Màu Nền | |
Màu Chữ | |
Font Chữ | |
Cỡ Chữ | |
Style Combo | |
Cũng vào những ngày này, tuyết trắng phau bay xuống đầy kinh thành Đại Đô nước Nguyên. Các tướng khiếp tiết, loại thân vệ, đã mặc quần áo chiến may bằng lông thú xứ lạnh. Họ dàn quân túc vệ ngoài cửa hoàng thành mười dặm để đón hoàng tử Thoát Hoan đi hành hương về. Lúc đó trên vọng lâu cửa cấm cung, Hốt Tất Liệt hoàng đế triều nhà Nguyên của “thiên quốc”, đứng nhìn con trai đang dẫn đoàn người ngựa phi đến trong một cơn lốc bụi tuyết mịt mù. Hốt Tất Liệt cảm thấy bằng lòng về mình, vì đã theo đúng lời di huấn của cha là phải gìn giữ sao cho chất máu thảo nguyên vũ dũng vẫn tiếp tục lưu thông trong huyết quản, mặc dù triều Nguyên đã lập nên ở vùng đất trồng trọt phì nhiêu từ bao đời nay đã có một nền văn minh cao.
- Ta, con của Tô Lui, cháu của Thành Cát Tư Hãn, vị đại hãn đầu tiên của chín tộc Thát Đát chúa tể thiên hạ, hiện nay đang trị vì đất Trung Quốc rộng bao la, người đông như kiến. Ta vẫn làm tròn lời di huấn của ông cha ta.
Một niềm tự hào dân lên nóng tai Hốt Tất Liệt. Nguyên chúa tự hào về đứa con trai của mình. Đúng là một chàng trai anh hùng như con chim ưng trên thảo nguyên. Hốt Tất Liệt nhớ lại một câu nói đầy lo âu của ông nội. Lần ấy trước đây vài chục năm, Thành Cát Tư Hãn thân chinh đánh nước Khôresmơ. Kinh thành Mécvơ của nước này trở thành một bãi hoang tàn. Bảy mươi vạn người Mécvơ bị chặt đầu cùng với quốc vưong Khôresmơ. Nhưng hoàng tử Khôresmơ trốn thoát, lấy dân binh chống lại. Kì lạ thay, cậu bé mười bảy tuổi ấy đã liên tiếp đánh thắng các cánh quân Thát Đát thiện chiến. Có trận quân Thát Đát bị diệt hơn một tu man. Mỗi tu man là một vạn quân. Thành Cát Tư Hãn nổi giận, thề sẽ bắt sống cậu bé cứng cổ, đem dựng nêu treo chết mòn trên thảo nguyên để làm gương cho những kẻ dám chống lại mình. Thành Cát Tư Hãn huy động một lực lượng rất lớn, tiến quân thận trọng, dồn cậu bé về phía biển Ba Tư. Quân Khôresmơ mòn mỏi dần. Cuối cùng, cậu bé chỉ còn hơn một trăm lính hộ thân, cậu bị vây trên một mỏm núi vách dựng đứng trên mặt biển. Thành Cát Tư Hãn ra lệnh cho binh lính bẻ đầu mũi tên rồi mới bắn, mục đích là bắn cho cậu bé đau mà bắt sống cậu ta. Quân Thành Cát Tư Hãn từ từ tiến lên núi. Quân Khôresmơ cũng từ từ rút lên núi. Sau lưng họ là biển sâu xanh thẳm.
Chắc chắn là bắt được kẻ thù, Thành Cát Tư Hãn đã nghĩ đến những câu hỏi trước lúc hành tội hoàng tử Khôresmơ. Nhưng đúng lúc đó, cậu bé cứng cổ gọi tên Thành Cát Tư Hãn và mắng lớn:
- Hỡi này kẻ bạo ngược! Thượng đế sẽ trừng phạt mày! Còn ta đây, mày đừng hòng làm nhục được ta. Xem đây!
Từ mỏm đá cheo leo, cậu bé thúc ngựa nhảy xuống vụng biển xanh. Cậu bé rơi rất lâu mới xuống tới mặt nước, trong khi rơi cậu bé vẫn lớn tiếng chửi mắng bọn cướp nước. Thành Cát Tư Hãn đứng trên mỏm đá cậu bé vừa đứng, sững sờ nhìn xuống biển. Đại Hãn lẩm bẩm:
- Con người như vậy xứng đáng có kẻ hầu người hạ.
Thành Cát Tư Hãn ra lệnh chọn một trăm lính Thát Đát đi theo hầu hoàng tử Khôresmơ. Một trăm người tình nguyện được chọn và họ đã theo nhau thúc ngựa nhảy xuống biển. Nhưng câu nói nổi tiếng của Đại Hãn không phải là câu khen ngợi đối thủ mà là một lời lo âu về con cháu của mình. Sau khi đã tiễn một trăm người đi theo hoàng tử Khôresmơ, Đại Hãn đã nói với các tướng tòng chinh như thế này:
- Con cháu ta sẽ mặc gấm vóc, trị vì các xứ giàu sang. Ta rất lo chúng sẽ không nhớ gì đến ta, đến chúng ta, những người đã cả đời chinh chiến để mở nước, đã phải sống hết sức gian lao và đau khổ.
Cũng vì lời nói đó mà Hốt Tất Liệt bắt các con lần lượt phải hành hương về đất tổ mỗi khi đến tuổi trưởng thành. Khí thiêng đất tổ sẽ tôi rèn họ thành những dũng sĩ Thát Đát chúa tể thảo nguyên xưa, những dũng sĩ của Đại Hãn anh hùng. Bây giờ thì một dũng sĩ Thát Đát đang phi ngựa về kia, Thoát Hoan, đứa con trai của ta, thông minh, anh hùng và đẹp như thần tướng đang phi ngựa về kia.
Không phải Hốt Tất Liệt lo sợ vô căn cứ. Ngay như y, bố mẹ đều Thát Đát cả, y lại sinh ra trong một cuộc viễn chinh, lớn lên theo anh đánh đông đánh tây, rồi tự mình lập ra một triều đại thật giàu sang trên đất nước Trung Quốc mênh mông này. Có phải chính cái giàu sang này đã làm cho Hốt Tất Liệt nhớ đến câu nói nổi tiếng của ông nội chăng? Hay là vì cái xa hoa của cấm cung Trung Quốc làm cho y sa đoạ rồi và làm cho y lo lắng đến đàn con? Có thể cả hai nhưng chắc chắn rằng quyền uy trên đất nước mênh mông này làm cho y khát khao một quyền uy trên một đất nước mênh mông hơn nữa. Quyền uy làm cho con người thành lang sói, ăn không đã thèm, lúc nào cũng như một con thú đói. Bây giờ thì y đã già rồi, mộng chinh chiến chiếm đoạt làm cỏ những nước láng giềng đã khó tự thực hiện thì y sai các con y làm. Một đứa con của y đang về kia.
Thoát Hoan là hoàng tử thứ chín của Hốt Tất Liệt. Đó là một chàng trai có vẻ đẹp mà nhiều tiểu tiết trái ngược nhau. Gã có một tấm thân cường tráng của giống người du mục quanh năm cưỡi ngựa trên thảo nguyên, nhưng bộ mặt của gã lại là một bộ mặt thanh tú pha máu nòi Nam Tống, tóc đen, mắt đen. Dáng gã ngồi ngựa lịch sự nhưng ánh mắt lại là mắt của giống chim đại bàng ăn thịt sống của vùng hoang mạc xa xôi.
Thoát Hoan đã đến cửa thành. Giàn kèn vòi tu tu thổi một điệu mừng trầm trầm buồn buồn.
Giữ tục thượng võ của dũng sĩ du mục thảo nguyên, Hốt Tất Liệt không ngồi trên ngai vàng đón con vào chầu mà Thoát Hoan cũng để nguyên quần áo phủ bụi đường đến gặp vua cha. Hốt Tất Liệt xuống cổng thành. Thoát Hoan đi rất nhanh qua cửa lớn vòng thành thứ nhất vào khu điện các, nơi làm việc của các quan văn võ trong triều. Thoát Hoan đi rất nhanh qua cổng vòng thành thứ hai sang khu đại điện. Đây là nơi hoàng đế nhà Nguyên thiết triều. Hốt Tất Liệt đứng trên thềm son chờ con. Bên trái y là Tả thừa tướng A Mê, một khối óc trí lự, một tín đồ theo đạo Hồi, bên phải là Hữu thừa tướng A Lý Hải Nha, công thần khai quốc, người đã chỉ huy cuộc công chiến diệt nước Nam Tống, cuộc công chiến đã đem lại cho Hốt Tất Liệt ngôi vua trên cả một đất nước Trung Quốc mênh mông. Thoát Hoan định lạy bố, nhưng Hốt Tất Liệt đã ngăn lại.
- Thưa cha, con đã trở về!
Hốt Tất Liệt ngắm đứa con yêu. Thoát Hoan mặc một chiếc áo lông chuột tuyết màu xám tro. Những vệt tuyết tan còn chảy đẫm hai vai áo. Một chiếc mũ lông cáo rất dày có chỏm nhọn bằng vàng. Ngang sườn Thoát Hoan cài một thanh kiếm Ba Tư lưỡi cong rất quý. Bụi đường và tuyết phủ trắng lông mày, lông mi gã hoàng tử trẻ. Hài lòng về con nhưng Hốt Tất Liệt vẫn làm ra vẻ nghiêm khắc:
- Con ta đi đường có vất vả lắm chăng?
- Thưa cha, nỗi vất vả đường trường ấy sánh sao được với sự gian lao của cha những lần đánh đông đánh tây.
Hốt Tất Liệt cười lớn. Hốt Tất Liệt sai nội giám đưa hoàng tử Thoát Hoan đi thay quần áo mới. Chiều tối hoàng cung mở tiệc mừng hoàng tử đi hành hương về mạnh khoẻ. Những cung tần mĩ nữ kén từ hàng chục nước xa lạ múa chầu, họ tấu những khúc nhạc của các nước chư hầu xa xôi, họ hát những bản nỉ non ai oán trong khi các tướng ăn uống như hùm cuốn. Gần nửa đêm tiệc mới mãn. Thoát Hoan lạy vua cha xin về phủ lập ngoài hoàng thành nhưng Hốt Tất Liệt giữ lại. Hoàng đế nhà Đại Nguyên nói:
- Đêm nay cha con ta sẽ ngủ chung.
Hốt Tất Liệt dẫn con từ khu Đại điện vào nội cung nhưng cũng không dừng lại ở khu này. Hai cha con lại qua một vòng thành nữa vào đến khu chính giữa. Đây là một khu đất rộng không có một công trình xây dựng nào. Nó chỉ là một bãi cỏ rộng mênh mông. Giống cỏ này lấy từ bãi cỏ thiêng bên bờ sông Ônôn đem về trồng ở đây. Hốt Tất Liệt luôn luôn tự nhắc mình để khỏi quên đất tổ Ônôn. Nơi ấy, lần đầu tiên các bộ tộc du mục thảo nguyên họp đại hội Kurintai bầu Đại Hãn, chúa tể của các bộ tộc Thát Đát và của cả muôn loài.
Hốt Tất Liệt sai các khiếp tiết dựng một lều trận ở giữa bãi. Cái lều bằng nỉ đen lợp trên một bộ khung bằng gỗ. Trong lều, Hốt Tất Liệt sai trải hai tấm da gấu tuyết và thắp một đĩa đèn thô sơ bằng mỡ cừu. Hốt Tất Liệt bảo con:
- Ngày mai con sẽ được trao quyền đại tướng đi đánh phương nam. Đêm nay cha con ngủ trên thảm cỏ thiêng. Mong rằng cỏ thiêng nhắn nhủ con ghi nhớ dòng giống anh hùng của chúng ta.
Tất cả các tướng tuỳ tùng đều phải ra ngoài vòng thành.
Hốt Tất Liệt và Thoát Hoan vào lều trận. Trong lều lợp lụa đỏ. Trên những cọc lều treo những vật tuỳ thân của một nhà quý tộc Thát Đát: Một bộ yên cương nạm vàng, hàm thiếc và bàn đạp cũng bằng vàng, một cây thương chín đốt có ngù làm bằng lông đuôi ngựa nhuộm đỏ, một cây cung cánh dài của bộ binh, một cây cung cánh ngắn dùng khi cưỡi ngựa, cả hai cánh cung đều sơn son rất đẹp, một ống tên làm bằng gỗ bọc gấm thêu con đại bàng đang bay, một cái roi ngựa tết bằng gân cừu, một thanh kiếm Xa Mắc Căng, nơi rèn khí giới nổi tiếng thế giới, một cái que bằng trúc Thiên Sơn cán làm bằng sừng dê núi. Cái que này dùng để gợt mồ hôi ngựa lúc tắm cho chúng. Nó được cài vào hia và là vật không thể thiếu được của một dũng sĩ Thát Đát.
Trong lều còn có một cái vò sành đựng sữa ngựa và hai cái bát gỗ mộc. Hốt Tất Liệt rót sữa ra hai cái bát.
- Cha ông ta chỉ uống thứ này thay nước, thế mà các vị đã lập nên biết bao vương quốc.
Đêm ấy hai cha con Hốt Tất Liệt nằm trên thảm da gấu nhưng cả hai đều không ngủ. Hoàng đế nhà Đại Nguyên nói cho con nghe kế hoạch đánh chiếm nước Đại Việt.
- Chúa tôi nước này không chịu thần phục chúng ta. Chúng ta là thiên triều. Chúng ta muốn mở cương giới xuống biển phương nam. Nước Đại Việt lại án ngữ con đường nam chinh của chúng ta mà hai mươi nhăm năm trước quân ta đã bị họ đánh cho thua to cho nên không thể không trừng trị. Đánh vào Đại Việt phải tiến quân mấy mặt. Ta đã sai Toa Đô đem quân vào Chiêm Thành rồi. Khi con xuất quân, hai mặt thuỷ bộ cùng tiến, Toa Đô sẽ từ mé nam đánh úp vào lưng nước Đại Việt.
Hốt Tất Liệt bình tĩnh dặn dò con. Thoát Hoan sẽ có một cánh quân tinh nhuệ gồm người man mặc áo đen, man áo trắng tiến từ nước Đại Lý cũ vào mé tây bắc nước Đại Việt. Quân chủ lực sẽ chọn những tu man Thát Đát thiện chiến nhất cưỡi toàn ngựa Đại Lý. Ngựa thảo nguyên không chịu nổi khí hậu nóng nước Việt. Quân thuỷ sẽ chọn người Hán vùng Lưỡng Quảng. Quân bộ có các chiến cụ đánh thành cũng là quân Hán. Lương thảo biện ở vùng mé nam sông Đại Giang.
- Đại Việt thạo sông nước, lại có một đội voi trận rất ghê gớm. Nhưng quân thiên triều là vô địch. Con sẽ có những tướng lỗi lạc và thâm trầm nhất.
Hốt Tất Liệt kể tên A Lý Hải Nha. Tên này đã chỉ huy cuộc đánh diệt nhà Nam Tống. Hắn đánh bộ giỏi, đánh ngựa cũng giỏi, biết dùng lửa, dùng nước làm vũ khí, biết chiêu hàng, biết làm cỏ... Nói tóm lại, hắn là danh tướng bậc nhất của Nguyên triều. Ngoài ra còn Lý Hằng, người đã đánh bại tể tướng nhà Nam Tống ở mỏm Nhai Sơn. Gã là một tên tướng Hán rất thông thạo dân tình mé nam. Còn Ô Mã Nhi, dũng tướng vô địch người Hồi Hột. Còn Lý Quán, gã gian thần nhà Tống đầu hàng, thằng này rất giỏi việc đánh thành...
Rút lại Thoát Hoan sẽ có một đội quân đông và thiện chiến đủ ngựa, đủ thuyền, một kế sách đánh chắc thắng rất hiểm ác. Và nếu thắng, ngôi vua nước Việt sẽ về tay Thoát Hoan, và cả ngôi Đại Hãn nữa. Khác với nhiều nước, ngôi vua thường về con trưởng, người Nguyên có tục các con lớn đi mở nước ở nơi xa rồi làm vua nơi ấy, ngôi vua đất gốc hay truyền cho con út.
Mờ sáng Hốt Tất Liệt nhắc lại cho con nghe sự tích ra đời của người Thát Đát. Sự tích cũ kể rằng ngày xưa trên thảo nguyên mênh mang chân núi Thiên Sơn có một con sói thần lông xám. Nó chính là tổ của người Thát Đát. Một nạn lụt lớn xảy ra. Muôn loài đều bị cuốn trôi đi, chỉ còn một đôi trai gái Thát Đát sót lại giữa một hẻm núi bốn bề vách dựng đứng thấu trời. Họ sinh con đẻ cái. Họ phát rừng trồng lương thực và chăn nuôi gia súc. Đây là một thung lũng rất phì nhiêu, nhưng lạ thay giông tố luôn luôn giáng xuống, mỗi lần có giông tố thì sấm sét nổ ra dữ dội, sét đánh vào các chỏm núi, sét đánh sạt cả những chỏm núi. Tuy thế, dân trong thung lũng đông dần lên. Đến lúc cái lũng không chứa nổi số dân nữa. Họ tìm đường thoát khỏi vách núi nhưng không sao trèo qua được. Nếu chịu bó tay thì sẽ bị chết đói hết. Mãi sau có người tìm ra tại sao sấm sét cứ đánh vào vách núi mãi: Đó là vì nó chứa sắt. Bộ lạc chia ra làm ba đội. Một đội gồm những chàng trai khoẻ mạnh nhất, họ đi đẵn tất cả cây cối trong lũng đem về làm củi. Một đội khác gồm những cô gái Mông Cổ đảm đang khéo tay, họ làm thịt tất cả gia súc lấy da khâu thành nhưng túi hơi làm bễ thổi lửa nung vách núi. Việc đốt lửa giao cho đội thứ ba gồm toàn người già yếu trông lửa nung vách núi. Họ nung mười ngày chín đêm, vách núi đỏ rừng rực rồi chảy thành một dòng suối sắt đỏ xuống đồng bằng. Những người Thát Đát theo dòng suối thép cũng tràn đi. Họ trở thành những dũng sĩ vô địch, đi mở nước, mở rất nhiều nước. Họ là những người sinh ra để cai trị muôn dân tộc khác.
Hốt Tất Liệt nằm ngửa trên tấm da gấu, kể cho con nghe sự tích Sói thần lông xám và núi sắt bằng giọng kiêu hãnh, bồi hồi.
- Ông nội ta khi lên ngôi Đại Hãn đã ban ra một bộ luật Yassa để cho thiên hạ tuân theo. Đại Hãn đã sai mười bảy vạn tù binh lấy đá xếp điều luật thứ nhất lên trên đỉnh Thiên Sơn.
Thoát Hoan biết điều luật ấy và đã nhìn thấy nó trên đỉnh núi rất cao. Nó được xếp bằng những tảng đá thành một hàng chữ khổng lồ, mỗi chữ có chiều dài bằng ba mươi tầm tên. Cách Thiên Sơn vài trăm dặm, nếu tốt trời người ta có thể đọc dễ dàng điều luật đó:
“Nếu trên trời chỉ có một Thượng đế vô hình thì dưới đất cũng chỉ có một vị chúa tể hữu hình: Đó là ta, Thành Cát Tư Hãn!”
Nằm trên cỏ thiêng, nghe kể sự tích oai hùng, không dễ mấy ai được diễm phúc như hoàng tử Thoát Hoan.
Sáng hôm sau hoàng đế nhà Đại Nguyên Hốt Tất Liệt phong tước vương cho con trai. Chính hoàng đế chọn mĩ tự cho tước vương của Thoát Hoan: Trấn Nam vương. Chỉ riêng điều đó đã chứa đựng ý tứ sâu xa. Chiếc lều trận ngủ đêm trước cũng được ban cho Trấn Nam vương theo tục “cấp vốn” của Thát Đát. Hốt Tất Liệt bảo con trai:
- Ngôi báu cũng phải tự mình đi kiếm lấy, vương quốc cũng phải do mình chiếm lấy. Có thế hai phía mới xứng với nhau. Thiên tử mà mất ngôi còn nhục hơn con chó ghẻ bị bầy đuổi đi. Ngày xưa cố nội ta lúc còn là tù trưởng phiên trấn mà trong tiệc đại hạ, người giả say rượu chếnh choáng cứ nắm râu thiên tử nhà Tống mà giật lia giật lịa. Thế mà vua nhà Tống sợ, cứ phải chịu thôi. Con sẽ xuống phía nam núi Ngũ Lĩnh sắp sửa binh lương. Con sẽ dùng ngọn thương này mở đường đến ngôi vua của mình.
Lễ mừng thân vương Thoát Hoan diễn ra tưng bừng ở kinh thành Đại Đô. Nhưng sự việc đáng lưu ý trong ngày hôm đó lại là mệnh lệnh lập hành tỉnh Kinh Hồ và cử A Lý Hải Nha coi việc của Hành tỉnh này. Đây chính là Mạc phủ của Trấn Nam vương Thoát Hoan và là bộ não điều khiển việc sửa soạn binh lương, quân tướng, xe ngựa, thuyền bè cho cuộc tiến quân đánh Đại Việt sắp tới.
Chọn A Lý Hải Nha làm người phò tá cho con trai, Hốt Tất Liệt tin rằng đúng. A Lý Hải Nha là một tướng gốc Hồi Hột đã từng chinh chiến nửa đời người, một lão tướng rất mưu lược, trầm tĩnh, sâu sắc và tàn ác. Công lao tiễu phạt Nam Tống và mở nước Đại Nguyên đã đưa A Lý Hải Nha lên địa vị cực phẩm của triều đình. Ngay từ những năm trước đây, lúc Thoát Hoan chưa đến tuổi được đội mũ, Hốt Tất Liệt đã chọn A Lý Hải Nha làm quan tư giảng để coi sóc việc dạy dỗ cho Thoát Hoan thành một người đủ tài mở nước. Để tỏ bụng tin yêu, Hốt Tất Liệt cho phép A Lý Hải Nha nhận lễ vương sư của Thoát Hoan.
Hốt Tất Liệt bảo A Lý Hải Nha:
- Ở vùng Kinh Hồ muốn lương thảo có lương thảo, muốn ngựa có ngựa tốt nước Đại Lý, muốn thuyền có thuyền Lưỡng Quảng. Các ngươi sẽ có những binh tướng Lĩnh Nam trèo núi không thua gì người Giao Chỉ. Các ngươi cũng sẽ có những binh tướng thạo nghề sông biển như người phương nam. Nhà ngươi đã là công thần khai quốc của ta. Tên ngươi đã được khắc lên sách vàng. Bây giờ nhà ngươi mang ấn vàng thao gấm đi phò tá con ta. Hãy cố sức đem uy danh của thiên triều đến mở mắt cho bọn man di phương nam. Nhà ngươi phải kính cẩn vâng nhớ ý trẫm!
Hốt Tất Liệt sai treo đèn lồng ở vườn hoa mẫu đơn để tiễn hai tướng lên đường nam chinh cho trọng thể.
Trưa hôm sau nữa, theo lời tâu của quan giám toà Khâm Thiên giờ Ngọ là giờ tốt, Thoát Hoan và A Lý Hải Nha rời Đại Đô lên đường xuống Lĩnh Nam. Hốt Tất Liệt cho một nghìn thân quân Thát Đát đi theo làm đội hộ vệ đặc biệt của con trai. Nghìn quân này do tên tướng tước Vạn Hộ hầu Lưu Thế Anh chỉ huy. Hốt Tất Liệt cũng thăng cho Lưu Thế Anh từ tước hầu Vạn Hộ đeo thẻ phù chạm hình con hổ có hai hạt minh châu lên tước thẻ phù có ba hạt châu.
Một kẻ đã được nuôi dạy để đi mở nước làm vua, một kẻ mang trong huyết quản dòng máu kẻ cướp của bọn thảo tặc, một kẻ mang trong giấc mơ tiếng ru man rợ của chó sói, một kẻ mang trong tim cái định kiến thiên triều con trời tối ư ngu xuẩn, đã lên đường đi đánh cướp nước Đại Việt như thế đó.
Trong lúc giàn kèn vòi của hoàng thành Đại Đô thổi tu tu để tiễn Trấn Nam vương Thoát Hoan thì cấm quân cung thủ Đại Đô bắn tên sơn đỏ tứ tung ra tám hướng để báo với thần sông thần núi các nơi biết mà phù trợ cho con trai của hoàng đế thiên triều. Kinh thành ăn mừng trước một chiến thắng lẫy lừng. Duy một nghìn gia đình của những người lính trong đội quân của Lưu Thế Anh là không vui.