Cuộc đời của tôi trước khi tròn ba mươi tuổi cực kì bình thường - lúc nhỏ chỉ biết vùi đầu trong sách vở, trưởng thành rồi thì bộn bề công việc, chật vật mưu sinh. Đến khi tôi hai bảy, hai tám tuổi mới kết hôn, sinh ra Đồng Đồng vào năm ba mươi tuổi.
Năm đó, tôi bị khó sinh, thiếu chút nữa là chịu cảnh một x.á.c hai mạng. Chuyện này khiến chồng tôi rất sợ hãi, cầm tay tôi nói sau này sẽ không bao giờ để tôi phải sinh con nữa, bảo rằng anh chỉ cần mình Đồng Đồng thôi là đủ.
Bởi vì chỉ có một đứa con duy nhất, thế nên tôi và chồng dành hết tất cả mọi sự yêu thương, che chở cho con bé.
Nào ngờ, ban đầu con tôi khoẻ mạnh bao nhiêu, chưa từng bị bệnh vặt nào như cảm cúm ho khan mà đến khi tròn ba tuổi thì bắt đầu bệnh tật liên miên, không ngày nào không dùng đến thuốc, thời gian ở bệnh viện còn nhiều hơn ở nhà.
Đến khi con bé sáu tuổi, cơ thể vốn dĩ mũm mĩm phổng phao hiện giờ chỉ còn mỗi da bọc xương.
Những khi con bé quằn quại đau đớn đều sẽ ngẩng đầu lên, rụt rè hỏi tôi rằng:
“Mẹ ơi, khi nào con mới khỏi bệnh ạ?”
Tôi rưng rưng nước mắt an ủi con:
“Sẽ sớm khỏi thôi, chắc chắn sẽ sớm khỏi thôi.”
Tôi và chồng chạy từ Nam ra Bắc để khám bệnh cho Đồng Đồng, tìm đủ mọi cách nhưng kết quả vẫn chẳng mấy lạc quan, thậm chí cơ thể của con bé còn càng ngày càng suy nhược hơn.
Bất đắc dĩ, tôi chỉ có thể đưa con bé đi tìm dì Ba đang tu hành của tôi.
Dì Ba vừa nhìn thấy Đồng Đồng thì lập tức vỗ đùi nói:
“Đứa trẻ này bị người ta hại thành kẻ thế mạng rồi. Đúng là đáng chet, không có lương tâm mà!”
“Nhanh thì nửa năm, chậm thì một, hai năm nữa, con bé sẽ qua đời vì bệnh tật, đến khi đó không còn cách nào cứu vãn nổi đâu.”
Tôi “phịch” một cái, quỳ xuống trước mặt dì Ba, cầu xin dì ấy cứu Đồng Đồng.
Bà ấy vội vàng nâng tôi dậy, nói:
“Loại chuyện táng tận lương tâm này, cho dù con không nhờ thì dì vẫn sẽ giúp! Hơn nữa, dì với mẹ con còn là chị em ruột mà.”
2.
“Con xử lý quần áo của Đồng Đồng khi con bé chưa ba tuổi thế nào?”
Dì Ba đợi tôi bình tĩnh, ổn định tâm trạng xong mới hỏi.
“Con cho người khác một ít, số còn lại thì giặt sạch sẽ rồi đem đi từ thiện, không hề vứt lung tung.”
Tôi nghẹn ngào trả lời.
“Con cho ai?”
“Con của bạn thân con nhỏ hơn Đồng Đồng một tuổi, vậy nên con đã cho cô ấy mấy bộ. Mẹ chồng của con cũng lấy mấy bộ ra để làm giẻ lau.”
Tôi nghĩ ngợi một chút rồi nói tiếp:
“Chị Trần - bảo mẫu nhà con khen Đồng Đồng, sau đó cũng lấy hai bộ mang về tặng cho họ hàng.”
Lấy quần áo cũ mặc cho trẻ mới sinh là một phong tục ở nơi tôi sống.
Những bộ quần áo cũ này phải là của một đứa trẻ ngoan ngoãn đáng yêu, thông minh khoẻ mạnh. Nghe nói, mặc quần áo cũ đó thì đứa trẻ mới sinh ra sẽ khoẻ mạnh như thế.
Thậm chí có những gia đình vì muốn cho đứa bé có thể khoẻ mạnh, bình an nên đã xin rất nhiều quần áo cũ của con nhà khác, may chúng với nhau tạo thành một bộ “quần áo trăm nhà.” Nghe nói, hiệu quả khi mặc bộ “quần áo trăm nhà” sẽ tốt hơn mặc những bộ quần áo riêng lẻ khác.
Trước đây tôi cũng cho Đồng Đồng mặc quần áo cũ của những đứa trẻ khác, sau khi con bé mặc chật thì lại đem cho.
“Dì Ba, có chuyện gì không ổn sao?”
Tôi bất an hỏi dì.
“Thật ra, điều kiện để làm chuyện này cực kì khắt khe. Đầu tiên, phải biết chính xác ngày sinh tháng đẻ của đứa trẻ, hơn nữa ngày sinh tháng đẻ đó phải thật sự phù hợp thì mới có thể giúp ngăn cản tai hoạ.”
“Thứ hai, khi lấy được quần áo cũ của đứa trẻ, người kia phải mặc nó ít nhất ba tháng, mặc cho đến khi hai mùi cơ thể hoà vào làm một, không thể phân biệt với nhau thì mới thật sự hoàn thành.”
“Thứ ba, cần phải lấy được tóc, móng tay, nước bọt và các vật thừa cả trong lẫn ngoài cơ thể của Đồng Đồng, đốt thành tro rồi uống vào, sau đó mang quần áo cũ của nhà con đem đi đốt, chuyển vận xui sang nhà con. Làm xong toàn bộ quá trình đó mới xem như xong xuôi.”
Tôi nghe như sét đánh ngang tai, đầu óc trống rỗng, cứ thế đứng đờ ra tại chỗ.
Không chỉ biết ngày sinh tháng đẻ của Đồng Đồng mà còn có thể tiếp xúc với con bé, lấy được quần áo, tóc, móng tay, nước bọt của con bé thì chắc chắn phải là người thân cận, thường xuyên đến nhà.
Nhưng mà, ai lại nhẫn tâm đến vậy, nhẫn tâm làm hại một đứa trẻ chứ?
“Con đừng hoảng, ngồi xuống suy nghĩ kỹ xem, ai là người có khả năng lấy được những thứ này nhất?”
Dì Ba nhẹ nhàng vỗ vai tôi, đưa cho tôi một chén nước ấm.
Hai tay tôi run rẩy cầm cái chén, cả người lạnh lẽo, không biết là do sợ hãi hay tức giận.
Người đó hại con gái tôi mất nửa cái mạng, vậy mà tôi lại không biết đối phương là ai, càng không biết con gái mình đã trở thành kẻ thế mạng cho họ từ khi nào!
Ý đồ nham hiểm và âm mưu ác độc đó, khiến cho người ta không rét mà run.
4.
Theo lời của dì Ba, việc Đồng Đồng biến thành kẻ thế mạng không phải là chuyện mới xảy ra.
Căn cứ theo thời gian, chuyện đó có lẽ đã bắt đầu vào lúc Đồng Đồng hai tuổi rưỡi, trước khi Đồng Đồng đi nhà trẻ.
Đương nhiên, cũng có thể là sớm hơn nữa!
Khoảng thời gian đó chỉ có ba người có thể tiếp xúc với Đồng Đồng: Chị Trần bảo mẫu, mẹ chồng tôi và bạn thân tôi, Tiết Tiêu.
Họ đều từng một mình chăm sóc Đồng Đồng.
Bà nội của Đồng Đồng đương nhiên sẽ không làm hại cháu gái ruột của mình, cho nên loại trừ luôn khả năng bà ấy là thủ phạm.
Chỉ còn lại hai đối tượng là chị Trần bảo mẫu và bạn thân của tôi - Tiết Tiêu.
Nhưng mà, chị Trần bảo mẫu là người thành thật, không giống người có thể làm ra loại việc nham hiểm như thế.
Chị ấy cực kì yêu thương Đồng Đồng, chăm sóc Đồng Đồng giống như con gái ruột của mình vậy.
Tôi nhớ, khi Đồng Đồng đầy tháng, con bé bị hăm tã, cứ đi tiểu sẽ khóc oa oa khiến cho chị Trần đau lòng đến chảy nước mắt, vừa ôm Đồng Đồng vỗ về, vừa tự trách bản thân.
“Đều tại dì, tại dì không rửa cho Đồng Đồng, thay tã muộn khiến Đồng Đồng chịu khổ rồi. Dì xin lỗi, là dì không tốt.”
Sau khi Đồng Đồng ngủ say, chị ấy lập tức đun nước kim ngân để nguội, đợi sau khi con bé đi đại tiện hay tiểu tiện xong sẽ rửa mông cho nó.
Sau khi rửa sạch, chị Trần cẩn thận dùng khăn mặt lau khô, xoa phấn rôm lên người con bé. Cả quá trình đó cực kì cẩn thận, thực sự rất kiên nhẫn.
Dưới sự chăm sóc của chị Trần, Đồng Đồng khỏi rất nhanh. Kể từ đó, con bé không bị hăm tã lần nào nữa.
Về tiền lương, vợ chồng tôi chưa bao giờ bạc đãi chị Trần, những ngày lễ ngày Tết chúng tôi đều tặng lì xì cho chị ấy. Mấy năm nay, chúng tôi chưa bao giờ cãi vã, càng chưa từng giận nhau chuyện gì. Vậy nên, tôi cảm thấy chị Trần không thể làm hại Đồng Đồng được.
Còn về bạn thân của tôi, Tiết Tiêu, chúng tôi quen nhau từ khi còn mặc tã nên tôi biết rất rõ.
Khi còn học đại học, tôi bị viêm dạ dày, thượng thổ hạ tả, chính Tiết Tiêu là người đưa tôi đi khám, chạy đôn chạy đáo, thậm chí còn thuê một gian bếp ở tiệm cơm bên ngoài nấu cho tôi một bát cháo.
Sau khi tốt nghiệp hai năm, cô ấy muốn mua nhà ở thủ đô nhưng vẫn thiếu mười vạn nên hỏi vay tiền tôi, tôi không nói hai lời, lập tức gửi cho cô ấy ngay. Lần đó cô ấy còn ôm tôi khóc, nói chúng tôi nhất định sẽ làm bạn tốt của nhau cả đời.
Sau khi tôi sinh Đồng Đồng, cô ấy nhận Đồng Đồng làm con gái nuôi, đối xử với Đồng Đồng còn thân hơn con ruột của mình.
Mấy năm nay, chúng tôi vẫn luôn giúp đỡ nhau, vẫn luôn thân thiết không khác gì chị em ruột thịt.
“Nhà này chắc chắn có người ốm, có lẽ là người lớn, cũng có thể là trẻ con. Trước đây người đó bệnh rất nặng, thế nhưng hai, ba năm gần đây thì bệnh tình dần tốt lên.”
Dì Ba thấy tôi bối rối, nhẹ nhàng nhắc nhở tôi.
“Nếu là người lớn thì mặc quần áo của Đồng Đồng kiểu gì ạ?”
Tôi không nhịn được hỏi.
“Chuyện này đơn giản thôi, có thể lấy mấy bộ quần áo của con bé rồi khâu lại, sau đó mặc vào là xong.”
“Con cứ suy nghĩ kĩ xem, xem xem có ai đáng nghi không, sau đó chúng ta sẽ tìm cách xác thực.”
Có, hơn nữa không chỉ có một người.
Bạn thân Tiết Tiêu của tôi có con trai nhưng tôi không thấy đứa bé có bệnh gì cả, hai vợ chồng họ rất khoẻ khoẻ mạnh, tạm thời có thể loại trừ.
“Sức khoẻ của chồng chị Trần không tốt lắm, con gái bị bệnh tr.ầ.m cảm, thường xuyên tự h.ạ.i bản thân, trong nhà không có ai là khoẻ mạnh cả. Nhưng từ khi Đồng Đồng đi nhà trẻ thì chị Trần không làm ở nhà con nữa, hai bên cũng không liên lạc nhiều. Có lẽ con phải đến nhà chị ấy xem thử xem sao.”
“Mẹ chồng con bị bệnh tiểu đường, bố chồng con bị cao huyết áp, nhưng mà hai người họ chắc sẽ không đến mức vì bản thân mà hại chính cháu gái ruột của mình chứ?”
“Con quay về xem thử đi. Người mà Đồng Đồng cản tai ương cho, bởi vì hấp thụ phúc khí của người khác nên sắc mặt sẽ hồng hào khoẻ mạnh, không thể che giấu được đâu.”
Tôi gật đầu, thất thần dẫn con gái trở về nhà.
Bởi vì chồng tôi không tin mấy chuyện này, nên tôi chỉ nói là đi thăm dì Ba, chưa nói chi tiết với anh ấy.
Ngày hôm sau, đưa con gái đến nhà trẻ xong, tôi mua một ít hoa quả đến thăm chị Trần.
Đã nhiều năm không qua lại nên tôi không biết chị ấy có chuyển nhà không.
Tôi cố gắng hít sâu, điều chỉnh tâm tình xong mới ấn chuông cửa.
Hôm đó trời nhiều mây, sắc trời ảm đạm âm u.
Sau khi chuông cửa vang lên năm sáu tiếng, tôi nghe thấy tiếng bước chân vọng ra, cánh cửa “két” một tiếng rồi mở toang.
Đập vào mắt tôi là một khuôn mặt tái nhợt, tôi sợ tới mức lùi về sau hai bước, “A” một tiếng.
“Xin hỏi, cô tìm ai?”
Người này chắc là chồng của chị Trần, chỉ mới mấy năm không gặp mà bây giờ lại trông tàn tạ thế này.
“Tôi, tôi tìm chị Trần.”
Tôi sửng sốt mấy giây mới phản ứng lại, nhanh chóng giới thiệu bản thân.
“Mời vào, trong nhà hơi bừa bộn, cô cẩn thận một chút nhé.”
Chồng chị Trần vừa dẫn tôi vào nhà, vừa gọi chị Trần ra.
Căn phòng nhỏ hẹp nhưng cực kì bừa bãi, giống như một bãi chiến trường vậy.
Chị Trần từ trong phòng đi ra, nhìn thấy tôi thì hai mắt đỏ lên.
“Cô giáo Lâm, sao cô lại đến đây? Nhà cửa lộn xộn quá, khiến cô chê cười rồi.”
Chị Trần vẫn luôn cho rằng bản thân không có văn hoá nên rất kính trọng những người tốt nghiệp thạc sĩ như tôi.
Tôi bước lên phía trước, đỡ lấy chị Trần.
“Chị bị làm sao thế?”
“Haizz… đừng nói nữa. Chị đi xe điện giao đồ ăn, không cẩn thận nên bị ngã nứt xương đùi, mấy hôm nay ở nhà dưỡng thương, không làm được gì cả.”
Chị Trần vừa nói vừa rưng rưng nước mắt.
“Con gái chị đâu?”
Tôi nhìn xung quanh, bình tĩnh đánh giá căn phòng, cố gắng tìm ra những điểm khả nghi.
“Con bé c.ắ.t cổ tay, mất m.á.u quá nhiều nên đang trong tình trạng nguy kịch, vẫn chưa tỉnh lại.”
Cuối cùng chị Trần không kiềm chế được nữa, cầm tay tôi khóc nấc lên.
Tôi định đến viện thăm con gái chị Trần một chút, thế nhưng cô bé đang trong tình trạng nguy kịch, có đến cũng không gặp được, nếu khăng khăng muốn đến thì có vẻ hơi giả tạo.
Nghĩ vậy, tôi đành an ủi chị Trần mấy câu, đưa cho chị ba nghìn tệ.
Mấy năm nay vì khám bệnh cho Đồng Đồng mà kinh tế nhà tôi eo hẹp hơn hẳn, tuy rằng không nhiều nhưng số tiền này vẫn là tấm lòng của tôi.
Chị Trần từ chối rất lâu, cuối cùng mới miễn cưỡng nhận lấy.