Màu Nền | |
Màu Chữ | |
Font Chữ | |
Cỡ Chữ | |
Style Combo | |
LINH PHI KINH
Tác giả: Phượng Ca
Dịch giả: Magic Q
QUYỂN 2: ĐÔNG ĐẢO MÔN NHÂN
Chương 6: Tri âm khả thưởng
Đám đệ tử đã sớm tụm năm tụm ba nơi đầu thuyền, Hòa Kiều quay lại trông thấy bọn họ liền cười hỏi:
- Nhạc sư đệ, chuyện đêm qua bàn bạc cậu đã nghĩ xong chưa?
- Nghĩ xong rồi. - Nhạc Chi Dương cười hề hề đáp: - Thân phận ta thấp kém, đại ân đại đức khó lòng kham nổi, tâm ý của Minh tôn chủ và lão ca ta xin ghi nhớ, còn chuyện bái sư nhập môn thôi thì cứ để tùy số trời an bài vậy.
Hòa Kiều chưng hửng, trên mặt bốc lên một làn khói xanh. Giang Tiểu Lưu đứng bên nghe ngóng không hiểu gì hết liền hạ giọng hỏi:
- Nhạc Chi Dương, các ngươi đang nói gì thế? Tên đó là ai mà sao trở mặt còn lẹ hơn lật trang sách vậy?
Hắn tuôn một tràng thắc mắc, Nhạc Chi Dương không biết phải trả lời câu nào trước, chợt nghe bên cạnh có người lên tiếng:
- “Linh Ngao Hàm Nhật”(*) chính là một trong mười kỳ quan trên đảo, nếu không ra khơi thì không dễ dàng chứng kiến được đâu!
(ND chú: hàm nhật có nghĩa là ngậm mặt trời, Linh Ngao là tên đảo hay còn được biết đến là một giống rùa biển trong truyền thuyết)
Nhạc Chi Dương ngoảnh lại trông, Diệp Linh Tô chẳng biết tự khi nào đã bước đến đằng sau gã, vạt áo của cô bay chấp chới trong làn gió sớm nom hệt như một nàng tiên thoát tục. Giang Tiểu Lưu vừa nhác thấy cô lập tức mừng húm, bộ dáng xun xoe, giả ra giọng điệu ton hót mà phường thanh lâu hay dùng:
- Chào Diệp cô nương, đầu thuyền gió lớn lắm, cô cẩn thận kẻo lạnh đấy.
Diệp Linh Tô hờ hững đáp:
- Vầy mà cũng gọi là gió à? Đến Phong Huyệt rồi, ngươi sẽ biết thế nào gọi là gió!
Lúc cô nói chuyện, hai mắt lại liếc nhìn về phía Nhạc Chi Dương.
Nhạc Chi Dương mải miết ngắm cảnh biển, nào có để ý đến ánh mắt của Diệp Linh Tô, chỉ thấy một vầng đỏ ối dần dần nhô lên, rạng đông lan tỏa khắp nền trời, thái dương mọc từ mặt biển phía bên trái hòn đảo, một nửa còn chìm khuất dưới nước, nửa kia hiện ra trên không trung. Hòn đảo hình dạng tựa như một con ngao lớn, đầu nghệch sang trái, tựa như đang ngậm lấy nửa vầng mặt trời, đồng thời kéo khối cầu sáng lấp lánh, đỏ ôi ối ấy rời khỏi đáy biển thâm sâu.
Trên đảo nổ lên một tiếng pháo khiến cho đàn hải âu hoảng hốt bay xáo xác, cùng lúc đó phía thuyền cũng vang lên một âm thanh chát chúa, chính là pháo lửa ở đuôi thuyền phát về hướng biển. Hai tiếng pháo cùng lúc vang lên có vẻ như đang đối đáp lẫn nhau.
Tiếng pháo vừa vơi đi, trên đảo liền vọt ra một con thuyền nhẹ, thuyền băng băng vượt sóng rẽ nước, phía đầu là một vị nam tử áo trắng đang đứng, tuổi tác hãy còn khá trẻ, vóc dáng cao lớn điển trai, tựa như một con bạch ưng đang cưỡi sóng lướt đến.
Chớp mắt y đã đến trước thuyền lớn, gã trai trẻ khẽ nhún chân, chiếc thuyền nhỏ thoáng chùng xuống mặt nước hơn thước, đoạn y hét vang, bật người cao hơn một trượng, chân trái điểm nhẹ trên thân tàu, thân thể bốc thẳng lên trời, nhẹ nhàng lộn nhào một vòng rồi đáp xuống sàn tàu. Mặt mày tươi cười, y chắp tay vái:
- Ba vị tôn chủ trở về đảo, thứ cho cháu không kịp từ xa nghênh đón.
- Hiền điệt lại có tiến bộ rồi. - Dương Phong Lai vuốt râu cười khen: - Chiêu "Đạp Yến Kinh Long" vừa rồi thi triển hết sức gọn gàng nhuần nhuyễn, không hề rườm rà lưỡng lự, trong lớp đệ tử mới quả là không ai sánh bằng, không ai sánh bằng!
- Dương tôn chủ quá khen rồi. - Gã áo trắng tủm tỉm nói: - Vân Thường trước nay ngu muội, đều nhờ gia phụ biết cách dạy dỗ.
- Cần gì phải khiêm nhường thế? - Thi Nam Đình cũng nở nụ cười: - Ngày trước đảo vương từng nói với ta, trong lớp đệ tử đời sau thì ngươi là người có thiên phú cao nhất, thêm hai năm nữa là đã có thể gánh vác được trọng trách, cho nên mặc ai ra ngoài làm gì thì làm, ông ấy chỉ khư khư bắt ngươi bế quan tu luyện trên đảo, đến nay phá quan xuất hiện quả nhiên có tiến bộ không ít.
Đám đệ tử nghe xong mấy lời này đều cảm thấy vừa thèm thuồng vừa ghen tỵ. Vân Thường nói thêm vài câu khiêm tốn, tiếp đó đảo mắt nhìn xung quanh, cười hỏi:
- Chuyến đi Trung Thổ lần này, mọi người chơi có vui không?
- Đại sư huynh không đi đúng là ân hận cả đời. - Hòa Kiều ra vẻ nịnh bợ: - Phong cảnh ở Trung Thổ quả là hơn xa trên đảo, xem mãi không hết, kể hoài chẳng vơi, thật ước chi đừng về nhà cho rồi.
- Thằng nghé con, ngươi đi chơi cho đã rồi sinh tật à? - Minh Đấu trừng mắt nhìn Hòa Kiều rồi cười lạnh: - Nhưng ngươi có cảm giác luyến tiếc cũng xem như không uổng một chuyến đi. Kể ra, giang sơn tươi đẹp này vốn dĩ thuộc quyền sở hữu của Đông Đảo chúng ta, năm ấy nghiệp lớn đổ bể trong gang tấc, non sông lọt vào tay tên ăn mày hôi hám Chu Trùng Bát kia. Mối hận mất nước mất đất ấy, đệ tử Đông Đảo ta lẽ ra nên ghi tạc trong lòng, thân ở Đông Đảo, lòng hướng về Trung Thổ, đợi đến mai này thiên hạ có biến, một thân bản lĩnh của các ngươi lo gì không có đất dùng.
Câu nói trên hùng hồn dõng dạc, đám đệ tử nghe đến mức hai mắt sáng ngời, ai nấy đều siết chặt nắm tay, hận không thể lập tức vượt trùng dương đến Trung Nguyên, cùng tên ăn mày thối họ Chu kia so tài giành giật một phen.
Vân Thường cũng gật đầu lia lịa, trịnh trọng nói:
- Minh tôn chủ nói chí phải, Chu Nguyên Chương là hạng trộm gà bắt chó, ăn may cướp được thiên hạ. Đông Đảo ta lớp lớp nhân tài, sớm muộn cũng có ngày khiến cho lão ta xương cốt hóa bùn.
Lời còn chưa dứt, chợt nghe có người phát ra tiếng cười rúc rích, trong tiếng cười như pha lẫn ý chế nhạo. Vân Thường cảm thấy bực bội, đưa mắt quan sát, người vừa bật lên tiếng cười là một thiếu niên xa lạ, tay cầm sáo ngọc, đứng ở mé bên Diệp Linh Tô, tuy rằng mặt mày tuấn tú nhưng dáng vẻ lại toát lên mấy phần ngông nghênh, tinh nghịch.
Chẳng biết vì sao, Vân Thường vừa trông thấy người này thì sinh lòng ác cảm, y nhíu mày hỏi:
- Vị lão đệ này trông lạ quá, dám hỏi đến từ phương nào?
Vân Thường chính là con trai của đảo vương Vân Hư, là thủ lĩnh trong đám đệ tử Đông Đảo, Hòa Kiều những mong y ra mặt, dạy dỗ thằng nhóc họ Nhạc này một phen ra trò, vì vậy hắn liền nhanh nhảu:
- Người này là Nhạc Chi Dương, lính mới từ Trung Thổ đấy sư huynh!
- Hóa ra là sư đệ mới đến. - Vân Thường hất mặt lên, khinh khỉnh nói: - Nhạc sư đệ, vừa rồi ngươi cười gì đó?
- Không có gì! - Nhạc Chi Dương cười hề hề đáp: - Chỉ là nhớ đến chuyện đêm qua nên ta nhịn cười không nổi thôi.
Vân Thường hỏi:
- Chuyện gì thế, nói ra cho mọi người cùng nghe nào?
Nhạc Chi Dương nói:
- Ngươi thật muốn nghe à?
Vân Thường bảo:
- Muốn!
Nhạc Chi Dương mỉm cười:
- Nhưng nói trước nha, ngươi nghe rồi không được nổi giận đó.
Vân Thường nhẫn nại hứa:
- Được, ta không nổi giận.
Nhạc Chi Dương kể:
- Đêm qua ta đi dạo loanh quanh trên boong thì nghe thấy tiếng trò chuyện, rón rén lên trước coi thử thì hóa ra là ba con bọ chét.
- Rắm mẹ nó chứ! - Dương Phong Lai nổi sùng: - Bọ chét mà cũng nói chuyện được à?
- Đương nhiên bọ chét bình thường không thể nói chuyện được rồi. - Nhạc Chi Dương ba hoa thêm thắt: - Có lẽ ba con bọ chét này đã thành tinh, hút máu người quá nhiều nên thấm dần nhân khí, mới xuất hiện mấy phần nhân tính.
- Giỏi cho bọ chét thành tinh. - Minh Đấu nhướng mắt lên: - Tụi nó nói gì?
Nhạc Chi Dương tủm tỉm:
- Tụi nó đang khoác lác.
- Nhảm nhí! - Dương Phong Lai nhổ toẹt: - Bọ chét sao lại biết khoác lác chứ!
- Bọ chét không những biết khoác lác mà còn có tinh thần tự sướng cao độ nữa. - Nhạc Chi Dương đủng đỉnh nói tiếp: - Một con bọ chét khoe: đêm qua tao hút cạn máu một con ngựa, tiếc là ít quá, chỉ đủ lót nửa cái bao tử; một con bọ chét khác trề môi, thế mà cũng bày đặt kể, đêm qua tao hút cạn máu một con trâu, hiềm nỗi chả bõ dính răng, còn chưa được non nửa dạ dày. Con bọ thứ ba nghe xong im re không lên tiếng, hai con còn lại liền thắc mắc: sao mày không nói gì thế? Con nọ thở dài: tao không được may mắn như tụi bây, đêm qua tao gặp phải một con cóc, con quỷ ấy ngáp một hơi thối quá mạng, đầu tiên làm chết ngạt một con ngựa, sau lại làm chết nốt một con trâu, thối đến mức tao cũng suýt ngất đi, ói mất một ngày một đêm, làm cả bụng đầy máu voi của tao phải mửa ra sạch sẽ.
Chuyện còn chưa kể xong, xung quanh đã lặng im phăng phắt, mọi người đều trố mắt ra nhìn Nhạc Chi Dương, vừa giận vừa kinh ngạc. Minh Đấu cười gằn:
- Móc méo hay lắm, nói vậy Minh mỗ là bọ chét còn Vân hiền điệt chính là con cóc ấy rồi?
- Láo xược! - Vân Thường lắc người một cái đã hiện ra ngay trước mặt Nhạc Chi Dương, năm ngón tay của y xòe ra chụp về phía ngực gã.
Hai người cách nhau chỉ chừng một trượng, Vân Thường chợt nhiên xông đến như vậy khiến cho Nhạc Chi Dương không kịp xoay sở. Mắt thấy bản thân chẳng thể tránh khỏi, bỗng đâu một bàn tay trắng nõn từ bên cạnh vươn ra, ngón tay khẩy nhẹ lên phía trên, điểm về phía lòng bàn tay của Vân Thường. Vân Thường giật phắt tay lại, buột miệng hô:
- Diệp sư muội, muội làm gì vậy?
Diệp Linh Tô ra tay ngăn cản cũng chỉ vì vô tình xốc nổi, nghe thấy lời như vậy cũng chẳng biết đáp lại thế nào. Nhạc Chi Dương bèn cướp lời:
- Cô ấy có lòng tốt, sợ nhà ngươi nuốt lời đó mà.
Vân Thường cười lạnh:
- Ta nuốt lời cái gì?
Nhạc Chi Dương nói:
- Ngươi chẳng bảo sẽ không tức giận ư? Sao lại ra tay với ta vậy?
Vân Thường lập tức cứng họng nhìn sang thiếu nữ, Diệp Linh Tô đang rầu rĩ tìm lý do, nghe vậy bèn mượn cớ xuống giọng:
- Phải đó sư huynh, huynh đã nói là không giận mà, sao lại động tay động chân chứ?
Vân Thường hết nhìn Diệp Linh Tô lại ngó sang Nhạc Chi Dương, y cố kìm nén không nổi đóa, cất giọng chầm chậm:
- Không sai, lời ban nãy ta quên mất. Diệp sư muội, chuyến đi Trung Thổ lần này, muội chơi có vui không?
Diệp Linh Tô gật đầu:
- Phiền sư huynh quan tâm rồi, chuyến đi rất thuận lợi.
Vân Thường cười gượng:
- Tiêu chuẩn đánh giá của sư muội cao như vậy, phong cảnh ở Trung Thổ chắc cũng không làm muội ngạc nhiên nhỉ?
- Vâng. - Diệp Linh Tô thờ ơ đáp: - Phong cảnh Trung Thổ tuy đẹp, nhưng sông hẹp núi nhỏ vẫn kém xa so với biển rộng trời cao nơi đây.
Ngữ điệu của cô không nóng không lạnh, Vân Thường chẳng tiện nói thêm gì nữa bèn quay sang trao đổi với Minh Đấu:
- Đảo vương có lệnh, hạ thuyền xong thì đến điện Long Ngâm nghị sự.
Trong lúc nói chuyện, chiếc thuyền đã đánh lái vào một con lạch, hai bên đá ngầm lổm chổm, trên vách bia nứt nẻ nhô lên khỏi mép nước phía trước bày ra bảy chữ cực lớn: "HỮU BẤT HÀI GIẢ NGÔ KÍCH CHI" Kiểu chữ to tướng khác thường, bút pháp phóng khoáng, khí thế như thể cười ngạo sự đời, quét sạch thiên địa.
- Mấy chữ này ai viết mà xiêu vẹo lệch nghiêng, nhìn chẳng đẹp chút nào. - Giang Tiểu Lưu nhìn dòng chữ ấy khoa tay múa chân: - Kẻ khắc chữ đúng là hạng tay mơ, gặp Giang gia ta thì một đồng cũng không thèm trả công cho hắn.
Nhạc Thiều Phượng thông thái đa tài, Nhạc Chi Dương theo ông lâu ngày nên trong nghề thư pháp cũng có ít nhiều kiến thức. Nét chữ trên vách núi trông thì có vẻ nguệch ngoạc ẩu tả, thực ra lực bút mạnh mẽ ăn vào đá đến ba phần, không giống với thợ thủ công điêu khắc, ngược lại tựa như ông trời cầm bút, liền mạch lai láng. Có điều mang lối viết theo kiểu chữ Thảo này mà giảng cho Giang Tiểu Lưu nghe thì cũng giống như đàn gảytai trâu, vì vậy gã chỉ đành cười trừ, không buồn giải thích.
Vào đến bến thuyền, ven bờ có không ít người đang ngóng chờ đón tiếp, cố nhân ờ hai phía gặp lại nào tránh khỏi cảnh tay bắt mặt mừng, huyên náo ầm ĩ cả một quãng nước.
Nhạc Chi Dương mới đến đây lần đầu, tất nhiên không ai quen biết, cảm thấy hết sức tẻ nhạt vô vị. Đang lúc tần ngần, gã bỗng nghe có người gọi:
- Hây!
Gã quay lại xem, chỉ thấy Diệp Linh Tô chân không chạm đất đang lướt nhanh đến gần, lúc đi ngang qua gã, cô khẽ giọng:
- Ngươi là đồ bọ chét!
Câu nói này hết sức bất ngờ khiến cho Nhạc Chi Dương ngớ người. Diệp Linh Tô lại nói:
- Ngươi cũng là con cóc á!
Giọng điệu cô mang hàm ý châm chọc nhưng trong ánh mắt lại chứa chan ý cười pha lẫn một nét dí dỏm. Không để cho Nhạc Chi Dương kịp nhận ra, cô đã vẫy vẫy tay về phía xa, tung người nhảy khỏi thuyền lớn, tay cặp tay níu cùng mấy ả nữ đệ ra tiếp đón, líu lo tíu tít hết sức tự nhiên.
Hòn đảo này vô cùng rộng lớn, một con đường nhỏ ngoằn ngoèo nối từ bờ biển dẫn thẳng lên non cao, trên đường lát đá xanh ngắt, hai bên là từng khóm trúc rủ nhánh đong đưa. Hương hoa lãng đãng bay theo gió, Nhạc Chi Dương đưa mắt dõi nhìn, phía xa hoa mọc chi chít, muôn hồng nghìn tía phô sắc khắp cả khu rừng trúc.
Chỗ cao nhất trên đảo có xây một tòa tháp tròn, nửa đen nửa trắng, cao khoảng chín tầng, ở đỉnh tháp có gắn một ngọn đuốc lớn đúc bằng đồng thau được châm đầy dầu để tỏa sáng, có thể dẫn đường cho tàu thuyền qua lại.
Bên dưới tòa tháp tròn là một khoảng sân rộng, xung quanh dựng xây rất nhiều đình đài lầu gác được thiết kế theo các phương vị bát quái, nơi thì trang nghiêm nguy nga, nơi thì tĩnh mịch độc đáo, từng đàn hải âu vờn lượn bên trên, phát ra tiếng kêu quang quác.
Can vị phía đối diện được thiết kế một tòa cung điện với trụ đen ngói xanh, nguy nga rộng lớn, phía trước điện có đặt hai con kỳ lân bằng đá đang ngẩng đầu giơ vuốt, trừng trợn nhìn lên trời cao.
Vào trong điện rồi, ai nấy đều đứng thẳng. Giang Tiểu Lưu chỉ cảm thấy không khí ngột ngạt, mình mẩy bứt rứt khó chịu, bèn giần giật ống tay áo Nhạc Chi Dương dòm quanh ngó quất, miệng mồm càu nhàu:
- Mấy kẻ này làm sao thế? Ai cũng ra vẻ trịnh trọng như cha chết mẹ chết vậy!
Nhạc Chi Dương bực mình gắt:
- Đây là điện Long Ngâm, không phải là viện Quần Phương, nếu đến thanh lâu mua vui thì tự nhiên sẽ cao hứng, còn đến chốn nghị sự thì đương nhiên phải nghiêm túc rồi. Nhà ngươi mốc meo ở cái xó Tần Hoài ấy lâu quá rồi nên quên mất trên đời này còn có những địa điểm trang nghiêm...
Đang nói, gã chợt nghe phía sau truyền đến một tiếng hậm hực. Nhạc Chi Dương quay đầu lại xem, đằng sau gã tụ tập khá nhiều người, Minh Đấu, Thi Nam Đình, Dương Phong Lai, Diệp Linh Tô, Vân Thường đều đứng xếp thành hàng, dáng vẻ cung nghênh xung quanh một người đàn ông độ tứ tuần.
Người đàn ông nọ áo xanh tay rộng, dáng dấp cao lớn, đôi mày dài buông chếch sang hai mái, toát lên vẻ khí khái tràn trề. Ánh mắt của ông vô cùng sắc bén nom hệt như hai thanh trường kiếm đã trải qua muôn ngàn đợt tôi luyện khiến cho ánh mắt Nhạc Chi Dương vừa chạm đến lập tức tim đập thình thịch.
- Nhạc Chi Dương, ngươi nói lung tung gì đó? - Minh Đấu khoa chân múa tay, nước bọt văng tung tóe: - Ngươi dám đem so thanh lâu với Đông Đảo ư?
Nhạc Chi Dương đơ lưỡi cứng họng, đưa mắt nhìn quanh, mọi người ai cũng hầm hầm mặt mũi, ngay cả Diệp Linh Tô cũng lộ ra ánh mắt không thèm đếm xỉa. Nhạc Chi Dương thầm kêu khổ, lắp bắp:
- Ta, ta...
Nhưng lời đã ra khỏi miệng như nước đổ khó vớt, muốn chữa lại cũng không còn kịp nữa.
Người áo xanh khẽ cười lạnh, phất tay sải bước về phía chỗ ngồi đầu điện, mọi người trên đường thảy đều dạt tránh chừa ra một lối đi. Nơi trên cùng của đại điện có đặt một chiếc ghế vịn bằng gỗ tử đàn, người áo xanh ngồi thẳng xuống đó, những người khác lần lượt chia ra đứng thành hai hàng trái phải.