Saved Font
  1. mTruyen.net
  2. Bến Xe
  3. Chương 1-2
Trước /10 Sau

Bến Xe

Chương 1-2

Màu Nền
Màu Chữ
Font Chữ
Cỡ Chữ
Style Combo

Chương 1

Liễu Địch lại đứng trước cánh cửa văn phòng đó.

Vừa qua mười hai giờ trưa, cả tòa nhà vắng vẻ tĩnh mịch, chỉ có tiếng ve sầu kêu râm ran không biết mệt mỏi trên cây cối bên ngoài sân trường. Liễu Địch lau mồ hôi trên trán, điều hòa hơi thở dồn dập do chạy một mạch tới đây. Cô giơ tay, gõ nhẹ lên cánh cửa hai tiếng.

“Mời vào.” Bên trong vọng ra thanh âm trầm thấp, tuy lịch sự nhưng không kém phần lạnh nhạt. Liễu Địch đẩy cửa đi vào phòng.

Đây là một văn phòng làm việc đơn giản như không thể đơn giản hơn. Trong phòng chỉ có một cái bàn làm việc, hai chiếc ghế đặt đối diện nhau. Trên bàn có một bình giữ nhiệt vỏ ngoài bằng sắt, hai tách trà sứ màu trắng, một cặp da đen, một lọ mực đỏ cắm chiếc bút mực. Ngoài ra, trên bàn còn có đống vở bài tập xếp ngay ngắn.

Trên chiếc ghế tựa vào cửa sổ có một người đàn ông đang ngồi. Anh mặc bộ đồ đơn giản, áo sơ mi trắng, quần đen, vừa gọn gàng sạch sẽ vừa cứng nhắc, giống hệt văn phòng của anh.

Thần sắc người đàn ông nhợt nhạt, vậy mà trên gương mặt đó còn đeo một cặp kính đen cỡ lớn, tựa hồ một chiếc đầu lâu được khảm hai hốc mắt đen sì, mang lại cảm giác u ám đáng sợ.

Một điều kỳ lạ là người đàn ông ngồi ngược ánh sáng, khiến gương mặt anh càng trở nên tăm tối. Anh giống một xác chết biết đi, khiến người đối diện có cảm giác lạnh lẽo và rờn rợn. Căn phòng này cũng trầm lặng giống như chủ nhân của nó. Thứ có sinh khí duy nhất là chậu hoa nhài trên thành cửa sổ. Lúc này, nó đã nở không ít nụ hoa trắng muốt, theo làn gió nhè nhẹ, tỏa hương thơm thấm vào lòng người.

Thầy giáo chỉ tay vào chiếc ghế đối diện. Liễu Địch liền đi đến ngồi xuống. Cô lấy quyển vở đầu tiên trong đống vở bài tập ở trên bàn một cách thành thạo. Sau đó cô hắng giọng, bắt đầu đọc to:

”<phụ thân=””>, lưng của người lại còng rồi…”

“Dừng.” Thầy giáo quả quyết ngắt lời Liễu Địch: “Đổi chữ “lại” thành chữ “càng”. Liễu Địch cầm bút sửa lại, cô đã có thói quen phục tùng thầy giáo từ lâu. Thầy giáo có sự nhạy cảm đến mức cực đoan đối với chữ nghĩa. Điều này khiến Liễu Địch hết sức tâm phục khẩu phục.

Sửa xong, Liễu Địch lại đọc tiếp…

Sau khi đọc xong bài văn, thầy giáo trầm tư một lát rồi lên tiếng: “Em hãy viết nhận xét: Nếu câu từ không chuẩn xác, không trang nhã, chẳng khác nào quần chưa kéo khóa đã lên sân khấu biểu diễn.”

Liễu Địch đỏ mặt, nhưng cô vẫn viết câu đó. Cô biết rõ phong cách phê bình của người thầy giáo trước mặt, chỉ một hai câu ngắn gọn, nhưng như một con dao sắc nhọn, cắm sâu vào chỗ hiểm một cách quả quyết và chuẩn xác, khiến bạn rất đau đớn, đồng thời có tác dụng giúp bạn tìm kiếm điều gì đó trong nỗi đau.

Liễu Địch vẫn còn nhớ cảnh tượng lần đầu tiên thầy giáo nhận xét bài văn của cả lớp. Lúc phát vở bài tập, gần như toàn bộ học sinh trong lớp bị đả kích nặng nề bởi những lời nhận xét chỉ có khuyết điểm, không có ưu điểm của thầy. Có người òa khóc ngay tại chỗ, có người chửi ầm lên. Thầy giáo chỉ yên lặng đứng trên bục giảng, coi như tai điếc. Kể từ giây phút đó, mỗi lần làm văn, các bạn học đều hết sức cẩn thận, dè dặt trong việc chọn đề tài và cấu tứ. Bọn họ cũng thận trọng đặt câu, chỉ sợ lại bị thầy nhận xét cay nghiệt. Vậy mà cả lớp vẫn bị phê bình, mức độ phê bình ngày càng nâng cấp. Trong sự đả kích hết lần này đến lần khác đó, các bạn học dần dần phát hiện, trình độ làm văn của mình đang tiến bộ nhanh chóng.

Liễu Địch là học sinh duy nhất chưa từng bị thầy phê bình. Bài văn của cô cũng không có nhận xét, mà chỉ có số điểm, điểm cao nhất lớp. Mặc dù lúc chấm điểm, thầy không bao giờ hỏi tác giả của bài văn, Liễu Địch cũng không bao giờ tiết lộ tên cô, nhưng khi bình giảng văn học, thầy luôn nói: “Liễu Địch, em hãy đọc bài văn của em cho cả lớp nghe.”

Viết xong, Liễu Địch lại cầm quyển vở thứ hai…

Lúc này bên ngoài cửa sổ, tiếng huyên náo dần thay thế tiếng ve kêu. Phê xong quyển bài tập thứ mười, Liễu Địch nhìn đồng hồ đeo tay, một giờ hai mươi lăm phút. Thế là cô đứng dậy, cất giọng nhẹ nhàng: “Thầy Chương, sắp đến giờ lên lớp rồi.”

Thầy Chương cũng chầm chậm đứng lên. Liễu Địch đi đến đỡ thầy, hai thầy trò cùng rời khỏi văn phòng.

Ngôi trường cấp ba trọng điểm hàng đầu của tỉnh này có hai tòa nhà dạy học. Lớp 11 (1) của Liễu Địch nằm ở tầng hai dãy phía Nam, trong khi văn phòng của thầy Chương nằm ở tầng bốn dãy phía Bắc. Hai thầy trò phải leo cầu thang khá cao, đi qua sân thể dục khá lớn. Tòa nhà phía Bắc cũ kỹ, cầu thang lên xuống tàn tạ. Liễu Địch vừa cẩn thận tìm nơi đặt chân, vừa đề phòng đám nam sinh chạy hùng hục. Mặc dù vậy, cô vẫn bị một nam sinh cao lớn đang chạy lên gác va vào vai. Liễu Địch vội vàng lắc đầu, ra hiệu cậu nam sinh im lặng. Sau đó, cô tiếp tục đi về phía trước như không có chuyện xảy ra. Tuy bờ vai tương đối đau, nhưng cô vẫn không buông tay khỏi thầy Chương.

Giữa sân thể dục, một đám nam sinh lớp 12 đang đá bóng. Liễu Địch chau mày quan sát. Lần nào cô cũng sợ nhất đi qua nơi này, sợ “đạn pháo” hai màu trắng đen bay đi bay lại đập trúng bản thân, đồng thời sợ những “cỗ xe tăng” đâm phải thầy Chương. Cũng như mọi hôm, cô rảo bước thật nhanh theo bản năng. May mà không xảy ra sự cố, hai thầy trò đi khỏi “khu vực nguy hiểm” an toàn.

Đến khu vực tòa nhà phía Nam, không khí đỡ hơn hẳn. Tòa nhà phía Nam là dãy phòng học mới xây dựng chưa tới hai năm. Các phòng học rộng rãi sáng sủa, có khí thế của một trường cao đẳng. Lúc này, Liễu Địch mới thở phào nhẹ nhõm. Cô đỡ thầy Chương đi vào lớp, tới bục giảng. Sau đó, cô mới quay về chỗ ngồi của mình.

Liễu Địch khát khô cổ họng, bụng đau nhâm nhẩm do ăn cơm trưa quá vội vàng. Cô vuốt bụng theo thói quen, lặng lẽ rút quyển sách ngữ văn. Tiếng chuông báo hiệu giờ lên lớp reo vang, thầy Chương cất giọng trầm trầm: “Chúng ta bắt đầu vào học.”

Chương 2

Liễu Địch vĩnh viễn không thể quên cảnh tượng lần đầu tiên gặp thầy Chương Ngọc.

Lúc đó, cô mới thi đỗ vào ngôi trường cấp ba trọng điểm có lịch sử lâu đời này với thành tích đứng đầu toàn thành phố. Tuy nhiên, thành tích của cô khiến người khác vui mừng, còn bản thân cô không hề cảm thấy hưng phấn. Liễu Địch nhanh chóng chán ngán tình cảnh gặp ai cũng được khen ngợi và chúc mừng. Mọi người đều gọi cô là “thiên tài”, trong khi cô rất ghét bị coi là “thiên tài”.

Liễu Địch còn nhớ, năm lên bốn tuổi, khi cô được bế đứng trên ghế, cất giọng non nớt đọc thuộc làu câu “Xuân giang triều thủy liên hải bình. Hải thượng minh nguyệt cộng triều sinh” trước mặt một học giả, cô nhìn thấy ánh lệ lấp lánh trong mắt vị học giả đó. Kể từ lúc bấy giờ, Liễu Địch được gọi là “thiên tài”.

(“Xuân giang triều thủy liên hải bình. Hải thượng minh nguyệt cộng triều sinh” là hai câu thơ trong bài “Xuân quang hoa nguyệt dạ” của Trương Nhược Hư. Dịch thơ: “Triều lên ngang mặt sông xuân. Biển đêm, trăng cũng sáng ngần sóng xô”- Bản dịch của Nguyễn Lãm Thắng)

Năm tuổi, Liễu Địch có bài thơ đầu tiên đăng tạp chí. Biên tập của tạp chí còn đến tận nhà chúc mừng cô. Nhìn chú biên tập mặt nhễ nhại mồ hôi, cô biết bản thân có chút tài năng. Sau đó, Liễu Địch còn đoạt giải nhất cuộc thi “Chinh văn đại” toàn quốc vào năm chín tuổi, tác phẩm của cô thường xuyên xuất hiện trên báo và tạp chí, cô không ngừng được thiên hạ gắn mác “thiên tài”.

Chỉ là nghe quá nhiều, Liễu Địch ngược lại không đồng tình, cô thậm chí bắt đầu nghi ngờ bản thân rốt cuộc có phải là “thiên tài” hay không? Bắt gặp gương mặt thiếu nữ ngày càng xinh xắn trong gương, cô đột nhiên cảm thấy, danh hiệu “thiên tài” mà cô giành được là dựa vào dung nhan của mình. Những cô gái xinh đẹp chỉ cần có một chút tài hoa là dễ dàng được người khác ưu ái và coi trọng. Trên toàn thế giới, điều này là luật bất thành văn.

Mỗi khi nghĩ đến nguyên nhân này, Liễu Địch đều cảm thấy vô vị và chán nản. Cô nhìn quá đủ những gương mặt tươi cười của người khác, khi họ khen ngợi cô. Những gương mặt đó thể hiện sự nhiệt tình quá độ, thành ra có điều gì đó không tự nhiên. Liễu Địch kết luận bằng hai từ “giả tạo”. Cô cho rằng, ánh lệ trong mắt vị học giả và mồ hôi trên trán chú biên tập mới là chân thực, mới là chú giải từ “thiên tài” chuẩn xác nhất. Nhưng đó là chuyện từ ngày xửa ngày xưa, hiện tại cô đã 16 tuổi, cô còn dám vỗ ngực tự xưng là “thiên tài” hay sao? Vì vậy, Liễu Địch ngày càng ghét hai chữ “thiên tài”.

Xét ở một khía cạnh khác, là thiên tài thì sao chứ? Cô vẫn không có quyền lựa chọn cuộc sống của mình. Cô thích văn học, nhưng vẫn phải cắm đầu vào học các môn toán lý hóa. May mà ông trời ban tặng cô trí óc thông minh, khiến cô không cần chăm chỉ cũng vẫn có thể học tốt ba môn toán lý hóa.

Liễu Địch không hiểu, cô phải học những định luật, công thức và nguyên lý đó để làm gì. Trong tương lai, cô tuyệt đối không sống dựa vào mấy môn khô khan nói trên. Nhưng Liễu Địch biết rõ, nếu không học mấy môn chán ngắt đó, cô sẽ không thể thi đỗ đại học, không được tiếp nhận nền giáo dục chính quy mang tính hệ thống. May mà năm lớp 11, trường bắt đầu phân ngành học, Liễu Địch có thể nói “bye bye” với môn vật lý và hóa học. Điều này khiến cô có chút an ủi.

Từ trước đến nay, Liễu Địch không muốn sống trái với ý nguyện của cô. Vì vậy, cô không tham gia đoàn thể, không làm cán bộ lớp, thậm chí bỏ lỡ vô số cuộc thi văn học do trường tổ chức. Nhưng cô vẫn phải ép bản thân học các môn tự nhiên. Trong cuộc sống, bạn vĩnh viễn không có cách nào làm mọi chuyện theo ý mình, dù bạn là thiên tài đi chăng nữa.

Học ở ngôi trường trọng điểm này, Liễu Địch không mong bản thân được bạn bè để ý và yêu quý, cũng không hy vọng các thầy cô đề cao cô. Cô không tâng bốc ai, cũng không lấy lòng ai. Cô chỉ cần cuộc sống chân thực, tự do, độc lập. Cô hy vọng sau khi cô qua đời, trên bia mộ cô khắc một câu của nhà thơ Diệp Tái Ninh: “Từng sống, từng yêu, từng sáng tác, từng phát biểu…”

Mang tâm trạng đó, Liễu Địch gặp thầy Chương Ngọc ở tiết ngữ văn đầu tiên của năm lớp 10.

Đến nay, Liễu Địch vẫn còn nhớ rõ, lúc thầy Chương Ngọc đi vào lớp, không hiểu tại sao, cả phòng học vốn đang ồn ào đột nhiên yên tĩnh hẳn. Ai ấy đều cảm thấy có điểm gì đó bất bình thường, nhưng không biết diễn tả ra sao. Thầy Chương dè dặt bước từng bước một lên bục giảng trong không khí yên lặng đó.

Bộ dạng của thầy Chương hết sức nghiêm túc, nghiêm túc đến mức thâm trầm. Thân hình thầy cao gầy, sống lưng thẳng tắp, sắc mặt trắng bệch vô cảm, bờ môi mím chặt. Đặc biệt là cặp kính đen sì như hai hốc mắt trên xương sọ, mang lại cảm giác lạnh lẽo, âm u, thê thảm. Chỉ liếc qua thầy, Liễu Địch bất giác rùng mình. Cô có cảm giác không phải bản thân đang nhìn thầy giáo, mà như đi vào một ngôi cổ mộ tĩnh mịch chết chóc, khiến người vừa xâm nhập liền bị bao vây bởi nỗi kinh hoàng đáng sợ.

Không có màn tự giới thiệu, không có lời mở đầu, thầy Chương bắt đầu giảng bài.

“Các em, hôm nay chúng ta học tản văn “Ánh trăng bên hồ sen” của Chu Tự Thanh tiên sinh. Mời các em mở sách giáo khoa, tôi sẽđọcbài văn một lần.”

Lớp học vụt qua một sự xao động, nhưng nhanh chóng khôi phục không khí yên tĩnh. Liễu Địch đưa mắt về bục giảng, hai tay thầy Chương trống không. Thầy không hề cầm giáo trình.

“Mấy ngày nay, trong lòng không yên tĩnh. Tối nay ngồi ở trước sân hóng mát, tôi đột nhiên nhớ tới hồ sen tôi vẫn ngày ngày đi qua. Trong ánh trăng sáng ngời, nó có một dáng vẻ khác biệt. Ánh trăng ngày càng lên cao, tiếng nô đùa của bọn trẻ trên đường phố bên ngoài bờ tường đã dần biến mất. Bà xã ở trong nhà ru Nhuận Nhi ngủ…ngâm nga câu hát ru. Tôi âm thầm mặc áo khoác, mở cửa đi ra ngoài…”

Trời ạ! Tất cả mọi người đều ngẩng đầu, ai nấy há hốc miệng. Cả lớp dồn ánh mắt kinh ngạc lên bục giảng, ngạc nhiên chứng kiến người thầy ngẩng cao đầu, chắp hai tay sau lưng đọc thuộc một bài tản văn khá dài. Thầy không cần nhìn sách cũng có thể đọc một cách rõ ràng, thanh âm vô cùng truyền cảm. Trong thanh âm của thầy có thơ, có họa, có tình, có cảnh, giống ảo ảnh mơ hồ, giống tiếng hát vang vọng. Thầy gần như đưa tất cả mọi người tới hồ sen nhuộm ánh trăng bàng bạc đó. Trước mắt mọi người hiện ra cảnh bông sen lay động dưới ánh trăng, tỏa hương thơm dìu dịu. Một điều kỳ diệu hơn, thầy Chương đã đọc ra tâm trạng vi diệu rất khó phát giác của tác giả Chu Tự Thanh, đó là sự yên tĩnh mà ông theo đuổi trong cuộc sống hiện thực ồn ào. Cả lớp say mê lắng nghe. Lúc này, thầy Chương cũng như chìm trong mộng cảnh do thầy tạo ra. Vẻ mặt nghiêm túc và thâm trầm của thầy ôn hòa đi mấy phần, khiến thầy có sinh khí hơn.

“Tối nay, nếu có người ngắt sen, hoa sen ở đây cũng được coi là “quá đầu người”…” Thầy Chương đọc thuộc hết bài tản văn, không sai một chữ. Lớp học im lặng tuyệt đối, các bạn học gần như nín thở, phảng phất thanh âm truyền cảm của thầy vẫn vương vấn bên tai. Sau đó, không biết ai mở đầu vỗ tay đốp đốp. Tiếp theo, cả lớp vỗ tay nhiệt liệt.

Thầy Chương khôi phục vẻ lạnh nhạt và nghiêm túc trước đó. Thầy tỏ ra thờ ơ trước tràng vỗ tay tán thưởng và khâm phục của đám học sinh, đến khóe miệng cũng không nhếch lên. Thái độ lạnh nhạt kỳ lạ của thầy khiến các bạn học càng ngạc nhiên hơn việc thầy đọc thuộc bài tản văn một cách chính xác vừa rồi. Mọi người không hẹn cùng nghĩ đến từ “đọc”, thầy không phải “đọc sách” mà là “đọc thuộc lòng”. Tiếng vỗ tay dần thưa thớt.

Sau khi mọi người yên tĩnh, thầy Chương bắt đầu giới thiệu tác giả. Về Chu Tự Thanh, thầy chỉ nói vài câu: “Chu Tự Thanh là giáo sư đại học Thanh Hoa kiêm viện trưởng viện văn học. Ông là học giả nổi tiếng, là tác gia tản văn có ảnh hưởng lớn trên văn đàn, đồng thời cũng là người Trung Quốc có khí tiết. Thời tiểu học, các em đã được tiếp xúc với tản văn “Màu xanh” của ông, thời cấp hai, các em từng học hai tản văn khác là “Bóng lưng” và “Mùa xuân”. Ngoài ra, tác phẩm của ông còn có “Vội vàng”, “Truyện ký chọn bạn đời”…

“Thầy ơi, thầy có thể“đọc”tác phẩm “Truyện ký chọn bạn đời” không?”

Cả lớp quay đầu về nơi phát ra tiếng nói. Đó là một nam sinh cao gầy, cậu đỏ mặt, ánh mắt thách thức đầy mùi thuốc súng. Thế là các bạn học lại dồn ánh mắt lên người thầy Chương, trong đó không ít người có tâm trạng xem trò vui. Đám học sinh xuất sắc ở một ngôi trường xuất sắc, tật xấu lớn nhất là “tự cho mình là giỏi”, chúng ghét nhất thái độ ra vẻ ta đây của người khác. Thầy Chương đại khái bị chúng liệt vào hạng người “ra vẻ ta đây, khoe khoang tài năng”. Đọc thuộc lòng bài “Ánh trăng bên hồ sen” chẳng có gì là giỏi. Nếu có thể đọc thuộc cả bài “Truyện ký chọn bạn đời” mà mọi người hầu như không biết tới, mới coi có bản lĩnh thật sự. Các bạn học đều ngẩng đầu, chờ câu trả lời của thầy Chương với tư thế kẻ bàng quan. Cả lớp chỉ có một người cúi thấp đầu, đó chính là Liễu Địch.

Đúng vậy, Liễu Địch không nhìn thầy Chương. Cô chưa từng đọc qua “Truyện ký chọn bạn đời”, thậm chí tiêu đề cũng lần đầu tiên nghe nói. Một khi cô không biết tản văn này, cả lớp chắc cũng chẳng có ai biết. Bắt thầy Chương đọc thuộc một bài văn không nổi tiếng, ít người biết đến trước mặt cả lớp là một thử thách lớn. Liễu Địch cảm thấy hơi lo cho thầy Chương. Có lẽ cô là học sinh duy nhất quan tâm đến thầy, bởi vì cô không hề có ý nghĩ, thầy “ra vẻ ta đây” hay “khoe khoang tài năng”. Tuy nhiên, Liễu Địch không biết làm thế nào để ngăn cản sự việc đang diễn ra. Điều duy nhất cô có thể làm, là bày tỏ kháng nghị bằng cách cúi đầu.

Sắc mặt thầy Chương vẫn vô cảm như thường: “Tôi sẽ thử xem sao.” Câu nói của thầy khiến dưới lớp nổi lên tiếng bàn luận. Nhưng thầy nhanh chóng mở miệng: “Bản thân là con cháu đích tôn, vì vậy chưa đến mười một tuổi tôi đã được nghe nhắc đến chuyện chọn vợ…”

Thầy Chương đọc hết câu này đến câu khác. Thầy vẫn ngẩng cao đầu, chắp hai tay sau lưng, bộ dạng thong dong từ tốn như ban nãy. Liễu Địch vô cùng kinh ngạc. Cô ngẩng đầu, phát hiện các bạn học thì thầm bàn tán. Bọn họ cũng ngạc nhiên y như cô.

Trên thực tế, không một ai có thể chứng thực, tản văn thầy Chương đang đọc thuộc lòng, rốt cuộc có phải là “Truyện ký chọn bạn đời” hay không?

“Thưa thầy!” Một thanh âm cắt ngang lời thầy Chương: “Thầy có thể đọc “Giản ái”, tác phẩm tiêu biểu của Hạ Lạc Đế không ạ?” Cậu nam sinh vừa lên tiếng nhanh chóng rút quyển sách từ cặp sách, đó chính là “Giản ái”.

“Chương mấy?” Thầy Chương tựa hồ không nhìn thấy hành động mang tính chất sỉ nhục đó.

“Chương một ạ.”

“Ngày hôm đó vốn không thể đi tản bộ. Không sai, buổi sáng chúng tôi đã dạo một tiếng đồng hồ trong rừng cây trơ trụi lá…”

“Chương ba.”

“Trong ký ức của tôi…”

“Chương mười.”

“Cho đến bây giờ, tôi đã ghi chép tường tận một số chuyện nhỏ nhặt không đáng kể trong cuộc sống…”

“Chương hai mươi lăm.”

“Một tháng sau khi bày tỏ tình cảm…”

“Chương ba mươi mốt.”

“Cuối cùng tôi cũng tìm thấy nhà…”

Thần sắc kinh ngạc của cậu nam sinh nói cho cả lớp biết, thầy Chương đọc không sai một chữ.

“Chương ba mươi sáu.” Cậu nam sinh không cam lòng, lại mở miệng: “Thưa thầy, xin thầy hãy đọc câu tiếp theo câu này: “Là một nỗi đau khổ như thế nào? Mà người này tựa hồ hạ quyết tâm trì hoãn.”

Tay phải thầy Chương đột nhiên cuộn thành nắm đấm, thân hình thầy hơi lảo đảo. Thầy im lặng hồi lâu. Liễu Địch nhìn thấy giọt mồ hôi trên trán thầy.

Các bạn học trầm mặc, trao đổi ánh mắt đắc ý và vui vẻ của kẻ chiến thắng. Liễu Địch thở dài. Không hiểu tại sao, nhìn những gương mặt cười cợt trên nỗi đau của người khác, trong lòng cô hơi khó chịu.

Cuối cùng thầy Chương cũng mở miệng, thầy đọc câu tiếp theo bằng ngữ điệu có phần đau đớn: “Hai mắt ông đã bị mù. Đúng vậy, Ái Đức Hoa tiên sinh đã hoàn toàn trở thành người mù…”

Cậu nam sinh buông quyển sách, lặng lẽ tuyên bố sự thất bại của mình. Các bạn học khác tựa hồ bị kích phát lòng hiếu kỳ, bọn họ nhanh nhảu nêu tên một loạt tác phẩm nổi tiếng bất chợt xuất hiện trong đầu bọn họ. Dù một số tác phẩm, bọn họ cùng lắm chỉ biết tên:

“Anna Karenina”

“Hồng Lâu Mộng”

“Phục sinh”

“Hoàng hà chảy về phía đông”

“Ông già và biển cả.”

Cho đến khi không còn một người nào đứng dậy đề nghị thầy Chương đọc thuộc tác phẩm, cuộc khảo vấn mới kết thúc. Cả lớp không ai thắng người thầy đang lặng lẽ đứng trên bục giảng kia.

Các bạn học cuối cùng cũng bị chinh phục một cách triệt để. Vẻ bất mãn, ngông cuồng và thách thức trên mặt bọn họ hoàn toàn biến mất, thay vào đó là sự khâm phục và sùng bái. Lần đầu tiên trong đời, bọn họ biết thế nào là “uyên bác”, là cảm giác nhỏ bé và bi ai của con ếch ngồi dưới đáy giếng ngước nhìn bầu trời bao la.

Về phần Liễu Địch, cô biết thế nào là “thiên tài” thực sự.

Thế nhưng, đối diện với vô số ánh mắt sùng bái, thầy Chương vẫn lạnh lùng vô cảm như cũ. Thầy cất giọng bình thản: “Các em còn cần tôiđọctác phẩm nào nữa không?” (Thầy Chương dùng từ “Độc” 读 có nghĩa cầm nhìn vào sách hay văn bản để đọc)

Đọc? Lại là “đọc”? Những đứa trẻ mười sáu mười bảy tuổi này, dù sùng bái một người đến mấy, cũng không thể chịu đựng sự ngông cuồng và miệt thị từ ngữ. Lớp học lại ồn ào. Trong âm thanh tạp loạn, một giọng nói trong trẻo vang lên: “Thưa thầy, tại sao thầy luôn gọi “thuộc lòng” thành “đọc”? Lẽ nào thầy lớn lên với kiểu “đọc” sách đó?” (Đáng lẽ thầy Chương phải dùng từ “Bội” 背 tức đọc thuộc lòng. “Độc” và “Bội” là hai từ có cách đọc cách viết và ý nghĩa hoàn toàn khác nhau)

Đây là lời chất vấn của bạn cùng bàn Liễu Địch. Câu nói này dẫn đến một loạt tiếng nhao nhao chỉ trích. Mọi người bàn luận, trách cứ thầy, phảng phất đó không phải là người thầy họ sùng bái vài phút trước đó mà là một tên tội phạm.

Chỉ có Liễu Địch không lên tiếng. Trên thực tế, cô im lặng từ đầu đến cuối, không ra câu hỏi với thầy, cũng không lên tiếng phê bình thầy.

Về phần thầy Chương, đối diện sự công kích của đám học sinh, thầy vẫn trầm mặc, tựa hồ những lời trách cứ ở bên dưới không liên quan đến thầy.

Liễu Địch ngước nhìn gương mặt vô cảm của thầy bằng ánh mắt nghi hoặc, cô muốn tìm ra nguyên nhân của sự trầm mặc đó. Đầu óc cô vụt qua một ý nghĩ. Liễu Địch giật mình bởi ý nghĩ này, cuốn sách ngữ văn trong tay cô rơi bộp xuống đất. Cô so vai, phảng phất nỗ lực gạt bỏ ý nghĩ đó, nhưng nó ngày càng trở nên rõ ràng trong đầu óc cô. Thầy không mang giáo án, thầy dò dẫm đi từng bước lên bục giảng, thầy luôn gọi “thuộc lòng” là “đọc”, thầy đeo cặp kính đen…

Trời ạ! Liễu Địch đột nhiên cảm thấy ý nghĩ này vừa chân thực vừa đáng sợ. Đầu óc cô ù ù, cô ra sức lắc đầu, tựa hồ chỉ làm vậy mới có thể gạt bỏ suy nghĩ điên rồ đó. Cuối cùng, cô lại ngước nhìn gương mặt thầy. Thầy dường như không phải đối diện với vô số gương mặt sống sờ sờ mà đối diện với sa mạc mênh mông, thậm chí là đêm tối vô bờ bến.

Tiếng ồn ào trong lớp học dần tan biến. Các bạn học nhanh chóng phát hiện, bất kể họ chỉ trích thế nào, cũng không thể chọc giận người thầy đang đứng trên bục giảng. Đến khi phòng học không còn một tiếng động, thầy Chương mới từ tốn mở miệng:

“Các em, tôi không nói sai, tôi đúng là đang “đọc”. Bởi vì, tôi chỉ có thể “đọc” những cuốn sách đã in sâu trong đầu óc tôi.”

Cả lớp ngẩn ngơ. Liễu Địch là người đầu tiên có phản ứng. Trong đầu cô vang lên một câu nói, thầy “đọc” bằng ngữ điệu đau đớn: “Hai mắt ông đã bị mù. Đúng vậy, Ái Đức Hoa tiên sinh đã hoàn toàn trở thành người mù…”

Liễu Địch không thể kiềm chế tiếng kêu khe khẽ: “Trời ơi!”

“Thực ra…” Thầy Chương nói tiếp: “Môn văn ở cấp ba không cần thiết phải đọc mẫu. Cứ đọc ra rả theo sách, đến bản thân tôi cũng cảm thấy tẻ nhạt vô vị. Ngữ văn là bồi dưỡng học sinh có cảm giác với ngôn ngữ và văn tự. Nến biến nó trở thành tiết mổ xẻ nội dung và giáo dục tư tưởng, chi bằng ở bên dưới lén lút xem tiểu thuyết còn hơn. Vì vậy từ nay về sau, tôi sẽ không đọc mẫu. Có điều…”

Ngữ khí của thầy trở nên nặng nề: “Hôm nay, tôi phải đọc mẫu, tôi buộc phải làm vậy, dù có thể bị các em hiểu nhầm là kẻ ngông cuồng. Hy vọng các em hiểu lời tôi nói.” Ngừng một lát, thầy bổ sung thêm một câu: “Đúng rồi, từ nay về sau, trong tiết ngữ văn của tôi, các em có thể tự động đứng lên phát biểu, không cần giơ tay.”

Không cần giải thích thêm điều gì, người ngu xuẩn nhất cũng hiểu ra hàm ý của câu cuối cùng. Nếu là hoàn cảnh bình thường, câu nói đó chắc chắn sẽ nhận được tràng vỗ tay nhiệt liệt. Nhưng bây giờ, các bạn học cúi đầu hổ thẹn, không dám nhìn gương mặt nhợt nhạt của thầy Chương. Liễu Địch chống tay lên trán, một nỗi đau đớn cô chưa từng trải nghiệm dội lên trong lòng. Cô không cảm thấy hổ thẹn, mà ngược lại cô chỉ muốn khóc.

Quảng cáo
Trước /10 Sau
Theo Dõi Bình Luận
Trái Cấm Tình Yêu

Copyright © 2022 - MTruyện.net