Màu Nền | |
Màu Chữ | |
Font Chữ | |
Cỡ Chữ | |
Style Combo | |
C.E Ngày 18 Tháng 7 Năm 1914, Thủ đô Berlun/Đế Quốc/Tại một nơi nào đó
Điều đầu tiên mà “nó” cảm nhận được là một ánh sáng chói mắt. Được bao quanh bởi cảm giác dịu dàng và ấm áp đến siêu thực khiến "nó" cảm thấy yên bình. Sự ấm áp, dù hơi gai người này có thể làm cho người ta lãng quên chính mình. Quên bản thân? Phải, như thể có cái gì đó đã mất đi, nhưng đó là gì? Điều gì đã bị lãng quên?
Trước khi kịp suy nghĩ kĩ hơn, “nó” bất ngờ run rẩy. Sau một khoảng khắc trì hoãn ngắn ngủi, tâm trí “nó” bỗng nhận ra cái lạnh đến thấu da thấu thịt, giống hệt như một đứa trẻ sơ sinh lần đầu tiên biết đến “lạnh”. Thế nhưng, “nó” không đủ thời gian để tiếp tục cảm thụ.
Đột nhiên vấp phải sự tấn công bất chợt của điều gì đó đã biết, nhưng lại bị lãng quên từ lâu khiến “nó” trở nên hoảng loạn. Trong cơn căng thẳng đến ngộp thở, “nó” bắt đầu giẫy giụa.
Nỗi đau khi phổi, cơ thể, mọi tế bào cùng cất tiếng hét đòi hỏi oxy thật khó để chịu đựng. “Nó” dần mất bình tĩnh khi nghĩ rằng tất cả những gì mình có thể làm là đấu tranh.
Không thể điều khiển cơ thể khiến “nó” chỉ có thể khổ sở cựa quậy. Vào lúc cơn đau và nỗi thống khổ gắng nuốt chửng ý thức “nó”, như thể được giải phóng khỏi những gì còn sót lại của người đàn ông đã cạn khô nước mắt từ lâu, cơ thể ấy bắt đầu cất tiếng khóc theo bản năng.
Với nhận thức mù mờ và giác quan lộn xộn vè bản thân, “nó” mở mắt nhìn lên bầu trời màu xám. Một thế giới mơ hồ… Không, có lẽ do tầm nhìn của “nó” đã bị mờ chăng? Đó là một thế giới bị bóp méo khi nhìn qua lăng kính không phù hợp. Các đường nét bị làm mờ và màu sắc hỗn loạn đến mức kẻ không dễ gì xúc động suốt từng ấy năm như “nó” cũng phải cảm thấy lo âu.
Sau khoảng 3 năm trôi qua theo cảm nhận khách quan, ý thức của “nó” cuối cùng cũng dần khôi phục lại nguyên trạng, kèm theo đó là một cảm giác bối rối hoàn toàn.
Cái quái gì đã xảy ra? Chuyện gì đã xảy ra với mình vậy? “Nó” đã bước chân vào thể xác vô tri suốt từng ấy thời gian mà không thể nhớ ra lý do chính xác. Vậy nên, “nó” không thể hiểu vì sao tiếng khóc của một đứa trẻ vang lên mỗi khi ý thức “nó” tiêu tan lại có thể khiến bản thân cảm thấy mất mặt.
Không tính người trưởng thành, một em bé thường xuyên sẽ khóc. Được trao cho thiện ý và sự che chở xứng đáng với quyền lợi của mình, em bé không nên cảm thấy “mất mặt” mới phải. Vì lẽ ấy, dẫu cho giác quan cùng ý thức hãy còn xáo trộn, “nó” bắt đầu thả lỏng và ném cảm giác xấu hổ vào vực sâu của ký ức.
Dù rằng vẫn còn bối rối, “nó” cuối cùng cũng lý giải được tình cảnh của mình, song điều đó chỉ làm “nó” thêm rối rắm. “Nó” nhớ rõ ràng rằng mình đang đứng trên sân ga đợi Tuyến Yamanote, nhưng là, khi quay lại thực tế, “nó” lại thấy mình đang ở trong một căn phòng có lớp tường đá dày, xây dựng theo phong cách phương Tây cùng một bảo mẫu – trông giống như một bà sơ đang lau miệng cho mình. Nếu đây là bệnh viện, thật dễ để hiểu được rằng đã có một tai nạn xảy ra, và giải thích được lý do mà tầm nhìn của "nó" trở nên mờ ảo bởi chấn thương.
Thế nhưng khi mắt "nó" cuối cùng cũng có thể nhìn xung quanh rõ ràng hơn, để rồi nhận thấy dưới ánh sáng lờ mờ là những bà sơ mặc trang phục cổ xưa. Còn về nguồn sáng tù mù kia… nếu không nhìn nhầm, hẳn đó là những chiếc đèn gas - thứ thuộc về một kỷ nguyên khác.
"Nào, Tanya-chan, nói ahhhh-!"
Đồng thời, “nó” phát hiện ra một tình huống khác thường; không có thiết bị điện trong căn phòng. Trong một xã hội hiện đại hóa năm 2013, căn phòng “nó” ở quá đơn sơ, toàn những thứ đồ cổ đã sớm bị đào thải và thiếu khuyết thiết bị điện. Những người này thuộc phái Mennonite hay là Amish à? Ngay cả như thế… tại sao? Tại sao mình lại ở chỗ này?
"Tanya-chan? Tanya-chann?"
Tình huống không thể giải thích được. Quá nhiều câu hỏi nghi vấn ngày thêm chồng chất.
"Ngoan, hãy nghe lời và há miệng nào, Tanya-chan."
Câu hỏi hiện tại cần được trả lời là: “Chuyện gì đang diễn ra vậy?” Do đó, “nó” dời tầm nhìn của mình đến chiếc thìa trước mặt. Ý nghĩ rằng chiếc thìa này dành cho “nó” không bao giờ xuất hiện trong tâm trí, chỉ tự hỏi rằng tại sao người tên “Tanya” này vẫn chưa ăn.
Dường như bà sơ trước mặt “nó” (người đang lâm vào trầm tư) rốt cuộc cũng hết kiên nhẫn. Với một nụ cười hòa ái không cho phép từ chối, bà đẩy chiếc thìa trong tay mình vào miệng “nó”.
"Đừng kén ăn như vậy chứ. Nào. Ahhh---!"
Đó chỉ là một thìa rau hầm, nhưng không nghi ngờ rằng chiếc muỗng cũng đồng thời kéo “Tanya” trở lại hiện thực.
Món rau hầm nhừ này là thứ đã được nhồi vào miệng "nó". Nhưng người duy nhất đã ăn trong tình huống không thể giải thích này đã khiến "nó" trở nên rối trí.
Nói cách khác.
Đó là... mình.
Người duy nhất được họ gọi là Tanya.
Và trong sâu thẳm trái tim, “nó” hay đã từng là “anh ta” hét lên: --------- “Tại saooooooo?”