Saved Font
  1. mTruyen.net
  2. [Việt Nam] Hà Hương Phong Nguyệt (1912
  3. Quyển 4-Chương 4 : Tranh gia tài Nghĩa Hữu hại trẻ, Khỏi nạn nghèo thị Hoa gặp cừu nhơn
Trước /44 Sau

[Việt Nam] Hà Hương Phong Nguyệt (1912

Quyển 4-Chương 4 : Tranh gia tài Nghĩa Hữu hại trẻ, Khỏi nạn nghèo thị Hoa gặp cừu nhơn

Màu Nền
Màu Chữ
Font Chữ
Cỡ Chữ
Style Combo

Nghĩa Hữu về tới, chạy vào nhà làm bộ mặt hơ hãi, thấy Hà Hương đang ngồi, xốc tới trước mặt mà nói cách thảm thiết rằng: “Không xong mẹ trẻ ôi! Thị Hoa bị hổ giảo rồi.”

Hà Hương nghe tin dữ vậy thất thanh, hồn bất phụ thể. Chập lâu tỉnh lại, đôi tròng lụy nhỏ chứa chan, mới hỏi duyên cớ làm sao mà ra đến đỗi. Nghĩa Hữu đáp rằng: “Kể từ giờ thị Hoa xách thúng theo ta vào rừng, chí dốc tìm trái Sơn trà mà hái về cho mẹ trẻ, chẳng dè đi quanh quanh lộn lộn cho tới trưa mà tìm không ra gốc. Xảy đâu đi tới một chỗ rậm rạp, gặp môt cây chín đỏ tươi, ta mới để cho thị Hoa đứng hái, còn ta thì xách ná rảo săn.

Chẳng dè đi chưa bao xa, bỗng nghe tiếng thị Hoa la oản. Ta lật đật trở lại chỗ thì thấy máu tuôn đọng vũng, còn thị Hoa đâu chẳng thấy hình, ta định quyết cho thị Hoa bị cọp vật rồi, ta mới xách ná chạy theo dấu máu. Ta liều thác mà cứu thị Hoa cho đặng, chẳng dè theo tới rừng cội bặt dấu máu rơi, ta xông vào tầm kiếm đã hết hơi, kiếm cho tới mặt trời gần chen lặn.

Kiếm thấy không đặng, sợ tối phải trở ra, ngùi ngùi thương phận thị Hoa, ở cùng chồng vợ ta hết dạ. Trời nỡ định mạng nàng bạc quá, sớm vong mà thây chả toàn thây, thảm thay, khi ra đi có tớ có thầy, lúc về lại còn đây mất đó.”

Hương nghe nói hai hàng lụy nhỏ, thương thị Hoa phận số rủi thay, “Trách trời xanh nỡ phụ người ngay, khiến đến đỗi thi hài rời rã. Ngay cùng chủ đinh ninh một dạ, hẳng lo sao nghĩa trả ơn đền, có dè đâu miệng cọp chẳng kiêng, làm cho tớ chịu riêng oan khúc!

Thời cũng tưởng cùng nhau hẩm hút, từ xanh mi chí lúc bạc đầu, căn bởi đâu số bởi đâu, khiến cho tớ lâm vào hổ huyệt. Kể từ đây tớ thầy đành cách biệt, thương để lòng dễ biết tính sao, cho hay câu thiên số nan đào, dẫu rằng bực trí tài khó lánh.”

Từ ngày thị Hoa mất rồi, HÀ Hương thương nhớ rầu rĩ không nguôi dạ; Nghĩa Hữu thấy vậy, đã chẳng khuyên giải thì chớ, lại bỏ đi tối ngày, không hay ấp yêu như trước. Đi thì chớ, về tới nhà làm mặt quỉ thần, quở trách rầy la, con mầy con tao nhiều tiếng.

Hà Hương thấy vậy lại càng buồn rầu hơn nữa, rầu đến đỗi ốm o gầy mòn, còn da bọc xương, phai hương lợt phấn. Nay đau mai mạnh, giã dượi hình dung, xưa kia mặt má hồng, nay mét xanh như tàu lá. Cơn buồn không nguôi dạ, nỗi thảm chải giải khuây, một mình vắng vẻ tối ngày, hột lụy không ngưng giọt.

Ôm trẻ dại ngồi mà than khóc, nghĩ tới chồng chua xót ruột gan, cũng vì mình ràng buộc dây oan, bây giờ có ăn năn cũng muộn.

Bốn năm tháng trường như vậy, Hà Hương xáng bịnh đau nặng, không ai coi sóc Ái nhơn, thằng Thoàn bỏ đi chơi một mình, còn Nghĩa Hữu thả lưu linh lưu địa. Hà Hương nằm chao vao, cơn tỉnh thì còn nhớ đến Ái Nhơn mà kêu con ôi con hỡi, đến lúc mê nào biết tới con.

Bởi vậy, bữa nọ Hà Hương nằm mê man, Ái Nhơn đứng bên giường, kéo áo mẹ khóc kêu inh ỏi. Kêu khóc lâu không đặng, buồn ý Ái Nhơn mới đem đồ ra sân lần lục soạn mà chơi, êm tai nghe tiếng sóng bủa ngoài khơi, mát mặt gió hiu hiu thổi tới. Ái Nhơn buồn ngủ, nằm dựa vách duỗi chưn, dè đâu tai nạn đến chừng, khiến Nghĩa Hữu đi rừng về tới.

Lên lầu thượng bước vào phòng nội, thấy Hà Hương mê muội không hay, bèn ưa chơn bước rảo ra ngoài, thấy trẻ dại nằm ngay ngon giấc. Nghĩa Hữu lòng bạc ác, mong giết thác Ái Nhơn, nghe vì: “Chốn không người ai rõ thấu nguồn cơn, mà chẳng tính oán hờn cho dứt. Con mình lớn lo chi nghèo cực, cả gia tài mặc sức ngỏa nguê, dợm ra tay chợt thấy hiền thê, Nguyệt Ba hiện hồn về trước mặt. Rằng: “Lang quân chớ làm điều bạc ác, nghịch lòng trời trời phạt chẳng tha, xưa vì Hà hương chàng giết thác Ái gia, trời đất quỉ thần đà căm giận. Dường ấy còn chưa hối hận, nay chàng toan giết tận họ hàng, thiếp về đây mách bảo cho chàng, mưu tính quấy giết oan trẻ dại. Dầu chàng có quyết lòng sát hại, cũng có người làm ngãi giải nguy, số Ái Nhơn vốn chưa tới kỳ, dầu cho đến lẽ gì cũng sống.” Bỗng đâu nàng khuất bóng, Hữu ngơ ngẩn như say, vậy mà còn chưa chịu nhơn tay, quyết bồng trẻ quăng ngay xuống biển.

Sợ người thấy cơ gian mà sanh chuyện, Hữu mới ngó theo mé biển coi chừng, sóng bủa gầm như có kẻ núp sau lưng, Nghĩa Hữu sợ tay chưn run bẩy bẩy. Xảy nghe có tiếng đâu xúi quấy: “Giết nó đi không ai thấy mà lo, hễ cho con ruột ấm no, trước phải hại thân con ghẻ.”

Nghĩa Hữu nghe xúi như vậy lại càng nông chí, xốc tới bồng Ái nhơn gởi cho con sóng lượng. Tội nghiệp Ái Nhơn còn đang mê giấc, chừng giựt mình nước đã ngập đầu, dẫu Phật trời thấy vậy cũng thảm sầu, người trần thế há chẳng đau lòng dạ.

Nghĩa Hữu hại Ái Nhơn rồi, giựt mình, muốn kiếm ngõ mà đi, song nghĩ lại nói trong bụng rằng: “Nếu mình bỏ mà đi, chi cho khỏi mẹ nó nghi mình giết. Chi bằng mình giả đò không biết, vào như thường, mẹ nó có khóc mình cũng làm bộ thở than, xét lại có ai rõ cơ quan, mà thổi lông tìm vít.” Nói rồi liền vào phòng, bước lại bên giường, vấn an Hà thị.

Nói về thị Hoa bị Nghĩa Hữu trói bỏ nơi rừng cội, la khóc kêu trời, la đã hết hơi mà không ai tiếp cứu. Bóng trời đà hầu khuất, nghe thú rừng trổi tiếng kêu vang, thị Hoa lòng dạ xốn xang, mắt đôi hàng đượm giọt.

Thị Hoa than rằng: “Miệng hùm dẫu gởi thây nào tiếc, thương phận Ái Nhơn chưa biết dữ lành, nhớ những khi chủ mới ngặt mình, kêu ta tới tỏ tình ký thác. Ta cũng tưởng sống thì gởi nạt, đền ơn người cho tạc lòng trung, có dè đâu mạng vắn số cùng, làm sao giữ thỉ chung cho đặng. Nghĩ mấy nỗi lòng càng cay đắng, ngó trời xanh than vắn thở dài, trời cao sao nỡ phụ người ngay, khiến đến đỗi lầm tay quân dữ.”

Than vừa dứt lời, bỗng nghe có tiếng chơn bước trên lá cây nghe ào ào, thị Hoa ngỡ là thú, nên sợ đứng ôm gốc cây làm thinh lẳng lặng, chẳng dè giây lâu lại nghe có tiếng người, thị Hoa mừng lòng, cả tiếng kêu xin người cứu nạn.

Kêu như vậy hồi lâu, xảy thấy một ông già mày râu như tuyết, đầu tóc tợ thúng bông, hình vóc cao lớn, bộ tịch mạnh mẽ, vác rìu đi xốc tới trước mặt thị Hoa mà hỏi rằng: “Chừng nầy ai làm gì mà còn ở đây, kêu la om đó vậy?”

Thị Hoa ngó thấy mừng lòng, bèn khóc và đáp rằng: “Lạy ông, tôi là người mắc nạn, bị người trói bỏ đây, xin ông cứu tôi ra cho khỏi chốn nầy, ơn ông tày sông biển.”

Ông già liền bước lại mở trói cho thị Hoa và hỏi: “Bởi tại sao mà sanh chuyện, cháu mau phân biện đuôi đầu, vậy chớ cháu ở chốn nào, mà dám ra vào rừng vắng. Đi sao không hiệp bạn, để người kết oán hại thầm, vậy cháu mau ra khỏi tòng lâm, nếu trễ bước tối tăm mang hại.”

“Thưa ông, cháu vốn ở nơi Long Hải, theo chủ vào đây hái Sơn Trà, vẫn cháu là tớ nhà, có điều chi mà oán, chẳng biết sao, chủ tôi lại quyết lòng hại mạng, nên mới gạt tôi tới đây đành đoạn trói tôi, đem thân tôi đến hang cọp mà làm mồi, nếu chẳng có ông cứu, lát nữa ắt không rồi tánh mạng. Ơn ông mang rất nặng, biết lấy chi đáp đặng nghĩa dày, vậy thì xin ông chớ nệ gái trai, cháu nguyện làm dưỡng nữ tháng ngày theo dõi.”

Tiều lão nghe qua liền nói, “ Thôi ơn nghĩa mà làm chi, cháu mau ra khỏi chốn nầy, về nhà cho gặp mặt tớ thầy, chẳng nên mển cỏ cây rừng bụi. Như phận ông khác, già bao quản cơm khô một túi, vai mang nước suối một bầu, ngơ tai nghe chuyện công hầu, kín miệng nói sang giàu trong thế.

Chuyên một nghiệp rừng mây củi quế, lâm lộc nầy giỏi nghệ xưa nay, hễ gặp ai lâm nạn mang tai, thì lão ra tay cứu giải. Lão đâu có chờ ai đáp ngãi, miễn giúp người khỏi hại thì thôi, bây giờ đây cũng đã tối rồi, cháu tua khá phản hồi gia nội.”

“Xin ông chớ vội, tạm đây cho tôi nói đôi điều, vả chủ tôi lòng đã chẳng yêu, đem tới chốn quạnh hiu mà bỏ. Nếu ông khiến cháu về đó, khác nào vào miệng rọ chờ ngày, lại thêm đàng sá hiểm gay, tăm tối khốn thay phận gái. Ông đã ra ơn cứu giải, cháu mới khỏi hại khỏi tai, nếu mà ông bỏ lại chốn nầy, thời cháu cũng chẳng toàn thây toàn mạng.Miệng hùm dầu khỏi máng, đói khác rồi đây cũng bỏ mình, vậy xin ông dĩ đước độ sinh, nguyền kết cỏ ngậm vành muôn thuở. Cho cháu theo về ở, tháng ngày hầu đỡ tay chưng, cha con vui thú núi rừng, dầu khó đói cũng chẳng sờn tấc dạ. Nếu mà ông khiến phân hai ngả, biết làm sao nghĩa trả ơn đền, thà hồn tôi xuống chốn cửu tuyền, hơn là sống ưu phiền ngày tháng.”

Tiều lão lòng không đành đoạn, bởi nghe nàng phân cạn sự tình, mới nói: “Vậy thì thôi khá theo ta về chốn gia đình, tối rồi, cọp nhiều lắm, lanh mắt giữ gìn cho lắm.”

Về tới thấy liều tranh một tấm, trước sau hoa rậm cỏ xanh, đôi ba cội liễu xũ nhành, năm bảy gốc tùng khoe bóng. Xem cũng dường tiên động, nhìn chẳng giống phàm trần, coi khác cảnh am vân, nhắm tợ miền tự tại; nghe suối chảy nước reo như đờn khảy, lóng chim kêu tiếng đỗ tợ ca ngâm, trong truông cây tượng hét gầm, ngoài cửa cọp beo giỡn chạy.

Cơm nước xong ngồi lại, thị Hoa mới hỏi tới sự nhà: “Chẳng hay dưỡng mẫu tại hà, chẳng thấy vào ra sau trước?”

Tiều rằng: ‘Phận ta đành vô phước, vợ nhà đà dõi bước diêm đài, không gái cũng không trai, một mình chịu tháng ngày hiu quạnh. Lộc rừng hai vai gánh, đem đổi bánh đổi tiền, không ưa cuộc trần duyên, yêu mến miền cực lạc.”

Thị Hoa nghe nói dường như một giấc chiêm bao thoát hoát, chẳng còn trông khoái lạc hồng tần, từ đây đã an thân, lo việc đền ơn đáp ngãi.

Ngày kia, tiều lão đang ngồi, vùng kêu thị Hoa mà bảo rằng: “Từ ngày con về ở cùng cha tới nay tính đã gần năm tháng, vậy thì nay con mau sắm sửa về thăm chủ đôi ngày, rồi con sẽ trở lên chẳng nên quên ơn nghĩa.”

Thị Hoa nghe nói mầng lòng, vì có ý đó đã lâu mà không dám nói. Nay nghe cha bảo, khoái chí vô cùng, quyết về tới gia trung, thăm việc kiết hung cho biết. Bấy lâu lòng thiết thiết, nhớ chủ biết bao là, lo cho Ái Nhơn kiết thiểu hung đa, vì cách bức mà ra phụ bạc.

Quảng cáo
Trước /44 Sau
Theo Dõi Bình Luận
Ta Có Thể Là Một Đại Nhân Vật

Copyright © 2022 - MTruyện.net