Saved Font
  1. mTruyen.net
  2. [Việt Nam] Đỉnh Non Thần
  3. Chương 14 : XIV
Trước /15 Sau

[Việt Nam] Đỉnh Non Thần

Chương 14 : XIV

Màu Nền
Màu Chữ
Font Chữ
Cỡ Chữ
Style Combo

Thi thể của Bàn Văn Tam phồng to và tím ngắt được liệm vào trong lòng một cây gỗ vàng tâm lớn mà người ta nạo giữa rỗng như một cái thuyền lườn. Nắp quan gắn bằng sơn rất kỹ.

Tang lễ cử hành rất long trọng.

Ba thầy mo được mời về để cúng cho vong linh người quá cố. Họ mặc những áo vóc vàng thêu hình bát quái viền đen, tay cầm giáo nhọn, đi hài thêu, trên đầu mỗi người đội một cái mũ thêu hình cá chép hoặc đầu ngựa.

Họ ngồi trước linh sàng, vẻ mặt nghiêm nghị và thần bí, tia mắt buông chìm vào khoảng khói hương mù mịt như trông thấu cõi vô hình. Trong khi những thanh la, trống cái, trống cơm khua inh ỏi, họ ề à đọc những bài dài thườn thượt hoặc để an ủi vong hồn, hoặc để nhắc lại các đức tính của người chết mà họ phóng đại ra một cách thản nhiên không ngượng.

Các tướng tá và quân sĩ đều phải khăn trắng, áo tang như để trở bố mẹ. Họ thành thực tiếc thương vị chủ tướng nhân từ, giản dị, can đảm và công bình.

Tuy thế, trong khi làm việc túi bụi, họ vẫn cười nói như thường mỗi khi có thể cười nói được.

Ngoài sân, dưới bóng ngọn phướn bằng vải sô mắc trên đầu một cành tre tươi còn nguyên lá, hàng chục con trâu cứ kế tiếp lảo đảo rồi ngã gục xuống mỗi khi có tiếng súng nổ. Họ dắt từng con ra giữa sân, gí ngọn súng vào khoảng giữa hai ống sừng rồi bóp cò. Những con vật nặng nề như bị sét đánh, chỉ loạng choạng được mấy cái rồi ngã giụi. Tức thì những đống lửa rơm cháy lên ngùn ngụt như đình liệu. Màu da trâu mấy phút trước còn đen trũi thì thoáng cái đã vàng rực. Họ mổ lấy hết nội tạng ra rồi cứ để nguyên cả con thế mà khiêng vào trong nhà, đặt nằm phủ phục trên những mâm lớn. Ngoài ra, lại còn những dê, lợn gà, vịt bị giết vô kể.

Mỗi lần cúng như thế xong thì các con vật chết lại được khiêng ra sân. Dao thớt lúc này mới lên tiếng. Rồi sau, trên các mâm đồng to như từng cái nong một, người ta chỉ thấy những thịt là thịt. Bên cạnh mỗi mâm, từng hũ rượu đầy ăm ắp. Rồi tất cả cùng ngồi ăn, theo đúng thứ bậc trên dưới. Lúc đã no say rồi, ai nấy lại càng tỏ ra thương xót chủ tướng lắm. Họ nói đến chuyện phục thù báo oán, họ bàn những kế sách đánh nhau, họ tưởng tượng lớn lên những cuộc tru lục ghê gớm, hãi hùng. Họ không phải những người chỉ nói suông. Những lúc ấy mà được lệnh thì họ có thể đem lời nói thực hành ngay được.

Cúng lễ, ăn uống như thế mãi đến trưa ngày thứ ba thì cử hành việc an táng. Thực là một cuộc rước xách linh đình. Mở đầu có năm lá cờ rồi trống chiêng, rồi bát âm, và sau cùng, linh cữu đi theo sau ba ông thầy mo khiêng bởi mấy chục tên quân lực lưỡng. Kèm hai bên đám rước, quân sĩ từng hàng dài cắp giáo, gươm sáng quắc. Hết thảy cùng vận quần áo, ở xa nom trắng lốp như một đàn cò.

Đám đi rất chậm. Theo dịp phách gõ, bọn đô tùy cứ tiến lên một bước thì lại lui về ba bốn bước.

Nhưng, rồi đến nơi, nghĩa là đến một quả gò nổi như mâm xôi ở giữa ở chân lũng phẳng, ba mặt có dải núi cao. Thầy mo đoán kiểu đất này quả là quả ấn để trên một cái ngai. Đô tùy khiêng cữu hạ huyệt.

Trước khi lấp đất, bọn lính súng bắn một loạt hỏa mai rất hùng dũng. Cái chết của một vị võ tướng, nhờ vậy có một khí vị oai hùng.

Công việc xong xuôi, Tuyết Hận truyền gọi tất cả tướng sĩ lại mà bảo rằng:

- Thúc phụ tôi trước khi mất có đem bài Hịch Bình Tây giao cho tôi và có bảo tôi nên đem cuộc đời tôi vào việc phụng sự cho vua, cho nước. Di mệnh ấy, bổn phận của tôi là phải vâng theo, nhưng nghĩ rằng việc gì mình làm mình chớ nên ép ai phải làm theo với mình. Bởi lẽ đó nên hôm nay tôi mới cùng tướng sĩ có cuộc hội họp này.

Ý tôi muốn rằng, trong các người, ai theo tôi càng hay, còn những ai muốn ở lại thì tôi sẽ đem ruộng đất ở đây chia đều cho để mà cày cấy an cư lạc nghiệp.

Theo hay không, các người chớ coi là một việc quan hệ, hoặc có thể làm cho tôi vui lòng hay phiền lòng. Người ta không nên ép cái chí muốn của mình. Vả lại, dù đi hay ở, các người đều có thể tỏ ra là những dân tốt của nước là đủ. Tôi chỉ cần các người có một điều: sự hòa hợp. Các người bấy lâu cùng thờ một chủ, cùng chia nhau một sự vui, một sự buồn, một nỗi vất vả hay một vinh quang. Thế thì từ nay về sau, các người cứ nên coi nhau như trong một họ, nên nhường nhịn nhau, nên thương yêu nhau, nên giúp đỡ nhau. Được như thế các người dù có không theo ta nhưng tức là vẫn tốt với ta đấy.

Nghe Tuyết Hận nói, mọi người nhìn nhau, cùng tỏ vẻ cảm động, ngơ ngẩn. Họ không đợi chờ sự chia phôi ấy.

Một sự im lặng bao phủ xuống đám đông trong đó người ta cảm thấy rõ rệt những bồi hồi, những thổn thức, những hăng hái quả quyết, những phân vân do dự và cả nước mắt ngấm ngầm nữa.

Tuyết Hận nín một lúc lâu mới lại nói:

- Ngay hôm nay ta sẽ biên thư cho một thủ lĩnh quân Cần Vương để ngỏ ý xin theo giúp. Mọi việc ở đây, ta sẽ giao cho lão tướng Tựu Nghĩa. Những ai muốn theo ta cũng do lão tướng kê vào danh sách. Và phân thành đội ngũ khác. Những ai muốn ở lại cũng do lão tướng chia ruộng nương cho. Các người có điều gì muốn nói, ý gì muốn bày tỏ, cứ trình với lão tướng là đủ, bất tất hỏi ta làm gì.

Từ nay đến trăm ngày thúc phụ ta, ta nhất định không lưu tâm bất cứ một việc nào hết thảy.

Tuyết Hận nói xong, lui về phòng riêng sau khi đã truyền khao thưởng tướng sĩ về công phu vất vả trong mấy ngày tang lễ còn bề bộn.

Lúc này mọi người mới xôn xao bàn tán... Cũng như trong mọi đám đông thường thấy ý kiến mọi người xung đột nhau rồi do đấy càng trở nên mãnh liệt một cách bướng bỉnh.

Trong khi ấy thì, trong phòng riêng, Tuyết Hận chống tay dưới cằm, ngồi lặng im nghĩ ngợi.

Theo ý chàng thì sự thù oán của hai nhà từ nay có thể coi như là kết liễu. Oan cừu có thể dứt bỏ được để gây lấy cuộc đời hòa hảo nó là nguồn gốc cái hạnh phúc tha thiết của chàng với nàng.

Tuyết Hận cảm động một cách sâu xa những lời mà ông chú chàng đã nói trước khi tắt thở. Ông không giận nhà họ Ma nữa. Hơn thế, ông đã tán thành cái tình yêu của Tuyết Hận. Nếu bây giờ chàng lấy nàng Nhạn, vong hồn ông ở dưới suối vàng tất coi Nhạn như một người cháu dâu thương mến.

Nhưng...

Nhưng, về nhà nàng, chẳng hay người ta có nghĩ như thế chăng? Nhất là Nhạn, nàng nghĩ ngợi ra sao về cái chết của ông bố? Nàng coi cái chết của phụ thân như một quả báo của thiên lý hay lại mang thêm một mối thù, coi chàng như một kẻ đáng ghê tởm? Trời! Nếu vậy thì Tuyết Hận còn mong gì nữa! Nếu vậy thì, bước chân ra khỏi rừng xanh, Tuyết Hận sẽ mang theo cái chết ở trong lòng.

Sự nghi ngờ làm cho Tuyết Hận cực kỳ khổ sở. Chàng tính chỉ còn một cách là giáp mặt nàng Nhạn để dò xem ý kiến nàng ra sao.

Sự ấy rất khó khăn. Nhưng tuổi trẻ có bao giờ chịu thua sự khó khăn! Tuyết Hận nhất định sẽ gặp nàng Nhạn thì rồi đây chàng sẽ gặp, không có sức gì ở trên đời ngăn chàng nổi.

Tuyết Hận thổn thức đến cái phút được giáp mặt nàng, được nhìn cặp mắt trong sáng, làn môi tươi, gương mặt êm đềm mỹ lệ và nhất là cái giọng nói, cái giọng nói êm như tiếng đàn...

Trong lúc ấy thì dù có phải chết, Tuyết Hận cũng vui lòng vì chết giữa lúc cả tấm lòng đương rung động chẳng hơn là sống mãi mãi mà trái tim đã thành ra cái mả vùi lấp tình yêu?

Tuyết Hận nóng nảy chờ cho hết trăm ngày của ông chú. Chàng nhất định sẽ ra đi, nhất định xéo lên muôn nghìn gian hiểm để xem cuộc đời của chàng sẽ kết liễu ra thế nào, sung sướng hay khổ sở.

Một buổi sáng kia, Tựu Nghĩa vào.

Tuyết Hận đương nằm xem sách vội nhỏm dậy:

- Cái gì thế, lão tướng?

- Bẩm công tử, có thư của thủ lĩnh Cần vương.

- À!

Tuyết Hận vừa nói vừa run tay tiếp lấy chiếc phong bì dán kín. Chàng mở thư ra đọc, vẻ mặt cảm động.

Hồi lâu, Tuyết Hận bảo Tựu Nghĩa:

- Các tướng Cần vương lấy làm vui vẻ và nhận lời. Phong trào phản đối lan mỗi ngày một rộng. Chưa biết rồi đây thời thế sẽ đem cho ta những sự lạ gì!

- Cứ như lời tên đưa thư thì miền xuôi hiện thời loạn lạc dữ lắm. Phía Tây thì quân Xiêm La, Lào sang quấy nhiễu, quân Pháp mỗi ngày một tìm cách bắt nạt triều đình. Trong nước thì bọn giáo dân làm tay trong cho giặc, khiến cho các bậc chí sĩ thêm tức giận mà đảng Văn Thân trở nên mạnh lớn vô cùng. Triều đình tuy không ra mặt nhưng vẫn có ý ngấm ngầm tán trợ.

Tuyết Hận thở dài.

- Nước mình khổ sở thực! Gỡ cho xong ngần ấy mối loạn cũng còn lâu. Rút cục lại chỉ khổ cho trăm họ...

Ý tưởng ấy hiện ra rồi mất ngay. Máu thiếu niên dù sao vẫn còn nóng, Tuyết Hận sáng mắt, đỏ mặt lên mà rằng:

- Không gì tức bằng giòi trong xương giòi ra. Những quân chó chết ấy phải giết cho kỳ không còn mống nào nữa rồi giang sơn dù có mất cũng hả.

- Công tử định hôm nào ra quân?

- Chỉ trong nội tháng này.

Nghĩ ngợi một lát, chàng hỏi:

- À, thế nào, các tướng sĩ đi, ở ra sao?

- Họ tình nguyện theo nhiều lắm! Chỉ trừ những người nào già cả, yếu đuối, bận bịu có gia quyến mà thôi.

- Lão tướng đã ghi tên tuổi những người xin theo vào sổ quân rồi chứ?

- Bẩm vâng.

- Tổng số được bao nhiêu?

- Cứ kể thì nhiều, nhưng tôi phải gạt một số lớn.

Tuyết Hận ngạc nhiên:

- Thế là thế nào?

- Tôi chỉ lấy có hai nghìn quân lựa trong những người thực khỏe mạnh, nhanh nhẹn và quen việc đánh chác mà thôi. Là vì đem quân đi xa, việc lương hướng khó khăn lắm.

- Thế còn những người kia?

- Những người kia tôi cũng nhận nhưng bảo họ hãy yên chí ở đây, tập luyện cho tinh đã rồi khi nào cần đến sẽ gọi đến sau...

- Tôi tưởng.

- Thưa công tử, mình bây giờ chỉ cốt giết bọn nội phản mà thôi. Thảng hoặc có phải xung đột với ngoại địch thì cũng chỉ theo cái phương pháp thủ hiểm phục binh, dĩ đoản kích trường, chứ đương diện chiến đấu thì mình địch sao lại với súng lớn quân địch. Phép đánh cất lén này, như công tử đã rõ không cần phải nhiều mà chỉ cốt những quân tinh nhuệ. Nhiều quân lắm, việc cai quản, việc chuyển vận lương thực và đổi thay địa điểm chỉ tổ khó khăn mà thôi.

Tuyết Hận gật gù khen phải.

- Lão tướng liệu việc giỏi lắm! Tôi xin cảm phục.

- Tôi đã chia hai nghìn quân ấy ra làm hai mươi tiểu đội. Một tiểu đội gồm có một trăm người cho một dũng sĩ quản đốc.

- Thế là thế nào?

- Như thế là theo đúng cách hành quân của Bắc Bình vương Nguyễn Huệ khi xưa vậy. Hai mươi tiểu đội có thể rời ra mà huy động biệt lập, tuy bề trong, vẫn có liên lạc mật thiết với nhau. Mỗi lần cùng quân địch chiến đấu, ta hợp lại tan ra biến hiện không thường làm cho quân địch không biết đâu mà lường được. Hễ nó đánh dồn về phía trước thì ta lẻn thúc vào sau lưng. Nếu nó ồ sang phía tả thì ta quật vào phía hữu. Ta thì ung dung thủ hiểm, quân địch phải hoảng hốt ứng cứu, vừa nhọc, vừa hãi, sức chiến đấu sẽ giảm đi nhiều.

Tuyết Hận mỉm cười:

- Sách có chữ "phi lão thành bất thành". Phương ngôn cũng nói "hơn một ngày hơn một chước", tiểu tướng xin khâm phục tướng quân!

- Chả dám! Chúng tôi chịu lời ủy thác của chủ súy, chẳng qua hết lòng báo đáp mà thôi.

- Tướng quân hà tất khiêm tốn. Kể về sức trai tráng xông pha, tướng quân có lẽ kém tôi thực, nhưng kể về kinh nghiệm và mưu kế thì tôi xin nhường quyền điều khiển cho tướng quân. Tướng quân là bộ óc của ba quân mà tôi tức là cánh tay vậy.

Tựu Nghĩa cảm động:

- Xin đa tạ công tử!

- Lão tướng làm ơn chủ trương mọi việc cho. Tôi chờ xong bách nhật của thúc phụ tôi thì tôi sẽ sang qua châu Đại Man rồi lúc về thì ta khởi quân xuống Trung Châu.

- Xin vâng lệnh công tử và xin công tử cứ an tâm, mọi việc đã có chúng tôi cáng đáng.

Thế là, một buổi sáng mùa đông, Tuyết Hận ra đi từ sáng sớm, nai nịt gọn ghẽ, vai đeo cung tên và hành lý, cưỡi trên lưng ngựa bạch.

Chàng đi dưới mưa, nắng, gió, sương, khát thì uống nước suối, đói thì ăn lương khô và hoa quả.

Chẳng bao lâu, chàng lận vào rừng.

Trên một cành ba soi, một con gà rừng lách đầu trong cánh ngủ đương say...

Tuyết Hận, không biết nghĩ ngợi ra sao, rút ngay gươm phạt một nhát đứt hai chân con gà rồi lại lững thững đi...

Mấy giờ sau, Tuyết Hận leo lên một đỉnh gò cao vút.

Chàng thoáng thấy ở một mỏm đá cheo leo hai con dê rừng đang cùng nhau đứng ngắm xuống lòng vực thẳm.

Tuyết Hận gò cương, giương cung, đặt tên, ngắm rõ đích xác rồi bắn ra một phát. Một con sơn dương bị trúng giữa sườn ngã lăn xuống vực. Con kia giật mình cũng ngã quăng cổ xuống nốt.

Tuyết Hận mỉm cười, sắc mặt dữ tợn, một màng máu đỏ chàm qua hai mắt, máu trong người chàng sôi lên. Chàng cũng không hiểu tại sao chàng tự nhiên nảy ra một sự khát máu.

Ngựa xuống hết nửa đồi, qua một tràn lau phẳng rồi sau lại vào khu rừng già.

Những thân cây to, những cột lớn của một ngôi đền chùa vĩ đại. Dưới lớp trần xanh, trong cái tờ mờ tranh tối tranh sáng, thỉnh thoảng một con công bay là là khoe bộ lông đuôi rực rỡ hoặc một con trĩ cất cánh vụt lên ngọn cây cao, lông trắng như quét phấn, hay một con sóc nhảy loắt thoắt trên cành, nhìn chàng với vẻ ngẩn ngơ kinh hãi.

Tuyết Hận bắn giết không biết chán, dễ dàng như một giấc chiêm bao.

Chàng cảm thấy có một niềm vui sướng mọi rợ! Mỗi khi thấy một con vật lăn xuống bụi rậm, một vết máu đào hoặc thoáng nghe một tiếng kêu đau đớn...

Có lẽ mối tình tuyệt vọng trong lòng chàng đã khiến cho Tuyết Hận trở nên hung ác. Khi người ta đau khổ, người ta thường muốn cho mọi sự vật cùng đau khổ. Trong cái ý muốn vô lý ấy, người ta như tìm được sự an ủi, khoái lạc.

Tuyết Hận càng lại gần cái mục đích của cuộc lữ hành càng cảm thấy băn khoăn hồi hộp...

Hình ảnh của nàng Nhạn, Tuyết Hận thấy mỗi ngày một xa mờ đi, cách trở rất nhiều khó khăn mà chàng cho rằng sức người khó mà vượt được. Tương lai vì thế hiện ra trước mắt chàng tối tăm như chìm trong một cảnh sương móc...

Đến châu Đại Man, Tuyết Hận trông cảnh vật điêu tàn ngán ngẩm lòng càng thấy như có một mớ tro tàn.

Qua nhà ông lão Nùng Phay, chàng rẽ vào thì đồ vật trong nhà vẫn y nguyên như cũ. Chỉ khác có một điều là bỏ vắng lâu ngày, không khí phảng phất một mùi ẩm mốc và, trên các vật một lớp bụi phủ lên như cám rắc.

Chàng nghỉ trong túp nhà đó một đêm. Hôm sau, dậy sớm, Tuyết Hận đập đá lấy lửa nấu ăn xong rồi thủng thỉnh ra đi. Chàng vơ vẩn trong các phố, nghe ngóng binh tình nhưng không nghe gì lạ ngoài đám tang lớn và cái chết giữ dội của Ma Vạn Thắng. Mà cũng chẳng ai đả động chi tới nàng Nhạn. Xem chừng từ khi ấy, nàng Nhạn ở lỳ trong phòng khuê chứ không ra ngoài.

Nếu vậy thì gặp mặt nàng quả nhiên là một sự khó.

Tuyết Hận nghĩ quanh nghĩ quẩn mãi không ra một kế gì.

Sau cùng, chàng lững thững trèo lên đỉnh núi Thần để nhìn vào trong thành họa may có thấy bóng nàng.

Núi cao và rậm rạp lại chưa từng có dấu chân người. Trừ khi ai đó can đảm hoặc run rủi bởi sức mạnh của tình yêu như Tuyết Hận lúc ấy thì mới dám mạo hiểm phạm vào một nơi linh thiêng mà dân vùng đó vẫn kiêng sợ.

Tuyết Hận lên tới đỉnh núi, ngồi vắt vẻo trên một tảng đá nhìn vào thành. Tuyệt nhiên không thấy bóng nàng Nhạn đâu cả.

Tòa thành xa nom chỉ bằng cái nia nên dù nàng Nhạn có ra ngoài, Tuyết Hận cũng khó lòng trông thấy. Chàng đưa mắt nhìn những dải núi trùng trùng điệp điệp nổi lên ở vùng châu Đại Man, y như những làn sóng khổng lồ không động. Dưới chân chàng, sông Gâm từ từ chảy như một dòng bạc lỏng.

Tuyết Hận thở dài, lẩm bẩm:

- Hừ! Núi dài sông rộng, loài người cớ sao không chia nhau ra đấy mà sinh cơ lập nghiệp, lại cứ xúm nhau lại một chỗ để rồi tranh nhau từng thước đất, lấn nhau từng hàng rào, rồi ghen ghét, giết hại nhau...

Buồn rầu, Tuyết Hận rút dao lưng cắt những ống sậy mọc quanh mình, tỉ mỉ ghép lại thành một cái Krèng xinh đẹp.

Chàng bắt đầu thổi...

Nỗi nhớ nhung sầu muộn trong lòng chàng như thoát qua ống sáo, tản mạn trong không gian.

Chính tiếng Krèng ấy đã vẳng tới tai nàng Nhạn. Chính những âm thanh ngụ cả một mối tình đau đớn ấy đã làm cho thiếu nữ cảm động và mơ màng...

Và, sau cùng, Nhạn như bị một sức thôi miên hấp dẫn, truyền đóng ngựa để lên chơi đầu núi...

Quảng cáo
Trước /15 Sau
Theo Dõi Bình Luận
Khói Bếp Ven Hồ

Copyright © 2022 - MTruyện.net