Saved Font
  1. mTruyen.net
  2. [Dịch] Linh Phi Kinh - Ttv
  3. Chương 4 : Linh Đạo Thạch Ngư - Hồi 3
Trước /67 Sau

[Dịch] Linh Phi Kinh - Ttv

Chương 4 : Linh Đạo Thạch Ngư - Hồi 3

Màu Nền
Màu Chữ
Font Chữ
Cỡ Chữ
Style Combo

LINH PHI KINH

Tác giả: Phượng Ca

Dịch giả: Magic Q

QUYỂN 1: HỒNG VŨ THIÊN HẠ

Chương 4: Linh Đạo Thạch Ngư

Trái tim Nhạc Chi Dương đập thình thịch, gã hít sâu vào một hơi, từng bước rón rén đi lùi về phía cửa miếu. Gã vừa lùi vừa căng thẳng quan sát đại địch ở đằng trước, nhưng đi ra đến tận cửa ngoài rồi mà Trương Thiên Ý vẫn im ỉm không ho he chi hết.

Nhạc Chi Dương như mở cờ trong bụng, vừa ló ra khỏi miếu liền ù té bỏ chạy, chạy đâu chừng hơn một dặm mới ngừng chân ngoảnh đầu trông lại, phát hiện Trương Thiên Ý không hề đuổi theo mình. Nhớ lại tình hình vừa rồi, trong lòng gã không khỏi sinh nghi: Trương Thiên Ý độc địa hiểm ác, làm gì có chuyện không ho he tiếng nào mà dễ dàng thả cho gã đi như vậy. Ngẫm lại thần sắc của hắn hình như đã xảy ra biến cố lớn gì đó đến nỗi hắn chẳng buồn quan tâm đến việc chuồn đi của Nhạc Chi Dương.

Nhạc Chi Dương đứng đực ra một lúc, rốt cuộc không thắng nổi tính tò mò liền nhón tay nhón chân trở lại ngôi miếu nhỏ. Đến cửa miếu, gã thò đầu vào ngó dáo dát, bên trong mọi thứ vẫn y như cũ, trên tàng cổ thụ trước miếu vọng đến tiếng quạ kêu hoang hoác sầu thảm khiến cho người ta phải rùng mình.

- Trương tiên sinh!

Nhạc Chi Dương cất tiếng gọi, Trương Thiên Ý vẫn im re không có phản ứng. Thiếu niên nổi lòng can đảm, lách người qua ngạch cửa, dùng mũi chân huých huých lên viên Thạch Ngư. Trương Thiên Ý cũng chẳng hề để ý, Nhạc Chi Dương bỗng nhận ra điều gì đó bèn rút thanh sáo ngọc ra, ấn mạnh vào đầu vai của hắn. Trương Thiên Ý lúc la lúc lắc, bất chợt đổ sầm xuống đất.

Nhạc Chi Dương không kềm được phải lùi lại hai bước, trong lòng cảm thấy mù mờ khó hiểu. Gã đưa tay sờ thử, da thịt Trương Thiên Ý lạnh băng, hơi thở tắt lịm, hóa ra tên đồ tể đã lặng lẽ nhắm mắt xuôi tay từ bao giờ.

Nhạc Chi Dương vừa kinh ngạc vừa bối rối, nhìn khắp thi thể một lượt nhưng chẳng hề phát hiện ra vết thương chí mạng nào cả. Gã ngẫm nghĩ, đưa mắt nhìn Linh Đạo Thạch Ngư đang nằm trơ trơ trên mặt đất chẳng chút sinh khí. Nhớ đến hiện tượng lạ lùng ban nãy, Nhạc Chi Dương lại đặt thanh Không Bích lên môi, trỗi lên khúc nhạc ghi trên Thạch Ngư. Chẳng bao lâu sau, Thạch Ngư lại trở mình rung động, mãi cho đến khi tiếng sáo ngừng lại nó mới chịu yên lặng.

Nhạc Chi Dương nhấc lấy Thạch Ngư, trong lòng trăm mối tơ vò, nhưng gã mang tâm tình thiếu niên, nhìn sang chum nước lớn bên dưới mái hiên bất chợt nảy ra một ý tưởng lạ lùng: "Người ta hay nói như cá gặp nước, nếu thả vào trong nước rồi nổi sáo lên, liệu Thạch Ngư có bơi lội tung tăng như cá hay không?" Nghĩ vậy gã cảm thấy hết sức kích động, bèn chạy ra khỏi miếu, bỏ ngay Thạch Ngư vào trong chum nước.

Thạch Ngư vào nước liền chìm xuống đáy nằm im ỉm. Nhạc Chi Dương cất lên tiếng sáo, Thạch Ngư theo tiếng bắt đầu rung động, lắc đầu vẫy đuôi hệt như có sự sống. Khúc nhạc thổi đến một nửa, Nhạc Chi Dương giật mình phát hiện lớp vảy trên mình cá từng miếng một đang bong tróc ra, lớp đá bên dưới cũng hiện ra kẽ nứt. Gã ngây người, dường như vỡ lẽ rằng bản thân mình trong lúc vô tình đã tìm ra phương thức giải mở Thạch Ngư, lập tức trống ngực đập dồn, thổi hết lượt này lại tiếp đến một lượt khác. Thạch Ngư cứ rung lên liên hồi, vỏ ngoài tuần tự tách ra, chẳng mấy chốc lớp đá đã tróc hết lộ ra màu sáng bạc nguyên chất. Nhạc Chi Dương còn chưa kịp nhìn kỹ liền nghe thấy một âm thanh dứt khoát vang lên, con cá bạc bị vỡ tan thành nhiều mảnh, từ trong đó bắn ra một chiếc hộp dài.

Kết cấu cơ quan này tinh xảo vô song, Nhạc Chi Dương nhìn đến nghệch mặt, nghĩ mãi một lúc mới hiểu ra: Thạch Ngư được chia làm hai tầng, tầng đầu tiên là vỏ ngoài bằng đá, tầng thứ hai là cơ quan bằng thép luyện. Vỏ ngoài nhìn sơ thì có vẻ như nham thạch bình thường nhưng thực chất là một loại cao được con người chế luyện, nếu không chạm nước thì cứng rắn như đá, sau khi vào nước lại từ từ mềm giãn ra, bấy giờ tiếng sáo cất lên khởi động cơ quan bằng thép luyện, cơ quan tự động tách mở, nhả ra chiếc hộp bằng gỗ. Những biến đổi này Nhạc Chi Dương đều có thể khám phá được ngoại trừ vấn đề làm sao tiếng sáo có thể dẫn động được cơ quan thì vẫn là một dấu hỏi lớn. Gã ngẫm nghĩ một lúc rồi cầm lấy hộp gỗ lên quan sát kỹ, hộp được làm bằng chất liệu sáp, dài bảy tấc, rộng một tấc, miệng khép kín để tránh thấm nước.

Mở hộp ra, bên trong có đặt một quyển sách lụa, chất lụa trắng tinh mềm mại, chữ viết chi chít, mở đầu là mười chữ lớn nổi bật: "Nang Quát Thiên Địa Chi Bảo, Hi Di Vi Diệu Chi Đạo!"(*) Đó chính là những lời dạy lúc trăn trối của Linh đạo nhân khi tọa hóa mà Triệu Thế Hùng đã từng đề cập.

(ND chú: tức là bảo vật gồm thâu cả trời đất, đạo tinh tế trong lẽ huyền diệu)

Tiếp đó là tên nhan đề, được ghi bằng nét chữ viết tay nhỏ li ti: "Diệu Nhạc Linh Phi Kinh", bên dưới phần chính văn có ghi rằng:

"Đồng Sơn phía tây núi lở, bên này Lạc Dương chuông ngân, Vũ Đế cho đó là linh cảm; cặp đàn Sắt cất ở hai nơi, khảy dây cung hai phía đều rung động, Trang Chu gọi đó là thần dị..."

Nhạc Chi Dương xuất thân trong gia đình âm nhạc, hai điển cố trên đều đã nghe nghĩa phụ Nhạc Thiều Phượng kể qua. Vế trước nói về thời vua Hán Vũ Đế, ở phía trước cung Vị Ương thành Lạc Dương có một quả chuông đồng chẳng hiểu vì sao bỗng nhiên ngân vang, Hán Vũ Đế đem chuyện hỏi Đông Phương Sóc, Đông Phương Sốc nhận định rằng, chuông được đúc ra từ đồng, mà đồng phát xuất từ trong núi, cho nên đồng như con của núi, núi như mẹ của đồng, mẹ con cảm ứng qua lại với nhau, phương xa ắt có chuyện núi lở. Quả nhiên ba ngày sau truyền đến tin tức, ở Nam Quận xảy ra biến cổ núi sụp đến hơn hai mươi dặm, tiếng động vang xa đến cả trăm dặm. Còn điển cố thứ hai trích từ "Trang Tử Từ Vô Quỷ", kể về việc hai chiếc đàn Sắt được chia ra để ở hai chỗ khác nhau, nếu khảy dây cung ở một trong hai chiếc đàn bất kỳ thì dây cung ở đàn Sắt còn lại cũng rung động theo. Để kiểm chứng lý luận này, tác giả của "Mộng Khê Bút Đàm" là Trầm Quát thời Bắc Tống đã làm một thí nghiệm, ông ta treo một hình nhân giấy lên trên dây đàn phía này, sau đó khảy lên dây đàn ở chiếc còn lại, hình nhân giấy liền theo tiếng bật dậy, làm mười lần y như một.

Nhạc Thiều Phượng nhắc đến hai điển cố này, nói cho Nhạc Chi Dương biết loại hiện tượng ấy được gọi là "Ứng thanh" (TG chú: ngày nay còn gọi là hiện tượng cộng hưởng). Hễ là chuông đồng hiển nhiên phải có âm vực của riêng nó, ví dụ như chuông Biên, dựa vào kích cỡ lớn nhỏ mà phân ra thành những cung bậc khác nhau. Dãy núi đổ sụp làm phát ra tiếng động vang rền, tiếng động này vừa hay trùng khớp với âm vực của chuông đồng, cho nên dù núi lở ở tít Nam Quận nhưng lại gây chấn động chuông đồng ở Lạc Dương. Những dây mang âm vực tương đồng trên đàn Sắt có âm thanh dội qua dội lại cũng vì luận lí trên mà ra. Luận lí này không bó hẹp ở chuông đồng hay đàn Sắt mà ở bất cứ nhạc cụ nào, chỉ cần có âm vực phù hợp dù ít hay nhiều cũng đều sẽ xuất hiện "Ứng thanh". Có điều, "Ứng thanh" là đạo lí của giới âm nhạc, Linh đạo nhân đề cập ở đây là có ý gì?

Nhạc Chi Dương hết sức khó hiểu, lại đọc tiếp: "... Thạch Ngư ví như cá, cá phải gặp nước mới sống được, Thạch Ngư ở trong nước, cần phải thổi sáo mới đáp lời..."

Linh đạo nhân tạo ra Thạch Ngư đương nhiên chẳng phải tạo ra khơi khơi mà là muốn nhủ một lời hai ý: thứ nhất là cá trên sông, thứ hai là dựa vào hòa âm từ ống vu. Ống vu là một loại nhạc cụ dạng sáo, mọi cơ quan thiết kế bên trong Thạch Ngư đều là một loại nhạc cụ hình dáng tựa ống vu, dựa theo khúc nhạc ghi trên thân Thạch Ngư mà dùng các loại tiêu, địch, vu thổi tấu sẽ dẫn phát "Ứng thanh" trên Thạch Ngư, từ đó kích hoạt cơ quan nhả ra hộp gỗ. Cũng may là gặp Nhạc Chi Dương thổi sáo, chứ đổi lại là Chu Vi chơi đàn cổ thì đã không thể dẫn đến phát sinh biến hóa, cũng như chẳng thể kích hoạt cơ quan này được.

Gã lại xem sách lụa, phần sau còn ghi: "Con cá này cấu trúc phức tạp làm hao phí mười năm chế tạo của ta, muốn phá giải cơ quan này ước chừng có ba điểm khó: một là Hán phổ Quy Từ, người không thông thạo không thể hiểu nổi; hai là thổi bằng loại nhạc khí dạng sáo, cơ quan bên trong cá đá nếu không phải nhạc sáo thì không thể mở được; ba là phải ngâm đá xuống nước, chất đá bên ngoài thân cá do ta luyện đan mà thành, cứng rắn như gang thép, nếu không có nước xúc tác thì không thể giải được. Còn bằng gắng sức để cố phá viên đá thì sẽ kích hoạt cơ quan phun ra lửa đỏ thiêu trụi hộp sáp, tiêu hủy sách kinh. Nhưng nếu có thể vượt qua ba ải trên thì người thu được kinh văn xứng đáng là tri âm thiên cổ với bần đạo, nay xin tặng người bốn chương "Diệu Nhạc Linh Phi Kinh", mong người hãy hành thiện tích phúc, chớ nên cậy mạnh hiếp yếu."

Bên dưới còn có một hàng chú thích nhỏ nhắn: "Khúc Hán phổ Quy Từ tên là 'Thương Tâm Dẫn', khúc nhạc này có ba điều kỵ: kỵ người bị thương ngũ tạng, kỵ người đang mang bầu, kỵ người già yếu ốm đau, để cho ba loại người trên nghe thấy, nhẹ thì chấn động ngũ tạng, nặng có thể dẫn đến tử vong."

Nhạc Chi Dương liếc nhìn Trương Thiên Ý, chợt có cảm giác dở khóc dở cười. Ầm ĩ cả nửa ngày trời, rốt cuộc một đại cao thủ như vậy lại bị "Thương Tâm Dẫn" thổi cho chết tươi. Chết kiểu này đúng thật là lãng nhách, nhưng hắn giết người quá nhiều cũng đáng phải chịu báo ứng, bằng không vì sao đã bị nội thương trầm trọng rồi lại trùng hợp gặp ngay khúc nhạc trí mạng như vậy?

Nhạc Chi Dương theo đó xem tiếp nội dung, trên sách lụa quả nhiên có bốn chương, theo thứ tự lần lượt là "Linh Khúc", "Linh Vũ", "Linh Cảm", "Linh Phi".

Cả chương "Linh Khúc" nhìn đâu cũng thấy cung thương giốc vũ, hoàng chung đại lữ, xem ra đúng là một án nhạc phổ, theo giải thích của kinh văn thì mỗi một khúc nhạc đều tương ứng với một kinh mạch trên thân thể con người, thân người có mười bốn kinh mạch hợp cùng tám mạch của kì kinh, vì thế tổng cộng có hai mươi hai khúc nhạc gọi chung là "Chu Thiên Linh Phi Khúc", sau mỗi một khúc nhạc đều có kèm theo phương pháp đều hòa hơi thổi. Linh đạo nhân ghi chú rõ rằng người mới tu luyện cần phải dùng cách hít thở này để thổi các loại nhạc khí như sáo, địch, tiêu, vu...

Nhạc Chi Dương không biết võ công nhưng một khi bàn đến âm nhạc thì gã lại là thầy của bậc thầy, vừa liếc thấy nhạc phổ là trong lòng ngứa ngáy ngay, vì vậy gã chẳng thèm nghĩ ngợi, xem qua khúc nhạc rồi liền thổi ngay bài đầu tiên "Thiếu Dương Nhuận Phế Chi Khúc".

Khúc nhạc không dài lắm, cũng tương tự như kiểu "Thương Tâm Dẫn", hết sức trúc trắc ngược ngạo. Thổi đến một đoạn bỗng có luồng hơi chèn ngay cổ họng, khó mà thoát ra khỏi miệng được. Gã lấy làm lạ bèn xem kỹ lại phần phụ chú trong kinh văn, nhận ra mỗi khi thổi đến đoạn khó nhằn, Linh đạo nhân đều có ghi chú lại một loại phương pháp hô hấp, có khi thì cần hít sâu thở dài, có khi lại phải nhỏm mông hóp bụng dùng đến khí đan điền.

Nhạc Chi Dương điều hòa lại hô hấp, tập trung thổi lại khúc nhạc, lần này dùng đến thuật thổ nạp của Linh đạo nhân, quả nhiên trơn tru thuận lợi, rất nhiều đoạn khó đều nhẹ nhàng vượt qua. Lúc thổi, từ lồng ngực đến ngón tay trái đều có cảm giác tê tê, nóng rần như có một dòng nước ấm chảy ngược chảy xuôi trong kinh mạch. Khúc nhạc thổi xong, nửa thân người như được tắm trong gió xuân, cảm giác khoan khoái dễ chịu khó mà tả được.

Thứ cảm giác này trước nay gã chưa từng trải qua, hồi đó khi thổi sáo cùng lắm chỉ thấy thánh thót êm tai, hoàn toàn không có một luồng khí nóng chảy khắp toàn thân như vậy. Nhạc Chi Dương cảm thấy ngồ ngộ, nghiên cứu kỹ hơn chú giải của Linh đạo nhân mới biết được luồng khí nóng ấy gọi là chân khí, mỗi một khúc nhạc đối ứng với một kinh mạch trong cơ thể, khúc "Thiếu Dương Nhuận Phế Chi Khúc" vừa nãy chính là cách tu tập chân chí trong "Thủ Thiếu Dương Phế Kinh".

Đối với nội công mạch lí Nhạc Chi Dương chẳng hề biết mô tê gì, nhưng cảm thấy chất nhạc dễ nghe, lại thổi tiếp một khúc "Dương Minh Tẩy Trường Chi Khúc", mới thổi được nửa bài, luồng khí nóng ấy lại chuyển đến đoạn giữa mũi và miệng rồi chảy thẳng đến đầu ngón tay phải, cứ lên lên xuống xuống như thế tựa như dòng chảy thủy ngân.

Nhạc Chi Dương nổi tính tò mò, liên tiếp thổi các bài "Dương Minh Thanh Vị Chi Khúc", "Thái Âm An Bằng Chi Khúc", "Dương Nhu Trường Chi Khúc", "Thiếu Âm Tẩy Tâm Chi Khúc", "Thiếu Âm Túc Thận Chi Khúc", "Thái Dương Chuyển Phúc Chi Khúc", "Thiếu Dương Tam Tiêu Chi Khúc", "Quyết Âm Thông Tâm Chi Khúc", "Quyết Âm Địch Can Chi Khúc", "Thiếu Dương Tráng Đảm Chi Khúc"... Gã làm một mạch đến "Nhâm Mạch Dẫn", "Đốc Mạch Thao", thổi hết mười bốn kinh mạch lại thổi đến tám điệu của kì kinh. Hai mươi hai khúc nhạc thổi xong, khắp mình mẩy gã giống như được ngâm mình trong một dòng suối ấm áp, hơi nóng lan tỏa đến đâu kinh mạch thư thái đến đấy, như thể thoát thai hoán cốt, cảm giác diệu kỳ khó tả.

Lại nhìn đến một chương của "Linh Vũ", bên trên vẽ rất nhiều hình người phục sức theo kiểu đạo sĩ nhỏ li ti, kẻ nào kẻ nấy đều khoa chân múa tay vẻ như hết sức hân hoan. Nhạc Chi Dương chẳng có tí hứng thú nào đối với khiêu vũ, vừa liếc nhìn thì chuyển ngay sang đọc chương "Linh Cảm", chương này chỉ về phương pháp thông qua chân khí mà cảm giác sự vật bên ngoài, ngôn từ cổ xưa, đạo lí sâu xa. Nhạc Chi Dương đọc lướt một lượt, chỉ cảm thấy lùng bùng đầu óc, tiếp tục xem đến chương "Linh Phi" thì lại càng thâm thúy phức tạp, lí luận bên trong gần với cách đàm luận của nhà Đạo và nhà Phật, đừng nói tuổi tác Nhạc Chi Dương còn nhỏ mà ngay cả cao tăng học vấn uyên bác đọc lướt qua cũng chưa chắc hiểu rõ.

Gã đang lúc ngẩn ngơ, bỗng nghe tiếng tiếng chim xáo xác inh ỏi, giương mắt nhìn lên trông thấy một bầy quạ đen đang đậu đầy trên ngọn cây, chúng hướng về phía miếu kêu dậy trời dậy đất. Nhạc Chi Dương bấy giờ mới nhớ ra bên trong miếu còn có một thi thể, vì vậy gã bèn tiến đến bên cạnh Trương Thiên ý, mò mẫm trên xác hắn ta một hồi lôi ra được một túi tiền, bên trong đựng kha khá là kim ngân, ngoài ra còn có một quyển sách nhỏ mỏng dính, trên bìa đề ba chữ "Kiếm Đảm Lục", phía dưới là hàng chữ bé xíu "Vân Hư thảo soạn, mong cháu ta Trương Thiên Ý nỗ lực". Gã mở ra ngó nghiêng thử, quyển sách tổng cộng chia làm hai phần: nửa phần trước là "Phi Ảnh Thần Kiếm Phổ" vẽ đầy hình người nhỏ đang múa kiếm, miêu tả các loại chiêu thức; nửa phần sau chính là "Dạ Vũ Thần Châm Thuật" giảng giải châm pháp của Dạ Vũ Thần Châm.

Nhạc Chi Dương vui mừng khôn xiết, cẩn thận đọc kỹ, "Dạ Vũ Thần Châm Thuật" dạy làm thế nào phân chia ra hai luồng khí âm dương từ trong chân khí, làm sao lấy khí dương làm cánh cung, khí âm làm dây cung rồi bắn ra kim châm. Ở phần kết có nhắc đến hai phương pháp rút kim châm: một là cậy nhờ ngoại lực, cần phải có cao thủ thượng hạng dùng nội lực cẩn thận hút ra, dùng cách này vô cùng mạo hiểm, lỡ xảy ra sai sót đương nhiên gây tổn thương đến kinh mạch; hai là mượn chính nội lực của bản thân, theo tâm pháp của "Bích Vi Tiễn" mà luyện ra hai khí âm dương, dương làm cung, âm làm dây, đảo ngược cách vận dụng từ đó tống kim châm ra ngoài.

Một châm một kiếm bên trong sách chính là vốn liếng mà Trương Thiên Ý dựa vào để tác oai tác quái. Nhạc Chi Dương nhét sách vào trong ngực áo, định bụng sẽ từ từ nghiên cứu nhằm tự rút kim châm cho mình. Về phần vàng bạc, gã cũng tình thiệt chẳng hề khách sáo mà xem là của riêng, coi như tiền bồi thường thiệt hại mà Trương Thiên Ý gây ra cho mình. Gã lại liếc đến ngọc bội giắt bên thắt lưng hắn, vốn cũng muốn tháo xuống đem bán, nhưng ngẫm đi nghĩ lại, Trương Thiên Ý là con trai của Ngô Vương, nửa đời đầu hưởng biết bao vinh hoa phú quý, nửa đời sau lưu lạc cơ nhỡ, giờ rơi vào nông nỗi như vầy quả là đáng buồn đáng tiếc, nếu đến cả một bảo vật bồi táng cũng không có thì chẳng thích hợp với thân phận của hắn chút nào.

Nghĩ đến đây, trong lòng Nhạc Chi Dương nảy sinh niềm xót thương cảm thán, lại nghe đám quạ bên ngoài miếu kêu càng lúc càng tợn nên gã bèn nhấc trường kiếm của Trương Thiên Ý lên, đào một cái lỗ ở đằng sau miếu, đặt thi thể của hắn vào đó rồi lấp đất chôn lại. Gã định lập thêm một tấm bia mộ nhưng lại sợ có kẻ trộm mồ lấy đi bảo vật khiến cho âm hồn không yên ổn, tính toán một hồi liền từ bỏ ý định ấy rồi xoay người rời khỏi Tương Sơn, hướng về phía kinh thành.

Còn cách thành chừng vài dặm bỗng trông thấy một quán trà, Nhạc Chi Dương thổi sáo cả buổi trời vốn đã khát khô cổ họng, bèn tiến vào trong quán gọi một bình trà lên để giải nhiệt.

Đang lúc nhâm nhi, gã chợt nghe có kẻ lên tiếng:

- Lão chó thiến thật gian trá, lần này lại để cho lão ta xổng mất rồi!

Nhạc Chi Dương nghe ra giọng nói của Minh Đấu, lập tức hoảng hồn hoảng vía dời mặt đi hướng khác.

- Chỉ tại con lừa trọc kia lắm chuyện, bằng không lão chó thiến khó mà thoát cảnh xương cốt hóa bùn!

Người vừa nói chính là Dương Phong Lai, y vừa càm ràm vừa tiến vào trong quán, kế đó lớn giọng gọi:

- Hầu đâu, mang cho bọn ta ba bình trà mát giải nhiệt!

Ngừng một chút, y lại mắng:

- Thành Kim Lăng này rõ là địa phương quái gở, còn chưa tới tháng năm mà đã nóng hầm hập như cái lò hấp vậy!

Chợt nghe có kẻ thở dài, Thi Nam Đình từ tốn bảo:

- Cũng không hoàn toàn trách tên hòa thượng đó được, lúc Lãnh Huyền bỏ chạy, chúng ta không rượt theo Lãnh Huyền mà chỉ lo khư khư bám lấy hòa thượng, kết quả là ầm ĩ một hồi nhưng chẳng thu được lợi lộc gì.

Minh Đấu hừ một tiếng, bảo:

- Về tư thì đáng ra phải đuổi theo lão chó thiến; nhưng về công, kho bảo tàng ấy có quan hệ trọng đại, nếu vô cớ cho qua lẽ nào đem việc tư lấn át việc công? Đảo Vương mà hỏi đến, chúng ta làm sao mà giải thích đây?

Dương Phong Lai hùa theo:

- Minh Đấu nói có lý lắm.

Thi Nam Đình cười lạnh:

- Có câu "Thù giết cha không đội trời chung", hôm nay Thi mỗ mới biết câu nói ấy sai rồi, hóa ra hận đoạt bảo mới là không đội trời chung.

Minh Đấu nổi giận:

- Thi tôn chủ, ngươi nói ai đó?

Thi Nam Đình dửng dưng đáp:

- Ta nói ai thì trong lòng kẻ ấy tự hiểu!

Quán trà im phăng phắt hồi lâu, Dương Phong Lai chợt cười gằn một tiếng:

- Hai vị cãi nhau làm gì! Theo ta thấy, chuyện này cần phải trách Trương sư điệt, hắn thông báo cho chúng ta biết Lãnh Huyền ở Tiên Nguyệt Ký, nhưng rốt cuộc chúng ta đến đó còn hắn thì lại thậm thụt không đi. Hôm nay nếu có "Dạ Vũ Thần Châm" của hắn, lấy bốn chọi hai lẽ nào không hạ sát được Lãnh Huyền!

Minh Đấu lạnh lùng nói:

- Trương Thiên Ý tính tình kỳ cục quái gở, trước giờ ta đã không ưa hắn. Nói không chừng, cũng vì bảo tàng mà hắn xúi giục cho chúng ta đánh loạn xà quần, đợi đến khi lưỡng bại câu thương mới thò đầu ra hưởng lợi!

Thi Nam Đình trầm ngâm giật lát, đoạn nói:

- Minh Đấu, chúng ta vốn là đồng môn với nhau, khi chưa có chứng cứ xác thực thì chớ có suy bụng ta ra bụng người!

Dương Phong Lai vội lên tiếng:

- Thi tôn chủ nói phải, Trương sư điệt mang trong mình nợ nước thù nhà, so ra còn thảm hơn cả chúng ta!

Nhạc Chi Dương nép ở một bên lúc này đang lo lắng vô cùng, nghe thấy ba người sôi nổi bàn luận, chẳng có ý định gì là uống trà xong thì rời khỏi quán. Đúng lúc hồi hộp, gã chợt nghe ba người trở nên trầm lắng, lại nghe Minh Đấu hét oang oang:

- Ông chủ, tính tiền!

Nhạc Chi Dương còn chưa kịp cao hứng, bỗng cảm giác đầu vai nặng trịch như có ai đó vỗ lên. Tinh thần đang cơn căng thẳng, gã nhảy nhổm lên rồi quay đầu lại xem, chỉ thấy Minh Đấu cười tủm tỉm:

- Thằng nhóc con, quả là ngươi mà!

Nhạc Chi Dương "A" lên một tiếng, xoay người toan bỏ chạy, nhưng vừa quay đầu đi thì bản mặt chình ình của Dương Phong Lai đã hiện ra ở ngay đằng trước, gã xoay người sang hướng khác lại thấy Thi Nam Đình đang bụm miệng ho khan khe khẽ ở phía đó.

Nhạc Chi Dương thầm biết chẳng cách nào thoát thân được, chỉ đành thở dài ngồi xuống. Dương Phong Lai tiến lên trước một bước, xách lấy vạt áo của gã nhấc bổng lên, lớn giọng nói:

- Thằng nhóc này ngồi chung với Lãnh Huyền, phỏng chừng cũng không phải hạng tốt lành gì sất!

Thi Nam Đình vội nói:

- Ngươi chớ có lỗ mãng, đợi ta hỏi qua đã!

Dương Phong Lai gật đầu, buông Nhạc Chi Dương xuống. Thi Nam Đình bước về phía trước, quan sát Nhạc Chi Dương một lượt rồi mỉm cười:

- Xin hỏi cậu nhỏ, sao cậu lại ngồi cùng Lãnh Huyền vậy?

Nhạc Chi Dương suy nghĩ thật nhanh rồi buột miệng:

- Ông đang nói đến cái lão già không có râu ấy à? Ta chính là người hướng dẫn cho ổng!

- Hướng dẫn? - Thi Nam Đình nhíu mày thật chặt: - Hướng dẫn cái gì?

Nhạc Chi Dương phì cười:

- Đương nhiên là hướng dẫn cách mua vui ở bến sông Tần Hoài rồi, ba vị lão gia có điều không biết, chứ ở sông Tần Hoài này có hàng trăm thanh lâu lớn nhỏ đủ loại, nơi nào sang, nơi nào hèn, cô nương nhà nào đẹp nhất, khúc hát nhà nào hay nhất, để biết được những chuyện này đều cần phải có kiến thức cả. Nếu mà không rành rẽ thì chẳng những hao tài tốn của mà chơi bời cũng không vui vẻ được đâu!

Dương Phong Lai nửa tin nửa ngờ, nhổ phì một tiếng mắng:

- Thằng nhóc xấu xa, hóa ra là một tên ma cô dắt khách.

Y định buông tay thì bỗng nghe Minh Đấu cười bảo:

- Ngươi đừng nghe nó nói xàm, Lãnh Huyền là thân phận gì chứ? Thái giám mà đi mua vui với gái bán hoa, dẫu có tâm cũng chẳng có sức.

Dương Phong Lai chợt nhiên tỉnh ngộ:

- Không sai, không sai!

Y trừng mắt nhìn Nhạc Chi Dương hét lên:

- Thành thật khai báo, đỡ phải chịu khổ!

Nhạc Chi Dương tỏ ra không hề quýnh quáng, mỉm cười bảo:

- Lúc trước ta cũng khó hiểu, hai kẻ này sao chỉ dạo loanh quanh mà không chơi tới bến, bây giờ nghe các ông nói thế, nghĩ lại họ đúng là hai tên thái giám thật. Cơ mà vị Minh tiên sinh đây nói cũng chưa đúng lắm, thái giám thì không đến chốn trăng hoa được nhưng chủ nhân của bọn họ lẽ nào cũng không ư? Biết đâu bọn họ xuất cung là vì muốn thăm dò đường đi nước bước cho chủ nhân thì sao nào.

Ba người nọ trố mắt nhìn nhau, Minh Đấu trầm ngâm:

- Nói như vậy, sao kẻ ấy phải cải trang tìm thú vui riêng?

Dương Phong Lai cười lạnh:

- Họ Chu kia cũng đâu phải thánh nhân, ở trong cung no nê chán chê rồi, không chừng muốn ra ngoài tìm của lạ.

Thi Nam Đình đập tay than thở:

- Vậy thì toi rồi, chúng ta đánh cỏ động rắn, Lãnh Huyền một khi trở về bẩm báo, kẻ ấy hẳn nhiên sẽ không xuất cung nữa.

Nhạc Chi Dương bịa đặt một tràng nào ngờ ba người bọn họ lại tin là thật, còn đứng phân tích suy luận lung tung beng, làm cho gã mắc cười muốn chết nhưng ngoài mặt vẫn cố kiềm hãm chịu đựng.

Minh Đấu cúi đầu nghĩ ngợi, chợt ngẩng lên hỏi:

- Nhóc con, tên tiểu tử ngồi cạnh ngươi cũng là thái giám à?

Nhạc Chi Dương bấm bụng ừ đại, Dương Phong Lai gật gù bảo:

- Chả trách giọng nói của hắn nghe cứ như con gái.

Minh Đấu hừ một tiếng, bất chợt vươn tay ra sờ vào đũng quần Nhạc Chi Dương, đoạn chầm chậm rút tay về, phán:

- Vẫn chưa tịnh thân, nó không phải là thái giám!

Nhạc Chi Dương trong lòng mắng thầm, lại nghe Dương Phong Lai lên tiếng:

- Vậy thôi thả nó đi nhé!

Y đang định nới tay thì Minh Đấu xua đi, cười bảo:

- Gấp làm gì? Còn một chuyện nữa Minh mỗ chưa rõ!

Nhạc Chi Dương chỉ lo hắn nhìn ra sơ hở, trái tim tức thời đập dồn, gượng cười hỏi:

- Là chuyện gì vậy?

Minh Đấu phất tay một cái, thắt lưng Nhạc Chi Dương bỗng nhẹ hẫng, thanh Không Bích đã rơi vào trong tay hắn. Nhạc Chi Dương vừa kinh ngạc vừa giận dữ, gã quên khuấy cả nguy hiểm, nhào đến bên hắn thét lên:

- Trả lại cho ta!

Gã chợt thấy đầu vai bị siết chặt, ngón tay của Dương Phong Lai đã gia tăng thêm kình lực, Nhạc Chi Dương cựa quậy không xong, chỉ còn ánh mắt phẫn nộ trừng trừng nhìn Minh Đấu, gã hét vang ầm ĩ:

- Ban ngày ban mặt mà giở trò trộm đạo à?

Minh Đấu mỉm cười không nói năng gì, nhẹ nhàng vuốt ve sáo ngọc, hai mắt lấp lánh sáng rỡ. Thi Nam Đình đằng hắng một tiếng:

- Minh Đấu, ngươi làm gì vậy?

Minh Đấu như người vừa tỉnh mộng, cười xòa:

- Nếu ta nhớ không nhầm, thanh sáo này vốn là di vật của Thạch Sùng đời Tấn, đừng nói đến lai lịch bất phàm mà ngay cả chất ngọc làm ra nó cũng bảo vật vô song trên đời!

Dương Phong Lai cũng gật đầu nói:

- Trong số phỉ thúy hiếm có cái nào trong suốt thuần chất như vậy, mà dẫu có thuần chất như vậy thì cũng không có cái nào to ngần này, có to ngần này thì cũng khó mà thẳng nuột sắc sảo đến thế. Càng khó hơn chính là, cho dù có loại ngọc hiếm hoi ấy đi nữa thì để tạo ra thanh sáo này, mười phần cũng phải vất đi hết chín.

- Vậy thì sao? - Thi Nam Đình nhíu mày hỏi: - Liên quan gì tới Lãnh Huyền?

Minh Đấu mỉm cười:

- Liên quan nhiều chứ, thanh sáo như vậy nếu không phải đồ vật trong cung thì chắc chắn cũng xuất xứ từ chỗ vương hầu thế gia, thằng nhóc này cùng lắm chỉ là một gã ma cô ở bến Tần Hoài, thử hỏi làm sao mang được món đồ quý như thế trên người?

Thi Nam Đình thấy cũng có lý, ba người sáu ánh mắt cùng đổ dồn lên mặt Nhạc Chi Dương. Trái tim Nhạc Chi Dương thình thịch đập mạnh, nhưng đầu óc gã vốn nhạy bén, liền mở miệng ứng biến ngay:

- Đây là bảo vật gia truyền của nhà ta, nếu không tin, các người theo ta về nhà hỏi thì biết!

Lời này của gã chỉ để dọa suông, người ngoài thấy gã mạnh miệng như vậy thì mười phần đã tin hết chín, sẽ chẳng cùng gã về nhà làm gì. Thế nhưng tình hình trước mắt thì không giống như vậy, mối ngờ vực của tam tôn Đông Đảo vẫn chưa tan, chuyện dính líu đến Lãnh Huyền lại quá nhiều, vì thế bọn họ không dám sơ suất, nghe thấy lời này Minh Đấu liền tiện miệng nói luôn:

- Được thôi, bọn ta theo ngươi đi một chuyến!

Nhạc Chi Dương đớ người, sắc mặt hóa ra trắng bệch. Tam tôn thấy bộ dạng của gã như vậy, trong lòng càng thêm nghi ngờ. Dương Phong Lai hét:

- Ngây ra đó làm gì? Đi thôi!

Nhạc Chi Dương cúi đầu rầu rĩ:

- Đi thì đi, nhưng mà trả sáo lại cho ta trước đã!

Minh Đấu đang định khước từ thì Thi Nam Đình đã lên tiếng:

- Trả cho nó trước đi, lỡ mà chuyện này truyền ra giang hồ, thế nào cũng bảo Đông Đảo chúng ta ỷ mạnh hiếp yếu, bắt nạt bá tánh!

Bị trực tiếp nắm thóp như thế, Minh Đấu dẫu có trăm nghìn lần không muốn cũng chỉ đành cười gượng, giao trả sáo ngọc lại cho Nhạc Chi Dương.

Nhạc Chi Dương một mặt nhận lấy sáo ngọc, chầm chậm giắt ngang thắt lưng, một mặt thì ráo riết suy tính, tìm cách tháo thân. Lúc này Dương Phong Lai lại lớn tiếng giục giã, gã chỉ đành cắn răng nhắm mắt đi về hướng sông Tần Hoài.

Dọc đường đi loằn ngoằn loèo ngoèo, Nhạc Chi Dương vắt hết óc nghĩ ngợi cũng không tìm ra cách nào trốn được. Ba kẻ này võ công cao vời, cỡ nào cũng ứng phó được, đến hạng cao thủ như Lãnh Huyền mà gặp thoáng qua bọn họ cũng không dễ dàng gì chạy thoát chứ đừng nói chi cái hạng không biết võ công như Nhạc Chi Dương. Ba người họ mà muốn giết gã thật tình còn dễ hơn là bóp chết một con kiến.

Vất vả một lúc mới đến được miếu Phu Tử, Nhạc Chi Dương liếc trái ngó phải nhưng chẳng thấy bóng dáng Chu Vi đâu cả, thầm nghĩ chắc hẳn cô nàng đã theo Lãnh Huyền trở về cung rồi. Ngoảnh đầu nhìn về phía hoàng cung, lòng gã bỗng dậy lên một nỗi ủ ê thất vọng: cung cấm tầng tầng nghiêm mật, lần chia xa này chỉ sợ là mãi mãi. Chu Vi từng nói rằng trừ khi công chúa gả chồng mới có thể rời khỏi cấm thành, nhưng khi ấy nàng đã là vợ người ta, gặp được nàng rồi cũng còn điều gì để nói cơ chứ? Ngẫm cho cùng, nàng là công chúa Đại Minh lá ngọc cành vàng, trời sinh đã ở trên đỉnh mây cao, còn gã chẳng qua chỉ là một kẻ vô danh hèn hạ ở khúc sông Tần Hoài mà thôi.

Nhạc Chi Dương lửa lòng nguội lạnh, vươn tay vuốt lên thanh Không Bích, chất ngọc ấm mịn hệt như thịt da thiếu nữ. Gã bất giác nhắm mắt lại, gương mặt tươi tắn của Chu Vi nhập nhoạng hiện lên từ bóng tối, thấp thoáng như một đóa sen trắng ngần nở rộ trong màn đêm giá lạnh.

- Nhạc Chi Dương!

Một tiếng gọi chói lói vang đến. Nhạc Chi Dương đưa mắt nhìn sang, Giang Tiểu Lưu chạy ùa đến như một cơn gió, vừa gặp đã liếng thoắng:

- Nhà ngươi chết ở xó xỉn nào mà mấy bữa nay chả thấy bóng dáng đâu cả vậy? Đến nhà ngươi gõ cửa ba lượt cũng không thấy động tĩnh gì. Ngươi biết tin gì chưa, xảy ra chuyện lớn rồi, phường hát chết hơn trăm mạng người, quan phủ đã cho đóng cửa viện, lục soát từng hộ để điều tra nghi phạm.

Hắn nói xong một lèo, ánh mắt lại dời xuống thanh Không Bích, kinh ngạc thốt:

- Giỏi thật, Nhạc Chi Dương, nhà ngươi đổi nghề đạo tặc rồi à, cây sáo này...

Chợt thấy Nhạc Chi Dương nháy mắt liên hồi, hắn chợt cảm thấy có sự lạ bèn liếc mắt quan sát, phía sau Nhạc Chi Dương có ba người đang đứng, ai nấy đều mặc trang phục kỳ lạ, tướng mạo cổ quái, sáu luồng ánh mắt nom hệt như sáu mũi dùi.

Giang Tiểu Lưu bỗng chốc chột dạ, lời lên đến miệng liền sửa ngay:

- Thanh sáo này... còn chưa hỏng à, xưa nay chưa từng thấy ngươi xài nó.

Nhạc Chi Dương thở phào một hơi, mỉm cười:

- Đây là vật của cha tặng ta đó!

Giang Tiểu Lưu trong bụng rủa thầm: “Cha nhà ngươi nghèo ra bã, cho ngươi cái rắm chó thì có!” Ngoài miệng thì xuýt xoa:

- Cha nhà ngươi đối xử với ngươi thật không tệ, kể còn tốt hơn cha ta nhiều. Cha toàn tặng gậy tặng gộc cho ta, hận không thể một gậy đập chết ta cho rồi!

Nhạc Chi Dương nhìn hắn gật đầu, lại nói tiếp:

- Ba vị này là những tiền bối ta mới quen, vị này là Minh tiền bối, vị này là Thi tiền bối, còn vị này là Dương tiền bối, vị nào vị nấy đều có bản lĩnh phi thường cả.

Giang Tiểu Lưu bụng đầy ắp ngờ vực, nhưng hắn xuất thân phường thanh lâu đã quen thói bợ đỡ, liền nhanh chóng khom lưng cúi đầu với ba người nọ, mặt mày tươi cười nhưng trong lòng thầm nghĩ, nhất định Nhạc Chi Dương đã xảy ra chuyện gì đó, bằng không sao lại quen với đám người kỳ lạ như vầy. Chợt nghe Nhạc Chi Dương lên tiếng:

- Giang Tiểu Lưu, hôm qua ta đến thổi sáo cho cô nương ở viện Quần Phương nghe rồi bỏ quên khúc phổ lại đó, bây giờ ta phải dẫn ba vị tiền bối này về nhà, hay ngươi giúp ta một chuyến, đến đó mang khúc phổ trở về nhé!

Giang Tiểu Lưu càng nghe càng thấy lạ, không kịp hỏi thêm điều gì thì Nhạc Chi Dương đã phất phất tay rồi xoay người bỏ đi, mà hướng đi của gã lại ngược với hướng trở về nhà. Giang Tiểu Lưu ngẫm nghĩ một hồi, chợt vỗ gáy hiểu ra, Nhạc Chi Dương thổi sáo cho kỹ nữ nghe vốn chỉ là chuyện tào lao xịt bộp, gã nói muốn dẫn ba người kia về nhà nhưng lại đi về hướng trái ngược, rõ ràng là không muốn dẫn bọn họ đi. Thậm chí đến thanh sáo phỉ thúy mà Nhạc Chi Dương nói là của cha gã tặng cũng là toàn lời nhăng cuội. Việc này đoán chừng, ba người kia có lẽ là người quan phủ, còn thanh sáo nọ là một món tang vật, Nhạc Chi Dương nói dối là bảo vật tổ truyền nên bọn họ muốn dẫn gã về nhà để đối chất.

Nghĩ đến đây, trong lòng Giang Tiểu Lưu nóng như lửa đốt, hắn men theo lối đường tắt chạy tót đến nhà họ Nhạc, định bụng đi trước một bước để báo cho Nhạc Thiều Phượng hay tin, hai người cùng thống nhất lời lẽ, tránh đến khi đó lại giấu đầu hở đuôi.

Nhà họ Nhạc nằm ở cuối nhánh sông Tần Hoài, bên ngoài là một bờ tường đất bao quanh lấy mái tranh. Giang Tiểu Lưu chạy một mạch đến trước nhà, mệt đến thiếu chút nữa là đứt hơi. Hắn gập người thở dốc, đang định giơ tay lên gõ cửa, chợt nghe đằng sau có kẻ cười nói:

- Hóa ra là ở đây à?

Giang Tiểu Lưu hoảng hốt đến mức nhảy dựng lên, quay đầu lại xem, trông thấy ba người nọ dẫn theo Nhạc Chi Dương đang khoanh đứng cách đó không xa. Nhạc Chi Dương mặt ủ mày chau, trông thấy hắn chỉ biết lặng lẽ thở dài thườn thượt.

Giang Tiểu Lưu vội nói:

- Các vị đến nhanh gớm, ta cũng vừa đi đằng viện Quần Phương nhưng không tìm ra khúc phổ liền vội vã quay về đây họp mặt với các vị.

Hắn muốn rào đón trước, cố ý nói khúc phổ chưa cầm trên tay, tránh việc đến khi bọn họ hỏi thì khó bề giải thích.

Thì ra Minh Đấu xảo quyệt vô cùng, nhác thấy hai chàng trai dáng vẻ khả nghi đã đoán ra mấy phần nội tình, bèn làm bộ đi cùng Nhạc Chi Dương, đợi cho Giang Tiểu Lưu vừa rời bước liền kéo lấy Nhạc Chi Dương bám gót đến tận đây. Giang Tiểu Lưu thực bụng muốn báo tin sớm, dè đâu lại vô tình dẫn sói vào nhà. Nhạc Chi Dương có khổ tự biết nhưng cũng đành chịu vậy chứ biết làm sao.

Giang Tiểu Lưu nào biết cớ sự ra sao, chỉ lo một lòng bịa chuyện, bịa một hồi thấy bốn người đối diện im ru bà rù, bụng hắn chùng hẳn xuống, chỉ cảm thấy cực kỳ không ổn, mặt nghệch ra đấy chẳng nói thêm được câu nào. Hắn nhìn sang Nhạc Chi Dương, tiểu tử nọ đang gằm mặt sa sầm, lắc lắc đầu liên tục.

- Đây là nhà của ngươi? - Minh Đấu mở miệng hỏi: - Tên ngươi là Nhạc Chi Dương ư? Còn cha ngươi xưng hô thế nào?

Nhạc Chi Dương ỉu xìu đáp: - Nhạc Thiều Phượng!

Thi Nam Đình "í" một tiếng:

- Nhạc Thiều Phượng? Cái tên này hình như nghe quen quen!

Minh Đấu suy nghĩ rồi nói:

- Quả là có người cùng tên như vậy. Lúc Chu Nguyên Chương dựng nước, có vị quan Tế Tửu trong triều tên là Nhạc Thiều Phượng, người này tinh thông âm luật, chuyên chủ trì xét duyệt các loại nhã nhạc trong cung đình Đại Minh. Ba cái thứ "Phi Long Dẫn", "Phong Vân Hội" gì gì đó, toàn là mấy bài hát vỗ mông ngựa cho Chu Nguyên Chương cả. Về sao không biết vì cơn cớ gì mà họ Nhạc bỗng nhiên thoái ẩn từ quan. Chẳng lẽ lại là cùng một người hay sao?

- Lẽ nào lại trùng hợp đến như vậy? - Dương Phong Lai cười lạnh bảo: - Phải hay không phải, bước vào hỏi là biết ngay.

Nói rồi, y sấn lên trước gõ cửa, thế nhưng chẳng thấy ai hồi đáp, cửa ngoài cũng không khóa chứng tỏ bên trong đang chốt then. Dương Phong Lai cảm thấy sốt ruột, tay ngầm vận nội lực, "Rắc" một tiếng, then cửa gãy làm đôi. Thi Nam Đình khẽ nhíu mày nhắc:

- Dương Phong Lai, đây gọi là tự tiện xông vào nhà dân đấy.

Dương Phong Lai còn đang chần chờ, Minh Đấu thản nhiên mỉm cười, xốc lấy Nhạc Chi Dương tiến qua ngạch cửa, những người khác cũng đành bước vào theo. Chợt thấy cửa phòng bên trong mái tranh mở toang hoang, Minh Đấu đang định mở lời thông báo, bỗng nhiên hắn khục khịt mũi rồi hét lên:

- Không ổn!

Hắn sải bước nhanh vào phòng, Nhạc Chi Dương vừa ghé mắt trông, thiếu chút nữa ngất lịm đi.

Dương Phong Lai cũng xộc vào sau đó, kinh hãi thét lên:

- Thảm thật!

Hóa ra bên trong nhà có một xác chết đang nằm sắp, thời gian chết đã quá ngày nên giờ đây lợm mùi tanh tưởi. Toàn thân thi thể không có lấy một chỗ lành lặn, hệt như bị thú hoang cào xé, trên mặt đất đầy những mảnh thịt vụn, bãi máu tươi lênh láng sớm đã khô quánh lại.

Quảng cáo
Trước /67 Sau
Theo Dõi Bình Luận
Siêu Thần Phân Giải Vu Sư

Copyright © 2022 - MTruyện.net