Màu Nền | |
Màu Chữ | |
Font Chữ | |
Cỡ Chữ | |
Style Combo | |
PHẦN THỨ BA
ĐẢNG CỘNG SẢN ĐÔNG DƯƠNG
(Thống nhất từ ngày 6-1-1930)
Chương VI
ĐẤU TRANH CÁCH MẠNG TRƯỚC THÁNG 9-1930
II- QUẦN CHÚNG LAO ĐỘNG ĐẤU TRANH DƯỚI SỰ LÃNH ĐẠO CỦA ĐẢNG CỘNG SẢN
C- Phong trào nông dân trước tháng 9-1930
Từ khi Tân Việt Cách mạng Đảng và Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên ra đời cho đến lúc thống nhất Đảng, gần mười phong trào nông dân đã nổ ra, nói chung đều là tự phát. Chẳng hạn như năm 1923 đã xảy ra một vụ xung đột giữa nông dân xã Nam Kim (Nghệ An) và các sĩ quan Pháp. Năm 1925, có một cuộc nổi dậy nhỏ của nông dân một vài xã ở Cao Miên giết chết một công sứ Pháp (tên Bácđê) và một vài tên tay sai bản xứ. Năm 1927, dân làng Đinh Phong (Nam Kỳ) họp mít tinh phản đối bọn đế quốc Pháp và địa chủ Việt Nam cướp đoạt đất của họ, nhưng đã bị cảnh sát đến giải tán (một vài người chết, nhiều người bị thương). Cũng năm 1927, dân chúng một tổng ở Phan Rang (Trung Kỳ) nổi dậy nhỏ chống bọn ăn cướp đế quốc chiếm đoạt rừng của họ. Cùng năm ấy, một vụ xung đột nhỏ xảy ra giữa cảnh sát và nông dân Cà Mau (Nam Kỳ). Năm 1928, dân chúng Vĩnh Thạnh Lợi nổi dậy chống một tên hiến binh Pháp, một sĩ quan và bốn lính người Việt đã cướp đoạt của nông dân 2.134 giạ lúa. Nông dân đã giết tên hiến binh Pháp, vì hắn đã sát hại một bà cụ cả gan dám ngăn cản bọn đế quốc tước đoạt nông dân. Năm 1929, hàng chục nghìn đồng bào dân tộc ít người ở Kon Tum nổi dậy chống bọn cướp đất; bọn đế quốc Pháp đã phái đến Kon Tum hàng đại đội lính và một đội máy bay để đàn áp phong trào khởi nghĩa. Hàng chục làng mạc bị thiêu hủy toàn bộ; trong năm 1929, một vụ xung đột khác đã nổ ra giữa tên địa chủ Riêu và nông dân xã Mạo Khê (Bắc Kỳ); để tự vệ, tên địa chủ ấy đã cầu viện nhà cai trị Pháp cấp cho năm lính. Kết cuộc đấu tranh là hai nông dân bị giết và ba bị thương...
Thái độ của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên và Tân Việt Cách mạng Đảng trước năm 1930 đối với tất cả những cuộc nổi dậy của nông dân như thế nào? Chẳng những họ không tổ chức mà còn không ủng hộ các cuộc nổi dậy ấy nữa. Đảng viên hai đảng này đọc những bài tường thuật về các vụ nổi dậy đó như những người hiếu kỳ muốn tìm biết những tin tức kỳ lạ, chứ không phải như những người cách mạng có trách nhiệm tổ chức và lãnh đạo cách mạng ruộng đất. Tại Phan Rang, một hội viên Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên đã giúp đỡ một cách dè dặt những người nổi dậy khởi thảo những kiến nghị ôn hoà, còn phong trào thì chừng nào lại do một người dân tộc cách mạng Nam Kỳ lãnh đạo. Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên và Tân Việt Cách mạng Đảng không tổ chức biểu tình, mít tinh ủng hộ nông dân nổi dậy, mà cũng không phát hành một lá truyền đơn nào để ít nhất cũng biểu lộ cảm tình của họ với những người nổi dậy. Suốt quá trình những vụ nổi dậy đó, trong lúc những người cách mạng đủ mọi khuynh hướng tỏ rõ một thái độ bàng quan vô cùng tai hại thì báo chí dân tộc cải lương thường phái phóng viên về các làng nổi dậy để điều tra những biến cố xảy ra. Họ giả vờ phát động trên báo chí của họ một chiến dịch rộng lớn nhằm “chỉ trích” bọn đế quốc tước đoạt đất đai của nông dân.
Tất cả những sự kiện đó chứng tỏ một lần nữa rằng các nhà lãnh đạo Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên và Tân Việt Cách mạng Đảng đều là những kẻ cơ hội thâm căn cố đế không hiểu gì về tầm quan trọng nội dung của cách mạng ruộng đất, cũng như về nguy cơ của ảnh hưởng dân tộc cải lương trong phong trào giải phóng của đông đảo quần chúng lao động.
* * *
Dưới sự lãnh đạo của Đảng thống nhất, phong trào nông dân nói chung đã có tính chất tổ chức. Nếu phong trào nông dân Đông Dương trong bốn năm qua đã phát triển rộng lớn một mặt chính vì song song với cuộc khủng hoảng kinh tế ngày càng trở nên sâu sắc thì quần chúng cũng ngày càng trở nên cấp tiến, vì Đảng Cộng sản đã biết đứng ra lãnh đạo quần chúng nông dân, mặt khác, vì những thắng lợi của nông dân nước Trung Hoa Xôviết, làn sóng cách mạng ngày càng lớn lên của nông dân Ấn Độ, thắng lợi của công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô gây nên một tác động lớn đến quá trình đấu tranh của những người “nhà quê” Đông Dương.
Trong chương này, chúng tôi chỉ có ý định nói về phong trào nông dân trước tháng 9. Tuy vậy dưới đây chúng tôi sẽ trình bày bảng thống kê đầy đủ các phong trào nông dân suốt năm 1930, với ý nghĩa muốn giúp đỡ bạn đọc bước đầu có thể thấy rõ tính chất toàn bộ phong trào nói chung, và biết rõ những thời kỳ nào phong trào phát triển hơn cả:
(***Bảng thống kê xin xem ở nguồn***)
Qua bảng thống kê trên đây, chúng ta thấy biểu tình và mít tinh chính trị chiếm ưu thế (77,5%) hơn các phong trào kinh tế. Như đã ghi trong cột nhận xét, con số 166.070 người tham gia hồi tháng 9 chỉ là của 58 (chứ không phải 77) cuộc biểu tình, cho nên tổng số 310.413 người tham gia cũng chỉ bao gồm 202 cuộc biểu tình thôi (tức 50,5%); mỗi cuộc biểu tình bao gồm trung bình 1.537 người.
Bắc Kỳ dẫn đầu phong trào bãi công. Nhưng nhìn vào phong trào nông dân (tính suốt cả năm 1930) so với Trung Kỳ và Nam Kỳ nó lại đứng hàng cuối.
Nếu nhìn về phong trào nông dân trong suốt cả năm 1930 thì rõ ràng Trung Kỳ dẫn đầu. Nhưng trước thời kỳ khởi nghĩa tháng 9 ở miền bắc Trung Kỳ, Nam Kỳ là vũ đài đấu tranh nông dân sôi nổi nhất và rộng rãi nhất (hầu hết các phong trào nổ ra trong thời kỳ này đều ở Nam Kỳ).
Năm 1930, cuộc biểu tình nông dân đầu tiên nổ ra tại Bắc Kỳ, dưới sự lãnh đạo của tổ chức cộng sản ở Thái Bình, 200 nông dân Thái Bình (Bắc Kỳ) bao vây nhà một tên địa chủ để tịch thu kho thóc của hắn.
Lần đầu tiên, ngày mồng 1-5, nông dân Bắc Kỳ, Trung Kỳ và Nam Kỳ đã xuống đường biểu tình tỏ lòng đoàn kết cách mạng với những người lao động quốc tế. Tại nhiều địa phương, nông dân đấu tranh dưới những yêu sách bộ phận sau đây: a) ân xá những người cách mạng bị kết án tử hình vì đã tham gia khởi nghĩa Yên Bái; b) hoãn thời hạn nộp thuế thân và thuế điền; c) bãi bỏ sắc lệnh bắt giam những người không có thẻ căn cước, v.v.. Chính trong ngày mồng 1-5-1930, nông dân đã đấu tranh dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, đã ăn đạn lần đầu tiên của đế quốc Pháp. Riêng ở Thanh Chương (bắc Trung Kỳ) 20 nông dân đã bị giết chết, nhiều người khác bị thương; tại Nam Kỳ và Bắc Kỳ, cũng có một số nông dân bị giết và bị thương.
Sau ngày mồng 1-5, nông dân Cao Lãnh đã tổ chức một cuộc biểu tình rầm rộ đòi phóng thích tù chính trị và xoá thuế. Nhiều người biểu tình bị bắt. Cần nói thêm, Cao Lãnh là trung tâm các cuộc biểu tình nông dân ở Nam Kỳ trong suốt hơn tám tháng.
Sau cuộc biểu tình Cao Lãnh nhiều cuộc biểu tình tỏ tình đoàn kết cách mạng nổ ra. Như ngày 13-5-1930 chẳng hạn, 1.500 nông dân Sa Đéc đấu tranh dưới những khẩu hiệu sau đây:
a) Thả những nông dân bị bắt ở Cao Lãnh;
b) Bãi bỏ các thứ thuế;
c) Tăng tiền công cho công nhân làm đường
Thế là nông dân, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, chẳng những đã đấu tranh bảo vệ cho lợi ích của giai cấp mình, mà cho cả lợi ích của giai cấp vô sản, là bạn đồng minh và là lãnh tụ của mình nữa.
Ngoài các cuộc biểu tình nổ ra ngày mồng 1-5, những cuộc biểu tình khác trong tháng 5 và tháng 6 cũng đều nổ ra dưới các khẩu hiệu đòi bãi bỏ thuế và phóng thích tù chính trị. Chỉ trong hai hay ba cuộc biểu tình đó, nông dân đưa ra yêu sách tịch thu kho thóc và ruộng đất của địa chủ đem chia cho nông dân lao động.
Ngày 14-7 còn là lần đầu tiên trong lịch sử phong trào cách mạng Đông Dương, nông dân biểu tình phản đối lễ kỷ niệm ngày phá ngục Baxti. Đảng Cộng sản đã đề ra những khẩu hiệu chống chủ nghĩa đế quốc Pháp, chống phong kiến, địa chủ và cường hào. Tháng 7 (tại Mỹ Luông, Nam Kỳ), nông dân bắt đầu sử dụng vũ khí (súng trường, súng sáu, dao mác, gậy gộc) trong các trận chiến đấu đường phố của họ.
Trong 24 cuộc biểu tình ngày mồng 1-8, chỉ có 2 cuộc nổ ra ở hai tỉnh thuộc Trung Kỳ còn 22 cuộc khác thì nổ ra ở Nam Kỳ (ở chín tỉnh: Gia Định, Bến Tre, Chợ Lớn, Mỹ Tho, Trà vinh, Vĩnh Long, Long Xuyên, Thủ Dầu Một, Sa Đéc). Ở nhiều nơi những cuộc biểu tình này, có tính chất khởi nghĩa. Tại Can Lộc (Trung Kỳ), nông dân đã chiếm công đường huyện và tên tri huyện bắt buộc phải nhận yêu sách của họ. Tại Đô Lương (Trung Kỳ), 30 cường hào chạy trốn, viên đại lý Pháp không dám bắt những người biểu tình. Cần chú ý là trong 24 cuộc biểu tình thì có 21 cuộc nổ ra không gặp trở ngại gì cả. Một mặt, nông dân rất có tinh thần chiến đấu; mặt khác binh lính tỏ ra có cảm tình với những người biểu tình, cho nên bọn sĩ quan không dám ra lệnh bắn vào đoàn người đông đảo. Nông dân kéo đi khắp nơi mang theo biểu ngữ và cờ đỏ vừa đi vừa hát những bài ca cách mạng. Chỉ ba nơi xảy ra xung đột với bọn cảnh sát nên có người chết và bị thương. Tại Tha Ba, Troi Hai, Thái Thanh, Xoài Hột tất cả bọn hương lý, địa chủ và tư bản đều chạy trốn. Tại Xoài Hột binh lính biểu lộ cảm tình với nông dân. Tại Cao Lãnh, nhiều nhà của địa chủ và cường hào bị phá huỷ. Tại Bà Điểm, tường đình, chùa đều quét đỏ và kẻ khẩu hiệu cộng sản.
Sau ngày mồng 1-8, là những cuộc biểu tình ngày 22-8-1930 phản đối chủ nghĩa đế quốc Mỹ đàn áp Xáccô và Văngdétti.
* * *
Như đã nói ở trên, tính chất nổi bật của những cuộc biểu tình trước tháng 9 là tính chất chính trị, nhưng điều đó không có nghĩa là nông dân không đấu tranh đòi quyền lợi trước mắt.
Nói chung, các cuộc biểu tình đều có tính tổ chức, nhưng trước tháng 9 các ủy ban đấu tranh, các đội tự vệ, v.v. chưa xuất hiện.
Trong quá trình đấu tranh, nông dân đã tỏ ra một ý thức giác ngộ giai cấp khá cao và một tinh thần chiến đấu đáng nêu gương. Hàng trăm nông dân tiên tiến đã bị giết chết trước tháng 9. Nông dân không lùi bước trước khủng bố trắng, mà còn tăng cường tấn công vào chủ nghĩa đế quốc Pháp và bè lũ tay sai bản xứ. Những cuộc biểu tình đoàn kết với những người bị bắt và với lao động thế giới chứng tỏ rằng dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, nông dân đã nhận thức được sự cần thiết của mặt trận đấu tranh cách mạng, thống nhất giữa quần chúng lao động trên phạm vi quốc tế.
Điểm qua tất cả các cuộc biểu tình nổ ra trước tháng 9-1930, chúng ta thấy rõ cuộc nào cũng có tính chất tấn công cả.
Một đặc điểm cần phải nhấn mạnh là nông dân, do giai cấp vô sản lãnh đạo thông qua Đảng Cộng sản, đã xuống đường tại nhiều địa phương để đấu tranh bảo vệ những yêu sách hằng ngày của công nhân.
Đấy là những tấm gương tốt đẹp về sự liên minh giữa giai cấp vô sản và nông dân lao động.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản anh hùng chúng ta, nông dân đã thu được nhiều thắng lợi bộ phận; đó là những yếu tố rất tốt khích lệ nông dân đấu tranh một cách nhiệt tình và quả cảm hơn nữa tại nhiều tỉnh, thuế phụ thu được bãi bỏ, tại một số nơi khác, chế độ lao công bị thủ tiêu. Trước làn sóng cách mạng đang dâng lên bọn đế quốc ở Nam Kỳ không dám đòi truy thu những khoản thuế thân mà dân đinh chưa đóng được từ năm 1930 trở về trước, v.v.. Những thắng lợi như thế chứng minh cho người nông dân hiểu rõ chỉ dưới sự lãnh đạo của đội tiền phong của giai cấp vô sản là Đảng Cộng sản, chỉ do cuộc đấu tranh của chính mình, họ mới có thể tự giải phóng khỏi ách hai tròng đế quốc và phong kiến.
Hiệu quả công tác tổ chức và lãnh đạo các cuộc đấu tranh nông dân, khả năng của Đảng mở rộng và đẩy mạnh phong trào nông dân, phương pháp giáo dục quần chúng nâng cao trình độ giác ngộ và tính chiến đấu cho họ của Đảng, những thắng lợi bộ phận thu được trong và sau các cuộc biểu tình, đó là những điều hùng hồn nhất biểu dương hoạt động của Đảng Cộng sản chúng ta trong phong trào nông dân trước tháng 9. Nhưng không nên nghĩ rằng Đảng ta đã toàn thiện toàn mỹ.
Trước tháng 9 các đồng chí chúng ta đã phạm nhiều sai lầm. Tại Thái Bình, một số đảng viên đã lừa nông dân ra tỉnh để nhận cứu tế, nhưng thực ra là để đi biểu tình. Những phương pháp ấy chẳng giống tí nào với chiến thuật bônsơvích cho nên Ban Chấp hành Trung ương hoàn toàn có lý khi phê phán công khai tất cả mọi sai lầm cơ hội chủ nghĩa đó của một số đồng chí, những đồng chí đã do lập trường sai trái của mình mà làm tổn thương đến uy tín của Đảng Cộng sản trước quần chúng nhân dân.
Trước cũng như sau tháng 9, nói chung Đảng Cộng sản chúng ta chưa nêu rõ được những sự khác biệt về giai cấp ở nông thôn, chưa chỉ rõ cho công nhân nông nghiệp và nông dân lao động hiểu rằng phú nông cũng là kẻ thù giai cấp
của họ.
Đảng ta nói chung, đã tiến hành cuộc đấu tranh chống đế quốc và chống phong kiến, nhưng Đảng đã đánh giá thấp cách mạng ruộng đất, do đó các cuộc đấu tranh của nông dân đượm tính chất phản đế đậm nét hơn tính chất phản phong kiến.