Màu Nền | |
Màu Chữ | |
Font Chữ | |
Cỡ Chữ | |
Style Combo | |
PHẦN THỨ NHẤT
NHỮNG NGƯỜI ĐẦU TIÊN
MỞ ĐƯỜNG CHO PHONG TRÀO CỘNG SẢN (1923 - 1929)
Chương I
HỘI VIỆT NAM CÁCH MẠNG THANH NIÊN
(1923 - 1929)
I- TỪ NGÀY THÀNH LẬP ĐẾN KỲ ĐẠI HỘI LẦN THỨ NHẤT CỦA HỘI
“Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên do một nhóm gồm bảy trí thức thành lập năm 1923 tại Trung Quốc. Lần đầu Hội lấy tên là “Tân Việt Thanh niên đoàn hay Tâm Tâm xã"[3].
Đọc qua cương lĩnh đầu tiên của Đoàn, chúng ta nhận thấy đó chỉ là một tổ chức phản đế. Hãy xem mục đích của Đoàn là như thế nào:
“Đoàn kết tất cả những người có khả năng ở trong nước Việt Nam, không phân biệt đảng phái, biết kiên quyết hy sinh lợi ích cá nhân và quan điểm riêng của mình, tất cả những người có thể hoạt động thật sự cho công cuộc khôi phục chủ quyền của dân tộc Việt Nam...”.
Nhưng trong quá trình đấu tranh, các khuynh hướng cộng sản chủ nghĩa dần dần xuất hiện trong đảng ấy...; cố nhiên các khuynh hướng chưa rõ ràng vẫn tồn tại.
“Bước đầu tiên của Đoàn trong giờ phút hiện tại là nghiên cứu phương pháp để khôi phục lại dân tộc Việt Nam. Còn vấn đề cơ cấu chính trị tương lai thì sẽ do tất cả mọi thành viên của Đoàn xem xét và do Đại hội toàn quốc thông qua theo đa số phiếu, căn cứ theo tình hình quốc tế và những đặc điểm của nước ta”.
Năm 1924, Tâm Tâm xã tổ chức ám sát viên Toàn quyền Pháp Méclanh[4], lúc qua Trung Quốc. Chính nhà cách mạng quá cố Phạm Hồng Thái[5] đã đứng ra tổ chức hành động khủng bố cá nhân ấy. Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên được cố đồng chí Nguyễn Ái Quốc[6] cải tổ lại vào năm 1925.
Sau khi cải tổ, để dễ dàng giữ vững tổ chức của mình, Hội lấy các tên gọi khác nhau để gọi. Làm như vậy, a) những hội viên loại hai không được biết còn có một loại hội viên khác đồng thời tồn tại, b) quần chúng ngoài Hội, trong mọi trường hợp không được biết tên Hội. Phương pháp giấu kín tên Hội này là một trong những bằng chứng thể hiện rõ ràng nhất chủ nghĩa biệt phái tiểu tư sản của nó.
Trong quan hệ với các đảng phái chính trị khác ở Trung Quốc và ở Đông Dương, Hội tự xưng là Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên. Tên chung cho các hội viên loại thứ nhất, là cộng sản hay tự nhận là cộng sản, là Hội Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí.
Đối với những hội viên cộng sản kiên định, thì tên gọi đặc biệt là Việt Nam Cách mạng Thanh niên đoàn.
* * *
Từ năm 1925, Hội đã chuyển hướng theo chủ nghĩa cộng sản. Hồi đó Hội chưa có cương lĩnh được viết ra và công bố. Cuốn sách Đường kách mệnh của đồng chí Nguyễn Ái Quốc được xem như một quyển kinh thánh “cộng sản” đối với những người cách mạng đương thời. Thực ra sách nhỏ ấy đã dùng làm cương lĩnh chính trị cho Hội. Nó viết rằng: trước hết phải làm cách mạng quốc gia, và tiếp sau đó là cách mạng thế giới. Đồng chí Nguyễn Ái Quốc đã phân định các cuộc cách mạng thành bốn loại[7]:
a) Cách mạng tư sản như cách mạng Pháp năm 1789 chống kẻ thù bên trong: chế độ phong kiến.
b) Cách mạng dân tộc như cách mạng Mỹ hoặc cách mạng Trung Quốc chống ách đô hộ nước ngoài.
c) Cách mạng nhân dân như ở Liên Xô.
d) Cách mạng thế giới.
Trong tuyên truyền và cổ động, các chiến sĩ cách mạng nói rằng khi mỗi nước đã làm cách mạng thì lực lượng cách mạng ở tất cả các nước đó liên hiệp lại để cùng nhau đấu tranh chống chủ nghĩa tư bản trên quy mô quốc tế và làm cách mạng thế giới luôn thể.
Như vậy là Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên không hiểu rằng một mặt cách mạng Đông Dương phải là một cuộc cách mạng tư sản dân chủ (phản đế và phản phong), mặt khác, cuộc cách mạng đó không phải là một cuộc cách mạng riêng rẽ mà là một bộ phận khăng khít của cách mạng vô sản thế giới mở đầu bằng Cách mạng Tháng Mười (cách mạng vô sản).
Ngoài lý luận sai trái ấy về tính chất của các kiểu cách mạng, nhiều hội viên Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên đã máy móc phân chia quá trình cách mạng ra làm nhiều giai đoạn khác nhau: giai đoạn phôi thai tổ chức (không hợp pháp), giai đoạn hoạt động nửa hợp pháp (biểu tình, mít tinh, giai đoạn khởi nghĩa, giai đoạn kiến thiết, v.v.). Họ cũng quy định cả thời gian cho từng giai đoạn, bất chấp các điều kiện chủ quan và khách quan trong quá trình đấu tranh cách mạng.
Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên đã tách rời công tác tổ chức ra khỏi cuộc đấu tranh hằng ngày. Nhưng tổ chức và đấu tranh hằng ngày thì lại gắn bó khăng khít với nhau: người ta làm công tác tổ chức để chuẩn bị và tiến hành đấu tranh, nhưng chính trong đấu tranh hằng ngày công tác và tổ chức mới được tăng cường. Người cộng sản không thể định trước một cách máy móc các giai đoạn khác nhau của cách mạng mà phải nghiên cứu trong từng giai đoạn, những điều kiện cụ thể lúc đó để đề ra chiến lược và sách lược cho mình.
Hội đã nêu vấn đề chuyên chính vô sản trong thời kỳ đầu của cách mạng Đông Dương. Đó là sai lầm. Hội đã nhầm lẫn nhiệm vụ đấu tranh giành chuyên chính công nông (thời kỳ hiện tại) với nhiệm vụ đấu tranh cho cách mạng xã hội chủ nghĩa. Nhiều hội viên đã quá mơ hồ đến chỗ đã tuyên bố là quốc hội sẽ quy định hình thức nhà nước; họ không hiểu rằng với tấm gương của cuộc cách mạng Nga thì Xôviết là hình thức nhà nước tốt nhất cho Đông Dương.
Trong việc xác định động lực của cách mạng Đông Dương ở giai đoạn hiện tại, họ cũng có nhiều điều mơ hồ: một số cho công nhân và nông dân là động lực cách mạng (mà không bao giờ nhấn mạnh đến sự cần thiết phải giành bá quyền lãnh đạo cho giai cấp vô sản); một số người khác lại nói mập mờ rằng tất cả nhân dân sẽ làm cách mạng (như thế là không phân biệt các giai cấp bóc lột với các giai cấp bị bóc lột ở Đông Dương).
Về những nhiệm vụ kinh tế thì họ cho rằng, sau cách mạng Đông Dương người ta sẽ quốc hữu hoá các xí nghiệp công nghiệp, các đường giao thông, ngân hàng, rằng chính phủ sẽ nắm độc quyền ngoại thương và nội thương lớn; họ cũng dự kiến tịch thu tức khắc ruộng đất của địa chủ, tập thể hoá tất cả ruộng đất hiện có ở Đông Dương, v.v..
Chúng ta nhận thấy rằng Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên chỉ có những khuynh hướng cộng sản mơ hồ, ít nhiều hỗn độn và trái ngược nhau. Trong hàng ngũ của Hội, các khuynh hướng dân tộc chủ nghĩa còn nhiều. Tờ báo Thanh niên hồi tháng 2-1927 đã viết:
“Hỡi đồng bào! Từ bảy chục năm nay, dưới ách thống trị của đế quốc Pháp, nhà chúng ta tan, nước chúng ta mất. Đồng bào hãy tổ chức lại, đoàn kết lại để đánh đuổi quân thù đang bóp cổ chúng ta, bóc lột chúng ta đến tận xương tủy. Hỡi đồng bào chúng ta không có cơm ăn đủ no, áo mặc đủ ấm, ngay cả một mảnh đất nhỏ dùng để chôn thây cũng không có”.
Trong Hội, cũng còn tồn tại khá mạnh những khuynh hướng khủng bố; cho nên trong Đại hội lần thứ nhất tại Bắc Kỳ, Hội đã nghiên cứu vấn đề ám sát viên Toàn quyền Pátxkiê.
Thái độ đối với các đảng khác. Hội không bao giờ vạch mặt chủ nghĩa dân tộc cải lương. Hội quan hệ thường xuyên với Việt Nam Quốc dân cách mạng Đảng nhưng lại không chịu hợp nhất với đảng ấy, viện cớ rằng Hội là một tổ chức cộng sản.
Tuy thế, Hội đã mấy lần thoả hiệp một cách cơ hội chủ nghĩa với những người dân tộc cách mạng: tại một tỉnh ở Bắc Kỳ, các hội viên của Hội và của Việt Nam Quốc dân cách mạng Đảng đã đi đến một sự thoả hiệp như sau: “Mỗi đảng chúng ta đều là hoạt động riêng nhằm phát triển phong trào cách mạng, nhưng chúng ta không nên công kích lẫn nhau”.
Đáng lẽ phải vạch trần bộ mặt phản phúc của Nguyễn Thế Truyền[8], một tên trước kia là đảng viên cộng sản, trái lại Hội lại cử nhiều phái đoàn đến gặp tên phản đảng ấy, hy vọng hắn sẽ giúp đỡ Hội nhưng đấy là một việc làm công toi, bởi vì tên phản bội ấy đã nhảy qua hàng ngũ của bọn đế quốc rồi.
Hội liên hệ có hệ thống với Tân Việt Cách mạng Đảng. Mặc dù đường lối chính trị giống nhau, hai tổ chức vẫn luôn luôn độc lập về phương diện tổ chức.
Những người lãnh đạo Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên tự cho mình có trình độ lý luận cao hơn những người lãnh đạo Tân Việt Cách mạng Đảng. Nhiều lần, những người lãnh đạo Tân Việt Cách mạng Đảng đã tìm cách hợp nhất với họ nhưng rốt cuộc đều không thành công.
Tại sao? Một trong những nguyên nhân là: những người lãnh đạo Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, còn mang nặng hệ tư tưởng tiểu tư sản của giai cấp mà họ xuất thân cho nên họ không hiểu được sự cần thiết phải tập trung mọi lực lượng cách mạng vào cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc.
Cơ cấu của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên rất biệt phái. Họ không hề quan tâm đến việc tổ chức công nhân. Các tổ chức của Hội đều có tính chất tuyên truyền. Hội chú ý nhiều đến công tác giáo dục hội viên hơn là công cuộc đấu tranh hằng ngày của quần chúng; họ không nhận thức được tầm quan trọng của hoạt động trong các xí nghiệp. Nói chung, nhiệm vụ của mỗi hội viên chỉ là kết nạp hội viên mới, tự học và tham gia sinh hoạt chi bộ.
Năm 1928, các hội viên của Hội phân bố như sau: Nam Kỳ 100 (11 tỉnh), Trung Kỳ 80 (5 tỉnh), Bắc Kỳ 70 (6 tỉnh), Xiêm 20.
Năm 1929, số lượng hội viên lên đến 1.700: Bắc Kỳ 700, Trung Kỳ 500, Nam Kỳ 500. Đây là số liệu do Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương đã cung cấp, mâu thuẫn với con số 1.000 hội viên nêu trong Đại hội lần thứ nhất của Hội.
Chỉ từ năm 1928, Hội mới bắt đầu tổ chức các công hội cho công nhân. Năm 1928, Hội kết nạp được hơn 200 hội viên công hội ở Hải Phòng, Cẩm Phả, Hòn Gai.
Tại Nam Định cũng có các nhóm công hội. Năm 1929, tại Nhà máy thủy tinh Hải Phòng có đến trên 80 nghiệp đoàn. Hội đã tổ chức nông hội nhưng không phải do công nhân nông nghiệp hoặc bần nông lãnh đạo mà do trí thức lãnh đạo. Hội không nêu yêu sách cho nông dân lao động, không phát triển đấu tranh giai cấp ở nông thôn. Đầu năm 1929, tại Bắc Kỳ có 150 nông dân gia nhập tổ chức. Hội thành lập nông hội không phải nhằm mục đích biến nông hội thành những tổ chức cách mạng, mà chỉ nhằm tuyển lựa cho Hội những hội viên ưu tú nhất trong số nông dân đã được tổ chức. Đến khi những phần tử ưu tú này đã được kết nạp vào Hội rồi thì người ta giải tán các tổ chức nông dân.
Các tổ chức quần chúng khác (hợp tác xã, thư viện, hội thể thao, v.v.) thì rất ít và thường mang tính chất cải lương.
Tuy Hội có hoạt động trong giới phụ nữ, thanh niên, binh lính, nhưng kết quả hầu như là con số không, bởi vì Hội không hiểu tầm quan trọng và các phương pháp của công tác vận động quần chúng. Hội cũng tổ chức nhiều hợp tác xã, ba trại nông nghiệp và ba trường huấn luyện chính trị.
Cổ động và tuyên truyền. Trong công tác cổ động và tuyên truyền, các hội viên của Hội luôn luôn đi vào những vấn đề chung chung, rất ít đề cập đến những vấn đề cụ thể và các câu chuyện thời sự; báo chí viết rất kém và khó hiểu đối với quần chúng. Nhiều hội viên buồn cười đến mức tự giành riêng độc quyền đọc báo chí bất hợp pháp: ngay những hội viên vào Hội đã ba năm cũng không được đọc những báo chí ấy. Do đó, báo chí không thể nào thâm nhập quần chúng.
Hội phát hành các tờ báo Thanh niên, Hướng đạo, Cờ đỏ, Lao động, Quân nhân báo, v.v..
Hội rất ít dùng hình thức truyền đơn; chỉ năm 1928, sau khi các nhà cách mạng Việt Nam ở Quảng Châu bị chính quyền Quảng Châu bắt giữ thì lần đầu tiên người ta mới rải truyền đơn phản đối.
Hội cũng tổ chức huấn luyện cho hội viên nhưng, cũng như báo chí các bài giảng đều không cụ thể mà chỉ đề cập đến những vấn đề chung chung bỏ qua các vấn đề liên quan đến công tác thực tiễn hằng ngày. Ví dụ đây là chương trình của một trường chính trị:
a) Lý luận chủ nghĩa cộng sản.
b) Học thuyết Tôn Dật Tiên.
c) Chủ nghĩa vô chính phủ và chủ nghĩa phát xít.
d) Tổ chức.
đ) Công tác bí mật.
e) Hình thức cổ động và tuyên truyền.
f) Cuộc chinh phục Đông Dương của chủ nghĩa đế quốc Pháp.
Chương trình này chứng tỏ rằng Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên không nhận thức được những vấn đề lý luận và thực tiễn chủ yếu cần phải giáo dục cho hội viên.
Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên lãnh đạo đấu tranh cách mạng như thế nào?
Như đã nói trên, Hội đã tách rời công tác tổ chức ra khỏi cuộc đấu tranh hằng ngày của quần chúng. Hội viên thường nói: “Quần chúng chưa giác ngộ, quần chúng chưa biết đấu tranh”, nhưng họ không nhận thức được sự cần thiết phải đi vào quần chúng, nâng cao giác ngộ giai cấp, khả năng chiến đấu của quần chúng, thu hút quần chúng vào cuộc đấu tranh đòi những yêu sách hằng ngày và cho các khẩu hiệu cơ bản của cách mạng Đông Dương; hội viên của Hội luôn luôn giữ óc bè phái, họ không hiểu rõ rằng “không phải trong chốc lát mà giai cấp công nhân đã có thể tin tưởng ngay ở Đảng rằng Đảng sẽ không được giai cấp công nhân tin nếu Đảng dùng bạo lực đối với họ, trái lại, điều đó đòi hỏi Đảng phải công tác lâu dài trong quần chúng, tìm cách chinh phục quần chúng bằng kinh nghiệm của bản thân mình,bằng chính sách đúng đắn của mình, tranh thủ sự ủng hộ của giai cấp công nhân, lôi cuốn các tầng lớp quần chúng trong giai cấp công nhân đi theo mình” (Xtalin: Những vấn đề của chủ nghĩa Lênin).
Suốt bảy năm tồn tại, Hội đã tổ chức một chục cuộc bãi công có tính chất kinh tế đơn thuần. Bãi công không bao giờ được chuẩn bị, người ta cứ để cho quần chúng thụ động (những người bãi công chỉ nằm ở nhà); các ủy ban thì, hoặc không có người bãi công hoặc được chỉ định từ bên trên, ngay cả nhiều hội viên Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên nói rằng nếu không có tiền thì không thể tổ chức bãi công được (một ban chấp hành công hội đã từ chối tổ chức bãi công khi người ta không thể kiếm cho họ số tiền 200 đồng). Những thành quả các cuộc bãi công không bao giờ được đưa ra nghiên cứu học tập. Nói chung, Hội không lãnh đạo quần chúng đấu tranh cách mạng, mà trong nhiều trường hợp lại theo đuôi quần chúng.
Trong các cuộc bãi công, Hội đã nêu ra một cách máy móc những khẩu hiệu như: “ngày làm tám giờ”; khẩu hiệu này đã bị bọn chủ lợi dụng, chúng chấp nhận ngày làm tám giờ, nhưng đồng thời chúng lại hạ bớt tiền công theo tỷ lệ tương ứng. Tại Bắc Kỳ, một tổ chức của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên đã nêu khẩu hiệu: “Chống mộ phu đi làm đồn điền cao su”. Khẩu hiệu đó không được quần chúng hưởng ứng bởi vì đáng lẽ phải đặt ra cho bọn chủ những điều kiện cụ thể nhằm bảo vệ các điều kiện lao động, tiền lương và sinh hoạt của công nhân nông nghiệp, thì trái lại người ta lại ngăn cản việc mộ phu trong khi những người thất nghiệp không thể tìm ra công ăn việc làm. Trong công tác quần chúng, Hội cũng phạm những sai lầm cơ hội chủ nghĩa; Tạp chí Hướng đạo há chẳng đã nói rằng chỉ cần tổ chức công nhân vào công hội sau lúc bãi công kết thúc, chứ không phải trong lúc bãi công đang diễn ra đó sao!
__
Chú thích
3. Năm 1923, Tâm Tâm xã còn có tên là Tân Việt Thanh niên đoàn do bảy người yêu nước thành lập, không phải là trí thức cả. Tổ chức này và Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên không phải là một, mà có sự thay đổi về tổ chức, hệ tư tưởng và chính trị (B.T).
4. Méclanh: Xem bản chỉ dẫn tên người vần m (B.T).
5. Phạm Hồng Thái: Xem bản chỉ dẫn tên người vần P (B.T).
6. Dịch bài văn truy điệu:
"Nguyễn Ái Quốc là một nhà cách mạng rất vĩ đại. Đồng chí đã cống hiến nhiều cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng của những người lao động Đông Dương. Năm 1921*, đồng chí là một trong những người sáng lập ra Đảng Cộng sản Pháp. Năm 1924, đồng chí tham dự các kỳ đại hội của Quốc tế Cộng sản. Quốc tế Công hội đỏ và Quốc tế Nông dân. Từ năm 1925, đồng chí là đại biểu của Quốc tế Cộng sản ở Trung Quốc. Tại đây đồng chí lập ra Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên và Phân bộ Đông Dương của Liên minh các dân tộc bị áp bức. Sau cuộc đảo chính phản cách mạng của Tưởng Giới Thạch năm 1927, đồng chí lánh qua Xiêm và hoạt động hai năm trong giới kiều bào lao động. Đồng chí là người tổ chức Hội nghị thống nhất Đảng Cộng sản Việt Nam ngày 6-1-1930.
Nguyễn Ái Quốc là người sáng lập các báo Le Paria, Thanh niên, là tác giả cuốn Bản án chế độ thực dân, Nhật ký chìm tàu (Chuyện kể về Liên Xô).
.....
Bị bọn đế quốc Anh bắt giam hồi tháng 8-1931 tại Hương Cảng, đồng chí đã bị chủ nghĩa đế quốc Anh cấu kết với chủ nghĩa đế quốc Pháp giết chết ngày 26-6-1932 trong nhà tù của thành phố ấy (H.T.H)."
* Đồng chí Nguyễn Ái Quốc tham gia sáng lập Đảng Cộng sản Pháp tại Đại hội Đảng Xã hội Pháp họp ở thành phố Tua tháng 12-1920, không phải 1921. Tác phẩm của đồng chí Nguyễn Ái Quốc tên đầy đủ là Bản án chế độ thực dân Pháp (B.T).
7. Đại hội Quốc tế Cộng sản lần thứ VI đã xác định rằng trong giai đoạn hiện tại có ba kiểu cách mạng: a) cách mạng vô sản ở những nước tư bản phát triển cao đã ban hành chế độ dân chủ tư sản từ lâu; b) cách mạng tư sản dân chủ phát triển thành cách mạng vô sản ở những nước tư bản phát triển vừa và còn duy trì những vết tích nửa phong kiến trong nông nghiệp, ở những nước thuộc địa và nửa thuộc địa đã có mầm mống công nghiệp hoặc công nghiệp đã phát triển, ở những nước mà các quan hệ chiếm ưu thế trong đời sống kinh tế và chính trị là các quan hệ phong kiến, và các hội đồng cấp cao đều do bọn tư bản nắm giữ; c) cách mạng giải phóng dân tộc ở những nước lạc hậu hơn thế - những nước hầu như chưa có công nhân làm thuê, trong đó đa số nhân dân còn sống thành bộ lạc, tổ chức xã hội còn có những hình thức nguyên thủy, ở đó giai cấp tư sản dân tộc chưa hình thành, chủ nghĩa đế quốc nước ngoài trước hết là một kẻ chiếm đóng quân sự đi cướp đoạt đất đai. Ở đây nếu cuộc khởi nghĩa toàn quốc của họ thắng lợi, nếu họ được các nước chuyên chính vô sản giúp đỡ thiết thực và mạnh mẽ thì con đường sẽ mở ra cho họ để đi đến một cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa không qua giai đoạn phát triển tư bản chủ nghĩa (H.T.C).
8. Nguyễn Thế Truyền là một trong những người cộng tác đầu tiên với đồng chí Nguyễn Ái Quốc trong tờ báo Le Paria xuất bản ở Pari. Lúc đầu ông ta là đảng viên Đảng Cộng sản Pháp phụ trách Phân bộ Đông Dương của Ủy ban thuộc địa, nhưng đến năm 1925-1926 đã trở mặt phủ nhận chủ nghĩa cộng sản, trở thành đồ đệ của chủ nghĩa dân tộc và năm 1928 khi trở về Đông Dương đã bán mình cho chủ nghĩa đế quốc. Ông nội Truyền là Tổng đốc tỉnh Thái Bình, bị ám sát năm 1910 về tội đã bán mình cho chủ nghĩa đế quốc Pháp; cuộc ám sát này do những người dân tộc chủ nghĩa đương thời tổ chức (H.T.C). Xem bản chỉ dẫn tên người vần N (B.T).