Màu Nền | |
Màu Chữ | |
Font Chữ | |
Cỡ Chữ | |
Style Combo | |
PHẦN THỨ HAI
NHỮNG TỔ CHỨC CỘNG SẢN ĐẦU TIÊN, 1929 - ĐẢNG CỘNG SẢN ĐÔNG DƯƠNG, AN NAM CỘNG SẢN ĐẢNG VÀ TÂN VIỆT CỘNG SẢN LIÊN ĐOÀN
Chương V
HỘI NGHỊ HỢP NHẤT
(Ngày 6-1-1930)
II- NHỮNG ĐIỀU KIỆN THỐNG NHẤT DO QUỐC TẾ CỘNG SẢN NÊU LÊN
Trước khi tập hợp các lực lượng cộng sản lại thành một đảng tập trung, Quốc tế Cộng sản đề ra những điều kiện thống nhất như sau:
1. Cải thiện thành phần xã hội của Đảng Cộng sản.
Điều kiện này là cần thiết bởi vì thành phần xã hội của các tổ chức cộng sản tồn tại năm 1929 ở Đông Dương là rất xấu. Hơn nữa, Quốc tế Cộng sản lại nhắc nhở chỉ kết nạp vào trong Đảng thống nhất những phần tử thực sự cách mạng, thực sự cộng sản. "Chấm dứt chủ nghĩa biệt phái và tình trạng chia xẻ nhỏ thành các nhóm. Cần phải tập hợp lại hết thảy những cái gì ưu tú nhất, cách mạng và tích cực trong tất cả các nhóm, trên cơ sở một cương lĩnh hành động rõ ràng minh bạch (H.T.C nhấn mạnh). Đây là nhiệm vụ trung tâm, là nghĩa vụ của tất cả mọi người cộng sản Đông Dương. Đồng thời, cần phải nhớ đến nguy cơ và cảnh giác đề phòng những hành vi chia rẽ các nhóm cũ mang vào trong Đảng Cộng sản cốt sao để về sau, trong Đảng Cộng sản, không còn có những sự bất đồng và tranh chấp giữa các nhóm nữa" (Nghị quyết về Đông Dương của Quốc tế Cộng sản, tháng 12-1929).
2. Điều kiện thứ hai do Quốc tế Cộng sản đề ra trước khi thống nhất là Đảng Cộng sản thống nhất sau này "phải là một đảng có tính chất quần chúng, quan tâm lắng nghe tiếng nói của quần chúng, phải tích cực chú ý đến bản tính cách mạng của họ, nghiên cứu cuộc tranh đấu thực tiễn của họ, thông qua đó mà kiểm tra chính sách của mình và trên cơ sở đó chẳng những tiến hành giáo dục quần chúng mà còn tự giáo dục mình trong trường học quần chúng nữa" (Xtalin: Những vấn đề của chủ nghĩa Lênin). Đây cũng còn là ý kiến của Quốc tế Cộng sản xác định những mối quan hệ mà người cộng sản cần phải có đối với quần chúng: "Một đảng cách mạng là rất cần thiết đối với sự phát triển và mở rộng phong trào cách mạng; thắng lợi của cách mạng tuỳ thuộc vào Đảng. Không có Đảng, giai cấp vô sản không thể thắng lợi. Nhưng nếu không liên hệ với quần chúng, không xúc tiến công tác cách mạng trong quần chúng thì dứt khoát Đảng không còn giữ vai trò tích cực nào, trái lại, trong trường hợp ấy Đảng sẽ cản trở phong trào và một đảng như thế sẽ thực sự thoái hoá thành một nhóm biệt phái chẳng còn giá trị gì nữa. Bản thân Đảng là một sản phẩm của tranh đấu giai cấp, không có tranh đấu giai cấp thì không có Đảng" (Nghị quyết của Quốc tế Cộng sản).
3. Điều kiện thứ ba do Quốc tế Cộng sản nêu lên cho những người cộng sản Đông Dương là nhất thiết Đảng Cộng sản phải là người cầm đầu phong trào cách mạng, là giai cấp vô sản phải nắm bá quyền lãnh đạo, những chiến sĩ công nhân ưu tú nhất phải được đề bạt vào những chức vụ chỉ huy, ít nhất phần nửa Ban Chấp uỷ Trung ương cũng phải bao gồm những công nhân tích cực, trước hết là những người lãnh đạo phong trào quần chúng. Vai trò lãnh đạo đó của giai cấp vô sản phải phù hợp với các chỉ thị của Đại hội Quốc tế Cộng sản lần thứ VI: "Đảng Cộng sản là đội tiền phong của giai cấp công nhân. Đội tiền phong này gồm những đảng viên ưu tú nhất, giác ngộ nhất, tích cực nhất và dũng cảm nhất của giai cấp công nhân. Nó thể hiện kinh nghiệm của toàn bộ cuộc tranh đấu vô sản. Được vũ trang bằng lý luận cách mạng mácxít, đại biểu cho lợi ích chung và lợi ích thường xuyên của toàn thể giai cấp, Đảng thể hiện sự nhất trí của các nguyên tắc, ý chí và hành động cách mạng của giai cấp vô sản. Đảng là một tổ chức cách mạng rất vững chắc vì có kỷ luật sắt và một trật tự cách mạng nghiêm ngặt nhất là chế độ tập trung dân chủ; những kết quả đó sở dĩ có được do ý thức giác ngộ của đội tiền phong vô sản, do lòng trung thành của họ đối với cách mạng, do mối liên hệ thường xuyên của họ với quần chúng vô sản; do đường lối chính trị đúng đắn của họ mà kinh nghiệm của quần chúng soi sáng và kiểm tra" (Cương lĩnh của Quốc tế Cộng sản).
4. Điều kiện thứ tư do Quốc tế Cộng sản đề ra là: công cuộc thống nhất phải được tiến hành trên cơ sở một cương lĩnh chính trị phù hợp với đường lối chung của Quốc tế Cộng sản. Quốc tế Cộng sản nói: "Chỉ có thể thừa nhận là tổ chức của Đảng Cộng sản Đông Dương... chỉ những tổ chức và nhóm hoàn toàn chấp nhận những quyết định của Ban Chấp uỷ Quốc tế Cộng sản và của Quốc tế Cộng sản". Điều kiện này sở dĩ được nêu lên là vì các tổ chức cộng sản tồn tại ở Đông Dương năm 1929 chưa có một cương lĩnh chính trị thực sự lêninnít; đó là một nguy cơ lớn, bởi vì nếu không có lý luận cách mạng đúng đắn thì không thể có phong trào cách mạng đúng hướng được; "một cương lĩnh sai lầm không thể nào làm cho phong trào vững chắc, đúng hướng và nhận thức được sáng suốt mối liên hệ nội tại giữa các biến cố" (Xtalin).