Màu Nền | |
Màu Chữ | |
Font Chữ | |
Cỡ Chữ | |
Style Combo | |
PHẦN THỨ HAI
NHỮNG TỔ CHỨC CỘNG SẢN ĐẦU TIÊN, 1929 - ĐẢNG CỘNG SẢN ĐÔNG DƯƠNG, AN NAM CỘNG SẢN ĐẢNG VÀ TÂN VIỆT CỘNG SẢN LIÊN ĐOÀN
Chương III
ĐẢNG CỘNG SẢN ĐÔNG DƯƠNG
(Tháng 5-1929 - tháng 1-1930)
TÂN VIỆT CỘNG SẢN LIÊN ĐOÀN
(Cuối năm 1929 - tháng 2-1930)
II- HOẠT ĐỘNG CỦA ĐẢNG
Ngay sau khi thành lập, Đảng Cộng sản Đông Dương (1929) đã bắt đầu ly khai với chủ nghĩa biệt phái, chuyển hướng hoạt động vào các xí nghiệp và vào việc tổ chức công nhân. Các lãnh tụ công nhân được chỉ định đứng đầu các ban lãnh đạo Đảng và các tổ chức quần chúng.
Ban Chấp hành Trung ương chỉ có ba người tự mình chỉ định các ban chấp hành kỳ bộ, các ban chấp hành kỳ bộ đến lượt mình, lại chỉ định các ban chấp hành tỉnh bộ. Trong ba tháng đầu Đảng Cộng sản Đông Dương chỉ có 25 đảng viên, nhưng ảnh hưởng của Đảng khá lớn ở Bắc Kỳ.
Đảng Cộng sản Đông Dương tổ chức các chi bộ đỏ để huấn luyện tất cả những ai không thể kết nạp được vào Đảng, nhưng có cảm tình với Đảng. Lúc thống nhất (6-1-1930) Đảng Cộng sản Đông Dương có 55 đảng viên chính thức và 30 đảng viên dự bị[16].
Đảng Cộng sản Đông Dương cũng đặt vấn đề tổ chức Đoàn Thanh niên Cộng sản, một tổ chức thực ra chỉ là bản sao của Đảng Cộng sản Đông Dương. Tại mỗi thành phố hoặc địa phương có đảng viên cộng sản, Đảng chỉ định một đồng chí phụ trách tổ chức ban chấp hành lâm thời Đoàn Thanh niên Cộng sản.
Đoàn Thanh niên Cộng sản không có tổ chức phụ. Tờ Tia lửa, cơ quan của Đoàn Thanh niên Cộng sản Hải Phòng chẳng viết một lời nào về thanh niên. Hết thảy các bài báo hoàn toàn dành cho các vấn đề của Đảng Cộng sản.
Ngày 27-8, Đảng Cộng sản Đông Dương tổ chức Tổng Liên đoàn Công hội đỏ ở Bắc Kỳ. Nhưng các tổ chức công hội thường là bản sao của các ban chấp hành Đảng, Ban Chấp hành Công hội Bắc Kỳ chẳng hạn, giống hệt như Ban Chấp hành của Đảng ở đấy. Sau tám tháng tồn tại, Đảng Cộng sản Đông Dương đã tổ chức được công hội cấp tỉnh ở Hà Nội, Nam Định, Hòn Gai, Cẩm Phả, Mạo Khê. Những người cộng sản yêu cầu công nhân và công hội phải có những điều kiện giống như đảng viên cộng sản. Vì thế mà số lượng hội viên công hội bị hạn chế. Trong các nhà máy đã có công hội đỏ, người ta không tổ chức các ủy ban xí nghiệp. Một số nơi để tổ chức các ủy ban xí nghiệp, nhưng công nhân ở ngoài tổ chức thì không có đại biểu.
Đảng Cộng sản Đông Dương đã tổ chức một số công hội tập hợp được hơn 2.000 người.
* * *
Nói chung Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên và Tân Việt Cách mạng Đảng thường có báo cho đảng viên đọc, truyền đơn thì rất hiếm. Nhưng Đảng Cộng sản Đông Dương thì ngay từ khi thành lập (1929), đã bắt đầu sử dụng những hình thức hợp pháp và không hợp pháp để phổ biến những khẩu hiệu cộng sản trong quần chúng lao động. Mặc dù ít đảng viên, ảnh hưởng của Đảng lan rộng khá nhanh trong quần chúng, nhất là ở Hà Nội, Nam Định, Hải Phòng. Đảng Cộng sản Đông Dương đã xuất bản trên 20 tờ báo. Búa liềm là cơ quan trung ương,Dân cày, Liềm, Nhân đạo, Bônsơvích, Cờ đỏ, Cờ cộng sản, Lao động, Mỏ than, Tia lửa, Sao đỏ, Sắt, Hầm mỏ, v.v..
Các báo đăng những trường hợp phổ biến của nạn bóc lột quần chúng. Bài nói chung đều ngắn và dễ hiểu đối với quần chúng. Người ta thường hay nêu những tài liệu so sánh giữa đời sống vật chất của bọn bóc lột và quần chúng bị bóc lột, giữa đời sống của những người lao động Liên Xô và của quần chúng nô lệ ở các nước thuộc địa, v.v.. Chẳng hạn “sinh viên” đã mở một chiến dịch kiên quyết chống khủng bố, giải thích ý nghĩa lịch sử của Cách mạng Tháng Mười, vạch trần chính sách ngu dân của đế quốc Pháp, đưa ra những cuộc đàn áp rất có ý nghĩa của chủ nghĩa đế quốc, v.v.. Đảng cũng mở một chiến dịch báo chí chống việc chuẩn bị đấu xảo thuộc địa ở Pháp.
Trong khoảng vài tháng, Đảng Cộng sản Đông Dương (1929) đã tiến hành nhiều cuộc vận động chính trị to lớn, rải 3 vạn truyền đơn và 10 vạn bươm bướm cộng sản trong quần chúng lao động. Cờ đỏ và biểu tượng đỏ bắt đầu phấp phới mỗi nơi một ít trên khắp xứ Bắc Kỳ.
Đảng cũng đã bắt đầu dịch hay viết sách cộng sản để giáo dục chính trị cho đảng viên.
* * *
Ngay từ khi mới thành lập, Đảng Cộng sản Đông Dương đã hướng về công tác quần chúng.
Ngày 1-8-1929, Đảng phát động một chiến dịch báo chí chống chiến tranh đế quốc và ủng hộ Liên Xô. Và cũng là lần đầu tiên mà các cuộc mít tinh được tổ chức nhân dịp kỷ niệm Cách mạng Tháng Mười và Công xã Quảng Châu. Truyền đơn và sách báo được phân phát rất nhiều vào tất cả những ngày đấu tranh cách mạng quốc tế.
Các cuộc bãi công nổ ra từ tháng 5-1929 đều do những người cộng sản tổ chức, hoặc nổ ra dưới ảnh hưởng của Đảng Cộng sản chiến đấu non trẻ.
Những cuộc bãi công sau đây đều được tổ chức do những công nhân Nhà máy luyện kim cộng sản Hà Nội, Nhà in Ngô Tử Hạ, Nhà máy nhuộm và Nhà máy thủy tinh Hải Phòng, Nhà máy diêm Nam Định, Xưởng Cờrốp Hải Phòng, Nhà máy dệt, xi măng Hải Phòng, gạch Yên Viên, Nhà máy cưa Tétxtuyđô, dệt thảm ở Kiên và những cuộc nổi dậy của 500 phu đồn điền ở Quảng Lợi.
Nhiều cuộc bãi công khác đã tự phát nổ ra, nhưng sau đó đều được những người cộng sản lãnh đạo, như các cuộc bãi công của thợ mộc Nam Định, công ty dầu lửa, xưởng tơ lụa, phu kéo xe Hải Phòng.
Nói chung, các cuộc bãi công đều nổ ra với các khẩu hiệu: tăng tiền lương, giảm giờ làm, xoá bỏ cúp phạt và đánh đập, cấm đuổi thợ bãi công, đuổi cai ký, trả tự do cho công nhân bị bắt, nghỉ nửa giờ hoặc một giờ để ăn trưa.
Về tính chất các cuộc bãi công do Đảng Cộng sản lãnh đạo, chúng ta có mấy nhận xét sau đây:
+ Có nhiều bãi công kinh tế hơn bãi công chính trị, nhưng bãi công chính trị lại nhiều hơn mấy năm trước.
+ Một số cuộc bãi công được tổ chức để tỏ tình đoàn kết với công nhân các nhà máy khác (công nhân xưởng nhuộm với công nhân Nhà máy sợi, công nhân Nhà máy điện Hà Nội với công nhân Nhà máy điện Hải Phòng).
+ Trong các cuộc bãi công, công nhân các nhà máy khác đã tổ chức lạc quyên và mít tinh ủng hộ công nhân nhà máy đang bãi công.
Nói chung, các cuộc bãi công đã bắt đầu có tính chất tổ chức. Tại Nhà máy dệt Nam Định, bãi công đã được chuẩn bị từ trước, và chỉ còn đợi lúc thuận tiện là phong trào sẽ nổ ra. Cho nên, khi một tên giám thị Pháp đánh đập một công nhân, thì bãi công đã bùng nổ. Một ủy ban bãi công được thành lập. Những đội bảo vệ bãi công từ năm đến sáu người mỗi nhóm đã được cử ra để canh giữ nhà máy.
Tinh thần chiến đấu của những người cộng sản rất cao. Họ đứng lên diễn thuyết trong các cuộc mít tinh và biểu tình. Họ mang băng và cờ đỏ đi hàng đầu. Những đội đặc biệt được thành lập để phân phát truyền đơn và bươm bướm. Quần chúng cũng tỏ ra gan dạ và dũng cảm, công nhân thường xông vào các bốt cảnh sát để giải thoát những chiến sĩ bị bắt (Nhà máy sợi Nam Định), cũng có những cuộc xung đột với bọn lính cảnh sát vũ trang (Nhà máy điện Nam Định, cuộc nổi dậy ở Quảng Lợi).
Một vài cuộc bãi công nổ ra sau khi công nhân các nhà máy khác đã có những thắng lợi bộ phận (Nhà máy điện Nam Định).
Phụ nữ đã đóng vai trò động viên các nam công nhân bãi công; họ diễn thuyết trong các cuộc mít tinh và đi đầu các cuộc biểu tình (Nhà máy sợi Nam Định), họ tổ chức cứu tế những người thất nghiệp và gia đình những người bãi công bị bắt.
Công tác quần chúng của Đảng càng phát triển, ảnh hưởng của Đảng càng lan rộng nhanh chóng. Ở Nhà máy điện Hải Phòng chẳng hạn, sau khi bãi công thắng lợi, 20 công nhân đã gia nhập công hội và 50 công nhân khác xin vào các hội tương tế.
Như vậy là chúng ta thấy Đảng Cộng sản Đông Dương (1929) đã làm khá tốt công tác quần chúng. Chúng ta không được đánh giá thấp vai trò của Đảng là người tổ chức đầu tiên và người lãnh đạo phong trào công nhân. Công lao của Đảng là ở chỗ đã tạo nên bước ngoặt đầu tiên trên con đường đấu tranh của quần chúng công nhân, đã nêu tấm gương chiến đấu và hy sinh của những người cộng sản cho quần chúng công nhân, đã đấu tranh để giành bá quyền lãnh đạo cho giai cấp vô sản trong phong trào cách mạng, đã bắt đầu xem các xí nghiệp là thành trì của cuộc đấu tranh cách mạng, đã đưa công nhân vào các ban lãnh đạo của Đảng và của các tổ chức quần chúng.
__
Chú thích
16. Đây là những nhóm cảm tình gồm phần lớn là đảng viên cũ của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên ở Bắc Kỳ (H.T.C).