Màu Nền | |
Màu Chữ | |
Font Chữ | |
Cỡ Chữ | |
Style Combo | |
Sau bao ngày xung trận bão táp, vua Lý Thánh Tông cùng đạo binh tinh nhuệ đã đánh cho quân Chiêm tan tác và lấy được kinh đô Chà Bàn. Thấy nguy, chế củ đã đem một đạo quân nhỏ chạy trốn.
Không bắt được vua Chiêm, mầm chiến tranh chưa hết, trận đánh chưa thể kết thúc. Sau bao ngày truy lùng chưa lần ra dấu vết vua Chiêm, vua Lý Thánh Tông bắt đầu sốt ruột. Giữa lúc ấy, vua được tin trong nước đang lâm vào nạn đói dữ dội. Lo Ỷ Lan không biết xoay sở, dân đói có thể nổi loạn, vua trao quyền bính cho Lý Thường Kiệt rồi cải trang đem một cánh quân nhỏ trở về.
Thuyền vua về đến châu Cư Liêm68 chợt gặp đoàn thuyền tài lương ra trận. Vua vội triệu viên quan coi đoàn đoàn thuyền lương đến hỏi:
[68] Nay là Tiên Lữ, Hải Hưng.
- Dân tình đang đói, cớ sao không để thóc gạo chia cho dân.
Không biết đấy là vua, viên quan nổi khùng:
- Thóc gạo quý như mệnh người, nhưng nếu cần dân sẵn sàng chịu đói để chu cấp cho tướng sĩ. Nay, chiến trận chưa xong mà tướng quân lén trở về, không biết xấu hổ còn hạch sách nỗi gì?
Vua lừ mắt ra hiệu cho các võ sĩ hộ vệ ngồi yên rồi đấu dịu:
- Ta muốn biết trong lúc ta xông pha trận mạc, thân nhân của ta có qua khỏi nạn đói hay không?
Viên quan coi đoàn thuyền lương cười sằng sặc:
- Cả nước có nạn đói, lại đôi nơi loạn nữa là khác. Nhưng nước có chủ, ai nỡ để gia đình quân sĩ khốn khó.
Vua tái mặt:
- Dân đói làm loạn? Vậy hiện tình ra sao?
- Làm gì mà tướng quân hoảng loạn lên thế? – Viên quan tải lương sửng sốt – Lo cho vợ con ở nhà đói chắc?
Vua thiết tha:
- Ta muốn biết dân chúng cả nước kia!
- Tướng quân hãy bình tâm nghe hạ quan nói cho có đầu có đuôi. Dân đói được cứu thoát, loạn lạc đã được dẹp yên nhờ một người đàn bà.
- Một người đàn bà? – Vua chưa hết thảng thốt.
- Vâng. – Viên quan tải lương cố tình rề rà – một người đàn bà đích thị. Mà người đàn bà ấy xuất thân lam lũ nhưng tài đức, nhan sắc thì gầm trời Nam này ítai sánh được. Người ấy là nhiếp chính Ỷ Lan.
- Ngươi có nói quá không?
Viên quan tải lương nổi xung:
- Tướng quân tưởng hạ quan quá chén chăng? Không đâu. Mà hạ quan thì chưa hề biết nói dối.
Vua buột miệng than:
- Chao ơi! Chính là ái phi của ta đấy ư?
Viên quan kinh ngạc:
- Tướng quân mất trí hay sao mà nói năng bất kính như thế? Nhiếp chính Ỷ Lan là chính phi của Hoàng đế anh minh, được dân chúng cả nước hâm mộ, tôn thờ là quan âm nữ mà tướng quân dám phạm thượng gọi là ái phi là cớ làm sao?
Thấy mình lỡ lời, vua bối rối đỏ mặt:
- Xin hạ quan đừng giận. Nhưng cho được nghe nhiếp chính Ỷ Lan dùng phương kế thần hiệu nào mà cứu được dân đói, dẹp được loạn lạc?
Dường như chẳng mấy lúc được hỏi về những việc quân quốc, nên sau khi hắng giọng, vẻ tự đắc, viên quan say sưa và thành kính ca ngợi công đức Ỷ Lan. Viên quan đặc biệt hào hứng khi kể về thái độ quả quyết trừng trị bọn tham quan và chuyến đi thị sát châu Định Nguyên của Ỷ Lan. Cuối cùng luận về kế dẹp loạn của Ỷ Lan, viên quan cao giọng, nói:
- Cao kiến triệt quân đi lùng trộm cướp để dẹp yên được loạn cướp của nhiếp chính Ỷ Lan mỗi người hiểu một cách. Hạ quan cho rằng quan châu Định Nguyên lúc đầu không hiểu cái duyên cớ xui dân hóa thành trộm cướp nên mới điều binh đi bắt trộm cướp. Đâu có biết rằng, càng lùng bắt, trộm cướp càng bạo hành. Huống nữa, sự lùng bắt gắt gao đó khiến cho dân không thể trở về đời sống lương thiện được nữa. Nhiếp chính Ỷ Lan khác thế. Nhiếp chính biết dân trở thành trộm cướp là vì đói lạnh nên đã mở đường cho họ trở về đời sống lương thiện. Đã thế nhiếp chính lại phát chần, cho cái ăn trước mắt rồi mới ghép dần vào khuôn khổ, khuyên việc tăng gia cần kiệm. Cảm cái đức lớn ấy dân loạn bỏ cung nỏ mà mang cày bừa. Phải là người có tài cao đức rộng, lại biết yêu dân mới có được hành động ấy. Tướng quân nghe hạ quan nói vậy có phải không?
Những lời kể hùng hồn của viên quan coi đoàn thuyền lương khiến vua Lý Thánh Tông lặng đi trong giây lát. Những điều nghe được ấy với những cảnh mắt thấy tai nghe trên đường vua trở về như cùng nói lên một điều: nhân dân Đại Việt vẫn sống trong cảnh thái bình thịnh trị, không có dấu hiệu gì tỏ ra nước có loạn. Và cũng chỉ bằng ngần ấy mẩu chuyện kể về Ỷ Lan trị nước, nhưng ông vua thông minh, có tài dùng người đã nhanh chóng hình dung ra người vợ yêu của mình đã hành động kiên quyết, sáng suốt và vô cùng khôn ngoan để từ trong khó khăn chồng chất tìm ra lối thoát duy nhất, đưa dân nước thoát khỏi họa loạn. Từ đáy lòng mình, một niềm tự hào bao hàm cả lòng tin yêu, cảm phục thôi thúc vua muốn trở về kinh thành trong khoảnh khắc để nói với người vợ yêu những lời ngợi khen chân thành, sâu sắc, để được ngắm nhìn dung nhan đẹp tuyệt vời của nàng.
Lầm tưởng viên tướng đang suy nghĩ tìm ra cái hay trong phép trị loạn của Ỷ Lan, viên tiểu quan lại say sưa:
- Nói cho cùng, dẫu có nhiều cách luận khác nhau nhưng mọi người đều đồng lòng coi nhiếp chính là bậc kỳ tài. Các quan to nhỏ, cả quan thái sư đều tuân theo lệnh của nhiếp chính. Nạn đói được cứu khỏi. Cả nước chịu ơn nhiếp chính, một lòng tôn kính như Phật bà vậy.
Lần nữa vua trầm giọng:
- Thật là đại phúc cho nước Đại Việt có người đàn bà tài giỏi, biết dùng cả uy lẫn đức để giữ yên xã tắc qua cơn nguy biến. Ta đi trận mạc trao quyền nhiếp chính, phó thác cả vận nước cho Ỷ Lan quả là không sai. Ta đã biết vậy mà còn có lúc chưa thực tin.
Chợt vua vùng đứng dậy nói như tỉnh cơn mê:
- Người ta là đàn bà mà còn giỏi như vậy. Ta là đàn ông, lại là vua một nước hùng cường há lại tầm thường thế này sao?
Nghe xong, viên quan tải lương sợ toát cả mồ hôi, vội quỳ sụp xuống:
- Muôn têu bệ hạ! Không nhận ra mặt rồng thần thật đáng tội chết.
Vua bật cười vui vẻ rồi vừa thân đỡ viên quan vừa nói:
- Trẫm chằng những không bắt tội khanh mà còn ân thưởng khanh mới phải lẽ.
Nói rồi vua truyền lệnh cho quân sĩ:
- Các ngươi hãy cùng trẫm quay thuyền xung trận cho đến khi lập nên kỳ tích mới nghe.
Tướng sĩ tự hào, phấn chấn hò reo không ngớt. Đoàn thuyền chiến của vị vua anh kiệt thoắt đã xé nước lao đi như những mũi tên.