Saved Font
  1. mTruyen.net
  2. [Dịch] Thục Sơn Kiếm Hiệp Truyện (Mới Nhất: Hồi 20
  3. Chương 8 :  Hồi thứ chín Cổ miếu phùng hung chúng hiếu liêm thiện đường tao độc thủ Thạch lao đào mệnh Chu công tử dạ vũ việt đông tường Hoàn Châu Lâu Chủ gatre herobk13 BH Mod wwwtangthuviencom Cổ miếu gặp hung tăng các hiếu liêm thiền đường trún
Trước /18 Sau

[Dịch] Thục Sơn Kiếm Hiệp Truyện (Mới Nhất: Hồi 20

Chương 8 :  Hồi thứ chín Cổ miếu phùng hung chúng hiếu liêm thiện đường tao độc thủ Thạch lao đào mệnh Chu công tử dạ vũ việt đông tường Hoàn Châu Lâu Chủ gatre herobk13 BH Mod wwwtangthuviencom Cổ miếu gặp hung tăng các hiếu liêm thiền đường trún

Màu Nền
Màu Chữ
Font Chữ
Cỡ Chữ
Style Combo

Cổ miếu gặp hung tăng, các hiếu liêm thiền đường trúng độc thủ

Thạch lao tìm đường chạy, Chu công tử đêm mưa vượt tường cao

~*~*~*~*~*~*~*~*~*~*~*~*

Ở huyện Quý Dương thuộc Quý Châu, có một gia đình nông dân họ Chu truyền thống văn chương, mấy đời đơn truyền. Đơn truyền cho đến một đời có chín người con, thiên tính đều hiếu thảo ngoan ngoãn. Khi chưa ra riêng, công danh nhỏ nhất cũng là tú tài, còn lại đều là cử nhân, tiến sĩ. Hơn nữa huynh đệ cực kỳ thân mật, trong nhà hòa thuận vui vẻ, hết sức đầm ấm. Chỉ là mỹ trung bất túc, huynh đệ chín người thì có tám người không có con nối dõi. Chỉ có người thứ bảy tên gọi Tử Kính, đến khi y ba mươi sáu tuổi mới sinh được một người con trai, lấy tên là Vân Tòng, từ nhỏ đã thông minh nhân hậu hơn người. Một đứa con kế thừa cả chín chi trong tộc, các nhà khác lại cũng đều khá giả nên ở trong nhà gã đương nhiên được yêu quý nâng niu như trân châu vậy. Trời sinh gã có tính thích đọc sách, mười lăm tuổi nhập học, đến mười tám tuổi thì thi đậu cử nhân, thứ bậc rất cao. Sau khi gã thi đậu vẫn không tự thỏa mãn, lập tức muốn sớm lên kinh dụng công, chờ đợi kỳ thi tới. Phụ thân thúc bá của gã vì đường xá xa xôi nên rất không yên tâm nhưng thấy Vân Tòng hăng hái công danh nên cũng không tiện ngăn cản ý vươn lên của gã. Họ buộc lòng phải chọn một lão gia nhân đắc lực tên Vương Phúc và thư đồng Tiểu Tam Nhi cùng Vân Tòng tiến kinh. Chọn được ngày lành, Vân Tòng từ biệt thúc bá phụ mẫu và thân hữu đưa tiễn, cùng Vương Phúc và Tiểu Tam Nhi lên đường.

Đi được mấy ngày, giữa đường lại gặp được vài đồng niên, đều giống như Vân Tòng tiến kinh sớm để đợi khoa trường. Dọc đường có bạn nên gã không còn tịch mịch nữa. Về sau người tới tụ tập càng đông, tổng cộng có mười bảy người tiến kinh ứng khảo. Nhóm thiếu niên mới nổi này phần lớn đều vui mừng.

Vân Tòng liền đề nghị: “Chúng ta nếu cứ thẳng đường tới kinh thì sẽ có tới mấy tháng nhàn rỗi. Cổ nhân nói ‘đọc vạn quyển sách, đi vạn dặm đường’, kinh nghiệm và học vấn được coi trọng như nhau. Chúng ta sao không nhân cơ hội nhàn rỗi này, gặp được danh sơn thắng tích thì đi du lãm một phen, cũng không uổng một hồi ngàn dặm bôn ba?”

Trong đó có một vị cử tử, tên là Tống Thời nói: “Ta rất tán đồng lời này của niên huynh*. Từ lâu đã nghe đất Thục có nhiều danh thắng, chúng ta há không đến Thành Đô du ngoạn vài ngày?”

Tất cả mọi người tuổi trẻ thích vui chơi nên đều không có dị nghị. Thương lượng ổn thỏa xong, họ liền gọi bọn người tùy tùng mang theo hành lí lên đường rồi tụ họp ở Trùng Khánh. Bọn họ một đám mười sáu người, ngoại trừ Vân Tòng mang theo một thư đồng ra, những người còn lại chỉ đem theo một bọc nhỏ đồ dùng tùy thân, theo đường vòng tới Thành Đô du ngoạn. Vương Phúc sợ bọn họ ít khi đi xa, dễ bị người khác lừa gạt nên nhiều lần khuyên giải. Tống Thời nói: “Ta bôn tẩu mười năm bên ngoài, đường lối gì trên giang hồ ta đều hiểu rõ, lão quản gia người cứ việc yên tâm.”

Vương Phúc thấy ngăn trở không nổi, lại biết đến Thành Đô là đường lớn, cực kỳ an toàn nên chỉ biết nghe theo. Lại kêu Tiểu Tam Nhi đến bên cạnh, dặn đi dặn lại sớm chiều phải hầu hạ tiểu chủ nhân cho tốt, không được sinh sự. Tiểu Tam Nhi tuổi tuy nhỏ nhưng rất nhanh nhạy, nhất nhất gật đầu đáp ứng. Rồi sau đó bọn họ chia tay khởi hành. Bọn họ mười sáu người đi thẳng một mạch, hoan hoan hỉ hỉ. Sau khi đến Thành Đô, tìm được một tòa khách điếm lớn ở trọ, mỗi ngày họ đều đi đến nơi có danh thắng, dạo chơi thoải mái.

Có một ngày, Vân Tòng cùng với mọi người ra ngoài du ngoạn một hồi, liền đề nghị tới Vọng Giang lâu uống chút rượu. Bọn họ vài ngày trước đã tới đó hai lần, bởi vì bọn họ ngoại trừ ba bốn người là hàn sĩ, còn lại toàn là con nhà phú quý nên đều không quá để ý đến tiền bạc. Tửu bảo thấy khách quý đến, tất nhiên là xun xoe gấp bội. Vân Tòng đề nghị không vào phòng riêng, bốn người hay ba người ngồi một bàn, tựa vào lan can uống rượu để có thể nhìn về Trường Giang phía xa xa. Mọi người đều không có dị nghị, liền kêu tửu bảo mang ghế lại kê ở lan can.

Ai ngờ cạnh lan can lầu một này chỉ có bốn cái bàn, trong đó trên một bàn đã có một đạo nhân gục xuống ngủ, Tống Thời liền kêu tửu bảo gọi người đó dậy. Tửu bảo thấy đạo nhân đó rách rưới vô cùng, sáng sớm đến uống rượu, uống đến chiều vẫn chưa đi, sớm đã rất không vui. Lúc trước không có khách thì không để ý lắm, hôm nay thấy có nhiều thần tài này muốn chỗ đó, đương nhiên càng cảm có cớ để đuổi lão đi. Hắn liền mời bọn họ ngồi xuống ba cái bàn kia trước rồi chạy đến gọi đạo nhân nọ hai tiếng nhưng không thấy đáp lại. Sau đó lại lay đạo nhân này hai lần, đạo nhân nọ không những không tỉnh lại mà ngược lại còn ngáy to hơn. Ở trong lữ hành đoàn nhỏ này, Tống Thời là một người cực kỳ nóng nảy, thấy tình hình như vậy, y không khỏi nổi nóng, đang muốn lên tiếng. Đột nhiên đạo nhân đó ngáp một cái rồi nói: “Mang một hồ lô rượu nữa lại đây.”

Lúc lão ngóc đầu lên, mọi người mới nhìn thấy lão ôm theo một hồ lô đỏ đựng rượu ngủ. Tửu bảo thấy đạo nhân này muốn rượu liền hỏi: “Đạo gia, ngài lại uống nữa sao? Ngài đến lúc sáng sớm, đã uống từng ấy rượu, uống nữa không tốt cho cơ thể. Theo tại hạ thấy, ngài nên trở về miếu đi.”

Đạo nhân đó nói: “Thối lắm. Ngươi mở tửu điếm, chẳng lẽ lại không cho ta uống sao? Lại còn lải nhải gây chuyện, mau lấy rượu vào hồ lô của ta.”

Tửu bảo một mặt đáp ứng “vâng vâng”, một mặt lộ ra vẻ mặt tươi cười, nói với đạo nhân: “Đạo gia, tiểu nhân định cầu xin đạo gia một chút việc.”

Đạo nhân hỏi: “Ta là một đạo sĩ nghèo, ngươi có việc gì cầu ta?”

Tửu bảo đáp: “Bốn chiếc bàn này của chúng tôi, ngày hôm qua đã để hơn mười vị tướng công bên kia đặt trước rồi, nói là tầm này hôm nay sẽ tới. Ngài lúc sớm đi lên uống rượu, tiểu nhân nghĩ nhất định ngài uống xong rồi đi, cho nên mới để cho ngài ngồi. Hiện giờ mọi người đặt chỗ đã tới, xin ngài nhường một chút, sang bên kia ngồi uống nhé.”

Sau khi nghe xong, đạo nhân giận dữ nói: “Người ta uống rượu trả tiền, ta uống rượu cũng trả tiền, dựa vào cái gì mà bọn ngươi đòi đổi? Ngươi nếu như giữ cho người ta thì lúc ta lên phải nói trước cho ta. Ngươi rõ ràng khi dễ người xuất gia ta, hôm nay đạo gia nhất định uống tại chỗ này.”

Tống Thời đợi đã lâu, không còn kiên nhẫn nổi. Lại thấy đạo nhân đó bề ngoài nghèo khó, nói chuyện ngang ngược, không khỏi giận dữ, y liền đi tới nói với đạo nhân: “Chỗ này nguyên là được đặt cho chúng tôi, nếu như lão không nhường lại, đừng trách lão gia vô lễ!”

Đạo nhân nói: “Ta ngược lại không thấy vậy, bằng cái gì mà ta phải nhường cho ngươi? Có bản lĩnh gì ngươi cứ sử ra xem nào.”

Tống Thời nghe vậy, liền tiến lên tát vào miệng đạo nhân đó. Vân Tòng thấy y tranh cãi, đang định tiến lên khuyên giải nhưng không kịp, chỉ nghe “ối” một tiếng, Tống Thời đã ôm tay đau đến mức kêu gào thảm thiết. Nguyên lai cái tát này đánh lên mặt đạo nhân giống như đánh lên sắt đá, đau đến thấu tâm can. Gã cử tử này làm sao chịu được, liền nói: “Phản rồi! Phản rồi! Kéo lão ra ngoài, đánh cho một trận rồi đưa lên quan trị tội.”

Mọi người đang định đồng loạt tiến lên, Vân Tòng vội tiến lên ngăn lại, nói: “Chư vị niên huynh hãy chậm đã, để ta nói một câu.”

Bởi trong đám chỉ có Vân Tòng mang theo nhiều tiền, lại chịu chi tiêu, vô hình trung làm gã trở thành lãnh tụ của bọn họ. Lời này của gã nói ra, mọi người đành phải tạm thời dừng tay xem gã phân phó thế nào. Lúc Vân Tòng đi tới, đạo nhân đó đã đứng lên, quan sát gã kỹ càng. Vân Tòng thấy hai mắt đạo nhân đó thần quang sáng ngời, biết không phải là hạng tầm thường. Gã thường nghe Vương Phúc nói trên giang hồ dị nhân rất nhiều, không thể tùy ý đắc tội, liền hướng về đạo nhân đó nói: “Vị đạo gia này không cần tức giận, mười sáu người chúng tôi đều là bạn hữu cùng tuổi, hôm nay tới đây uống rượu, bởi vì muốn mọi người ngồi cùng một chỗ nói chuyện cho nên mới kêu tửu bảo tới kinh động đạo gia. Nhường hay không nhường đều không quan trọng, mong rằng không bị ngài trách mắng.”

Đạo nhân đó nói: “Ai trách ngươi? Ngươi thấy đó, y đánh ta, ta còn chưa từng hoàn thủ mà.”

Lúc này tay phải của Tống Thời đau đớn không chịu nổi, trong chốc lát đã sưng đỏ lên, y nói: “Tên tặc đạo sĩ này nhất định có yêu pháp, không đưa lên quan xử nặng thì không được. “

Vân Tòng liền vội đưa mắt ra hiệu y không nên nói nữa. Một mặt gã nói với đạo nhân: “Bằng hữu tại hạ đã xúc phạm đạo gia, không biết đạo gia dùng tiên pháp gì? Y lần này đau đớn không chịu được, mong đạo gia từ bi chữa trị cho y.”

Đạo nhân nói: “Bản thân y không tốt, muốn đánh người nhưng lại không biết đánh nên mới bị thống khổ này. Ta còn chưa từng động đậy thì có tiên pháp gì đây?”

Lúc này chủ nhân tửu lâu đã biết chuyện, rất sợ sự tình ầm ĩ nên cũng ở một bên khuyên giải, nhưng đạo nhân vẫn khăng khăng không nhận lỗi. Sau nhờ Vân Tòng khổ sở van xin, đạo nhân mới nói: “Ta vốn không muốn tức giận với kẻ muốn chết. Bởi vì y không giỏi đánh người, dùng sai lực nên bị bong gân. Nếu không nể mặt ngươi thì ta cứ để kệ y đau đớn. Ngươi đi gọi y tới để ta trị cho.”

Tống Thời lúc này vẫn còn ở đằng kia mắng chửi đạo tặc bù lu bù loa. Vân Tòng tiến lại, đỡ y đi tới nhưng Tống Thời vẫn mắng chửi luôn miệng. Vân Tòng sợ đạo nhân tức giận không chữa cho nên khuyên giải y nhưng Tống Thời lại không nghe nên mười phần khó xử. Ai ngờ đạo nhân đó nghe được những lời chửi mắng của Tống Thời, lại điềm nhiên như không, ngược lại còn nói với Vân Tòng: “Ngươi không cần khó xử, ta không muốn tức giận với người chết.”

Nói xong, lão cầm lấy tay của Tống Thời, chỉ thấy đạo nhân nắm lấy tay của Tống Thời, nhẹ nhàng lắc một cái rồi nói: “Tốt rồi. Lần tới không được tùy ý ra tay đánh người nhé.” Nói xong, lão liếc nhìn Vân Tòng, lại nhè nhẹ thở dài.

Tống Thời ngoại trừ trên tay còn có chút đỏ nhưng đã không còn sưng đau nữa. Vân Tòng sợ y còn muốn chửi người ta liền kéo y đi. Rồi gã lại vội tới cảm ơn đạo nhân, kêu tửu bảo hỏi đạo nhân còn uống hay không, tiền rượu sẽ tính cho mình. Đạo nhân nói: “Rượu của ta đã uống đủ, chỉ cần năm cân rượu mạnh nữa để dùng cho bữa tối.” Vân Tòng vội kêu tửu bảo đưa tới, đổ vào trong hồ lô của đạo nhân. Đạo nhân đó cũng không cảm ơn, cầm lấy hồ lô rượu, đeo lên lưng rồi bước đi không hề quay đầu lại.

Mọi người ồn ào cả lên, có người nói đạo nhân là yêu quái, có người nói là kẻ lừa gạt để uống rượu, vừa thấy có người sẽ tính tiền cho liền không chiếm chỗ ngồi nữa. Duy chỉ một mình Vân Tòng đưa đạo nhân xuống lầu, đột nhiên nhớ là đã quên không hỏi tính danh của đạo nhân đó liền mặc kệ mọi người nghị luận sôi nổi, một mình ra cửa sổ nhìn xuống xem đạo nhân đi về nơi nào. Chỉ thấy đạo nhân đó ra khỏi tửu lâu, dưới lầu người đi đường nườm nượp, duy chỉ có nơi đạo nhân đó đi qua, vô luận người đông như thế nào đều cách thân lão một hai thước, giống như có cái gì ngăn trở ở giữa vậy, trong lòng gã thập phần kinh dị. Nhân vừa rồi chưa hỏi được tính danh, không khỏi mở miệng hô lên: “Đạo gia mời quay lại.”

Đạo nhân đó vốn đang chậm rãi đi trên đường, nghe được lời này, chỉ ngẩng đầu nhìn lên lầu. Vân Tòng nghĩ lão sẽ trở lại, ai ngờ đạo nhân đó còn đi nhanh hơn. Lúc này mọi người đã tranh cãi ầm ĩ một hồi, vì thấy Vân Tòng đứng ngơ ngẩn bên cửa sổ, liền tới gọi gã vào uống rượu. Vân Tòng quay đầu nói lịch sự đôi câu, lúc quay lại nhìn xuống đã không thấy hình bóng của đạo nhân đó nữa. Gã đành cùng mọi người ăn uống cười nói một hồi. Vì Tống Thời hôm nay đụng phải chuyện không vui nên không muốn lưu luyến đa sự, ăn uống xong liền đề nghị trở về phòng trọ. Mọi người biết tâm ý của y, Vân Tòng trả tiền xong, cả hội xuống lầu trở về điếm phòng.

Ngày thứ hai ăn xong điểm tâm, Tống Thời lại đề nghị đi du ngoạn Từ Vân tự ở ngoài thành. Từ Vân tự này chính là ngôi chùa có tiếng ở Thành Đô, điện thờ uốn cong, hành lang gấp khúc, cỏ hoa tươi tốt, cực kỳ thanh nhã tĩnh lặng. Miếu sở hữu rất nhiều đất đai, hòa thượng thường không ra ngoài. Hòa thượng trong miếu đều tuân thủ thanh quy, quán thông thiền học nên càng nổi danh ở đất Thục, mọi người sớm đã nghe danh từ lâu. Bởi vì miếu cách thành hai ba mươi dặm, cạnh đó lại là một thôn xóm nên Vân Tòng liền đề nghị: “Danh thắng Thành Đô chúng ta du lãm đã khắp cả, hiện giờ chỉ còn chỗ này. Chúng ta hôm nay sao không đi tới đó thuê một điếm phòng trú lại một ngày, thăm xong miếu, sáng sớm sẽ khởi hành đi đến Trùng Khánh?”

Tống Thời vì hôm qua đã bị khổ, không còn mặt mũi nữa, sớm muốn rời khỏi Thành Đô nên tán thành đầu tiên. Mọi người vốn không có chính kiến nên đồng ý, sau đó chuẩn bị xe ngựa, mang theo tiểu đồng Tiểu Tam Nhi lên đường.

Đến giờ Ngọ, họ đã đi được ba mươi dặm đường, quả nhiên có một thôn tập, cũng có điếm phòng. Sau khi nghe ngóng về Từ Vân tự, họ được biết là cách đây không xa. Nguyên lai nhà ở nơi này có quá nửa thuộc về miếu. Mọi người ăn uống qua loa một chút, chỉ để lại Tiểu Tam Nhi trong điếm coi nhà, toàn bộ đều đi đến Từ Vân tự. Đi chừng nửa dặm, chỉ thấy một mảng rừng rậm rạp, cây cối xanh tốt, lấp ló một góc tường đỏ. Một trận gió thổi qua đem đến tiếng tụng kinh nhè nhẹ, quả nhiên là đất lành để thanh tu. Mọi người đi đến cửa miếu rồi cùng nhau đi vào, tri khách tăng đón tiếp bưng lên chút trà xanh, chào hỏi một lượt rồi dẫn mọi người đến du lãm phật điện trong thiền phòng. Vị tri khách tăng này tên gọi Liễu Nhất, nói năng cực kỳ văn nhã, chiêu đãi ân cần, rất hợp với tính tình bọn Vân Tòng. Du ngoạn hồi lâu, tri khách tăng lại dẫn họ tới dừng chân nghỉ ngơi ở trong một gian thiền phòng. Gian thiền phòng này được bố trí rất trang nhã, trên tường treo các bức tự họa của danh nhân, trên bàn văn phòng phẩm cực kỳ ngăn nắp. Trên thiền sàng kê ở mặt tây có đặt hai chiếc bồ đoàn bằng vải gai, nghe nói là để dùng ngồi thiền buổi tối.

Mọi người muốn mời phương trượng ra để nói chuyện. Liễu Nhất nói: “Gia sư Trí Thông ở hậu viện thanh tu, tạ tuyệt trần duyên, không tùy tiện ra ngoài. Chư vị đàn việt ngày khác nếu có duyên sẽ gặp được.”

Mọi người nghe xong, tất cả đều trầm trồ thán phục. Tống Thời nhìn thấy một cuộn tranh treo ở một chỗ cực kỳ không thích hợp, đang muốn hỏi Liễu Nhất vì sao treo tại chỗ đó. Đột nhiên có một tiểu sa di tiến lại nói: “Phương trượng mời tri khách tăng tới nói chuyện.”

Liễu Nhất liền nói với mọi người: “Tiểu miếu điện phòng rối rắm, rất dễ đi lạc, chư vị hãy đợi ta trở lại phụng bồi du ngoạn, ta đi rồi sẽ trở lại.” Nói xong, vội vàng đi ra.

Tống Thời liền nói với Vân Tòng: “Ta xem bố trí trong miếu này cùng với phong cách nói chuyện của tri khách tăng rất cao minh phong nhã. Gian thiền phòng này bố trí hợp lý như thế, khắp tường đều là tự họa của danh nhân, nhưng riêng trên chỗ tường kia lại treo một bức tranh như vậy, há chẳng phải là hoa lài cắm bãi phân trâu sao?”

Nguyên lai gian thiền phòng này rất rộng, mặt đông là cửa sổ, mặt nam là cửa chính. Trên tường phía tây treo bức hoành phi “Yên Vũ đồ” của Mễ Tương Dương, trên tường phía bắc treo bức trung đường** “Bạch Thạch Thanh Tùng” của Phương Hiếu Nhụ, bên cạnh có một câu đối từ thời Tống là: “Thanh uyên kỷ thế khai lan nhược, bạch hạc thì lai phóng tử tôn.”*** Lạc khoản đề một danh sĩ của đất Thục tên Trương Dị. Duy chỉ có ở giữa thiền sàng treo một bức trung đường cô cô đơn đơn, họa tiết chính là bát tiên quá hải nhưng thế bút thô tục, khắp bức vẽ không có chút sáng tạo. Mọi người lúc trước chỉ lo nói chuyện nên chưa từng chú ý. Nghe xong câu nói của Tống Thời, tất cả đều quay đầu lại nghị luận.

Vân Tòng đang ngồi trên giường, quay đầu nhìn thấy phía dưới bức trung đường đó vắt ngang một chiếc dùi khánh, liền tiện tay cầm lấy chơi. Bản thân gã lại không lưu tâm, gõ một cái vào phía dưới bức trung đường. Đại khái là bên trên chiếc đinh cũ kỹ để treo móc lay khẽ, bị chiếc dùi khánh đó làm chấn động, mặt sau lõm vào một khối, ước chừng bằng chiều cao một người, rộng một thước ba tấc, bên trên treo một cái khánh nhỏ. Mọi người đều không rõ cái khánh đó vì sao được giấu trong này.

Tống Thời đang đứng trước giường, cầm lấy dùi khánh mà Vân Tòng đã lấy chơi, nhất thời cao hứng, tùy tiện gõ vào khánh đó một cái, chỉ nghe keng một tiếng trong trẻo. Vì thế gã lại gõ liên tiếp thêm hai cái nữa. Vân Tòng đột nhiên thấy có một tiểu hòa thượng thò đầu vào nên nói: “Tống niên huynh không nên nghịch ngợm nữa, làm loạn động người khác, tri khách tăng biết được thì xấu hổ lắm.”

Lời chưa dứt thì đã nghe thấy ba tiếng chuông vang lên, tiếp theo là một loạt tiếng cót két cọt kẹt. Đồng thời trên tường xuất hiện một cánh cửa nhỏ, trước cửa có một nữ tử ăn mặc kiều diễm đứng đó, thấy mọi người liền “a” một tiếng rồi vội lùi lại.

Tống Thời nói: “Nguyên lai nơi này có cửa ngầm, lại giấu nữ tử, phương trượng này nhất định không phải người tốt. Chúng ta cớ sao không đến chửi con lừa trọc đó một trận, vặn hết răng của y?”

Vân Tòng nói: “Niên huynh chậm đã. Tiểu đệ lúc ở nhà khi khởi hành, lão gia nhân Vương Phúc từng nói qua với tiểu đệ, khi đi tham quan bất kỳ am quán tự viện nào, nếu không có người trong miếu chỉ dẫn, ngàn vạn lần không được tùy ý đi lại. Bởi vì có rất nhiều người xuất gia, bề ngoài như vượt ngoài tam giới, không thuộc ngũ hành, thanh tịnh tịch diệt, không nhiễm bụi trần nhưng ngầm gian đạo tà dâm, không có việc xấu nào không làm. Bình thường không khám phá được hành động kín kẽ của chúng, nếu như trong lúc vô ý khám phá được, thì sẽ làm sát cơ của chúng nổi lên. Miếu này đã là đất lành thanh tu, vì sao trong phòng lại có thiết lập cơ quan, cất giấu phụ nữ? Bọn ta tốt nhất không được loạn động, nếu như bọn chúng xấu hổ quá thành tức giận, bọn ta đều là văn nhân, nếu như gặp rắc rối thì không phải chuyện đùa.”

Mọi người nghe được những lời này liền nghị luận loạn xạ. Trong nhóm có một cử tử họ Sử đột nhiên nói: “Vân Tòng huynh, huynh chỉ một mực nói chuyện, huynh nhìn xem cửa phòng vì sao không thấy nữa?”

Mọi người liền vội quay đầu nhìn, quả nhiên chỗ cánh cửa vừa đi vào, đã chẳng thấy đâu nữa, chỉ còn lại một mặt tường đen kịt. Bức tự họa treo trên tường cũng đã vô ảnh vô tung. Mọi người không khỏi kinh dị vạn phần, không khỏi bước lên đẩy thử. Chỉ thấy bức tường này cực kỳ kiên cố, giống như chuồn chuồn lay cột đá, không chút động đậy. Lúc này ngoại trừ cái cửa nhỏ trên giường, quả thực là không có cửa nào có thể ra. Tất cả mọi người vừa kinh vừa sợ.

Bỗng Vân Tòng nói: “Bọn ta đúng là ngốc quá. Hiện tại không có cửa để ra, trước mặt lại là cửa sổ, cớ sao không nhảy qua cửa sổ mà ra?”

Câu này làm thức tỉnh mọi người, tất cả đều chạy đến trước cửa sổ, dùng tay đẩy một hồi nhưng không khỏi vô cùng thất vọng. Nguyên lai cửa sổ đó tuy có bốn cánh nhưng đã bị cài then ở phía ngoài. Điều đó còn chưa quan trọng bằng bốn cánh cửa sổ này đều làm bằng kim loại. Ngoài ra còn khắc hoa văn chữ 卐, dày như ngón tay trỏ, bên ngoài sơn màu đỏ cho nên nhìn không ra. Mọi người quýnh quáng vừa đẩy vừa đập một hồi đến đau buốt cả tay, bên ngoài tịnh không có người đáp lại. Đám thiếu niên mới ra đời này giờ mới biết rằng đã rơi vào hiểm địa, tình cảnh không ổn. Có kẻ trách Tống Thời không nên gõ cái khánh đó, có kẻ lại nói bọn hòa thượng không có quy củ. Còn có hai người lớn gan nói: “Tất cả bọn ta đều là cử nhân, nhân số lại nhiều, thiết nghĩ y cũng không thể làm gì được chúng ta, đợi đến khi tri khách tăng trở lại, tất sẽ cứu chúng ta ra.”

Nghị luận ầm ĩ, khắp phòng ồn ào, không khí chuyển sang nhiệt náo. Vân Tòng bị đám người này tranh cãi đến nhức cả đầu, gã nói: “Bọn ta đã đến nông nỗi này, hôm nay lành dữ họa phúc hoàn toàn không rõ, oán trách tranh cãi đều vô ích, không bằng bình tĩnh xem xét. Một mặt mọi người nghĩ ra chủ ý để thoát ra nơi này thì tốt hơn.”

Một câu nói xong, trong phòng lại biến thành lặng ngắt như tờ, mỗi người nhăn trán nhíu mày, vắt óc suy nghĩ mà chẳng có kế sách nào. Duy chỉ có Tống Thời nhìn lên cái cửa nhỏ trên tường một cách xuất thần, y đột nhiên nói: “Chư vị niên huynh, ta nghĩ là phúc không phải họa, là họa thì tránh cũng không khỏi. Hôm nay đã không có đường ra, lại không có ai để ý chúng ta, cứ giằng co như thế mãi thì bao giờ mới thoát được? Theo ý của ta, không bằng chúng ta theo cái cửa nhỏ đó đi vào gặp phương trượng, dứt khoát cùng y nói chuyện, nói rằng chúng ta vô tình phát hiện cơ quan, xin y thả bọn ta ra. Cũng may chúng ta còn chưa làm hư cái gì của y, lại là người qua đường, mặc dù khám phá ra bí mật nhưng quyết không nói ra ngoài. Ta nghĩ chúng ta ở đây rất nhiều người có công danh, chẳng lẽ y lại có gan lớn đến mức đem bọn ta ra đồng loạt xử tử? Bọn ta chỉ cần thoát khỏi được ngôi miếu này, các chuyện từ nay về sau không phải đều nằm trong tay chúng ta sao?”

Mọi người nghe được lời này, lập tức lại huyên náo một trận, thương lượng tính toán đều nhận thấy trừ cách này ra cũng không có cách nào hay cả. Vì vậy do Tống Thời dẫn đầu, mọi người theo sau đồng loạt tiến vào. Cái cửa nhỏ trên mặt giường chỉ cho phép tiến vào một người, mọi người liền theo Tống Thời nối đuôi nhau mà vào, sau cùng là Vân Tòng. Nhóm người sập bẫy này sau khi tiến vào cửa, lại xuống hơn mười bậc thang, tới một hành lang rất dài và tối mịt, dường như đi trong ngách tường. Cách mỗi dăm ba chục bước lại có một đèn dầu lờ mờ chiếu sáng đường đi. Đi được chừng hơn trăm bước, phía trước lại có hơn mười bậc thang, phía trên hơi thấy ánh sáng. Mọi người đi lên bậc thang thấy một tòa giả sơn. Xuyên qua hòn giả sơn này đi ra ngoài liền trở nên sáng sủa, hai bên đầy kỳ hoa dị thảo, bố trí vô cùng đẹp đẽ và thanh nhã. Mọi người do từ nơi tối tăm ra ngoài sáng, không khỏi có chút hoa mắt. Mặc dù hoa cỏ rất nhiều nhưng đang lúc cát hung chưa rõ, tất cả đều không có lòng để thưởng thức.

Mọi người đang bước về phía trước, đột nhiên nghe một tiếng cười ha ha quái dị: “Chúng đàn việt nhã hứng không nhỏ!”

Mọi người kinh sợ nhảy dựng lên, nhìn về trước thì ra là một tòa đại điện. Trên bậc thềm đá, một đại hòa thượng khoanh chân ngồi, diện mạo hung ác, thân hình cao lớn, trên thân không mặc áo, hai chân để trần, bên cạnh có một đống nạo bạt dùng làm phép. Có hai nữ tử đứng bên cạnh, trên người mặc áo khoác đỏ thẫm, tuổi chừng hai mươi, mặt đầy phấn.

Tống Thời vội trấn định tâm thần, tiến lên trước nói: “Vãn sinh xin kính chào sư phụ.”

Hung tăng đó cũng chẳng để ý đáp lại y, nhắm mắt không nói. Tống Thời đành nói tiếp: “Bọn tại hạ đều là văn nhân du ngoạn qua đường, được tri khách sư phụ của quý miếu dẫn bọn tại hạ đi thăm cảnh các điện, không ngờ chạm phải cơ quan nên lạc mất cửa, mong sư phụ ban phước, phái người dẫn bọn tại hạ đi ra. Bọn vãn sinh đi ra, quyết không nói một lời nào với người ngoài về quý miếu. Không rõ ý của sư phụ ra sao?”

Hung tăng đó cùng hai nữ tử đều chắp tay nhắm mắt, không nói lời nào. Tống Thời đợi một lúc, lại nói lần nữa, hung tăng vẫn không để ý tới như trước. Cử tử họ Sử không kiên nhẫn được liền nói: “Hòa thượng chớ có như thế. Ngươi là người xuất gia, vì sao trong miếu lại ngầm thiết kế cơ quan che giấu phụ nữ? Bọn ta đều là những kẻ mới đỗ đạt lên kinh dự thi, hôm nay chỉ cần ngươi thả bọn ta đi, bọn ta quyết không nói với người khác chuyện vừa rồi. Nếu không, khi bọn ta ra nhất định phải bẩm quan trị tội phạm pháp của bọn ngươi.”

Cứ nghĩ hung tăng đó nghe những lời này sẽ nhất định sợ hãi rồi thả bọn họ đi, ai ngờ y nói: “Đám học trò khốn khổ các người, thiên đường có lối không đi, lại tự đâm đầu vào địa ngục. Đợi ta tới thành toàn bọn ngươi.”

Mọi người nghe xong lời này mới biết là không ổn. Bởi thấy hung tăng đó chỉ có một người, hai kẻ kia lại là hạng nữ lưu, nên mọi người đưa mắt ra hiệu nhau, chuẩn bị cùng tiến lên trước cướp đường mà chạy. Hung tăng đó thấy tình trạng như vậy, trên mặt hiện ra một nụ cười gằn, cầm lấy nạo bạt bên cạnh, chỉ gõ một cái, mọi người đột nhiên hai tay đã bị người khác giữ chặt. Mọi người nhìn lại, không biết từ nơi nào hơn mười tên hung tăng xông ra, có kẻ bắt người, có kẻ cầm đao sắc, chỉ trong chốc lát đã đem mười bảy người bọn họ trói lăn quay dưới đất. Lại có mười mấy hung tăng lấy mười mấy cái cọc gỗ đem bọn họ trói vào cọc, cách đại điện ước chừng hơn mười bước. Đại hung tăng đó lại lấy nạo bạt gõ hai cái, chúng hung tăng tất cả đều lui đi.

Lúc này mọi người đều đã hồn phi phách tán lăn ra hôn mê. Duy chỉ có Vân Tòng gan lớn, biết rõ sự việc đã đến mức này thì chỉ còn cách thúc thủ đợi chết. Đột nhiên gã nhớ đến phụ mẫu bá thúc trong nhà đều đã nhiều tuổi, bản thân kiêm hương khói cho cả chín chi trong họ, quan hệ vô cùng trọng đại. Gã hối hận vì thú vui của tuổi trẻ mà gặp phải đại họa này, đem kỳ vọng ngày thường của người thân cùng hoài bão bình sinh đổ xuống sông xuống biển. Gã rút ra kinh nghiệm xương máu, trong lòng không khỏi đau buồn khóc lớn.

Hung tăng đó thấy Vân Tòng khóc như thế, không khỏi ha hả cười lớn, nói với hai nữ tử bên cạnh: “Các nàng thấy đám khốn cùng bọn chúng chưa, đúng là bọn không đáng giá gì. Bình thường với thân phận tú tài, ở trong nhà tác oai tác quái. Nhưng khi gặp khốn bị bắt liền lộ ra dạng vô tích sự như thế, giống như đứa bé không được bú vậy. Hai nàng sao không đi xuống ca múa một hồi, để dỗ dành bọn chúng?”

Nữ tử đứng bên cạnh nghe xong lời ấy nói: “Xin tuân pháp chỉ.”

Áo choàng đỏ thẫm vừa cởi xuống, lộ ra thân hình trắng như ngọc rồi nhảy vào trong sân và bắt đầu múa. Eo mềm đùi trắng, da thịt nõn nà. Chân nhấc lên có thể lờ mờ nhìn thấy những nét kín đáo của nữ giới. Nguyên lai hai nữ tử này ngoại trừ khoác một cái áo choàng, còn lại không mảnh vải che thân, hiện tại dưới rốn vũ nữ có vải thưa cỡ một thước quấn quanh nhưng vẫn còn hở hang rất nhiều. Lúc này hung tăng lại lấy nạo bạt đánh liền vài cái, dưới hai hành lang chạy ra một đội hung tăng cầm nhạc khí cũng đến tham gia nhiệt náo, đúng là chân lông lá nhảy cùng chân ngọc, đầu trọc uốn lượn quanh tóc mây. Nhất thời tiếng ca múa du dương đánh thức linh hồn của hơn mười người.

Mọi người tỉnh lại, nhìn thấy cảnh tượng tuyệt vời, hoài nghi là mình đang ở trong mộng. Họ đang muốn cất bước về trước để nhìn cho rõ ràng nhưng lại bị dây thừng trói chặt, không thể hành động nên mới nhớ lại việc vừa bị trói, không khỏi lạnh ngắt trong lòng. Mặc dù ca hay múa đẹp, mỹ nữ trước mặt nhưng không có lòng để thưởng thức. Cực khổ họ kêu trời kêu đất đất, đau đớn gọi phụ mẫu, âu đó cũng là chuyện thường tình của con người. Tại lúc sinh tử quan đầu, bọn họ đều là thiếu niên mới trưởng thành, nghĩ đến mình và gia tộc đều có rất nhiều trần duyên không thể từ bỏ, lại bị tiếng khóc thảm thiết của Vân Tòng làm dấy lên cảm xúc thân thế. Tất cả đều cảm thấy đau buồn khôn nguôi. Lúc đầu bất quá họ chỉ xúc cảnh thương hoài, nức nở nhè nhẹ. Về sau càng nghĩ càng thương tâm, từng người bắt đầu cao giọng khóc lớn lên. Thật là mắt rơi lệ nhìn mắt rơi lệ, người đau khổ gặp kẻ khổ đau, tiếng khóc vang trời, thiền đường cơ hồ đã biến thành hiếu đường. Cả các nữ tử ca múa kia thấy tình trạng đáng thương như vậy, mặc dù sợ hãi hung tăng nhưng cũng đều có chút đau xót rơm rớm nước mắt, bộ pháp rối loạn.

Hung tăng đó đang ở trên cao hứng, nào muốn mọi người như vậy làm mất vui, tiếng nạo bạt vang lên, các nữ tử cùng đám hung đồ chơi nhạc đó bỗng chốc đều trở về nguyên vị, trả lại cảnh tượng yên tĩnh vốn có. Mọi người đột nhiên nổi lên ý niệm cầu sinh, từng kẻ khổ khổ sở sở van xin tha mạng. Hung tăng vẫn không để ý tới, lấy một nạo bạt ở cạnh người, đứng dậy, giơ tay lên, một vòng tròn vàng phóng tới cọc gỗ thứ nhất. Trói trên cọc gỗ này chính là Tống Thời, gã nhìn thấy một thứ gì vàng rực loang loáng bay tới trước mặt, vì bị trói chặt trên cọc không thể tránh được, biết rằng đại sự không hay. “Á” một tiếng vang lên, đầu gã đã bay xuống đất. Một mặt của chiếc nạo bạt đó găm vào trong gỗ, rung động thành tiếng.

Mọi người thấy hung tăng đột nhiên đứng dậy, rồi thấy từ trong tay y bay ra một cái gì màu vàng, còn nghi ngờ là hòa thượng có trò gì đặc biệt cho bọn họ xem giống như vừa rồi. Đến khi thấy Tống Thời đầu rơi xuống đất, mới biết được hòa thượng dùng thủ đoạn này là muốn lấy mạng của bọn họ. Tất cả đều sợ đến mức ba hồn bảy vía bay đi mất. Có người còn cầu khẩn, mong đợi một phép màu, có người đã sợ tới mức ngất đi.

Nói thì chậm nhưng rất nhanh, hung tăng đó đem mọi người làm mục tiêu thử nạo bạt. Thấy y trên đại điện động tác mau lẹ, đại hiển thân thủ. Đột nhiên xoay người, từ sau lưng lấy nạo bạt phóng ra, thình lình như lưu tinh cản nguyệt+, từng bạt nối tiếp nhau. Bạt bay ra không hề trật, mọi người đều chết không toàn thây. Chẳng lâu sau, mười sáu mặt phi bạt đã cắm trên cọc gỗ, mười sáu đầu người cũng lăn dưới mặt sân. Chỉ có một mình Vân Tòng, vì thân người quá nhỏ, phi bạt của hung tăng muốn trêu đùa trước nên may mắn tạm thời kéo dài hơi tàn.

Hung tăng thấy bạt đã dùng hết, còn có một người chưa chết, đang định tiến lên động thủ. Hai nữ tử kia mặc dù đã theo hung tăng đó mấy năm, trải qua rất nhiều quái sự nhưng thảm trạng như hôm nay là lần đầu tiên. Nữ nhân tâm địa thường mềm yếu, lại thấy Vân Tòng tuổi còn nhỏ, mặt như thiếu nữ, không khỏi động lòng thương hại, liền nói với hung tăng: “Đại sư phụ nể mặt chúng tôi, hãy tha cho tiểu hài tử này đi.”

Hung tăng nói: “Các nàng nên biết, bắt hổ dễ thả hổ khó. Nó cùng tới với hơn mười người, tất cả đều chết trong tay ta, chỉ còn lại mình nó, không thể tha được.” Hai nữ tử vẫn cầu khẩn mãi không thôi.

Vân Tòng tự thấy tất phải chết, vốn yên lặng không nói. Đột nhiên thấy có người thay chàng cầu xin hộ, lại dấy lên hy vọng, liền khóc lóc van xin: “Nhà tôi ở Quý Dương, trong chín chi chỉ sinh được một mình tôi. Lần này lỡ vào thiền đường không phải do tôi, mong đại sư phụ từ bi tha cho một mạng. Nếu như sợ tôi tiết lộ cơ mật, xin người cắt đầu lưỡi của tôi, chặt đứt ngón tay, tôi trở về viết không được chữ, nói không ra lời, cũng không thể làm hỏng chuyện của đại sư. Tôi chỉ mong trở về quê nhà, kế tục hương khói của chín chi nhà tôi là đủ rồi. Mong đại sư cùng hai vị tỷ tỷ khai ân cho.” Gã nói năng lộn xộn như vậy, cầu xin một hồi.

Hung tăng cũng vì giết người giết đến mức mềm tay, lại không nỡ từ chối hai nữ tử mình sủng ái, liền nói: “Bổn sư niệm tình ngươi khổ sở cầu khẩn, lại bởi nể mặt hai cục cưng của ta, hôm nay để cho ngươi sống thêm ba ngày.” Rồi kêu nữ tử đi gọi tri khách tăng, lấy ba loại pháp điển tới. Nữ tử vâng lệnh, liền đi ra.

Chỉ trong chốc lát, tri khách tăng cầm tới một cái khay đỏ, trên đó có ba thứ: một cái bao nhỏ bằng giấy đỏ, một cái dây thừng, xếp thành một đôi, làm thành một cái nút như ý và một thanh cương đao. Vân Tòng không biết có tác dụng gì, chỉ biết sau ba ngày vẫn không khỏi phải chết nên khổ sở van cầu như trước.

Hung tăng đó không để ý đến chàng, nói với Liễu Nhất: “Ngươi đem đứa trẻ này giam trong thạch lao, đem ba loại pháp điển giao cho gã, lại cấp cho gã mười cái màn thầu để gã sống thêm được ba ngày. Gã nếu muốn toàn thây thì tự mình động thủ. Buổi sáng ngày thứ tư, ngươi vào trong lao, nếu gã còn chưa chết thì hãy dùng thanh cương đao này cắt lấy đầu gã về thưa lại.” Liễu Nhất đáp ứng một tiếng rồi đi tới trước cọc gỗ, cởi trói cho Vân Tòng.

Vân Tòng bị trói cả nửa ngày, toàn thân đau nhức tê dại. Sau khi trải qua một phen kinh hãi vô cùng, tinh thần mệt mỏi đến cùng cực, vừa mới mở trói đã choáng váng ngã xuống đất. Liễu Nhất nói: “Các ngươi là con nhà phú quý, ở trong nhà hưởng phúc thì tốt biết bao nhiêu, sao lại khổ sở ra ngoài tự tìm chết, ta bây giờ vâng mệnh sư phụ mang ngươi giam tại thạch lao, vốn phải trói ngươi lại, nhưng niệm tình ngươi là một đứa nhỏ, có trốn cũng không thoát, bổn sư từ bi với ngươi không trói ngươi nữa. Ngươi mau theo bổn sư đi nào.”

Vân Tòng lúc này cả người uể oải, nửa bước cũng khó nhấc, lại không dám không đi. Cực kỳ bất đắc dĩ, gã đứng dậy, miễn cưỡng theo Liễu Nhất vòng qua đại điện, đi qua hai cái sân nhỏ, nhìn thấy lại có một đại điện, bên cạnh có một tòa thạch bích, cao chừng ba trượng. Chỉ thấy Liễu Nhất hướng về một tảng đá phía trước thạch bích đẩy một cái, thạch bích đó từ từ di động, hiện ra một huyệt động. Vân Tòng biết rằng chỗ này là nơi mình phải chết, không khỏi ôm lấy Liễu Nhất quỳ xuống, khổ sở cầu khẩn, nói ra tình trạng gia đình của mình, vừa khóc vừa kể, cầu xin Liễu Nhất cứu giúp.

Liễu Nhất thấy gã đáng thương, cũng động lòng thương tiếc, nói: “Lúc ngươi mới tiến vào miếu, ta cùng ngươi nói chuyện rất hợp ý, ta há không yêu mến ngươi, muốn cứu mạng ngươi sao. Chỉ là sự tình hôm nay đã quá ồn ào, ta cũng không làm chủ được. Hơn nữa miếu quy của sư phụ rất nghiêm, không kể đến tình cảm, ta thật sự lực bất tòng tâm. Bất quá hai người chúng ta hữu duyên, trừ việc thả ngươi, việc khác ta sẽ cố làm được, hoặc là có thể giúp đỡ chuyện của ngươi. Ngươi mau nói rồi đi vào trong lao.”

Vân Tòng biết rằng y nói thật, sinh cơ đã tuyệt, liền xin y trong ba ngày này, đừng cắt đứt việc ăn uống, để mình làm một tử quỷ no nê. Liễu Nhất đáp ứng, đưa ba loại pháp điển giao cho Vân Tòng rồi nói với chàng: “Trong cái bao nhỏ này là độc dược, ngươi nếu muốn chết nhanh chóng thì đây là một thứ cực kỳ tốt. Ta trở về kêu người mang đồ ăn uống ba ngày tới cho ngươi.” Nói xong, liền đẩy Vân Tòng vào trong thạch động rồi quay người rời đi.

Vân Tòng nhìn qua thạch động thấy khắp chốn âm u. Lúc này bên ngoài thạch bích đã đóng kín lại, bên trong càng không thấy một chút ánh sáng. Gã sinh ra trong nhà phú quý, nào phải chịu những loại khổ sở thế này. Lúc này rút kinh nghiệm đã qua, thảm trạng bọn đồng niên lúc chết như hiện ra trước mắt. Gã lại nhớ tính mạng mình chỉ có thể sống tạm ba ngày, phụ mẫu bá thúc già cả, hương khói chín chi toàn dựa vào một mình gã tiếp tục, mắt thấy thân bị thảm tử không minh bạch càng đau lòng đứt ruột. Lúc này đã có người mang đồ ăn uống của ba ngày cho gã tới, một hồ lô nước lớn cùng một khay bánh màn thầu, sờ mó trong bóng tối, ước chừng còn có vài cái bát thức ăn, đó nguyên là nhờ có hảo ý của Liễu Nhất.

Vân Tòng cũng không có lòng dạ nào để ăn, chỉ khóc rống không ngừng. Mặc gã khóc đến khàn cả giọng, tại nơi này kêu trời trời không đáp, gọi đất đất không thưa, cũng không có người tiến đến để nghe. Vân Tòng từ sau khi dùng điểm tâm lúc vào miếu, lúc này đã là giờ Dậu. Trải qua rất nhiều khốn khổ liên miên không dứt, khóc đã nửa ngày, khóc đến mệt mỏi cùng cực, gã nặng nề thiếp đi. Đến khi tỉnh lại, gã ngủ ở dưới thạch bích lạnh lẽo, vừa lạnh vừa đói vừa thương tâm. Tiện tay lấy bánh màn thầu, gã mới ăn được hai miếng, lại nghĩ đến phụ mẫu bá thúc trong nhà cùng với nguy hiểm trước mắt, không khỏi bật lên khóc lớn, đúng là Vu Hạp vượn khóc, không có gì thê thảm hơn.

Cứ như vậy khóc mệt rồi ngủ, ngủ dậy lại khóc, có khi cũng dùng chút đồ ăn. Trong động tối đen, không phân biệt ngày đêm, cũng không biết đã trải qua mấy ngày. Kỳ thật thần kinh Vân Tòng bị khủng hoảng. Lúc này chỉ mới là buổi tối ngày đầu tiên, nhưng phàm một người ở trong bóng tối thì có khả năng luyện tập mục lực nhất. Vân Tòng vì đã ngủ trong động một ngày đêm nên có thể nhìn được một chút. Đang lúc khóc lóc, đột nhiên gã nhìn thấy bên cạnh có một cái gì phát quang liền tiện tay cầm lấy, nguyên lai là thanh cương đao trong ba loại pháp điển của hung tăng, khiến gã suýt chút nữa bị đứt tay. Không khỏi lại nghĩ đến mạng chỉ còn một sớm một chiều, càng khiến gã đau lòng rơi lệ.

Đang lúc bi khổ, đột nhiên một cơn gió nhẹ thổi qua, có vài hạt nước nhỏ rơi trên mặt. Vân Tòng vào lúc mê muội buồn rầu này, bị cơn gió mát mưa phùn thổi tới, thần trí lập tức tỉnh táo rất nhiều. Thạch động này không thấy mặt trời, làm sao có hạt mưa thổi đến nơi đây? Trong lòng gã bỗng hoài nghi. Đột nhiên một đạo ánh sáng lóe lên chiếu rõ thạch động, tiếp đến là một loạt tiếng ầm ầm. Gã vội ngẩng đầu lên, nhìn thấy trên đỉnh thạch động có một cái động tròn lớn khoảng một thước. Khi mới vào động, vì là lúc đầu óc uể oải, trong động tối đen dị thường, cho nên chưa từng lưu ý đến. Hôm nay bên ngoài trời mưa chớp sáng mới phát hiện ra, không khỏi nổi lên ý niệm đào sinh.

Lúc đứng lên, lục tìm khắp nơi, gã mới biết thạch động này bốn mặt do gạch đá xây thành, tuyệt không có đường ra. Trên đỉnh tuy có một cái động nhỏ nhưng lại quá cao so với mặt đất, muôn vàn khó khăn để đi lên. Bên cạnh chỉ có một cái dây thừng, một thanh cương đao, tuyệt không có khí giới nào khác có thể sử dụng được. Biết rằng nguy hiểm gần kề, không thể đợi được, gã liền vội trấn định tinh thần, suy nghĩ kỹ càng một con đường chạy trốn. Sau khi quyết định sẽ đào tẩu qua cái động trên đỉnh, gã liền mang dây thừng buộc vào giữa thanh cương đao, muốn quăng lên trên, móc vào cửa động để leo lên. Ai ngờ phí mất cả nửa ngày tâm huyết vẫn không thể như ý nguyện. Nguyên lai cái động đó cách đất đến hơn ba trượng, dây thừng chỉ dài có hai trượng, đừng nói ném còn không lên, dù cho móc vào được, bản thân cũng không thể nhảy lên tới dây thừng. Một con đường sống lại trở thành bọt nước.

Vô cùng thất vọng, gã lại khóc rống một trận. Rốt cuộc gã không cam tâm chịu chết, nghĩ cả nửa ngày, đã nghĩ ra một cách ngớ ngẩn. Gã chạy đến dưới vách tường, dùng đao nạy gạch, vừa may có hai hòn gạch có chút lay động. Gã phí nhiều sức lực mới cạy được hai hòn gạch đó xuống, trong lòng vui mừng. Cứ nghĩ có thể mở được cái động này để ra ngoài, liền vội dùng đao đào, đột nhiên gã nghe có tiếng leng keng, lúc dùng tay sờ thì không khỏi kêu khổ. Nguyên lai ở giữa tường gạch có một bản sắt. Gã biết là không có hiệu quả, lo lắng vạn phần.

Trong bụng hơi đói, lúc trở lại chỗ cũ lấy đồ ăn, gã bị vướng vào dây thừng dưới chân, lập tức linh cơ chớp động, phát hiện một tia sinh lộ. Dù gã là một thư sinh yếu đuối nhưng đến lúc sinh tử quan đầu cũng bất chấp cay đắng lao khổ. Gã cầm lấy cương đao, vẫn lại đến vách tường, theo chỗ gạch đã phá, dùng đao đào khoét tiếp. Lúc này bên ngoài mưa gió sấm chớp càng lúc càng lớn, giống như là ông trời thương xót, có lòng giúp gã thành công. Cuối cùng sức lực gã có hạn, tường gạch đó lại được xây cực kỳ kiên cố nên phí hết cả hơi sức, gã mới chỉ khoét được bốn năm chục viên gạch dày bốn năm tấc, rộng hơn thước ra. Một đôi tay non nớt, rớm máu vì bị đao sắc cắt vào vài chỗ. Gã cảm giác ướt rượt, còn tưởng vì dùng sức quá độ nên ra mồ hôi, về sau từ từ cảm giác được có chút đau đớn, mới biết được là do bị thương ra máu. Gã từ khi ra đời tới nay rất được gia đình yêu quý, có khi nào trải qua khổ sở như vậy? Lúc đầu chưa phát hiện nên gã còn chưa dừng lại, sau khi phát hiện ra, dần dần cảm giác thấy đau đớn không chịu nổi, hai chân đứng vừa mỏi vừa tê, thật sự không chịu đựng được, không khỏi ngồi phịch xuống trên đống gạch rồi khóc lớn. Khóc được một lúc, hai mắt mờ dần khép lại buồn ngủ.

Lúc đang muốn hạ đầu xuống ngủ, bên tai như có người cảnh giác gã: “Ngươi hiện tại muốn chết hay muốn sống, hoàn toàn phụ thuộc bản thân nỗ lực hay không nỗ lực. Hương khói của phụ mẫu ngươi còn tiếp tục, huyết hải oan cừu của đám hảo hữu, trách nhiệm hoàn toàn ở trên mình ngươi đó.”

Giữa lúc gã vừa chuyển ý niệm đột nhiên tỉnh ngộ, biết bây giờ vô cùng cấp bách, không giống với việc làm nũng trước mặt phụ mẫu trong nhà, đợi người thân tới an ủi. Nơi này chẳng những khóc lóc cũng không có người để ý tới, hơn nữa thời gian qua một chút là mất đi một chút, trong nháy mắt là đầu một nơi thân một nẻo. Lại nhớ đến thảm trạng cái chết của bọn đồng niên, gã không khỏi kinh tâm vỡ mật. Lập tức lấy đủ dũng khí, gã đứng dậy, cố nhịn đau đớn, vẫn cứ dùng hết sức chọc vào các viên gạch trên tường, một lúc sau liền có kinh nghiệm, so với lúc bắt đầu thì đã dễ dàng hơn. Mỗi lần khoét được ba bốn viên, để vào giữa thạch động, xếp thành một cái bảo tháp, từng tầng chồng chất lên nhau. Cứ chạy tới lui như vậy, tay chân không ngừng làm việc, cũng không biết đã trải qua bao lâu, gã đã xếp được một đống gạch cao bảy tám thước.

Gã ước tính đêm nay là đêm thứ ba, thời gian không thể trì hoãn nữa, tính toán đứng trên đống gạch này, dây thừng có thể với tới cái động tròn trên đầu, liền dừng việc khoét gạch lại rồi uống hai ngụm nước, ăn vài miếng màn thầu. Lưỡi đao nhọn đó đã bị gã làm quằn, gã cầm một đầu dây thừng buộc vào giữa đao, ổn định cước bộ, theo bậc thềm vốn được xếp thành, từ từ đi lên trên. Đến đỉnh tầng cao nhất chỉ có diện tích không đến hai thước vuông, vừa đủ đặt chân. Bởi vì ở trong bóng tối, xếp không được vững chắc lắm nên đống gạch liêu xiêu muốn đổ, làm gã sợ suýt nhảy dựng lên. Biết rằng chỉ một chút không cẩn thận để tháp đổ xuống, bản thân quyết không còn sức để xếp trở lại, gã đành phải trước tiên ổn định cước bộ, đứng ở trên đỉnh, cầm sẵn dây thừng khua lên, yên lặng đợi lúc có tia chớp, nhắm chuẩn cái động trên đầu, ném lên móc vào, rồi mới có thể leo ra.

Đáng thương là gã ngưng thần suy tính, yên lặng đợi cơ hội, vài lúc có tia chớp nhưng gã đều bỏ lỡ cơ hội. Lưỡi đao buộc trên dây thừng bị gã quay tròn, lực càng lúc càng lớn. Tay thì tê mỏi, lại không dám dừng tay, sợ bị đao chém trở lại làm mình bị thương. Vừa muốn nhìn tia chớp trên đầu, vừa muốn nhìn đao đang quay trên tay, lại sợ đống gạch bị đổ, thật sự là chú ý bên trên, lại không chú ý được bên dưới, trong lòng gã lo lắng vạn phần. Đột nhiên một cơn choáng váng mắt hoa, keng một tiếng, cả đao mang theo dây thừng rời tay bay đi. Gã bị điều này làm kinh hãi, thân người đứng không vững, từ trên đống gạch ngã xuống dưới. Lần mò ở bốn phía bên dưới, thừng đao đều không thấy đâu. Tâm huyết nửa đêm lại trở thành bọt nước, càng không còn sức để có thể tiếp tục phấn đấu, trừ việc ngồi chờ chết, gã không còn có chủ ý nào khác. Vị cậu ấm công tử này càng nghĩ càng thương tâm, không khỏi lại khóc lớn lên.

Đang trong lúc không biết làm thế nào, đột nhiên ở cái động tròn trên đỉnh một tia chớp thoáng qua, gã liền nhìn thấy một sợi dây thừng dài đung đưa trên đó. Gã liền vội ngừng khóc nhìn kỹ, tia chớp lóe lên hai rồi ba lần liên tiếp không ngừng. Ánh chớp lướt qua, rõ ràng là một sợi dây thừng treo ở đó, đung đưa theo gió, cực kỳ rõ ràng.

Nguyên lai khi gã mới cầm dây thừng khua lên, lúc rời khỏi tay đã bay về hướng trên đỉnh, vừa vặn móc vào cửa động. Gã đã tưởng rằng nó bay ra ngoài động, ai ngờ lại vô tình thành toàn cho cho gã. Vì ở trong đường cùng đột nhiên gặp được sinh cơ, đúng là cực kỳ cao hứng, lập tức tinh thần gã lên gấp trăm lần, quên cả mệt nhọc. Gã phấn chấn trở lại, bò đến trước chân đống gạch, lấy tay đẩy đẩy. Càng mừng hơn là đống gạch này vẫn còn dày còn lớn, lúc gã ngã xuống, chỉ có rớt theo bốn năm viên ở trên đỉnh, còn lại thì không có gì đáng ngại.

Trải qua một phen kinh hoảng, gã càng tăng thêm phần cẩn thận. Gã dùng tay chân dò dẫm một lượt xung quanh, lại thử thăm dò bên trên rồi đem chỗ gạch rớt xuống sắp xếp lại. Gã chầm chậm bò lên trên đỉnh rồi đứng dậy. Lúc gã dùng sức khua tay trên đầu, vừa may một tia chớp lóe lên, ước tính sợi dây cách đỉnh đầu không quá một thước. Gã bình tĩnh ngưng thần, đợi ánh sáng từ tia chớp thứ hai, trong sát na đó gã liền nhảy lên nắm vào đầu dây thừng. Đột nhiên tiếng rào rào nổi lên, thân người lại rơi xuống đống gạch, làm gã sợ đến muốn nhảy dựng lên, còn cho là đao không móc chắc nên rớt trở xuống. Đáng mừng là chỉ rơi xuống một hai thước rồi bất động. Gã dùng sức thử kéo một cái, biết rằng đã móc tại miệng động, cực kỳ chắc chắn. Lúc này vừa đủ điều kiện, không cần đợi tia chớp nữa, chạy trốn quan trọng hơn, gã quên cả vết thương trên tay do đao cứa và những đau đớn khác, hai tay bám vào dây thừng leo lên. Gã tuy không có võ công nhưng tuổi còn nhỏ thân mình nhẹ nhàng, không tốn nhiều công phu đã với tới cửa động. Gã dùng khuỷu tay trái tỳ vào cửa động, dùng lực nâng người lên, đã tới được bên trên. Gã mệt mỏi đến không còn chút hơi sức, không thể động đậy nổi.

Phía trên chớp giật mưa trút càng lúc càng lớn, làm cả người gã trên dưới ướt đầm. Nghỉ ngơi một lúc, lại được mưa mát tạt vào, đầu óc gã mới có chút tỉnh táo. Gã nhớ bây giờ mặc dù đã ra khỏi động nhưng vẫn ở trong long đàm hổ huyệt, thời gian cứ lặng lẽ trôi qua, nếu không tiếp tục nỗ lực thì không thể trốn thoát. Đỉnh động này cách mặt đất rất cao, ngã xuống thì sẽ tan xương nát thịt. Gã đành phải theo ánh sáng sau tia chớp, chạy đến nơi khác rồi tính sau.

Mặt đông của cái đỉnh động này là chính là đường đi hôm trước, mặt tây tựa vào đại điện, mặt nam là sân trong miếu. Duy chỉ có mặt bắc giáp tường, chắc là cách vách với nhà dân, vì vậy gã quyết định đào tẩu về phía bắc.

Lúc này mưa rơi càng lúc càng nặng hạt, xung quanh tử khí nặng nề, một chút ánh sáng cũng không có. Nước mưa trên các cành cây chảy xuống như thác. Vân Tòng đôi phen đứng không vững bị trượt vài lần, thiếu chút nữa té ngã. Hơn nữa đỉnh động ở giữa chỗ gò cao, xung quanh đều nghiêng xuống, càng phải tăng thêm phần cẩn thận, phải đợi chớp lóe lên mới có thể đi về phía trước từng bước một. Gã đến được chỗ giáp tường phía bắc một cách khó khăn, không khỏi kêu một tiếng khổ.

Nguyên lai cái động này cách tường có đến ba bốn thước, gã vốn không có võ nghệ, lại ở trong đêm tối mưa gió, làm sao dám nhảy lên tường đó? Cho dù mạo hiểm nhảy lên trên tường cũng chẳng biết vách tường đó cao cách mặt đất bao nhiêu, hụt chân một cái, không phải là thịt nát xương tan sao?

Đang lúc vô kế khả thi, đột nhiên một trận gió lớn thổi qua, trên mặt như có cái gì phất phơ. Gã vội lấy tay chụp, cái đó có sức bật rất lớn, suýt chút nữa đẩy gã xuống, làm gã rất sợ hãi. Cảm giác được trên tay có thứ gì đó, gã trấn định tinh thần, mượn ánh chớp để nhìn xem, nguyên lai là vài chiếc lá vàng. Nghĩ là cây đại thụ bên kia tường bị gió thổi cành lá bay đến bên này, bị bản thân chụp được vài cái lá cây xuống. Gã đang suy nghĩ thì lại có một trận sấm sét, mang theo một tia chớp lớn. Vân Tòng nhìn kỹ về phía trước, quả nhiên bên kia tường có một cây đại hoàng, lay động trong cơn mưa gió. Có một cành ngang, nằm bên cạnh tường, đầu ngọn đã gãy, chắc là mới bị gió thổi qua, bị bản thân vin trúng.

Gã đang muốn nhìn cho rõ thì ánh chớp đã tắt, tối đen trở lại, gã nghĩ: “Nếu như có một trận gió như vừa rồi, chộp lấy cành cây bị thổi tới, thì có thể bám vào cành cây, bò qua tường được.”

Lúc này chớp giật lập lòe, tiếng sấm đì đùng, nhìn thấy cây này bị gió thổi xiêu vẹo, có vài lần cành cây đã bị thổi tới cách tay không xa. Nhưng gã vì nhát gan, không dám mạo hiểm nắm lấy, đến khi cơ hội trôi qua lại cực kỳ hối hận. Sau cùng lấy hết dũng khí, cắn chặt răng đứng dậy, gã làm ra tư thế nhào về trước, chuẩn bị đối mặt với một cuộc đào sinh từ cõi chết.

Vừa may gió và chớp đồng thời tới cực kỳ tấu xảo, tưởng như đem cành cây thổi vào trong tay gã. Vân Tòng vì vậy tung người về phía trước, hai tay bám chặt vào cành cây. Đột nhiên một trận gió xoáy lớn nổi lên, cành cây đó mang theo Vân Tòng rời khỏi đỉnh động, thân thể bay qua ngoài tường, lúc này gã đã đem sinh tử đặt ra bên ngoài suy nghĩ, chỉ nhắm chặt hai mắt, hai tay nắm chặt cành cây không buông. Trong phút chốc, gã đã cảm thấy bàn chân bị cái gì rất nặng đập trúng rồi bên người có một tiếng nổ lớn, đinh tai nhức óc. Gã đồng thời chịu hai thứ chấn động, không khỏi “ái” một tiếng, sơ ý một chút, tay buông ra rơi xuống mặt đất, hôn mê bất tỉnh nhân sự.

Đợi đến khi tỉnh lại, gã thấy mình đang nằm trên một cái giường gỗ, đứng bên cạnh là một lão già và một thiếu nữ, giống như là cha con. Chỉ nghe nữ tử đó nói: “Cha à, gã đã tỉnh rồi.” Nói xong rồi đưa một chén nước ấm cho Vân Tòng uống.

Vân Tòng vừa mới nhớ lại chuyện vừa chạy nạn, biết bản thân từ trên cây rơi xuống đất, nhất định là được hai người này cứu. Lúc ấy gã nhận lấy chén nước, uống một hơi, liền muốn đứng lên tạ ơn. Lão nhân đó vội hỏi: “Ngươi làm sao đến tận đây? Vì sao từ trên tường miếu rơi xuống?”

Vân Tòng còn muốn đứng dậy khấu tạ nhưng cảm thấy trong chân đau nhức ê ẩm, nghĩ là vừa rồi lúc ở trên cành cây đã đụng vào tường bị thương. Hơn nữa vất vả một đêm nên gã thật sự mệt lả. Gã cũng không hề khách khí, người vẫn nằm đó, vắn tắt kể lại chuyện bản thân chạy nạn.

Ôi!

Ở nhà chiều chuộng bao sung sướng

Giang hồ hiểm ác lắm tai ương

Muốn biết rồi Vân Tòng sẽ như thế nào, mời xem hồi sau sẽ rõ.

Chú thích

* Chỉ người đỗ cùng kỳ thi thời phong kiến.

** Bức họa lớn treo giữa nhà.

*** Vế trước vốn là một câu của Vương An Thạch đời Tống. Vế sau lấy trong cặp “Thanh ngưu cửu dĩ từ viên ách, bạch hạc thời lai phỏng tử tôn”. Hiện tại chúng tôi vẫn chưa biết xuất xứ, có bạn nào biết xin chỉ giùm. Xin cảm ơn!

+ Nghĩa đen là sao băng đuổi mặt trăng, ý nói rất nhanh. Thành ngữ này có xuất xứ từ truyện Tây Du Ký của Ngô Thừa Ân.

Hết hồi thứ chín

~*~*~*~*~*~*~*~*~

Quảng cáo
Trước /18 Sau
Theo Dõi Bình Luận
Mạt Thế Nữ Phụ Trọng Sinh Xoay Người

Copyright © 2022 - MTruyện.net