Màu Nền | |
Màu Chữ | |
Font Chữ | |
Cỡ Chữ | |
Style Combo | |
PHẦN THỨ BA
ĐẢNG CỘNG SẢN ĐÔNG DƯƠNG
(Thống nhất từ ngày 6-1-1930)
Chương VII
THỜI KỲ XÔVIẾT
IV- MỞ RỘNG PHONG TRÀO CÁCH MẠNG TRONG THỜI KỲ XÔVIẾT
Phong trào cách mạng ở Đông Dương phát triển sâu rộng hơn sau khi thành lập các Xôviết ở miền bắc Trung Kỳ. Phong trào trở nên sâu rộng không những tại các tỉnh khởi nghĩa, mà trong khắp cả Đông Dương. Tại miền bắc Trung Kỳ, dưới ảnh hưởng trực tiếp của các Xôviết, những người lao động đã đấu tranh một cách kiên quyết và hăng say hơn nhằm mở rộng các khu Xôviết. Mặc dù công nhân và nông dân bị thất bại nặng nề trong những ngày khởi nghĩa, đặc biệt là trong ngày 12-9 ở Vinh và Nam Đàn, nhưng dưới sự lãnh đạo của những người cộng sản, nông dân vẫn đấu tranh để tập trung các Xôviết, để thành lập chính quyền cách mạng tại các phủ lỵ (hoặc huyện lỵ) và tỉnh lỵ. Sau này, chúng tôi sẽ thấy trong suốt bốn tháng cuối năm 1930 nông dân đã nhiều lần tìm cách đánh chiếm những trung tâm hành chính ấy như thế nào, và điều đó sẽ giúp chúng ta hiểu biết tại sao những người khởi nghĩa lại liên tiếp tiến công vào các huyện lỵ, vào Vinh (tỉnh lỵ Nghệ An), vào các đồn lính như vậy. Tại các huyện Xôviết, quần chúng lao động thường xuyên tổ chức mít tinh và biểu tình; như ở Nam Đàn chẳng hạn, 30.000 người (tức là 80% dân số) đã tổng biểu tình.
Ảnh hưởng của các Xôviết đã làm xuất hiện trên vũ đài cách mạng nhiều tầng lớp mới, còn lạc hậu trong nhân dân lao động. Tinh thần chiến đấu và nhiệt tình của quần chúng đã dạy cho những người cộng sản nhiều hình thức tổ chức và đấu tranh mới. Họa khủng bố trắng của chủ nghĩa đế quốc Pháp đã buộc quần chúng phải luôn luôn thay đổi chiến thuật nhằm làm sao để ít bị tổn thất mà vẫn tăng cường được tấn công. Nhiều khuynh hướng vận dụng chiến thuật du kích xuất hiện. Các vụ tàn sát hàng loạt ở miền bắc Trung Kỳ đã kích động lòng căm phẫn của những người lao động ở các tỉnh khác, những biện pháp cách mạng của nông dân Nghệ An và Hà Tĩnh đã nhanh chóng thức tỉnh ý thức giai cấp của các tầng lớp bị bóc lột bấy nay còn do dự. Nhiều tỉnh, trước đây còn “yên lặng”, nay đã đi vào cuộc đấu tranh sôi sục.
Ngay khi được tin về cuộc khởi nghĩa và việc thành lập các Xôviết, một mặt Ban Chấp hành Trung ương đã tiến hành phê phán những sai lầm của các đồng chí Trung Kỳ; nhưng mặt khác, đã ra chỉ thị cho tất cả các tổ chức đảng khắp Đông Dương nhất trí ủng hộ phong trào khởi nghĩa ở Nghệ An và Hà Tĩnh.
Thực vậy, sau ngày 12-9 phong trào đã trở nên phổ biến nhưng nếu tưởng rằng ở đâu nó cũng phát triển nhanh như nhau, đồng thời với nhau, rộng lớn như nhau thì sai lầm. Hồi tháng 9, trong khi các cuộc khởi nghĩa diễn đi diễn lại ở các huyện Xôviết hoặc bắt đầu nổ ra tại một số vùng khác thuộc miền bắc Trung Kỳ thì tại các tỉnh khác, chỉ mới xuất hiện những cuộc ủng hộ đầu tiên đối với Nghệ An và Hà Tĩnh, hoặc những hình thức bắt chước đầu tiên các phương pháp đấu tranh của những người khởi nghĩa miền bắc Trung Kỳ.
Người ta có thể nói một cách thật rõ ràng rằng chỉ từ tháng 10-1930 trở đi, phong trào ủng hộ chung mới có tính chất thực sự quần chúng toàn quốc. Như vậy là vì:
a) Trong tình hình khủng bố trắng, các chỉ thị của Ban Chấp hành Trung ương phải mất nhiều thời gian mới có thể đến tận tất cả các tổ chức cơ sở;
b) Tại nhiều tỉnh, một số đồng chí cộng sản còn chưa nhận thức được tầm quan trọng của phong trào Xôviết và sự cần thiết phải ủng hộ và mở rộng phong trào.
* * *
Bây giờ, chúng ta hãy xem trong mấy tuần đầu sau lúc thành lập các Xôviết ở miền bắc Trung Kỳ, phong trào cách mạng Đông Dương đã diễn ra như thế nào, và gắn liền với cuộc đấu tranh cách mạng ở các vùng khác ra sao?
Biểu tình diễn ra hằng ngày tại miền bắc Trung Kỳ, nhất là ở Nghệ An. Trong số 153 cuộc biểu tình nông dân ở Đông Dương hồi tháng 9 thì tại 115 cuộc diễn ra ở miền bắc Trung Kỳ (trong đó có 94 cuộc ở Nghệ An); tuy nhiên, ngay tại hai tỉnh này, phong trào cũng không đồng đều. Sau phong trào cách mạng tại ba huyện Xôviết, ở đấy quần chúng lao động đã được hưởng mọi quyền tự do chính trị, thì phong trào tại các huyện Hưng Nguyên, Anh Sơn, Gia Thành[29], Diễn Châu cũng phát triển khá rộng. Còn tại các huyện khác, phong trào cách mạng chỉ vừa mới lan tới mà thôi. Riêng Hà Tĩnh chỉ có 21 cuộc vũ trang và biểu tình, số người tham gia trong mỗi cuộc đông nhất cũng không quá 3.000, trong lúc ở Nghệ An con số thường lên tới 30.000.
Ngoài những trận tấn công liên tiếp bằng vũ trang, còn có những cuộc mít tinh và biểu tình chống khủng bố trắng, truy điệu những chiến sĩ đã hy sinh, tịch thu ruộng đất của địa chủ, tỏ tình đoàn kết với công nhân và nông dân đang khởi nghĩa ở các vùng khác, v.v..
Dưới đây là những sự kiện chính của những cuộc đấu tranh anh dũng ấy:
Ngày 16, những người khởi nghĩa định vũ trang tấn công Yên Xuân (Vinh) một lần nữa, nhưng thất bại.
Ngày 18-9, 20.000 (trong số 55.000) nhân dân huyện Xôviết Thanh Chương họp mít tinh mừng thắng lợi và lễ truy điệu các đồng chí bị hy sinh, có các đội xích vệ (hơn 1.000 người có vũ trang) bảo vệ. Cờ và biểu ngữ đỏ phấp phới khắp nơi. Đại biểu của tất cả các tổ chức cách mạng ở Đông Dương đều có mặt trên lễ đài. Qua ngày sau, khắp các làng đã tổ chức mít tinh để tường thuật lại buổi lễ cho những người vắng mặt ngày 18. Từ ngày 19 đến ngày 21, biểu tình liên tiếp diễn ra ở huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh), dân chúng ở huyện này chuẩn bị khởi nghĩa: người ta đã phân công các đội tự vệ chia nhau canh giữ những địa điểm chiến lược, phá cầu, cắt đường dây điện tín và điện thoại, v.v.. Ngày 23, 300 nông dân Nghệ An (kể cả nông dân ở các làng Xôviết) kéo sang Hà Tĩnh, giúp anh em của họ ở đấy tổ chức khởi nghĩa ở Hương Sơn. Và đến ngày 22 thì khởi nghĩa bùng nổ. Những người khởi nghĩa tiến công ba lần vào công đường huyện, nhưng đều bị lính khố xanh đẩy lùi.
Ngày 21-9, nông dân khởi nghĩa Hương Sơn và Nghệ An hiên ngang tiến về đồn điền Pharuy (Farruy) và buộc bọn chủ tư bản chấp nhận hết thảy mọi yêu sách của công nhân nông nghiệp. Cùng ngày 21, mít tinh và biểu tình đã diễn ra ở Thanh Chương (đã Xôviết hoá) chống Đảng Lý nhân. Cũng trong ngày ấy, làng Thượng Thọ và Tú Viên (Thanh Chương) chia công điền và công quỹ cho dân cày nghèo.
Ngày 23, 30.000 người (trong số dân 50.000) ở Nam Đàn (Xôviết) tổ chức mít tinh tuyên truyền thắng lợi của các Xôviết và chống khủng bố. Số lượng cao của những người biểu tình chứng minh rõ phong trào Xôviết đã phát triển sâu rộng và lòng tín nhiệm của quần chúng đối với Đảng đã tăng nhiều.
Ngày 23, toà án cách mạng họp tại Thanh Chương (huyện Xôviết) xét xử 10 tên mật thám. 400 người đã tham dự các phiên họp của toà án công cộng.
Ngày 24, toà án nhân dân cũng họp tại Đại Đông (Thanh Chương) để xét xử bọn đảng viên Đảng Lý nhân.
Ngày 25, 15.000 người ở huyện Xôviết Nam Đàn tổ chức tổng mít tinh. Sau cuộc mít tinh là cuộc biểu tình thị uy khắp toàn huyện. Tiếp đó, đã diễn ra cuộc vũ trang tấn công vào công đường huyện, nhưng cuộc tấn công này đã bị lính khố xanh đẩy lùi (kết quả: 23 người hy sinh).
Ngày 26, có tổng biểu tình tại phủ Anh Sơn.
Cùng ngày ấy lại có cuộc vũ trang tấn công vào đồn lính Trung Lễ thuộc huyện Xôviết Nghi Lộc.
Ngày 28, những người khởi nghĩa đã tịch thu kho thóc công ở Nguyên Cao chia cho dân cày nghèo Thanh Chương.
Cũng ngày 28, một cuộc biểu tình thị uy đã diễn ra khắp huyện Xôviết Nghi Lộc. Bọn mật thám đã bị những người khởi nghĩa đem ra xử ngay tại chỗ. Lính khố xanh từ huyện lỵ kéo tới cũng không làm được gì trước khí thế cuộc biểu tình.
Ngày 28 và 29, lại thêm một đợt tấn công nữa vào huyện lỵ Nam Đàn. Ngày 29, quần chúng khởi nghĩa ở hai huyện Thanh Chương và Nam Đàn đã buộc bọn chánh tổng và lý trưởng phải từ chức.
Qua ngày 30, những người khởi nghĩa lại vũ trang tấn công đồn binh Đô Lương (Thanh Chương)[30].
Ngày 30, đã diễn ra cuộc vũ trang tấn công đồn binh Cửa Hội (Nghệ An). Bọn mật thám bị đánh và ty đại lý rượu trong vùng bị phá hoàn toàn.
Ngày 1-10-1930, nông dân khởi nghĩa tịch thu các kho thóc của bọn địa chủ ở La Mạc (Thanh Chương).
Những sự kiện trên đây chỉ diễn ra ở hai tỉnh đỏ Nghệ An và Hà Tĩnh. Còn các tỉnh khác, cũng trong thời kỳ ấy, đã xảy ra những việc gì?
Tại Bắc Kỳ, tù chính trị nổi dậy đấu tranh ở trong nhà lao để tỏ tình đoàn kết với những người khởi nghĩa. Dưới sự lãnh đạo của những người cộng sản, những người lao động ở Hà Nội dự định tổ chức biểu tình chống khủng bố ở Trung Kỳ, tìm cách giải thoát những người bị giam ở phố Thợ Nhuộm và chống những vụ xử tử sắp tới tại Phú Thọ, nhưng không thành công.
Và tại Trung Kỳ - Có âm mưu chiếm nhà ga Nghĩa Trang ở Thanh Hoá. Còn tại các tỉnh khác, thì chỉ có những truyền đơn nhỏ lẻ tẻ chống khủng bố ở miền bắc Trung Kỳ.
Và tại Nam Kỳ - Rải rác mỗi nơi một ít truyền đơn, có biểu tình vũ trang ở Cao Lãnh, nhưng sau đó địch đã ném bom oanh tạc làng này. Trong mấy ngày sau, nông dân đã phá đình làng An Thới Tây, Tân Phú, Tân Sơn Nhi (Gia Định); tại Hạnh Tân (Cần Thơ) có một cuộc biểu tình vũ trang, v.v.. Hầu hết các cuộc biểu tình này nổ ra một phần là do ảnh hưởng của phong trào Xôviết ở miền bắc Trung Kỳ, nhưng những người cộng sản chưa biết kết hợp chặt chẽ những cuộc biểu tình đó với việc bảo vệ các tỉnh đỏ.
Còn tại Lào và Cao Miên - Tại hai xứ này, Đảng ta đã thành lập được những tổ chức cộng sản nhỏ, nhưng ở đấy chưa có phong trào quần chúng.
* * *
Đến tháng 10-1930, phong trào cách mạng lan rộng đến Bắc Kỳ, các tỉnh khác ở Trung Kỳ và đến Nam Kỳ. Hầu như khắp mọi nơi, nông dân lao động đều đấu tranh dưới những khẩu hiệu chung: bảo vệ các tỉnh đỏ ở Nghệ An và Hà Tĩnh, chống khủng bố trắng. Công nhân ở hai tỉnh đỏ luôn luôn dẫn đầu phong trào khởi nghĩa, còn công nhân tại các tỉnh khác thì đến đầu tháng 10 trở đi mới lên tiếng chống các hành động khủng bố dã man ở miền Bắc Trung Kỳ.
Ở chương trên, chúng tôi đã nói rằng hồi tháng 10 có 39 cuộc biểu tình chính trị trong số 79 cuộc. 16 cuộc đã được tổ chức đặc biệt để ủng hộ..... [31] nhưng như thế không có nghĩa là những người cộng sản không đặt ra vấn đề bảo vệ các tỉnh đỏ trong mục đích các cuộc biểu tình chính trị khác.
Tại miền bắc Trung Kỳ, những người cộng sản đã vận dụng nhiều hình thức đấu tranh để mở rộng phong trào. Mỗi lần có người chết hay bị thương trong lúc biểu tình ở một tổng nào đó, thì Đảng tổ chức ngay tại các tổng khác những cuộc mít tinh truy điệu những chiến sĩ hy sinh hoặc những cuộc biểu tình tỏ tình đoàn kết và những cuộc mít tinh nhằm lạc quyên giúp đỡ gia đình các nạn nhân của sự đàn áp đế quốc. Bằng những hình thức đấu tranh phong phú đó, Đảng đã động viên được quần chúng rộng rãi nâng cao trình độ chiến đấu của họ và tăng cường thêm tinh thần đoàn kết cách mạng cho họ. Sang tháng 10, khởi nghĩa tiếp tục nổ ra tại các huyện lỵ; điều đó chứng tỏ rằng nông dân vẫn luôn luôn tiếp tục đấu tranh để mở rộng chính quyền Xôviết. Nhất là tại các huyện đã có những làng thành lập được chính quyền Xôviết rồi thì huyện lỵ thường hay bị tấn công dồn dập hơn. Chẳng hạn đồn binh Đô Lương (Thanh Chương) bị đột kích đến năm lần vào những ngày 2, 3, 6, 19 và 28-10. Ngày mồng 6, một cuộc khởi nghĩa khác lại bùng ra ở Võ Liệt có 11.000 người tham gia; 50 người bị giết. Trong tháng 10, nhiều trận vũ trang tấn công khác nổ ra tại ga Yên Lý, tại Cửa Sót, Thanh Quả, Nghi Lộc, v.v..
Cuộc đấu tranh đòi trả lại thuế thân và thuế phụ thu ở miền bắc Trung Kỳ, có tính chất gay gắt hơn. Tại Dinh Chu (Thanh Chương) chẳng hạn, nông dân đã thắng lợi hoàn toàn. Cuộc đấu tranh nhằm tịch thu ruộng đất của địa chủ cũng phát triển và lan rộng đến nhiều làng mới khác.
Cần nhắc lại rằng Xứ ủy Trung Kỳ của Đảng Cộng sản đã mở những chiến dịch báo chí, tổ chức những cuộc biểu tình và mít tinh quần chúng nhằm đấu tranh chống việc thành lập xã đoàn tuần canh (dân đoàn).
Ngoài những tỉnh đỏ ra, phong trào cách mạng còn phát triển mạnh mẽ tại miền trung và miền nam Trung Kỳ. Như tại Quảng Ngãi chẳng hạn, nông dân đã chiếm cứ công đường huyện Đức Phổ trong mấy giờ.
Đặc biệt cần nhấn mạnh đến một điều thú vị là sau khi những người cộng sản ở Trung Kỳ chia lại ruộng đất tịch thu của địa chủ cho dân cày nghèo, thì nông dân Bắc Kỳ, nhất là nông dân tại các tỉnh tiếp giáp với miền bắc Trung Kỳ đã nhảy vào cục diện đấu tranh nhằm thực hiện cách mạng ruộng đất. Xứ ủy Bắc Kỳ, trong các thông tri và báo chí của mình, đã thừa nhận rằng việc thành lập các Xôviết ở Trung Kỳ đã mở ra một kỷ nguyên đấu tranh nông dân mới ở Bắc Kỳ. Vì vậy Xứ ủy Bắc Kỳ không những đã kêu gọi nông dân Bắc Kỳ ủng hộ Nghệ An và Hà Tĩnh, mà còn kêu gọi đấu tranh theo những khẩu hiệu nhất định, chẳng hạn như những khẩu hiệu sau đây ở đồn điền Tiền Hải(Thái Bình):
1. Bảo vệ công nhân và nông dân Nghệ An và Hà Tĩnh;
2. Chống bắt nông dân biểu tình ở Phủ Lý;
3. Bãi bỏ sổ địa bạ;
4. Chia lại đất công;
5. Không được bắt rượu lậu;
6. Bãi bỏ thuế thân;
7. Trả tiền công đắp đê cho nhân dân.
Tại Tiền Hải, cuộc biểu tình có tính chất khởi nghĩa. Nông dân tìm mọi cách chiếm cho kỳ được công đường huyện, nhưng lực lượng vũ trang của họ yếu hơn bọn cảnh sát nên tám người lãnh đạo ưu tú của họ đã bị giết.
Sang tháng 10, nhiều cuộc biểu tình nông dân khác đã nổ ra tại Bắc Kỳ, ở các làng hay tổng sau đây: Kiến Xương, An Định, Song Lĩnh, Tiền Hải, v.v.. Nói chung, so với Trung Kỳ và Nam Kỳ, thì phong trào nông dân ở Bắc Kỳ ủng hộ miền bắc Trung Kỳ có yếu hơn, nhưng các đồng chí ở Bắc Kỳ đã có thành tích động viên được đông đảo quần chúng công nhân tỏ tình đoàn kết với những người khởi nghĩa ở Trung Kỳ, nhiều hơn ở các xứ khác.
Tại Nam Kỳ, đặc điểm của phong trào là có nhiều hình thức đấu tranh mới, bởi vì những người cộng sản tại đây đã vận dụng vào nhiều nơi những phương pháp đấu tranh của anh chị em miền bắc Trung Kỳ. Mít tinh và biểu tình ủng hộ những người khởi nghĩa ở Nghệ An và Hà Tĩnh đã diễn ra tại Sài Gòn, Chợ Lớn, Vĩnh Long, Gia Định, Bến Tre, v.v.. Trong tháng 10, tại Nam Kỳ biểu tình vũ trang nổ ra nhiều hơn mấy tháng trước. Tại Bi Châu, những người cộng sản đã kết hợp khẩu hiệu bảo vệ các Xôviết với khẩu hiệu đấu tranh chống Đảng Lập hiến Đông Dương. Tại Long Sơn (Chợ Lớn), nông dân đã đánh phá trụ sở và thiêu hủy hồ sơ lưu trữ. Những người cộng sản ở Nam Kỳ đã có thành tích sử dụng hình thức động viên quần chúng nhân dịp các cuộc vận động tuyển cử. Tại Đà Lạt và Sài Gòn, v.v., Đảng Cộng sản đã in truyền đơn phổ biến cương lĩnh chính trị cộng sản. Những truyền đơn ấy đều được phân phát đến tận các tầng lớp lao động rộng rãi. Đảng Cộng sản đã đề cử những đồng chí bị cầm tù ra ứng cử vào Hội đồng thuộc địa và các hội đồng thành phố. Như tại Sài Gòn chẳng hạn, nhiều cuộc mít tinh vận động tranh cử đã được tổ chức rất khá. Thế là qua các cuộc vận động tuyển cử, một mặt Đảng Cộng sản đã huy động được quần chúng lao động tập hợp lại xung quanh bản cương lĩnh của mình, mặt khác đã có thể tiến hành đấu tranh để đòi ân xá tất cả tù chính trị khi đưa tên tuổi của các đồng chí còn bị cầm tù ra ứng cử. Cũng cần nói thêm rằng, thái độ đồng tình của binh lính đối với những người khởi nghĩa ở miền bắc Trung Kỳ đã có tác dụng đến những người cộng sản tại Nam Kỳ cho nên từ tháng 10 trở đi họ đã tích cực đẩy mạnh công tác vận động binh lính trong quân đội địch. Truyền đơn và bươm bướm kêu gọi binh lính Pháp và bản xứ phát hành ngày càng nhiều. Trong một truyền đơn ký tên Đảng Cộng sản Đông Dương, có đoạn viết: “Hỡi binh lính và thủy thủ Pháp, con của Công xã Pari và em của những thủy thủ anh hùng Hắc Hải! Hỡi anh em lê dương! Hỡi các bạn! Hỡi anh em!... Hãy đứng vào hàng ngũ và dưới lá cờ của Đảng Cộng sản đấu tranh bảo vệ Liên Xô, Tổ quốc của những người lao động, đấu tranh chống chủ nghĩa đế quốc Pháp, kẻ bóc lột điên cuồng giai cấp vô sản chính quốc và nhân dân thuộc địa... Hãy noi gương binh lính và thủy thủ Hắc Hải, quay súng bắn vào bọn áp bức mình. Hãy ủng hộ nông dân và công nhân Đông Dương trong cuộc đấu tranh giải phóng của họ khỏi ba tầng áp bức của bọn đế quốc Pháp, tư bản và phong kiến bản xứ”.
* * *
Ngày 7-11, tức là ngày kỷ niệm lần thứ 13 Cách mạng Tháng Mười, và ngày 11-11, ngày bọn tư sản làm lễ đình chiến cuộc Chiến tranh đế quốc thế giới 1914 - 1918, đều là những dịp để cho Đảng Cộng sản chúng ta động viên đông đảo quần chúng lao động ra đấu tranh chống nguy cơ chiến tranh đế quốc, bảo vệ Liên Xô, Tổ quốc của vô sản thế giới và của các dân tộc bị áp bức. Trong hai dịp ấy, Đảng ta đã thảo những luận cương chính trị, phát hành truyền đơn và ra các lời hiệu triệu nhằm huy động quần chúng lao động tập hợp lại chung quanh các khẩu hiệu của Đảng. Những số báo đặc biệt được phát hành nhân những ngày lịch sử ấy: ngày thứ nhất, ngày 7-11, chỉ cho những người lao động nước ta biết rõ những chiến thắng vẻ vang mà giai cấp vô sản Nga đã đạt được từ khi Cách mạng Tháng Mười mở đầu cho cách mạng vô sản thế giới; ngày thứ hai, ngày 11-11, nhắc cho anh chị em bị áp bức nhớ lại những giờ phút buồn thảm trong thời buổi chiến tranh đế quốc thế giới khi hơn 100.000 người lao động Đông Dương đã đổ máu vô ích để bảo vệ lợi ích cho bọn tư sản Pháp, bọn bóc lột và áp bức họ.
Trong những cuộc vận động chính trị đó, những cuộc vận động mà quần chúng đông đảo rất tích cực tham gia, một mặt Đảng ta đã tuyên truyền được rộng khắp những thắng lợi của chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô, chính sách hoà bình của nhà nước vô sản; mặt khác, đã đem đối lập được với những tình cảnh khốn cùng của quần chúng trong thế giới tư bản và chính sách can thiệp của giai cấp tư sản phản cách mạng thế giới.
Nhưng nếu tưởng rằng trong hai dịp đó, Đảng ta chỉ huy động quần chúng với những khẩu hiệu nói trên, thì sai lầm. Trong các luận cương của mình, Đảng ta đã căn dặn những người cộng sản tổ chức đấu tranh xung quanh những yêu sách bộ phận kết hợp chặt chẽ với những nhiệm vụ cơ bản của cách mạng Đông Dương.
Trong khi đấu tranh ngày mồng 7 và 11-11 dưới lá cờ của Đảng, quần chúng bị áp bức rõ ràng cùng đấu tranh cho những khẩu hiệu sau đây do Ban Chấp hành Trung ương đề ra trong luận cương: a) bãi bỏ toàn án hình sự; b) hủy bỏ những bản án tử hình; c) thả tất cả tù chính trị và những người bị kết án tử hình; d) bảo vệ công nhân và nông dân Nghệ An, Hà Tĩnh, Thái Bình, Phủ Lý và Nam Kỳ; e) giải tán các đội quân chinh phạt; f) triệu ngay về Huế hai đặc phái viên[32] đã gửi ra Vinh.
Đồng thời với các cuộc bãi công, vào dịp kỷ niệm Cách mạng Tháng Mười Đảng ta cũng còn tổ chức ở khắp Đông Dương 15 cuộc biểu tình và mít tinh lớn. Chủ nghĩa đế quốc sợ rằng một cuộc tái khởi nghĩa sẽ bùng nổ vào ngày 7-10 cho nên chúng đã tuyên bố thiết quân luật tại các thành phố lớn, trung tâm công nghiệp và các chỗ đông dân cư; chúng đã “bắt nhốt” trước hàng trăm đồng chí chúng ta để đề phòng họ phá rối trật tự trị an của chúng trong ngày ấy.
Cuộc vận động chính trị ngày 7-11 được chuẩn bị trước một tuần. Chỗ nào, bọn lính cẩm cũng tìm được truyền đơn và cờ. Cần nhắc lại rằng ngày 7-11-1930 là ngày đầu tiên truyền đơn được tung ra nhiều nhất từ trước đến nay. Ngày 7-11 còn bao hàm một ý nghĩa lịch sử khác nữa: đó là lần đầu tiên những người lao động Đông Dương xuống đường kỷ niệm Cách mạng Tháng Mười.
Lễ kỷ niệm được cử hành rải rác khắp Trung Kỳ, Bắc Kỳ và Nam Kỳ. Bắc Kỳ đứng hàng đầu về số lượng công nhân công nghiệp tham gia ngày lễ, Trung Kỳ đứng hàng đầu về mặt huấn luyện nông dân.
Nhân ngày 7-11, tại nhiều nơi, biểu tình đã biến thành những trận tấn công vũ trang vào những trung tâm hành chính; trường hợp Phủ Diễn[33] là một ví dụ (tại đây, nông dân đã chiếm nhà ga, còn cuộc tấn công vào phủ lỵ thì bị đẩy lùi).
Tổng kết ngày 7 và 11-11 người ta thấy có hàng trăm người chết và bị thương. Những vụ tàn sát đó của đế quốc lại là điều châm ngòi nhen lên hàng chục cuộc biểu tình khác tỏ tình đoàn kết.
Sau ngày 11-11, cuộc đấu tranh đòi tịch thu ruộng đất của địa chủ tại các làng chưa có Xôviết được mở rộng (như tại Đại Đông, Đại Định hạ, Xuân Tường, Di Luân.....[34] ở huyện Thanh Chương). Đó là đặc điểm của phong trào ở miền bắc Trung Kỳ hồi ấy.
Tại Xuân Tường, nông dân thắng lợi hoàn toàn; họ đã chia nhau ruộng đất của địa chủ.
Chúng ta cần chú ý đến một giai đoạn rất quan trọng: từ tháng 10, phong trào phát triển khá mạnh tại Quảng Ngãi (Trung Kỳ). Sau tháng 11, các huyện Đức Phổ, Mộ Đức và Sơn Tịnh đã trở thành những trung tâm khởi nghĩa.
Trong thời kỳ ấy, phong trào tại Nam Kỳ cũng phát triển, nhưng chỉ giới hạn trong mấy tỉnh như trước kia. Ngày 17 nông dân biểu tình chiếm và đốt trụ sở làng Cao Lãnh, Phú Mỹ (Mỹ Tho) và Long Mỹ (Bến Tre).
* * *
Lễ kỷ niệm lần thứ ba Công xã Quảng Châu tiếp diễn theo sau những cuộc vận động quần chúng lớn hồi tháng 11. Trong số 58 cuộc biểu tình mà người ta biết hồi tháng 12, có đến 40 cuộc kỷ niệm Công xã Quảng Châu, và 10 cuộc đã diễn ra sau ngày 11-12 chống những vụ tàn sát man rợ của chủ nghĩa đế quốc Pháp. Về những cuộc biểu tình nổ ra tại Nam Kỳ và Bắc Kỳ trong dịp đó thì hiện nay chúng tôi chưa có tài liệu. Trong số 40 cuộc biểu tình nổ ra thì có: 4 cuộc tại Nam Đàn, 15 cuộc tại Anh Sơn, 7 cuộc tại Thanh Chương, 6 cuộc tại Phủ Diễn, 4 cuộc tại Nghi Lộc, 4 cuộc tại Hưng Nguyên (tất cả những phủ và huyện này đều ở Nghệ An), 2 cuộc tại Can Lộc (Hà Tĩnh), v.v..
Tháng 12, chúng tôi thấy những sự kiện đặc sắc sau đây: nông dân Can Lộc đã biến cuộc biểu tình của mình thành một trận tấn công vũ trang vào huyện lỵ. Tại Ngũ Phúc (Anh Sơn), nông dân tập hợp lại để giúp đỡ các gia đình nạn nhân của khủng bố trắng. Những người “nhà quê” ở Đại Định (Thanh Chương), ở Yên Dũng vẫn tiếp tục đấu tranh đòi ruộng đất, nông dân làng Nguyệt Bổng (Thanh Chương) đã buộc được bọn hào lý giao lại tiền công quỹ cho họ tại Thanh La, nông dân nghèo đã tịch thu được của bọn hào lý số tiền 600 đồng đem chia nhau.
Đến tháng 12-1930, bọn đế quốc mới phá vỡ được các Xôviết, đã đè bẹp chính quyền Xôviết, bọn chúng đã phải dùng đến tất cả mọi hình thức đàn áp. Hình thức thâm độc nhất rõ ràng là hình thức biểu tình “quy thuận” cưỡng bách mà bọn chúng đã bố trí cho bọn hào lý tổ chức.
__
Chú thích:
29. Gia Thành: Yên Thành (B.T).
30. Đúng ra là ở Đô Lương (B.T).
31. Bản tiếng Pháp mất một số từ (B.T).
32. Thượng thư Bộ hình Tôn Thất Đàn và đại diện Khâm sứ Đuy Bônom (du Bonhome) do triều đình Huế và Toà Khâm sứ phái ra Vinh để đàn áp phong trào cách mạng ở Nghệ Tĩnh (B.T).
33. Phủ Diễn: Diễn Châu (B.T).
34. Các tên làng trong bản tiếng Pháp mờ chúng tôi không đọc được (B.T).