Saved Font
  1. mTruyen.net
  2. Vượt Qua Bão Giông
  3. Chương 14: Phần 14
Trước /36 Sau

Vượt Qua Bão Giông

Chương 14: Phần 14

Màu Nền
Màu Chữ
Font Chữ
Cỡ Chữ
Style Combo

Vượt Qua Bão Giông​

Phần 14

Sáng hôm sau, tôi dậy thật sớm để đi chợ với mẹ. Năm nay dịch bệnh nên lượng hàng hóa về Sài Gòn ít hơn mọi năm, để chọn được một cành mai ưng ý thì tôi với mẹ phải kiếm hơn nửa ngày mới tìm được.

Bình thường tôi chỉ mua hai cành đem về, nhưng năm ngoái và cả năm nay tôi đều mua thêm một cành mai nhỏ, bởi vì có một người đang lạnh lẽo nằm đó nên tôi sẽ chọn một cành nhiều nụ nhất cắm lên mộ của anh, để anh có thể cảm nhận thấy một mùa xuân mới đang đến rất gần rồi.

Và với tôi…một mùa xuân mới cũng đồng nghĩa với việc lại một cái tết nữa không có anh…

Một năm sáu tháng ngày anh mất, ngôi mộ vẫn sạch sẽ không một ngọn cỏ dại, nhưng đất ở xung quanh đã xuất hiện rất nhiều rêu mốc, giống như một dấu ấn thời gian đã nặng nề đặt lên nơi ấy và cả trong lòng tôi.

Tôi cẩn thận cắm cành mai nhỏ vào chiếc bình, lại dùng khăn tay lau sạch đi toàn bộ bia mộ anh, nhìn bức ảnh anh mặc quần áo dân sự cười thật tươi trên đó, tôi cũng nhoẻn miệng cười. Có điều không hiểu sao miệng thì cười mà nước mắt vẫn cứ rơi.

Tôi thì thầm nói chuyện:

– Nhanh thật đấy anh nhỉ? Lại đến tết rồi.

– Năm nay tìm được mai đẹp khó lắm. Em chọn cành này anh có thích không?

– Mọi năm anh cứ bảo mai phải thật nhiều nụ thì năm tới mới thật nhiều may mắn. Năm nay em chọn được một cành nhiều nụ lắm, không biết năm sau có gặp may nhiều không nhỉ?

– Em nhớ anh lắm.

Dù sư Hòa đã nói tôi hãy buông chuyện cũ để mọi thứ nguội đi, nhưng chẳng hiểu vì sao mà tôi vẫn cứ thấy nhớ da diết, nhớ đến quặn lòng. Có lẽ vì anh ra đi quá bất ngờ nên đến tận bây giờ tôi vẫn không thể tin anh thực sự đã rời xa tôi, tôi chỉ nghĩ anh đang đi làm nhiệm vụ thôi. Chỉ tiếc chẳng có nhiệm vụ nào đi xa như thế cả…

Tôi ngồi trò chuyện với bia mộ anh một lúc, sau đó bỗng nhiên nghe tiếng bước chân người dẫm lên cỏ, ngoảnh đầu lại nhìn thì thấy anh Long cũng cầm một bó hoa và một túi giấy đến đây.

Anh Long thấy tôi thì hơi bất ngờ, ngẩn ra mất hai giây rồi mới cất tiếng hỏi:

– Về lúc nào? Sao không báo anh?

– Em về đêm qua. Gấp quá nên chưa kịp báo anh. Đang định lát nữa về thì gọi điện thoại cho anh đây.

Nhìn thấy cành mai đặt trên mộ của Lâm, anh Long biết có những việc với tôi còn quan trọng hơn cả báo cáo cấp trên, cho nên cũng không muốn trách mắng mà chỉ thở dài một tiếng:

– Ừ. Em đến đây lâu chưa?

– Một lúc rồi. Anh mang gì đến thế?

– Hoa cúc với mấy chai rượu. Bình thường Lâm không thích uống rượu nhưng tết đến cũng nên làm một chén chứ. Đằng nào giờ cũng có ai thổi nồng độ cồn nó nữa đâu.

Tôi bật cười, cầm lấy túi giấy đựng rượu trên tay anh Lâm rồi rót vào mấy chiếc ly anh ấy mang theo:

– Anh có vẻ gầy đi đấy.

– Dạo này bận quá. Em sao rồi? Vẫn ổn chứ hả?

– Vâng, vẫn ổn. Nhưng tiến độ công việc hơi chậm.

– Không sao đâu, cứ từ từ. Cái nghề này của mình phải thế mà.

– Vâng.

– Uống rượu không? Anh với em uống với nó một ly.

Hai người chúng tôi ngồi dưới gốc cây, bên cạnh là mộ của anh, cạn hết chén này đến chén khác, ôn lại những chuyện cũ ngày Lâm còn sống. Sau đó khi hết nửa chai rượu rồi anh Long mới đưa tôi về.

Trên đường đi, anh Long có hỏi han tôi tình hình của Việt, cũng thông báo là bộ trưởng X thỉnh thoảng có đến chung cư chỗ tôi ở. Tôi chưa gặp ông ấy ở khu nhà mình bao giờ nên ngơ ngác hỏi:

– Em chưa bao giờ thấy luôn. Không biết ông ấy đến vào thời gian nào?

– Ít lắm, bên cảnh sát ngoài đó có theo dõi ông X nên báo về thế thôi. Đại loại là một năm ông ấy đến khoảng 2, 3 lần gì đó. Gặp con trai ở ngoài thì không bao giờ.

– Vâng.

– Em định bao giờ bay ra bắc?

– Mùng 4 em đi làm nên tối mùng 3 em bay ra.

– Ừ, rảnh thì đến nhà anh chơi nhé.

– Vâng, em biết rồi.

Mấy ngày tết, không còn Lâm nữa nên tôi chỉ ru rú ở nhà với ba mẹ, thỉnh thoảng theo anh hai đi hóng gió ở bên ngoài rồi về. Đang làm việc với cường độ cao mà tự nhiên được nghỉ ngơi dài như thế này, chẳng mấy chốc mà tôi đã thấy buồn chán, hai hôm đầu còn lăn ra ngủ nướng, đến hôm thứ ba thì đã bắt đầu thấy ngứa ngáy chân tay, bảy giờ sáng đã tỉnh dậy rồi cứ mở mắt thao láo không ngủ tiếp được.

Nằm lăn đi lộn lại trên giường mãi, bỗng nhiên tôi lại nghĩ đến một người.

Theo như trình độ “nghe nhạc đoán chương trình” của tôi thì Việt không thích nhắc đến ngày tết vì anh ta không có một gia đình hoàn chỉnh. Bố của anh ta có gia đình riêng, có vợ của ông ta, con gái của ông ta, Việt thì chỉ có mình mẹ nhưng bà ấy lại mất lâu rồi. Cho nên tôi đoán từ khi mẹ mất, tết năm nào anh ta cũng đón tết một mình, mà chẳng có nỗi buồn nào bằng việc ngay cả một người thân để đón tết cùng cũng không có cả, thế nên tôi nghĩ anh ta sẽ rất rất cô đơn.

Phải rồi, tôi mất đi Lâm nhưng tôi còn gia đình, tôi còn ba, còn mẹ, còn anh hai, còn những bữa cơm đầm ấm trong ngày tết. Còn anh ta dù có cả một gia tài lớn, có đông đảo bạn bè, nhưng ngay cả việc ăn một mâm cỗ thịnh soạn cũng chỉ có một mình.

Chẳng phải như vậy sẽ đáng thương lắm sao?

Càng nghĩ lại càng cảm thấy thương thương, nhưng chẳng còn cách nào khác để chia sẻ nỗi buồn cùng Việt cả. Tôi đắn đo một hồi, sau đó cầm điện thoại lên soạn một tin nhắn “Chúc mừng năm mới. Chúc sếp một năm vạn sự như ý, kinh doanh thuận lợi, bình an mạnh khỏe”, sau đó gửi đi.

Rất lâu, rất lâu sau tôi mới thấy anh ta rep lại, chỉ có mấy chữ:

– Cảm ơn. Chúc mừng năm mới.

Chỉ một tin nhắn thế thôi mà tôi cũng cảm nhận thấy anh ta đang rất buồn.

Tôi không nhắn lại nữa nhưng chẳng hiểu sao từ lúc ấy trong lòng cứ thấy bứt rứt không yên, trong đầu cũng xuất hiện những thắc mắc như anh ta đang đi đâu, làm gì, tết này nhàm chán như thế thì có dẫn gái về nhà chơi bời không? Mà anh ta đá bà Tâm rồi, không biết trong vòng mấy ngày ngắn ngủi thế đã tìm được cô nào thế chỗ chưa.

Haiz… tôi đúng là hâm rồi. Còn lo cả những việc ấy cho anh ta nữa.

Mùng hai tết, mẹ tôi bóc một cái bánh chưng rồi rán lên, bình thường tôi không thích ăn đồ nếp thế này nên không hề đụng đũa. Có điều, lúc cả nhà đang quây quần ngồi ăn cơm thì mẹ bảo:

– Diệp phải ăn bánh chưng đi. Ăn bánh chưng mới có không khí ngày tết chứ.

– Nhưng con không thích ăn mà. Nhiều mỡ heo, béo lắm, con không ăn.

Đúng lúc này trên tivi phát chương trình Chuyển động 24h, một đoạn phóng sự ngắn về những bà mẹ không có con về ăn tết do dịch bệnh, ba tôi vừa xem vừa lắc đầu thở dài:

– May mà cái Diệp còn về ăn tết. Vài năm nữa nó lấy chồng rồi, không có nó ăn tết cùng nữa thì chắc ba mẹ buồn thiu.

– Hay là con không lấy chồng nữa, con ở vậy để tết nào cũng được ăn tết với ba nhé.

– Ba nuôi được con nhưng mẹ không nuôi được con đâu. Mau ăn bánh chưng đi, vài năm nữa ở nhà chồng mẹ không rán cho con ăn được nữa đâu.

Mẹ tôi cũng gật đầu:

– Lúc đó làm gì có bánh chưng miền bắc như thế này, toàn bánh tét thì có.

Nhắc đến bánh chưng miền bắc, tôi chợt nhớ lại câu nói của Việt hôm trước, anh ta nói không thích ăn đồ miền nam. Vậy anh ta có thích ăn bánh chưng miền bắc rán không nhỉ?

Một ý nghĩ chợt xẹt qua trong đầu tôi, tôi gắp thử một miếng bánh chưng rán cho vào miệng, thấy chẳng những vị không hề béo mà còn rất ngon nên hỏi mẹ:

– Mẹ ơi, nhà mình còn bánh chưng không?

– Còn. Sao thế?

– Cái này cứ cho dầu vào rồi chiên lên hả mẹ? Làm sao để nó dẹp như thế này?

– Cứ chiên lên rồi lấy cái muôi ép nó xuống là xong. Mà con tính hỏi để tự rán đấy hả?

Anh hai tôi nghe đến chuyện tôi rán bánh chưng thì cười ha hả:

– Thôi, mẹ đừng để nó rán. Nó mà vào bếp thì không cháy cũng hỏng đồ. Mẹ đừng cho nó vào bếp.

Tôi mắm môi mắm lợi đá anh hai một cái, lão ta đang cười dở thì sặc, ôm chân la oai oái. Tôi không thèm quan tâm đến anh hai, quay sang nhìn mẹ cười hì hì:

– Mẹ cho con hai cái mang ra bắc nhé?

– Ở Bắc thiếu gì?

– Nhưng bây giờ là tết làm sao mua được. Mẹ cho con hai cái đi.

– Ừ. Đợi tối mai con ra sân bay, mẹ bỏ vào thùng cho mang đi.

– Tối nay con bay.

– Hả?

Cả nhà thấy tôi đổi lịch đột xuất thế, ai cũng tròn mắt nhìn. Mà ngay cả bản thân tôi cũng còn thấy ngạc nhiên nữa là…

Nhưng mà tôi nghĩ rồi, dù gì tôi cũng là hàng xóm với Việt, vả lại cũng cần thân thiết hơn với anh ta để tiện điều tra nên tôi sẽ ra trước một hôm. Mang bánh chưng mẹ tôi gói cho anh ta.

– Con ra sớm một hôm, công ty con có việc. Chiều nay con bay.

– Sao gấp thế?

– Công ty có việc đột xuất mà. Con ra đó làm vài tháng xong, sắp xếp thời gian rỗi con sẽ về thăm ba mẹ sau.

Lấy lý do công việc ra chống chế, ba mẹ tôi không muốn thông cảm cũng đành phải thông cảm. Thế là ăn cơm trưa xong cả nhà lại đùm đùm nắm nắm bao nhiêu đồ để tôi mang đi.

Tôi xách theo một túi hành lý to, còn ôm theo cả mấy cái bánh chưng và cả dưa hành mẹ muối lên máy bay bay ra Hà Nội. Lần này cảm giác của tôi rất khác so với gần một năm trước ra đây, lúc trước rời Sài Gòn trong lòng chỉ toàn đau đớn, thê lương và buồn bã, nhưng bây giờ khi ngồi trên máy bay để tới Hà Nội, tôi lại thấy trái tim có chút bồi hồi thấp thỏm, giống như vì mình sắp làm một việc tốt nên tâm trạng cứ thấy nao nao.

Xuống sân bay xong, tôi một mình lái xe về chung cư. Đường phố Hà Nội ngày bình thường đông đúc như măc cửi, hôm nay thì vắng lặng không một bóng người, cả quãng đường từ Nội Bài về đến nơi tôi cũng chỉ mất gần ba mươi phút lái xe.

Đỗ xe vào gara xong, tôi chợt phát hiện ra ô bên cạnh có một chiếc Vinfast lux a 2.0 màu trắng. Bình thường chung cư chỗ tôi toàn đi xe sang, cả một hầm để xe chỉ có mỗi xe tôi thuộc dòng Vinfast, cho nên giờ thấy xuất hiện thêm một cái tôi cứ thấy hơi lạ lạ.

Nhưng dù sao cũng chẳng phải việc của tôi, vả lại tôi còn có chuyện quan trọng hơn nên không để ý đến nó nữa mà ôm hành lý đi thẳng lên phòng. Cất đồ đạc xong, tôi hào hứng mang hai cái bánh chưng mà một túi dưa hành sang nhà Việt gõ cửa. Có điều dường như anh ta không có ở nhà nên tôi đứng ngoài cửa chờ mãi, năm phút rồi mười phút trôi qua cũng không thấy động tĩnh gì.

Tâm trạng phấn chấn của tôi ngay lập tức bị dội một gáo nước lạnh, bỗng dưng thấy hết sạch cả khí thế. Đã mất công ra trước một ngày, còn mang đồ ăn cho Việt rồi tưởng tượng ra vẻ mặt ngạc nhiên và vui mừng của anh ta, thế mà anh ta lại đi chơi không có nhà.

Đúng là tôi phí công vô ích!

Tôi chán nản định xoay người đi về, bỗng nhiên lúc này lại nghe phía sau vang lên mấy tiếng lạch cạch, sau đó cửa chậm chạp mở ra. Việt nhìn thấy tôi đứng bên ngoài thì khuôn mặt lộ rõ vẻ ngạc nhiên:

– Sao tự nhiên lại ở đây?

– À… em… em ra trước một ngày. Em mang bánh chưng với dưa hành cho anh.

Tôi vừa nói vừa giơ mấy thứ trong tay lên, Việt cũng nhìn nhìn đồ trên tay một lúc, sau đó ánh mắt đen thẫm kia dường như xuất hiện thấp thoáng một ý cười. Anh ta nghiêng người nhường đường rồi bảo tôi:

– Vào đi.

– Vâng.

Làm hàng xóm lâu ngày, vậy mà mãi đến bây giờ tôi mới được đặt chân vào nhà anh ta lần đầu tiên.

Nhà của Việt rất sạch sẽ, cũng nhiều ánh sáng giống hệt phòng làm việc ở công ty, nhưng vì quá rộng nên tôi có cảm giác nơi này hơi đơn điệu, mà không phải, là cô đơn mới đúng.

Không có hoa đào, không có hoa mai, thậm chí ngay cả mứt và bánh kẹo cũng không có, giống như ngày tết đã lãng quên mất anh ta vậy.

Tôi đặt bánh chưng xuống bàn rồi nói:

– Anh không đi đâu chơi à?

– Không. Làm việc cả năm, tranh thủ mấy ngày tết để ngủ bù.

Thì ra nãy giờ anh ta ngủ nên mới ra mở cửa chậm như vậy, mà tôi thấy Việt nói cũng đúng, bình thường anh ta như một gã cuồng công việc nên ngày tết có lẽ cũng nên nghỉ ngơi nhiều hơn. Có điều ngủ đến mức không cần ăn cũng không cần uống gì thì cũng hơi khác người đấy.

Nhìn bếp của anh ta lạnh tanh lạnh ngắt, tôi mới cười bảo:

– Anh đói chưa? Em bóc mấy cái này ra ăn nhé? Bánh chưng vẫn còn mềm lắm.

– Ừ, cũng được.

– Anh thích ăn bánh chưng chiên hay để nguyên như thế?

– Sao cũng được. Để đấy tôi làm cho.

– Không, em biết chiên rồi. Mẹ em dạy em chiên, anh rửa mặt đi. Em chiên xong thì anh ra ăn là vừa.

Nghe đến câu “mẹ em dạy em chiên”, anh ta hơi cong môi mỉm cười. Có lẽ đây là nụ cười bình yên hiếm hoi mà tôi thấy ở anh ta, không giống như lúc cười với Antony, không giống như lúc cười với cấp dưới ở cuộc họp, đây đơn giản chỉ là một nụ cười không vương vấn danh lợi quyền thế, cười bởi vì bản thân muốn cười.

Việt không tranh việc nấu nướng với tôi nữa mà đi thẳng vào phòng tắm rửa mặt, tôi ở bên ngoài cũng bắt đầu loay hoay bóc bánh chưng ra bỏ và chảo chiên.

Tôi thề, đây là lần đầu tiên tôi nấu một món ăn mà cẩn thận như vậy, vật vã bóc xong cái bánh chưng thì mấy đầu ngón tay đã bị phần nhựa gạo dính nhoe nhoét, may sao bỏ vào chảo xong thì nó cũng chịu nằm yên trong đó, lấy nắp chảo đậy lại rồi chờ nó chín vàng rồi dùng muôi ép xuống nữa là xong.

Trong lúc chờ bánh chưng, tôi đổ dưa hành ra đĩa rồi tranh thủ nhìn quanh nhà Việt một lượt. Dù sao đây cũng là lần đầu được vào tận “hang ổ” của “nghi phạm”, tôi cũng phải tận dụng cơ hội này để tìm kiếm thêm chút thông tin về anh ta, mang về báo cáo cấp trên.

Căn hộ của anh ta rộng hơn nhà của tôi, phòng khách cũng kê sofa, kệ tủ và bày mấy đồ vật nho nhỏ. Nếu nhìn lướt qua một lượt thì cũng thấy bình thường, không có gì đáng nói, nhưng với con mắt trinh sát của tôi thì lập tức phát hiện ra trong một ngăn kính nhỏ có một con gấu bằng thạch cao.

Bình thường gấu bằng thạch cao này chỉ dành cho trẻ con tô màu, nhà của Việt thứ gì cũng cao cấp như thế này thì không thể nào để một thứ đồ bình thường thế này được, trừ khi nó chứa đựng một ý nghĩa gì đó.

Tôi nhìn vào phòng tắm thấy bên trong vẫn có tiếng nước chảy, nãy giờ Việt không những rửa mặt mà còn tranh thủ tắm rửa, tôi đoán anh ta ít nhất cũng mất gần mười phút nữa mới xong, cho nên cẩn thận nhìn quanh trần nhà một lượt xem có camera không, thấy không có gì mới rảo bước đi đến gần tủ kính đó.

Màu tô trên con gấu thạch cao kia đã bị phai nhạt rất nhiều vì thời gian, tuy nhiên bề mặt lại không hề vương một dấu vết bụi bẩn, chứng tỏ được anh ta thường xuyên lau chùi. Tôi nhìn mặt trước một hồi, lại lén lút mở tủ xoay lưng con gấu lại, cuối cùng phát hiện ra ở đó có mấy nét chữ rất nguệch ngoạc: Bố + Mẹ + Việt.

Đúng như tôi đoán, con gấu này là đồ vật anh ta giữ gìn từ lúc còn rất nhỏ. Một đứa trẻ luôn khát khao có một gia đình đầy đủ, ước mơ đặt cả vào trong tượng để tô. Bây giờ có lẽ đã trưởng thành rồi, mẹ cũng không còn nữa, nhưng Việt vẫn mong muốn có một gia đình hoàn chỉnh như người khác nên mới đặt bức tượng gấu kia ở một nơi trang trọng như thế này.

Tôi nhìn kỹ một lượt, lại cầm điện thoại chụp lại con gấu bằng thạch cao, đúng lúc vừa xong thì trong phòng tắm ngưng tiếng nước chảy. Tôi nhanh chân chạy về phòng bếp, lúc này một mặt bánh chưng đã vừa chín vàng tới, dùng muôi ép xuống một chút đã dẹp thành hình bánh Pizza.

Việt vừa lau tóc vừa đi ra, ngửi thấy mùi thơm nên hỏi:

– Chín rồi à?

– Sắp rồi, anh đợi một tý. Em lật mặt này xuống nữa là xong.

– Ừ.

Anh ta không hề nghi ngờ gì mà đi thẳng vào phòng ngủ, một lát sau đi ra tóc tai đã được sấy khô, chải lại gọn gàng. Nhưng nhìn anh ta thế này, tôi lại thấy điệu bộ ban nãy để tóc ướt của Việt còn đẹp trai hơn gấp vạn lần, quyến rũ hơn gấp vạn lần.

Có điều tôi không thể mê trai vào lúc này được, cho nên tôi đành cố tỏ ra bình thường, cười với anh ta:

– Em chiên xong rồi đây. Anh ngồi ăn đi.

– Xuống đến sân bay lúc mấy giờ?

– 4h ạ.

Việt liếc đồng hồ, bây giờ mới chỉ 5 rưỡi chiều, tức là tôi vừa mới ra tới Hà Nội, chưa kịp nghỉ ngơi đã chạy sang nhà anh ta nấu nướng.

Anh ta kéo thêm một chiếc ghế ở đối diện rồi bảo tôi:

– Ngồi xuống đây ăn luôn đi.

– Vâng.

Bữa ăn hôm ấy, chúng tôi nói với nhau rất nhiều chuyện, hầu hết đều là về công việc. Tuy nhiên Việt có vẻ không giữ khoảng cách với tôi nhiều như trước nữa, anh ta chủ động gắp cho tôi một miếng dưa hành, hỏi han tôi về quê ăn tết như thế nào. Tôi cũng cắt một miếng bánh chưng nhiều nhân nhất bỏ vào bát của anh ta, sau đó kể cho anh ta nghe một vài sự thật về gia đình tôi, ví dụ như mẹ tôi hay mắng tôi không chịu ăn bánh chưng, ví dụ như ba tôi luôn bênh vực tôi, ví dụ như mấy ngày tết tôi chỉ suốt ngày lăn ra ngủ.

Việt nghe xong thì lặng lẽ cười, lại lẳng lặng gắp cho tôi thêm một miếng dưa hành, dường như anh ta rất thích nghe chuyện về gia đình tôi.

Ăn uống xong xuôi, ngồi uống trà thêm một lúc thì giải tán ai về nhà nấy. Cả một ngày trời chạy lăng xăng giữa Sài Gòn và Hà Nội, rồi lại hì hục vào bếp nấu ăn, tôi cũng thấm mệt rồi nên đặt lưng xuống giường là ngủ như chó con say sữa luôn.

Sáng hôm sau tôi bị đánh thức bởi một tiếng chuông điện thoại vào lúc 5 rưỡi sáng. Mắt nhắm mắt mở cầm điện thoại lên, không buồn nhìn xem ai đã ngái ngủ nói:

– Alo.

Đầu dây bên kia im lặng một giây, tôi lại tiếp tục ngủ. Giây tiếp theo tôi nghe giọng Việt nói:

– Dậy đi, tôi đưa cô đi xem bình minh.

***

Lời tác giả: Dạo này facebook bóp tương tác, mọi người ít nhìn thấy truyện và đọc xong cũng lười bình luận nên bạn Hổ hơi tủi thân.

Chỉ muốn nói là: Viết truyện ra không mong gì nhiều, chỉ mong mọi người động viên và ủng hộ vậy thôi. Truyện được đọc miễn phí cho đến khi kết, thế thì tiếc gì mà ko tương tác cho tác giả vui, đoạn sau tiếp tục viết hay hơn nhỉ?

Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ . Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!

Quảng cáo
Trước /36 Sau
Theo Dõi Bình Luận
Phương Nam Có Cây Cao

Copyright © 2022 - MTruyện.net