cùng ngạc nhiên. Trước mắt chúa là một quày chuối sứ, hai trái đu đủ và hai trái dưa hấu. Quày chuối gồm 15 nải và trái to gần bằng cườm tay. Những trái đu đủ cũng như dưa hấu đều lớn như con heo choi. Chúa Thượng hỏi:
- Các khanh lựa những trái lớn nhất đem về tặng ta đấy à?
Nguyễn Bật thưa:
- Trình chúa thượng, chúng thần không phải lựa chọn gì cả. Trên vùng Thủy Chân Lạp trồng chỗ đất nào cũng có thể cho quả lớn như thế cả!
- Thật ư? Thế ruộng lúa, đậu bắp ra thế nào?
- Ruộng lúa thì nông dân phải theo dõi mà hớt ngọn nhiều lần để giới hạn sức cao lớn của chúng hầu tránh gió mưa làm cây lúa ngã, bông lúa thường dài và nặng trĩu hạt. Chúng thần chưa hề thấy bên ấy mất mùa lần nào. Bắp đậu đều cây to thân vững nên đều cho quả dài hạt lớn. Nói chung trồng bất cứ thứ gì trên đất ấy đều cho kết quả tốt. Thật đúng là một xứ sở làm chơi ăn thiệt!
Chúa Thượng cười sung sướng:
- Ta từng nghe đất đai Chân Lạp màu mỡ không đâu bằng, rừng nhiều thú sông lắm cá, khí hậu lại điều hòa, ta vẫn tưởng tới một mức nào đó thôi. Không ngờ thực tế lại tới mức này. Giờ này ta mới thấy tận mắt những trái chuối, trái dưa, trái đu đủ lớn ngoài sự tưởng tượng của ta. Thật là một kho báu của trời cho. Ta phải tính gấp, không thể để xứ sở ấy lọt vào tay kẻ khác!
Chúa ban thưởng rất hậu cho cả bốn người. Chúa lại cho phép tất cả về thăm nhà và lo tính mọi việc trong một thời gian ba tháng. Hết hạn nghỉ, họ phải trở lại triều để nhận công việc.
Riêng trường hợp Trần Đình Huy, chúa cho mời gia đình đến để ban thưởng. Khi người em của Đình Huy là Trần Đình vụ đến yết kiến, chúa đem tước An quốc hầu ban cho Đình vụ. Nhưng Đình vụ áy náy không dám nhận:
- Bẩm chúa thượng, anh thần lập công chứ thần có làm được gì đâu mà thưởng? Xin chúa thượng cấp cho thần vài mẫu ruộng để thần lấy hoa lợi lo hương khói cho anh thần là đủ rồi! Còn chức tước thần không dám nhận.
Chúa Thượng nói:
- Tiên huynh công nghiệp rất lớn, lẽ nào ta chẳng đền đáp xứng đáng cho người! Hơn nữa, việc phong tước này chính là di ý của tiên vương, ta đâu dám cải. Cứ theo lẽ, ta phong tước An quốc hầu cho Trần Đình Huy là người có công với nước. Đình Huy qua đời không con nối dõi, khanh là em ruột đương nhiên khanh là người được kế tập tước vị. vậy khanh khá nên nhận tước phong để làm vẻ vang cho tiên tổ và cũng không phụ ý của tiên vương.
Trần Đình vụ nghe chúa nói hết lời bèn vâng mệnh chịu phong.
Nhưng Đình vụ phước mỏng, chỉ nhận tước hầu được hơn một năm thì qua đời. Tước vị An quốc hầu lại được truyền cho người con của Đình vụ là Trần Đình Phẩm.
Sau ba tháng nghỉ ngơi và thu xếp chuyện gia đình, bọn Nguyễn Bật lại vào triều ra mắt chúa Thượng. Chúa lại sai bày một bữa yến để riêng đãi bọn họ. Trong bữa yến, chúa tôi đã cùng nhau tâm tình hết sức tương đắc. Sau đó chúa phán:
- Vấn đề bảo vệ di dân lúc nào cũng cần. Bây giờ ta lại nhờ chư khanh tiếp tục làm công việc cũ. Đáng tiếc là An quốc hầu không còn nữa! Chư khanh có thấy cần bổ sung thêm người không?
Nguyễn Bật thưa:
- Thật ra thì vấn đề di dân bây giờ tương đối ổn định hơn trước xa lắm. Bốn anh em thần gánh vác việc ấy quá đủ rồi. Xin chúa thượng cứ an lòng.
Chúa lại dặn:
- Tuy tình hình di dân đã khá, nhưng ở triều đình Chân Lạp thì có vẻ rối hơn trước. vậy, nếu tình hình đòi hỏi, các khanh nên chia nhau về tăng cường giúp họ. Quan trọng nhất là phải gắng bảo vệ thái hậu Ngọc Vạn!