Khi ấy, tôi đang mang thai, người lớn tuổi trong gia đình của chồng tôi đã qua đời cả rồi.
Họ nội nhà anh ấy chỉ còn mỗi mình bà cô này, năm nay hơn 70 tuổi nhưng cơ thể vẫn rất khoẻ mạnh.
Chồng tôi đón bà ấy ta từ dưới quê lên, bảo rằng để bà giúp chăm sóc tôi.
Bà cô bên nội này của chồng tôi kể chuyện rất hay.
Từ chuyện quỷ thần cho đến yêu tinh hồ ly, những chuyện bà kể khiến tôi nghe đến mê mẩn.
Câu chuyện hôm nay là về một loại canh.
Nghe đồn, canh này có thể chữa khỏi mọi loại bệnh tật, giúp bồi bổ cơ thể và kéo dài tuổi thọ.
Thế nhưng, cách nấu thứ canh này cực kỳ ác độc, người dám uống nó nào có mấy ai.
“Bà cô ơi, thế đó là canh gì ạ?”
Câu chuyện lạ kì này thành công khơi gợi sự thích thú của tôi, tôi tò mò hỏi.
Bà cô gian xảo chớp mắt:
“Loại canh này có liên quan đến làng của bà.”
2.
Làng của bà cô chồng tôi tên là Đông Lai.
Nghe nói, thời xưa khi gặp nạn lũ lụt, có vài hộ gia đình đã chạy trốn đến dưới chân núi nọ, sau đó định cư và sinh con đẻ cái ở đó luôn.
Thời buổi loạn lạc nên người chạy nạn rất nhiều, dần dà, nơi đó hình thành nên một ngôi làng nhỏ.
Trong làng có một ông lão, ngày qua ngày cứ ho liên tục, khạc ra đờm lẫn cả máu bên trong.
Ông ta mắc bệnh mà ngày nay gọi là lao phổi, là bệnh nan y.
Ông lão đã thử qua rất nhiều vị thuốc trong vùng, uống không ít thảo dược trong núi nhưng bệnh không hề thuyên giảm.
Một lái buôn đi chu du khắp nơi đã kể cho ông ta về loại canh trường thọ này.
Đúng là khéo làm sao, con dâu của ông ta vừa mới sinh một bé gái.
Ông lão ôm cháu gái vừa chào đời, càng nhìn lại càng tham sống sợ chet, cuối cùng bất chấp tất cả mà nấu ra loại canh đó.
Nói đến cũng kỳ lạ, sau khi uống canh vào, ông ta dần dần không còn ho nữa.
Cơ thể trở nên khoẻ mạnh, mặt mày hồng hào, sống đến tận 100 tuổi.
Thế nhưng trong một lần nọ, khi ông ta lên núi săn thỏ thì không may bị sói xé xác.
3.
“Thần kỳ vậy ư!”
Tôi cực kì ngạc nhiên:
“Vậy bây giờ còn ai uống loại canh đó không ạ?”
Là một thanh niên sinh ra trong thời đại Trung Quốc mới, lớn lên dưới lá cờ đỏ, tôi thật sự không thể tin được trên đời lại có một loại canh có thể chữa bệnh, hơn nữa còn kéo dài tuổi thọ như thế.
Huống hồ, nếu trong làng có tục lệ này thì tại sao chồng tôi chưa từng kể với tôi?
Quả nhiên, bà cô chậm rãi lắc đầu.
“Không ai uống, sau khi xảy ra sự việc đó thì không ai dám uống nữa…”
Hứng thú của tôi lại được khơi lên.
Chuyện gì vậy? Chuyện gì mà có thể khiến dân làng chống lại được sự cám dỗ của việc sống lâu trăm tuổi, từ bỏ việc uống canh?
Bà cô nheo mắt, dường như tâm trí đang trở về những ngày tháng đó.
Bà ta chậm rãi kể.
4.
Ngày ấy, chính sách kế hoạch hóa gia đình đang được thực thi rất chặt chẽ.
Những khẩu hiệu “sinh ít con, trồng nhiều cây” được dán khắp nơi.
Những cán bộ trong uỷ ban kế hoạch hóa gia đình cầm loa lớn, thường xuyên đi quanh làng để tuyên truyền.
Từ thắt ống dẫn trứng cho đến ép buộc phá thai đều là điều quá đỗi quen thuộc.
Tuy nhiên, chính phủ ra chính sách nhưng người dân vẫn có thể lách luật.
Người trong làng nghĩ ra một cách: Nếu con đầu lòng là con gái thì sẽ bóp chet, khai là do khó sinh rồi tiếp tục sinh đứa thứ hai, cứ như thế cho đến khi sinh được con trai mới dừng.
Chính vì thế, xác của các bé gái bị vứt bỏ tràn lan trong núi sâu.
Thậm chí vì thế mà chúng còn không sợ người nữa, cho dù nhìn thấy đứa trẻ hẵng còn sống thì vẫn sẽ sáng mắt, nước miếng chảy ròng ròng, nhìn chằm chằm không rời.
Chính vào thời điểm đó, đột nhiên trong làng xảy ra chuyện.
Vợ của một nhà nọ bất ngờ bị ma nhập.
5.
Thời đó không có đời sống về đêm như hiện nay, nhà nhà người người đều quen ngủ sớm.
Tầm khoảng mười một giờ đêm, người đàn ông nhà nọ đột nhiên hét lớn lên một tiếng.
Người dân xung quanh nhiều chuyện, nghe thế thì nhanh chóng mặc quần áo, xỏ giày, kéo nhau chạy ra ngoài xem náo nhiệt.
Khi đến nơi, họ thấy người đàn ông nhà nọ bị đứt mất một tai, máu me đầy mặt, đang đứng la hét trong sân nhà.
Vợ anh ta đứng bên cạnh cười, trên mặt trên trán những máu là máu, trong miệng vẫn đang nhai thứ gì đó.
Người đàn ông tức giận giậm chân, càng chửi càng hung ác.
Qua tiếng chửi của anh ta, dân làng dần dần hiểu đầu đuôi câu chuyện.
6.
Hóa ra, khi người đàn ông này đang ngủ thì vợ anh ta đột nhiên la hét kêu đói, đánh thức anh ta dậy đòi ăn.
Vợ anh ta mang thai, phụ nữ mang thai thèm ăn, dễ đói là chuyện bình thường.
Ban đầu anh ta không để ý lắm, lấy cho vợ hai cái bánh rán thừa.
Ai ngờ cô vợ này ăn hết, mắc nghẹn đến mức trợn mắt mà miệng vẫn than đói không ngừng.
Người đàn ông chỉ đành đi tìm thêm đồ cho vợ ăn.
Sợ vợ mình bị nghẹn, anh ta còn bưng ra nửa nồi cháo bột ngô và một nồi bánh rán đầy, đủ để mười người ăn lận.
Vợ của anh ta cứ như quỷ đói đầu thai, nhét từng cái từng cái vào trong miệng.
Chỉ trong chớp mắt, chị ta đã ăn hết sạch đồ, ngay cả nồi cháo bột ngô cũng liếm sạch cả đáy.
Người đàn ông trừng to mắt, bắt đầu phát hiện ra điều bất thường.
Lượng thức ăn này, đừng nói là phụ nữ mang thai, đến cả thanh niên mười bảy mười tám còn chẳng ăn hết nổi.
Anh ta sửng sốt, vợ anh ta ăn xong còn cười với anh ta, miệng cứ kêu:
“Đói quá, đói quá.”
Nửa đêm canh ba, anh ta vừa kinh ngạc vừa sợ hãi, lập tức gào lên.
Nào ngờ, vợ anh ta thấy thế thì đột nhiên trở nên tức giận, nhảy vồ đến, cắn phập một cái vào tai chồng.
Anh ta hét lên một tiếng, muốn đẩy vợ ra nhưng lại sợ đụng phải bụng vợ nên không dám dùng sức.
Vợ anh ta lại chẳng hề để ý, thậm chí còn cắn xé, cắn đứt tai của anh ta mới thôi.
Chị ta ngậm cái tai của anh ta trong miệng, nhai nhóp nhép, liên tục nói:
“Ngon quá, ngon quá.”
7.
Trong làng có nhiều người lớn tuổi, họ nghe đến đây thì biết ngay là cô vợ bị ma nhập, không thể để cho con ma này quấy phá thêm nữa.
Nói là làm, dân làng bắt tay vào việc, mỗi người một tay lao tới trói người vợ lại.
Người vợ giãy giụa một lúc thì buông xuôi, nuốt cái tai xuống rồi bắt đầu gào khóc:
“Đói quá, con đói quá.”
“Đau quá, đầu đau quá, đừng cắt mà!”
“Chân đâu, chân con đâu rồi?”
Tiếng gào khóc của cô ta khiến chó trong thôn cũng bắt đầu sủa loạn lên.
Dân làng nghe một lúc lâu, cuối cùng cũng hiểu được chuyện gì đang xảy ra.
E là con gái của người đàn ông này đã quay về rồi.
8.
Hoá ra, trước đây người vợ này từng mang thai, do ngôi thai không đúng nên chân đứa trẻ ngoi ra trước.
Người chồng thấy là một bé gái thì lập tức cảm thấy không vui.
Vừa nghe bà đỡ nói đầu đứa bé bị kẹt không ra được, sản phụ đang gặp nguy hiểm thì anh ta nhẫn tâm, bảo bà đỡ dùng kéo cắt đầu đứa bé ra thành từng mảnh.
Bởi vì dùng lực quá mạnh, đứa trẻ sơ sinh bị cắt nát, biến thành một đống thịt máu me.
Người đàn ông không hề sợ hãi, tìm miếng vải bọc lại rồi ném đứa bé vào trong rừng.
Suốt đoạn đường vào rừng đó, máu chảy đầm đìa.
9.
Chuyện rõ ràng rồi thì đương nhiên sẽ dễ giải quyết hơn.
Người chồng vội vàng mời bà đồng làng bên đến.
Bà đồng nói, đứa trẻ kia chết quá thảm, oán hận sâu sắc, mượn cơ thể yếu đuối khi mang thai của người vợ để quay về báo thù.
Gia đình nhà này quỳ lạy dập đầu, cầu xin bà đồng hoá giải tai ương.
Bà đồng nhận tiền, làm cho họ một con búp bê bằng giấy.
Bà ta bảo, phải để cho đứa bé “mượn” một thi thể toàn vẹn, để trong nhà bảy ngày thì đốt đi là xong.
Thế nhưng nào ngờ, đừng nói đến bảy ngày, ngay ngày đầu tiên đã xảy ra chuyện rồi.