Khi tôi sáu tuổi, mẹ dẫn tôi vào đoàn kịch nhưng chủ gánh hát không đồng ý thu nhận tôi, vì vậy mẹ đã quỳ trong tuyết suốt một ngày một đêm.
Cuối cùng, bà ch/ế/t vì lạnh dưới trời băng đất tuyết, chủ gánh hát thấy tôi đáng thương mới chịu nhận tôi vào ngành này.
Sau khi thu xếp xong hài cốt của mẹ, chủ gánh hát nói việc đầu tiên cần làm khi bắt đầu vào nghề là muốn tôi ghi nhớ những điều cấm kỵ, khắc sâu chúng vào trong tim.
Ông ta nói, càng vào lúc rối ren loạn lạc thì đoàn kịch lại càng có nhiều diễn viên nổi tiếng, nhưng dù diễn viên có nổi tiếng đến đâu thì cũng đều xuất phát từ Thanh Y.
Lúc đó, tôi còn quá nhỏ để hiểu ý của chủ gánh hát, chủ gánh hát suy nghĩ một lúc rồi nói rằng, nếu như gặp được Thanh Y thì hãy nhớ mọi việc phải nghe theo người đó.
Tôi ghi nhớ kỹ điều này trong lòng, nhưng không phải vì ý ban đầu ông ta nói, mà từ tận đáy lòng tôi cảm thấy Thanh Y mới là tương lai của đoàn kịch.
Sau hai năm tập luyện Đồng Tử Công*, tôi cũng tận mắt nhìn thấy sự oai phong của Thanh Y.
(*Đồng Tử Công: là bài võ cổ truyền Thiếu Lâm tự.)
Ngay cả chủ gánh hát cũng phải kính cẩn lễ phép khi nhìn thấy người được gọi là Mai tiên sinh diễn vai Thanh Y.
Khoản tiền trả hàng tháng cho mỗi buổi biểu diễn thậm chí còn nhiều hơn cả những diễn viên kịch trụ cột của Mai Viên.
Xưa nay Mai tiên sinh không đi ra ngoài mà chỉ ở trong phòng.
Có lần tôi ghé lại gần để lắng nghe âm thanh trong phòng, ngoài Mai tiên sinh ra còn có vài cô gái.
Mấy cô gái thì thầm khe khẽ, Mai tiên sinh ngân nga vở “Bá Vương Biệt Cơ”.
Tôi đang nghe say sưa thì sư huynh Tiểu Thạch Đầu, lớn hơn tôi hai tuổi, bất ngờ vỗ vào vai tôi một cái.
“Tiểu Trụ Tử, cậu muốn ch/ế/t à, còn dám nghe trộm vở kịch của Mai tiên sinh.”
“Nếu bị bắt, chủ gánh hát sẽ đánh gãy hai chân cậu để Mai tiên sinh bớt giận.”
Tôi tức giận bất bình cãi lại, nói rằng tại sao anh ấy có thể học trộm vai Hoa Kiểm* của Lưu tiên sinh, mà tôi thì lại không thể nghe Thanh Y của Mai tiên sinh.
(Hoa Kiểm: vai diễn trong kinh kịch, thường là vai nam hào kiệt, đặc trưng nổi bật là phải vẽ nhiều màu trên mặt.)
Tiểu Thạch Đầu bí mật nói với tôi rằng Thanh Y của Mai tiên sinh không hát cho người sống nghe.
Nếu ngày hôm nay tôi nghe hát, thì ngày mai nhất định sẽ ch/ế/t bất đắc kỳ tử, đến cả thần tiên cũng không cứu nổi.
Tôi giật mình, vội vã né khỏi cửa phòng Mai tiên sinh, nhưng hai câu hát của Mai tiên sinh vẫn còn đọng lại trong tâm trí tôi.
Giọng hát trong trẻo cùng những ca từ đẹp đẽ đó khiến tôi như mất hồn ngay cả khi về đến phòng.
Tôi không biết là ai nói cho chủ gánh hát biết tôi đã đứng trước cửa phòng Mai tiên sinh, ông ấy hung dữ lấy roi, đánh tôi một trận ra trò.
Đánh cho đến khi mông tôi nát be bét, sắp tắt thở đến nơi thì mới có người bên cạnh cản lại.
Mai tiên sinh cũng đến gặp tôi, nhìn lên nhìn xuống vài lần rồi rời đi, chẳng nói chẳng rằng.
Vài ngày sau, Mai tiên sinh qua đời trong phòng của mình, da của ông ấy bị lột sạch, trông rất kinh khủng.
Chủ gánh hát mời một đạo sĩ đến làm phép, đoàn kịch đóng cửa suốt nhiều ngày liền.
Những học trò khác đều được đưa về quê, chỉ mình tôi ở lại cùng chủ gánh hát.
Chủ gánh hát để tôi quỳ lạy Mai tiên sinh, sau đó dâng mười hai nén nhang, để tôi canh gác một mình vào ban đêm.
Ba ngày sau, những học trò của đoàn kịch mới lần lượt trở lại, đoàn kịch cũng chính thức bắt đầu mở cửa.
Chỉ là vai diễn Thanh Y của đoàn kịch đã đổi sang người khác, vị này còn khôi ngô tuấn tú hơn cả Mai tiên sinh, gọi là Tô tiên sinh.
Ông ấy bước đi giống phụ nữ, tư thế giống phụ nữ, ngay cả nói chuyện cũng rất giống phụ nữ:
“Từ nay trở đi, mong mọi người sẽ đối xử tốt với nô gia*.”
(*Nô gia: lời tự xưng của phụ nữ ngày xưa.)
2.
Trong hai năm đầu tiên ở đoàn kịch, tôi đã luyện tập các kỹ năng cơ bản, chủ yếu là về cơ và xương, đợi qua hai năm mới được học hí khúc.
Mỗi ngày các học trò đều phục vụ các diễn viên ưu tú trên sân khấu, nhưng thực tế thì không được phân chia thấu đáo như vậy, rất nhiều người sẽ lén lút xem trộm các thầy diễn.
Sư huynh Tiểu Thạch Đầu nhận được sự khen ngợi của Lưu tiên sinh diễn vai Hoa Kiểm, bình thường tập luyện xong có thể ở trong sân nhà Lưu tiên sinh.
Rất nhiều người nói rằng Hoa Kiểm tiếp theo của đoàn kịch chính là Tiểu Thạch Đầu, trong tương lai anh ấy cũng sẽ là một diễn viên nổi danh.
Trong suốt hai năm tập luyện, Tiểu Thạch Đầu là người đối xử tốt nhất với tôi, luôn hỏi tôi muốn học gì sau khi phân khoa.
Tôi do dự rất lâu mới nói với anh ấy rằng có thể tôi sẽ học Hoa Đán*.
(*Hoa Đán: các vai nữ trẻ trung (độ tuổi thanh niên) có tính cách hoạt bát, xởi lởi hoặc phóng đãng.)
Chỉ là trong lòng tôi vẫn nghĩ đến vai diễn Thanh Y, từ ngày bước vào đoàn kịch tôi đã nghe rằng Thanh Y rất giỏi.
Tôi không biết người khác nghĩ như thế nào, nhưng tôi có một niềm yêu thích đặc biệt đối với Thanh Y.
Nhưng Thanh Y là điều kiêng kỵ ở đoàn kịch, vì vậy tôi chỉ có thể lấy lùi làm tiến, lựa chọn vai diễn Hoa Đán gần giống Thanh Y.
Tiểu Thạch Đầu giúp tôi cầu xin Lưu tiên sinh, để Lưu tiên sinh nói vài lời tốt đẹp với Hứa tiên sinh diễn vai Hoa Đán, đến lúc đó ông ấy sẽ đưa tôi về dưới trướng mình.
Mặc dù Hoa Kiểm và Thanh Y là một cặp, nhưng có một số vở kịch, Hoa Đán và Hoa Kiểm cũng có thể hát chung.
Tiểu Thạch Đầu muốn sau này khi anh trở thành diễn viên nổi tiếng sẽ nâng đỡ tôi, tôi nhớ kỹ tấm lòng ấy.
Hứa tiên sinh không keo kiệt, mỗi khi tập luyện xong sẽ dẫn tôi đến sân nhỏ của ông ấy rồi hát vài vở kịch Hoa Đán cho tôi nghe.
Tôi khắc ghi các bài học trong lòng, học dáng đi và điệu bộ của Hứa tiên sinh.
Chỉ có một điều là, tôi không được phép cất tiếng trước khi vào khoa.
Khi giảng dạy, Hứa tiên sinh luôn nói:
“Tiểu Trụ Tử, con phải nghe lời ta, thứ phải chú trọng khi diễn vai Hoa Đán chính là một chữ đẹp.”
“Đợi đến ngày con được nhận vào khoa, khi cất tiếng phải có dáng vẻ xinh đẹp, không được phàn nàn ai oán.”
“Nếu để ta nghe thấy, ta nhất định sẽ đánh rồi phạt con quỳ.”
Tôi vội vàng gật đầu, nhớ kỹ những lời của Hứa tiên sinh trong lòng.
Thực ra tôi cũng hiểu được sự khác biệt lớn nhất giữa Hoa Đán và Thanh Y chính là giọng điệu này, phàn nàn ai oán sẽ trở thành Thanh Y và phạm vào điều cấm kỵ.
Hai năm trôi qua nhanh như một cơn gió, đến ngày chọn khoa các học trò đều lộ ra vẻ lo lắng.
Ngay cả Tiểu Thạch Đầu cũng đứng ngay ngắn chỉnh tề, chờ chủ gánh hát và các thầy vào chỗ.
Chủ gánh hát ngồi ở chính giữa, những người khác ngồi thành hai hàng, nhưng vị trí bên cạnh chủ gánh hát vẫn luôn để trống như vậy.
Tất cả các học trò đều quỳ trên mặt đất chờ chủ gánh hát lên tiếng, nhưng đợi rất lâu sau mới đợi được Tô tiên sinh diễn vai Thanh Y.
Ông ấy nhàn nhã đi tới ngồi bên cạnh chủ gánh hát, ngón tay yểu điệu, nhẹ nhàng cầm tách trà lên nhấp một ngụm.
Khi uống trà, ngay cả yết hầu của ông ấy cũng không thấy lăn, nếu không biết trong đoàn kịch không có phụ nữ thì e rằng chẳng ai nghĩ đây là đàn ông.
Sau khi chủ gánh hát và các thầy dẫn các học trò đến thể hiện tài năng với sư tổ, từng học trò một lần lượt cất tiếng.
Họ không yêu cầu chúng tôi hát đúng lời, chỉ nghe xem âm giọng đó phù hợp với yêu cầu của môn học nào.
Tiểu Thạch Đầu hiển nhiên tiến vào cửa Hoa Kiểm của Lưu tiên sinh, những người khác cũng có sự lựa chọn của riêng mình.
Cuối cùng, tôi là người duy nhất còn lại trong đoàn kịch vẫn chưa cất tiếng.
Hứa tiên sinh cho tôi một cái nhìn khích lệ, tôi chậm rãi cất tiếng.
Nhưng ngay khi tôi cất lời, chủ gánh hát và các thầy đều đứng bật dậy, chỉ còn Tô tiên sinh vẫn đang ngồi yên ổn trên ghế.
Chỉ bởi vì ngay khi tôi mở miệng, giọng hát và cường điệu ấy rất giống Mai tiên sinh đã qua đời, phàn nàn ai oán, rung động lòng người.
Hứa tiên sinh im lặng một lúc lâu rồi mới thốt lên một câu:
“Thằng nhóc này chắc là hát nhầm rồi, hay là cho nó hát lại lần nữa?”
Không một ai trả lời, một lúc lâu sau Tô tiên sinh mới chậm rãi lên tiếng:
“Trong lòng mọi người đều biết rõ rồi, cho nên nô gia không cần nói thêm gì nữa.”
Tô tiên sinh làm một cử chỉ, duỗi bàn tay ngọc mảnh mai của mình ra rồi dùng một ngón tay nâng cằm tôi lên:
“Con, từ giờ trở đi con sẽ là người của ta.”
“Con phải biết rằng trong tất cả cái khổ của đoàn kịch, thì khổ nhất chính là Thanh Y.”
Khi nói lời này, ánh mắt của Tô tiên sinh tràn đầy oán hận và tàn nhẫn, khi ông ấy liếc nhìn thì ngay cả chủ gánh hát cũng phải cúi thấp đầu…
3.
Kể từ khi tôi gia nhập vào khoa của Tô tiên sinh, địa vị của tôi trong đoàn kịch tăng lên không ít.
Không chỉ bình thường được dùng bữa với Tô tiên sinh, mà những vị tiên sinh khác cũng không dám đánh đập la mắng tôi, ngay cả chủ gánh hát cũng đối xử với tôi rất khách khí.
Tô tiên sinh rất tốt với tôi, luôn nói rằng nếu đã vào khoa của ông thì chính là con của ông ấy.
Vào ngày đầu tiên bước vào cửa, ông ấy đưa cho tôi một chiếc khóa trường mệnh, tuy không to nhưng nó làm bằng vàng nguyên chất.
Tô tiên sinh muốn tôi nhớ kỹ, thầy giáo tặng cho học trò một chiếc khóa trường mệnh là quy tắc của môn học Thanh Y.
Nếu như hồn bay phách lạc mà có một miếng vàng sẽ không sao cả, nhưng phải đảm bảo trên khóa trường thọ có tám chữ:
“Chịu oan thay người, tận tình công chính.”
Còn về việc người đó là ai thì không rõ, Tô tiên sinh chỉ nói đợi tôi xuất sư sẽ hiểu.
Môn học đầu tiên của Thanh Y dễ hơn nhiều so với các môn học khác, Tô tiên sinh chẳng dạy gì nhiều.
Khi những học trò cùng nhập học kia so bì lẫn nhau thì tôi chẳng thể nói gì cả.
Họ cười nhạo tôi vì cho rằng tôi đi theo một người thầy không quan tâm đến mình, rằng ngày tháng về sau của tôi nhất định sẽ khó khăn.
Họ nói đến lúc ấy, tôi thậm chí sẽ chẳng còn cơ hội ở lại đoàn kịch nữa.
Khi chủ gánh hát nghe thấy những lời này, ông ấy treo bọn họ lên mà đánh, sau khi đánh xong còn gọi các vị tiên sinh đến.
Tô tiên sinh từ tốn nói một câu:
“Chỉ là trò đùa của trẻ con mà thôi, không cần tưởng thật.”
Rồi cứ thế rời đi.
Kể từ đó, không một ai trong đoàn kịch dám nói Tô tiên sinh không thương tôi nữa.
Thế hệ này bắt đầu giống như thế hệ trước, bắt đầu tôn trọng tôi - Thanh Y trong tương lai.
Tôi tức giận với Tô tiên sinh vì điều này, nhưng Tô tiên sinh lại nói:
“Thanh Y không phải muốn học là được, mà phải nhìn vào thiên phú.”
“Từ ngày mà con mở miệng hát giai điệu của Thanh Y thì con đã là người của Thanh Y rồi.”
Khi Tô tiên sinh bắt đầu dạy tôi hát, ông ấy lôi ra một đống cuộn giấy cổ từ đáy hộp, các trang sách đã ố vàng và bị sâu mọt làm hư hại.
Một lúc lâu sau, ông tìm thấy một tập “Bá Vương Biệt Cơ” từ phía dưới cùng rồi đưa nó cho tôi.
Ông ấy nhìn tôi từ trên xuống dưới, ánh mắt hớp hồn, nhưng sau một tiếng thở dài, ánh mắt ấy lại trở nên ai oán:
“Tiểu Trụ Tử, con nghe đây, vai diễn Thanh Y của chúng ta phải học cả đời mới có thể diễn ra được.”
“Con có duyên với “Bá Vương Biệt Cơ”, về sau chỉ được phép hát vở này.”
“Nếu con thay đổi mà hát vở khác, thì đến cả thần tiên cũng không cứu nổi con.”
Tô tiên sinh chỉ yêu cầu tôi học thuộc lời bài hát “Bá Vương Biệt Cơ”, còn hát như thế nào thì tùy tôi.
Ông ấy không dạy tôi hát như thế nào, nhưng ông ấy vẫn nghiêm khắc mài giũa các kỹ năng cơ bản của tôi.
Những người khác luyện giọng mỗi ngày một lần, phần còn lại thì học thanh nhạc, nhưng chỉ mình tôi luyện giọng ba lần một ngày.
Ngày tháng cứ trôi đi, cổ họng tôi dần trở nên khàn khàn.
Tô tiên sinh đưa cho tôi một loại trà đặc biệt, đó là một loại thuốc bổ gia truyền của phái Thanh Y.
Ngày qua ngày, cổ họng thấm đẫm nước trà, giọng nói của tôi bắt đầu biến đổi.
Ban đầu là một cậu bé, từ từ thay đổi giọng nói thành một người phụ nữ, khi cất giọng lên nghe rất mềm mại, giống y như Tô tiên sinh.
Vài tháng sau, khi tôi đưa tay chạm vào cổ họng mình thì bất ngờ phát hiện yết hầu của mình đã biến mất.
Chẳng trách khi Tô tiên sinh uống trà thì tôi không nhìn thấy yết hầu ông ấy chuyển động.
Nhưng không phải ai cũng có thể uống loại trà này, nếu để người khác uống vào sẽ xảy ra chuyện lớn.
Khi Tiểu Thạch Đầu tập luyện xong đến gặp tôi, anh ấy uống nhầm trà của tôi nên đêm đó sốt cao liên miên.
Lưu tiên sinh biết Tiểu Thạch Đầu uống nhầm trà của tôi, nửa đêm quỳ gối bên ngoài cửa nhà Tô tiên sinh, cầu xin Tô tiên sinh cứu mạng.
Tô tiên sinh chỉ lạnh lùng liếc nhìn Lưu tiên sinh, hồi lâu sau mới hỏi một câu:
“Tiểu Thạch Đầu đã từng học “Bá Vương Biệt Cơ” chưa?”