Saved Font
  1. mTruyen.net
  2. Youjo Senki - Ấu Nữ Chiến Ký
  3. Chương 13 : Cầu Thuật Toán Elinium Type 95 (4)
Trước /35 Sau

Youjo Senki - Ấu Nữ Chiến Ký

Chương 13 : Cầu Thuật Toán Elinium Type 95 (4)

Màu Nền
Màu Chữ
Font Chữ
Cỡ Chữ
Style Combo

Văn phòng Thanh tra Tổng cục quân đội Đế Quốc/Tổng cục Hậu cần/Chi nhánh nghiên cứu công nghệ.

Một mẫu 「Đơn xin chuyển công tác」chính thức. Với những hàng chữ ẩn giấu sự chỉ trích đến từ Ma Đạo sư thiếu úy Tanya Degurechaff. Vì đây là một đơn chính thức nên với tư cách của một cơ quan công chức nghiêm mật, văn phòng Thanh tra Tổng cục Hậu cần bắt buộc phải thụ lý lá đơn này.

Cả nhóm đã nhất trí tán đồng rằng đây không phải là một yêu cầu chuyển công tác trong cơn bốc đồng. Dù sao nếu không tính những đề nghị thăm dò không chính thức, thì đây là đã là lần thứ tư cô nộp đơn xin chuyển công tác.

Trước đó, bởi chỉ là những đề nghị thăm dò không kèm theo văn kiện nên còn có thể khuyên bảo cô bé lưu lại. Nhưng theo số lần thăm dò tăng lên, mức độ thỉnh cầu và tính bức thiết của cô cũng ngày càng tăng. Chỉ còn là vấn đề thời gian để một mẫu đơn xuất hiện. Vào thời điểm mà 「Đơn xin chuyển công tác」 và 「Thư kiến nghị」 của thiếu úy Tanya Degurechaff được gửi đến đã khiến tất cả nhân viên trong ban quản lý của Chi nhánh nghiên cứu công nghệ phải ôm đầu khổ não.

“Làm thế nào bây giờ? Đây dù sao cũng là một văn kiện chính thức. Chúng ta có nên chấp nhận yêu cầu của em ấy không?!”

Một người lính được khuyên lưu lại ba lần, rốt cuộc đã đưa ra 「Đơn xin chuyển công tác」vì hết kiên nhẫn.

Từ góc nhìn quản lý nhân sự và chiến tuyến miền Bắc đã trở lại bình thường, cân nhắc đến mối quan hệ chính trị và lập trường quốc tế, bây giờ đang là thời điểm tốt nhất để điều những người lính trẻ về hậu phương và cho phép họ ở lại mà không lo vấp phải sự phản đối.

Đó là lý do mà văn phòng Thanh tra Tổng cục có thể bổ nhiệm vị trí cho thiếu úy Tanya Degurechaff không chút khó khăn. Song, dù đơn vị tiếp nhận mới không cảm thấy bị quấy nhiễu nhưng họ vẫn không sẵn lòng để tuột mất tài năng này.

“Không được. Con bé là người duy nhất miễn cưỡng đạt đủ tiêu chuẩn của Schugel.”

Nếu nói là đa tài đa nghệ, chẳng bằng nói rằng bộ óc thiên tài là điểm sáng duy nhất của kỹ sư trưởng Schugel. Kế hoạch phát triển quả Cầu đời mới đòi hỏi dữ liệu cơ sở được thu thập với mục đích nghiên cứu các kỹ thuật tiên tiến. Trong kế hoạch này, Tổng cục Hậu cần đã đặt ra những tiêu chuẩn vô cùng tham vọng. Vậy mà mẫu Type-95 của Schugel đã đáp ứng được mọi yêu cầu cơ bản của họ, dù rằng đó chỉ là trên lý thuyết.

“Đúng vậy. Vất vả nghiên cứu đến nay mới có ánh rạng đông…chúng ta cần phải xem xét điểm này trước khi quyết định chứ?!”

Ngay cả ở quốc gia dẫn đầu trong nghiên cứu công nghệ ma thuật và khoa học như Đế Quốc, tài năng của ông ta vẫn cực kỳ xuất chúng. Tuy ma thuật đang dần được coi là một lĩnh vực khoa học, nhưng vẫn còn nhiều yếu tố mơ hồ và dễ gặp lỗi trong quá trình sử dụng. Mà ông ta là người đã đóng góp lớn trong việc cải tiến, ổn định công nghệ và thúc đẩy sự phát triển nó đi đúng hướng.

Căn cứ vào điểm ấy, chỉ xem xét phương diện nghiên cứu, dữ liệu và lý luận mà Type-95 mang lại chắc chắn có thể tạo ra một bước tiến lớn. Nhưng đó chỉ là đánh giá từ lập trường nghiên cứu. Với cái nhìn của ủy ban nghiên cứu thì chỉ cần thí nghiệm đột phá là đủ, nhưng Ban chỉ huy Tổng cục Hậu cần lại muốn một món quân dụng đạt tiêu chuẩn đánh giá toàn diện.

“Nhưng mặt khác nếu chúng ta tiêu hao một tài năng có thể miễn cưỡng vận dụng được cầu Type-95 sẽ rất đáng tiếc.”

“Hãy nhìn xa trông rộng hơn đi. Chúng ta không có nhân viên thử nghiệm nào ưu tú hơn để thay thế em ấy đâu.”

Những người phụ trách đã bày tỏ nỗi lo âu trước việc uổng phí một pháp sư quý giá. Trên thực tế, trong quá trình phát triển kỹ thuật quân sự và cuộc đua tranh giữa các quốc gia chênh lệch theo từng ngày, hy sinh nhân mạng vì tiến bộ công nghệ dù ít cũng không phải không có.

Cuộc đua vũ trang bắt nguồn từ mối quan ngại quốc phòng đã dẫn đến nhiều sự cố ở các đơn vị thiếu nhân lực. Danh sách những người hi sinh cho sự nghiệp cũng tuyệt đối không ngắn.

“Tôi đồng ý điểm ấy. Để phát triển bền vững chúng ta phải đảm bảo và bồi dưỡng được các Ma Đạo sư xuất sắc, đây cũng là vấn đề mà Đế Quốc cần lo lắng.”

“Ngoài ra, nếu như phải nói...Lẽ ra chúng ta cũng nên cân nhắc đến vấn đề độ tuổi sao? Dù em ấy có là một tài năng xuất chúng nhưng vẫn còn là một cô bé. Phải trở thành món đồ chơi cho kỹ sư Schugel cũng quá tội nghiệp rồi.”

Hơn nữa với Đế Quốc, dù rất muốn gấp rút tăng cường sức chiến đấu của Hải quân và Ma Đạo sư nhưng hai binh chủng này đều cần sự huấn luyện lâu dài mới có thể tăng lên chất lượng của từng binh sĩ. Coi như Cầu Thuật Toán và chiến hạm có thể sản xuất số lượng lớn, nhưng đội ngũ cốt cán và giàu kinh nghiệm lại không dễ gì bồi dưỡng được.

Từ điểm này, Tanya là một tồn tại quý giá, cô không những là người trẻ nhất trong quân đội nắm giữ kinh nghiệm thực chiến, mà còn là một Ma Đạo sư tốt nghiệp từ trường Tân binh Sĩ quan. Lãng phí cô như vậy quá là đáng tiếc. Nhất là với những yếu tố chính trị rắc rối, và nhà máy Elinium cũng không phải nơi duy nhất theo đuổi bảo tọa “Nhà phát triển Cầu Thuật Toán thế hệ mới của Đế Quốc.” Nếu để người nắm giữ huân chương Sliver Wings Assault có tiền đồ rộng lớn chết trong lúc thử nghiệm sẽ gợi ra một hồi bão táp chính trị. Một điều mà tất cả mọi người ở đây đều cầu nguyện cho chuyện đó không phát sinh.

Trọng yếu nhất, bất kỳ ai còn có một chút lương tri sẽ thấy thiếu úy Tanya Degurechaff còn quá trẻ. Ngay cả khi họ không muốn ra vẻ đạo đức, cũng phải nhìn vào thực tế là tài năng của cô bé trưởng thành theo thời gian. Những biểu hiện của cô từ trước đến nay đều cho thấy một tiềm năng vô hạn trong sự nghiệp quân lữ. Dù có cân nhắc đến tiêu hao phẩm, cô cũng là người đầu tiên sẽ không bị tiêu hao theo cách này.

Cao tầng quân đội đồng ý gửi cô đến đây, đồng thời lại giao cô cho Ban Huấn luyện đã thể hiện một thông điệp rõ ràng: “Các người làm gì thì tùy, nhưng phải để cô ta còn sống lành lặn trở về.”

“Để mất đi Cầu Type-95 cũng thật đáng tiếc, cho nên bây giờ chúng ta mới phải đau đầu!”

Một trong những người có mặt vừa nói vừa ôm đầu, càng làm trầm trọng thêm tình thế tiến thoái lưỡng nan của họ.

“Nói thật thì thành quả của thí nghiệm này đối với Đế Quốc cũng không nhỏ.”

Lợi ích mà nó mang lại đủ để cao tầng chấp nhận mức độ rủi ro nhất định. Chính vì nguyên nhân này mà họ mới đầu tư một nguồn ngân sách vô tận vào quá trình thử nghiệm Type-95. Phải đến bây giờ, họ mới nhìn thấy một tia sáng hy vọng để đền đáp cho khoản đầu tư khổng lồ được bỏ ra.

Ở phương diện quân sự, Đế Quốc luôn chiếm ưu thế về kỹ thuật. Một trong những trụ cột chính của ưu thế này là những tiến bộ cách mạng công nghệ ma pháp. Thí nghiệm này có tiềm năng thúc đẩy công nghệ đó đi xa hơn nữa. Chẳng lẽ phần thưởng tuyệt vời như vậy không xứng đáng với số vốn phát triển sao? Duy việc chứng minh khái niệm của kỹ thuật đồng bộ hóa lõi Cầu cũng đủ để cải thiện năng lực của Ma Đạo sư rồi.

“Tôi thừa nhận tầm quan trọng của công nghệ đồng bộ lõi tứ. Nhưng chúng ta vẫn chưa tìm ra cách để áp dụng nó trong thực tiễn, phải không?!”

Và dĩ nhiên, phe đối lập cũng thừa nhận ý nghĩa mà công nghệ này đại diện. Họ sẵn lòng ca ngợi sự cách tân kỹ thuật, cũng không phủ nhận thành quả thu được từ việc xúc tiến chính sách phát triển kỹ thuật này với sự trợ giúp đầy đủ của Đế Quốc. Nhưng với họ, quá trình phát triển Type-95 có những phần họ cảm thấy không đáng giá.

Rốt cuộc, căn cứ vào nhận xét từ người sử dụng, tạm thời không nói đến lý thuyết vẫn còn quá nhiều vấn đề trong việc ứng dụng vào thực tế. Ngoài ra, thiết kế đột phá của Type-95 không chỉ là “thế hệ tiếp theo” mà còn vượt qua ba đến bốn thế hệ sau này. Nó khiến người ta không khỏi hoài nghi thời đại này có thể đưa ra được cách vận dụng một thứ như thế. Chính bởi vậy, họ mới phải tiếp diễn vòng tranh luận luẩn quẩn không ngừng.

Mà chấm dứt cuộc tranh luận này là một phần báo cáo khảo sát.

“Các ngài xem qua bản báo cáo chưa? Thiếu úy Degurechaff đã phân tích cực kỳ rõ ràng. Theo báo cáo thì có dùng bao nhiêu ma lực cũng không cách nào ứng dụng nó trong thực tiễn.”

Phần báo cáo về thí nghiệm Type-95 được đệ trình đã thể hiện một năng lực phân tích chuyên sâu, khiến người đọc có cảm giác người viết là một chuyên gia khoa học hàn lâm. Vài người trong bộ phận đã rất ngạc nhiên và cho rằng đây không phải nội dung mà một đứa trẻ 10 tuổi có thể viết ra. Một số còn nghi ngờ rằng bản thân cô bé không thể viết được báo cáo như vậy.

Bất chấp những nghi ngờ, phần nội dung kỹ thuật trong báo cáo vô cùng sâu sắc và chặt chẽ. Hơn nữa theo điều tra, bản báo cáo này hoàn toàn được Tanya tự tay viết xuống. Ở 10 tuổi, loại tuổi mà vẫn chưa thể vào trường trung học, Tanya đã có lượng ma lực đạt tiêu chuẩn của Ma Đạo sư trưởng thành. Với tài năng và lượng ma lực dồi dào, tương lai của cô hoàn toàn rộng thênh thang. Nhưng ngay cả vị sĩ quan Ma Đạo sư ưu tú có tài năng nở sớm cũng phải khóc thét và khẳng định nguyên mẫu này không có cách nào để sử dụng ổn định.

“Có thể tạo ra nhiều thuật thức, tầm bắn và uy lực cũng tăng lên…Đúng là những cải tiến tuyệt vời, nhưng nếu thời gian hoạt động liên tiếp giảm đến mức trí mạng thì khác gì đồ vô dụng.”

Dẫu mục đích chính là nghiệm chứng kỹ thuật, nhưng nếu tốc độ tiêu hao cao đến mức không thể duy trì khả năng chiến đấu cơ động thì hệ thống lõi tứ sẽ chỉ là một kết cấu thiếu sót. Để tăng cường hỏa lực trong nháy mắt phải đánh đổi bằng việc rút thời gian tác chiến là không thể chấp nhận.

Một cơ năng hoàn thiện có thể phát huy tác dụng ở mức độ nhất định. Bởi vậy có tra ra các khuyết điểm trong công nghệ tiên tiến cũng là một yêu cầu trọng yếu trong việc nghiệm chứng kỹ thuật. Tuy nhiên, nếu nguyên nhân đằng sau tốc độ tiêu hao ma lực cao là do kết cấu lõi tứ thì đúng là bó tay toàn tập.

“Mục đích ban đầu của chúng ta là xác minh tính khả thi của lý thuyết và cải tiến công nghệ. Chuyện đó vẫn còn nằm trong phạm vi chấp nhận được.”

Mặt khác, phe duy trì tiếp tục phát triển cũng thừa nhận sự thiếu sót trong khả năng kéo dài thời gian chiến đấu. Trong mắt họ, với mục đích chủ yếu là nghiệm chứng kỹ thuật thì đó hoàn toàn không phải một trở ngại. Tối thiểu chỉ cần khái niệm không có vấn đề là được. Bởi họ hoàn toàn không quan tâm đến hạn chế trong ứng dụng thực tế.

Cuộc cạnh tranh công nghệ giữa các cường quốc đã đạt đến trình độ khốc liệt. Nên từ lập trường của họ, đương nhiên sẽ hy vọng tiềm năng mà Type-95 mang lại có thể đảm bảo lợi thế về kỹ thuật của tổ quốc. Một mặt, mối uy hiếp của tụt lại trong cuộc chạy đua vô cùng lớn, mặt khác là giữ được ưu thế sẽ thu lại lợi ích vượt trội. Bởi vậy, họ tha thiết mong mỏi một bước nhảy vọt trong phát triển kỹ thuật. Dưới đánh giá tiêu chuẩn khả thi thì họ sẵn lòng tiếp thu tất cả chi phí cho dự án Type-95.

“Cho dù thứ này có tiềm năng lớn ra sao thì ngân sách quân đội cũng không đủ để phung phí như thế.”

Nhưng chung quy đó chỉ là ý kiến của nhân viên thí nghiệm và những người ủng hộ, còn lý luận của những người chuyên sử dụng vũ khí như quân đội lại theo một hướng khác. Một Cầu Thuật Toán bình thường có giá ngang với một binh khí chủ lực. Còn quả cầu đặc chế sử dụng một lần nếu trục trặc sẽ gây ra lượng phí dụng vượt xa dự toán ban đầu.

Điều này làm họ thêm do dự. Số tiền tiêu hao đã quá mức khổng lồ còn muốn bơm thêm tài chính nữa sao? Nếu đầu tư nguồn vốn vào phương diện khác, tỉ lệ hoàn vốn sẽ cao hơn hẳn. Chủ trương này cũng rất hợp lý. Cứ việc Đế Quốc rất mạnh với nguồn quân phí dồi dào nhưng dự toán cũng không phải vô tận. Vì ngân sách có hạn, nên họ càng coi trọng hiệu suất.

“Ngay cả như vậy chuyển đổi ma lực cố định hóa có khả năng thực hiện được. Nhiêu đó vẫn chưa đủ để tiếp tục thí nghiệm sao?”

“Anh dự định theo đuổi giả kim thuật đó à? Chúng ta không thể lãng phí ngân sách và nhân sự như vậy.”

Với lại cả hai bên vẫn chưa tìm được tiếng nói chung ở điểm này – liệu có thể làm ma lực tồn tại ở dạng vật chất để tăng thêm sức chứa hay không? Trên lý thuyết, kết quả rất rõ ràng. Nếu liên tục truyền ma lực vào quả cầu sẽ gây cản trở cho năng lực chiến đấu. Ngay cả kỹ sư trưởng Adelaide von Schugel cũng nhận thức điểm ấy.

Ông ta cho rằng đối sách để giải quyết vấn đề này là tích trữ ma lực giống như điện trong một cục pin. Tự do chuyển đổi ma lực thành dạng vật chất là một loại kỹ thuật mang tính đột phá trọng đại, cũng là điều mà ai cũng muốn làm, nhưng cuối cùng chỉ có thể từ bỏ.

Bằng cách tối ưu hóa việc sử dụng ma lực với Cầu Thuật Toán, dựa trên ý chí bản thân để can thiệp vào thế giới. Sau đó, can thiệp sẽ hiển hiện ra hiện tượng trong thực tế. Đây là nguyên lý cơ bản của ma thuật được các Ma Đạo sư sử dụng.

Tất nhiên, hiện tượng này là tạm thời. Giả như có ai đó muốn một vụ nổ xảy ra, nó sẽ xuất hiện trong thế giới vật chất. Nhưng vì nó là hiện tượng tạm thời, ma lực sẽ phân tán ngay khi vụ nổ kết thúc và không thể quay trở lại. Đã như vậy, chỉ cần cố định hóa “ý chí” để lưu lại hiện tượng trong thế giới hiện thực là đủ.

Khái niệm này đã được nghiên cứu ngay khi Cầu Thuật Toán vừa ứng dụng trong thực tế. Nhưng ý tưởng dùng ma lực để cô đọng ma lực mỗi lần trải qua vô số lần thử nghiệm, đều là một lần làm tăng thêm số lần thất bại ghi lại.

Dùng cái nhìn lạc quan trong tiến hành nghiên cứu và thử nghiệm áp dụng thực tế đã lưu lại một núi ghi chép thất bại. Ngay cả những cường quốc đầu tư mạnh tay vào nghiên cứu này đều đã chùn bước.

Can thiệp vào ý chí đang ảnh hưởng thế giới để nhằm tạo ra một vật thể cố định trong thế giới vật chất. Câu nói này nghe có vẻ đơn giản nhưng nếu thực hiện sẽ đồng nghĩa với việc phải lật đổ pháp tắc tự nhiên và bóp méo định luật vật lý vĩnh viễn. Điều đó giống như quy tắc cổ xưa của lĩnh vực giả kim thuật trong truyền thuyết.

Tóm lại, kỹ thuật này hoàn toàn không thực tế. Chí ít trong mắt những quân nhân theo chủ nghĩa thực dụng là vậy. Theo quan điểm của họ, thổi phồng kỹ thuật mới không chút kiêng nể thực sự làm người ta cảm thấy hoài nghi. Chưa kể đây quả thật được xem như một lý thuyết đã lỗi thời.

Những binh lính tham dự phát triển và những người làm việc trong lĩnh vực ma thuật đều biết điều này. Theo một cách hiểu thì đây là một giấc mơ của giả kim thuật, một học thuyết chỉ có thể thành hiện thực trong một tương lai xa.

Để vặn vẹo các quy tắc tự nhiên trong một thời gian dài đòi hỏi một lượng ma lực khổng lồ. Một hệ thống lõi kép là yêu cầu tối thiểu để tăng lượng ma lực được bơm. Tương tự, để thực hiện hiện tượng cố định hóa cần có số lõi nhất định. Vậy nên cần ít nhất bốn lõi để đồng bộ cùng sự điều khiển chính xác để xử lý những quy trình khác nhau cùng một lúc. Vì lẽ đó mà đến lúc này, nó vẫn còn là một lý thuyết.

“Chúng ta không thể phủ nhận khả năng đồng bộ hóa lõi tứ đã trở thành hiện thực.”

“Với tình huống này, căn bản là không cách nào chờ mong một sự đồng bộ hoàn mỹ. Ngay cả hiệu suất của người duy nhất có thể vận dụng nó là thiếu úy Degurechaff cũng thấp hơn mức độ tiêu chuẩn.”

Đó là lý do phe “duy trì tiếp tục phát triển” và phe “dừng kế hoạch” không thể nhất trí dù quan sát cùng một kết quả. Người trước nhìn thấy hy vọng, người sau thì nhìn thấy sự vô ích. Bất luận là ý kiến của phe nào cũng đều có lý của họ. Trên thực tế, một quả cầu mỗi lần thử nghiệm đều gây ra sự cố là không hề đáng tin cậy. Tất nhiên, không có vũ khí thử nghiệm nào hoàn hảo ngay lúc mới được đúc, vì vậy mọi người đã sớm làm tốt dự liệu.

Thế nhưng, trong lịch sử chưa có loại vũ khí liên tiếp gây ra rủi ro liên hoàn nghiêm trọng đến vậy. Dựa trên báo cáo tự thuật, lần nào thiếu úy Degurechaff cũng phải gắng gượng sống sót trong hoàn cảnh ngàn cân treo sợi tóc, đủ để hiểu tình hình của cô thê thảm đến mức nào. Và sau tất cả những thí nghiệm đó, thành quả thu được là một quả cầu gần như không hoạt động.

Chừng đó cũng đủ để chứng minh mức độ tiến bộ mà thí nghiệm đạt được khi so sánh với quá khứ. Bởi vậy, khi rất nhiều quân nhân bày tỏ mối lo ngại về sự lãng phí của các thí nghiệm thì những quan chức nội bộ lại đưa ra vấn đề từ một góc độ khác.

“Nhân tiện, tại sao lại là em ấy?!”

Câu hỏi này chỉ đơn thuần là nghi vấn. Mặt khác, đó là một vấn đề đáng quan tâm. Lịch sử của Ma Đạo sư thiếu úy Tanya Degurechaff rất thú vị, nhưng vô số người lính sở hữu quá trình kinh nghiệm xuất sắc hơn cô bé. Nhưng trong tất cả những người này, tại sao chỉ có cô bé mới thành công vận dụng được Type-95? Nếu tìm ra nguyên nhân đằng sau sự thành công ấy là có thể giải đáp được nghi ngờ chứ? Ý nghĩ này được họ nhất trí cần phải tra cứu.

“Ngược lại mới đúng. Chúng ta nên nghĩ xem tại sao em ấy có thể thành công?”

“Lý do chọn con bé là gì thế? Là ai hạch chuẩn vậy?”

Đàm luận đến đây, người chủ trì cuộc họp là Tổng Thanh tra Tổng cục đã đặt ra câu hỏi căn bản nhất. Dù biết là chi nhánh Nhân sự trong Tổng cục Hậu cần đã phê chuẩn việc sắp xếp công tác này, nhưng điều đó chỉ có thể xảy ra nếu có người gửi đơn đệ trình cho họ. Như vậy thì đơn yêu cầu sẽ ghi lại lý do lựa chọn cô bé.

Khi được sĩ quan cấp trên hỏi, viên quản lý hành chính trẻ đã lật qua đống giấy tờ để tìm kiếm tờ đơn xin phân phối nhân sự. Họ đã bỏ lỡ điểm này cho đến nay, nhưng câu trả lời vẫn còn trên đó.

“Kỹ sư trưởng Schugel đã tự mình lựa chọn. Với lý do cô bé là người có khả năng khởi động quả cầu nhất.”

“Làm sao ông ta biết được?”

Trải qua thất bại thê thảm của các nhân viên thử nghiệm trước đây, hẳn ông ta phải có căn cứ cho rằng thiếu úy Tanya Degurechaff là người có thể vận dụng nó. Vì sao ông ta lại đào móc người mới từ tiền tuyến? Là đặc điểm, kỹ năng vẫn là do nguyên nhân khác? Thật khiến người ta cảm thấy hứng thú.

Nhưng trên thực tế, kỹ sư trưởng Schugel chỉ ghi một lý do cực kỳ đơn giản trong tờ đơn yêu cầu.

“…Nó viết, vì cô bé chưa quen sử dụng mẫu cầu hiện tại, nên sẽ không sử dụng Cầu Thuật Toán kiểu mới theo cách cũ.”

Từ phương diện nào đó, đây chính là đặc tính trong quá trình phát triển quả cầu kiểu mới. Một kiến giải vô cùng chính xác. Cơ sở của loại cầu sử dụng bốn lõi đồng bộ hoàn toàn khác với quả cầu bình thường. Do đó, lưu thông ma lực theo cách cũ sẽ không phù hợp.

Trẻ em có tư duy rất linh hoạt; chỉ cần nói với chúng “nếu cảm thấy dòng chảy ma lực không đúng cũng đừng chống lại” thì bọn trẻ có thể mơ hồ lý giải yêu cầu. Với một đứa trẻ trưởng thành sớm như Tanya, cô bé có khả năng nắm bắt được cảm giác này, hiểu được nguyên tắc hoạt động và học được kỹ thuật thao tác. Quả là một cái nhìn sâu sắc và hợp lý.

Khi mọi người đều có thể hiểu được điểm này…và bởi họ hiểu, nên mỗi người đều phát ra tiếng rên rỉ. Một âm thanh chỉ phát ra khi đối mặt với một thứ không mấy dễ chịu.

“…Này, kiếm đâu được một Ma Đạo sư tài năng nhưng chưa quen thuộc Cầu Thuật Toán đời cũ bây giờ?”

Đó là hiển nhiên. Dù có lọc ra tất cả nhân sự trong Đế Quốc cũng khó mà tìm được một người thỏa mãn toàn bộ các điều kiện. Đương nhiên, điều kiện thấp nhất của một vũ khí thế hệ tiếp theo là đại đa số Ma Đạo sư có thể vận dụng nó. Nếu không thu được FOC thì phát triển cũng không có ý nghĩa.

Xét từ kết quả, tờ đơn yêu cầu này rất đặc biệt. Nó để lộ ngưỡng cửa vận dụng Type 95 cao đến mức nào. Có thể dự đoán là mẫu thế hệ tiếp theo sẽ không thể sử dụng trừ phi họ đào tạo lại toàn bộ Ma Đạo sư đang phục vụ và xây dựng hệ thống huấn luyện từ đầu. Hơn nữa, độ khó trong thao tác cũng cao hơn Cầu Thuật Toán đời cũ sẽ yêu cầu một khóa tái đánh giá lính mới sau quá trình đào tạo.

Coi như có thể thực hiện được những điểm này, một khi cân nhắc đến hiệu quả, tính đảm bảo và cả chi phí phát sinh, cũng làm người phụ trách không thể không do dự trước việc sản xuất hàng loạt. Phải có những kỹ năng cực kỳ cao siêu mới có thể vận hành nó trong trạng thái bình thường, thì sẽ không lạ gì nếu xảy ra sự cố bất kì lúc nào.

“Dự trù tài chính cũng không phải vô hạn. Tính hiệu quả của nó vẫn quá thấp.”

“Chúng ta đã có được tư liệu mới về cơ cấu an toàn của Cầu Thuật Toán. Cũng đến lúc kết thúc rồi chứ?”

Nhìn chung, tạm ngừng nghiên cứu là tương đối thỏa đáng. Ít nhất cũng phải thu nhỏ quy mô phát triển. Bầu không khí trong phòng họp dần nghiêng về đề xuất này không phải không có lý do.

Bất chấp sự hấp dẫn của công nghệ này, nếu không thể ứng dụng trong tương lai gần thì quân đội buộc phải từ bỏ. Đối với quân đội Đế Quốc, bất luận là ngân sách vẫn là nhân sự, đều không phải thứ để phung phí vô ích.

“Khả năng gia tăng hỏa lực rất lôi cuốn đấy. Nếu lõi tứ không được, vậy lõi kép thì sao?”

Đương nhiên đối với những người còn tiếc nuối thì khó mà dứt bỏ dự án hoàn toàn.

“Đúng thế. Đồng bộ lõi kép sẽ đơn giản hơn nhiều chứ?”

“Độ khó lúc thao tác sẽ giảm xuống.”

So với đồng bộ hóa lõi tứ, lõi kép đơn giản hơn hẳn. Trớ trêu thay, một trong những người đưa ra giải pháp này thuộc phe “duy trì tiếp tục nghiên cứu”. Song đúng là lõi kép sẽ dễ sử dụng hơn lõi tứ.

“Cho dù thế cấu tạo của nó vẫn còn quá phức tạp, hiệu suất hoạt động quá thấp là không tránh được. Đây cũng là những kết luận mà chi nhánh nghiên cứu công nghệ đưa ra.”

Nói cho cùng là cơ cấu đồng bộ hóa vẫn còn khó hiểu. Ngay cả việc cải thiện hiệu suất hoạt động cũng không được trông mong quá nhiều.

“Thà trực tiếp cầm hai viên Cầu Thuật Toán còn nhanh hơn.”

“Dùng ở tiền tuyến mà hiệu suất hoạt động quá thấp thì không cần đàm luận nữa. Xem ra công nghệ đồng bộ hóa vẫn còn quá sớm với chúng ta.”

Tạm dừng phát triển. Cuộc họp đã kết thúc với tuyên bố như vậy.

Quảng cáo
Trước /35 Sau
Theo Dõi Bình Luận
Võng Du Chi Tinh Linh Thế Kỷ - (Go: Pokemon Century

Copyright © 2022 - MTruyện.net